An Lạc Từng Bước Chân

NGUỒN GỐC CHIẾN TRANH



Nguồn gốc của chiến tranh nằm ở cách ta sống đời sống hàng ngày, cách ta xây dựng nhà máy, xây dựngxã hội và tiêu thụ các sản phẩm. Nếu ta biết nhìn sâu vào hoàn cảnh xã hội, ta sẽ thấy được gốc rể của chiến tranh. 

Ta không thể đơn giản trách cứ bên này hay bên kia. Ta phải tìm hiểu nỗi khổ đau và sợ hãi của cả hai phía, vượt lên trên tranh chấp phe phái mà tìm cách hòa giải

Trong mọi tranh chấp, ta cần phải hiểu nỗi khổ đau của cả hai bên. Ở Nam Phi chẳng hạng, nếu có người hiểu được nỗi khổ đau của phía bên này và qua phía bên kia để giải thích cho những người phía bên kia thì tình trạng đâu đến nổi bi thảm. Ta cần những cây cầu liên lạc, ta cần những cây cầu thông cảm

Công trình thực tập bất bạo động bắt đầu từ nơi bản thân ta. Tâm ta có hòa bình thì khi gặp khó khăn, ta mới biết phải làm gì để giải quyết vấn đề cho êm đẹp. Dù là vấn đề trong gia đình hay ngoài xã hội, thì cách giải quyết vẫn giống nhau. 

Một ngày mùa thu, khi đi dạo chơi trong một công viên, tôi bắt gặp một chiếc lá đỏ rất đẹp hình trái tim đang đong đưa trên cành. Tôi đứng nhìn và nói chuyện với chiếc là rất lâu. Tôi chợt khám phá ra rằng chiếc lá là mẹ của cây. 

Bình thường ta nghĩ rằng cây là mẹ của lá, nhưng sau một hồi ngắm nhìn chiếc lá, tôi thấy rằng lá cũng là mẹ của cây. Rễ cây hút nhựa từ nước và khóang chất nhưng thứ nhựa nguyên nầy không đủ để nuôi sống cây nên cây phải phân phát nhựa nầy cho các lá, và với sự hợp tác của ánh sáng mặt trời và không khí, lá biến chế nhựa nguyên thành một thứ nhựa gọi là nhựa luyện có khả năng nuôi sống cây. Vì vậy mà tôi thấy lá cũng là mẹ của cây. Chiếc lá được gắn vào cây bởi một cái cuống, cho nên mình thấy được dễ dàng sự liên lạc của hai bên. 

Còn ta thì đã có cái cuống nhau ở bụng mẹ khi ta còn là một bào thai. Chính nhờ cái cuống nhau đó mà thức ăn và dưỡng khí được đưa vào bào thai. Khi ta sinh ra, người ta cắt mất cái cuống đó, và điều này cho ta cái ảo tưởng là ta được độc lập tự do, không còn bị lệ thuộc vào mẹ nữa. Thật ra ta vẫn là con của mẹ, và không những ta chỉ có một người mẹ, mà ta có rất nhiều mẹ. Trái đất cũng là mẹ của ta. Ta được gắn liền vào trái đất bởi rất nhiều cái cuống. Ta cũng có một cái cuống gắn ta vào với mây. Bởi nếu khôngcó mây, làm sao có nước cho ta uống. Ta được tạo thành bởi bảy mươi phần trăm nước, vì vậy ta và mây cũng được gắn vào nhau. Ta còn được gắn vào với rất nhiều thứ khác, với dòng sông, với rừng xanh, với bác tiều phu, với bác nông dân, đủ cả không thiếu gì hết. Cả vũ trụ dang tay nuôi nấng ta, bảo bọc ta. Bạn có thấy tôi là bạn và bạn là tôi không? Nếu bạn không có mặt thì tôi cũng không có mặt. Điều đó quá hiển nhiên. Nếu bạn chưa thấy được như vậy, bạn cứ nhìn sâu thêm, bạn sẽ thấy. 

Tôi hỏi chiếc lá: “Em có sợ mùa thu không, vì tới mùa thu, em sẽ phải rời cây?” Chiếc lá đáp: “Dạ không. Suốt mùa Xuân và mùa hạ em đã sống rất đầy đủ. Em đã giúp cây hết lòng để cây được sống. Em thấy mình trong cây. Em thấy mình là cây, em không phải chỉ lá một chiếc lá. Khi em trở về đất, em sẽ tiếp tụcnuôi dưỡng cây. Em chẳng có gì phải lo sợ cả. Khi em rời cành bay bổng trên không, em sẽ vẫy tay chào cây: Ta sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần.” Chiếc lá vừa nói xong thì một ngọn gió thoáng qua. Chiếc lá bay lượn nhẹ nhàng trước khi rơi xuống đất. Lá rất sung sướng khi thấy được lá là cây. Tôi cúi đầu chào lá, cảm ơn lá đã cho tôi một bài học quý giá. 

Có hằng triệu người chơi thể thao trên thế giới. Khi ta xem một trận đá bóng, ta thường theo phe này hoặc phe kia, có thế ta mới có thể theo dõi trận đấu một cách hứng thú. Khi cầu thủ phe ta đá bóng thì ta cũng muốn đưa chân ra để đá theo. Khi phe ta thắng thì ta cũng nhảy nhót mừng rỡ, khi phe ta thua, ta cũng thất vọng não nề

Trong chiến tranh cũng vậy, ta cũng ưa thích theo phe. Ta thường bênh vực phe bị áp bức. Ta tranh đấubằng cách la ó phẩn nộít khi ta chịu vượt lên trên những tranh chấp để nhìn cho rõ, như một bà mẹ nhìn đàn con đang đánh nhau

Việt Nam có câu tục ngữ “Gà một nhà bôi mặt đá nhau”. Vì ta bôi mặt nên ta mới không thấy rõ nhau, tưởng người kia là người lạ. Vì vậy ta mới bắn vào người kia. Chỉ khi nào ta thấy được mọi người là anh em một nhà, mỗi người là một phần của thân thể thì ta mới có thể nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, mới có thể hòa giải

Trong cuộc dời, ta phải tự nhủ là mình may mắn khi ta gặp được những người biết yêu thương cả loài vật và cây cỏ. Có những người dù sống trong an bình vẫn không quên hàng triệu người đang đói khổ, bệnh tật. Những người đó đã thấy được sự liên hệ mật thiết của mọi loài mọi sự với nhau. Họ hiểu rằng những nước giàu có không thể nào sống sót nếu không có những nước kém mở mang và nghèo khổ. Sự nghèo khổthiếu thốn, sự áp bức bốc lột đưa đến chiến tranh. 

Trong thời đại chúng ta, khi chiến tranh xảy ra, tất cả các nước đều cảm thấy như đang lâm chiến. Số phận của nước này dính líu tới số phận tới nước kia. 

Đến khi nào thì gà nhà mới hết bôi mặt để đá nhau? Đến khi nào chúng ta mới thấy rõ chúng ta là anh em, là một phần của thân thể. Có lẽ mỗi ngày chúng ta phải nhìn nhau mà nói rằng: “Tôi là em của anh. Tôi là chị của em. Chúng ta đều là con ngườiChúng ta chỉ có một cuộc sống”. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.