Amrita

1. Mưa lành



Người ta thường nói, nếu phải trải qua một chấn động mạnh nào đó, ta sẽ thấy mọi thứ xung quanh thay đổi hẳn, nhưng chuyện này đối với tôi có lẽ không hoàn toàn như vậy. Đôi lúc tôi vẫn nghĩ thế.

Tôi biết rằng mình vẫn có thể nhớ lại mọi chuyện, tất cả những sự kiện trong hai mươi tám năm qua kể từ lúc một Wakabayashi Sakumi được sinh ra, những thăng trầm của gia đình tôi, những món ăn tôi ưa thích, những điều tôi căm ghét, tất cả, tất cả những gì để tôi chính là tôi, tất cả đều được hồi tưởng lại như một câu chuyện cũ.

Tất cả chỉ như một câu chuyện.

Có lẽ bởi vậy, cho đến trước khi xảy ra tai nạn nhỏ hôm ấy, thực ra tôi không hề biết chính mình cảm thấy thế nào về cuộc đời mình. Mà biết đâu đấy, cũng có thể tôi đã cảm nhận như vậy từ rất lâu rồi. Chuyện thế nào nhỉ! Không lẽ tôi đã sống những ngày tháng vô vị, chỉ như những đám tuyết, rơi xuống và chất đống lên nhau thôi sao? Và tôi đã thỏa hiệp với chính tôi như thế nào? Mọi người thường nói, khi bạn cắt tóc ngắn trụi, mọi người sẽ cư xử với bạn phần nào khác trước và cuối cùng, chính điều ấy cũng khiến tính cách của bạn thay đổi ít nhiều. Trải qua một mùa đông với cái đầu trọc lốc sau khi phẫu thuật, mãi giờ tóc tôi mới dài ra một chút nhưng chính thế trông lại rất hợp mốt “tóc tém”. Bạn bè lẫn người thân, ai cũng nói như nhau:

Chưa bao giờ thấy Saku để kiểu tóc này, trông mới lạ như một người khác vậy!

– Thế hả?

Tôi cười tỉnh bơ đáp lại nhưng sau đó lén mở an-bum. Tôi vẫn ở đó. Mái tóc dài và nụ cười tươi, trong tất cả các chuyến đi, ở mọi nơi, mọi lúc. Tôi vẫn nhớ rõ tất cả. Nào là hôm ấy thời tiết ra sao, rồi lần nọ đau bụng sinh lý đến mức đứng không vững như thế nào… Và bởi thế tôi biết đó chính là tôi, không thể là bất kỳ ai khác. Nhưng tôi không thể nhớ ra ngay. Thực là một cảm giác mông lung kỳ lạ. Thậm chí tôi còn muốn tự thưởng cho mình một tràng vỗ tay bởi vì với một trạng thái tinh thần bất ổn như vậy mà tôi vẫn luôn cố làm “Tôi”, tiếp tục bước về phía trước không biết mệt mỏi.

Trong nhà tôi bây giờ có mẹ tôi, tôi, đứa em trai đang học lớp bốn, cô Junko – bạn thuở thiếu thời của mẹ đến ở nhờ, Mikiko – cô em họ đang là sinh viên đại học. Bố tôi đã mất từ lâu. Mẹ tôi tái giá và cũng đã ly hôn. Tôi và Yoshio là hai chị em cùng mẹ khác cha. Trước kia, nối giữa hai chúng tôi chính là Mayu – em gái cùng cha, cùng mẹ. Là diễn viên nhưng sau khi giải nghệ nó sống cùng một nhà văn rồi chẳng mấy chốc suy sụp tinh thần để rồi cuối cùng chết như thể tự sát. Chuyện cũng khá lâu rồi.

Tôi làm bồi bàn năm ngày một tuần, ca đêm và kiêm cả phục vụ rượu cho khách, nhưng đó chỉ là một quán rượu cũ và tất nhiên chẳng có gì thiếu lành mạnh cả. Chủ quán – trước vốn là dân híp-pi – bài trí quán theo kiểu “hội trại học đường”. Ban ngày tôi rảnh nên thỉnh thoảng đến giúp việc văn phòng cho công ty đứa bạn, nói chung là đủ việc. Trước khi mất, bố tôi cũng kiếm được khá tiền. Hình như đã có một dạo, trong suốt một thời gian khá dài, một cách vô thức, tôi luôn cố nghĩ cách xem làm thế nào để cho chuyện có tiền và rong chơi tháng ngày thành ra một kiểu sống sành điệu. Thế rồi, đến lúc sực nhìn lại mới thấy mình thất lố, thật chẳng giống ai, không ra tiểu thư cũng chẳng ra thiếu nữ, ương ương dở dở. Dù sao thì tôi cũng rất yêu cuộc sống của mình, yêu đến không tả được. Đôi lúc, tôi còn thầm nghĩ: “Xin mọi người! Làm ơn hãy nghĩ như tôi, bởi điều đó là chân lý không có gì phải nghi ngờ cả!”.

Một đêm, về nhà vào lúc ba giờ sáng sau khi xong việc, tôi thấy mẹ vẫn ngồi cạnh bàn ăn trong phòng bếp, vẻ mặt đăm chiêu. Những lúc có chuyện hệ trọng muốn nói với tôi, mẹ vẫn thường làm vậy. Ngày trước, lúc mẹ tái giá cũng thế. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ hôm ấy, nói năng ngượng nghịu vì niềm vui cố kìm nén nhưng vẫn làm ra vẻ nghiêm trang. Gần đây, có chuyện gì mẹ cũng nói với cô Junko nên lâu lắm tôi mới lại trông thấy mẹ thế này. Trực giác mách bảo đó là chuyện của em tôi. Thằng bé cũng hơi khác người và hình như mọi người thường bàn tán về nó ở trường. Sau khi Mayu chết, việc nuôi dạy con đối với mẹ tôi như đã trở thành một lời nguyền vĩnh cửu. Nghĩ đến chuyện của mẹ, tôi lại thấy buồn vì có vẻ như mẹ cũng không mấy hài lòng với cuộc đời của chính bà, buồn vì tuy sống dưới cùng một mái nhà nhưng trong khi tôi thoải mái rong chơi thì mẹ tôi lại chịu bao cay đắng.

– Có chuyện gì à mẹ? Tôi hỏi.

Trong nhà, mọi người đã ngủ say. Bếp tối mờ, chỉ còn một bóng đèn nê-ông nhỏ phía trên bồn rửa là sáng. Dưới bóng đèn đó, mẹ tôi ngồi bất động, như một bức chân dung đen trắng. Bóng tối đọng lại thành những vệt sẫm nơi khóe môi và phía dưới hàng lông mày nhíu chặt.

– Con ngồi xuống đi! Mẹ tôi nói.

– Vâng… À, mẹ có uống cà phê không?

Nghe nói vậy, mẹ tôi liền đứng lên và nói:

– Để mẹ pha.

Tôi kéo ghế ngồi phịch xuống. Tôi phải đứng suốt trong khi làm việc nên vừa thả người ngồi xuống, cơ bắp như nhão ra hết cả. Cơn đau mỏi ở thắt lưng lan ra khắp người. Vị cà phê nóng giữa đêm khuya thật nao lòng. Sao vậy nhỉ? Tôi nhớ lại hồi bé. Rõ ràng hồi bé tôi đâu có uống cà phê mà sao lại nhớ mong cái vị của nó đến vậy, nó giống như những buổi sáng có tuyết đầu mùa hay những đêm giông bão, cứ mỗi khi bắt gặp, ta lại thấy lòng xốn xang kỳ lạ.

Mẹ tôi khẽ nói:

– Thằng Yoshio ấy…

– Sao ạ?

– Nó sẽ làm nhà văn.

Tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ.

– Lại gì nữa đây? Tôi hỏi lại.

Nói chung, thằng bé là loại điển hình cho lũ nhóc thời buổi này, luôn làm người ta phát ngán với ước mơ muốn trở thành doanh nhân vì xem tivi thấy toàn những chàng vừa đẹp trai lại vừa giàu có.

– Ờ… nó bảo nằm mơ thấy thần báo mộng.

Mẹ tôi nói. Nghe vậy, tôi phì cười.

– Tưởng gì! Trò đó giờ đang “mốt” mà mẹ!

Tôi vừa cười vừa đáp.

– Chuyện trẻ con ấy mà. Kệ nó mẹ ạ!

– Nhưng bộ dạng nó cũng lạ lắm! Mẹ tôi vẫn giữ vẻ lo lắng.

Tôi nói:

– Dù gì thì cũng cứ để mấy bữa xem sao đã mẹ à!

– Ừ, có thể rồi nó sẽ chán.

– Mà thành tiểu thuyết gia thì cũng có sao đâu?

– Ừ… Meh cũng chẳng biết nữa…

– Cũng tại vì đây là đứa con trai đầu tiên trong nhà mình nên chẳng biết nó sẽ trưởng thành ra sao thôi mà! Tôi nói.

– Em con mất, rồi con bị tai nạn chấn thương sọ não, giờ lại đến chuyện này. Đúng là nhà này chưa có lúc nào không có chuyện! Mẹ tôi than vãn. Nó đang lấy giấy tập ra hí hoáy viết lách cái gì đây. Cái thằng…!

– Đúng là cái thằng dở hơi!

Tôi hùa theo. Song bằng trực giác của mình, tôi biết mẹ như một ngọn hải đăng nhưng lại quá sáng khiến những còn tàu đi ngang qua đó mất phương hướng, và quanh mẹ sẽ luôn là những số phận kỳ lạ. Tôi nghĩ, có những sự hấp dẫn mà năng lượng tự thân của nó luôn có nhu cầu thay đổi. Mẹ mơ hồ nhận ra điều đó. Mẹ đau lòng. Vậy nên mẹ mới không nói ra thành lời.

– Nhất định trong nhà mình rồi sẽ có chuyện gì đó, và mọi thứ sẽ giống như “Những ngôi sao đẹp” của Mishima Yukio thôi. Thế cũng được! Càng vui!

Tôi nói chơi vậy nhưng sau này mới biết rằng điều đó không ngờ lại thành sự thật.

Mẹ tôi bật cười.

– Mai con sẽ phỏng vấn nó xem sao!

– Ừ, cứ thử đi. Rồi con sẽ thấy mẹ không lo thừa đâu!

– Chẳng nhẽ… nghiêm trọng thế cơ ạ? Cứ như nó đã thành người khác ấy.

Mẹ gật đầu, nhưng nét mặt đã rạng rỡ hơn trước, có lẽ như thế này là tạm ổn rồi, tôi thầm nghĩ. Một mình trong căn bếp giữa đêm khuya, mọi suy nghĩ của bạn sẽ ngưng đọng lại. Không bao giờ nên ở đó quá lâu. Cũng đừng bao giờ giam hãm mẹ bạn, vợ bạn ở đó. Từ những ý nghĩ đen tối cho đến món xúp củ cải đỏ ngon lành, tất cả đều sinh ra từ đó – bếp – khoảng không gian kỳ diệu thống trị mỗi ngôi nhà.

Mãi gần đây tôi mới nghiệm ra rằng, con người, hiện hữu trong một thực thể rắn chắc trước mắt mỗi chúng ta, thực ra chỉ là một thứ yếu đuối, đến mức chỉ cần va đập nhẹ với bất cứ thứ gì cũng sẽ tan vỡ một cách rất dễ dàng. Những con người tôi biết, những con người tôi yêu thương, những cái lòng đỏ trứng gà sống, lại tồn tại thêm một ngày nữa… Thật kỳ diệu là họ, chuyển dộng giữa hàng trăm thứ có thể hủy hoại họ bất cứ lúc nào, lại có thể kết thúc một ngày bình yên vô sự. Ý nghĩ đó cứ bám riết lấy tôi. Mỗi khi một người thân quen mất đi, phải chứng kiến những tiếng bi thương của những người xung quanh, tất nhiên tôi cũng đôi chút ngỡ ngàng chưa thể tin ngay rằng nỗi đau đến vậy là có thật, song ngẫm lại, sự bàng hoàng đó có lẽ không đáng gì so với điều kỳ diệu là con người đó đã sống đến tận giây phút ấy. Và cứ nghĩ như thế, tôi có cảm giác rằng tuy chúng ta đang sống nhưng cái sự sống đó có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Vũ trụ… Những người quen… Cha mẹ của những người quen đó… Rồi cả những người mà họ yêu thương… Vũ trụ vô tận, tử sinh vô hạn… Cái vô hạn đáng sợ… Hãy thử nghĩ mà xem… sự bất tận không cùng tưởng như là vĩnh cửu… Hãy thử ngồi xuống đây, và đừng có suy tư gì cả…!

Hôm ấy, cái ngày mà sau này bạn bè tôi vẫn thường gọi là “Ngày ngã bậc thang” là ngày 23 tháng Chín, một ngày đầu thu. Lúc đó tôi đang trên đường đến chỗ làm thêm. Đang vội nên tôi quyết định đi bằng lối tắt mà thường ngày chẳng mấy khi đi và bắt đầu bước xuống một bậc thang rất dốc cuối một lối đi nhỏ. Đó là một bậc thang bằng đá, cao và rộng, phía sau một ngôi trường cấp hai, dốc đến nỗi người ta phải cấm qua lại vào những ngày có tuyết. Dù đang vội, tôi vẫn mải ngắm nhìn bầu trời chiều tím sậm và ánh đèn đường màu vàng nhạt như trộn lẫn với ánh trăng hạ huyền mờ tỏ. Thế là hụt chân và đập đầu rất mạnh vào đâu đó, mạnh đến nỗi bất tỉnh và người ta phải đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu.

Tỉnh lại, tôi không còn nhớ chuyện gì đã xảy ra nữa. Một cơn đau kỳ lạ lan tỏa khắp đầu, cứ như thể họ đang phanh đầu tôi ra vậy. Vừa giơ tay lên, tôi thấy băng trắng xóa. Tôi cứ nằm như thế, dần nhớ lại những bậc thang bằng đá, cảm giác đau đớn và nỗi kinh hãi… Trước mặt tôi là một phụ nũ trung tuổi xinh đẹp, cất tiếng khẽ gọi:

– Sakumi…

Tôi nhủ thầm, với độ tuổi này, lại ở cạnh mình vào lúc thế này, chắc là mẹ mình! Cố lắm tôi cũng chỉ cảm nhận được có thế. Rõ ràng là tôi biết người đó, nhưng không tài nào nhớ ra được đó là ai, quan hệ thế nào với mình, chỉ đoán rằng, ở bên tôi như thế thì chắc chỉ có thể là mẹ, hoặc một ai đó rất gần gũi… Và dù biết rằng nếu thế, hẳn người này phải rất giống mình, nhưng rồi cũng chịu không thể nhớ ra được khuôn mặt mình.

Không thể được, mình không thể làm một người thân như thế thêm đau khổi được. Nghĩ vậy nhưng chưa biết phải làm sao thì đúng lúc đó, đột nhiên trong đầu tôi, một kỷ niệm chợt ùa về, như một thước phim quay chậm. Đó là lần tôi thấy mẹ khóc ở nhà (dù tôi chẳng còn biết “nhà” là ở đâu, trong khung cảnh nào, hình dáng ra sao nữa!). Kỷ niệm đó, cùng những giọt nước mắt buồn như làn sương mỏng nổi lên từ mặt nước trong suốt của cả một hồ ký ức… Phải rồi! Tôi đã nhớ ra. Đó là khi ông tôi mất! Tôi nghiệm ra, nỗi đau thực sự sẽ hiện hình trong từng giọt nước mắt, không phải ngay lúc đó mà có thể là rất lâu sau đó, từng giọt, từng giọt, lăn trên gò má rồi rơi xuống, ngấm vào lòng đất.

Và tôi nhớ đến em gái tôi…

Tôi đã không tài nào nhớ ra được tên nó, nhưng cùng với khái niệm “em gái”, hình ảnh một cô bé vô cùng dễ thương hiện ra, đến nỗi tôi ngờ rằng đó chỉ là hình ảnh do tôi tự tưởng tượng ra. Nhưng đó đúng là Mayu. Rồi đến bóng dáng một người nhìn từ phía sau, đang sắp xếp lại các đồ dùng cá nhận cho em gái tôi sau khi nó mất…

Nhớ có lần, hồi đó tôi sống một mình, sau khi chia tay người yêu, buồn nản quá thế nào mà gọi điện thoại cho mẹ rồi khóc, khiến mẹ tôi phải ngạc nhiên:

– Trời đất! Sakumi mà khóc này!

Quả là từ nhỏ, tôi vốn đã rất ít khóc.

Ôi không… Mình nhớ ra rồi… Mẹ đây mà…! Không được làm mẹ thêm buồn nữa…! Ý nghĩ đó như một mệnh lệnh từ cõi nào đó vọng về, như một giọng nói văng vẳng trong cái đầu còn chưa hết đau của tôi. Có lẽ mẹ tưởng tôi còn đang lơ mơ vì thuốc mê. Đôi mắt với những vết nám xen lẫn những nếp nhăn phía dưới long lanh những giọt nước mắt của niềm vui sướng thấy tôi đã tỉnh lại. Tôi đã hiểu ra một chuyện. Nằm trên giường, tôi nghĩ về cuộc đời cho đến tận ngày hôm ấy vẫn thuộc về một Sakumi mà chính tôi cũng không biết nhiều lắm, rằng có lẽ cô ấy đã mệt mỏi, kiệt sức vì lúc nào cũng săn đón ý tứ của mọi người xung quanh. Nhưng dù sao chuyện đó cũng sẽ kết thúc vào ngày hôm nay. Kể từ giờ trở đi, mình sẽ kệ xem mọi chuyện ra sao, tôi nhủ thầm.

– Mẹ…!

Tôi khẽ gọi. Mẹ tôi gật đầu nhè nhẹ, đầy vui sướng và yêu thương trìu mến, rồi khẽ nở một nụ cười, dịu dàng như nàng dâu mới. Không hiểu sao, bỗng dưng tôi có cảm giác khó chịu với nụ cười đó, như thể có cái gì đó giả tạo giống như trong trò chơi cô dâu chú rể của bọn trẻ con, dù tôi đã cất tiếng gọi bằng tất cả lòng yêu thương như lần đầu chào cuộc sống. Đầu tôi tê buốt, như thể khái niệm “mẹ” được cô đặc thành những giọt mồ hôi mặn chát đang ngấm sâu vào não tôi. Nhưng cũng chính tiếng gọi ấy đã tạo nên một cảm giác ấm áp nơi con tim bên ngực trái. Sao vậy nhỉ? Tôi nhìn quanh. Giữa trưa, phòng bệnh trắng toát. Bầu trời xanh ngắt qua khung cửa sổ, một sắc xanh thăm thẳm trống hoác như trí nhớ của tôi lúc này.

Rồi trí nhớ cũng dần trở lại với tôi. Duy chỉ có điều, giữa tôi thực tại và tôi quá khứ là một làn sương mờ, không tài nào xóa được, như mặt đồng hồ đeo tay bị ngấm hơi nước vậy. Mà cũng chẳng sao. Tôi cũng không quá bận tâm.

* * *

Chiều tối hôm sau, vừa đi làm về, tôi chạy ngay đến phòng cậu em, khấp khởi gõ cửa. Một chuyện thú vị thế này, nhất định phải phỏng vấn người trong cuộc mới được!

– Cứ vào!

Yoshio nói vọng ra. Mở cửa vào phòng, tôi thấy ngay nó đang ngồi chăm chú cạnh bàn, lưng xoay về phía cửa. Ngó lên mặt bàn, tôi thấy cu cậu đang cắm cúi viết những chữ nhỏ tí xíu lên một trang bản thảo khổ B5.

– Em muốn thành nhà văn hả?

Tôi hỏi.

– Vâng.

Thằng bé gật đầu lơ đễnh.

– Giống như Akagawa Jiro ấy hả?

Tôi biết trước đó ít lâu thằng bé còn say sưa đọc mấy cuốn truyện của nhà văn này.

– Không! Em sẽ giống như Akutagawa!

Thằng bé trả lời, vẻ nghiêm trang khác thường. “thằng nhóc này, không lẽ nó bị ma ám rồi chắc”, tôi nghĩ thầm. Có lẽ cũng giống tôi, một cảm xúc kỳ lạ nào đso chưa từng có trước đây đã xen vào lòng nó.

– Thế giống anh Ryuichiro, bạn trai chị Mayu thì sao? Như anh ấy cũng là một nhà văn đấy!

Tôi nói về Ryuichiro, một cây viết ít tiếng tăm sống cùng với Mayu cho đến khi nó mất. Trong số người quen, chỉ có cậu ta là nhà văn.

– Ừ, em rất nể phục anh ấy. Đúng là một nhà văn thực thụ.

Ryuichiro. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện trừu tượng rất khó hiểu của cậu ta.

– Sao? Em hiểu được những chuyện anh ấy viết à?

Tôi hỏi.

– Không hiểu lắm. Nhưng không hiểu sao, nhìn kỹ chúng có cảm giác rất dễ chịu. Như hương vị của hạnh phúc tỏa ra từ toàn bộ cuốn sách ấy…

– Vậy hả?

Tôi chưa từng có cảm nhận như thế. Lối hành văn nặng nề đôi lúc khiến người ta không biết người viết muốn gì.

– Có lẽ… nó giống với khuôn mặt chị Mayu lúc cười!

Nó nói. Ra vậy, giờ thì tôi đã hiểu. Tôi gật đầu đồng ý. Đó là một cái đẹp hoàn toàn riêng, mang trong mình nhiều chức năng phức tạp. Một cái gì đó hàm chứa tất cả, tinh tế, và duy nhất. Và chính bởi thế mà buồn khôn tả. Một cái gì đó thuần khiết, trong mát như hơi nước hòa với hương thơm của cả thiên nhiên. Tôi đã yêu khuôn mặt khi cười của nó xiết bao. Đến giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy khuôn mặt ấy. Tôi thèm muốn được nhìn thấy khuôn mặt đang cười ấy, dù chỉ một lần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.