Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 73: VUI VẺ



Nếu tình cờ phải viết một bài luận về đạo đức, thì tôi sẽ xếp tính vui vẻ vào vị trí hàng đầu trong các nghĩa vụ. Tôi không biết thể loại tôn giáo kinh khủng nào lại đi dạy rằng đau buồn là vĩ đại và cao đẹp, và rằng nhà thông thái cần phải suy ngẫm về cái chết bằng cách đào huyệt tự chôn mình. Hồi mười tuổi, tôi có đến thăm tu viện La Grande Trappe[88]; tôi đã thấy những huyệt mộ mà mỗi ngày họ khoét một chút, cùng nhà nguyện, chỗ quàn người chết, trong suốt một tuần để răn người sống. Những hình ảnh tang tóc và cái mùi xác chết ấy còn đeo đẳng tôi một thời gian dài; nhưng họ đã muốn chứng tỏ nhiều quá. Tôi không thể nói đích xác mình đã bỏ công giáo vào thời điểm nào, bởi vì tôi quên mất rồi. Nhưng ngay tại thời điểm đó, tôi đã tự nhủ: “Đó không thể là bí mật đích thực của cuộc đời được.” Cả con người tôi vùng lên chống lại đám thầy tu sướt mướt ấy. Và tôi đã tự giải phóng mình khỏi tôn giáo của họ như giải phóng mình khỏi một căn bệnh vậy.
Dầu thế, trong tôi dấu ấn vẫn còn. Như trong tất cả chúng ta. Ta rên rỉ quá dễ dàng và vì những lý do quá lặt vặt. Thậm chí, khi hoàn cảnh giáng xuống một nỗi đau khổ thực thụ, ta cứ tưởng là mình phải biểu lộ nó ra. về vấn đề này, những phán xét sai lệch nặng mùi ông từ[89] còn rất phổ biến. Kẻ biết khóc ra trò sẽ được tha thứ hết. Thế nên cần phải xem người ta diễn những bi kịch nào trên các nấm mồ. Người đọc điếu văn như tan nát cõi lòng, lời nói ứ nghẹn trong cổ họng. Một người thời xưa hẳn sẽ phát thương hại chúng ta. Ông sẽ thảng thốt: “Sao cơ? Thế ra cái người đang nói không phải là người an ủi à. Thế ra đó không phải là người dẫn dắt cho người sống. Đó chỉ là một diễn viên bi kịch; một chủ trò về bi ai và chết chóc.” Thế ông sẽ nghĩ gì về bài Ngày Thịnh Nộ[90] man dại nhỉ? Tôi cho rằng ông sẽ xếp bài thánh ca này vào thể loại bi kịch. “Bởi”, ông sẽ bảo, “chính những lúc đứng ngoài nỗi đau khổ, tôi mới có thể tự tặng cho mình màn trình diễn về những cảm xúc gây suy sụp nặng nề nhất. Khi ấy, đó là một bài học tốt cho tôi. Nhưng ngay khi phải hứng chịu một nỗi đau khổ thực thụ, tôi không có nghĩa vụ nào khác ngoài việc chứng tỏ mình là con người và kiên cường bám trụ vào cuộc sống; tập hợp ý chí và sức sống trong tôi để chống lại vận bĩ, như một chiến binh đương đầu với kẻ thù; và nói về người chết trên tinh thần thân thiện và vui vẻ hết mức trong khả năng của mình. Còn họ, với nỗi tuyệt vọng ấy, họ làm người chết đến đỏ mặt mất thôi, giả như người chết có trông thấy họ.”
Đúng vậy, khi đã gạt bỏ những lời dối trá của các thầy tu, việc của chúng ta là sống sao cho xứng đáng và không tự dằn vặt nữa, rồi nhờ đó thôi dằn vặt người khác bằng những lời xót thương thống thiết. Và tốt hơn nữa, bởi mọi thứ đều có quan hệ với nhau, là để chống lại những nỗi khổ sở nho nhỏ của cuộc đời, không kể lể, không giãi bày về chúng hay phóng đại chúng lên. Tốt với người khác và tốt với chính mình. Giúp người khác sống, tự giúp mình sống, đó mới là lòng nhân ái đúng nghĩa. Lòng tốt là niềm vui. Tình yêu thương là niềm vui.
10 tháng mười 1909
Chú thích:
[88] Tên thường gọi của Tu viện Soligny, thuộc dòng Xi-tô, ở Orne, vùng Hạ Normandie, Tây Bắc nước Pháp.
[89] Người giữ các món đồ thánh (chén rượu, chén bánh, nước rửa tay, khăn lau của linh mục trước khi dâng lễ) sao cho nguyên vẹn, ngoại trừ rượu và bánh sẽ được ban cho tín đồ. Trước Công đồng Vaticano (1960-1963), nước rửa tay của linh mục cũng không được đổ đi.
[90] Nguyên văn tiếng Latinh: Dies Irœ, một bài thánh ca cầu nguyện cho người quá cố là tín đồ Ki-tô giáo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.