Ai Che Lưng Cho Bạn

Tại sao chúng ta cần phao cứu sinh?



Mỗi chúng ta là một người bán hàng, một nhà lãnh đạo, một chủ doanh nghiệp, đang đi tìm câu trả lời. Tất cả chúng ta đều làm việc cật lực trong công việc và sự nghiệp của mình – tôi muốn nói đến cả những bậc cha mẹ phải ở nhà để chăm sóc con cái. Chúng ta đều là những người chủ doanh nghiệp cho những ý tưởng của riêng mình, bất kể chúng ta có công ty riêng hay đi làm thuê cho người khác. Chúng ta đều là nhà lãnh đạo trong cuộc đời mình – đối với đồng nghiệp, đối với nhân viên, đối với con cái, và trong cộng đồng. Mỗi chúng ta là một người bán hàng, chào bán bản thân và những ý kiến của mình, nếu không phải là các sản phẩm hay dịch vụ của công ty. Và hầu hết chúng ta đều gặp phải những vấn đề cá nhân hay công việc quá lớn không thể tự mình giải quyết. Nếu chúng ta muốn thành công như mong đợi của mình, chúng ta sẽ cần đến sự giúp đỡ của nhiều người khác.

Vì vậy cho dù bạn có đang điều hành một đất nước, một doanh nghiệp, hay một gia đình, bạn cũng không thể biết hết tất cả những gì cần phải biết để thành công – không ai có thể làm được điều này. Chúng ta cần lời khuyên và nhận xét từ những người chúng ta tin cậy. Đó là lý do vì sao các bà mẹ theo trực giác sẽ tìm đến những bà mẹ khác để xin lời khuyên về trường học hay tìm bác sĩ cho con. Đó là lý do vì sao các bậc cha mẹ trao đổi với nhau về trường học, về chương trình học, về các hoạt động cho học sinh, về các hoạt động xã hội, làm quen, về các cô chiêu cậu ấm, và vân vân. Đó là lý do vì sao những đội ngũ thành công nhất luôn đạt được nhiều hơn những giấc mơ hão huyền của từng cá nhân. Đó là lý do vì sao các vị tổng thống tạo ra “hội đồng tư vấn”. Nhờ cậy và nối kết với người khác hiện nay chưa được đưa vào chương trình học của đa số các trường kinh doanh. Nhưng rồi ngày đó sẽ đến.

Dưới đây là tám điều rất rõ ràng đối với tôi:

1. Tập huấn về cuộc sống, mặc dù nghe hơi hướm mờ mờ ảo ảo, nhưng đóng góp lớn lao nhiều hơn là chỉ để bị chê bai trên các phương tiện truyền thông khắp nơi. Nếu bỏ qua sự dè dặt thiếu thiện chí thì bạn sẽ thấy đây là một thị trường trị giá 3 tỉ đô la, với rất nhiều nhà tập huấn về lãnh đạo, về cuộc sống, và nghề nghiệp. Và nó đang tăng trưởng với mức độ chóng mặt là 25% mỗi năm! Một ngành công nghiệp đồ sộ đã xuất hiện đột ngột để trám một chỗ trống trong mối quan hệ. Là một xã hội, chúng ta luôn kêu ca đòi hỏi phải có thêm nhiều quan hệ cộng đồng, thêm sự giúp đỡ, thêm lời khuyên và sự hỗ trợ. Là một cá nhân, chúng ta tìm kiếm mối quan hệ cứu sinh bất cứ nơi nào có thể, cho dù đôi khi chúng ta phải chi tiền để mua. Đây là một vấn đề sẽ không bao giờ biến mất.

2. Đa số các tổ chức bị bao vây trong thực tiễn và hiện tại. Và hiện trạng của họ thường là một cơ cấu tổ chức theo cấp bậc với giao tiếp đi từ trên xuống theo một đường thẳng một chiều, từ cấp lãnh đạo xuống đến nhân viên. Nhưng giao tiếp thật sự và thẳng thắn – mối giao tiếp làm phát sinh các mối quan hệ cởi mở và chân thành – không thể nào diễn ra trong một môi trường giao tiếp một chiều như vậy.

Các mệnh lệnh truyền đạt từ trên xuống có thể thích hợp khi nhân viên được xem là các đinh ốc bù-loong trong nhà máy và làm việc phục vụ năng suất mà thôi. Nhưng đa số chúng ta ngày nay không còn làm những công việc kiểu máy móc như thế. Trong thời đại thông tin, thành công không đòi hỏi năng suất mà là hiệu quả – điều này nghĩa là cần có khả năng chọn đúng việc cần làm, hơn là chỉ làm tốt bất cứ công việc nào.

Những người đã tạo dựng được các mối quan hệ sâu sắc, thân thiết sẽ nhận được những phản hồi, nhận xét, quan điểm là máu thịt tạo nên một người biết ra quyết định hiệu quả. Bạn càng giỏi xây dựng những mối quan hệ theo kiểu này, bạn càng có cơ hội làm tốt công việc của mình, và bạn sẽ mang đến nhiều giá trị hơn, bất kể trong hay ngoài tổ chức.

3. Một cơn địa chấn hiện đang diễn ra khi mà những cá nhân đầy nhiệt huyết, được công nghệ hỗ trợ, cùng hợp lực với nhau tạo dựng những “bộ tộc” có khả năng giải quyết tất cả các thể loại dự án. Internet là công cụ giúp mọi người chia sẻ và hợp tác trên toàn thế giới.

Nhìn vào bất cứ đâu bạn cũng có thể thấy những người có cùng mối quan tâm tụ họp lại với nhau để cùng làm việc, tạo ra sự thay đổi, và hành động. Tiềm năng thay đổi nơi làm việc, thay đổi xã hội và nền kinh tế là vô cùng lớn. Và những người có khả năng đóng góp lớn lao nhất chính là những người với những kỹ năng và hành vi mà tôi đề cập đến trong quyển sách này.

4. 4. Internet là một công cụ quan trọng, nhưng nó không phải là câu trả lời. Hiện nay có hàng loạt những trang web mới ra đời để giúp mọi người kết nối. Ning, Meetup, Twitter, LinkedIn, Facebook… danh sách này còn rất dài. Có hàng trăm cách để liên kết và hợp tác với nhau, nhưng “kết nối” chưa phải là phao cứu sinh. Trong thế giới ảo, chúng ta có nhiều bạn chưa từng thấy, nhưng chúng ta vẫn cô đơn. Năm 1985, một người Mỹ trung bình có khoảng ba người để tâm sự những vấn đề quan trọng; theo kết quả của cuộc điều tra năm 2006 được đăng trên tạp chí American Sociological Review, con số này đã rớt xuống còn hai. Hơn 25% người Mỹ thừa nhận họ không có ai để tâm sự.
5. Trong tình hình thiếu vắng các quản lý trực tiếp đạt hiệu quả và có tài năng hiện nay tại các công ty, những người thành công nổi bật lên trong môi trường đầy thử thách là những nhà lãnh đạo, nhà quản lý, và nhân viên tích cực tìm kiếm người để phản hồi, huấn luyện, ủng hộ và buộc họ phải có trách nhiệm. Họ cũng sẽ giúp cho các công ty tiết kiệm được thời gian và tiền bạc vì họ hiểu biết hơn, thông thoáng hơn, làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn. Người làm phao cứu sinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro và nói chuyện thẳng thắn với nhau, cung cấp nguồn trao đổi sáng tạo từ đó nảy sinh những ý tưởng mới.

6. Đa số mọi người hiện nay tìm đến công việc không chỉ vì tiền lương. Đa số chúng ta muốn nhận được nhiều hơn thế nữa từ cuộc sống. Một điều chưa hề có tiền lệ trong lịch sử là chúng ta đang tìm kiếm ý nghĩa công việc của mình một cách nghiêm túc hơn.

Xây dựng các mối quan hệ cứu sinh chính là cách dễ dàng và hiệu quả nhất để tìm ý nghĩa trong công việc, nhận được niềm vui từ công việc. Trong quyển sách Vital Friends, tác giả Tom Rath đã trích dẫn nghiên cứu của Tổ chức Gallup cho thấy những người có bạn thân thường cảm thấy gắn bó với công việc cao gấp bảy lần. Đúng thế – bảy lần. Những người này không chỉ vui vẻ, có nhiều khả năng sáng tạo, chấp nhận rủi ro, hợp tác và chia sẻ những ý tưởng táo bạo, mà ngay cả đến khách hàng của họ cũng rất gắn bó. Thực tế nếu bạn có những người bạn thân mà bạn kính trọng tại nơi làm việc, mức độ hài lòng trong công việc của bạn sẽ tăng lên 50% (bạn sẽ hạnh phúc hơn với cùng những phúc lợi và tiền lương nhận được).

Điều này cũng rất tốt cho nhà tuyển dụng. Một cuộc nghiên cứu trên 55 nhóm làm việc toàn cầu có hiệu quả cao tại 15 công ty toàn cầu được thực hiện năm 2007 cho một bài báo trên tạp chí Harvard Business Review mang tên “Eight Ways to Build Collaborative Teams” cho thấy những mối quan hệ xã hội khắng khít chính là dấu hiệu dự báo thành công của nhóm. Yếu tố thứ hai là gì? Đó là nỗ lực chính thức để củng cố mối quan hệ, và nhà lãnh đạo dành thời gian đầu tư xây dựng mối quan hệ vững chắc với các thành viên trong nhóm.

Thế nhưng đến thời điểm này thì các công ty vẫn còn dành rất ít nỗ lực để thúc đẩy những dạng tình bạn hay mối quan hệ kiểu này. Mỗi một công ty như thế chính là một bộ tộc đang chờ đợi, một nhóm người đang háo hức được biến đổi thông qua một vài mối quan hệ cứu sinh.

7. Đối với kinh doanh, một ý tưởng thường không được xem xét nếu nó không mang lại lợi ích tài chính. Tuy nhiên vẫn có một vài công ty cấp tiến đã chính thức khuyến khích nhân viên thiết lập những mối quan hệ cứu sinh, như tôi sẽ đề cập sau. Đối với những công ty còn lại, sự lơ là khiến họ phải trả giá: Theo một nghiên cứu năm 2004 của Deloitte Research (nhóm này do tôi thành lập khi tôi còn làm việc tại đây), chi phí hàng năm tác động lên công ty do nhân viên vỡ mộng tại Mỹ là một con số lớn đến kinh ngạc: 350 tỉ đô la, và gần 500 tỉ đô la trên toàn cầu. Các công ty Mỹ phải đầu tư 50 tỉ đô la hàng năm để huấn luyện về kỹ năng lãnh đạo. Một báo cáo của công ty tư vấn Booz Allen Hamilton (hiện nay là Booz & Company) tóm tắt tình trạng như sau: Lãnh đạo cấp cao trong mọi ngành nghề, mọi khu vực địa lý đều ca thán về tình trạng không thể thực thi của các tổ chức. Khi công ty tăng trưởng về quy mô và phạm vi trong một môi trường toàn cầu và đòi hỏi của những bên liên quan ngày càng cao, chi phí do phức tạp hóa ngày càng tăng, và khả năng định hướng và điều chỉnh ngày càng giảm.

Nói cách khác, chi phí huấn luyện kỹ năng lãnh đạo không thấm vào đâu so với nguy cơ thua lỗ; tỉ lệ này là 1:7. Điều này càng củng cố ý kiến của tôi cho rằng đa số các chương trình huấn luyện kỹ năng lãnh đạo đều không đạt yêu cầu. Theo trích dẫn từ quyển sách Vital Friends của Tom Rath, chỉ có 18% nhân viên được làm việc trong các tổ chức cung cấp cơ hội giao lưu kết bạn tại nơi làm việc. Thực tế nhiều công ty còn cấm đoán chương trình này. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã thiết kế một bảng quy định chính thức hướng dẫn thực hiện việc này.

Một vài công ty chủ động đưa ra những quy định cụ thể cấm đoán nhân viên kết thân với nhau. Nhưng đa số các công ty vô tình làm giảm khả năng làm việc nhóm và hỗ trợ lẫn nhau với những chính sách sai lầm của mình. Và những công ty hay cá nhân nào chống đối sự hỗ trợ lẫn nhau thật sự đang đi ngược lại tinh hoa của các nghiên cứu – và ngược lại trực giác.

8. Và cuối cùng, các bà mẹ vẫn là người biết rõ nhất! Khi tôi và nhân viên đi sâu vào nghiên cứu về vấn đề nhóm hỗ trợ đồng đẳng, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của nó ở khắp mọi nơi. Hội đồng tư vấn của FDR hay JFK, các nhóm hỗ trợ họp mặt trong tầng hầm nhà thờ, hay huyền thoại về những ông chủ thành công và nhóm làm việc hiệu quả của họ đăng trên bìa các tạp chí toàn quốc đều là những ví dụ về các nhóm chia sẻ lời khuyên và sự hỗ trợ để giúp nâng cao đời sống của người khác, từng ngày qua ngày.

Tôi còn nhớ nhóm chơi bài của mẹ tôi khi còn sống ở Latrobe. Nhóm này ban đầu có tám phụ nữ gặp gỡ định kỳ hàng tháng; và trong suốt 43 năm qua họ đã chia sẻ với nhau những giấc mơ dành cho gia đình, chia sẻ niềm vui và những khó khăn trong hôn nhân, sự vất vả để nuôi sống gia đình. Khi tôi gọi điện cho mẹ và hỏi thăm bà về nhóm này, bà kể với tôi rằng họ mới vừa chia sẻ với nhau sự bất bình khi lõi cuộn giấy vệ sinh cứ ngày một to dần ra – nói chung không phải là một chủ đề mà tôi trông đợi!

Dĩ nhiên họ làm được nhiều thứ cho nhau hơn là đồng cảm về giá của mấy cuộn giấy vệ sinh. Những người phụ nữ này giúp đỡ nhau vượt qua căn bệnh ung thư, bệnh đột qụy, sự ra đi của hai thành viên, Cô Rita và Cô Ruth, chia sẻ và đón nhận tình cảm, sự hỗ trợ cho nhau quanh chiếc bàn chơi bài. Tôi có thể nói với bạn rằng tôi rất mừng vì mẹ tôi có được một nhóm ăn ý như vậy trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi cha tôi mất đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.