Ăn Mày Dĩ Vãng
CHƯƠNG 14
Chuông đồng hồ treo tường gõ chín giờ. Tôi tiến lên một bước nữa, vẫn chỉ nhìn không nói. Chắc cái bản mặt tôi khi đó nhìn lạnh lẽo, cô hồn lắm hay sao mà toàn thân người đàn bà bỗng chao đi, rùng mạnh nhưng vẫn không đứng lên, đôi mắt đen im lặng cũng nhìn tôi trân trân trở lại. Trời ơi, đôi mắt! Nó giờ đây đã kiêu sa, từng trải lắm nhưng dù có ai chọc cho nó mù loà đi, nung cho nó nát bét ra thì tôi vẫn không thể không nhận ra vẫn là chính nó.
Nhớ chờ em nhé!… Cái tia sáng non nớt chắt ra từ mắt em sáng hôm đó làm sao có thể nhấn chìm đi được?
Biết rằng nếu bước thêm một bước nữa, con người đang cố làm ra cái bộ điềm tĩnh, bề trên kia sẽ chuyển mình thét váng, tôi kịp dừng lại, kiếm một chiêc ghế đối diện ngồi xuống:
– Vâng! Bà đoán đúng thưa bà giám đốc. Vẫn là cái chuyện lầm lẫn đáng xấu hổ đó – Tôi không nói giọng Nam nữa mà trở về cái tiếng nói năm xưa quen thuộc của mình – Và hy vọng rằng, tôi quả tình là lầm lẫn thật như vậy tốt cho bà và tốt cho cả tôi hơn.
– Ông nói gì tôi không hiểu?
– Cũng mong rằng bà không hiểu.
– Kỳ cục quá! – Bà ta đứng dậy, đôi lông mày được tỉa rất đẹp cau lại – Tự dưng đêm hôm ông tới đây rồi nói với tôi những lời lạp xạp là tại sao?
– Xin lỗi bà – Tôi cũng nhẹ nhàng đứng dậy – Bởi vì không còn một cách nào khác. Tôi là một linh hồn vất vưởng, một tấm thân tàn tạ, gặp được bà khó lắm. Gặp được rồi, tôi chỉ muốn thông qua bà, rất nhanh chóng thôi, để tìm hiểu một sự thật. Xin bà cứ tin rằng sự có mặt đột ngột của tôi là hoàn toàn thiện chí. Tìm được, tôi sẽ đi luôn và không bao giờ quay lại.
Có vẻ không chịu nổi cái nhìn căng thẳng đến mê dại cảu tôi, bà ta chớp chớp mắt như bị chói nắng rồi bối rối nhìn xuống, tiếng nói mềm mại lại, hơi rung lên ở âm tiét cuối:
– Thôi được! Đã đến đây rồi, mời ông cứ ngồi chơi, rồi chuyện xảy ra như thế nào, ông có thể kể lại cho tôi nghe. Nhưng xin nhớ cho là tôi, xin lỗi, có rất ít thì giờ. Ông uống gì tôi pha? Trà hay cà phê? Nhìn ông, tôi cũng biết ông là người lương thiện đang có nhiều tâm sự uẩn khúc.
Tôi chợt thấy hoang mang. Chả lẽ cho đến tận lúc này, chỉ có hai người trong tư thế mặt giáp mặt mà bà ta vẫn đủ trầm tĩnh để giữ được cái lối nói tỉnh uỷ đang tiếp dân như thế à? Hay là không… Kệ! Đã vào đến đây rồi, dù thế nào cũng phải nổ súng. Nổ một lần cho mãi mãi.
– Cám ơn bà đã quá chu đáo. Song, cũng mong bà hiểu cho rằng, hôm nay tôi đến đây thực lòng không phải để tâm sự. Tôi đến để được nhìn kỹ lại bà một lần. Thật kỹ, thế thôi.
Vang lên một tiếng cười nhỏ trong cái miệng hơi héo héo:
– Ông kỳ quá! Ông làm như tôi và ông đang sống trong một tích tuồng cải lương mùi mẫn không bằng. Mời ông hút thuốc đi, cứ hút rồi nhìn gì thì nhìn. Nhìn kỹ coi tôi có phải con ngáo ộp hay một nhân viên tình báo, một nữ phản gián có hạng không?
Lại một tiếng cười nữa, tuy có phần nhỏ hơn, chìm hơn. Cái cười không để lộ ra chiếc răng lẫy bên khoé miệng như ngày nào. Đâu rồi? Nhổ đi rồi à? Trám bạc vào rồi à? Mà sao có thể nói năng ráo hoảnh như thế nhỉ? Vô lý!… Bậy! Không thể là ai khác được. Thì đấy, đôi mắt buồn buồn có dám nhìn thẳng vào tôi, một lão già vô tích sự và quá ư đàn hiền đâu, trong khi cũng với đôi mắt ấy, bà ta có thể khinh bạc nhìn thẳng vào hàng ngàn những khuôn mặt khác.
Thấp thỏm chưa thật tin vào cái nhận xét còn mang màu sắc vô đoán ấy, tôi hạ nóng bắn thẳng một loạt đạn ria:
– Bà không phải là một cái gì hết. Đúng thế. Bởi vì bà chính là Ba Sương. Y tá Ba Sương! Xã đội trưởng Ba Sương của ba xã vùng hạ lưu sông Sài Gòn cách đây hai mươi năm.
Một thoáng xao động vút qua rất nhanh trong đôi mắt mở to, một chút chuyển màu trên đôi môi không son phấn, một chút rung giật ở gò má phơn phớt hồng… Tất cả những tín hiệu đó đã được thu nhận chuẩn xác vào con mắt một thời là lính trinh sát nơi tôi. Lạnh lẽo, tôi bồi tiếp một loạt nữa:
– Bà có muốn nhận bà là Ba Sương hay không. Tuỳ! Đó là quyền của bà. Nhưng tôi, tôi lại cần phải biết tại sao một xác chết đã chôn sâu ba thước đất mà lại có thể còn sống lại? Hiểu cho riêng tôi, cho nỗi giày vò và ân hận của riêng tôi. Ngoài ra không để làm gì hết. Vì rút cuộc, bà vẫn là bà và tôi vẫn là tôi, xa lạ, tách rời, không quá khứ, không hiện tại, tương lai.
– Thôi đi! – Bất ngờ người đàn bà hất mặt lên đầy quyền uy và khắc nghiệt – Sau một ngày làm việc mệt nhọc, lúc này tôi đang cần nghỉ ngơi. Xin lỗi! Tôi không đủ thì giờ để ngồi nghe những lời nói rồ dại, ngớ ngẩn của ông. Mà thực chất ông là ai nhỉ? Ông nhân danh ai, nhân danh cái gì để cho mình được cái quyền đến đây hạch sách tôi? Cơ quan sắp đến giờ đóng cửa, ông nên đi xuống kẻo nhân viên bảo vệ họ lên lại phiền. Mời ông!
Bà ta đi đến mở rộng cánh cửa, ra ý bảo tôi đi ra… Chà! Lại những âm tiết cuối cùng rít lên khi xúc động. Lại còn tính mang bảo vệ, mang công việc ra doạ nhau nữa kia đấy. Được! Trái thủ pháo hạng nặng tôi thủ từ nãy không còn lý do gì nữa để không bung nổ. Cái giọt máu lính chiến còn sót lại duy nhất ở một góc sâu kín nào đó trong cơ thể tôi bất thần chuyển động. Tôi lấy chân đóng sầm cửa lại, dùng bàn tay hất mạnh bà ta về chỗ ngồi cũ rồi cười nhạt:
– Nếu giờ đây tôi buộc phải làm một cái gì đó thô bạo với bà thì cũng là vì tôi muốn được dọn dẹp quá khứ cho thanh thản lương tâm. Mong bà cảm phiền!
Nói rồi tôi từ từ tiến đến, hai bàn tay run run lên bần bật…
– Cái gì? Cái gì? Ông định làm gì vậy? Tôi sẽ gọi cảnh sát ngay bây giờ – Bà ta nói và đi đến chiếc máy điện thoại đặt trên bàn.
– Có gọi ông giời! – Tôi đã nắm được một bên vai con mồi.
– Buông ra không tôi… Đồng chí bảo vệ đâu? – Tiếng gọi không đủ to để bay được ra khỏi cửa phòng.
Tất nhiên là tôi không buông và cũng tất nhiên tôi phải nhận một cái tát nảy đom đóm. Giọt máu man dại đã vọt lên đến đỉnh đầu, gào réo. Tôi đẩy mạnh bà ta vào sát tường nói sít răng:
– Bà không dám kêu đâu, bà cũng không dám gọi gì hết. Nếu đúng là bà thì bà đang làm một hành động khốn khổ là chạy trốn quá khứ. Kẻ chạy trốn có mấy khi la làng. Bây giờ đến lượt tôi. Xin lỗi bà!
Rất nhanh, tôi đưa tay giật phăng mảnh áo màu hồng nhạt che ngực con mồi. Vẫn chỉ là bề vỏ, tôi nghiến răng giật tiếp cái xu chiêng màu trắng có thêu ren nơi mép vải… Một mảnh trăng sáng chói vỡ oà, vút mạnh vào mắt tôi, quýnh quáng. Trời ơi! Vào cái tuổi này mà bà ta vẫn còn giữ được bộ ngực của đứa con gái chớm bước vào tuổi dậy thì. Tôi bất giác nhắm mắt lại rồi bừng mở ra ngay, sục sâu tia nhìn vào vùng ánh trăng bên trái… Sâu nữa, mò mẫm, dừng lại, lướt đi… Rồi bùng lên một tiếng nổ khoái trá, sững sờ và buồn thảm. Nó đây rồi! Cuối cùng rồi nó cũng hiện ra trước mắt tôi, đôi mắt lành hiền, nhỏ xíu của con chim câu đang vỗ cánh chực bay lên ấy. Tôi lại nhắm mắt lại, toàn thân lả đi trong cái cảm giác đến đích mệt mỏi và ê chề rồi để rơi người xuống mặt ghế, mồm miệng tự dưng thấy khô khát lạ lùng. “Thôi, thế là có thể chết được rồi!”. Trong đầu tôi vang lên một tiếng nói ngậm ngùi và có cả phần viên mãn.
Trước mặt tôi, đứng sát vào tường, toàn thân co rúm, hai bàn tay lập cập cầm chiếc áo che ngực mà không đủ sức mặc vào, hai gò má xanh lượt, mái tóc xổ tung. Ba Sương, vâng, từ bây giờ trở đi, tôi sẽ gọi là Ba Sương chứ không cần phải gắn với một cái tên họ dài dòng nào khác, giương đôi mắt thất thần nhìn tôi, con ngươi không động đậy…
Lạ lùng sao! Hàng ngàn những câu hỏi, hàng núi những ngạc nhiên, day dứt muốn đổ ập xuống em, muốn nghiền nát em ra lúc này nhưng tôi vẫn ngồi im, cười gằn và khốn nạn hơn nữa, đôi môi khô nẻ của tôi lại phải hứng đựng cái vị mặn chát của hai dòng nước mắt đang lặng lẽ chảy xuống… Tôi khóc ư? Sao lại khóc? Khóc cái gì lúc này? Hả? – Nỗi nhọc nhằn chất chứa gần mười sáu năm qua đã chạm phải cái kíp nụ xoè của sự tủi hổ hôm nay, đột nhiên tạo thành sự thèm khát thèm nóng bỏng chảy ngược chiều với những giọt nước mắt. Màu trắng bờ vai, sức căng của cặp vú, nét rung của làn môi đã lôi ngược đầu óc tôi trở lại cái buổi sáng ân ái, cái buổi sáng tình yêu và tình dục tưởng đã vĩnh viễn quên đi. Không! Sao lại Có thể chết được rồi? Tiếng nói thứ hai trong tim tôi bật phản trở lại. Như thế là em không chết. Tức là tôi không giết em, tôi vô tội, tôi trắng án trong toà án lương tâm, vậy thì tôi có quyền trở về với em, giữ chặt lấy em, cướp lấy tình yêu một thuở và muôn thuở của tôi, nuốt lấy kỷ niệm vào họng, ngấu nghiến, mãnh liệt, tươi nguyên như ngày nào, hơn ngày nào.
Tôi đứng dậy, chơi vơi và nóng bức, từng bước tiến lại những cánh rừng quá khứ đang hiển hiện ở chân tường. Mắt tôi mờ đi, còn mắt em vẫn mở to, kinh sợ và hình như có cả chờ đợi…
Đúng lúc đó, trong phòng chợt vang lên một loạt những tiếng cối nổ chát chúa, hỗn hào. Cánh rừng tắt lặng. Tiếng cốt nổ biến thành tiếng đập cửa dồn dập. Em vẫn đứng, bất động, mắt hơi ánh lên một chút mừng rỡ tê dại. Chính cái chút ánh lên đó đã khiến cảm xúc nơi tôi cũng tê liệt theo. Tức là giữa tôi và em không còn gì hết. Hoàn toàn xa lạ và ngăn cách hận thù, chỉ còn lại mối quan hệ hình sự giữa hung thủ và nạn nhân. Tôi dừng lại, buông hai tay xuôi, nghe máu trong người đang tháo chạy xuống chân.
Ổ khoá rung lên dữ dội, then cửa oải ra, gãy gục và liền đó cánh cửa nặng nề bị bật tung. Thằng Phản ngực xuất hiện, cao một mét tám mươi, nặng tám mươi kg, đứng che gần hết bề ngang cánh cửa. Bằng đôi mắt của kẻ sắp uống máu người, nó nhìn xoáy vào tôi rồi nhìn sang bà chủ của nó… Rồi nó cất tiếng cười gằn, man dại:
– A! Hoá ra lại là mày, thằng thanh tra khốn nạn! – Nó tiến về phía tôi một bước – Thoạt đầu tao cũng chỉ nghĩ mày là một thằng ăn xin cao cấp, ăn xin theo cái kiểu lên thẳng phòng các sếp đặt vấn đề tình thương yêu giai cấp, lập trường dân tộc, lại nhân danh đồng chí, đồng đội nọ kia để moi tiền. Nhưng cuối cùng – Hắn tiến lên một bước nữa và nắm lấy ngực áo tôi xoắn mạnh – Mày chỉ là một thằng lưu manh đốn mạt, một thằng cưỡng dâm bẩn thỉu!
Búp!… Tôi chưa kịp hiểu gì thì toàn thân đã bị đánh bật vào tường, đầu va cạnh cái kệ sách nghe đến cóc như vừa ăn gọn một viên đạn nhọn vào đó, choáng lộng muốn xỉu ngay người xuống…
– Kìa!… Thôi, cậu Địch! Đừng…
Tôi nghe láng máng tiếng cô ta ở đâu đó… Say máu, thằng Phản ngực tiếp tục ra đòn nữa, những miếng đòn xem chừng có vẻ quen thuộc như tôi đã từng va đụng ở một nơi nào đấy, một thời nào đấy? Chát!… Mang tai tôi ù lên và liền đó đã thấy mặt mình vập mạnh xuống nền nhà, chả hiểu máu hay nước mũi chảy ra nhoè cả mắt. Ở cái tư thế thảm hại đó, tôi nhác thấy cái mũi giày nhọn hoắt của hắn cụ cựa chuẩn bị văng ra… Chưa kịp tránh, mạng sườn tôi đã bị xoáy mạnh rồi lật nghiêng, dường như nghe có cả tiếng xương gãy bên trong.
– Trời!… Tôi đã bảo thôi!
Tiếng đàn bà lại văng vẳng bên tai… Tôi biết đó là tiếng của em, cố giương mắt để nhìn em nhưng không nhìn thấy gì cả, chỉ thấy loàng nhoàng một màng đỏ che chắn.
– Mẹ mày? Biết thân chưa con!
Thằng Phản ngực chưa buông tha tôi, hắn rít giọng, nắm ngực áo tôi dựng dậy như dựng một con bù nhìn rơm rách nát có đôi chân quờ quạng không dính đất. Cái miệng có hàng râu như kẽm gai gí sát, bắn cả nước bọt lẫn mùi men rượu, mùi cóc chết thum thủm vào mặt tôi. Hắn hỏi cô ta:
– Nó đã kịp làm gì em chưa?
Cô ta lúc này đã kịp mặc lại áo và mắt tôi cũng kịp nhìn thấy cái đầu cô lắc khẽ:
– Chưa, chưa, thôi! Tha cho người ta. Ông không có ý gì đâu. Ông lầm lẫn chút thôi. Tôi xin Địch…
– Tha này!
Một cú giơ-nu nhằm bụng tôi thúc mạnh. Ruột gan tôi lộn lên, phèo phọt, vỡ nát… rồi ói ra một búng máu lẫn cả dãi đờm. Mẹ nó! Tôi thầm nghĩ trong cơn mụ mị. Mình có phải trái banh đâu mà nó chơi đầu gối dữ vậy? Hà cớ gì mà nó đánh mình mải miết như định trả mối thù ngàn năm thế nhỉ? Đây không thể chỉ là đánh ghen, đánh trừng phạt những ai tính xúc phạm đến thân thể chủ nó, đây là kiểu đánh cho chết, đánh để phi tang đi một cái gì. Phải chăng qua vài lần đụng mặt, nó đã hiểu mình là ai? Mình lùng sục tới đây thực chất để làm cái gì? Nó là ai? Thằng nào?… Cái mùi tanh nồng của búng máu nằm dưới đất xộc lên khiến tôi tỉnh lại. Máu của tôi đang tràn ra ướt láng sàn nhà! Tại sao lại máu của tôi? Cả cuộc đời binh lửa, tôi đã bị ai đánh đến nỗi bò lê bò càng, nhục nhã như thế này đâu? Và tại sao nó lại đổ ở đây, giữa mùi bia rượu và mùi đàn bà mà không đổ cùng với bạn bè trong những năm tháng oanh liệt ấy? Tại sao!… Giọt máu nóng cuối cùng còn sót lại trong trái tim bệnh tật của tôi vỡ ra, nhớp nhầy, xộc lên óc ngây ngất. Bằng một cố gắng cuối cùng của thói quen tự vệ đã bị quên lãng, của một mẩu ý chí và tự trọng cuối cùng còn sót lại, vừa lúc cú đầu gối thứ hai của hắn chực bay lên, tôi tựa lưng vào tường, lấy đà bật trở lại, húc mạnh đầu vào cái hàm râu kẽm gai đen nhức đang chập chờn trước mắt… Một tiếng cành khô gẫy rắc, lại một tiếng hộc tột cùng đau đớn của con heo lửng bị thọc dao vào cổ họng. Thằng Phản ngực ôm mặt, dội ngược người trở lại, máu tứa qua những kẽ ngón tay hồng hào có đeo nhẫn. A!… Thằng Mỹ đen, thằng Mỹ trắng có cái dương vật thây lẩy to tướng đái vào mặt tôi dạo nào đang loạng quoạng! Chết cha mày này!… Bằng một cú đá dữ tợn đột nhiên thức dậy sau mười sáu năm im ngủ, tôi vận sức ở cả bắp vế, gân đít, thịt lưng bả vai, cần cổ… tung mu bàn chân để trần, xương xẩu của mình vào đúng cái ám tượng thây lẩy giữa hai ống quần bó chặt của thằng người không hiểu là quá khứ hay hiện tại kia… Sướng! Nó rú lên, bưng chặt lấy cái của quý trời cho mà chắc về mặt kích thước ngang dọc cũng không thua kém gì thằng Mỹ đen ấy, nhảy tưng người vào cạnh cửa rồi lăn ệch ra sàn, đôi mông ngồn ngộn cứ nảy lên, quay đảo hệt một con đực đang nhập vào cơn hưng phấn. Ấy thế mà cái giọt máu sát nhân lạc loài trong tuỷ sống tôi vẫn chưa đông cạn, nó đòi được tồn tại nữa, thúc tôi nhào lên định kết liễu đời con đực cũng bằng một ngón đòn thù hận ngàn năm vào yết hầu nhưng… cái vạt áo ký giả khốn khổ của tôi bỗng bị níu chặt, rồi tiếng con đàn bà ướt sũng bên tai:
– Anh Hùng!… Tôi xin anh! Xin anh tha cho nó…
Khoái! Cùng một lúc tôi nhận thức được ba cái khoái. Thứ nhất, trong suốt quá trình nó lê lết, hình như tai tôi chưa phải nghe một lời can gián nào trong khi nó nện tôi thì lại văng vẳng nghe những hai lần. Như vậy là tôi hơn nó một lần về mức độ thương xót. Hai, khi được can, tôi dừng liền. Tức là tôi biết điều, tôi cao thượng hơn nó và giọt máu sát nhân ở tôi cũngnhẹ nồng độ hơn. Và thứ ba là anh Hùng!… Khoái!
Kiệt sức, tôi rơi người ngồi bệt xuống nền nhà, ngay cạnh mấy cái răng dính máu nằm nhớp nhua trong vũng nước đái vừa són ra của con bò cạp. Tự dưng tôi bật cười, cười mà nước mắt trào ra… Ô hô! Hùng tha cho nó…xin nó hãy tha cho Hùng… Quá khứ và hiện tại, hai thằng đàn ông, hai cuộc tình, hai mạng sống hôi thối đều được xin tha! Khốn nạn! Tôi quay mặt lại… Trời! Cái bản mặt tôi lúc ấy máu me chết chóc lắm sao mà vừa nhìn thấy, cô ta đã bưng chặt lấy mắt, lùi bắn ra phía sau kệ sách? Kệ! Sợ cho sợ luôn. Cô đã ghê sợ tôi suốt hai mươi năm nay rồi còn gì nữa? Có đúng không?
– Ba Sương! – Vẫn ngồi phệt dưới đất, tôi nói – Tóm lại em là một con đàn bà độc ác, nếu không muốn nói là phản bội. Độc ác nhất trong mọi con đàn bà độc ác. Trước đây mới chừng vài phút, tôi cầu mong em còn sống để gạt bỏ được mọi giày vò khổ sở đeo đuổi tôi bao năm nay và cũng bởi vì tôi còn… còn… Nhưng bây giờ, sau khi biết được mọi sự thật, tôi lại tiếc rằng tại sao em không chết đi, chết hẳn đi trong cái buổi sáng ma quái ấy – Tôi đứng dậy, xiêu vẹo bước ra cửa, chân không giày dép – Bây giờ mới là hết. Hết thật sự. Hết quá khứ, hết những năm tháng trận mạc khổ mà vui, hết tình yêu, tình đồng đội và cả tình đồng chí. Hết nhẵn! Tựu trung mọi sự chỉ là trò đùa của quỷ. Để không bao giờ gặp lại, em có thể yên tâm một điều: Sự bí mật về đời em, dù hiểu theo khía cạnh nào đi nữa, cũng hoàn toàn được chôn chặt. Xin hứa lời hứa danh dự của người… đã chết. Bởi vì chả để làm gì cả. Chào bà giám đốc, chúc bà gặp được nhiều tốt lành trong cuộc đời chắc là rất ít tốt lành này.
Tôi đóng sầm cửa lại. Cái tôi nhìn thấy cuối cùng trong phòng là một đôi mắt mở to, mọng nước, khắc khoải nhìn theo…
Trong các bạn đã có ai nếm trải một lần thất tình? Thất tình với một người đàn bà mà mình yêu thương hơn cả cuộc sống? Tôi đang ở trong tâm trạng ấy. Đau hơn tâm trạng ấy.
Vì lẽ tôi không chỉ mất riêng một người đàn bà, mất riêng chỉ một tình yêu. Lòng dạ trống rỗng, đầu óc chơi vơi, chân bước thập thững trên hè phố về đêm, bỗng nhiên tự trách mình sao không đi tìm em, gặp em từ trước, từ cái thời còn đang xênh xang trong cái ghế bao người thèm ước của một nhiệm sở quan trọng để bây giờ, thân tàn ma dại rồi mới lại gặp em! Trời già quỷ quyệt. Số phận cợt đùa!
Đường phố lúc này đã thưa thớt bóng người, bóng xe qua lại. Từ bến sông, ngọn gió thổi dọc theo hai bên hè, thi thoảng dừng lại ngả ngớn ở các ngã ba, ngã tư, ở các cây trụ đèn, góc rẽ.
Một chiếc xe đạp phanh kít trước mặt tôi rồi tiếp đến một giọng nói lễ độ đến mủi lòng: Chú Hai về đâu để con chở, chú Hai?
Tôi nhìn lên: Một thanh niên có nét mặt khôi ngô, nhẹ nhõm đang nhìn đau đáu vào tôi, đợi chờ…
– Cám ơn! Tôi đi… Đi dạo bộ thôi. Cảm phiền nghe!
– Dạ! Không có chi. Con đi, chú!
Anh con trai chao người đạp đi, cái màu trắng của chiếc sơ mi còn vương vãi trên mặt đường nhập nhoà tối sáng. Chao! Nếu cuộc đời không còn chỗ dung thân tạm gọi là yên hàn nào nữa, sắm một chiếc xe tàng tàng rồi tối đi mời chào khách vãng lai như cái cậu có vẻ là sinh viên đi kiếm tiền học thêm kia cũng được chứ sao. Giống như ngày nào sau cái lần xin từ chức và nói năng quyết liệt bị người ta đẩy lên rừng già phụ trách trồng cà, trồng bí, mình chả đã ao ước được trở thành một anh chàng người Thượng, lấy một cô vợ người Thượng và đẻ những đứa con người Thượng để rồi cũng xong một đời người đó sao?
Một chiếc hon đa cúp giảm tiếng động ngay phía sau lưng tôi rồi dừng hẳn lại… Tôi giật thót. Chết mẹ! Coi chừng bọn đàn em thằng Phản ngực rượt theo đánh đòn thù? Theo phản xạ bản năng, tôi vội dé chân chèo bước xuống lòng đường… Không phải! Đằng sau quầng đèn pha xe máy là một khuôn mặt con gái rực rỡ phấn son.
– Anh Hai!…
Cô gái bước xuống xe, tắt máy, gọi khẽ. Đang u uất, cho rằng đây lại là một ả giang hồ cỡ trung lưu đi kiếm khách làng chơi, tôi gắt xẵng:
– Hai, ba cũng vậy thôi. Tôi đang bận. Tôi không có tiền.
Bật lên một tiếng cười trong vắt, ắp đầy nữ tính:
– Ơ hay! Em có đòi tiền nong gì đâu!
– Không cũng vậy mà có cũng thế – Tôi trở giọng nói mát – Xin lỗi! Cô nhầm đối tượng rồi cô bé xinh đẹp ạ!
– Xinh đẹp nữa kia à! Ác nhỉ? – Lại khúc khích – Anh Hai thử nhìn kỹ lại em út một lần coi em có phải là cái loại gái ấy không?
Tôi miễn cưỡng nhìn lên và lần này thì nhận ra đó chính là cô bé nhồm nhoàm húp hủ tiếu sau cánh cổng sơn nhũ hồi chiều. Trong tôi bỗng gợn lên một điều gì đó mơ hồ, nhột nhạt. Tôi hỏi phập phồng:
– Xin lỗi!… Có việc gì thế?
– Anh quên cái chứng minh thư và đôi dép. Cô Tư nói em đuổi theo đưa lại.
– Chỉ vậy thôi?
– Chứ còn gì nữa? Anh Hai còn quên thứ gì nữa à? Tội nghiệp hôn! – Rõ ràng là trong giọng nói có cả cái cười nụ ẩn núp.
– Không… Không quên cái gì hết và nói chung – Tôi bỗng gắt lên – Là tôi không quên cái gì cả. Cả đôi dép và cái chứng minh vô tích sự này.
– Ý! Sao lại thế anh Hai?
Tôi cười chua chát, tiếp tục bước đi. Thì ra là thế. Chỉ là thế. Vậy thì hà tất chi mà lại không phải chính bà ta mang ra? Nghĩ được điều ấy trong đầu, tôi mới chợt nhận ra rằng, suốt từ lúc bước ra khỏi căn phòng đó tới giờ, tuy làm bộ không cần gì hết, không thiết gì hết, nhưng tại một góc nào đó sâu lắm trong lòng, tôi vẫn thắc thỏm thèm vô vùng một tiếng gọi da diết của bà ta ở đằng sau.
– Tối nay anh Hai tính nghỉ đâu? – Lần này cô gái hỏi với vẻ thành thực và vẫn dong xe đi bên cạnh tôi.
– Bến tàu, nhà ga vỉa hè, mái hiên, công viên… Bất cứ chỗ nào.
Im lặng giây lát, cô nói tiếp:
– Nếu có thể được, em xin phép được mời anh Hai vô nhà khách hay một hotel nào đó nghỉ ngơi, tắm giặt. Lên xe em chở đi!
Hơi bị bất ngờ, tôi dừng lại, nhìn sâu vào mắt cô ta để mong tìm được một ẩn ý gì trong đó… Tuyệt nhiên không! Chỉ có một nét mặt và ánh mắt chân thật, hồn nhiên.
– Xin lỗi cho hỏi một câu: Cô mời hay bà giám đốc của cô?
– Trời! Câu nệ chi anh Hai! Ai mời chả vậy. Ít nhất tối nay anh Hai cũng là khách của sở, khách của bà giám đốc. Hồi chiều, chính anh Hai chả nói thế là gì. Thôi lên xe đi, anh!
– Cám ơn! – Tôi lắc đầu – Nhờ cô về nói lại với giám đốc của cô rằng, tôi rất cám ơn nhưng cái đời nằm võng ở rừng ở rú quen rồi, nằm khách sạn không hạp.
– Không – Cô gái bỗng xị mặt – Hổng có cám ơn gì hết. đây là nhiệm vụ của em, chức trách của em, làm không tròn, em sẽ bị quở trách, bị phê bình, thậm chí bị… cho thôi việc.
– Cha! Bà thủ trưởng của cô dữ thế kia à?
– Ừa! Dữ lắm đó! Anh Hai không chịu, em theo đến sáng luôn.
Nhìn cái miệng cô ta trề ra, cái mũi chun lại, dù biết đấy chỉ là cách thức nhấn mạnh thái độ, tôi cũng bất giác bật cười. Thôi thì cũng chả nên cố chấp làm gì, một liều ba bảy cũng liều, nhân cách đã xuống tới đáy rồi, có gồng lên thì vẫn là đáy mà thôi. Vả lại, cũng mệt mỏi quá rồi. Những cú đòn huỷ diệt của thằng cha kia đến lúc này mới ngấm. Tôi cần ngủ, cần lót bụng cái gì một chút, cần hạ tấm lưng đau nhức xuống rồi sau đó điều gì sẽ xẩy ra, kệ mẹ nó.
Tôi lóng ngóng xỏ đôi dép vào chân và ngồi lên sau xe. Chắc giống một ông bố già ở quê ra tối nay được con gái rong đi chơi phố phải biết.
Trong phòng ăn tầng hai ở một khách sạn bảy tầng.
Trên mặt bàn trải khăn trắng trống trơn không có một thứ gì ngoài mấy cái bát, mấy đôi đũa, tập giấy thơm lau tay và cái ly thuỷ tinh nhỏ đựng một thứ rượu gạo trắng nhờ.
– Bữa nay đãi anh Hai món đặc sản miền Tây, thứ đặc sản chỉ dùng để tiếp thượng khách. Mong anh Hai nhậu thiệt tình.
Đâu? Đặc sản miền Tây đâu? Thiệt tình, thượng khách gì đâu mà ngồi cả tiếng đồng hồ rồi vẫn không thấy gì hết trơn. Chà! Giá lúc này mà được một tô cơm tú ụ với khúc cá kho tiêu, dăm quả cà muối xổi, bát canh chua thì tốt biết bao! Húp sì soạt, nhai rau ráu một chập là xong có phải khoẻ không, cần chi cứ phải là đặc sản với đặc…nhiệm. Cách rách quá! Vậy mà vẫn phải nán ngồi, che miệng ngáp mà ngồi, gượng ho gượng cười, gượng cả cơn đau đang dội len từ bốn phía thân xác mà ngồi. Cứ ngồi để thử xem sau cái trò này là cái gì? Biết đâu… Vâng! Biết đâu người đàn bà ấy sẽ… Sẽ gì? Sẽ gì chính tôi cũng không rõ nữa! Chàng màng hy vọng và chàng màng đợi đón, thế thôi.
Rút cục là cô ấy đã không chết, không chết trước tôi như lời thằng Viên đã tiên đoán, và tôi, tôi cũng chả chết chóc gì cả như câu rủa của bạn bè trong rừng. Hay là tôi đã chết, cô ấy cũng đã chết? Chết dần chết mòn, chết mà không biết mình chết? Phì…
Khẹc!… Tôi giật nảy người bởi một tiếng rắn hổ phi ngay dưới chân. Nhìn ra đã thấy một gã trai nửa già nửa trẻ, cao lòng khòng, cái đầu cũng nhọn như một con rắn đang khật khưỡng bước tới.
Điều đáng nói là hai bàn tay sần sượng vết răng rắn độc của gã liên tục đưa lên tát trái tát phải vào hai mang tai một con rắn hổ dài chừng một thước đang vừa khẹc ghê rợn vừa bò quằn quèo trên sàn nhà, tiến sát về phía chân tôi. Khẹc!… Khẹc!… Con rắn bị đau càng khẹc to, cái lưỡi nhọn hoắt nháy ra nháy vào như tia lửa hàn xì. Tôi bất giác co chân lên
Cô gái cười to và xua tay:
– Thôi đi ông! Biểu diễn vậy đủ rồi, ớn thấy mồ!
– Em đâu có tính biểu diễn – Gã trai vừa đánh tay chậm lại vừa càu nhàu cãi – Em đánh vậy để phân nó dồn xuống dưới đó chớ.
Nói rồi, chừng như đã thấy đủ, gã nắm nhẹ cổ con rắn lên, để mặc cho thân hình nhầy nhụa của nó cuộn chặt vào bắp tay. Bắp tay đen, thân rắn đen, giống hai con rắn cuộn nhau. Cùng lúc một cô gái vận mini juýp trắng từ đâu đó bước ra với một cái thớt xinh xắn và con dao sáng bạc trên tay. Thành thạo và dẻo quẹo như một nhà ảo thuật đao phủ, rất nhanh, gã kê ngay cái đầu rắn đang ngáp ngáp xuống mặt thớt và… Bụp! Cùng lúc với cái cục tròn nhọn gớm ghiếc lăn xuống sàn nhà, gã dốc ngược cái cổ cụt ngấc của con rắn vào miệng ly rượu. Huyết rắn chảy ra, từng giọt tong tả đỏ tươi… Chỉ một loáng, ly rượu màu trắng đã chuyển dần sang màu hồng. Ly máu! Chưa hết! Vẫn bằng con dao mà cô gái mặc váy ngắn nhưng lại có cặp đùi dài giữ vai trò như một y sĩ tiếp dụng cụ đưa cho, nhà giải phẫu ma quỷ nhứ nhứ định vị một chút rồi… Sụt! Hơi chếch xuống dưới một chút cái đoạn cổ cụt của con vật, theo lưỡi dao tòi ra một trái tim thật nhỏ màu hồng nhạt, có hai cánh rung khẽ. Trái tim rắn cũng được thả nốt vào ly rượu. Máu và tim của một thể xác bắt gặp, ngào trộn, rủi bọt rồi lặng tờ chìm xuống. Trái tim chết chìm trong máu. Kỳ lạ hơn, khi chìm đến đáy, nó bắt đầu đập thoi thóp, thoi thóp khôn nguôi cùng với cái mình con rắn đang lặng phắc dần dần, duỗi ra, mềm oặt.
– Đây chính là khách sạn của tỉnh do cô Tư chủ quản, đồng thời cũng chủ trương xây dựng – Cô gái nói, mắt vẫn không thôi nhìn đăm đăm vào trái tim rắn đang thập thõm. Anh chàng kia là ông thầy rắn thuê từ Minh Hải lên, mỗi tháng trả hai triệu.
Dường như đã hoàn tất xong màn dạo đầu cụp lạc, gã ảo thuật “hai triệu” cúi gập lưng chào tôi rồi đi xuống, vẫn khật khưỡng như lúc lên. Đến lượt hai cô đầu bếp váy ngắn thi nhau băm chặt, xào nấu thi thể con vật ngay trên cái bếp lò đặt chính giữa bàn. Và chúng tôi cầm đũa. Cần đến đâu, bỏ lò đến đó. Thịt rắn mềm như thịt ếch, thơm như thịt chim mà lại dai như thịt bò. Đúng là đặc sản. ấy vậy nhưng nhìn trái tim rắn đập thoi thóp trong lòng máu suốt bữa ăn, tôi lại cảm giác mình đang nhai nuốt những miếng thịt người. Chao ôi! Cả thân xác con vật đã biến thành những mảnh vụn trộn hành xả thơm tho, riêng trái tim là vẫn chẳng chịu yên cho. Trái tim khổ đau, tan rã nhưng chưa được chết để phải chứng kiến cái biến đi của toàn thể. Trái tim chết hai lần. Trong lòng rượu, trong lòng cuộc đời, trái tim như nhỏ máu, như khóc than. Đôi cánh sen hồng nhạt đập lả dần, lả dần… Và cho đến khi con người buông đũa không gắp vào cái phần thân thể của nó nữa, trái tim mới lặng lẽ ngừng đập!
– Anh Hai uống đi! – Cô gái chỉ ly rượu – Cái này là thứ quý nhất, bao giờ cũng thuộc về khách.
– Hả? – Tôi ngẩn người.
– Cả huyết, cả tim, bổ dữ lắm! Anh Hai đừng ngại, trái tim nó đã được luộc chín tái rồi.
– Không! – Tôi đẩy ly rượu ra xa – Tôi không uống. Tôi không phải là thượng khách và tôi cũng không cần là thượng khách.
Cô ta cười cười đứng dậy, lấy góc khăn chấm miệng:
– Tuỳ anh Hai! Nhưng dù sao nó cũng bị luộc chín rồi. Chín tái. Nó chẳng bao giờ còn đập được nữa đâu, quên nó đi thôi đồng chí thanh tra đa cảm ạ! Chúc anh Hai ngủ ngon! Sáng mai gặp lại.
Nói xong, cô ta ra quầy nói nhỏ cái gì đó với người cửa hàng trưởng rồi hướng mặt về phía tôi, đưa ngón tay lên miệng bai và uyển chuyển đi xuống…
Thất thểu trở về căn phòng có gắn máy lạnh, tôi không thể nào chợp nổi mắt. Bữa tiệc rắn diễn ra quái dị và chóng vánh quá khiến tôi không kịp hỏi, không kịp nói và cũng không kịp ăn gì cả, cái bụng vẫn đói nguyên. Chín tái!… Cái gì chín tái? Rắn hay người? Trái tim tôi hay chính traí tim của người đàn bà độc ác đó? Sao lại quên? Cô bé mặt trát bự phấn có cái cười bí hiểm định nói điều gì trong cái trái tim rắn đập thắc thỏm tội tình suốt bữa ăn đó? Ả nói hay ả nói lời của bà ta? Chín tái!… Ha ha! Trái tim chín tái, cuộc đời chín tái, tình yêu chín tái, ráo trọi mọi sự trên đời đều chín tái hết. Khốn nạn!…
Sáng ra, cô hầu phòng có dáng người đẫy đà, ngực đùi căng ninh ních đưa tôi một túi du lịch căng phồng, mới tinh, nói của cái cô gì tối hôm qua gửi cho.
– Cô ấy đâu? Có… bà nào đi cùng không? – Tôi hỏi vớt vát.
– Dạ không! Cô đi một mình. Về lâu rồi.
Tôi lặng người đi. Thế là tia hy vọng cuối cùng trong tôi đã lụi tắt. Bất thần lục túi xách không thấy có một mẩu thư nào, một lời nhắn gửi nào, tôi quăng ráo trọi cả mấy bộ quần áo, cây thuốc, hai đôi dép, gói tiền, chiếc đồng hồ mạ vàng… trở lại túi đồ.
– Cô bé! – Tôi nói – Cho cô. Của cô cả đấy. Coi như tôi cám ơn cô đã tạo cho tôi một đêm ngủ ngon lành. Chào!
Để mặc cho cô gái đẫy đà dứng như trời trồng ở đó với chiếc túi mang trị giá chục triệu đồng, tôi bước ra hành lang.
Đã sáng bảnh. Cái nắng sông Hậu vốn sánh vàng tươi rói mà sao sớm nay lại có màu chín tái!
*
Khoảng tám giờ sáng thì bạn bè tìm được tôi ở bến xe tốc hành về thành phố.
Từ chiếc LADA màu xanh dương nhảy xuống là một người đàn ông to lớn, bệ vệ, chừng bốn mươi tuổi, bụng đã bắt đầu phinh phính, ria mép tỉa gọn, đeo kiếng gọng vàng, mũ phớt, vận comple màu hạt dẻ, trông trẻ trung, sang trọng hệt một chuyên gia Nhật Bản, Hong Kong hoặc Đài Loan mà gần đây họ đã bắt đầu xuất hiện nhan nhản theo làn sóng đầu tư nước ngoài trên khắp các đường phố phía Nam.
Anh ta đứng sững nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại anh ta, miệng còn ngậm miếng xôi sầu riêng tanh ngóm và thoáng nghĩ rằng, lại thêm một đệ tử nữa của cô ta hay gã Phản ngực đến tìm mình?
Nhưng hình như không phải. Gã người nước ngoài chất đầy một đống hàng ngoại trên vai này từ từ tiến đến rồi bất ngờ dang hai cánh tay béo trắng ôm ghì lấy cái thân hình bầm dập, hôi hám của tôi, miệng thốt được mỗi một tiếng:
– Thủ trưởng!…
Thủ trưởng nào nhỉ? Hay là ông ta nhầm? Mà lại nói quá sõi tiếng Việt nữa! Đang ngơ ngác và ngượng cả với những người xung quanh đang ngoái lại nhìn, Ba Thành đột ngột thò cái đầu bù xù ra khỏ buồng lái hét toáng lên, làm như dây chính là vườn tược nhà nó.
– Ê!… Biết ai đó không?
Ai? Tôi quay đầu nhìn lại gã đàn ông quý tộc và lắc đầu, chịu, không nhận ra? Thành xuống xe, bậm bạch đi tới, đứng chen vào giữa hai người, thấp củn, giọng vẫn oang oác:
– Chưa hả? – Hắn giật mạnh cái mũ trên đầu gã đàn ông, để lộ ra một cái trán đẹp nhưng hơi hói – Ra chưa?
– Cũng thấy quen quen… Tôi nói.
– Đ. mẹ! Thằng Tuấn đó chứ ai.
Trời đất! Tôi trố mắt. Thằng Tuấn! Thằng Tuấn mà lại thế này ư? Chả còn một chút gì bóng dáng của một thằng Tuấn quần xà lỏn năm xưa nữa cả! Dẫu rằng đã hình dung ra trước dáng dấp một ông chủ liên tổ hợp tư nhân ở nó nhưng lúc này tôi vẫn bị quýnh quáng. Còn nó, nó lại đứng im phỗng sau khi rời tôi ra, nước mắt lưng tròng:
– Anh Hai… Em nghe anh Ba kể về anh nhưng tuyệt nhiên em không ngờ anh lại đến… nông nỗi này! Hai mươi năm…
– Trông như cái thằng Bù Chao chốn lính ngày nào ở bìa sông hở?
Tôi cố nói một câu vui để tự che đi những giọt nước mắt của mình cũng đang chực chảy ra.
– Tóm lại – Tiếng Ba Thành – Đi suốt đêm, sáu giờ sáng bọn tao mới tới đây. Kéo luôn đến sở nông lâm tìm mày. Một con nhỏ mông núng nính nói mày đi rồi và nghe đâu, trước khi đi mày còn cho một thằng to con nào đó rớt ba cái răng xuống đất thì phải. Ngon! Phải vậy chớ! Thỉnh thoảng cũng nên vung tay vài cái cho chạy máu, cho mấy thằng ăn cháo đái bát hôm nay đừng quên rằng nhờ ai mà chúng trơn lông đỏ da như thế. Ngứa mồm, bọn tao hỏi thăm luôn mụ giám đốc. Con nhỏ cũng bảo bà đi họp rồi. Mẹ! Bộ cứ giám đốc là hổng biết làm một cái gì khác ngoài họp à? Bộ tưởng rằng cứ họp là sẽ thay đổi được số phận dân tộc à? Còn khuya! Nhưng giám đốc cũng kệ cha hắn, bọn tao chỉ muốn ngó qua cái mặt của nó chút xíu coi yêu quỷ cỡ nào mà làm cho mày khốn khổ khốn nạn dữ vậy.
Đang nói ào ào, hắn đột nhiên chững lại, hai vai nhún lên rồi hạ xuống như lão gà Tây già – Chết mẹ! Còn cái này nữa. Bất lịch sự với bạn bè quá! Đi! Đi ra xe, xem mày có nhận ra ai đây không?
Ai? Chả lẽ lại một thằng đơn vị còn sống đi tìm tôi nữa. Thằng nào?… Nhưng rút cuộc chẳng phải thằng nào cả mà trước mặt tôi, ngồi trong xe là một người đàn ông ngoại quốc già, quần bò, áo sơ mi nâu bình dị, cả tóc và râu đều bạc trắng.
– Một người Mỹ à? – Tôi hỏi.
– Sao mày lại biết là Mỹ?
– Đánh nhau với chúng nó mãi, chỉ cần ngửi hơi cũng biết.
– Thằng này khá! Nhưng mà mày biết thằng đó không?
– Buồn cười! Làm sao tao có thể biết được.
– Thôi được rồi, vào xe để tránh thiên hạ dòm ngó đã, tao sẽ nói.
Chiếc xe do Tuấn lái đi được một đoạn ra hướng bờ sông, ba Thành gần như ngồi xổm lên đệm xe, tay vỗ vỗ vào vai người Mỹ bồm bộp:
– Thằng cha này tên là Giôn, đúng không? (Người Mỹ cười hiền lành, gật đầu) Thằng Hùng! Mày có nhớ trong chiến dịch Mậu Thân đợt ba, nửa đêm mày còn dẫn xác lên tao hỏi thăm thằng Tám Tính chết thật hay chưa?
– Nhớ!
– Thằng Tám lúc ấy cáng đi rồi, nhưng thay vào chỗ nó là một thằng Mỹ vừa ôm dái vừa la khóc câu gì, nhớ không? Câu gì ấy nhỉ? ờ, ờ… Câu gì mà tao hỏi mày có biết tiếng Anh không, dịch cho nghe thử một cái vì nó la lối suốt đêm nhức đầu quá, mày nói có biết sơ sơ, đại thể là ối giời ơi! Tôi mất dái rồi! Tôi mất con c… rồi!…
– Ai-vơ-lôtx-mai-cớke! Nhớ rồi! – Tôi bật cười – Mai-cớớc-kờ! Đúng không? Chính là người này đấy à?
– Hắn đấy! Cơơc-kơ! Ha! Ha! – Thành vỗ hai tay vào nhau cười ha hả như đứa trẻ nít vừa tìm ra được cái gì lý thú lắm – Mất dái rồi! Cơơc-kơ…
– Êm!… Lôtx-mai-cơơc-kơ! – Người Mỹ già cũng ngả người ra thành xe cười to, cười rất lâu, cười ra cả nước mắt rồi trọ trẹ bắt trước tiếng Thành – ối giời ơi!… Tôi mất dai rồi… Mất rôi!
Tuấn cũng cười. Cả xe cười nghiêng ngả, tôi cũng gượng cười theo. Một chút nữa thì Tuấn cho xe húc vào vỉa hề nếu không kịp đánh tay lái lại. Một người đi đường chửi vóng lên: “Đ. mẹ bọn tham nhũng rửng mỡ!” Lại cười. Người Mỹ cười to nhất và lôi chai Uytski nhỏ xíu ở trong túi ra, chìa cho mỗi người một hớp. Ba Thành bá vai Giôn, nói:
– Thằng cha này có con giống ngon lắm! Vậy mà lại ăn đạn vào cuống. Không biết thằng nào bên mình bắn độc thế? Có khi chính thằng Hùng cũng nên. Tao nhớ khi băng cái củ ấy cho nó cực nhọc vô cùng. Khi băng, nó cương lên, vòng quấn rất chặt. Đâu đó rồi, nó lại xẹp xuống, băng tuột trọi trơn. Đ. mẹ! Băng đi băng lại hoài không băng nổi mà thằng chả lại cứ ôm cứng lấy rên rỉ: “Cơơ-kơ… Mai-lôtx-cơơc-kờ!”
Lại cười rộ lên một chập rồi, có vẻ lõm bõm hiểu và nói được tiếng Việt, Giôn chỉ sang tôi nói trọ trẹ:
– Ông nay là ai?… Tôi thấy ông buồn?
– Là ai hả? – Ba Thành trả lời – Người hùng của Vi-ci đó Giôn ạ!
Người anh hùng hiểu chưa? Tay này đánh sập bộ chỉ huy chiến đoàn 52 của các cậu đó. Năm hai, hiểu chưa? – Thấy vầng trán của người Mỹ nhăn lại khó nhọc, Ba Thành huých vào hông tôi – Hùng! Mày dịch cho hắn nghe đi. Cho hắn ngán.
– Chiên đoan năm mươi há? Tôi hiếu – Thấy tôi vẫn ngồi im lặng phóng tầm mắt đi đâu, người Mỹ lên tiếng – Người hùng? Ô kê, tốt lăm! Tôi hiếu… Xin hói ông Hung, ông đang… đang đau ốm à?
Tôi mỉm cười lắc đầu, nói một câu tiếng Anh tỏ ý xin lỗi. Và chính Thành lại lanh chanh diễn giải, làm như hắn mới là người thông thạo tiếng ngoại quốc ở đây:
– Tức là hắn bảo mày là anh hùng anh liếc gì mà trông thảm hại thế? Tức là hắn muốn nói… Chúng mình cũng chịu chung hội chứng chiến tranh tâm thần bấn loạn như chúng, đúng không? Hùng! Mày dịch lại cho cậu ta nghe: thằng lính Việt Nam sau hậu chiến khổ thật, khổ như chó nhưng chả có tâm thần tâm thiếc, sám hối sám hiếc gì cả. Nếu phải oánh nhau lại một lần nữa, vẫn oánh hết ga. Dịch đi! Không họ lại thương hại mình. Ráo trọi những thằng tỏ ra sám hối, tỏ ra bệnh hoạn đều là lính rổm hết, đều là nô lệ cho cái mốt đương đại hết, chúng nó chưa bao giờ là một thằng lính thực thụ cả.
– Kìa! Anh Ba! – Tuấn nhắc và khẽ đưa mắt nhìn về phía Giôn.
– Ba, tư gì! – Ba Thành gắt và tiếp tục bốc máu như vẫn thường bốc máu trong trường hợp đụng chạm đến cái bản chất của cuộc đời, của con người tương tự – Thằng cha Giôn này dù sao nó cũng là một người lính thực thụ vì nó từng bị thương, hết chiến tranh rồi, bây giờ hắn là bạn. Không một ai dễ chấp nhận kẻ thù hơn là những thằng lính đã có thời nện chí chạp vào mặt nhau. Thoáng lắm! Nhưng cũng không thể như mấy cha ở thành phố hay ngoài Hà Nội kia! Việc gì phải xun xoe, phải xoắn vào, phải tâng bốc rằng cuộc chiến tranh nào cũng ghê tởm, rằng suốt cuộc chiến tranh tôi toàn bắn chỉ thiên lên trời, rằng chúng ta, cả xâm lược lẫn tự vệ đều là trò chơi của chính trị, đều là con vật của lịch sử… Nghe ngứa cái tai lắm! Chúng muốn gì, những gã trí thức nửa mùa, những thằng cựu chiến binh bàn giấy ấy? Muốn được một chuyến đi Mỹ à? Muốn tỏ ra mình là có tầm nhìn nhân đạo toàn nhân loại à? Hay là đứng trước những kẻ giàu có bỗng thấy ngốt người, thấy hèn cái đầu đi. Quan niệm của tao ấy à? Ngày xưa oánh nhau vỡ mặt, bây giờ không oánh nữa thì là bạn, bạn sòng phẳng, đến nhà sẽ được tiếp đón cẩn thận, nhưng dù muốn hay không, mi cũng phải nhớ rằng ngày xưa mi là thằng bại trận. Có thế mới ngồi với nhau được. Có phải không Giôn?
Ba Thành quay qua Giôn cười hề hề. Giôn cũng gật đầu cười hề hề:
– Phai rồi… Ngày xưa đanh nhau… Bây giờ là ban… Là bạn đàng hoang! Thanh kiu!
– Cho nên – Thành nói tiếp – Tao chán, chán cái tư cách người đời hôm nay, tao bỏ về nửa chừng. Hả? Bỏ về cái gì ấy à? Đ.mẹ, quên. Chả là có cả đoàn cựu chiến binh Mỹ sang Việt Nam, mấy cha ở thành phố có biết tao đã từng chữa chạy cho những thương binh Mỹ thời chiến tranh nên mang xe xuống rước tao lên. Và gặp lại lão Giôn này ở đó. Vừa gặp tao, lão đã nói, tất nhiên là qua phiên dịch: “Cám ơn ông! Tôi vẫn thường hỏi thăm về ông. Không có ông đốc-tơ kỳ tài ngày đó thì tôi đâu còn có ngày hôm nay quay lại Việt Nam để tìm về kỷ niệm, để đi tìm sự yên ổn lương tâm, biết ơn ông nhiều nhiều”. Có phải vậy không Giôn? (Người Mỹ tru miệng, tròn mắt lắng nghe khó nhọc từng từ nhưng rồi cũng hiểu chút ít, gật gật đầu). Tao mới nói: “Khỏi cám ơn! Tôi đâu có ý cứu ngài. Đang đánh nhau hy sinh thấy mẹ, cứu ngài làm gì. Nhưng tôi cứu… con giống của ngài. Cái cơơc-kơ đó. Con giống của ngài quả tình đẹp quá, giống ra giống nhé! Tiếc thì cứu, thế thôi!”. Thế là hắn cười ầm lên, ôm lấy tao: “Tôi là một ký giả, tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng tôi chưa thấy ai nói một câu hay như thế cả. Rất văn hoá, rất đàng hoàng, chỉ có những người lính chân chính mới có được những suy ghĩ ấy. Tôi đã có hai con, một trai, một gái, con trai tôi đặt tên là Thành để ghi nhớ công lao của ông. Cả nhà tôi đều hay nhắc đến ông. Rất mong được một lần mời ông qua đó chơi ít ngày”. Nghe cũng khoái cái lỗ tai, nhưng tao nói: “Tôi già rồi, yếu rồi, vợ con ngài có qua đây thăm tôi thì qua chứ tôi chả muốn đi đâu hết. Qua đây, chính tay tôi sẽ nấu những món ngon nhất ở Việt Nam cho mà ăn. Có phải không Giôn? (Người Mỹ lại tròn mắt gật đầu) Biết tao với thằng Tuấn tính đi miền Tây tìm mày. Giôn cũng đòi đi, nói rằng có thằng bạn đã chết ở vùng này, muốn đến thăm cảnh vật rồi về kể lại cho cha mẹ hắn nghe! Đ. mẹ! Ba cái thằng cha Mỹ này cũng tình cảm ghê. Trong khi bọn mình ở ngay tại chỗ mà bây giờ vẫn có những gia đình chưa tìm được mồ mả tung tích của con em.
– Nói nhiều quá! – Tuấn trêu – Bây giờ đi đâu anh Ba?
– Đi ăn sáng. Kiếm một món ăn Việt Nam nhất đãi Giôn, cho thằng Hùng ăn luôn, dòm nó như cái thằng chết đói mười năm vừa sống dậy, sau đó đưa Giôn trả lại cho hội cựu chiến binh tỉnh rồi… tất cả hành quân lại sở nông lâm.
– Cái gì? Tôi hỏi – Sao lại về đó?
Tuấn vừa lái xe chầm chậm vừa lầm rầm nói gì đó bằng tiếng Anh với Giôn, và chắc là đang nói về tôi vì cứ thấy đôi mắt nâu của Giôn nhìn tôi đăm đăm, đầu gật gật liên tục, thấy tôi hỏi bèn trả lời:
– Em nghĩ rằng, tại đó biết đâu sẽ phát hiện ra được một điều gì đó người đàn bà kia? Nếu đúng là chị Ba thì có hoá thành quỷ cũng không qua nổi mắt em. Còn nếu trật, mời anh Hai yên tâm trở về, nhậu.
– Không cần nữa đâu – Tôi nói âm thầm – Mình đã gặp rồi, gặp kỹ rồi. Cô ấy đã chết. Hoàn toàn chết hẳn.
Vậy thì ô-kê! – Ba Thành vỗ đùi cái đét – Ăn sáng xong, ta bỏ mẹ nó vùng sông nước nhạt hoét này, trở về rừng luôn. Nhân bảo như thần bảo mà: việc gì qua cho qua, đừng đào mồ quá khứ lên nữa. Mà dù cô ta có sống lại thiệt thì cũng coi như đã chết. Quên đi! Phải biết quên! Quên! Đó là biểu hiện nhảy vọt về nhận thức, về tâm sinh lý của đám lính chiến ủ ê hay ngoái đầu gặm nhấm dĩ vãng chúng ta. Tớ nói thế có phải không Giôn?
Chả biết có hiểu không nhưng bị hỏi bất ngờ, Giôn cũng vội gật gật đầu, mái tóc màu bạch kim xoã từng lọn xuống vầng trán trắng ngà, trông đẹp như một học giả thời cổ đại Hy Lạp. Tuấn mỉm cười:
– Anh Hùng ạ! Em vừa nói với Giôn là anh đang đi tìm một người tình đã chết cách đây hai mươi năm. Giôn bảo anh lãng mạn quá, phải chăng chính vì thế mà sau chiến tranh người lính Việt Nam ít kẻ phát điên? Giôn có vẻ thích anh lắm, muốn viết một bài về anh…
Tôi cười chua chát, nắm lấy bàn tay hồng hào của Giôn bóp mạnh. Điên ư? Đây là một chứng khoa học khó có thể kết luận ngay được. Điên! Sau cuộc đâm chém tàn canh, lại tiếp một thời kỳ tàn tệ, người lính nào không điên, chỉ có biểu hiện cái điên đó ra theo cách thức nào, khả năng tự kiểm toả ra sao.
Buông tay người cựu chiến binh Mỹ ra, tôi hỏi một câu bấy lâu vẫn ám ảnh trong đầu:
– Ba Thành ơi! Cái gã đại uý gì đó, đã… đi cải tạo về chưa?
– Về rồi! Về lâu rồi nhưng thực ra tao không muốn đi tìm.
Ba Thành trả lời và ánh mắt hắn đột nhiên sẫm buồn.
Sau một đêm ngủ cũng tạm gọi là yên giấc, không mộng mị, không chập chờn trong toà nhà của Tuấn, mới hửng sáng, Ba Thành đã đập cửa ầm ầm:
– Dậy! Dậy đi! Tiếp tục hành quân.
Hắn đứng chạng chân ngay trước cửa phòng tôi, mình trần trùi trụi, trắng núng, quần đùi dài đến khoeo chân, dây rút lòng thòng, để lộ cái thân thể đã xệ ra ở khắp mọi chỗ. Kỳ lạ! Với cái thân thể này mà hắn vẫn thức khuya dạy sớm, vẫn đi lại nhanh nhảu như hồi ở rừng được? Chắc thằng cha lại nổi cơn hứng nhậu nhẹt gì đây? Vẫn nằm ườn trên giường, tôi thờ ơ hỏi:
– Hành quân đi đâu? Hai thằng cứ đi tự hiên. Tao hơi nhức đầu.
– Hai thằng nào? – Đến sát giường tôi, hắn đưa tay kéo tuột tấm chăn đang đắp trên người tôi vất xuống cuối giường rồi tay chống nạnh, hai đầu gối củ lạc chạng ra – Sao lại hai thằng? Đi việc của mày mà hai thằng nào?
Tôi ngồi dạy, ngáp một tiếng rõ to:
– Việc của tao? Việc gì?
– Đi gặp thằng cha đại uý. Tao hỏi ra được chỗ ở của hắn rồi. Long Khánh.
– Đại uý à?… Gặp làm gì. Muộn rồi.
– Thôi đi cha nội! Đừng giả bộ nữa. Trong cái sọ nhàu nát kia nghĩ gì tưởng không biết sao? Cha nội vẫn canh cánh về ả đàn bà đó, đúng không? Tức là vẫn chưa thật thoả mãn cái chuyện dớ dẩn ả còn sống hay đã chết – Thấy tôi im lặng, hắn cười khồ khồ – Mẹ họ! Thằng Ba Thành này ít nhất đã đụng dao kéo vào thân thể mày trên ba lần, chả lẽ con mắt mày nghĩ gì tao lại không biết sao? Hớ! Nó chết rồi! Chết thật rồi! Cái miệng mày nói vậy nhưng con mắt mày lại méo sang hướng khác. Chết rồi thì thôi nhưng hà cớ gì mà cái bản mặt mày lại ủ ê như vừa đánh mất trứng dái thế? Chú mày đã quên rằng tao từng là bác sĩ tối cao của ráo trọi các loại nội ngoại khoa và cả tâm thần phân lập rồi à? Đi! Quyết rồi.
Vừa lúc Tuấn bước vào, xúng xính trong bộ pyjamas màu ghi nhẹ cùng với mùi nước hoa thơm ngàn ngạt:
– Mời hai đại ca ta đi ăn sáng rồi lên đường.
– Ủa! Mày cũng tính đi? – Ba Thành hỏi.
– Chớ sao không.
– Bậy mày ơi! Ở nhà. Làm ăn. Phát đạt. Một ngày bây giờ đối với mày là tiền, là vàng, đi lòng ròng theo tụi tao, những thằng phế loại, có mà hư người. Cứ cho mượn một cái xe máy phân khối lớn là xong, vài bữa trả lại.
– Anh mới tầm bậy thì có, anh Ba! Anh nhìn nhận thằng em sao xoàng quá vậy? Có kiếm tiền vàng cũng là để cho thiên hạ khỏi khinh khỏi chê những thằng lính trong rừng ra chỉ biết đâm chém, ăn no vác nặng chứ tiền vàng thay thế thế quái nào được cú hội ngộ này. Ba ngày, bảy ngày, nửa tháng, cả tháng, cả năm -Tuấn cười hóm – Công tư kết hợp một chút. Đến nơi hai anh cứ vào trước, thằng em tranh thủ bay ra Vũng Tàu xem cái 500 khối gỗ xuất cho thằng Xanhgapo đã bốc xong lên tàu chưa. Hì!
– Kệ mày với cái đống gỗ của mày. Mày đi một ngày, một tháng, một năm cũng được – Ba Thành nói vẻ nôn nóng – Miễn là đưa được tao với Hai Hùng đến chỗ đó… Nhìn gì tao chằng chằng vậy mày, Hùng? Bộ tao lạ lắm hả?
Tôi giả vờ đánh đầu bẻ cổ để che đi một cái cười khó giấu. Với tính khí mang hổ lửa của thằng cha cựu bác sĩ này, nếu tôi lì lợm nhìn hắn thêm một chút nữa là dễ ăn chửi té tát vào mặt lắm. Dễ thường chuyến đi này chỉ là vì tôi như hắn nói chứ không phải vì cả mối tình tuyệt vọng của hắn với Hai Hợi nữa chăng? Cái thằng! Tính khí kỳ cục! Xấu tốt, nổi chìm cứ lộ tuốt luốt ra ngoài.
Chao ôi! Đã lâu lắm rồi tôi mới lại có một chuyến đi dễ chịu như thế. Đường êm, xe tốt, gió mát, bạn bè chân tình ruột thịt, thiên hạ đủ màu sắc xuôi ngược hai bên thành xe cũng hiền lành, thuần phác biết bao!
– Năm ấy, sau khi anh đi rồi, tụi em ở lại còn mấy người, buồn thối ruột – Tuấn vừa vặn lái vừa để cho dòng tâm sự bây giờ mới có dịp chảy ra – Tình hình lại xấu đi, rất xấu. Lác đác lại có người chiêu hồi, đầu hàng như dạo cuối trào Mậu Thân. Nản dữ lắm. Anh em đã tính rủ nhau cắt rừng trở về đội hình chủ lực để nếu có chết cũng chết trong không khí người nhà, chết đàng hoàng, chết trong danh dự người lính chứ không phải chết lủi thủi ở dưới cái vùng sông ấy. Nhưng chạnh nghĩ đến anh, đến con người, công tích và những thiệt thòi của anh, nghĩ đến những đứa đã ngã xuống, những thằng thương tật, rồi nghĩ đến ngay cả những đồng đội người ở đây cũng đang từng phút hy sinh, khổ đau chẳng kém gì mình mà bảo nhau cắn chặt răng trụ lại. Nói cho đúng, đơn vị ta khi ấy vẫn là đơn vị của anh mà không có anh. Rồi mọi việc cũng kết thúc. Còn năm thằng. Ba thằng chống nạng ra Bắc. Một thằng ở lại lấy vợ vốn là cơ sở cũ. Được vài tháng thì vào tù vì ra chợ nhậu xỉn, bắn chết người. Có gì đâu. Cũng chỉ là chuyện khích bác Bắc Nam thông thường. Thằng này nói: “Về má chúng mày đi! Ở trong này hoài, đem theo cái nghèo, cái lạnh vào theo”.
Thằng kia nổi sùng: “Đ. mẹ! Vậy thì hồi chiến tranh, mày rúc vào l… con đĩ ngựa nào để bây giờ ngu si hưởng thái bình lại còn nhảy ra nói láo?”. Thằng kia chồm lên. Thế là bắn.
– Nếu phải tao, tao cũng bắn như vậy – Ba Thành nói âm thầm.
– Còn em – Tuấn nói tiếp – Được tin cậy hơn, họ cho chuyển ra làm huyện đội phó, huyện đội trưởng rồi chủ tịch và sau đó là bí thư huyện. Công việc đang đà tiến triển tốt với vị trí ở một huyện vững mạnh về mọi mặt của toàn tỉnh. Trong chiến tranh hay trong hoà bình, những thằng lính may mắn còn sót lại như em thực sự coi mảnh đất này như quê hương ruột thịt của mình. Ấy vậy mà – Tuấn nhếch mép cười, đột nhiên nhấn ga cho xe tăng tốc vọt nhanh lên một đoạn – Kỳ đại hội lần thứ hai, em bị đánh bật ra khỏi cấp uỷ rất vô cớ. Tội vạ gì ư? Chả có gì hết. Nếu có thì chỉ là cái tội cả tin, không chịu vào một ê-kíp nào, công tâm, yêu quý tất cả mọi người, làm việc không kể ngày đêm, không chịu được sự khuất tất của kẻ này hay kẻ khác và liêm khiết đến từng điếu thuốc lá của công quỹ… Khốn nạn! Hồi chiến tranh, người ta cần mình đứng ra lấy ngực hứng tên, hứng đạn. Yên hàn rồi, họ lại sợ mình tiếm quyền, sợ mình làm một cuộc xâm lược văn hoá và trí tuệ trở lại. Khổ!
Nhìn nhanh vào gương chiếu hậu, tôi bấm vào lưng Tuấn. Chẳng dè Ba Thành nhìn thấy, hắn văng luôn:
– Bấm mẹ gì. Để cho nó nói. Bộ chúng mày nghĩ tao là thằng Nam, thằng Nam rặt thì tao cũng cùng một giuộc như chúng nó hả? Mẹ! Thử xét nghiệm máu, thử lục lại gia phả coi, tao đảm bảo rằng ráo trọi những thằng thích phân biệt nhất đều chảy dòng máu Bắc kỳ thứ thiệt trong người, đều là dân Bắc kỳ từ đời ông đời cha, đời ông cố nội, ông tằng tổ đói kém quá mà di dân vào đây chứ vinh vang con mẹ gì.
Ngoài kia nghèo, đói, rét ư? đúng! Cả trí tuệ bảo thủ ư? Đúng! Nhưng phải hiểu tại sao lại như thế kia chứ. Vắt kiệt sức mình cho hai cuộc chiến tranh thì bố thằng nào mà chẳng đói, chẳng rét. Tất nhiên các cha cũng phải bớt bớt cái ì ạch, trì trệ đi và mấy cha Bắc mới vào trong này sau 75 cũng phải gạt bớt cái tham lam đi. Tham quá, đãi bôi quá, cái miệng và cái bụng không ăn khớp, tệ hại hơn là lại còn xỏ nhau, lục đục với nhau làm xấu cả những thằng Bắc thứ thiệt khác. Tao nói vậy có trúng không, Tuấn?
– Trúng. Y giọng Ban tuyên giáo Trung ương – Tuấn cười.
– Cà trớn mày! Không cẩn thận thì thành một hố sâu ngăn cách không sửa được đâu. Chất địa phương cát cứ trong này là biểu hiện của tư tưởng nông dân văn hoá thấp nhưng chất đãi bôi, tham vặt, ưa dòm ngó nhau ngoài kia cũng là tư tưởng manh mún, văn hoá thấp nốt. Hai thằng nông dân trong một nước nông dân nhất định đụng chạm nhau. Tao là một thằng nông dân, tao cứ nói đại thế, trúng thì nghe, không trúng thì bỏ. Tao nhớ hồi tập kết ra ngoải, dân ngoải thì xin mời, mấy cha Bắc nhường hết. Lại muốn làm ông to bà lớn nữa ư? Cứ tự nhiên, chả ai tranh giành, tốt bụng vậy chớ. vậy mà bây giờ thái bình rồi lại đáp nghĩa bằng sự hẹp bụng, coi kỳ lắm, hổng biết điều. Nhưng cũng đừng chấp. Ngoài đó dù muốn hay không vẫn là cái nôi văn hoá, cái văn minh Mẹ. Mai mốt cuộc sống khá lên, tự nhiên mọi sự kỳ thị tầm bậy tầm bạ rồi cũng biến mất thôi. Ráo trọi đều khởi nguyên từ cái sự nghèo. Nghèo là hèn. Có anh hùng, có triết nhân vẫn hèn. Tao nói vậy nghe được không?
– Được! – Tuấn nói – Lần này thì hệt một nhà sử học kiêm dân tộc học… Bắc kỳ. Có khi phải lo kiếm cho anh Ba một cô vợ Hà Nội cho nó đã.
– Hà Nội hả? Hà Nội thì số dách rồi. Ở ngoài đó mọi thứ còn xập xệ dữ lắm nhưng con gái lại quá đẹp. Trắng nõn, răng đều chằn chặn không như cái cười toàn răng giả ở trong này. Phải không Tuấn?
Tuấn không hưởng ứng câu nói của Ba Thành, cái nhìn ra ngoài nắng trở nên đăm chiêu:
– Lắm lúc nghĩ cũng buồn. Có được đất đai dài rộng ngày hôm nay cho dù có điểm này điểm nọ chưa tương đồng nhưng người ít suy nghĩ nhất cũng phải thấy rằng đó là kết quả bằng máu của cả hai miền cùng đổ xuống ròng rã mấy chục năm chứ. Ngẫm lại câu nói của anh Hai hồi ở rừng mà thấy thấm! “… Hàng triệu thanh niên ưu tú của cả nước ngầm xuống để tới đây có một bờ cõi nối liền nhưng coi chừng lòng người lại chia hai…” Nhỡn tiền bây giờ đang phân hoá thành hai thật. Hai nền văn hoá, hai kinh đô, hai vùng dân cư và rất có thể sẽ là hai hệ tư tưởng. Cái manh nha trong chiến tranh lúc này đã trở thành một nguy cơ thật sự. Nếu không có điều này thì cuộc đời của anh Hai đâu ra nông nỗi này và cuộc sống của bao nhiêu người khác sẽ dễ chịu biết bao.
– Tuấn! – Tôi nhắc khẽ – Bỏ qua đi!
– Bỏ qua lúc này là tự sát. Không hiểu các cụ ở trên có thấy không?
Bài học tan rã vì xung đột lãnh thổ ở Đông Âu chưa đủ là một bài học đau đớn sao? Buồn thật! Kỳ thị xét đến cũng là sự sợ hãi và phân biệt xét đến cùng cũng là vị kỷ. Chiến tranh mất còn thì quyền lợi chịu chung. Mới bập vào làm kinh tế, vào trò chơi đầu tư với tư bản là đã lợi ích tranh giành, ruồng bỏ nhau.
– Đ. mẹ! Không nói chuyện chính trị, đau cái đầu lắm – Ba Thành la lên – Nói chuyện chính trị lúc này là ba cái thằng đã ngã xuống chúng nhất loạt đội mồ lên đòi máu bây giờ. Tao nói bay nghe một kỷ niệm về điếu thuốc nghe chơi. Cái dạo đó phẫu tao thèm thuốc gần chết. Thèm đến nỗi giá ai cho một điếu thuốc rê thì hút xong sẵn sàng lìa đời. Bỗng một cô gái trong ấp lập cập quần mang ra cho được một cục thuốc bằng trái ổi. Sướng quá, tao đem chia đều. Cái gì đã xảy ra nào? Thằng khu Năm nửa đêm trèo lên ngọn cây cao hút, nhả khói vào lá cành. Thằng Nam Bộ khá hơn chút. Sáng sớm chèo ghe ra giữa sông giả đò đi ỉa rồi mới lặng lẽ châm thuốc, nhả khói vào sương sữa cho tan luôn. Cuối cùng chỉ mấy thằng Bắc được hơn cả: ngồi tại võng, nhịp giò hút phì phèo, thằng nào hết rồi, thèm quá, cho ké một hơi. Tao dẫn chứng vậy là nghĩa gì? Vấn đề không phải là một điếu thuốc mà vấn đề là nền văn hoá từng vùng. Văn hoá nào thì nó phản ánh lối sống thế đó.
A-lê! – Hắn chợt kêu lên – Thời buổi cuộc sống bấp bênh, cuộc đời đen bạc này, thằng nào chủ trương phân biệt, thằng nào thích Nam Bắc phân tranh thì cứ phải đem ra mà bắn bỏ như bắn một tên tội phạm lịch sử, một tên đái vào mồ mả ông bà. Còn chúng tao, những thằng lính thiệt thòi, những thằng dân thường khốn khổ, chúng tao đ. có cái kỳ thị của bọn ham tiền của, ham quyền uy ấy. Tao nói vậy nghe có tầm bậy không?
Tôi nắm lấy bàn tay chuối mắn của hắn siết nhè nhẹ. Để có được những suy nghĩ gan ruột thẳng băng như thế, trái tim hắn phải có những nhịp đập lành hiền, trong trẻo thế nào với bạn bè, với đồng đội thân yêu đã cùng sống chết trên mảnh đát này. Giá như, vâng, cũng chỉ là giá như thôi, ở đâu đó trên cao kia người ta cũng có hay cũng giữ được nhịp đập ấy thì mười mấy năm hậu chiến đã làm gì đến nỗi.
– Stop! – Ba Thành bỗng đập vào vai Tuấn cái đét khi xe chớm đến ngã ba Dầu Giây – Dừng lại đã. Thằng Tám cọp hình như ở đâu gần đây? Thái bình, trời yên biển lặng, ghé nó nhậu bậy cai coi. Mười bảy năm rồi.
– Ô-kê!
Tuấn nói – Còn anh Hai cũng ô-kê chứ?
Tôi gật đầu. Qua Tám Tính, tôi cũng muốn biết thêm về Hai Hợi, qua Hai Hợi biết đâu tôi chả lần ra cái đầu mối bí mật của cô ta. Chắc phải có một điều gì đó ghê gớm lắm thì cô ta mới chạy trốn quá khứ, chạy trốn tôi, trốn mọi người dữ dội như thế.
Hoá ra tôi vẫn không thể quên được người đàn bà này, như không thể quên được một bí mật kỳ lạ có liên quan đến chính cuộc đời tôi. Mọi sự vận động thật bẽ bàng. Thế nào mà trong cùng một thời điểm, kẻ ăn mày quá khứ và đứa chạy trốn quá khứ lại cùng song hành ngược chiều nhau. Liệu rồi tới đây có va chạm nhau không? Và nếu va chạm thì sẽ nổ ra một cái gì?
Hoá ra nhà Tám Tính cũng dễ tìm. Đó là một căn nhà lợp ngói rộng chừng bốn chục mét vuông nhưng bù lại là một khu vườn sum sê cây trái có những căn lều lợp lá xinh xắn nằm e ấp đó đây, thoạt nhìn đã thấy cái mùi vị rạo rực phong tình.
Chẳng ngờ con cọp đen một thuở ấy giờ đây lại thay đổi nhiều đến thế. Cậu ta đã hoàn toàn hoá thân thành một ông lão làm vườn hiền lành, cần mẫn: quần bà ba, áo bà ba, khăn rằn trên trán, râu để ba chòm cái đen, cái trắng, đặc biệt là cái cách nói năng, đi đứng đã ra chiều an phận lắm rồi. Duy chỉ có mấy cái bắp thịt ở tay, ở vai lộ ra còn giữ được dấu vết một thời dọc ngang sức vóc.
Tay cầm một cái kéo to tướng từ trong vườn bước ra nhìn thấy chúng tôi, cậu ta chỉ khẽ gật đầu chào, hỏi một câu lãng xẹt làm như vẫn thường gặp nhau, mới xa nhau có tháng trước, năm trước. Hơi hẫng một chút, sau đó lại chính Ba Thành lên tiếng trước:
– Sao? Độ này mấy vợ rồi?
Con cọp cười hiền, mấy chiếc răng nơi cửa miệng gẫy gần trọn:
– Một. Vẫn một từ năm 75 tới giờ.
– Cha trời! Thằng Tám cọp coi ra tu nhân tích đức dữ!
– Vẫn Ba Thành sồn sồn – Thế con cái đi đâu hết?
– Đứa đi học, đứa đi mẫu giáo, đứa theo mẹ đi làm – Tiếng trả lời không hào hứng hơn.
– Tóm lại là bao nhiêu cái tàu há mồm?
– Mười hai.
– Trời đất quỷ thần ơi! Mỗi năm tòi ra một đứa. Giỏi! Định mấy chục thì dừng?
– Trời cho đẻ cứ đẻ, biết nhiêu mà tính?
Sau đó là im lặng. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau… Ba Thành chỉ tôi:
– Còn nhớ thằng này không?
– Nhớ! – Đôi mắt hùm hụp của hắn không sáng hơn lên một chút nào – Hai… Hai Hùng, đội trưởng đặc… đặc nhiệm. Người yêu của… Ba Sương.
Đấy là cái giọng của một thằng dở người, bị giam vào hầm tối lâu ngày, Thành lại chỉ Tuấn:
– Thế còn thằng này?
Đôi mắt mờ mịt của hắn dừng lại hơi lâu hơn một chút:
– Quen quen nhưng không thật nhớ. Hình như ở… ban kinh tài huyện uỷ?
Ba Thành cười rống lên:
– Kinh tài cái con mẹ họ! Đ. mẹ! Tại thằng này béo tốt nên nó mới nói như vậy. Giỏi! Thời chiến hay thời binh, cứ kinh tài là người ta lập tức có ấn tượng chuột sa chĩnh gạo liền. Mở to mắt ra! Thằng Tuấn, dân Hải Phòng, cướp cò B41 hạ gục thằng Bảo, sau đó thay thằng Hùng, nhớ chưa?
– Nhớ.
Hắn nói nhớ mà mắt hắn rõ ra cái điệu không nhớ gì cả. Phun nước miếng một cái phèo xuống đất, hắn bảo mọi người cứ ngồi chơi tự nhiên rồi lẳng lặng dắt xe máy ra cổng, một chiếc suzuki cũng lem nhem cóc cáy như chủ nhân của nó.
– Chắc nó đi đón con hay vợ – Tôi nói – Ta nên đi đi. Xem chừng mình tới không đúng lúc. Để khi khác.
– Khoan đã – Ba Thành cản – Chả lẽ cuộc sống tồi tệ này đã làm cho hắn quên hết nghĩa tình bạn bè rồi à? Được thôi, nhưng cũng phải chờ nó về dậy dỗ nó vài câu. Mẹ! Bọn nhà giàu, bọn tham nhũng, bọn quan chức quên bạn bè còn bỏ qua được, đến thằng lính trần thân trận mạc như nó mà cũng ngơ ngơ là láo! Rất láo! – Nói láo nhưng cái miệng của Ba Thành lại ngoác ra cười – Biết thế cái dạo nó bị thương thập tử nhất sinh, toàn thân chỉ còn là cái giẻ rách, tao bỏ mẹ vào bụng nó một cục bùn cho rồi. Hớ! Thuốc rê! Nhà cửa đâu đã đến nỗi gì mà sau gần hai mươi năm gặp lại, chiến hữu lại bỏ thuốc rê ra mời? Tuấn! Đưa tao gói ba số để lát nữa nó về, tao sẽ mời lại nó. Nhưng mà này, Hai Hùng ạ! – Đột nhiên Thành chuyển giọng như phải gió – Cái Hà Nội của mày ấy mà, cũng phải nhanh chóng thay hình đổi dạng đi. Năm kia tao ra, nhìn mà rầu thúi ruột. Thủ đô gì mà nghèo tàn nghèo mạt, bụi bặm bay khắp trời, đường sá, nhà cửa lúp xúp không bằng cái phố huyện ở đây. Nếu tao là các cụ cốp ở ngoài đó ấy à? Hàng ngày phải nhìn thấy cái Thủ đô ngổn ngang bừa bãi như cái chợ trời ấy thì mắc cỡ lắm, nhục lắm, ăn ngủ không ngon được kia. Đằng này chỉ thích ngồi trên các bàn chủ tịch nói những điều cao siêu chẳng dính dáng gì đến quốc kế nhân sinh cả. Ấy, các chú ơi! Nhiều khi chính cái bộ mặt của quốc gia, cái trung tâm văn hoá, chính trị (chứ không phải kinh tế) của cả nước ấy sẽ quyết định đến sự tồn tại của thời kỳ thị Bắc Nam đấy.
– Hút thuốc anh Ba! – Tuấn chìa ra trước mặt Ba Thành gói Malboro chưa bóc – Nói hay quá! Không dè ông anh tôi nhìn nhận mọi việc cứ sáng trưng, đáng ra phải ngồi ghế cầm cân nảy mực.
– Bậy mày! – Thành thoắt tỏ ra bối rối – Tao mà ghế ghiếc gì. Và tao cũng thèm vào ghế. Ghế ngồi càng cao, tư cách càng méo, ăn thua mẹ gì. Có cái ghế bệnh viện trưởng quèn mà còn bị cúp cua thì hỏi còn nước mẹ gì mà ham. Thời nào cũng vậy, chả ai dại gì đi sử dụng cái đứa mạnh mồm. Vậy tao về. Sống với nhân dân, buồn vui sướng khổ cùng với nhân dân như hồi chiến tranh là đã nhất, cái miệng cũng mạnh và cái óc cũng mạnh. Khoẻ! Ủa! Nhưng sao đang không lại nói chuyện chính trị vậy hè? Nè, không có nói chuyện chính trị nữa mấy cha… Đó, thằng Tám cọp nó về rồi kìa! Coi nó có vồ được con nhép con nào về theo không.
Tám Tính lụi hụi dắt xe vào cổng, đằng sau buộc một bó rau lang cao chất ngất.
-Ủa! – Ba Thành kêu lên – Bữa nay mày tính đãi bọn tao món rau lang luộc chấm muối này đó hả? Ngon vậy mày?
– Nuôi heo – Tám Tính trả lời trống lổng – Nhà nuôi chục con heo, mỗi ngày phải mất hai bó như thế này. Đỡ giùm tao cái túi này chút, Ba Thành!
– Hả? Cái gì nữa đây? Cám hả?
Tám Tính cười hiền, rút khăn lau cái cổ nhếnh nháng mồ hôi:
– Bà xã đi vắng. Nhậu bậy ba cái đồ nguội mua sẵn ở chợ đỡ đi.
Nói rồi, trước con mắt ngạc nhiên và thích thú của ba đứa chúng tôi, bằng bàn tay đầy sẹo nhăn nhúm, hắn lôi từ cái túi xách to tướng ra một con gà luộc sẵn vàng ươm cỡ ba cân, một cân giò nạc, bịch bún, mớ rau thơm, một tảng thịt heo quay cỡ hai ký đỏ au… Hắn lôi tiếp ra hai chú cá lóc đã bỏ lò, mỗi con ước chừng cũng phải tới cả ký, bịch củ kiệu, nước chấm có củ đậu thái nhỏ, tệp bánh tráng, nửa ký chả quế, một cây thuốc Caravena… Và cuối cùng hắn quài tay lại phía sau tháo ra một cái hộp được quấn bao tải kín mít. Chao ôi, cả một két bia Heneken xanh biếc nằm xếp lớp như một trung đội lính kèn sắp hành quân ra lễ đài.
Đứng trước đống đồ ăn ngồn ngộn như cả một cửa hàng thực phẩm được chuyển về đây, Ba Thành trớ mắt, méo miệng nhìn hai đứa tôi ra ý bảo: “Thấy chưa? Thằng lính bao giờ cũng vẫn là thằng lính. Chỉ có cái tình cảm nó nổi ra ngoài hay lặn vào trong”.
Trong bữa nhậu, Tám Tính trở nên linh hoạt hơn. Như thể suốt mười sáu năm qua anh ta phải tạm đánh mất mình trước gánh nặng của cuộc đời sinh nhai, nay bỗng chốc gặp lại bạn bè một thuở, hắn thoắt sống lại những ngày đau thương lãng mạn xưa kia, một cánh rừng, một cây súng, một bầu trời, một mạng sống, một đối tượng, một cánh võng thoáng đãng, nhẹ tênh. Sau ly thứ nhất, hắn bắt đầu cười. Sau ly thứ hai, hắn bắt đầu nói. Sau ly thứ ba, hắn trẻ lại mười tuổi và sau ly thứ tư thì hắn đã hiện nguyên hình phần nào cái dáng bộ thằng Tám cọp đánh giặc khét tiếng ngày xưa. Kiểu này tôi e rằng, chỉ cần qua ly thứ năm là hắn có thể lồng ra phố vồ con gái nhà người ta lắm.
– Tóm lại là thế nào? – Ba Thành đã uống khá nhiều, càng uống càng tỉnh, miệng lưỡi càng nhọn hoắt – Ai cũng nghĩ mày chết rồi. Vậy tại sao còn sống?
– Chết thiệt rồi còn gì nữa – Tám Tính ngừng uống, chống hai tay lên cằm, mặt mũi bỗng trở nên trầm ngâm, Mười bảy vết thương vào người, trong đó có tám vào chỗ hiểm, phẫu đi phẫu lại tới hàng chục lần thì còn gì nữa mà chẳng chết. Nói điều này tụi bay có thể không tin, khi chuyển lên quân y viện Rờ, tao chỉ còn nằm chờ chết. Bỗng một buổi sáng sau hàng chục buổi sáng hôn mê, tao lơ mơ tỉnh dậy, cảm thấy có ai đang cúi xuống bên sạp, sạp chứ không phải giường đâu nghe! Gượng mở mắt ra nhìn thì đó là khuôn mặt của cô y sĩ từ ngoài Bắc mới hành quân vào. Tưởng tao vẫn hôn mê, cổ không cần giữ gìn ý tứ gì cả, vừa cặp nhiệt, vừa kiểm tra lại băng, vừa vô ý chịn cả cái bộ ngực chắc nịch, thơm ngậy vào giữa mặt tao…
– Sắp chết mà vẫn còn ngửi được cái mùi thơm ngậy?
– Ba Thành cười hóm chêm vào.
– Sao không thơm mày – Tám Tính cãi một cách ngây thơ – Sắp chết cái đầu chớ cái mũi nó có sắp chết đâu. Nói tiếp: Tao khi đó đúng là mười phần đã chết chín nhưng riêng… cái kia lại gần như sống nguyên. Sống bù cho những phần đã chết nên mạnh mẽ dữ lắm! Thu tàn lực, tao mới nhè nhẹ hít lấy cái mùi thơm quen thuộc đó, hít một lần cuối để chết mà. Tao lại còn cố mở hé đôi mắt sưng mọng nhìn vào cái ngấn trắng rợn mình đó nữa.
– Có thấy trắng không hay là thấy thâm sì?
– Trắng. Tao cố mở mắt nhìn lần nữa và kỳ lạ! Tao bỗng thấy tỉnh hẳn, toàn thân rần rần chuyển động như có kiến bò vào tận từng lóng xướng, mạch máu. Cô ấy đi rồi, tao mới láng máng nghĩ: “Cuộc đời còn đang đẹp thế, đàn bà con gái còn đang nhiều quá trời, thơm tho thế, chết uổng lắm, ráng mà sống, sống què quặt cũng được”. Thế là, cùng với mỗi buổi sáng được hít thở, sức khoẻ tao hồi phục dần. Tao như đứa trẻ sài đẹn ngày ngày được uống sữa từ bộ ngực ấy mà cô không hề biết. Tất nhiên không thể không kể đến sự hỗ trợ của thể lực và tuổi tác nữa.
Tám tháng sau tao ra viện, gầy xọp đi đến gần hai chục cân, giò cẳng khẳng khiu nhìn muốn chảy nước mắt luôn. Trước lúc đi, tao nói: “Đồng chí y sĩ ơi, nếu không có bộ ngực của đồng chí hà hơi tiếp sức cho tôi thì giờ đây tôi đã ngoẻo củ tỏi rồi. Suốt đời thằng Tám Tính này mang ơn đồng chí. Sau này dù ở đâu, làm gì, tôi cũng xin phép được kêu đồng chí là mẹ đỡ đầu…”. Cô ta đỏ bừng mặt và bỏ chạy vào lán. Một năm sau, sát ngày giải phóng, khi đó người ngợm trông ra cũng được được, nhân một lần đi công tác qua, tao đã ghé vào thăm. Cô ấy nhìn tao lom khom. Khi nhận ra, cô rơm rớm khóc. Tao cũng rơm rớm… Và hai tháng sau, tao chính thức ngỏ lời cầu hôn.
– Nàng nhận lời? – Tuấn hỏi với vẻ bị cuốn hút thực sự.
– Không! Bảo rằng nghe đồn về tao đủ thứ kinh lắm, e rằng không có hạnh phúc.
– Đồn trước kia hay sau khi ra viện? – Tôi cũng buột miệng hỏi.
– Sau khi ra viện.
– Trời đất! – Ba Thành vỗ đùi – Chỉ còn bộ xương khô mà vẫn… vồ!
– Vẫn! – Tám Tính gãi đầu – Cái đó nó ăn vào máu rồi, xương cốt thì ăn nhằm gì vào đây.
– Rồi làm sao nữa?
– Chả làm sao cả. Vì tấm lòng của người mẹ đỡ đầu, tao cắn răng chừa. Bắt đầu thì khổ sở lắm. Như cái đứa lên cơn nghiện thuốc phiện, ngủ không được, ăn không được, bắp thịt oải ra, thần kinh nhão nhoét, chẳng thiết làm thiết ăn gì nữa. Sau quen dần. Vì tình yêu và lòng biết ơn với cô ấy mà quen. Nửa năm sau, thấy trong mình sạch sẽ rồi tao mới ngỏ lời một phát nữa. Nàng nhận lời. Hai tháng sau Sài Gòn giải phóng và thế là từ đó đến nay, cứ đều đều năm một. Dự định đến đứa thứ mười bốn, sao cho trai gái cân bằng thì dừng.
Chao, mười bốn đứa con cân bằng trai gái! Trước ba thằng đàn ông chưa có con hoặc vợ con lỡ cỡ, con số này nghe mới ngợp ngụa làm sao! Thả ra một câu triết lý, Tuấn nói:
– Rút cuộc, bệnh của anh Tám thực chất là căn bệnh của chiến tranh, đáng yêu thôi. Cũng như thói trầm uất là bệnh của tất cả nhưng ai đã một lần cầm súng, chả đáng yêu chút nào. Lòng biết ơn và tình yêu như anh nói chỉ là một phần thôi. Đúng ra, thái bình, không chết chóc mới làm cho bệnh anh tiêu tan. Khi đó, năng lượng khủng khiếp của con đực không rải ra bốn phương mà gom tụ về một hướng thì mười hai hay mười bốn con vậy vẫn là ít.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.