Âm Mưu Ngày Tận Thế

CHƯƠNG 22



Ngày thứ năm.
Bern, Thuỵ Sĩ.
Robert đang đi vào ngõ cụt. Anh không nhận ra là đã trông cậy nhiều thế nào vào việc kiếm được cái danh sách của Mothershed. Tan thành mây khói cả. Robert nghĩ. Theo đúng nghĩa đen của nó. Các dấu vết bây giờ thật mờ nhạt. Lẽ ra mình phải đoạt bản danh sách kia lúc mình ở trong căn hộ của Mothershed.
Điều đó sẽ dạy cho mình một bài học. Tất nhiên. Một ý nghĩ đâu đó có trong đầu anh chợt nổi lên. Hans Beckerman có nói: “Tất cả những hành khách đều muốn được xem cái vật thể bay lạ và những sinh vật chết trong đó, nhưng cái lão già ấy thì cứ phàn nàn đòi sớm về Bern bởi vì lão ta phải chuẩn bị một bài giảng ở trường đại học”. Chuyện thật mơ hồ, nhưng đó là tất cả những gì Robert có trong tay.
Anh thuê một cái xe ở sân bay Bern và chạy về hướng trường đại học. Anh rời khỏi đường Rathausgasse, con đường chính của thành phố Bern và lái xe chạy tới Langgassetrsase, nơi có Đại học Bern. Trường đại học này gồm dăm toà nhà, cao bốn tầng, với hai dãy ngang và những tượng đá lớn trên mái. Ở mỗi đầu sân, mặt trước của toà nhà là những cửa sổ bằng kính của những phòng học, và ở phía sau trường là một khoảng vườn lớn nhìn ra sông Aare.
Robert bước lên bậc thềm của toà nhà hành chính và bước vào phòng thường trực. Thông tin duy nhất mà Beckerman trao cho anh là ông khách đó người Đức và ông ta đang chuẩn bị bài giảng cho ngày thứ Hai.
Một sinh viên đã chỉ cho anh tới Phòng hành chính.
Một phụ nữ ngồi sau bàn có một vóc người thật dễ sợ. Bà ta mặc một bộ complê cắt rất vừa vặn, mang một cặp kính gọng đen và tóc được búi thành một búi nhỏ. Bà ta ngước nhìn lên khi Robert bước vào.
– Xin mời.
Robert móc ra một tấm thẻ cảnh sát quốc tế.
– Tôi đang thực hiện một cuộc điều tra, và tôi sẽ đánh giá cao sự hợp tác, thưa cô.
– Bà Schreiber. Điều tra chuyện gì vậy?
– Tôi đang tìm kiếm một giáo sư.
– Tên ông ta? – Bà ta cau mày.
– Tôi không biết.
– Ông không biết cả tên ông ta?
– Không. Ông ta là một giảng viên mời thôi. Ông ta có một bài giảng ở đây, cách đây vài ngày. Hôm thứ Hai.
– Ngày nào cũng có nhiều giảng viên mời tới đây giảng bài. Môn học của ông ta là môn gì?
– Bà nói gì ạ?
– Ông ta dạy môn gì? – Giọng bà ta trở nên mất kiên nhẫn. – Ông ta dạy môn học gì?
– Tôi không biết.
Bà ta không giấu vẻ bực tức.
– Trời đất. Tôi không thể giúp ông. Và tôi không có thì giờ cho những chuyện phù phiếm này. Bà ta định quay đi.
– Ồ, đây không phải là chuyện phù phiếm. – Robert cam đoan với bà ta. – Hoàn toàn nghiêm túc đấy. – Anh cúi xuống và thấp giọng nói. – Tôi sẽ phải để bà biết công việc của tôi. – Vị giáo sư này liên quan tới một tổ chức đĩ điếm.
Bà Schreiber há mồm kinh ngạc.
– Cảnh sát quốc tế đã theo dõi ông ta trong nhiều tháng. Thông tin chúng tôi hiện có cho thấy ông ta là người Đức và rằng ông ta có một bài giảng ở đây vào ngày mười lăm tháng này. – Anh đứng thẳng người lên. – Nếu bà không muốn giúp đỡ, chúng tôi có thể tiến hành một cuộc điều tra chính thức tại trường này. Tất nhiên, dư luận…
– Không, không. – Bà ta nói. – Không thể để nhà trường liên quan tới một chuyện như vậy. – Trông bà ta đầy vẻ lo ngại. – Ông nói là ông ta giảng bài ở đây hôm nào nhỉ?
– Ngày mười lăm. Thứ hai.
Schreiber nhỏm dậy và đi tới bên tủ hồ sơ. Bà ta mở tủ và lướt qua đám giấy má. Từ một chiếc cặp, bà ta rút ra mấy tờ giấy.
– Đây rồi! Có ba giáo sư mời giảng vào hôm mười lăm.
– Người tôi muốn biết là người Đức.
Tất cả họ đều là người Đức. – Schreiber nói quả quyết. Bà ta sắp xếp mấy tờ giấy trong tay. – Một bài giảng là về các vấn đề kinh tế, một về hoá học và một về tâm lý…
– Tôi có thể xem chúng được không?
Một cách miễn cưỡng, bà ta đưa xấp giấy cho Robert.
– Anh xem kỹ từng tờ. Trên mỗi tờ đều có một cái tên với địa chỉ nhà riêng và số điện thoại.
– Nếu ông muốn, tôi có thể làm bản sao cho ông.
– Không, cảm ơn. – Anh đã nhớ tất cả những cái tên và những con số. Không có ai trong số này là người mà tôi đang tìm kiếm.
Bà Schreiber thở phào nhẹ nhõm.
Ôi cảm ơn Chúa. Đĩ điếm. Chúng tôi sẽ không bao giờ dính dáng đến một chuyện như vậy.
– Xin lỗi đã làm phiền bà vì một chuyện không đâu.
Robert đi ra và hướng tới một trạm điện thoại công cộng trong thành phố.
Cú điện thoại đầu tiên là tới Berlin.
– Giáo sư Streubek phải không ạ?
– Phải.
Đây là Công ty xe du lịch Sunshine. Ông để quên kính trên chiếc xe bus của chúng tôi hôm chủ nhật trước khi ông đi du lịch ở Thuỵ Sĩ và…
– Tôi không hiểu ông muốn nói chuyện gì nữa. – Giọng ông ta có vẻ khó chịu.
– Ông ở Thuỵ Sĩ hôm mười bốn, có phải vậy không, thưa giáo sư?
– Không. Ngày mười lăm. Để giảng bài ở Đại học Bern.
– Và ông không đi chuyến xe du lịch của chúng tôi ư?
– Tôi không có thì giờ cho một chuyện ngốc nghếch như vậy. Tôi là một người bận rộn. – Và ông giáo sư gác máy.
Cú điện thoại thứ hai là tới Hamburg.
– Giáo sư Heinrich phải không ạ?
– Đây là giáo sư Heinrich!
Công ty xe du lịch Sunshine. Ông có ở Thuỵ Sĩ vào ngày mười bốn tháng này phải không ạ?
– Vì sao mà ông muốn biết?
Bởi vì chúng tôi tìm thấy chiếc cặp của ông trên một trong những chiếc xe bus của chúng tôi, thưa giáo sư, và…
– Ông nhầm người rồi, tôi không có mặt trên chiếc xe bus du lịch nào hết.
– Ông không đi tuyến du lịch của chúng tôi đến Jungfrau à?
– Tôi đã nói với ông rồi, không.
– Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông.
Cú điện thoại thứ ba được gọi tới Munich.
– Giáo sư Otto Schmidt phải không ạ?
– Vâng.
– Giáo sư Schmidt, đây là công ty xe du lịch Sunshine. Chúng tôi giữ cặp kính mà ông đã để quên trên một chiếc xe của chúng tôi cách đây ít hôm, và…
Hẳn là có chuyện nhầm lẫn rồi.
Tim Robert thắt lại. Anh đã thua. Không còn gì để mà tiếp tục nữa. Giọng nói ở đầu dây kia tiếp tục.
– Tôi có kính của tôi đây thôi. Tôi đâu có mất.
Robert chợt thấy phấn chấn.
– Ông chắc thế chứ, giáo sư? Ông đi tuyến Jungfrau ngày mười bốn có phải không ạ?
– Vâng, vâng, nhưng tôi đã nói rồi, tôi không mất gì cả mà.
– Cảm ơn ông rất nhiều, thưa giáo sư. – Robert gác máy. Vớ bở rồi.
Robert, quay mấy số máy khác, và chỉ sau hai phút anh đã đang nói với tướng Hilliard.
– Tôi có hai việc phải báo cáo. – Robert nói. – Về nhân chứng ở London mà tôi đã nói với ngài.
– Sao?
– Anh ta đã chết trong một vụ cháy đêm qua.
– Thế hả? Thật tệ quá.
– Thưa ngài, vâng. Nhưng tôi tin rằng tôi đã phát hiện một nhân chứng khác. Tôi sẽ để ngài biết ngay sau khi kiểm tra lại.
– Tôi sẽ chờ báo cáo của ông, ông sĩ quan.
Tướng Hilhard đang báo cáo với Janus.
– Sĩ quan Bellamy đã phát hiện một nhân chứng nữa.
– Tốt. Nhóm công tác đang trở nên sốt ruột. Tất cả đều lo ngại rằng câu chuyện sẽ loang ra trước khi SDI đi vào hoạt động.
– Tôi sẽ sớm có những thông tin nữa cho ngài.
– Tôi không muốn thông tin, tôi muốn thấy những kết quả.
– Vâng, thưa ngài Janus.
Platténstrasse, ở Munich, là một khu phố nhỏ, yên tĩnh với những ngôi nhà xây bằng gạch màu nâu xám xịt co cụm lại với nhau như thể để phòng vệ.
Ngôi nhà số 5 giống hệt với những ngôi nhà hàng xóm. Bên trong cổng là một dãy hộp thư. Một tấm biển nhỏ dưới một trong những hộp thư có ghi dòng chữ “Giáo sư Otto Schmidt”. Robert bấm chuông.
Một người đàn ông cao, gầy với một mớ tóc bạc loà xoà mở cửa. Ông ta mặc một chiếc áo nhàu nhĩ, mồm ngậm chiếc tẩu. Robert không hiểu liệu ông ta tạo ra hình ảnh một giáo sư đại học mô phạm hay chính cái hình ảnh đó là tạo ra ông ta.
– Ông là giáo sư Schmidt?
– Phải!
– Tôi không biết liệu tôi có thể nói chuyện với ông một lát được không. Tôi ở…
– Chúng ta đã nói chuyện với nhau, – giáo sư Otto Schmidt nói. – Ông là người đã gọi điện thoại cho tôi sáng nay. Tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực nhận biết giọng nói. Mời vào.
– Cám ơn ông.
Robert bước vào một căn phòng bề bộn sách vở. Trên các bức tường, từ sàn nhà lên tới trần là những giá sách đầy kín. Ở đâu cũng thấy sách trên bàn, trên sàn, trên ghế. Đặc điểm nổi bật trong căn trong căn phòng dường như là những việc làm chưa được nghĩ kỹ.
– Ông chẳng phải là từ một hãng du lịch Thuỵ Sĩ nào cả, có phải thế không hả?
– Ô tôi…
– Ông là người Mỹ.
– Vâng.
– Và cuộc viếng thăm này không liên quan gì đến cặp kính không hề bị mất của tôi.
– Ồ không, thưa ông.
– Ông quan tâm đến cái vật thể bay lạ mà tôi đã nhìn thấy. Đó là một cảnh tượng ghê sợ. Tôi đã luôn tin rằng có thể có những thứ đó, nhưng tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ được chứng kiến.
– Hẳn phải là một cú sốc khủng khiếp.
– Đúng thế.
– Ông có thể kể cho tôi nghe chút gì về chuyện đó không?
– Nó, nó dường như vẫn hoạt động. Có một thứ ánh sáng lung linh bao quanh nó. Xanh da trời. Không, có thể là hơi xám một chút. Tôi, tôi không chắc.
Anh nhớ lại lời mô tả của Mandel: “Nó liên tục thay đổi màu sắc. Trông nó thoáng xanh da trời… rồi lại xanh lá cây. Nó đã bị vỡ toang ra và tôi nhìn thấy được hai xác chết trong đó. Nhỏ… mắt to. Họ mặc thứ gì đó giống như một bộ quần áo bằng bạc vậy…”
– Ông có thể kể gì với tôi về những bạn đồng hành của ông không?
– Những người cùng đi với tôi trên chiếc xe bus ấy à?
– Vâng.
Vị giáo sư nhún vai.
– Tôi không biết gì về họ cả. Tất cả bọn họ đều là những người lạ. Khi đó tôi đang tập trung về một bài giảng mà tôi sẽ giảng vào sáng ngày hôm sau. Tôi rất ít để ý tới những hành khách khác.
Robert nhìn vẻ mặt ông ta, chờ đợi.
– Nếu như nó sẽ là có ích cho ông, – Vị giáo sư nói, – thì tôi có thể nói cho ông biết họ là người nước nào. Tôi dạy hoá học, nhưng có sở thích về nghiên cứu âm thanh.
– Bất kỳ những gì ông nhớ được đều đáng quý cả.
– Có một tu sĩ người Italia, một người Anh, một người Hungary, một người Mỹ nói giọng Texas, một cô gái Nga.
– Nga à?
– Phải. Nhưng cô ta không phải dân Mátxcơva. Theo giọng nói, tôi đoán cô ta ở Kiev, hoặc là rất gần đó.
Robert chờ đợi, nhưng chỉ còn có sự im lặng.
Ông không nghe thấy bất kỳ ai trong số họ nhắc tới tên hay nói chuyện về nghề nghiệp của họ à?
– Xin lỗi. Tôi đã nói rồi. Tôi đang suy nghĩ về bài giảng của tôi. Rất khó tập trung suy nghĩ. Người Mỹ nói giọng Texas và vị tu sĩ ngồi cùng với nhau. Người Mỹ đó nói luôn mồm. Đủ mọi thứ chuyện. Tôi không biết ông tu sĩ thậm chí có hiểu hay không.
– Ông tu sĩ…
– Ông ta nói giọng La Mã.
– Ông có thể nói thêm gì nữa về bất kỳ ai trong số họ không?
– Tôi sợ là không. – Vị giáo sư nhún vai. Ông ta hút một hơi thuốc. – Tôi lấy làm tiếc là không thể giúp gì cho ông.
Một ý nghĩ chợt đến với Robert.
– Ông nói ông là một nhà hoá học phải không nhỉ?
– Phải.
– Tôi không biết liệu ông có bằng lòng nhìn cái này một chút không, thưa giáo sư. – Robert thò tay vào túi và lôi ra mẩu kim loại mà Beckerman đã đưa cho anh. – Ông có thể bảo tôi cái này là cái gì được không ạ?
Giáo sư cầm cái mẩu kim loại từ tay Robert, và trong lúc xem xét nó, vẻ mặt ông ta chợt thay đổi.
– Anh, anh kiếm cái này ở đâu?
– Tôi sợ là tôi không thể nói được. Ông có biết nó là cái gì không?
– Có vẻ như nó là một bộ phận của một chiếc máy phát.
– Ông có chắc thế không?
Ông ta lật lật miếng kim loại trong tay.
– Tinh thể này là chất dilithium. Rất hiếm. Thấy những vết khía này không? Chúng cho thấy miếng này được gắn vào một bộ phận lớn hơn. Bản thân miếng kim loại… Lạy Chúa, tôi chưa bao giờ trông thấy cả. – Giọng ông ta đầy xúc động. – Ông có thể để cho tôi giữ nó trong vài ngày được không? Tôi muốn có những phân tích quang phổ về nó.
– Tôi e là không thể được, – Robert nói.
– Nhưng…
– Xin lỗi, – Robert cầm lại miếng kim loại.
Vị giáo sư cố giấu vẻ thất vọng.
– Thôi, ông có thể mang nó lại sau vậy. Sao ông không cho tôi danh thiếp của ông nhỉ. Nếu tôi còn nhớ thêm được gì nữa, tôi sẽ gọi cho ông.
– Có vẻ như tôi chẳng còn tấm nào ở đây cả. – Robert lục lọi trong túi một chút.
– Phải rồi, tôi cũng nghĩ là thế. – Giáo sư Schmidt thủng thẳng nói.
– Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên máy.
– Đây ông sĩ quan? – Tướng Hilliard nhấc máy.
– Tên của nhân chứng mới nhất là giáo sư Schmidt. Ông ta sống ở số 5 Plattenstrasse, Munich.
– Cám ơn ông sĩ quan. Tôi sẽ thông báo với nhà chức trách Đức ngay lập tức. – Robert đã toan nói: “Tôi e rằng đó là nhân chứng cuối cùng mà tôi có thể tìm được”, nhưng có điều gì đó đã chặn anh lại. Anh không muốn phải thú nhận sự thất bại. Vậy mà các dấu vết đã trở nên thật mờ nhạt. Một người Texas và một vị tu sĩ. Vị tu sĩ kia từ La Mã tới. Một thời gian. Cùng với cả triệu vị tu sĩ khác. Và không có cách nào để nhận dạng ông ta cả: Mình có một sự lựa chọn. – Robert nghĩ. – Mình có thể từ bỏ và trở về Washington, hoặc là mình có thể đi Rome và cố một lần cuối cùng…
Trụ sở của Cục Bảo vệ Hiến Pháp, nằm ở trung tâm Berlin, trên đường Neumarkterstrasse. Đó là một toà nhà lớn màu xám không có gì đặc biệt, khó có thể phân biệt được với những toà nhà xung quanh.
Bên trong, trên tầng ba, sếp cơ quan, thanh tra Otto Joachim đang xem một bức điện. Ông ta đọc nó hai lần, rồi với tay nhấc chiếc điện thoại đỏ trên bàn.
Ngày thứ sáu.
Munich, Đức.
Sáng hôm sau, trên đường đi đến phòng thí nghiệm hoá học, Otto Schmidt nghĩ lại câu chuyện trao đổi với người Mỹ tối hôm trước. Cái mẫu kim loại đó có thể từ đâu ra nhỉ? Một vật mà ông chưa bao giờ thấy. Và cái người Mỹ kia đã làm cho ông ta ngạc nhiên.
Ông ta nói là quan tâm tới những người khách đi trên chiếc xe bus. Vì sao? Bởi vì tất cả họ đều là những nhân chứng trước cái đĩa bay kia ư? Phải chăng họ sẽ được khuyến cáo là không được bàn tán? Nếu vậy thì vì sao người Mỹ kia đã không khuyến cáo mình?
Có chuyện gì lạ vậy, vị giáo sư kết luận. Ông ta vào trong phòng thí nghiệm, cởi áo khoác treo lên móc và mặc lên người cái áo choàng rồi bước lại chiếc bàn nơi ông ta đã làm việc nhiều tuần nay với một thí nghiệm hoá học. Nếu thành công, ông ta nghĩ, điều này có thể có nghĩa là một giải Nobel. Ông ta nhấc cái cốc đựng nước tinh khiết và rót vào một bình chứa đựng một thứ chất lỏng màu vàng. Lạ nhỉ. Mình không nghĩ là nó lại có màu vàng sáng thế này.
Tiếng nổ thật là khủng khiếp. Căn phòng thí nghiệm nổ tung, và những mảnh thuỷ tinh cùng với những mảnh thịt người văng tung toé lên những bức tường.
Điện khẩn.
Tối mật.
BFV gửi Phó giám đốc NSA.
Không ghi chép lại.
Bản số 1 duy nhất.
Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.
Otto Schmidt đã bị thủ tiêu.
Hết.
Robert không nghe được tin về cái chết của vị giáo sư. Anh đã có mặt trên một chuyến bay của hãng hàng không Alitalia, trên đường tới Rome.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.