Ăn Cầu Nguyện Yêu

CHƯƠNG 86



Wayan Nuriyasih, cũng như Ketut Liyer, là một người chữa bệnh Bali. Dù sao, có những khác biệt giữa họ. Ông ấy cao tuổi và là đàn ông còn cô ấy là một phụ nữ khoảng cuối độ tuổi ba mươi. Ông có vẻ là một nhân vật thầy tu hơn, với chút gì đó bí ẩn, trong khi Wayan là một bác sĩ thực hành pha trộn cỏ và thuốc trong cửa hiệu của mình và chăm sóc bệnh nhân tại chỗ.

Wayan có một cửa hiệu mặt tiền nhỏ ở trung tâm Ubud gọi là “Trung tâm Chữa bệnh Truyền thống Bali.” Tôi đã đạp xe ngang qua đó nhiều lần trên đường đến chỗ Ketut, và chú ý tới nó vì tất cả những cây trồng trong chậu phía ngoài, và vì cái bảng đen quảng cáo viết tay làm tò mò “Bữa trưa Nhiều Vitamin Đặc biệt.” Nhưng tôi chưa bao giờ vào nơi này trước khi đầu gối mình có chuyện. Sau khi Ketut bảo tôi đi tìm một bác sĩ, tôi nhớ ra cửa hiệu và đạp xe đến đó, hy vọng ai đấy ở đó có thể giúp tôi xử lý nhiễm trùng.

Nơi của Wayan đồng thời là một phòng khám, nhà ở và quán ăn rất nhỏ. Ở tầng trệt có một cái bếp nhỏ và một khu vực ăn uống chung đơn sơ với ba cái bàn và vài cái ghế. Trên lầu là một nơi riêng tư để Wayan cung cấp dịch vụ xoa bóp và điều trị. Chỉ có một phòng ngủ hơi tối ở phía sau.

Tôi khập khiễng với cái đầu gối nhức nhối vào cửa hiệu và tự giới thiệu với Wayan thầy thuốc – một phụ nữ Bali hấp dẫn một cách ấn tượng với nụ cười rộng mở và mái tóc đen óng dài xuống thắt lưng. Hai bé gái e thẹn nấp sau cô trong bếp mỉm cười khi tôi vẫy chào, rồi lại cúi đầu lảng đi. Tôi cho Wayan thấy vết thương nhiễm trùng của mình và hỏi cô có thể giúp được không. Chẳng mấy chốc Wayan đã có nước và cỏ sôi sùng sục trên bếp lò rồi làm cho tôi một thứ nước jamu – thuốc Indonesia truyền thống pha chế tại nhà. Cô đặt những chiếc lá xanh nóng lên đầu gối tôi và tôi ngay lập tức bắt đầu thấy dễ chịu.

Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Tiếng Anh của cô rất khá. Vì là người Bali, ngay lập tức cô hỏi cô ba câu hỏi mào đầu chuẩn – Hôm nay cô đi đâu? Cô đi từ đâu đến? Cô có gia đình chưa?

Khi tôi nói với cô tôi chưa kết hôn (“Vẫn chưa!”) cô có vẻ ngạc nhiên.

“Chưa từng kết hôn à?” cô hỏi.

“Chưa,” tôi nói dối. Tôi không muốn nói dối, nhưng thông thường tôi thấy thoải mái hơn khi không đả động đến chuyện ly dị với người Bali vì họ sẽ trở nên rất khó chịu với chuyện đó.

“Thật sự là chưa từng kết hôn à?” cô lại hỏi, và giờ cô ấy nhìn tôi với vẻ tò mò ghê gớm.

“Thật đấy,” tôi nói dối. “Tôi chưa từng kết hôn.” “Cô chắc chứ?” Chuyện này bắt dầu kỳ cục. “Tôi hoàn toàn chắc!”

“Thậm chí chưa một lần nào sao?” cô hỏi.

Được rồi, vậy là cô ấy có thể nhìn suốt tôi.

“Thôi được,” tôi thú nhận, “đã một lần…”

Và gương mặt cô ấy hiện rõ một vẻ như thể: Đúng, tôi đã nghĩ như vậy. Cô hỏi, “Ly dị?”

“Vâng,” tôi nói, giờ thì xấu hổ. “Ly dị.”

“Tôi có thể nói là cô ly dị.”

“Chuyện đó không phổ biến ở đây, phải không?”

“Nhưng tôi cũng ly dị,” Wayan nói, khiến tôi hoàn toàn ngạc nhiên, “Tôi cũng vậy, ly dị.” “Cô ư?”

“Tôi đã làm tất cả những gì có thể,” cô nói. “Tôi thử mọi cách trước khi ly dị, cầu nguyện mỗi ngày. Nhưng tôi phải rời xa ông ấy.”

Mắt cô đẫm lệ, và chuyện tiếp theo bạn đã biết rồi đấy, tôi nắm tay Wayan, người phụ nữ Bali ly dị đầu tiên mình gặp, và tôi nói, “Tôi tin chị đã làm tất cả những gì có thể, chị yêu quý.

Tôi tin chị đã thử tất cả.”

“Ly dị thật quá buồn,” cô nói.

Tôi đồng ý.

Tôi ở lại trong cửa hàng Wayan suốt năm giờ sau đó, trò chuyện với người thân mới gặp của mình về những buồn phiền của cô. Cô làm sạch vết nhiễm trùng ở đầu gối tôi khi tôi lắng nghe câu chuyện của cô. Người chồng của Wayan, cô bảo tôi, là một người đàn ông “uống rượu suốt, luôn bài bạc, thua sạch tiền, rồi đánh tôi khi tôi không đưa thêm tiền cho ông ta đánh bạc và uống rượu nữa.” Cô nói, “Hắn đánh tôi đến phải vào bệnh viện nhiều lần.” Cô vạch tóc ra, chỉ cho tôi thấy những vết sẹo trên đầu và nói, “Đây là từ lúc ông ta đánh tôi bằng cái mũ bảo hiểm đi xe máy. Luôn luôn, lão đánh tôi với cái mũ bảo hiểm đi xe máy khi lão uống rượu, khi tôi không làm ra tiền. Lão đánh tôi rất nhiều, tôi bất tỉnh, chóng mặt, không thể nhìn thấy gì. Tôi nghĩ thật may mình là người chữa bệnh, vì tôi biết cách chữa cho mình sau khi ông ta đánh tôi. Tôi nghĩ nếu mình không phải là người chữa bệnh, có lẽ tôi đã mất thính giác, cô biết không, không thể nghe thấy gì được nữa. Hay mất thị giác, không thể nhìn thấy.” Cô bảo tôi cô đã chia tay chồng sau khi ông ấy đánh cô bị thương rất nặng “đến nỗi tôi mất con, đứa thứ hai, còn trong bụng.” Sau việc xô xát đó đứa con đầu lòng của họ, một bé gái nhỏ sáng láng có tên riêng là Tutti nói, “Con nghĩ mẹ nên ly dị, mẹ à. Mỗi lần vô bệnh viện mẹ để lại quá nhiều việc nhà cho Tutti.”

Tutti nói điều ấy khi chỉ mới bốn tuổi.

Ở Bali thoát ra khỏi hôn nhân sẽ khiến một người đơn độc và không được bảo vệ theo những cách gần như không thể tưởng tượng được đối với người Tây phương. Một gia đình Bali, bao bọc giữa những vách tường của khu nhà gia đình, đơn giản là tất cả – bốn thế hệ anh chị em, anh chị em họ, cha mẹ, ông bà và con cái, tất cả sống chung trong một loạt các nhà gỗ một tầng nhỏ bao quanh đền thờ gia đình, trông nom nhau từ khi sinh ra đến lúc chết. Khu nhà gia đình này là nguồn sức mạnh, an toàn tài chính, với chức năng chăm sóc sức khỏe, trông nom trẻ nhỏ ban ngày, giáo dục, và – điều quan trọng nhất đối với người Bali – liên kết tâm linh.

Khu nhà gia đình quan trọng đến nỗi người Bali xem nó như một người sống, độc lập. Theo truyền thống, dân số của một ngôi làng Bali không được tính theo số cá thể mà theo số các khu nhà. Khu nhà là một vũ trụ tự túc. Nên ta sẽ không rời bỏ nó. (Trừ khi, dĩ nhiên, ta là một phụ nữ, thì ta chỉ ra khỏi đó một lần – ra khỏi khu nhà gia đình cha mẹ mình và đến khu nhà gia đình chồng.) Khi hệ thống này ổn định – mà trong xã hội lành mạnh này nó gần như luôn ổn định – nó sản sinh ra những con người lành mạnh, được chở che, điềm đạm, hạnh phúc và cân bằng nhất trên thế giới. Nhưng khi nó không ổn định thì sao? Như với cô bạn Wayan của tôi? Những kẻ bị bỏ rơi sẽ lạc trong quỹ đạo không có không khí. Chọn lựa của cô sẽ là hoặc ở trong tấm lưới an toàn khu nhà gia đình với người chồng vẫn khiến cô phải vào bệnh viện, hay cứu chính mạng sống của mình và ra đi, mà điều này sẽ khiến cô mất tất cả.

Thôi được, thực ra không phải chính xác là không có gì. Cô đã mang theo kiếu thức toàn thư về chữa bệnh, lòng tốt của cô, đạo đức nghề nghiệp của cô và đứa con gái Tutti mà cô đã phải tranh đấu quyết liệt để được giữ. Bali là một chế độ gia trưởng đến tận cùng. Trong trường hợp ly dị hiếm hoi, con cái đương nhiên thuộc về người cha. Để đòi lại Tutti, Wayan phải thuê một luật sư mà cô phải trả bằng mọi thứ mình có. Tôi muốn nói là – tất cả mọi thứ. Cô bán rẻ không chỉ đồ đạc trong nhà và nữ trang của mình mà còn cả nĩa và muỗng của cô, vớ và giày, khăn mặt và nến cháy dở – tất cả ra đi để trả cho người luật sư đó. Tuy nhiên cuối cùng, cô đã có lại được đứa con gái của mình, sau hai năm tranh đấu. Wayan chỉ may mắn vì Tutti là con gái; nếu nó là một đứa con trai, Wayan sẽ không bao giờ có thể gặp lại đứa bé nữa. Con trai thì quý giá hơn rất nhiều.

Trong mấy năm qua đến giờ này, Wayan và Tutti đã tự sống – hoàn toàn một mình, trong cái tổ ong Bali! – cứ vài tháng là phải chuyển từ chỗ này sang chỗ khác khi tiền đến rồi đi, luôn mất ngủ vì lo âu không biết sẽ đi đâu tiếp. Việc ấy rất khó khăn vì mỗi lần dời chuyển, bệnh nhân của cô (chủ yếu là người Bali, chính tất cả họ dạo này cũng rất khó khăn) khó tìm ra cô. Ngoài ra, mỗi lần dời chuyển, Tutti bé bỏng phải tới trường. Trước đây Tutti luôn đứng đầu lớp, nhưng từ lần chuyển nhà vừa rồi bé đã tụt xuống hạng hai mươi trong số năm mươi trẻ.

Trong lúc Wayan kể cho tôi nghe câu chuyện này, Tutti tự mình vào trông coi cửa hiệu sau khi đi học về. Giờ bé đã tám tuổi và là một sự phô bày sức hút, sắc sảo phi thường. Quả bom anh đào nhỏ này (tóc bím, gầy gò và sôi nổi) hỏi tôi bằng tiếng Anh dễ thương là tôi có muốn ăn trưa không, và Wayan nói, “Tôi quên mất! Cô phải dùng bữa trưa chứ!” rồi người mẹ và đứa con gái xông vào bếp và – với sự giúp sức của hai bé gái e thẹn trốn sau đó – một lúc sau dọn ra những món ăn ngon nhất tôi từng được ăn ở Bali.

Với mỗi món mang ra bé Tutti cao giọng giải thích những thứ trên đĩa, cười toe toét, nói chung là hoàn toàn sôi nổi đến nỗi lẽ ra bé nên đi múa gậy.

“Nước ép nghệ, để giữ thận sạch!” cô bé nói.

“Rong biển, để có can xi!”

“Xà lách cà chua, để có vitamin D!”

“Cỏ trộn, để không bị sốt rét!”

Cuối cùng tôi nói, “Tutti, cháu học tiếng Anh đâu mà nói giỏi vậy?” “Từ một cuốn sách!” cô bé tuyên bố.

“Cô nghĩ cháu là một cô gái rất thông minh,” tôi cho cô bé biết.

“Cám ơn cô!” cô bé nói, và nhảy một điệu ngẫu hứng vui vẻ.

“Cô cũng là một cô gái rất thông minh nữa!”

Nhân tiện, trẻ con Bali thông thường không như vậy. Chúng thường hoàn toàn yên lặng và lễ phép, nấp mình sau áo mẹ chúng. Nhưng Tutti thì không. Cô bé có dáng điệu rất trình diễn. Cô bé chỉ toàn trình diễn và nói.

“Cháu sẽ cho cô xem sách của cháu!” Tutti hát, và chạy ầm ầm lên cầu thang lấy sách. “Nó muốn làm một bác sĩ thú y,” Wayan bảo tôi. “Từ này trong tiếng Anh là gì nhỉ?” “Veterinarian.”

“Vâng, Veterinarian. Nhưng con bé có nhiều câu hỏi về thú vật, tôi không biết trả lời sao. Nó nói, “Mẹ ơi, nếu ai đó đem đến con một con cọp bệnh, con có phải băng răng nó lại trước, để nó không cắn con không? Nếu một con rắn bị bệnh và cần thuốc men, phải bắt đầu từ đâu?” Tôi không biết nó lấy đâu ra mấy cái ý tưởng ấy. Tôi hy vọng nó sẽ có thể đi học đại học.”

Tutti lao xuống ầu thang, ôm đầy sách trong vòng tay, rồi ném mình vào lòng mẹ. Wayan cười và hôn con gái, tất cả nỗi buồn về chuyện ly dị đột nhiên biến mất khỏi gương mặt cô. Tôi nhìn họ, nghĩ rằng những cô bé đã tiếp xúc mạnh để sống cho mẹ chúng ấy khi lớn lên sẽ là những phụ nữ rất mạnh mẽ. Trong khoảng thời gian một buổi chiều, tôi đã yêu đứa trẻ này. Tôi bất ngờ gửi một lời cầu nguyện đến Thượng Đế: Cầu cho Tutti Nuriyaih một ngày nào đó băng răng của một ngàn con cọp trắng!

Tôi cũng quý mẹ Tutti nữa. Nhưng tôi đã ở lại cửa hiệu của họ nhiều giờ quá rồi và tôi cảm thấy mình nên ra về. Vài du khách khác đã lang thang vào cửa hiệu, và đang hy vọng được dọn bữa trưa. Một trong các du khách, một bà người Úc lớn tuổi giọng lanh lảnh, đang hỏi to Wayan có thể giúp chữa “chứng táo bón tồi tệ” của bà ta không. Tôi đã nghĩ: hát to hơn chút nữa, cưng à, và tất cả bọn tôi có thể nhảy múa theo…

“Mai tôi sẽ trở lại,” tôi hứa với Wayan, “và tôi sẽ gọi bữa ăn trưa đặc biệt nhiều vitamin nữa.”

“Đầu gối cô giờ khá hơn rồi,” Wayan nói. “Khá hơn rất nhanh. Không còn nhiễm trùng nữa.”

Cô chùi sạch chỗ nhớt cỏ xanh cuối cùng nơi chân tôi, rồi gần như lắc tròn nhè nhẹ xương bánh chè của tôi một chút, nghe ngóng gì đó. Rồi cô nghe đầu gối bên kia, nhắm mắt. Cô mở mắt, cười toe toét và nói, “Tôi có thể dựa theo đầu gối cô mà nói là gần đây cô không có nhiều chuyện chăn gối lắm.”

Tôi nói, “Tại sao? Vì chúng rất gần nhau sao?”

Cô ta cười. “Không – là sụn. Rất khô. Hormone từ hoạt động tình dục bôi trơn các khớp. Bao lâu rồi cô không quan hệ?”

“Khoảng một năm rưỡi.”

“Cô cần một người đàn ông tốt. Tôi sẽ tìm cho cô một người. Tôi sẽ cầu nguyện ở đền cầu xin cho cô một người đàn ông tốt, vì giờ cô là em tôi. Ngoài ra, nếu ngày mai cô trở lại, tôi sẽ lọc thận cho cô.”

“Một người đàn ông tốt và một quả thận sạch nữa? Nghe được đấy.”

“Tôi chưa từng kể cho ai những điều về ly dị của mình trước đây,” cô bảo tôi. “Mà đời tôi nặng nề, quá sức buồn, quá sức khó khăn. Tôi không hiểu sao cuộc đời khắc nghiệt đến thế.”

Rồi tôi làm một điều kỳ lạ. Tôi nắm hai tay người chữa bệnh trong tay mình và nói với niềm xác tín mạnh mẽ nhất, “Phần đời khó khăn nhất của chị giờ đã sau lưng chị rồi, Wayan à.”

Tôi rời cửa hiệu, rồi, run lên không thể giải thích được, hoàn toàn tắc nghẹn vì một trực giác hay xung động mạnh mẽ mà tôi chưa thể xác định hay giải tỏa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.