Ăn Cầu Nguyện Yêu

LỜI GIỚI THIỆU



Khi du lịch ở Ấn Độ – nhất là qua các địa điểm linh thiêng và các Ashram[2], ta sẽ thấy rất nhiều người đeo tràng hạt ở cổ. Ta cũng sẽ thấy rất nhiều bức hình cũ chụp những hành giả[3] mình trần, gầy trơ xương và dữ tợn (hay đoi khi là những hành giả béo tròn, hiền lành và rạng rỡ) cũng đeo tràng hạt. Tràng hạt này được gọi là japa mala. Ở Ấn Độ, trong nhiều thế kỷ tràng hạt được dùng để giúp các tín đồ đạo Hindu và Phật giáo sùng đạo tập trung khi tham thiền cầu nguyện. Người ta cầm tràng hạt và dùng ngón tay lần hạt theo vòng tròn

– chạm vào một hạt là lặp lại một câu chú. Khi quân Thập Tự Chinh thời Trung cổ tràn sang phương Đông tiến hành Thánh Chiến, chứng kiến các tín đồ dùng những japa mala này để cầu nguyện, họ đã rất thán phục cách thức đó và đưa niệm này về quê nhà ở châu Âu, gọi là chuỗi tràng hạt.

Một xâu japa mala truyền thống có 108 hạt. Trong giới hiền triết phương Đông thần bí, số 108 được xem là tốt lành nhất, bội số ba chữ số hoàn hảo của số ba, các thành phần của nó cộng lại thành chín, là ba lần ba. Và ba, tất nhiên, là con số tượng trưng cho sự cân bằng tối thương như bất kỳ ai từng nghiên cứu về Chúa Ba Ngôi linh thiêng hay chỉ về cái ghế quầy rượu đơn giản đều có thể thấy rõ ràng. Vì toàn bộ cuốn sách này là về những cố gắng tìm thấy cân bằng của tôi, tôi quyết định tạo cho nó kết cấu như một japa mala, chia thành 108 câu chuyện, hay 108 hạt. Chuỗi 108 câu chuyện này sẽ được chia tiếp thành ba phần về Ý, Ấn Độ và Indonesia – ba xứ sở tôi đã ghé thăm trong năm tự khám phá bản thân này. Sự phân chia này có nghĩa là một phần có 36 câu chuyện lôi cuốn tôi trên phương diện cá nhân vì tôi đã viết tất cả những điều này vào năm tôi ba mươi sáu tuổi.

Giờ thì trước khi tôi trở nên quá giống Louis Farrakhan với vấn đề thần số học ở đây này, cho phép tôi kết luận bằng cách nói rằng nó cũng thích cái ý tưởng xâu chuỗi những câu chuyện này theo kết luận của một japa mala vì nó rất… có kết cấu. Khám phá chân thực về tâm linh là, và luôn là, một nỗ lực của kỷ luật có phương pháp. Đi tìm Chân Lý không phải là một thứ ngớ ngẩn miễn-phí-cho-tất-cả, ngay cả trong cái thời đại ngớ ngẩn vĩ đại miễn-phí-cho-tất-cả này. Với tư cách vừa là một người kiếm tìm vừa là một nhà văn, tôi thấy cố gắng dựa vào chuỗi hạt là điều hữu ích, phương pháp tốt nhất giúp tôi tập trung chú ý vào cái mình đang cố hoàn tất.

Bất luận thế nào, mỗi japa mala đều có một hạt đặc biệt, hạt thêm vào – hạt thứ 109 – xâu bên ngoài cái vòng 108 hạt cân xứng như một đối trọng. Tôi vẫn thường nghĩ hạt thứ 109 là một thứ dự phòng khẩn cấp như cái khuy áo dự phòng dính vào chiếc áo len đẹp đẽ, hay người con trai út trong một gia đình hoàng gia. Nhưng rõ ràng ở đây có một mục đích cao cả hơn. Khi ngón tay ta chạm đến dấu mốc này là lúc cầu nguyện, ta phải ngưng trạng thái thiền định và đa tạ sư phụ mình. Vậy nên ở đây, ở hạt 109 của riêng mình, tôi dừng trước cả khi bắt đầu. Tôi xin được dâng lời cảm tạ đến những người thầy của tôi, những người đã xuất hiện trước mắt tôi trong rất nhiều thể dạng lạ lùng trong năm này.

Nhưng lời cảm tạ đặc biệt nhất tôi dành cho Sư phụ[4] của tôi, người có lòng bi mẫn trong mỗi nhịp đập trai tim, và là người đã rất rộng lượng cho phép tôi học hỏi tại Ashram của bà khi tôi ở Ấn Độ. Đây cũng là lúc tôi muốn giải thích là tôi viết về những trải nghiệm của mình ở Ấn Độ thuần túy từ quan điểm cá nhân chứ không phải như một học giả thần học hay phát ngôn viên chính thức của bất kỳ ai. Đấy là lý do tôi sẽ không nhắc đến tên Sư phụ mình trong cuốn sách này – vì tôi không thể là người phát ngôn cho bà. Những giáo huấn của bà tự nó nói lên tất cả. Tôi cũng sẽ không tiết lộ tên hay địa điểm Ashram của bà, để nơi đó tránh được sự chú ý của công chúng, một điều nó không quan tâm mà cũng chẳng có các nguồn lực để quản lý.

Một biểu hiện cuối cùng của lòng biết ơn: khi những cái tên rải rác khắp cuốn sách này đã được thay đổi vì nhiều lý do, tôi quyết định thay đổi tên của từng người mình gặp tại Ashram này ở Ấn Độ, cả người Ấn và người Tây phương. Vì tôn trọng một thực tế là hầu hết mọi người không thực hiện chuyến hành hương tâm linh để rồi sau đó xuất hiện như một nhân vật trong sách. (Trừ khi, tất nhiên, đó là tôi.) Tôi chỉ có một ngoại lệ cho cách giấu tên tự đặt ra này. Richard từ Texas thực sự tên là Richard, và đúng là người Texas. Tôi muốn dùng tên thật của anh ấy vì anh là người rất quan trọng với tôi khi tôi ở Ấn Độ.

Một điều cuối cùng – khi tôi hỏi Richard nếu tôi nhắc đến việc anh từng là một người nghiện rượu và ma túy trong cuốn sách của mình thì có sao không, anh trả lời là điều đó hoàn toàn được.

Anh nói, “Dù sao thì tôi cũng đã thử tìm cách nói ra chuyện đó.” Nhưng đầu tiên – nước Ý…

Chú thích:

[2] Tu viện (ở Ấn Độ).

[3] Yogi.

[4] Nguyên văn: Guru.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.