An Trú Trong Hiện Tại

Quán chiếu



Công phu thiền tập gồm có hai phần: chỉ và quán. Chỉ tức là dừng lại. Dừng lại sự tán loạn, dừng lại sự quên lãng. Dừng lại để tập trung tâm ý vào một đối tượng (để mà xét nghiệm đối tượng đó). Như vậy chỉ đưa tới định. Khi tâm ý đã được tập trung vào đối tượng, hành giả quán chiếu đối tượng đó, quán chiếu để thấy được thực tánh của đối tượng đó. Đây là công phu quán. Quán chiếu cho bền bỉ và sâu xa, hành giả thấy được bản chất đích thực của đối tượng quán sát. Cái thấy này là Tuệ. Tuệ là sự hiểu biết, là cái thấy chính xác về sự vật. Nếu chỉ đưa tới định thì quán đưa tới tuệ.

Để thực hiện sự tập trung tâm ý, hành giả thực tập phép đếm hơi thở hay theo dõi hơi thở. (xem chương hai). Có chỉ là bắt đầu có quán, và khi đã có quán tức là đã có chỉ. Trong chương vừa rồi, chúng ta đã nói tới cảm giác (thọ) như một đối tượng quán chiếu. Nhưng đối tượng quán chiếu đó không phải chỉ là cảm giác. Cảm giác chỉ là một trong năm dòng hiện tượng gọi là ngũ uẩn.

Ngoài cảm giác (thọ), ta còn cơ thể (sắc), tri giác (tưởng), tâm tư (hành) và nhận thức (thức) nữa. Tâm Kinh Bát Nhã cho biết đức Bồ Tát Quán Tự Tại nhờ quán chiếu cả năm uẩn cho nên vượt thoát khỏi mọi khổ ách ràng buộc.

Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Satipatthānaasutra) dạy ta quán niệm về thân thể, cảm giác, tâm ý và đối tượng tâm ý. Tâm ý ở đây bao gồm cả tri giác, tâm tư và nhận thức. Như vậy bốn đối tượng quán niệm cũng hàm chứa cả năm uẩn.

Sau đây là sơ lược những đối tượng quán niệm theo Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ Kinh )

A. Quán niệm về thân thể

a. Quán niệm về hơi thở

·  Hơi thở vào có ý thức
·  Hơi thở ra có ý thức
·  Hơi thở dài (vào) có ý thức
·  Hơi thờ dài (ra) có ý thức
·  Hơi thở ngắn (vào) có ý thức
·  Hơi thở ngắn (ra) có ý thức
·  Thở vào, hơi thở, ý thức và thân thể là một
·  Thở ra, hơi thở, ý thức và thân thể là một
·  Thở vào, làm cho toàn thân an tịnh
·  Thở ra làm cho toàn thân an tịnh

b. Quán niệm về bốn tư thế của thân thể

·  Đi biết là đi
·  Đứng biết là đứng
·  Ngồi biết là ngồi
·  Nằm biết là nằm

c. Quán niệm về những động tác của thân thể

(Ý thức khi đi tới đi lui, khi nhìn, khi mặc áo, ăn uống, đại tiện, tiểu tiện, nói chuyện, giặt áo, làm việc v.v…)

d. Quán niệm về những bộ phận của cơ thể

(Tóc, lông, răng, gân, xương, thận, tủy, tim, phổi, gan, ruột, nước miếng, máu, mồ hôi, v.v…)

e. Quán niệm về những yếu tố tạo nên cơ thể

(Nước, hơi nóng, không khí, vật thể, v.v…)

f. Quán niệm về sự tàn hoại của một tử thi trong nghĩa địa

(Thi thể trương phồng lên, xanh đen lại, thối nát ra, v.v…)

B. Quán niệm về cảm giác.

1.  Ý thức về khổ thọ đang có mặt
2.  Ý thức về lạc thọ đang có mặt
3.  Ý thức về xả thọ đang có mặt
4.  Quán chiếu về lạc thọ có nguồn gốc sinh vật
5.  Quán chiếu về lạc thọ có nguồn gốc tâm lý
6.  Quán chiếu về khổ thọ có nguồn gốc sinh vật lý
7.  Quán chiếu về khổ thọ có nguồn gốc tâm lý
8.  Quán chiếu về xả thọ có nguồn gốc sinh vật lý
9.  Quán chiếu về xả thọ có nguồn gốc tâm lý

C. Quán niệm về Tâm ý

a.  Ý thức khi tham
b.  Ý thức khi không tham
c.  Ý thức khi giận
d.  Ý thức khi không giận
e.  Ý thức khi có lầm lạc
f.  Ý thức khi không lầm lạc
g.  Ý thức khi tâm tập trung
h.  Ý thức khi tâm tán loạn
i.  Ý thức khi tâm mở rộng
j.  Ý thức khi tâm khép kín
k.  Ý thức khi tâm có giới hạn
l.  Ý thức khi tâm vô lượng
m.  Ý thức khi tâm có định
n.  Ý thức khi tâm không có định
o.  Ý thức khi tâm có giải thoát
p.  Ý thức khi tâm không có giải thoát

D. Quán niệm về đối tượng Tâm ý

a. Quán niệm về năm loại chướng ngại

1.  Ý thức về sự có mặt của tham đắm
2.  Ý thức về sự vắng mặt của tham đắm
3.  Ý thức về sự có mặt của giận hờn
4.  Ý thức về sự có mặt của hôn trầm
5.  Ý thức về sự vắng mặt của hôn trầm
6.  Ý thức về sự có mặt của kích thích
7.  Ý thức về sự cơ mặt của nghi ngờ
8.  Ý thức về sự vắng mặt của nghi ngờ

b. Quán niệm về năm uẩn

1.  Quá trình sinh diệt của sắc
2.  Quá trình sinh diệt của thọ
3.  Quá trình sinh diệt của tưởng
4.  Quá trình sinh diệt hành
5.  Quá trình sinh diệt của thức

c. Quán niệm về giác quan và đối tượng

1.  Mắt và hình sắc
2.  Tai và tiếng
3.  Mùi và hương
4.  Lưỡi và vị
5.  Thân và xúc
6.  Ý và pháp

d. Quán niệm về bảy yếu tố giác ngộ

1.  Sự có mặt hay vắng mặt của niệm
2.  Sự có mặt hay vắng mặt của trạch pháp
3.  Sự có mặt hay vắng mặt của tinh tiến
4.  Sự có mặt hay vắng mặt của hỷ lạc
5.  Sự có mặt hay vắng mặt của khinh an
6.  Sự có mặt hay vắng mặt của định
7.  Sự có mặt hay vắng mặt của hành xả

e. Quán niệm về bốn sự thật

1.  Sự có mặt của khổ đau
2.  Những nguyên nhân đưa tới khổ đau
3.  Sự vắng mặt của khổ đau
4.  Con đường thực hiện an lạc

Duyệt qua những đối tượng quán niệm đã được liệt kê trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm ta thấy hơi thở đi trước, tiếp theo là những tư thế và động tác của cơ thể. Ta đã đề cập đến cách thở để làm cho thân tâm ân lạc trong các chương I và II. Ta nên áp dụng hơi thở có ý thức trong những tư thế và động tác của cơ thể. Ngồi xuống thì ta biết ta ngồi xuống. Đứng dậy thì ta biết là ta đứng dậy. hơi thở ý thức giữ gìn không cho ta rơi vào thế giới quên lãng (thất niệm) lúc lái xe, giặt áo, lau nhà, rửa bát, pha trà, v.v… ta có thể thực tập quán niệm để có ý thức về mỗi động tác của cơ thể. Sống đời sống hàng ngày có chánh niệm như thế ta mới đủ chăm chú để quán chiếu vạn pháp để thấy rõ thật tướng của vạn pháp. Chánh niệm phải bền bỉ như lửa nấu cơm. Nếu lửa tắt rồi đỏ, đỏ rồi tắt, thì cơm không bao giờ chín.

Tiếp theo hơi thở và động tác của cơ thể, là sự quán chiếu về những bộ phận cơ thể, những yếu tố tạo nên cơ thể và sự tàn hoại của cơ thế. Hình hài của ta, ta phải nhìn cho rõ. Ta thường nghĩ rằng cơ thể ta không xa lạ gì đối với ta, kỳ thực là đa số trong chúng ta chưa thiết lập được liên lạc thân hữu với cơ thể chính chúng ta. Chúng ta biết rất ít về cơ thể của chúng ta, dù chúng ta đã học qua sinh vật học. Có khi nào ta nhìn bàn tay ta và quán chiếu để thấy được rằng những thế hệ đã qua và những thế hệ sắp đến đều có mặt trong bàn tay ấy? Ai là kẻ trao truyền hình hài này và ai là kẻ tiếp thọ? Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp thọ là một hay là ba? Hình hài ta có liên hệ gì tới nắng, tới mưa, tới rừng cây, tới ruộng lúa, tới sỏi đá, tới những động vật thời tiền sử? Hình hài ta bắt đầu có mặt từ điểm nào trong thời gian? Tại sao từ không mà hình hài ta trở thành có? Và tại sao đã có lại trở thành không? Cái chết là cái gì? Cái chết có động được đến ta không? Những câu hỏi đó đều có liên hệ trực tiếp đến hình hài ta.

Tiếp theo cơ thể là cảm giác. Ta đã đề cập tới cảm giác trong chương VI. Quán chiếu về cảm giác, ta có cơ hội quán chiếu về cơ thể và tâm ý.

Tiếp theo cảm giác, là tâm ý. Quán chiếu về tâm ý tức là ý thức được những gì xảy ra trong tâm ý và nhìn sâu vào những hiện tượng tâm ý ấy. Khi tâm ý ta xao xuyến chẳng hạn, ta biết là ta đang xao xuyến, và ta nhìn kỹ tâm ý xao xuyến của ta để thấy được những gốc rễ của nó. Tâm ý và đối tượng tâm ý luôn luôn đi đôi với nhau. Xao xuyến luôn là xao xuyến về một điều gì, giận dữ luôn luôn là giận dữ về một điều gì, tham đắm luôn luôn là tham đắm một cái gì, suy tư luôn luôn là suy tư về một cái gì. Tâm ý gồm cả chủ thể lẫn đối tượng. Tâm ý hữu độc lập với đối tượng. Vì vậy khi quán chiếu tâm ý ta cũng đồng thời quán chiếu về đối tượng của tâm ý.

Đối tượng tâm ý, theo kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, trước hết là năm thứ chướng ngại của thiền quán. Đó là tham đắm, giận hờn, hôn trầm, sự kích thích và sự nghi ngờ. Có một trong năm chướng ngại đó trong khi thiền quán thì hành giả sẽ gặp khó khăn. Vì vậy hành giả phải ý thức về sự có mặt của chúng và quán chiếu về chúng để thấy được tự tính (tức là mọi gốc rễ) của chúng. Thấy được thì có thể vượt được.

Tiếp theo, là năm uẩn và mười hai lĩnh vực. Năm uẩn bạn đã biết rồi. Mười hai lĩnh vực tức là sáu giác quan và sáu loại đối tượng của chúng. Ý cũng là một giác quan như năm giác quan khác, và ý cũng nương tựa vào não bộ và thần kinh hệ.

Năm uẩn và mười hai xứ bao gồm tất cả mọi hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý. Tất cả đều được xem là đối tượng của tâm ý.

Cánh cửa giải thoát tối hậu là sự quán chiếu về tự tính của vạn pháp. Kinh Pháp ấn nói tới ba cánh cửa giải thoát gọi là tam giải thoát môn. Ba cửa ấy là không, vô tướng và vô tác. Đây là những cánh cửa vương đạo để giải thoát khỏi sinh tử, sợ hãi và ưu tư.

Không: không ở đây có nghĩa là không có tự thể riêng biệt. Ví dụ cuốn sách mà bạn đang cầm trong tay, nó không có một tự thể riêng biệt. Nó có mặt nhờ rừng cây, đám mây, mặt trời, bác tiều phu, đồng lúa, cảm hứng của nhà văn, mực in, keo đóng sách v.v… Không có rừng cây thì không có bột giấy. Không có đám mây thì cây rừng thiếu nước không mọc được. Không có ánh sáng mặt trời rừng cây không xanh. Không có đồng lúa, bác tiều phu không có cơm ăn và không thể đốn gỗ về cho nhà sản xuất giấy in. Cuốn sách có mặt là nhờ sự có mặt của những cái không phải là cuốn sách: rừng cây, đám mây, mặt trời, đồng lúa, bác tiều phu v.v….Nó không có tự thể riêng biệt và độc lập. Mọi hiện tượng đều như thế cả: vật nào cũng được cấu thành do những vật khác (do tất cả các vật khác). Đó là ý nghĩa của danh từ y tha khởi. Y là dựa trên. Thalà những cái khác. Khởi là có ra. Tiếng Phạn là Paratantra.

Không không có nghĩa là vắng mặt. Cuốn sách trong tay bạn có mặt chứ sao không. Không ở đây không có nghĩa đối lập với có. Nó chỉ có nghĩa là không có tự thể riêng biệt. Không có tự thể riêng biệt tức là vô ngã. Không phải vì không thể tự thể riêng biệt mà cuốn sách bạn cầm trên tay trở thành vô giá trị. Trái lại. Nhờ không có tự thể riêng biết mà cuốn sách mang trong nó tất cả những mầu nhiệm của sự sống. Bạn hãy nhìn cuốn sách để thấy đám mây bay trên trời xanh và rừng cây trải dài từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Một hành giả nổi tiếng là Long Thọ (Nagārjuna), tác giả bộ Đại trí Độ Luận, sống ở thế kỷ thứ hai tây lịch, đã nói: “nhờ tính cách không có tự thể của chúng mà vạn pháp được thành lập: (Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành). Người Tây Phương nghe nói đến chữ không thường lấy làm e ngại; thực ra không là cánh cửa giúp ta ra khỏi thế giới hư vô và hoại diệt. Không là niềm hy vọng lớn lao. Bồ tát Quán Tự Tại quán chiếu một cách sâu sắc và thấy được tự tính không của năm uẩn cho nên vượt thoát khỏi mọi khổ đau, ách nạn và sợ hãi. Năm uẩn bao hàm tất cả mọi hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý. Một ngón tay, một niềm đau, một tư tưởng, một bông hoa, một hòn đá cuội, một chiếc lá v.v… cái gì cũng có thể là đối tượng quán chiếu của bạn. Bạn thử quán chiếu về tự tính của một chiếc lá mùa thu đi. Về sự có mặt của nó. Về sự vắng mặt của nó, về sự sinh diệt của nó. Về tự tính của nó. Chiếc lá ấy có thể đưa bạn thoát khỏi sinh tử, thoát khỏi mọi khổ đau và ách nạn.

Vô tướng: Hình tướng của vạn pháp mà ta nhận biết không phải là chân thể (thể tướng chân thực) của vạn pháp mà chỉ do tri giác của ta cung cấp. Tâm ý của ta có những khuôn khổ và ta chứa đựng thực tại trong những khuôn khổ đó. Những khuôn khổ đó là thời gian, không gian, trên, dưới, trong ngoài, sinh, diệt, thành hoại, còn mất, to nhỏ, một nhiều, có, không v.v…Các pháp, trong tự thể của chúng, không mang những hình tướng ấy. Ví dụ ta dùng đủ loại bình chứa nước cái thì tròn, cái thì vuông, cái thì bầu dục v.v… Nước không tròn, không vuông và cũng không bầu dục.

Nước còn là mây, là tuyết, là băng, là H2O. Các nhà khoa học vật lý mới cũng đều thấy rằng muốn đi vào lĩnh vực các chất thể cực vi thì phải bỏ tất cả những phạm trù nhận thức về vạn vật trong đời sống thực dụng hằng ngày mới trong có cơ hội hiểu được phần nào tính chất của các vật thể cực vi.

Thế giới mà ta trong đó đang sống chưa hẳn là thế giới của thực tại mà còn mang nặng tính cách của một thế giới của khái niệm. Ví dụ: con ốc, cây anh đào, hạt bụi, nước Tiệp Khắc. Khái niệm của ta về bốn thứ đó rất còn xa với thực tại của bốn thứ đó. Vượt ra khỏi mọi khái niệm ta mới đi thẳng vào được bản thân của thực tại. Thực tại vì không chịu nổi khuôn khổ của khái niệm là một nhận thức đã thoát ly được những khuôn khổ của khái niệm. Vô tướng tức là vượt khỏi thế giới khái niệm.

Khi bạn quán chiếu một chiếc lá mùa thu, bạn bắt đầu bằng khái niệm, khái niệm mùa thu và những khái niệm liên hệ. Nhưng khi đi sâu vào quán niệm và bắt đầu thấy được chiếc lá trong thực tại vô niệm của nó.

Vô tác: nhận thức gồm có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Chiếc lá của bạn không phải là một vật nằm ngoài nhận thức của bạn. Nhận thức của bạn không đi tìm chiếc lá để mà tìm hiểu, bởi vì chiếc lá với nhận thức của bạn là một. Ý tưởng thế giới nằm ngoài nhận thức là một ý tưởng sai lạc. Ý tưởng thế giới nằm trong nhận thức cũng là một ý tưởng sai lạc. Tâm thức, cũng như đối tượng tâm thức, không chịu đựng được các khuôn khổ trong và ngoài. Đừng đi tìm, đó là vô tác.

Đừng đi tìm gì hết, kể cả giải thoát và giác ngộ. Giải thoát và giác ngộ nằm ngay trong thế giới sinh tử và khổ đau. Những ý niệm về khổ đau, sinh tử, giải thoát và giác ngộ cũng đều là những khuôn khổ của tâm ý: Ta đừng bỏ một cái để tìm một cái khác. Vô tác có nghĩa là không từ bỏ cái gì để tìm cầu một cái gì. Đứng tại chỗ mà thành Phật. “Niết bàn và sinh tử đều là những hoa đốm giữa hư không”, câu Kinh này có nghĩa như thế. Vô tác như vậy cũng có nghĩa là vô đắc.

Chiếc lá mà bạn quán chiếu có liên hệ mật thiết đến bạn. Quán chiếu cho thành khẩn thì nó trở thành bản thân bạn. Sinh tử của nó là sinh tử của bản thân bạn.

Ba cánh cửa giải thoát là những giáo lý vi diệu thậm thâm của đạo Bụt. Đây chỉ là một tập sách mỏng hướng dẫn thiền tập. Bạn cần tham cứu thêm. Mong cho bạn được gặp bạn, gặp thầy, gặp trợ duyên để đi xa trên con đường thực hiện.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.