Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 22: ĐỊNH MỆNH



Chúng ta không biết cách khởi đầu, thậm chí ngay cả trong động tác duỗi tay; chẳng ai có thể khởi đầu bằng cách ra lệnh cho thần kinh hay cơ bắp. Cử động bắt đầu do chính nó, việc của chúng ta là đi theo mà hoàn thành cử động ấy sao cho thật tốt. Như vậy, mặc dù không được quyết định, chúng ta vẫn luôn luôn lèo lái. Giống như người xà ích điều khiển một con ngựa hung hăng, thực ra anh ta chỉ có thể điều khiển những con ngựa hung hăng theo cái cách mà người ta gọi là khởi hành: con ngựa sực tỉnh và nhảy chồm lên còn người xà ích thì định hướng cho cú nhảy đó. Cũng giống như một con thuyền không có xung lượng thì sẽ không tuân lời bánh lái. Nói tóm lại, phải khởi hành dẫu là bằng cách nào, rồi mới tự hỏi rằng ta sẽ đi về đâu.
Ai đã từng lựa chọn nào, tôi đặt ra câu hỏi ấy. Chẳng ai từng lựa chọn cả vì tất cả chúng ta trước tiên đều là trẻ con. Chẳng ai từng lựa chọn, ai cũng làm trước đã, vì thế mà thiên hướng sinh ra từ tự nhiên và hoàn cảnh. Chính bởi vì vậy mà người nào suy nghĩ kỹ càng thì không bao giờ ra quyết định cả. Chẳng có gì lố bịch hơn cái bài phân tích kiểu nhà trường mà trong đó người ta cân đong đo đếm các nguyên do và động cơ, theo cái cách mà một câu chuyện huyền thoại trừu tượng sặc mùi chuyên gia ngữ pháp kể cho ta chuyện chàng Hercule[36] lựa chọn giữa thói xấu và đức hạnh. Không ai lựa chọn cả; mọi người đều bước đi và mọi con đường đều tốt đẹp. Theo tôi, nghệ thuật sống trước hết đồng nghĩa với việc không bao giờ cãi cọ với bản thân mình về những gì mình đã chọn cũng như về nghề nghiệp mình đang làm. Cái đáng quan tâm là làm sao để thật thạo nghề. Chúng ta muốn coi những lựa chọn ấy, những lựa chọn mà chúng ta đã không chọn, là định mệnh. Nhưng những lựa chọn ấy không hề buộc chúng ta vào với chúng, vì làm gì có lô nào quá tồi tệ, lô nào cũng tốt nếu ta muốn làm cho nó tốt. Không gì thể hiện sự yếu đuối rõ hơn việc tranh cãi về bản tính của chính mình, không ai có lựa chọn, nhưng bản tính đủ phong phú để thỏa mãn những người nhiều tham vọng nhất. Biến điều tất yếu thành đức hạnh là công việc đẹp đẽ và vĩ đại.
“Chà, còn cái gì mà tôi chưa học nào?” Đó là lời biện bạch của kẻ lười biếng. Học đi nào! Tôi không thấy cái chuyện anh đã từng học tập có gì to tát, nếu như anh không chịu học thêm nữa. Tính sổ với quá khứ cũng điên rồ ngang với việc phàn nàn về quá khứ. Trong số những gì đã làm xong, không gì đẹp đến độ ta có thể ngơi nghỉ ở đó, không gì xấu xí đến nỗi không thể cứu vãn được. Thậm chí tôi sẵn sàng tin rằng vận lành còn khó theo đuổi hơn là vận hung. Nếu được các bà tiên trang hoàng cái nôi của mình, bạn hãy nghi ngờ. Điều tôi thấy đẹp trong một bức tranh của Michel-Ange[37] là niềm mong muốn mãnh liệt tóm bắt lại những thiên bẩm tự nhiên, và biến một cuộc đời dễ dàng thành một cuộc đời khó khăn. Con người không khoan nhượng này đi đến trường cố học thêm điều gì đó khi tóc đã bạc trắng. Câu chuyện này cho những kẻ thiếu quyết tâm thấy rằng đã muốn thì chẳng bao giờ là muộn. Người thủy thủ có thể sẽ cười bạn nếu bạn nói với anh ta rằng toàn bộ hành trình phụ thuộc vào cú xoay bánh lái đầu tiên. Thế nhưng đó lại chính là cái mà người ta muốn làm cho bọn trẻ con tin, nhưng rất may là chúng chẳng để ý đến, tuy nhiên chúng vẫn sẽ để ý đến điều đó quá nhiều nếu trong đầu chúng hình thành cái ý tưởng siêu hình theo đó toàn bộ cuộc sống chỉ phụ thuộc vào mấy điều sơ khởi. Ý tưởng tai hại này khiến chúng chẳng thay đổi mấy khi còn nhỏ và sau này sẽ làm hại chúng, đó là cái cớ mà kẻ yếu đuối viện vào để biến mình thành những kẻ yếu đuối. Định mệnh chính là cái đầu của quái vật Méduse[38].
12 tháng mười hai 1922
Chú thích:
[36] Nhân vật anh hùng, lập được nhiều chiến công phi thường trong thần thoại Hy Lạp.
[37] Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564), tên thường gọi là Michelangelo, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kĩ sư thời Phục hưng của Ý.
[38] Con quái vật nhà Gorgone trong thần thoại Hy Lạp, có cái đầu xấu xí khủng khiếp, mái tóc được lũ rắn kết thành và đặc biệt là ánh mắt làm hóa đá những ai lỡ nhìn thấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.