An Trú Trong Hiện Tại

Thay lời tựa



Thiền học Việt Nam có mặt từ thời Khương Tăng Hội vào nửa đầu thế kỷ thứ ba kỷ nguyên Tây Lịch. Thiền sư Khương Tăng Hội sinh vào khoảng 190 sau TL, tại Giao Chỉ (một vùng thuộc tỉnh Bắc Ninh, gần thành Hà Nội ngày nay), học Phật tại Giao Chỉ, học tiếng Phạn và chữ Hán cũng tại Giao Chỉ. Cha mẹ của ngài gốc người Khương Cư (Sogdian) sang nước ta buôn bán đã lâu năm, định cư và sanh Hội tại đây. Hai ông bà mất năm Hội mới lên mười tuổi. Mãn tang cha mẹ xong, Hội bèn xuất gia.

Sự kiện Khương Tăng Hội xuất gia học Phật và trở thành một vị cao tăng tinh thâm ba tạng giáo điều tại Giao chỉ chứng tỏ rằng vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba nước ta đã là một trung tâm Phật học danh tiếng rồi. Các tác phẩm do thiền sư Khương Tăng Hội dịch, chú giải hoặc đề tựa, như kinh Pháp Cảnh, Đạo Thọ, An Ban Thủ Ý, v.v…. đều là những thiền kinh có ảnh hưởng cả vừa Nam tông lẫn Bắc tông. Như kinh An Ban Thủ Ý chẳng hạn, mà thiền sư Nhất Hạnh gọi là kinh Quán Niệm Hơi Thở và dựa theo đó viết quyển “An trú trong hiện tại” này, là bộ kinh về thiền định căn bản của Nam tông nhưng Bắc tông vẫn thực tập theo. Như vậy, thiền học tại Việt Nam ngay từ đầu đã có tính cách tổng hợp giữa hai tông phái rồi. Do vị trí địa dư đặc biệt, Phật giáo Việt Nam đã là cửa ngõ du nhập của Phật giáo Ấn Độ trước khi truyền sang Trung Hoa, cũng như là nơi dừng chân của nhiều danh tăng từ Trung Hoa du hành sang Ấn Độ thỉnh kinh. Do đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng của cả hai truyền thống Phật giáo Nam và Bắc tông từ gần hai mươi thế kỷ qua. Cho nên sự kiện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời vào đầu năm 1964, thống hợp cả hai truyền thống Nam và Bắc tông này, không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Nếu thiền học Việt Nam gần đây đã trở về tắm mình trong dòng Phật giáo Nguyên Thủy, cũng không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Tính cách tổng hợp của Thiền Học Việt Nam vì thế là một trong những đặc điểm của Phật giáo ở xứ ta vậy. Đặc điểm thứ hai là Thiền học Việt Nam từ xưa đã có tính cách thực tiễn nhập thế. Các thiền sư nước ta xưa nay vẫn có ý thức về tình trạng xã hội và đất nước, nên đã từng tham dự vào đời sống xã hội và chính trị của quốc gia. Các thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và Trúc Lâm đều có khuynh hướng theo truyền thống nhập thế này. Nếu ngày nay đạo Phật Việt Nam vẫn tiếp tục có mặt trong đời sống xã hội và chính trị của đất nước, điều đó cũng không phải là một sự kiện mới hay là một chuyện ngẫu nhiên.

Ngày nay, vì những điều kiện sinh hoạt của một xã hội mới, những sinh hoạt thiền tập của ta cần được thích nghi hơn; do đó, Thiền học Việt Nam lại đang vươn mình bước thêm một bước mới. Tập sách hướng dẫn mang lại tựa đề là “An Trú Trong Hiện Tại” mà chúng ta đang cầm trong tay là một chứng tích của bước chân mới này. Tuy gọi là một bước mới, kỳ thật bản chất của các phương pháp thiền tập mà chúng ta sẽ đọc trong sách đều đã có mặt trong truyền thống hai ngàn năm của Phật giáo và nhất là của Thiền học Việt Nam rồi.

Những lời chỉ dẫn trong sách này rất là đơn giản, thực tiễn và để thực hành. Trong cuộc sống bận rộn hằng ngày, nếu ta áp dụng được những điều chỉ dạy cặn kẽ và rõ ràng trong sách thì ta có thể nuôi dưỡng được an lạc, phát triển được trí tuệ và từ bi, tránh thoát được những lôi cuốn và áp lực của xã hội thác loạn vật chất và những hậu quả tai hại của những lôi cuốn và áp lực này. Những tâm trạng dao động, lo lắng, hoảng hốt, và những chứng bệnh tâm thần rất phổ thông trong thời đại mới này, đều là những hậu quả tai hại của những áp lực xã hội mà chỉ có thiển tập mới giải thoát được.

Chư tăng ni lãnh đạo tinh thần các hội Phật giáo, trụ trì các chùa viện, có thể sử dụng sách này để tổ chức thiền tập trong các chùa viện và cho giới Phật tử tại gia. Giới cư sĩ cũng có thể căn cứ vào sách này để tổ chức thiền tập trong gia đình và trong đời sống hằng ngày. Tác giả, thiền sư Nhất Hạnh, viết sách này trong mục đích cung cấp cho chúng ta những tài liệu và chỉ dẫn căn bản mà chính Thầy đã sử dụng trong nhiều năm hướng dẫn thiền tập cho thiền sinh Việt Nam và ngoại quốc khắp trên thế giới.

Tu viện Kim Sơn đã tổ chức được những khóa tu cho chư tăng ni và thiền sinh do Thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn, cũng như các khóa tu khác cho hàng Phật tử tại gia, và đã căn cứ trên những chỉ dẫn trong sách này. Nhận thấy sách này có thể giúp ích rất nhiều cho Phật tử và thiền sinh, Ban Tu Thư Tu Viện Kim Sơn quyết định cho ấn hành tập tài liệu quý báu này, khởi đầu cho một chương trình dài hạn trong đó còn có những sách khác về thiền học sẽ được tuần tự xuất bản trong tương lai.

Chúng tôi rất hân hạnh được ghi lại một vài cảm tưởng sơ thiền trên đây dùng thay lời tựa cho tập sách này và xin được gửi gấm sách đến quý vị để dùng làm món quà tinh thần của Tu Viện Kim Sơn.

Mùa hè năm Bính Dần – 1986 – PL 2530

Thích Tịnh Từ

Viện trưởng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.