Alain Nói Về Hạnh Phúc

CHƯƠNG 9: NỖI KHỔ TINH THẦN



Trí tưởng tượng còn khủng khiếp hơn một tay đao phủ Trung Hoa[17], nó đong đếm nỗi sợ, nó bắt chúng ta nhấm nháp nỗi sợ như nếm một món ăn ngon. Một thảm họa có thực không bao giờ xảy ra hai lần, thảm họa ấy nghiền nát nạn nhân, người mà mới đó thôi còn giống hệt chúng ta, và không mảy may nghĩ tới thảm họa. Một người đang đi dạo bị xe húc phải, bắn xa hai mươi mét và chết ngay. Tai họa đã kết thúc, nó không bắt đầu, cũng không kéo dài, thời lượng của nó chỉ tồn tại trong tư duy của chúng ta mà thôi.
Vì vậy khi nghĩ đến tai nạn, tôi sẽ đánh giá nó không đúng. Tôi đánh giá nó như một người lúc nào cũng sắp bị xe cán, dù rằng chuyện ấy sẽ không xảy ra. Tôi tưởng tượng ra chiếc xe đang đi tới, trong thực tế, tôi sẽ thoát thân nếu nhận ra cái xe, nhưng tôi lại không thoát thân nổi vì tôi đã đặt sẵn mình vào vị trí của người bị xe cán. Tôi hình dung về việc mình bị xe cán như thể nó xảy ra trong phim, một cảnh quay chậm, thậm chí đôi lúc hình ảnh còn dừng hẳn lại, rồi tôi lại tua lại từ đầu để chết cả nghìn lần trong khi thật ra tôi vẫn đang sống. Pascal từng nói người nào mạnh khỏe thì không chịu nổi bệnh tật, chính bởi vì anh ta đang mạnh khỏe. Một căn bệnh nặng đè nén chúng ta đến mức rốt cuộc chúng ta chẳng còn cảm nhận được điều gì nữa ngoài hiện tại. Một sự kiện, dù có tệ hại đến đâu, vẫn có mặt tốt: nó chấm dứt việc suy đoán về những gì có thể xảy ra, nó không còn là chuyện sẽ xảy tới nữa, nó cho ta thấy một tương lai mới mẻ với những màu sắc mới mẻ. Đối với một người đang đau bệnh, niềm hạnh phúc tuyệt diệu mà anh ta mong đợi là cái trạng thái tầm thường mà mới chỉ ngày hôm qua thôi còn khiến anh ta bất hạnh. Ta khôn ngoan hơn ta tưởng.
Những khổ đau có thực diễn ra thật mau, giống như tay đao phủ đi đến nhà chúng ta vậy. Hắn cắt tóc, xé áo, trói tay, đẩy người đi. Chuyện này tôi cứ tưởng là kéo dài lắm, bởi tôi cứ nghĩ đến nó, trở đi trở lại với nó, bởi tôi cứ cố nghe cho được tiếng kéo xoèn xoẹt, cố cảm thấy cho được bàn tay bọn lâu la túm lấy tay tôi. Trong thực tế, ấn tượng này đuổi ấn tượng khác đi, và hẳn những suy nghĩ thực của tử tù chính là những đợt run rẩy, giống như các đốt thân của một con sâu vậy, chúng ta cứ muốn con sâu phải đau đớn khi bị cắt ra làm nhiều mảnh, nhưng sự đau đớn của con sâu phải nằm trong mảnh nào đây?
Ta nhói đau khi phải chứng kiến cảnh một cụ già quay trở về trạng thái trẻ con, hay khi một người say đến ngây độn chỉ cho chúng ta “nấm mộ của một người bạn”. Ta nhói đau là bởi ta mong họ vừa là người như họ bây giờ, vừa là người mà bây giờ họ không như thế nữa. Thế nhưng tự nhiên đã đi theo con đường của nó, những bước chân của nó không thể đảo ngược, đó là cái may, mỗi trạng thái mới khiến cho trạng thái tiếp theo trở nên khả dĩ. Toàn bộ sự bất hạnh mà bạn thu gom sẽ được rải đều trên con đường thời gian, nỗi bất hạnh của giây phút này mang trong nó giây phút tiếp theo. Một người đã già thì không phải là một thanh niên đang đau khổ vì tuổi già, một người sắp chết thì không phải một người đang sống nhưng rồi đây sẽ chết.
Chính bởi vậy mà chỉ những người đang sống mới chịu tác động của cái chết, chỉ những người đang sung sướng mới hình dung được sức nặng của bất hạnh. Nói cho cùng, ta có thể nhạy cảm với những đau khổ của người khác hơn là với những đau khổ của chính mình mà không hề nhuốm màu đạo đức giả. Từ đó có thể dẫn đến một nhận định sai lầm về cuộc đời, nó sẽ đầu độc cuộc đời nếu ta không biết đề phòng. Cần suy nghĩ về thực tại với toàn bộ sức lực, bằng khoa học đích thực, thay vì diễn tuồng.
12 tháng mười hai 1910
Chú thích:
[17] Tác giả nhắc đến tay đao phủ Trung Hoa hành quyết người tử tù bằng cách để cho nước nhỏ từng giọt lên đầu, ngày này qua ngày khác cho đến chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.