Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 5: CHỨNG PHIỀN MUỘN



Cách đây ít lâu, tôi có gặp một người bạn bị sỏi thận, tâm trạng của anh ta khá là u ám. Ai cũng biết rằng bệnh tật làm ta buồn bã. Khi tôi nói với anh điều đó, anh đồng ý ngay. Tôi bèn bảo anh: “Bởi vì anh đã biết căn bệnh này làm mình rầu rĩ nên anh chẳng việc gì phải ngạc nhiên khi mình buồn, cũng chẳng việc gì phải lấy đó làm buồn.” Lập luận hay ho này cho anh ta một dịp cười sảng khoái, và chỉ thế đã là một kết quả không nhỏ. Thực ra, dưới cái cách bông lơn này, tôi đã biểu đạt được một cái gì quan trọng, nhưng lại rất ít khi được những con người bất hạnh để ý đến.
Nỗi buồn sâu sắc luôn luôn là hệ quả của một trạng thái bệnh lý. Chừng nào một sự sầu muộn còn chưa thành bệnh lý thì nó còn để cho ta yên, những khoảnh khắc yên ổn ấy có nhiều hơn ta tưởng. Bản thân ý nghĩ về nỗi bất hạnh làm ta ngạc nhiên nhiều hơn là đau đớn, chừng nào mà sự mệt mỏi, hay một viên sỏi lẩn quất ở đâu đó, còn chưa làm đầu óc ta trở nên trầm uất. Phần lớn người ta chối bỏ điều này và cho rằng bên trong nỗi bất hạnh, cái làm họ đau khổ chính là cái ý nghĩ về sự bất hạnh. Nhưng phải thừa nhận rằng khi ta đã thực sự bất hạnh, khó mà không cảm thấy một số hình ảnh trong tâm trí ta như thể tự nhiên mọc ra gai vuốt, và chỉ ngần ấy thứ thôi đã đủ sức hành hạ ta rồi.
Để ý tới những người được coi là mắc chứng phiền muộn, ta sẽ thấy họ luôn biết cách tìm ra lý do để mà buồn trong bất kỳ ý nghĩ nào. Mọi lời nói đều làm họ tổn thương. Khi bạn tỏ ra ái ngại, họ sẽ cảm thấy mình bị hạ nhục và bất hạnh hết thuốc chữa. Còn nếu bạn không tỏ ra ái ngại, họ sẽ tự nhủ rằng mình không còn ai làm bạn bè nữa, rằng mình hoàn toàn đơn độc giữa cuộc đời. Những xáo động trong suy nghĩ chỉ nhằm nhắc lại cho họ về cái trạng thái khó chịu mà bệnh tật đang kiềm tỏa họ. Vào lúc mà họ tự luận chống lại mình, vào lúc mà họ cảm thấy bị đè bẹp bởi những lý lẽ dường như đủ lớn lao cho một nỗi buồn vĩnh cửu, họ nhấm nháp nỗi buồn của chính mình, như một người sành ăn thưởng thức một món ngon. Người mắc chứng phiền muộn đem đến cho ta hình ảnh phóng to của một con người khốn khổ. Hiển nhiên ở trong họ nỗi buồn chính là cơn bệnh, cái đó thực ra đúng với bất kỳ ai. Chính sự suy diễn làm ta đau hơn nỗi đau, giống như khi tay ta không ngừng táy máy vọc vào vết thương còn chưa lành của mình.
Đây là một bệnh thần kinh có đủ sức đẩy cảm xúc lên thành cơn cuồng nộ. Ta thoát khỏi nó bằng cách tự nhủ rằng nỗi buồn cũng chỉ là một loại bệnh, ta chịu đựng nó như chịu đựng bệnh tật, chứ không cần đến quá nhiều lý lẽ. Nhờ thế mà ta giải tán được cả bè lũ những lời chua cay, ta sẽ coi nỗi buồn của mình như một cơn đau bụng, ta sẽ đắm mình vào một nỗi phiền muộn câm lặng, một dạng ngây độn gần như vô thức, ta sẽ ngừng buộc tội và chỉ chịu đựng thôi, nhưng vì thế ta sẽ được ngơi nghỉ, và đấy chính là cách để ta chiến đấu với nỗi buồn. Đấy cũng là mục đích của những lời cầu nguyện. Trước vũ trụ bao la, trước thượng đế toàn tri, trước sự kỳ vĩ bất khả tri, trước công lý không thể xâm phạm, người mộ đạo ngừng suy nghĩ. Tất nhiên, không có lời cầu nguyện nào, dù thành tâm đến đâu, lại có thể mang lại kết quả ngay lập tức. Chiến thắng được sự giận dữ đã là một thành quả rồi. Tự kê cho mình loại thuốc an thần tưởng tượng ấy cũng là một cách thường tình để ta ngừng đếm những bất hạnh của chính mình.
6 tháng hai 1911

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.