Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 47: ARISTOTE



Làm việc, chứ không phải chịu đựng, mới là cơ sở để được dễ chịu. Nhưng vì kẹo có thể mang đến một niềm sảng khoái nho nhỏ mà người ta chỉ việc ngậm cho tan dần, không cần làm gì khác, nên nhiều người muốn nhấm nháp niềm hạnh phúc theo cách này, và họ đã nhầm. Người ta ít khi thấy sảng khoái với âm nhạc nếu họ chỉ dừng lại ở việc nghe mà không hát lên, điều này làm một người tài giỏi nói rằng anh ta hưởng thụ âm nhạc bằng cổ họng, chứ không phải bằng đôi tai. Ngay cả niềm sảng khoái từ những bức họa đẹp cũng là niềm sảng khoái của việc nghỉ ngơi, và không thể nào đủ sức thỏa mãn nếu người ta không chính tay vẽ nguệch ngoạc, hoặc không đi sưu tầm; không chỉ là đánh giá mà còn là tìm kiếm và chinh phục. Người ta đi xem kịch và buồn chán hơn mức người ta muốn thổ lộ; cần phải sáng tạo, hoặc ít nhất là được đóng vai, đó vẫn còn là sáng tạo. Ai cũng nhớ những hài kịch về đời sống, nơi những diễn viên có được sự thỏa mãn hoàn toàn. Tôi còn nhớ những tuần lễ hạnh phúc đó khi tôi chỉ nghĩ tới một vở kịch rối; nhưng phải nói rằng kẻ cho vay nặng lãi, anh quân nhân, cô gái nhẹ dạ và bà già, tôi đã gọt đẽo nên họ từ chỗ không có gì, bằng chính con dao của mình; những người khác mặc đồ cho họ; tôi không biết gì từ phía khán giả; chuyện bình phẩm để mặc họ, đó chỉ là niềm vui nho nhỏ, nhưng cũng là niềm vui vì một chút sáng tạo mà họ đã làm. Những người chơi bài thường liên tục sáng tạo và điều chỉnh chuỗi các nước cờ. Đừng hỏi một người không biết chơi bài là anh ta có thích chơi bài hay không. Chính trị không còn buồn chán ngay khi người ta bắt đầu biết chơi; nhưng cần phải học chơi đã. Điều đó đúng với mọi thứ; phải học cách sống hạnh phúc.
Người ta nói rằng hạnh phúc luôn chạy trốn chúng ta. Điều đó đúng với những niềm hạnh phúc được ban tặng, vì chẳng có hạnh phúc nào được ban tặng hết. Nhưng hạnh phúc mà chúng ta tự tạo ra thì không làm chúng ta thất vọng. Đó là chuyện học, và người ta lúc nào cũng học. Càng biết nhiều thì người ta càng có thể học nhiều. Từ đó mà có cái khoái cảm trở thành nhà thông thái, một thứ khoái cảm chẳng có điểm dừng, mà còn tăng lên mỗi ngày. Cái khoái cảm trở thành nhạc sĩ cũng vậy. Và Aristote đã nói ra điều kinh ngạc này, rằng nhạc sĩ thực thụ là kẻ thỏa mãn với âm nhạc, và chính trị gia thực sự là chính trị gia cảm thấy thỏa mãn với chính trị. “Những khoái cảm”, ông nói, “là dấu hiệu của sức mạnh.” Lời nói này vang vọng lại với sự hoàn hảo của ngôn từ, sự hoàn hảo đã mang chúng ta vượt khỏi học thuyết cứng nhắc; và nếu chúng ta muốn hiểu kẻ thiên tài xuất chúng này, kẻ nhiều lần bị chối bỏ nhưng đều không thành này, chúng ta phải nhìn ngay tại đây. Dấu hiệu của tiến bộ thực sự trong tất cả các hành động là niềm khoái cảm mà người ta biết nhận được từ hành động đó. Do đó, người ta thấy rằng lao động là điều thú vị duy nhất, và chỉ như vậy là đủ. Tôi muốn nói tới lao động tự do, cái vừa là hệ quả của sức mạnh vừa là ngọn nguồn của sức mạnh. Một lần nữa, đừng chịu đựng mà hãy hành động.
Ai cũng từng thấy những người thợ xây mải miết dựng nên một căn nhà nhỏ. Phải xem cách họ lựa từng viên đá. Niềm vui thú này có ở mọi nghề, vì người công nhân luôn sáng tạo và học hỏi. Thế nhưng, cái hoàn hảo mang tính máy móc không chỉ mang lại nỗi buồn chán, mà còn mang lại cả một đống bộn bề khi người công nhân không hòa mình vào công việc, và luôn luôn bắt đầu đi bắt đầu lại, không sở hữu những gì anh ta đã làm, thậm chí không dùng nó để mà học hỏi nữa. Ngược lại, các công việc liền mạch, việc này dẫn đến việc khác, là những thứ tạo nên niềm hạnh phúc cho người nông dân, tôi muốn nói tới người nông dân tự do và được làm chủ. Xua nay ai ai cũng um sùm chống lại những niềm hạnh phúc vốn tốn quá nhiều công sức này, và cũng chỉ vì cái ý tưởng tai hại rằng người ta có thể tận hưởng niềm hạnh phúc được ban tặng. Bởi vì, mệt nhọc là tốt, như Diogène hình như từng nói, nhưng đầu óc không bằng lòng chấp nhận sự mâu thuẫn này. Nó sẽ phải vượt qua sự mâu thuẫn này và phải, thêm một lần nữa, tìm ra sự hứng khởi khi tư duy về chính nỗi cực nhọc đó.
15 tháng chín 1924

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.