Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 56



Đây là cái tôi bất chợt thấy mình nghĩ khi thiền sáng nay.

Tôi đã tự hỏi mình nên ở đâu khi năm du hành này kết thúc. Tôi không muốn trở về New York chỉ vì phản xạ. Thay vì vậy, có lẽ một thành phố mới. Austin chắc là dễ thương. Còn Chicago có tất cả những kiến trúc đẹp. Dù vậy, mùa đông ở đó thật đáng sợ. Hay có lẽ tôi sẽ sống ở nước ngoài. Tôi đã nghe được những điều hay ho và Sydney… Nếu tôi sống đâu đó ít đắt đỏ hơn New York, có lẽ tôi có thể lo liệu được thêm một phòng ngủ và rồi tôi có thể có một phòng thiền đặc biệt! Điều đấy sẽ rất tuyệt. Tôi có thể sơn nó màu vàng ròng. Hay có lẽ một màu xanh da trời đậm. Không, vàng. Mà không, xanh dương…

Cuối cùng khi nhận thấy dòng tư tưởng này, tôi thất kinh. Tôi tự nhủ: Giờ mi đang ở Ấn Độ, trong một Ashram ở một trong những điểm hành hương thiêng liêng nhất trên thế giới. Và thay vì tương thông với thần thánh, mi chỉ cố lập kế hoạch xem mi sẽ thiền ở đâu một năm nữa trong một căn nhà vẫn còn chưa tồn tại trong một thành phố còn chưa được xác định nữa. Còn chuyện này thì sao, kẻ ngu đần khó coi – mi cố gắng thiền ngay đây, ngay lúc này, ngay nơi mi thực sự đang hiện diện thì sao?

Tôi lôi sự chú ý trở về việc thầm lặp lại câu chú.

Vài phút sau, tôi ngừng để rút lại nhận xét bần tiện đã gọi mình là kẻ ngu đần khó coi. Tôi thấy có lẽ nó không dễ thương lắm.

Nhưng mà, giây phút kế tiếp tôi lại nghĩ, một phòng thiền màu vàng ròng có lẽ sẽ đẹp. Tôi mở mắt và thở dài. Phải chăng đây là điều tốt nhất mình có thể làm?

Vậy nên, chiều hôm đó, tôi thử một cái gì đó mới. Gần đây, tôi gặp một phụ nữ ở Ashram đang học thiền Vipassana. Vipassana là một kỹ thuật thiền Phật giáo cực kỳ chính thống, tối giản và rất thâm sâu. Về căn bản, Vipassana chỉ là ngồi. Một đợt Vipassana dẫn nhập kéo dài mười ngày, trong thời gian đó ta ngồi mười giờ liền mỗi ngày trong những khoảng im lặng kéo dài hai đến ba giờ mỗi lần. Nó là phiên bản Thể thao Cảm giác mạnh cực độ của siêu nghiệm. Thầy dạy Vipassana của ta thậm chí sẽ không cho ta một câu chú; điều này được xem là một kiểu đánh lừa. Thiền Vipassana là thực hành quán sát thuần túy, chứng kiến tâm trí và xem xét trọn vẹn những khuôn mẫu tư tưởng của ta, nhưng không để ý bất kỳ điều gì dời ta ra khỏi chỗ ngồi của mình.

Nó cũng làm thể chất ta kiệt sức. Ta hoàn toàn không được cử động cơ thể một khi đã ngồi, bất kể ta có không thoải mái nghiêm trọng ra sao. Ta chỉ ngồi đó và tự nhủ, “Chẳng có lý do gì để ta phải cử động trong hai giờ đồng hồ tới cả.” Nếu ta cảm thấy bất tiện thì ta phải quán sát về sự bất tiện đó, xem xét ảnh hưởng của đau đớn thể xác đó có đối với ta. Trong đời sống thực tế của mình, chúng ta liên tục nhảy lò cò loanh quanh để điều chỉnh mình quanh những bất tiện – thể chất, cảm xúc và tâm lý – để tránh hiện thực đau buồn và phiền toái. Thiền Vipassana dạy rằng đau buồn và phiền toái là không thể tránh khỏi trong cuộc đời này, nhưng nếu ta có thể gieo trồng trong ta sự tĩnh lặng đủ lâu dài, cuối cùng ta sẽ cảm nhận được chân lý rằng tất cả mọi điều (cả bất tiện và dễ chịu) cuối cùng rồi cũng qua.

“Thế gian phải chịu bệnh, tử, do vậy kẻ khôn ngoan sẽ không buồn phiền, khi đã hiểu những quy luật của thế gian,” một giáo huấn Phật giáo cổ đã nói. Nói cách khác: Hãy tập quen với nó.

Tôi không nghĩ Vipassana nhất thiết là con đường dành cho mình. Nó quá sức khắc khổ cho những quan niệm thực hành tín ngưỡng của tôi vẫn thường xoay quanh cảm thông và thương yêu, phù hoa và tuyệt phúc, và một Thượng Đế thân thiện (mà bạn Darcey của tôi gọi là “Thần học Tiệc tùng Ngủ ngon”). Vipassana thậm chí không đề cập đến “Thượng Đế”, vì một số Phật tử xem ý niệm về Thượng Đế là đối tượng lệ thuộc cuối cùng, vật che chở xơ xác sau chót, thứ cuối cùng phải quẳng trên con đường đến xả bỏ tuyệt đối. Giờ thì, tôi có những vấn đề cá nhân với chính từ xả bỏ, sau khi gặp những người tầm đạo dường như đã sống trong một trạng thái mất liên lạc cảm xúc hoàn toàn với những con người còn lại và là những người, khi họ nói về cuộc theo đuổi sự xả bỏ thiêng liêng, khiến tôi muốn lay họ và la lên, “Anh bạn, đó là thứ anh không nên thực hành!”

Tuy nhiên, tôi có thể thấy khi nào thì tu tập một biện pháp từ bỏ thông minh trong đời ta có thể là một công cụ quý giá cho sự thanh thản. Và sau khi đọc về thiền Vipassana trong thư viện một chiều nọ, tôi bắt đầu nghĩ về mất bao nhiêu thời gian trong đời để giãy giụa như một con cá lớn đang thoi thóp, để hoặc chuồn khỏi nỗi đau không dễ chịu nào đó hoặc chật vật một cách thèm khát tiến tới những thú vui. Và tôi tự hỏi nếu mình có thể biết cách an tịnh và nhẫn nhục thêm chút nữa để không bị kéo lê hoài trên con đường ổ gà của các tình huống, thì điều đó có thể giúp ích cho tôi (và cho những người trĩu nặng với nhiệm vụ yêu thương tôi) không.

Tất cả những câu hỏi này trở lại với tôi tối nay, khi tôi đã tìm thấy một ghế dài yên tĩnh tại một trong những khu vườn của Ashram và quyết định ngồi thiền một giờ – thiền cả câu chú – chỉ quán sát thuần túy. Để xem cái gì sẽ đến. Không may là, tôi đã quên chuyện cái gì “đến” lúc hoàng hôn ở Ấn Độ: muỗi. Vừa ngồi xuống trên chiếc ghế dài đó trong hoàng hôn đẹp đẽ, tôi có thể nghe thấy muỗi sà tới, lướt trên mặt tôi và đáp xuống – một cuộc tấn công tập thể – trên đầu tôi, mắt cá, cánh tay. Và rồi những phát châm chích nhỏ đau điếng của chúng. Tôi không thích chuyện này. Tôi tự nhủ, “Giờ là thời gian trong ngày không thích hợp để thực hành thiền Vipassana.”

Thế nhưng – khi nào là lúc thích hợp của ngày, của đời, để ngồi trong tĩnh lặng của sự xả bỏ? Khi nào không có gì lao xao xung quanh, cố xao lãng ta và làm ta phát khùng lên? Nên tôi có một quyết định (lần nữa lại nhờ hướng dẫn của Sư phụ rằng chúng ta phải là những nhà khoa học của trải nghiệm nội tâm riêng ta). Một thí nghiệm nảy ra trong óc tôi – nếu mình trụ lại đến cùng việc này một lần thì sao? Thay vì đập và chụp, nếu mình chịu đựng sự bất tiện này, chỉ một giờ trong cả cuộc đời dài của mình thì sao?

Vậy nên tôi đã làm thế. Trong tĩnh lặng, tôi quan sát mình bị muỗi làm thịt. Thành thật mà nói, một phần trong tôi đang tự hỏi cái thí nghiệm đại trượng phu nhỏ nhít này muốn chứng minh điều gì, nhưng phần khác trong tôi biết rất rõ – đó là cố gắng tự điều ngự của người mới bắt đầu. Nếu tôi có thể chịu đựng được khó chịu thể chất vô hạn này, vậy rồi đây tôi có thể chịu đựng được những khó chịu nào khác? Những khó chịu trong cảm xúc đối với tôi còn khó chịu đựng hơn thì sao? Còn ghen tị, giận dữ, sợ hãi, thất vọng, cô đơn, xấu hổ, nhàm chán thì sao?

Thoạt đầu cái ngứa làm khùng điên nhưng cuối cùng nó chỉ lẫn vào trong một cảm giác nóng ran thông thường và tôi đuổi cái nóng đó vào một trạng thái ngây ngất dịu dàng. Tôi để cảm giác đau đánh mất những liên hệ cụ thể của nó và trở thành một cảm giác thuần túy – không tốt không xấu, chỉ mãnh liệt – cảm giác sự mãnh liệt đó đưa tôi ra khỏi chính mình và vào trạng thái thiền định. Tôi ngồi đó trong hai giờ. Một con chim cũng có thể đã đậu trên đầu tôi rồi lắm; mà tôi không nhận thấy.

Cho phép tôi nói rõ một điều. Tôi công nhận rằng thí nghiệm này không phải là hành vi ngoan cường chịu đựng khắc kỷ nhất trong lịch sử nhân loại, và tôi không đòi hỏi một Huân chương Danh dự Quốc hội ở đây. Nhưng có cái gì đó khích động nhẹ nhàng khi nhận ra rằng trong ba mươi tư năm sống trên đời tôi chưa hề không đập một con muỗi khi nó chích tôi. Tôi đã là một con rối đối vớichuyện này và với hàng triệu dấu hiệu đau đớn hay lạc thú nhỏ và lớn khác suốt đời mình. Mỗi khi điều gì đó xảy ra, tôi luôn phản ứng. Nhưng giờ thì tôi đang như thế – mặc kệ phản xạ. Tôi đang làm cái gì đó tôi chưa từng làm trước đây. Một điều nhỏ thôi, cứ cho là thế, nhưng tôi có thể nói vậy thường xuyên không? Và điều gì tôi có thể làm ngày mai mà chưa hề làm ngày hôm nay?

Khi tất cả đã xong, tôi đứng dậy, bước về phòng mình và đánh giá tổn thất. Tôi đếm được khoảng hai mươi vết muỗi đốt. Nhưng trong vòng nửa giờ, tất cả những vết chích đã nhỏ lại. Tất cả đã biến mất. Cuối cùng, mọi thứ đã biến mất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.