Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 74



Nhưng Bali là một nơi có thể tìm đường khá đơn giản. Không giống như tôi đặt chân lên giữa Sudan mà không biết sẽ làm gì tiếp theo. Đây là một hòn đảo khoảng bằng tiểu bang Delaware và nó là một điểm du lịch nổi tiếng. Toàn bộ nơi này đã tự thu xếp để giúp ta, người phương Tây với thẻ tín dụng, đi lại dễ dàng. Ở đây tiếng Anh được sử dụng rộng rãi và vui vẻ. (Nó khiến tôi cảm thấy khuây khỏa một cách tội lỗi. Các khớp thần kinh não tôi đã quá tải với những cố gắng học tiếng Ý hiện đại và tiếng Phạn cổ trong mấy tháng vừa qua đến nỗi tôi đơn giản là không thể gánh vác nhiệm vụ cố học tiếng Indonesia hay, thậm chí còn khó hơn, tiếng Bali – một ngôn ngữ còn phức tạp hơn tiếng của người sao Hỏa.) Thật sự không có gì khó khăn ở đây cả. Ta có thể đổi tiền ở sân bay, tìm một taxi với một tài xế tử tế sẽ giới thiệu ta đến một khách sạn dễ thương – chẳng có gì trong những thứ này là khó thu xếp cả. Và từ khi ngành du lịch sụp đổ theo sau vụ đánh bom khủng bố ở đây hai năm trước (xảy ra vài tuần sau khi tôi rời Bali lần đầu), giờ thì đi loanh quanh còn dễ dàng hơn; mọi người đều tha thiết giúp ta, tha thiết với công việc.

Vậy là tôi kêu một chiếc taxi đến thị trấn Ubud, có vẻ là một nơi tốt để bắt đầu hành trình của mình. Ở đó tôi đặt phòng tại một khách sạn nhỏ xinh xắn trên con phố có cái tên thật hoang đường là Đường Rừng Khỉ. Khách sạn có một cái hồ bơi dễ thương và một khu vườn đơm kín hoa nhiệt đới với những đóa hoa to hơn trái bóng chuyền (được một đội chim ruồi và bướm có tổ chức cao chăm nom). Nhân viên là người Bali, nghĩa là họ bắt đầu tự động yêu chuộng ta và khen ngợi vẻ đẹp của ta ngay khi ta bước vào. Căn phòng có tầm nhìn ra các ngọn cây nhiệt đới và bữa điểm tâm sáng được tính vào trong tiền phòng mỗi sáng với hàng núi trái cây tươi nhiệt đới. Nói tóm lại, đó là một trong những nơi đẹp đẽ nhất tôi từng ở và tôi phải trả ít hơn mười đô la một ngày. Thật tuyệt để trở lại.

Ubud nằm ở trung tâm Bali, trên núi, được bao quanh bởi ruộng bậc thang và vô số những ngôi đền Hindu, với những dòng sông đi tắt qua những hẻm núi sâu của rừng rậm và núi lửa hiện rõ ở chân trời. Từ lâu Ubud được xem là trung tâm văn hóa của đảo, là nơi hội họa, múa, chạm khắc Bali truyền thống và những nghi lễ tôn giáo phát triển mạnh. Ubud không gần bờ biển nào cả, nên những du khách đến Ubud là một đám đông chọn lọc và khá ưu tú; họ thích xem một nghi lễ đền cổ hơn là ngồi uống pina colada trên bãi cát. Không kể chuyện xảy ra với lời tiên tri của ông thầy mo của tôi thì đây có lẽ là một nơi đáng yêu để sống một thời gian. Thị trấn gần như một phiên bản Thái Bình Dương thu nhỏ của Santa Fe, chỉ khác là có khỉ lảng vảng và những gia đình Bali mặc đồ truyền thống khắp nơi. Có những quán ăn ngon và những hiệu sách nhỏ xinh xắn. Tôi có thể dành cả thời gian của mình ở Ubud này làm điều những phụ nữ Mỹ ly dị tử tế vẫn sử dụng thời gian của họ để làm, từ khi người ta nghĩ ra YWCA[38] – đăng ký vào hết lớp này đến lớp khác: in hoa batic, đánh trống, làm đồ nữ trang, gốm, vũ điệu Bali truyền thống và nấu ăn… Ngay bên kia đường đối diện khách sạn tôi ở thậm chí còn có cái gì đó gọi là “Cửa hiệu Thiền” – một cửa hàng mặt tiền nhỏ với cái bảng hiệu quảng cáo các khóa thiền từ 6 đến 7 giờ mỗi tối. Cầu chúc cho hòa bình ngự trị trên trái đất, tấm bảng ghi vậy. Tôi hoàn toàn ủng hộ.

Khi tôi soạn hành lý ra thì vẫn còn là đầu giờ chiều, nên tôi quyết định đi dạo một lát, định hướng lại trong thị trấn mình vốn không đi lại từ hai năm rồi. Và rồi tôi sẽ cố hình dung xem bắt đầu tìm ông thầy mo ra sao. Tôi hình dung đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, có thể mất nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần. Tôi không rõ nên bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình từ đâu, nên tôi dừng ở bàn tiếp tân khi đi ra và hỏi Mario xem anh ta có giúp được tôi không.

Mario là một trong những anh chàng làm việc ở khách sạn này. Tôi đã kết bạn với anh khi tôi ghi thên lấy phòng, chủ yếu là vì tên của anh. Không lâu trước đây tôi đã đi du lịch ở một đất nước có nhiều đàn ông tên Mario, nhưng không ai trong số họ là một anh chàng Bali nhỏ nhắn, rắn chắc và đầy nghị lực, mặc một cái xà rông lụa và giắt một bông hoa phía sau tai. Nên tôi phải hỏi, “Tên anh thật sự là Mario à? Nghe không có vẻ Indonesia lắm.”

“Không phải tên thật của tôi,” anh nói. “Tên tôi là Nyoman.”

A – lẽ ra tôi phải biết điều đó. Lẽ ra tôi phải biết là mình có một cơ hội hai mươi lăm phần trăm đoán ra tên thật của Mario. Ở Bali, nếu tôi có thể lạc đề, có bốn cái tên đa số người dân đặt cho con họ, bất kể con họ là trai hay gái. Các tên này là Wayan (phát âm là “Why-Ann”), Made (“mah-DAY”), Nyoman và Ketut. Dịch ra, những cái tên này đơn giản nghĩa là Cả, Hai, Ba, Tư, và chúng có nghĩa là thứ tự ra đời. Nếu ta có một đứa con thứ năm, ta sẽ bắt đầu các chu kỳ tên lại lần nữa, sao cho đứa thứ năm thực sự phải là, “Wayan của Sức mạnh Thứ hai”. Và cứ thế. Nếu có con sinh đôi, ta đặt tên chúng theo thứ tự chúng chào đời. Vì cơ bản chỉ có bốn tên ở Bali (những người ưu tú đẳng cấp cao hơn có lựa chọn tên của riêng họ), hoàn toàn có thể (quả thực, hoàn toàn bình thường) là hai Wayan sẽ cưới nhau. Và rồi đứa con đầu lòng của họ sẽ được đặt tên là Wayan, dĩ nhiên.

Điều này phần nào cho thấy gia đình quan trọng ra sao ở Bali, và vị thứ của ta trong gia đình này quan trọng ra sao. Ta sẽ nghĩ hệ thống này có thể trở nên phức tạp, nhưng không hiểu sao người Bali vẫn giải quyết được. Do vậy thật dễ hiểu và cần thiết, việc đặt biệt danh là phổ biến. Ví dụ, một bà tên Wayan và bà có một quán ăn đông khách gọi là Café Wayan, và vậy là người ta gọi bà là “Wayan Café” – nghĩa là “BàWayan chủ Café Wayan”. Một ai khác có thể là “Made Mập” hay “Nyoman cho thuê xe” hay “Ketut ngu ngốc thiêu rụi nhà cậu hắn”. Anh bạn Mario người Bali mới của tôi giải quyết vấn đề đơn giản bằng cách tự đặt tên mình là Mario.

“Tại sao là Mario?”

“Vì tôi thích tất cả những gì thuộc về Ý,” anh nói.

Khi tôi bảo anh mình mới ở Ý bốn tháng, anh thấy sự kiện này kinh ngạc lạ lùng đến nỗi anh bước ra từ sau bàn và nói, “Đến đây, ngồi xuống, trò chuyện.” Tôi bước đến, tôi ngồi, chúng tôi trò chuyện. Và chúng tôi thành bạn như vậy đó.

Nên chiều nay tôi quyết định bắt đầu cuộc tìm kiếm ông thầy mo của mình bằng cách hỏi người bạn mới Mario của mình anh có tình cờ thế nào đó biết một người đàn ông tên là Ketut Liyer không.

Mario cau mày, nghĩ ngợi.

Tôi chờ anh ta nói gì đó như, “À, có! Ketut Liyer! Ông thầy mo già vừa chết tuần trước – thật buồn khi một ông thầy mo già đáng kính qua đời…”

Mario yêu cầu tôi nhắc lại cái tên, và lần này tôi ghi nó ra, cho rằng mình phát âm sai gì đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, mặt Mario sáng bừng lên nhận ra. “Ketut Liyer!”

Giờ tôi chờ anh ta nói cái gì đó như, “À, có! Ketut Liyer! Người mất trí! Bị bắt tuần trước vì điên khùng…”

Nhưng thay vì vậy anh nói, “Ketut Liyer là một người chữa bệnh nổi tiếng.” “Đúng! Là ông ta đó!”

“Tôi biết ông ấy. Tôi đã đến nhà ông ấy. Tuần trước tôi dẫn em họm, cô ta cần chữa cho đứa con cứ khóc suốt đêm, tới đó. Ketut Liyer chữa được. Một lần tôi dẫn một cô gái Mỹ như cô đến nhà Ketut Liyer. Cô gái muốn pháp thuật để khiến cô ta đẹp hơn trong mắt đàn ông. Ketut Liyer vẽ một bức tranh ma thuật, để giúp cô đẹp hơn. Sau đó tôi chọc cô ấy. Mỗi ngày tôi bảo cô ấy, “Bức tranh thật linh nghiệm! Xem cô đẹp biết chừng nào! Bức tranh thật linh nghiệm!”

Nhớ lại bức hình Ketut Liyer đã vẽ cho tôi một vài năm trước, tôi bảo Mario rằng mình cũng đã từng có một bức tranh ma thuật từ người thầy mo.

Mario cười. “Bức tranh cũng linh nghiệm với cô nữa?”

“Bức tranh của tôi là để giúp tôi tìm thấy Thượng Đế,” tôi giải thích.

“Cô không muốn đẹp hơn trong mắt đàn ông sao?” anh hỏi, bối rối có thể hiểu được.

Tôi nói, “Này, Mario – hôm nào đó anh dẫn tôi đến thăm Ketut Liyer được không? Nếu anh không quá bận?”

“Không phải bây giờ,” anh nói.

Đúng lúc tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng, anh nói thêm, “Nhưng có lẽ trong năm phút nữa.”

Chú thích:

[38] Hội nữ thanh niên Cơ đốc, tổ chức phụ nữ xưa nhất và lớn nhất ở Mỹ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.