Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 86: NGHỆ THUẬT GIỮ GÌN SỨC KHỎE



Nói chung sự cân bằng trong tâm hồn không nhận được phần thưởng từ bên ngoài, nhưng chắc chắn nó có lợi cho sức khỏe. Một người hạnh phúc sẽ buông mình vào quên lãng, rồi vinh quang sẽ tìm đến ông ta bốn mươi năm sau ngày ông ta qua đời. Nhưng để chống lại bệnh tật, cái vốn thiết thân hơn sự ham muốn và cũng đáng sợ hơn nhiều, hạnh phúc là vũ khí sắc bén nhất. Để phản bác lại điều này, con người ủ ê sẽ đáp rằng hạnh phúc là kết quả chứ không phải là nguyên nhân, anh ta đã đơn giản hóa quá mức. Sức mạnh làm người ta thích thể dục, nhưng tự giác thực hành thể dục mang đến cho ta sức mạnh. Tóm lại, chắc chắn có một loại thái độ ruột gan, nếu tôi được phép diễn đạt như thế, nó thúc đẩy tranh đấu và dị hóa, và ngược lại cũng có một loại thái độ làm nghẹt thở và đầu độc người lựa chọn nó. Có lẽ ta không thể thư giãn và xoa bóp nội tạng của chính mình như ta duỗi các ngón tay, nhưng bởi vì niềm vui là một dấu hiệu hiển nhiên của một thái độ ruột gan tốt, nên ta có thể cược rằng mọi ý nghĩ hướng tới niềm vui đều làm tăng cường sức khỏe. Vậy người ta cần phải hồ hởi khi lâm bệnh ư? Bạn bảo thật là phi lý và không thể như thế được. Gượm đã. Người ta đã nói khá nhiều rằng, nếu không tính đến mấy mũi tên, hòn đạn, thì cuộc đời binh nghiệp là tốt cho sức khỏe. Tôi đã có dịp tự mình nhận ra điều ấy, khi trải qua ba năm đời sống chui lủi của loài thỏ hoang, đi dạo lòng vòng trong sương và hễ nghe thấy tiếng động là quay về hang. Ba năm không cảm thấy gì ngoài sự mệt mỏi và thèm ngủ, thế mà còn mang trong người một cái dạ dày thất thường và một căn bệnh chết người có từ hồi hai mươi, như tất cả những ai chỉ biết suy nghĩ chứ không hành động. Có người sẽ vội nói rằng sự sung mãn của cơ thể có được là do không khí thôn quê và đời sống năng động, nhưng tôi lại nhìn thấy những nguyên nhân khác. Một hạ sĩ lục quân, người từng bảo tôi: “Bọn mình còn sợ gì nữa, bọn mình chỉ còn những con lên đồng mà thôi”, một hôm đến hầm trú ẩn của tôi với vẻ mặt ngời ngời hạnh phúc. “Lần này”, anh thông báo, “tớ ốm rồi. Tớ bị sốt; y sĩ bảo tớ thế; ngày mai tớ sẽ khám lại. Có khi là thương hàn đấy; tớ đứng còn không vững này; cảnh vật cứ quay cuồng hết lên. Thế là cuối cùng cũng được vào viện. Sau hai năm rưỡi lội bùn, tớ xứng đáng có được cái may mắn này.” Nhưng tôi thì thấy rõ là chính niềm vui mới chữa lành cho anh ta. Hôm sau, vấn đề không còn là cơn sốt nữa, mà là vượt qua vùng Flirey hoang tàn[100] để hành quân đến một cứ điểm còn tồi tệ hơn.
Bị ốm thì không có lỗi, kỷ luật hay danh dự đều không kết tội nó được. Có người lính nào, giữa những hy vọng phấp phỏng, chưa từng rình rập trong cơ thể mình triệu chứng của một căn bệnh nào đó, kể cả là bệnh chết người đi nữa? Trong những tháng ngày kinh khủng ấy, cuối cùng ai nấy đều nghĩ rằng chết vì bệnh tật thật dễ chịu biết bao. Những ý nghĩ như thế chống lại bệnh tật vô cùng mạnh mẽ. Niềm vui tạo động lực cho cơ thể từ bên trong, và nó làm được điều ấy còn giỏi hơn cả vị bác sĩ giỏi nhất. Ta không còn sợ đổ bệnh nữa, nỗi sợ đó chỉ làm cho mọi thứ trở nên trầm trọng hơn. Nếu đúng như người ta vẫn bảo, những con người cô đơn chờ cái chết như một ân sủng của Chúa, thì tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ sống đến trăm tuổi. Sự bền bỉ mà chúng ta ngưỡng mộ ở các cụ già, khi họ không còn quan tâm đến cái gì nữa, có lẽ xuất phát từ việc họ không còn cảm thấy sợ chết nữa. Hiểu ra điều này luôn có ích, như khi hiểu ra rằng chính cái cơ thể cứng đờ vì sợ hãi ấy mới làm kỵ sĩ ngã ngựa. Sự vô tâm ở đây lại là một mưu kế có tầm vóc và sức mạnh.
28 tháng chín 1921
Chú thích:
[100] Ám chỉ trận đánh Flirey trong Thế chiến thứ nhất, tại đó quân Pháp đã đại bại trước quân Đức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.