Âm Thanh Và Cuồng Nộ

CHƯƠNG 7



Cuối cùng tôi cũng thoát được hắn, nhưng mỗi lần toan lấy thư ra xem là lại có việc đến. Thiên hạ kéo đàn kéo lũ ra tỉnh xem triển lãm, vung tiền ra mua những thứ chẳng mang lại lợi lộc gì cho tỉnh mà cũng chẳng để lại gì ngoài khoản mà bọn tham nhũng ở Toà thị chính sẽ chia chác hết với nhau, còn Earl thì đi tới đi lui như gà mắc đẻ, miệng nói “Vâng thưa bà, ông Compson sẽ hầu bà. Jason, cậu đưa bà ấy xem cái đánh bơ với cái móc treo màn giá một xu kia kìa”.
Hừ, Jason hám việc lắm. Tôi bảo tôi không bao giờ vào đại học vì ở Harvard họ dạy người ta cách đi bơi đêm mà không cần biết bơi và ở Sewanee thậm chí nước họ cũng không bảo cho biết là cái gì. Tôi nói mẹ có thể gửi tôi đến đại học tiểu bang, có lẽ tôi sẽ học cách làm đứng đồng hồ bằng một cái hắt hơi rồi mẹ có thể gửi Ben vào hải quân, tôi nói, hay kỵ binh cũng được, trong kỵ binh họ dùng cả những tên hoạn đấy. Rồi khi chị ấy đem cả Quentin về nhà cho tôi nuôi, tôi nói thế nào cũng được, thay vì tôi phải đi lên miền Bắc kiếm việc thì họ sẽ gửi việc xuống đây cho tôi và rồi mẹ bắt đầu khóc và tôi nói chả phải tôi không muốn có nó trong nhà này, nếu nó làm mẹ hài lòng thì tôi sẽ nghỉ việc và tự tay chăm sóc nó để mẹ với Dilsey lo sao cho đầy thùng bột, hay Ben cũng được. Đem nó cho một gánh xiếc thuê, thế nào chả có người bỏ ra vài xu để xem, rồi bà lại càng khóc và cứ nói tội nghiệp thằng bé khốn khổ và tôi nói phải nó sẽ đỡ đần mẹ nhiều khi nó cao không phải chỉ có gấp rưỡi tôi bây giờ và bà nói chẳng bao lâu nữa bà sẽ chết và rồi chúng tôi sẽ thoát nợ và thế là tôi nói thôi được rồi, được rồi, mẹ cứ làm theo ý mẹ. Nó là cháu của mẹ, nó chẳng có ông bà ngoại nào tốt hơn cái đó có thể nói chắc. Chỉ có điều tôi nói chỉ có điều đó là vấn đề thời gian. Nếu tôi cứ tin chị ấy sẽ làm những gì chị ấy nói và không để tâm đến, thì tôi quả là đại ngốc vì đây là lần đầu tiên cứ luôn miệng cảm ơn Chúa vì con không phải là một Compson trừ cái tên, bởi vì con là tất cả những gì mẹ còn lại, con và Maury, và tôi nói ôi dào bản thân tôi cũng chẳng cần cậu Maury và rồi họ đến bảo là đã sẵn sàng. Thế là mẹ ngưng khóc. Bà buông mạng che mặt và chúng tôi đi xuống nhà. Cậu Maury từ phòng ăn đi ra, khăn tay ấp lên miệng. Họ đứng lại chừa một lối đi nhỏ và chúng tôi ra cửa vừa kịp lúc để thấy Dilsey đang đuổi Ben và T.P. Vòng qua góc nhà ra phía sau. Chúng tôi đi xuống bậc thềm và lên xe. Cậu Maury luôn miệng nói tội nghiệp chị, tội nghiệp cho chị, nói miệng vậy thôi và vỗ vỗ tay bà. Nói không thế để chẳng để làm gì.
“Con đã đeo băng tang chưa?” bà nói. “Sao họ không đi đi, để thằng Benjamin lại ra làm trò cười cho thiên hạ bây giờ. Tội nghiệp thằng bé. Nó chẳng biết gì. Nó cũng không nhận thức được nữa”.
“Nào, nào” cậu Maury nói, vỗ vỗ tay bà, nói miệng thôi. “Thà thế còn hơn. Đừng để nó biết những chuyện buồn trừ khi nó buộc phải biết”.
“Người ta còn có con cái an ủi những lúc thế này” mẹ nói.
“Chị còn có Jason với tôi mà” cậu nói.
“Thật khủng khiếp quá” bà nói “Hai người trong không đầy hai năm”.
“Thôi thôi” cậu nói. Một lúc sau cậu lén đưa tay lên miệng rồi vứt ra ngoài cửa sổ. Vậy là tôi biết từ nãy đến giờ tôi ngửi thấy mùi gì. Mùi đinh hương. Tôi nghĩ chắc cậu tưởng ít ra cậu cũng có thể làm thế trong đám tang của bố hay có lẽ cái tủ rượu tưởng cậu vẫn là bố và khi cậu đi qua nó bắt hồn cậu. Như tôi nói, nếu bố phải bán cái gì đó cho Quentin đi học ở Harvard, thì mẹ kiếp phúc đức cho bọn tôi hơn hết là ông bán cái tủ rượu ấy rồi lấy một phần tiền mà mua một cái áo bó tay. Tôi nghĩ tất cả gia sản nhà Compson trôi dạt đi đến đâu hết trước khi đến được tay tôi như mẹ nói, thì cũng là vì ông uống rượu. ít nhất tôi cũng chưa bao giờ nghe ông tính bán cái gì cho tôi đi Harvard cả.
Vậy là cậu vẫn vỗ vỗ tay mẹ nói “Tội nghiệp chị quá” vỗ lên tay bà bằng đôi găng đen mà bốn ngày sau chúng tôi nhận được hoá đơn bởi vì hôm ấy là ngày hăm sáu bởi vì trong ngày ấy tháng trước bố đến đó và đón con bé về nhà và chẳng nói gì về chuyện mẹ nó ở đâu hay gì cả và mẹ khóc và nói “Ông cũng chẳng buồn gặp thằng ấy à? Ông cũng không thèm bắt hắn chịu tiền nuôi dưỡng à” và bố nói “Không tôi sẽ không đụng đến tiền của thằng ấy một xu cũng không” và mẹ nói “Luật pháp sẽ buộc hắn. Hắn chẳng có chứng cớ gì trừ khi, Jason Compson” bà nói “hay là ông gàn dở tới mức nói ra”.
“Im đi Caroline!” bố nói rồi ông sai tôi đến giúp Dilsey lôi cái nôi cũ từ trên gác xép xuống và tôi nói:
“Chà, hôm nay người ta còn đem việc về nhà cho tôi làm thêm nữa” bởi vì lúc nào chúng tôi cũng hy vọng sẽ dàn xếp ổn thoả và hắn sẽ giữ con bé bởi vì mẹ luôn nói rằng ít ra chị ấy cũng phải nhìn tới gia đình một chút để đừng có làm mất dịp may của tôi sau khi chị ấy và Quentin đã được lo lắng chu đáo.
“Thế nó là con ai mới được chứ?” Dilsey nói “Ai sẽ nuôi nó ngoài tôi? chả phải một tay tôi nuôi các cô các cậu hết người nọ đến người kia đấy sao?”
“Phải, mẹ kiếp, mammy nuôi khéo lắm” tôi nói. “Dầu sao bây giờ bà cũng có cái để lo” Thế rồi chúng tôi đem nôi xuống và Dilsey thu dọn chỗ cho nó trong căn phòng cũ của chị ấy. Rồi dĩ nhiên mẹ lại bắt đầu.
“Nín đi cô Caroline” Dilsey nói. “Cô sắp làm nó dậy bây giờ”.
“Ở đây à?” mẹ nói. “Để lại bị ô nhiễm bởi cái bầu không khí ấy à? Không thế nó cũng sẽ khó bảo lắm rồi, với cái dòng máu ấy”.
“Im đi” bố nói. “Đừng có ngốc”.
“Sao nó không ngủ trong này được?” Dilsey nói. “Ở phòng này đêm nào tôi chả đặt mẹ nó lên giường đến khi lớn tướng mới tự đi ngủ được”.
“Chị không biết” mẹ nói “có con gái bị chồng bỏ là như thế nào. Chỉ tội nghiệp con bé con thơ ngây” bà nhìn Quentin “Cháu sẽ chẳng bao giờ biết cháu đã gây ra bao đau khổ”.
“Im nào, Caroline” bố nói.
“Sao cô cứ muốn giày vò Jason thế?” Dilsey nói.
“Tôi vẫn cứ cố giữ gìn cho ông ấy” mẹ nói. “Tôi vẫn cố giữ cho ông ấy khỏi chuyện đó. Ít ra tôi cũng có thể cố sức để lo lắng cho con bé”.
“Ngủ trong phòng này thì con bé bị làm sao, tôi chẳng biết” Dilsey nói.
“Tôi cũng không rõ” mẹ nói. “Tôi biết tôi chỉ là một bà già lắm chuyện. Nhưng tôi biết người ta chẳng thể nào tránh được trời quả báo”.
“Vớ vẩn” bố nói. “Thì đặt nó trong phòng cô Caroline vậy, Dilsey”.
“Ông cứ bảo là vớ vẩn” mẹ nói. “Nhưng nó sẽ không bao giờ được biết. Con bé sẽ không bao giờ được nghe cái tên ấy. Dilsey, tôi cấm từ nay không được nhắc đến cái tên ấy trước mặt nó. Nếu như nó lớn lên mà không biết rằng nó có một người mẹ thì tôi xin tạ ơn Chúa”.
“Đừng có điên rồ như thế” bố nói.
“Tôi chưa bao giờ xen vào chuyện ông dạy dỗ con cái” mẹ nói. “nhưng bây giờ thì tôi không chịu nổi nữa rồi. Tôi với ông phải quyết định chuyện này ngay bây giờ, ngay tối nay. Hoặc là cái tên ấy không được nhắc đến nữa, hoặc nó phải đi, hoặc tôi đi. Ông chọn đi”.
“Im đi nào” bố nói. “Bà lại nghĩ quẩn rồi. Đặt nó vào đây, Dilsey”.
“Ông cũng sắp ốm đấy ” Dilsey nói. “Trông ông đờ đẫn lắm. Ông đi nằm đi, tôi sẽ pha cho ông một ly rượu nóng xem có ngủ được không. Chắc ông mất ngủ từ hôm ấy đến tận bây giờ”.
“Không” mẹ nói. “Chị không biết bác sĩ bảo sao à? Lại còn xúi ông ấy uống nữa? Đấy chính là bệnh của ông ấy. Như tôi đây này, tôi cũng đau khổ, nhưng tôi chưa yếu đuối đến mức tự tử bằng rượu mạnh đâu”.
“Bậy bạ” bố nói. “Bác sĩ thì biết cái gì? Họ kiếm ăn bằng cách bắt người khác làm những cái mà họ chẳng bao giờ làm ít khi không tiến hoá cũng biết được chừng ấy. Lần sau bà phải gọi một mục sư đến mà giữ tay tôi”. Rồi mẹ khóc và ông đi ra. Ông xuống nhà, và rồi tôi nghe thấy tủ rượu mở. Tôi tỉnh dậy lại thấy ông đi xuống lần nữa. Ông cũng cố nhẹ nhàng, vì tôi không nghe tiếng ông, chỉ thấy vạt áo ngủ và đôi chân trần của ông trước tủ rượu.
Dilsey xếp gọn nôi, thay quần áo cho nó và đặt nó vào nôi. Nó vẫn không thức giấc từ lúc ông đem nó về.
“Nó nằm chật cả nôi đây này” Dilsey nói. “Nào cô. Tôi sẽ đặt cái nệm rơm của tôi ngoài hành lang, như thế cô khỏi phải thức đêm”.
“Tôi cũng chả ngủ được” mẹ nói. “Chị cứ về đi. Tôi không sao đâu. Còn sống ngày nào để lo cho nó là tôi vui rồi, giá mà tôi ngăn được “.
“Nín đi nào” Dilsey nói. “Mình sẽ chăm sóc nó. Còn cậu cũng đi ngủ đi” bà quay sang nói với tôi. “Ngày mai cậu còn phải đi học chứ”.
Rồi tôi đi ra, rồi mẹ gọi tôi lại và khóc với tôi một lúc nữa.
“Con là hy vọng duy nhất của mẹ” bà nói. “Đêm nào mẹ cũng cầu Chúa cho con”. Trong khi chúng tôi đợi họ khởi hành, bà nói ơn Chúa dù Ngài gọi ai thì Ngài cũng đã con lại cho mẹ chứ không phải Quentin. Ơn Chúa con không phải dòng Compson, bởi vì tất cả những gì mẹ còn l.ai là con và Maury và tôi nói, ôi dào bản thân con chẳng cần gì cậu Maury. Phải, cậu thì vừa vỗ vỗ tay bà với đôi găng đen ấy vừa quay đi nói chuyện với người khác. Cậu bỏ găng ra khi đến lượt cậu cầm xẻng. Cậu đi vượt lên ngang với đám người che ô, thỉnh thoảng lại dậm chân rũ bùn khỏi giày và lúng túng với cái xẻng đến nỗi làm cho nó long ra, nói mấy câu giả dối khi đất rơi trên đó, và khi tôi đi vòng ra sau cái xe tang tôi thấy cậu đứng khuất sau một ngôi mộ, tợp thêm một ngụm rượu nữa. Tôi nghĩ chắc cậu sẽ uống không ngừng bởi vì tôi cũng có dịp mặc bộ đồ mới, may sao bánh xe không dính nhiều bùn lắm, chỉ có mẹ thấy thế và nói chẳng biết bao giờ con mới có được bộ đồ khác và cậu Maury nói “Không sao, không sao. Chị đừng lo gì cả. Lúc nào chị cũng có tôi bên cạnh chị mà”.
và chúng tôi có cậu. Lúc nào cũng có. Lá thư thứ tư là của cậu. Nhưng chẳng cần phải mở. Tôi cũng có thể viết lại y hệt như thế, hoặc đọc thuộc lòng cho bà, thêm mười đô la nữa cho ăn chắc. Nhưng tôi có linh cảm về lá thư kia. Tôi cũng cảm thấy như chị sắp giở trò gì đây. Chị khôn ra nhiều sau lần ấy. Chị hiểu rất nhanh rằng tôi chẳng phải dòng dõi bố. Khi họ bắt đầu đắp cao lên dĩ nhiên mẹ lại khóc, vì thế cậu Maury đưa bà lênxe và cho xe đi. Cậu bảo cháu lên xe với ai đó, chắc là họ sẽ vui lòng cho cháu đi nhờ. Cậu phải đưa mẹ cháu đi và tôi đã định nói, vâng lẽ ra cậu phải đem hai chai chứ không phải một có điều tôi nghĩ lại mình đang ở đâu, nên tôi để họ đi. Họ cũng chẳng cần biết tôi ướt như thế nào, rồi họ sẽ lại lo cuống lên là tôi đến bị sưng phổi mất thôi.
Tôi nghĩ vẩn vơ và nhìn họ ném đất vào đó, đắp đất lên cao như thể trát vữa hay xây hàng rào, và tôi bỗng cảm thấy cơ cực và vì thế tôi quyết định đi dạo một lát. Tôi nghĩ nếu tôi đi về phía thị trấn họ sẽ đuổi kịp và thế nào chả bảo tôi lên xe, nên tôi trở lại khu nghĩa trang da đen. Tôi đi dưới rạng bạch dương cho đỡ mưa, chỉ thỉnh thoảng lộp độp vài giọt, từ chỗ đó tôi thấy họ xong việc và bỏ đi. Một lúc sau họ đã đi hết, tôi đợi thêm vài phút rồi đi ra.
Tôi phải dò dẫm theo con đường mòn để tránh cỏ ướt nên mãi đến khi đã khá gần tôi mới thấy chị đứng đó, mặc áo choàng đen, nhìn những vòng hoa. Tôi biết ngay đó là ai, trước khi chị quay lại nhìn tôi và vén mạng lên.
“Chào em, Jason” chị nói, chìa tay ra. Chúng tôi bắt tay nhau.
“Chị làm gì ở đây?” tôi nói. “Tôi tưởng chị đã hứa với mẹ là sẽ không trở lại đây nữa mà. Tôi tưởng chị phải biết điều hơn chứ”.
“Cái gì?” chị nói. Chị nhìn lại mấy bó hoa. Chỗ ấy phải đáng năm mươi đô la. Có ai đã đặt một bó lên mộ Quentin. “Cậu nói sao?”
“Dù sao tôi cũng chẳng ngạc nhiên” tôi nói. “Cái gì chị chẳng dám. Chị cần gì ai. Kệ xác mọi người, chị cần quái gì”.
“Ờ” chị nói. “chuyện đó” chị nhìn nấm mộ. “Chị tiếc về chuyện đó, Jason”.
“Chị tiếc là phải” tôi nói. “Chị nói thì nghe lành như đất ấy. Nhưng chị chả cần về làm gì. Chả còn gì đâu, cứ nhìn cậu Maury thì biết, nếu chị không tin tôi”.
“Chị chẳng cần gì cả” chị nói, nhìn xuống nấm mộ. “Sao không ai cho chị biết?” chị nói. “Chị tình cờ đọc được trên báo. Ở trang cuối. Chỉ tình cờ thôi”.
Tôi chẳng nói gì. Chúng tôi đứng đó nhìn nấm mộ và rồi tôi nghĩ tới ngày chúng tôi còn bé và đủ thứ chuyện, và tôi bỗng lại thấy kỳ cục, điên điên khùng khùng sao đó, nghĩ đến chuyện giờ đây lúc nào chúng tôi cũng có cậu Maury quanh quẩn trong nhà điều khiển công việc theo cái kiểu để mặc tôi đội mưa đi về một mình thế này. Tôi nói:
“Chị quan tâm quá đấy. Bố chết là lẻn ra đây ngay. Nhưng chẳng được gì đâu. Chị đường tưởng có thể lợi dụng dịp này mà về. Đã lấy ngựa mà không cưỡi nổi thì phải đi bộ thôi”. Tôi nói. “Ở nhà không ai biết đến cả tên chị” tôi nói. “Chị biết thế không? không còn ai biết chị và hắn và cả Quentin nữa” tôi nói. “Chị biết thế không?”
“Chị biết” chị nói. “Jason” chị nói, vẫn nhìn nấm mộ “nếu cậu thu xếp để chị thấy con bé một phút thôi, chị sẽ biếu cậu năm mươi đô la”.
“Chị lấy đâu ra năm mươi đô la?” tôi nói.
“Cậu chịu không?” chị nói, không nhìn tôi.
“Cho xem đã” tôi nói. “Tôi không tin chị có nổi năm mươi đô la”.
Tôi thấy tay chị lần dưới áo choàng, rồi chị chìa tay ra. Mẹ kiếp nó đầy tiền. Tôi thấy hai, ba đồng vàng.
“Hắn vẫn đưa tiền cho chị à?” tôi nói. “Hắn gửi cho chị bao nhiêu?”
“Chị sẽ cho cậu một trăm” chị nói. “Chịu không?”
“Một phút thôi nhé” tôi nói “và đúng như tôi dặn. Mẹ mà biết thì một ngàn đô la tôi cũng không thèm”.
“Phải” chị nói. “Sẽ đúng theo lời cậu. Chị chỉ cần nhìn nó một phút thôi. Chị sẽ không đòi hỏi điều gì nữa. Chị sẽ đi ngay lập tức”.
“Đưa tiền tôi đã” tôi nói.
“Chị sẽ đưa cậu sau” chị nói.
“Chị không tin tôi hả?” tôi nói.
“Không” chị nói. “Chị biết cậu lắm. Chị lớn lên với cậu mà”.
“Nói chuyện tin người với chị thì hay thật đấy” tôi nói. “Bởi vậy” tôi nói “tôi phải đi không mưa ướt hết. Chào chị”. Tôi làm như bỏ đi thật.
“Jason” chị nói. Tôi dừng lại.
“Cái gì?” tôi nói. “Nhanh lên. Tôi ướt hết rồi”.
“Thôi được”. Chị nói. “Đây”. Không có ai thấy. Tôi quay lại và lấy tiền. Chị vẫn giữ nó. “Cậu sẽ làm chứ?” chị nói nhìn tôi qua tấm mạng. “Cậu hứa chứ?”
“Đưa đây” tôi nói. “Chị muốn người ta tới và cũng thấy à?”
Chị buông ra. Tôi nhét tiền vào túi. “Cậu sẽ làm chứ Jason?” chị nói. “Giá như có cách nào khác, chị sẽ không phiền cậu”.
“Chị nói đúng lắm, chả còn cách nào khác” tôi nói. “Chắc chắn tôi sẽ làm. Tôi đã nói là làm. Có điều là chị phải theo đúng những gì tôi dặn”.
“Được” chị nói. “Chị sẽ theo”. Thế là tôi nói địa điểm cho chị rồi đến chỗ cho thuê ngựa. Tôi đi gấp đến nơi vào lúc họ đang tháo ngựa. Tôi hỏi họ đã được trả tiền chưa họ nói chưa và tôi nói bà Compson còn quên chút việc và cần có ngựa một lát, nên họ để tôi lấy xe. Mink-cầm cương. Tôi cũng cho anh ta một điếu xì gà và thế là chúng tôi loanh quanh đi phố đến khi trời đổ tối ở các ngõ hẻm không còn nhìn rõ được ai với ai nữa. Rồi Mink nói anh ta phải đem ngựa về chuồng và thế là tôi nói tôi sẽ mua cho anh ta một điếu xì gà nữa rồi chúng tôi rẽ vào ngõ và tôi đi qua sân vào nhà. Tôi đứng ở trong hành lang tới khi nghe tiếng mẹ và cậu Maury trên gác, rồi tôi xuống bếp. Con bé và Ben đang ở đấy với Dilsey. Tôi bảo mẹ muốn bế nó và tôi đem nó lên nhà. Tôi tìm thấy cái áo khoác của cậu Maury và bọc quanh con bé rồi bế nó ra phía cửa lớn và lên xe. Tôi bảo Mink đánh xe đến nhà ga. Anh ta ngại đi qua tàu ngựa nên bọn tôi phải đi vòng, tôi thấy chị ấy đứng ở góc đường dưới ánh đèn và tôi dặn Mink đi sát lề đường, khi nào tôi bảo chạy thì quất ngựa thật mạnh. Rồi tôi bỏ áo khoác ra và đưa con bé tới cửa sổ xe. Caddy trông thấy nó và chị muốn nhảy chồm lên.
“Quất ngựa, Mink!” tôi nói. Mink ra voi vun vút và chúng tôi chạy vụt qua chị như một chuyến xe lửa. “Bây giờ lên tàu như chị đã hứa đi” tôi nói. Qua cửa hậu tôi thấy chị chạy theo xe. “Quất ngựa đi, Mink!” tôi nói “mình về nhà”. Khi chúng tôi ngoặt ở góc phố chị vẫn còn chạy.
Rồi tối hôm đó tôi đếm lại chỗ tiền cất đi, và cảm thấy chẳng đến nỗi nào. Tôi chắc là chị đã biết tay tôi. Tôi nghĩ hẳn là chị biết rằng chị không thể không giữ lời hứa và không đi chuyến tàu đó. Nhưng hồi ấy tôi còn chưa biết nhiều về con người, tôi cũng chẳng khôn ngoan cho lắm người ta nói sao thì tôi tin vậy, bởi vì sáng hôm sau, mẹ kiếp chị đi thẳng vào cửa hàng, còn may là biết điều kéo mạng xuống và không nói chuyện với ai. Đó là sáng thứ Bảy, bởi vì tôi ở cửa hàng, và chị đi thẳng đến bàn giấy của tôi, bước vội vã.
“Đồ dối trá” chị nói. “Đồ dối trá”.
“Chị điên hả?” tôi nói. “Chị muốn gì? Sao lại tự tiện vào đây như thế?” Chị định mở miệng nhưng tôi chặn họng ngay. Tôi nói “Chị đã làm tôi mất việc một lần rồi, chị muốn làm tôi mất việc ở đây nữa hay sao? Nếu chị cần nói gì với tôi tôi sẽ gặp chị vào buổi tối. Chị cần nói gì với tôi?” tôi hỏi. “Chẳng phải tôi làm đúng những gì tôi nói à? Tôi bảo nhìn nó một phút thôi, đúng không? chị cũng nói thế, đúng không? ” chị chỉ đứng nhìn tôi, lắc đầu lia lịa như lên cơn sốt rét, hai bàn tay co quắp giật giật. “Tôi chỉ làm đúng những gì tôi hứa” tôi nói “Chị mới là người dối trá. Chị hứa sẽ đi chuyến tàu ấy. Chị có hứa không, có không? chị tưởng chị có thể đòi lại tiền, thì cứ thử xem. Dù có là một ngàn đô la đi nữa chị cũng vẫn còn nợ tôi khi tôi đã liều lĩnh như thế. Và nếu tôi còn thấy hay nghe nói chị ở lại sau chuyến 17” tôi nói “tôi sẽ nói với mẹ và cậu Maury. Lúc đó thì cứ gắng nói mà đợi ngày thấy lại con bé”. Chị chỉ đứng đó, nhìn tôi, hai tay xoắn vào nhau.
“Thằng chết bằm”. Chị nói. “Thằng chết bằm”.
“Hẳn rồi” tôi nói. “Thế cũng được. Giờ thì nhớ những gì tôi vừa nói. Sau chuyến 17, là tôi sẽ kể với họ”.
Chị đi rồi tôi thở phào. Tôi nói tôi tưởng là chị phải nghĩ kỹ trước khi hất tôi khỏi chỗ làm người ta đã hứa với tôi chứ. Hồi đó tôi vẫn còn trẻ con. Người ta hứa làm sao thì tôi tin vậy. Từ đó đến nay tôi học được nhiều. Hơn nữa, như tôi nói tôi nghĩ mình chẳng cần ai giúp mới sống nổi, tôi có thể tự lực cánh sinh như xưa nay vẫn thế. Rồi đột nhiên tôi nhớ đến Dilsey và cậu Maury. Tôi nghĩ chị ấy sẽ nài nỉ Dilsey, còn cậu Maury ấy thì cứ cho mười đô la là chuyện gì cũng xong. Còn tôi thì ở đó, ngay cả bỏ cửa hiệu chạy về bảo vệ mẹ mình cũng không được. Như bà nói, nếu có đứa nào trong cáccon bị gọi đi thì ơn Chúa đã để con lại cho mẹ mẹ có thể nương tựa vào con và tôi nói phải chết tôi cũng chẳng đi đâu xa hơn cái cửa hiệu đến nỗi mẹ không gọi được. Phải có người giữ lấy chút gì còn lại của mình chứ, tôi nghĩ thế.
Nên vừa về đến nhà là tôi thu xếp với Dilsey. Tôi bảo Dilsey là chị ấy bị hủi và tôi lấy Kinh Thánh ra đọc đoạn có người bị thối rụng chân tay ra sao và tôi bảo bà rằng nếu chị ấy nhìn mammy hay Ben hay Quentin là lây bệnh cả đám đấy. Thế rồi tôi cứ tưởng mọi việc đã ổn thoả cho đến hôm đó khi tôi về nhà và thấy Ben đang khóc rống, gào rú như ma quỷ và không ai dỗ nổi. Mẹ nói “Thôi, lấy cho nó chiếc dép vậy”. Dilsey làm ra vẻ không nghe thấy. Mẹ nhắc lại và tôi bảo tôi đi đây ồn ào khốn kiếp thế này ai mà chịu nổi. Như tôi nói tôi có thể chịu đựng được đủ thứ tôi chẳng mong đợi gì ở ai nhưng nếu tôi phải làm quần quật suốt ngày ở cái cửa hiệu chó chết ấy thì mẹ kiếp tôi tưởng mình cũng có quyền hưởng chút yên tĩnh mà nuốt trôi bữa chiều chứ. Nên tôi bảo tôi đi đây và Dilsey vội nói “Jason!”
À, thoáng một cái tôi biết ngay chuyện gì, nhưng để cho chắc tôi đi lấy dép đem lại, và đúng như tôi nghĩ, khi nó thấy chiếc dép người ta tưởng như chúng tôi đang chọc tiết nó. Rồi tôi bắt Dilsey nói thật, rồi tôi kể cho mẹ. Chúng tôi phải dìu bà về giường và sau khi đã im ắng được đôi chút tôi mới đưa Chúa ra doạ Dilsey. Với bọn đen chỉ thế là tiện nhất. Đến bực mình với lũ đầy tớ da đen là khi chúng ở với mình lâu năm chúng đâm ra tự mãn đến mức không đáng lấy một xu. Chúng tưởng chúng cai quản cả gia đình chắc.
“Tôi muốn biết cứ để cô ấy thăm nom con bé thì có hại gì” Dilsey nói “Nếu ông Jason mà còn sống thì đã khác”.
“Nhưng ông Jason không còn nữa” tôi nói “Tôi biết mammy không coi tôi là gì cả, nhưng tôi tưởng mammy còn biết nghe lời mẹ chứ? Mammy cứ làm bà lo lắng thế này, chả mấy chốc mammy cũng đưa bà ra nghĩa địa luôn, bấy giờ mammy tha hồ đem cái lũ rác rưởi ấy về đầy nhà. Nhưng tại sao mammy lại để cho cái thằng khùng khốn nạn gặp chị ấy làm gì chứ?”
“Cậu Jason, cậu là người sắt đá, nếu quả cậu là con người” bà nói. “Ơn Chúa, tôi sống còn có tình hơn thế, dù đó là tình của dân đen”.
“Ít ra tôi cũng là người đủ để giữ cho thùng bột đầy” tôi nói. “Và nếu mammy còn làm thế nữa, thì mammy đừng có ăn cái thứ bột ấy”.
Nên lần sau tôi bảo chị ấy nếu chị còn lợi dụng Dilsey nữa thì mẹ sẽ đuổi Dilsey rồi gửi Ben đi Jackson và đưa Quentin đi nơi khác. Chị ấy nhìn tôi một lúc. Không có ngọn đèn đường nào ở gần và tôi không nhìn rõ mặt chị. Nhưng tôi cảm thấy chị đang nhìn tôi. Khi chúng tôi còn bé mỗi lần chị còn không biết phải làm thế nào, môi trênchị thường giật giật. Mỗi lần nó giật răng chị lại hé ra một chút, và suốt thời gian đó chị cứ đứng ngây ra như tượng, không hề nhúc nhích chỉ có môi trên giật giật để hở răng mỗi lúc mỗi cao. Nhưng chị không nói gì cả. Chị chỉ bảo:
“Được rồi. Bao nhiêu?”
“Thì cứ mỗi lần nhìn qua cửa xe là một trăm” tôi nói. Lần sau đó chị có phần biết điều, chỉ có một lần chị đòi xem tài khoản ở ngân hàng.
“Tôi biết có ký nhận của mẹ đàng sau” chị nói. “Nhưng tôi muốn xem tài khoản ở ngân hàng. Tôi muốn tận mắt thấy các ngân phiếu ấy đi đâu”.
“Đó là chuyện riêng của mẹ” tôi nói. “Nếu chị cho là chị có quyền nhòm nhỏ vào việc riêng của mẹ, tôi sẽ nói lại với bà rằng chị bảo là những ngân phiếu kia bị biển thủ và đòi kiểm tra vì chị không tin bà”.
Chị không nói gì cũng không nhúc nhích. Tôi nghe tiếng chị lẩm bẩm đồ khốn nạn ôi quân khốn nạn ôi quân khốn nạn.
“Nói hẳn ra đi” tôi nói. “Tôi tưởng chị với tôi thì biết nhau quá rồi có gì mà phải giấu. Chắc chị muốn đòi tiền lại?” tôi nói.
“Nghe này Jason” chị nói. “Đừng có dối tôi. Về con bé ấy. Tôi không đòi xem gì cả. Nếu thế chưa đủ, hàng tháng tôi sẽ gửi thêm. Chỉ cần cậu hứa là nó – là nó – Cậu có thể làm thế mà. Những thứ vặt vãnh cho nó. Thương nó với. Những cái nhỏ nhặt mà tôi không thể, họ không thể…nhưng cậu chắc là không đâu. Có bao giờ có một giọt máu nóng trong lòng cậu. Nghe này” chị nói “nếu cậu nói với mẹ sao cho tôi lấy lại được con bé, tôi sẽ cho cậu một ngàn đô la”.
“Chị lấy đâu ra một ngàn đô la?” tôi nói. “Tôi biết chị chỉ nói láo”.
“Có, tôi có. Tôi sẽ có. Tôi có thể kiếm ra”.
“Và tôi biết chị làm cách nào để có” tôi nói “Chị lo kiếm tiền bằng cách chị đã có con bé chứ gì. Và khi nào nó đủ khôn lớn” Rồi tôi nghĩ chắc chị sắp đánh tôi, rồi tôi không biết chị định làm gì nữa. Trong giây lát, trông chị như món đồ chơi bị lên dây cót quá chặt muốn vỡ tung ra.
“Ôi tôi điên mất” chị nói. “Tôi loạn óc mất. Tôi không có được nó. Giữ nó. Tôi đang nghĩ gì nhỉ? Jason”. Chị nói, cầm lấy tay tôi. Tay chị nóng như đang lên cơn sốt. “Cậu phải hứa sẽ chăm sóc nó, sẽ – nó là cháu cậu, máu mủ ruột thịt của cậu mà. Hứa đi, Jason. Cậu cùng tên với bố, cậu xem có bao giờ tôi phải xin ông tới hai lần? Ngay cả một lần thôi?”
“Thì ra thế” tôi nói. “Thì ra ông cũng có để lại cho chị cái gì đó. Chị muốn tôi làm gì” tôi nói. “Mua yếm dãi với xe tập đi à? Tôi đâu có lôi chị vào chuyện này” tôi nói. “Tôi còn mạo hiểm hơn chị nhiều, bởi vì chị có bị đe doạ gì đâu. Vậy thì chị chờ”.
“Không” chị nói, rồi chị bắt đầu cười và đồng thời cố kìm lại. “KHông, tôi chẳng bị đe doạ gì cả”. Chị nói, vẫn cười thành tiếng, đưa tay lên che miệng. “Khô-ông khô-ông không gì cả” chị nói.
“Này” tôi nói “Thôi đi!”
“Tôi đang cô ố” chị nói, đưa cả hai tay lên bịt miệng. “Ôi trời ơi! Trời ơi!”
“Tôi đi đây” tôi nói. “Tôi không muốn ai thấy tôi ở đây. Chị đi khỏi tỉnh ngay. Chị nghe không?”
“Đợi đã” chị nói, túm lấy tay tôi. “Tôi nín rồi. Tôi không cười nữa. Cậu hứa đi, Jason?” chị nói, và tôi cảm thấy mắt chị như muốn bật tung ra đụng vào mắt tôi. “Cậu hứa chứ? Này – chỗ tiền ấy – nếu thỉnh thoảng nó có cần gì – Nếu tôi gửi ngân phiếu cho nó đến chỗ cậu, những cái khác ngoài mấy cái kia, cậu sẽ đưa cho nó chứ? Cậu không nói ra chứ? Cậu sẽ lo sao cho nó không thua kém bạn bè chứ?”
“Chắc chắn rồi” tôi nói. “Chừng nào chị biết điều và làm theo lời tôi”.
Rồi khi Earl ra cửa trước mũ úp trên đầu và nói “Tôi ghé qua tiệm Roger kiếm cái gì nhét vào bụng. Mình không đủ thì giờ về nhà ăn trưa đâu, tôi nghĩ thế”.
“Làm gì đến nỗi không có thì giờ?” tôi nói.
“Thì tại cái buổi diễn gì đấy” hắn nói. “Họ định cho diễn cả buổi chiều nữa, và thiên hạ ai cũng muốn mua bán cho xong để còn đi xem. Nên mình cứ chạy qua đàng Roger cho tiện”.
“Được rồi” tôi nói “anh đói thì cứ đi. Nếu anh muốn làm nô lệ cho công việc thì tôi cũng đành chịu”.
“Chắc hẳn cậu không làm nô lệ cho công việc nào cả” hắn nói.
“Ngoại trừ công việc của Jason Compson” tôi nói.
Nên khi tôi mở thư điều duy nhất làm tôi ngạc nhiên là một tờ bưu phiếu cứ không phải ngân phiếu. Vâng đúng thế đấy.
Làm sao mà tin cái ngữ ấy được. Sau bao nhiêu lần mạo hiểm như thế, rồi lo mẹ biết chuyện chị ấy vẫn về đây một năm đôi ba lần và tôi cứ phải nói dối mẹ chuyện đó. Người ta trả ơn mình như vậy đấy. Và tôi chẳng lạ gì khi chị yêu cầu bưu điện không đưa tiền cho ai ngoài nó. Một co nranh con như thế mà cho những năm mươi đô la. Ngay như tôi mãi đến năm hai mươi mốt tuổi mới thấy tờ năm mươi đô la trong khi bạn bè nghỉ buổi chiều và cả ngày thứ Bảy thì tôi phải quần quật ở cửa hiệu. Tôi đã bảo mà, còn ai dạy được nó nữa khi mẹ nó lén cho nó tiền sau lưng mình. Nó cũng ở cùng nhà với mình, cũng được nuôi nấng như mình. Tôi nghĩ mẹ phải biết nó cần gì hơn chị chứ, chị có phải lo chuyện nhà cửa bao giờ. “Nếu chị muốn cho nó tiền” tôi bảo “thì chị cứ đưa cho mẹ, đừng cho thẳng nó. Nếu cứ vài tháng tôi lại phải liều một lần thế này thì chị phải nghe tôi, không là cắt đứt”.
Cũng tới lúc tôi sửa soạn để đi và nếu Earl tưởng rằng tôi sẽ nháo nhào ra phố nuốt vội vai miếng đến nghẹn vì lo kiếm lời cho hắn thì hắn quả là một gã đại ngốc. Có thể tôi không được ngồi gác chân lên bàn gỗ quý nhưng tôi ăn lương là để làm việc trong nhà và nếu ngoài giờ làm tôi không được sống cho ra sống thì biến đi đâu được là tôi biến ngay. Tôi có thể tự lực cánh sinh, tôi chẳng cần bàn gỗ quý của ai nâng đỡ tôi nên cũng đã tới lúc tôi sửa soạn để đi. Tôi sắp lại phải bỏ mọi thứ đấy để ra bán cho một anh cổ cày vai bừa một xu đinh hay cái gì đó, và Earl ở ngoài kia nuốt chửng miếng sandwich và đang trên đường về, cứ như không có gì xảy ra, và rồi tôi thấy mấy tờ khống phiếu đã hết sạch. Tôi nhớ lại là mình đã định đi xoay vài cái, nhưng giờ thì quá muộn rồi, tôi ngẩng lên và thấy Quentin đi thẳng vào. Bằng cửa sau. Tôi nghe nó hỏi già Job có tôi ở đây không. Tôi chỉ còn vừa đủ thời gian nhét tất cả vào ngăn kéo và đóng lại.
Nó đi vòng tới chỗ bàn giấy. Tôi nhìn đồng hồ.
“Mày về ăn trưa rồi đấy à?” tôi nói. “Mới đúng mười hai giờ, tao vừa nghe chuông. Mày định bay về nhà rồi quay lại trường ngay hay sao?”
“Tôi không về nhà ăn trưa” nó nói. “Hôm nay tôi có thư không?”
“Mày chờ thư à?” tôi nói. “Mày mà có một thằng bé biết viết sao?”
“Của mẹ” nó nói. “Tôi có cái thư nào của mẹ không” nó nhìn tôi.
“Bà có một cái thư của mẹ mày” tôi nói. “Tao chưa mở. Mày phải đợi bà mở đã. Tao tưởng thế nào bà chả cho mày xem”.
“Cậu Jason, xin cậu” nó nói, hờ hững. “Tôi có thư không?”
“Chuyện gì vậy?” tôi nói. “Tao chưa bao giờ thấy mày trông mong ai. Mày đợi tiền mẹ mày chứ gì?”
“Mẹ tôi bảo” nó nói. “Xin cậu, cậu Jason” nó nói. “Có thư không?”
“Dù sao hôm nay mày cũng có đi học thì phải” tôi nói. “Ở đâu mà họ lại dạy mày biết xin xỏ thế. Khoan đã, đợi tao hầu xong ông khách này”.
Tôi đi ra phục vụ khách. Khi tôi quay lại nó đã lúi húi ở phía sau bàn. Tôi chạy lại. Tôi vòng ra sau bàn và túm được nó ngay khi tay nó vừa rút ra khỏi ngăn kéo. Tôi giằng lá thư trong tay nó, đập mắt cá tay nó xuống bàn đến khi nó chịu buông ra.
“Mày dám thế à?” tôi nói.
“Đưa cho tôi” nó nói. “Cậu đã mở rồi. Đưa thư cho tôi. Cậu Jason, xin cậu. Thư của tôi. Tôi thấy tên mà”.
“Tao sẽ cho mày một cái dây cương” tôi nói. “Tao sẽ cho mày cái ấy đấy. Dám lục giấy tờ của tao”.
“có tiền trong đó không?” nó nói, cố với lấy thư. “Mẹ bảo sẽ gửi tiền cho tôi. Mẹ hứa sẽ gửi. Đưa cho tôi đì!”
“Mày cần tiền để làm gì?” tôi nói.
“Mẹ nói sẽ gửi” nó nói. “Đưa thư cho tôi. Xin cậu, cậu Jason. Tôi sẽ không bao giờ hỏi xin cậu cái gì nữa, nếu cậu cho tôi lần này”.
“Tao sẽ đưa, nếu mày để từ từ” tôi nói. Tôi lấy bức thư và tờ bưu phiếu, đưa cho nó bức thư. Nó chồm lên cố giật tờ bưu phiếu mà không buồn liếc qua lá thư. “Mày phải ký vào đây trước đã” tôi nói.
“Bao nhiêu?” nó nói.
“Đọc thư đi” tôi nói. “Tao chắc thư có nói”.
Nó đọc rất nhanh, chỉ liếc qua hai lượt.
“Thư không nói” nó nói, ngước nhìn tôi. Nó vứt thư xuống sàn. “Bao nhiêu?”
“Mười đô la” tôi nói.
“Mười đô la?” nó nói, nhìn tôi chằm chằm.
Mày được thế là sướng chán rồi còn gì” tôi nói. “Nhãi ranh như mày. Sao bỗng dưng mày sùng sục lên đòi tiền thế?”
“Mười đô la à?” nó nói, như thể nó đang nói mơ. “Chỉ có mươi đô la thôi?” nó đưa tay giật tờ bưu phiếu. “Cậu nói láo” nó nói. “Đồ ăn cướp!” nói nói “Đồ ăn cướp!”
“Mày dám thế à?” tôi nói, đẩy nó ra.
“Đưa cho tôi!” nó nói. “Của tôi mà. Mẹ gửi tiền cho tôi. Tôi phải xem. Tôi phải xem”.
“Mày phải xem à?” tôi nói, giữ tay nó. “Mày làm cách nào mà xem?”
“Tôi chỉ xem thôi, cậu Jason” nó nói. “Xin cậu. Tôi sẽ không đòi cậu cái gì nữa”.
“Mày bảo tao nói láo phải không?” tôi nói. “Chỉ thế thôi mày cũng đã không đáng được xem”.
“Nhưng chỉ có mười đô la” nói nói. “Mẹ bảo là mẹ sẽ – mẹ bảo là – cậu Jason, xin cậu van cậu lạy cậu. Tôi phải có tiền. Tôi phải có. Đưa cho tôi đi, cậu Jason. Đưa cho tôi đi rồi cậu bảo gì tôi cũng nghe”.
“Nói tao biết mày cần tiền làm gì?” tôi nói.
“Tôi phải có” nó nói. Nó đang nhìn tôi. Rồi bỗng dưng nó không nhìn tôi nữa, mắt mở lớn không chớp. Tôi biết nó sắp nói láo. “Tôi nợ người ta một ít tiền. Tôi phải trả nợ. Tôi phải trả ngay hôm nay”.
“Trả ai?” tôi nói. Nó xoắn hai tay lại. Tôi thấy rõ nó đang nghĩ cách nói dối. “Mày lại mua chịu ở cửa hàng chứ gì?” tôi nói. “Mày chả phải mất công bảo tao thế. Khắp cái thị trấn này tao đã dặn trước rồi mà lại còn có người bán chịu cho mày thì cứ đem đầu tao ra mà chặt”.
“Đấy là một con bạn” nó nói. “một con bạn. Tôi vay tiền của nó. Tôi phải trả. Cậu Jason, đưa tiền cho tôi. Xin cậu. Tôi sẽ làm mọi việc. Tôi phải có tiền. Mẹ sẽ trả cậu. Tôi sẽ viết thư bảo bà ấy trả cậu và tôi sẽ không xin xỏ gì bà ấy nữa. Cậu muốn xem thư thì xem. Xin cậu, cậu Jason. Tôi phải có tiền”.
“Nói cho tao biết mày cần tiền làm gì, rồi tao sẽ cho xem”. Tôi nói. “Nói đi!” nó chỉ đứng đó, hai tay vò nhàu áo. “Thôi được ” tôi nói. “Nếu mày chê mười đô la quá ít, tao sẽ đem về cho bà, rồi mày sẽ thấy chuyện gì xảy ra. Dĩ nhiên nếu mày giàu mày đâu cần mười đô la”.
Nó chỉ đứng đó cúi gầm mặt nhìn xuống đất, lẩm nhẩm trong miệng “Mẹ nói mẹ sẽ gửi cho mình ít tiền. Mẹ bảo mẹ gửi tiền đến đây còn cậu lại bảo mẹ không gửi gì. Mẹ bảo mẹ gửi rất nhiều tiền về đây. Mẹ bảo tiền gửi cho mình. Để mình có tiền tiêu. Còn cậu bảo mình chả có đồng nào”.
“Mày cũng biết rõ chuyện đó như tao” tôi nói. Mày đã thấy các ngân phiếu ấy ra sao rồi đấy thôi”.
“Phải” nó nói, nhìn xuống đất. “Mười đô la” nó nói. “Mười đô la”.
“Mười đô la còn hên đấy con ạ” tôi nói. “Đây” tôi nói. Tôi đặt bưu phiếu úp xuống mặt bàn, chặn tay lên. “Ký đi!”
“Cậu cho tôi xem có được không?” nó nói. “Tôi chỉ muốn xem thôi. Dù bao nhiêu tôi cũng chỉ lấy mười đô la thôi. Còn thì cậu lấy. Tôi chỉ muốn xem thôi”.
“Mày láo thế đâu được” tôi nói. “Mày phải học lấy một điều là khi tao bảo mày làm gì, mày phải làm cái đó. Mày ký tên vào chỗ này này”.
Nó cầm lấy bút, nhưng thay vì ký, nó cứ đứng sững đầu cúi gục như cũ và cây bút rung bần bật trong tay. Hệt như mẹ nó. “Trời ơi!” nó nói “trời ơi!”
“Phải” tôi nói. “Nếu mày chưa học được điều gì bao giờ thì hãy học lấy điều đó. Ký vào đây, rồi đi cho khuất mắt tao”.
Nó ký tên. “Tiền đâu?” nó nói. Tôi lấy tờ bưu phiếu thấm khô mực rồi bỏ vào túi. Rồi tôi đưa cho nó mười đô la.
“Bây giờ mày trở lại trường học chiều nay đi, nghe không?” tôi nói. Nó không trả lời. Nó vò tờ bạc trong tay như vò mảnh giấy lộn hay gì đó và đi ra cửa trước vừa đúng lúc Earl đi vào. Một khách hàng vào cùng với hắn và họ dừng lại ở quầy. Tôi thu dọn rồi đội mũ và đi ra ngoài quầy.
“Nãy giờ bận lắm hả?” Earl nói.
“Không bận lắm” tôi nói. Hắn nhìn ra phía cửa.
“Xe cậu để đàng kia phải không?” hắn nói. “Tốt hơn đừng về ăn nhà. Thế nào cũng bận túi bụi một đợt nữa trước buổi diễn. ăn qua loa ở đàng Roger và bỏ một cái vé vào ngăn kéo ấy!”
“Đa tạ” tôi nói. “Tôi nghĩ là tôi vẫn còn đủ sức nuôi cái thân tôi
Và hắn cứ đứng ở đó, chòng chọc nhìn ra cửa như một con diều hâucho đến khi tôi trở lại bước vào cửa. Hừm, thì hắn cứ việc nhìn ra cửa, tôi đã làm hết sức tôi rồi. Lần trước tôi đã bảo tờ này là tờ chót, mình phải nhớ kiếm vài tờ khác ngay. Nhưng cứ bận rối lên thế này ai mà nhớ được việc gì. Rồi buổi diễn thổ tả kia lại nhè đúng ngay cái ngày mà tôi phải lùng sục khắp tỉnh cho ra một tờ khống phiếu, đã thế lại còn bao nhiêu việc nhà việc cửa khác mà Earl thì cứ đứng canh cửa như một con diều hâu.
Tôi đến xưởng in và bảo rgtg muốn đùa một người bạn, nhưng họ nói họ không có. Rồi họ bảo tôi đến tìm chỗ nhà hát cũ xem, ở đó người ta tồn trữ cả đống giấy tờ phế thải của Ngân hàng Nông thương khi nó phá sản, thế là tôi lại chạy xe ngược mấy con hẻm ngoắt ngoéo để Earl không thấy và cuối cùng tìm được ông già Simmons để lấy chìa khoá rồi lên đó lục lọi. Cuối cùng tôi tìm thấy một xấp của ngân hàng San Louis. Dĩ nhiên cho chị ấy chọn ngân hàng này thử một lần xem sao. Ờ, nó được việc chán.tôi chả còn thời gian đâu mà chần chừ.
Tôi trở lại cửa hàng. “Quên mấy thứ giấy tờ. Mẹ tôi cần tới ngân hàng”. Tôi nói. Tôi trở lại bàn làmgiả tấm ngân phiếu. Tôi làm vội vàng cho xong, bụng bảo dạ cũng may là mắt bà cụ kém rồi, chứ với cái con đĩ ranh ấy ở trong nhà, một bà già sùng đạo nhẫn nại như mẹ thì. Tôi bảo mẹ cũng biết rõ như tgrr nó sẽ ra cái thứ gì nhưng tôi nói đó là việc của mẹ, nếu mẹ muốn dung dưỡng nó ở nhà thì cũng chỉ vì bố. Rồi bà lại bắt đầu khóc và nói nó là máu mủ của bà nên tôi chỉ nói. Được rồi. Mẹ cứ làm theo ý mình. Mẹ chịu được thì tôi cũng chịu được.
Tôi sửa lại lá thư, dán phong bì như cũ và đi ra.
“Cô gắng về sớm một chút đỡ tôi một tay” Earl nói.
“Được rồi”. Tôi nói. Tôi đến bưu điện. Mấy thằng cha láu cá đã ở đó cả.
“Các cậu đã ai kiếm được triệu nào chưa?” tôi nói.
“Kiếm chác gì ở cái thị trường như thế này?” Doc nói.
“Sao rồi?” tôi nói. Tôi vào xem. Thấp hơn lúc mới mở cửa ba điểm. “Các cậu để cho cái trò vặt như thị trường bông này đánh gục à?” tôi nói. “Tôi tưởng các cậu khôn ngoan có thừa chứ?”
“Khôn ngoan cái quỷ gì” Doc nói. “Lúc mười hai giờ xuống mười hai điểm làm mình nhẵn túi”.
“Mười hai điểm?” tôi nói. “mẹ kiếp sao không ai cho tôi biết? sao không báo cho tôi?” tôi hỏi tay trực tổng đài.
“Tôi chỉ biết có tin thì tôi nhận” anh ta nói. “Tôi đâu phải cửa hàng bán thùng”.
“Anh ma mãnh nhỉ?” tôi nói. “Tôi cho anh tiền mà anh không gọi cho tôi một tiếng được hay sao? Chắc là cái công ty chó chết của anh lại thông đồng với bọn cá mập biển Đông chứ gì?”
Anh ta không nói gì. Anh ta làm ra vẻ hết sức bận rộn.
“Anh mặc cái quần hơi quá cỡ đấy” tôi nói. “Trước tiên nên nhớ rằng anh phải kiếm miếng ăn bằng cách nào”.
“Chuyện gì vậy?” Doc nói. “Cậu còn được ba điểm mà”.
“Phải” tôi nói. “nếu tôi bán. Tôi nghĩ là tôi chưa hề thông báo ý định đó. Các cậu sạch túi chưa?”
“Tôi bị hai cú rồi”. Doc nói. “May mà xoay xở kịp”.
“Hừ” I.Ó. Snopes nói. “Tôi thì đã lãnh đủ. Thỉnh thoảng nó lại chơi mình một vố thế này thật ớn”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.