Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 13: TAI NẠN



Ai cũng từng có lúc nghĩ về cú rơi khủng khiếp. Chiếc xe hơi to tướng trật bánh rồi cứ thế bắt đầu chúi đầu xuống, thoạt tiên thì chậm, sau, có lẽ, nhanh dần lên, những con người bất hạnh ở trong đó bị treo lơ lủng trên miệng vực một lúc và gào thét điên loạn. Ai cũng có thể hình dung ra cảnh ấy dễ dàng, và một số người, trong cơn mê, sẽ còn cảm giác được phần đầu của cú rơi cũng như quãng thời gian chờ đợi chạm đất. Nhưng đấy là vì họ có thời gian để suy nghĩ kỹ càng, họ mô phỏng sự việc, nhấm nháp nỗi sợ; khi đang rơi họ lại ngừng giữa chừng để suy nghĩ tiếp về cú rơi ấy. Một hôm, có người phụ nữ bảo tôi: “Đằng nào thì cũng phải chết thôi, thế mà tôi vẫn sợ đủ mọi thứ trên đời.” Thật may mắn là lực của vạn vật khi đã chi phối chúng ta thì không để cho ta rảnh rang, chuỗi khoảnh khắc coi như bị phá vỡ, sự đau đớn tột cùng cũng chỉ còn là chút bụi của đớn đau, mơ hồ. Nỗi kinh hoàng làm ta buồn ngủ. Chất cloroform[21] cơ hồ chỉ ru ngủ được thượng tầng của tư duy, tập hợp các bộ phận khác trong cơ thể thì sôi sục hoạt động, rộn ràng và đau đớn cho chính nó, nhưng đó chưa phải là tổng tuyệt đối. Mọi nỗi đau đớn đều muốn được chiêm ngưỡng, nếu không thì người ta sẽ hoàn toàn không cảm nhận được chúng. Cơn đau chỉ kéo dài một phần nghìn giây và bị quên đi ngay thì còn gì là cơn đau nữa? Muốn có một cơn đau, chẳng hạn như đau răng, ta phải phán đoán, phải chờ đợi, phải vạch ra một khoảng thời gian nào đó trước và sau hiện tại, chỉ mỗi hiện tại là coi như không. Chúng ta e sợ nhiều hơn là đau khổ.
Lời nhận xét ở trên chính là lời an ủi đích thực, nó dựa trên một sự phân tích chính xác về ý thức. Nhưng trí tưởng tượng lại rất to mồm, thú vui của nó là gây ra sự kinh hoàng. Ta cần có chút kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm thì đâu hẳn là thiếu. Một hôm, ở nhà hát, tôi bị kéo tuột khỏi ghế hơn mười mét trong một cơn hoảng loạn chớp nhoáng, chỉ vì mùi khét đã làm ai đó bỏ chạy để rồi những người khác bắt chước chạy theo. Còn gì kinh hoàng hơn là bị kẹt giữa dòng người, bị kéo đi mà chẳng biết là đi đâu, cũng chẳng biết tại sao? Nhưng tôi không biết gì về nỗi kinh hoàng ấy, lúc đó cũng không, sau này nghĩ lại cũng không. Chỉ đơn giản là tôi đã bị kéo đi và, vì chẳng phải nghiền ngẫm điều gì, thành thử tôi chẳng hề suy nghĩ. Sự dự liệu, ký ức, tất cả cùng thiếu vắng; vậy nên chẳng còn tri giác lẫn cảm xúc nữa, mà chỉ là một sự tê liệt trong vòng vài giây.
Vào cái đêm tôi lên đường ra trận, trong toa tàu buồn thảm đầy ắp những tiếng rì rầm, những câu chuyện say mê và những hình ảnh điên khùng ấy, những ý nghĩ không mấy dễ chịu đã xâm chiếm đầu óc tôi. Trong toa có vài kẻ chạy trốn khỏi Charleroi[22], họ bây giờ thoải mái sợ hãi. Không những thế, trong góc của toa tàu còn có một người trông như một cái xác chết nhợt nhạt, đầu quấn băng. Cảnh tượng này cho ta hiện thực về bức tranh đáng sợ của cuộc chiến. “Chúng tràn về phía chúng tôi”, người kể chuyện cất tiếng, “đông như kiến; chúng tôi có bắn rát đến đâu cũng chẳng ăn thua gì.” Những tưởng tượng bắt đầu chạy tán loạn. Thật may mắn là xác chết lên tiếng, nó kể cho chúng tôi biết nó đã bị giết ở Alsace[23] như thế nào, sau khi dính một miếng đạn pháo đằng sau mang tai; thảm họa không còn nằm trong tưởng tượng nữa, mà rất thực. “Chúng tôi bỏ chạy nấp dưới lá rừng”, cái xác nói, “Tôi thoát được ra khỏi chỗ đó, nhưng kể từ đấy thì tôi chẳng biết nói gì nữa; cứ như thể không khí thoáng đãng đột nhiên làm tôi thiếp đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Người ta bảo vừa khều từ trong đầu tôi ra một miếng đạn to cỡ ngón tay cái.” Vậy là tôi đã bị dẫn dắt từ những khốn khổ tưởng tượng sang những khốn khổ có thực bởi cái tay Er[24] vừa thoát khỏi địa ngục này; và tôi ngờ rằng suy nghĩ lệch lạc chính là những nỗi khốn khổ lớn nhất. Tuy nhiên có nhận ra điều này thì tôi cũng không thể ngăn mình tưởng tượng cái âm thanh khủng khiếp của viên đạn găm vào người và tiếng xương vỡ vụn. Nhưng có thể hiểu rằng ta không bao giờ hình dung nỗi sự khốn khổ như những gì xảy ra trong thực tế đã là một cái gì đó có ý nghĩa rồi.
22 tháng tám 1923
Chú thích:
[21] Một hợp chất hữu cơ được dùng làm chất gây mê trong phẫu thuật vào đầu thế kỷ XX tại Hoa Kỳ, nhưng sau đó bị cấm sử dụng vì tính độc cao.
[22] Thành phố thuộc bang Wallonie, Vương Quốc Bỉ.
[23] Tỉnh phía Đông Bắc nước Pháp, nằm giáp với nước Đức, là nơi xảy ra rất nhiều tranh chấp biên giói trong lịch sử, có một số quâng thời gian thuộc lãnh thổ nước Đức.
[24] Theo Alain, đây là một nhân vật do Platon tạo ra (xem thêm bài 31. Trên đồng cỏ lớn)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.