Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa

Chương 12 :



Con trai của bố!

Không phải chỉ có phụ nữ mới dễ xiêu lòng trước những lời khen tặng. Con trai cũng dễ phấn khích thái quá với những lời ca tụng. Thậm chí, có thể còn hơn cả phụ nữ. Vậy thì con ạ, một lời khen: Con là một chàng trai ngoan hiền thì sao?

Một chàng trai ngoan hiền thì rất dễ thương phải không?

Không đâu! Một chàng trai NGOAN HIỀN thì thường đi cùng sự LÙ ĐÙ. Có bao nhiêu cô gái sẽ thích bạn trai mình NGOAN HIỀN?

Một chàng trai HƯ thì sao? HƯ mà không HỎNG thì cái HƯ ấy chỉ là sự QUÁI TÍNH.

Còn một chàng trai NGOAN thì thế nào? NGOAN là gì? Là biết vâng lời?

Không! Đừng vậy!

Con có thể tóc nhuộm vàng hoe nhưng dưới mái tóc ấy là một cái đầu biết nghĩ, thông minh.

Con có thể trốn học để làm điều con yêu thích nhưng kiến thức của buổi học hôm đó không trốn khỏi đầu con.

Con có thể yêu đương nhưng không phải yêu đương choán hết cuộc đời con được.

Con có thể cãi lại bố mẹ nhưng là cãi đúng, tranh luận để đi đến một kết quả tốt nhất cho con, yên tâm cho cha mẹ.

Con có thể nói bậy khi ức chế nhưng không phải là chửi bậy.

Con có thể làm tất cả những điều bố đã làm nhưng sẽ phải giỏi bằng hoặc hơn bố.

Bố không cần một chàng trai NGOAN.

Bố cần một chàng trai ĐÚNG NGHĨA.

Một chàng trai chỉ nói toàn lời hay mà làm việc như mèo mửa thì để làm gì đâu?

Một chàng trai ngoan ngoãn biết nghe lời mà không có chính kiến của riêng mình thì để làm gì đâu?

Một chàng trai đáng yêu trong mắt hàng chục cô gái mà không biết yêu thương mẹ mình thì để làm gì đâu?

Những chàng trai kiểu đó, vứt đi!

Những chàng trai kiểu đó, xin biến đi!

Con trai của bố, bố muốn con là một chàng trai đúng nghĩa!

Những câu chuyện biến mất

Thời cuộc cướp đi những câu chuyện. Cuộc đời cướp đi những câu chuyện. Cuộc đời cướp đi những câu chuyện. Con người trở thành những kẻ tiêu thụ vô cảm. Và ký ức bắt đầu nghèo nàn đi…

Bạn phải sống 20 năm ở phố cổ, bạn mới hiểu vì sao tôi yêu những ô cửa sổ đến vậy. Ngôi nhà cũ, số Bảy phố Hàng Bồ của tôi, 10m2 cho bốn người chen chúc. Căn phòng 24/24 phải bật đèn vì không có ánh sáng bên ngoài lọt vào được. Những cái ngõ luôn bốc mùi ẩm thấp vì quanh năm không có ánh nắng. Và vì thế, càng lớn, tôi càng sợ hãi mỗi khi phải trở về nhà. Chui vào cái hầm ấy. Tôi đã từng ước mơ có một ngôi nhà thật nhiều cửa sổ. Để ban mai, nắng sẽ trườn lên mặt mình. Ước mơ đó phần nào đã được thoả mãn với căn hộ hiện tại. Tuy nắng chưa trườn vào đến chỗ ngủ song cũng có một cánh cửa sau nhà ăm ắp gió. Tôi trồng ít cây xanh ở đó. Mỗi sáng, tôi vẫn ra đấy đứng nhìn khoảng trời xanh vời vợi. Cảm thấy lòng được cứu rỗi nhiều điều.

Cuộc sống là một dòng chảy xiết. Những công việc cuốn tôi đi. Hàng tuần. Hàng tháng. Như hiện nay, gần như tôi đang làm việc với cường độ 5 ngày/ số báo. Chưa kể phụ trách thêm một chuyên mục trên Hoa học trò tuần. Hoa học trò phát hành thứ Hai, tôi phải hoàn thành chuyên mục của mình trước ngày thứ Năm tuần trước đó. Sinh viên Việt Nam phát hành thứ Tư, tôi phải hoàn thành bài vở trước ngày thứ Sáu tuần trước đó và mất ba ngày, thứ Bảy, thứ Hai và thứ Ba để làm hậu kỳ cho nó trước khi in. Chuyên đề 2 thì 15 ngày/ số nhưng luôn mất 8 đến 10 ngày để thực hiện. May mà tôi luôn có được những cộng sự thiện chiến. Những người làm báo tốt nhất. Họ giúp tôi bằng cách tự xây dựng đề tài, viết trau chuốt đến mức tôi chẳng phải sửa chữa mỗi khi đọc duyệt. Chứ nếu như cách đây 3,4 năm và trước cả đó, cái thời mọi người khen Hoa học trò hay ấy, thì è cổ ra mà sửa. Thậm chí viết lại. Thời gian trôi vùn vụt đến độ tôi ngẩng mặt lên thường là thứ Sáu rồi. Thời gian cướp đi của tôi rất nhiều cảm xúc. Thời gian cũng bào mòn sức khỏe của tôi. Và thời gian cũng làm lão hóa những ý tưởng. Nhưng cái mà tôi xót xa nhất, đó là thời gian cướp đi của tôi những câu chuyện.

Có một thời, tôi thích những câu chuyện tôi khám phá ra từ sự quan sát, lắng nghe và để tâm của mình. Là một quán cà phê cheo leo trên gác hai đường Tràng Thi nơi có hai vợ chồng già 30 năm qua dù mưa, nắng, bão bùng hay ốm đau… họ vẫn sáng sớm uống với nhau một ly cà phê. Cho đến khi đi lại khó khăn, họ mở quán để có thể uống với nhau đều đặn hơn. Là con đường Quán Thánh có tổng cộng 98 cây hoa sữa. Là những vụn vàng nhặt được trong từng cuốn sách tôi đọc được. Tất cả đầy ắp lên trong gần 50 cuốn sổ nhỏ tôi vẫn mang theo bên mình. Có một dạo, gần như mỗi tuần tôi đều viết được một truyện ngắn, một phóng sự hoặc dăm ba bài thơ. Đó là vì cuốn sổ đầy ắp những câu chuyện đòi được bung ra. Những báo cáo, ý tưởng, đề tài có thể trở thành chuyên đề hay. Có dạo, nguyên tờ 2!, tôi viết không dưới 30 bài lớn nhỏ. Hay mục Chuyển Động Khám Phá một thời với bút danh Vịt Búp, Buma, CĐKP… tôi tung hoành. Tôi đọc thư bạn đọc hàng ngày. Rút ra hàng chục, hàng trăm câu chuyện. Là rất nhiều những câu chuyện như thế khiến tôi có thể trò chuyện hàng giờ không khiến người nghe chán được vì có biết bao câu chuyện trong đó.

Nhưng gần đây, cuốn sổ tay của tôi vắng bóng vì tôi ít ngồi quán một mình nữa.

Nhưng gần đây, con đường chỉ toàn những bực dọc về bụi, khói, tiếng ồn chứ không còn những điều bất ngờ khám phá ra nữa.

Thời gian cuỗm đi của tôi những câu chuyện.

Lâu rồi, tôi chưa ngồi cà phê với ai ngoài những đồng nghiệp và những công việc (hoặc cả đám ngồi thư giãn đầu óc).

Thời gian xô trượt đi những câu chuyện.

Mà những câu chuyện mới làm nên những cảm xúc.

Những câu chuyện làm sống lại những đồ vật vô tri. Để ta cảm thấy gắn bó với nó nhiều hơn thay vì sử dụng nó một cách vô tri.

Này con trai, bố sẽ kể cho con nghe nhiều câu chuyện về những đồ vật quanh con. Để con biết rằng đôi dép không chỉ để đi mà còn để bảo vệ chân con, mà còn là câu chuyện dài về người Việt từ thuở chân đất với ngón chân Giao Chỉ.

Này con trai, khoảng sân sau nhà, những khóm hoa nở sẽ lung linh dưới nắng. Bố sẽ kể cho con nghe câu chuyện về thiên nhiên.

Sẽ có rất nhiều câu chuyện về Ông Trăng đi làm, ông Trăng đi công tác thay vì cứ phải hiểu một cách máy móc lẽ tròn khuyết vô vị.

Tôi đã mất đi nhiều câu chuyện của mình nhưng may thay, kho chuyện vẫn còn đủ dùng cho đến ngày con lớn.

Còn bạn, bạn có đang để mất những câu chuyện của đời mình?

Chào tháng Tám! Một chàng trai vụt lớn!

Bắt đầu bước sang những giờ phút đầu tiên của tháng Tám. Mùa hè cũng đã sắp kết thúc dù cho cái nắng có ồn ã đến đâu. Và rồi mùa Thu lại. Bốn mùa hoán đổi luân phiên, thời gian cứ thêm từng tờ lịch rụng. Nhìn về mình sẽ thấy ngưỡng cửa 30 nhọc mệt. Nhưng nhìn về con lại thấy hơn hớn tuổi sắp lên hai.

Nói bao nhiêu về thời gian cũng vẫn là chẳng hết. Câu chuyện về thời gian luôn là một câu chuyện dài. Chỉ là mình già đi và con mình lớn lên. Lớn – Khôn!

Khi bế bổng con lên đã thấy tay mình có dấu hiệu mỏi. Con cứ lớn dần để bố bớt đi những thoáng giật mình. Chẳng hạn như vào quán, tay bố sẽ rời khỏi những mép bàn vì con đã cao hơn mép bàn. Chẳng hạn bố chẳng phải hốt hoảng cuống cuồng chạy theo con khi con rời khỏi cửa nhà mình. Con cho bố những yên tâm. Hay như khi con muốn hoặc khó chịu điều gì, con đã có thể báo cho bố biết bằng những từ ngữ đơn giản. Rồi những nhu cầu nho nhỏ như tè, đi ị, uống nước, buồn ngủ… con đã tự biết thông báo. Bố bắt đầu xây dựng những niềm tin vào con. Tin rằng con sẽ biết dừng lại khi đi đến cầu thang. Tin rằng con tự cầm ly nước thủy tinh uống mà không làm rơi nó. Tin rằng con đã hiểu những gì bố căn dặn. Chẳng hạn như sáng nay, khi bố thay nước bể cá, thấy rất nhiều tăm được thả vào trong đó, bố đã bảo con rằng “Cá chỉ ăn giun và ăn đồ ăn khô trong cái lọ này chứ cá không thể ăn tăm. Vì thế, con không được cho tăm vào bể cá nhé! Cá sẽ chết nếu như cây tăm xuyên phải người con cá!” Pi đã hiểu và hôm nay bố về, trong bể cá không có một cây tăm nào hết. (Giả sử có cái bút hay cái đũa thì không tính nhé!)

Con lớn khôn.

Cứ từng ngày, từng tháng đi qua. Bố thấy mình già đi. Những dấu hiệu cho thấy bố đang già đi như sức sáng tạo giảm, lười vận động, xa rời những đám đông, kết thúc những cuộc vui sớm hơn… Có thể, bố đã từng rất sợ tuổi già. Nhưng thực tế, bố sợ quỹ thời gian của bố được ở bên con ít dần đi thôi. Ai chẳng thế, đối diện hạnh phúc sẽ sợ hãi tốc độ của thời gian. Chưa bao giờ bố nghĩ đến ngày mình 30 tuổi. Thậm chí ngày xưa, bố còn tin rằng mình sẽ chết năm 27 tuổi nữa kìa!

Ban nãy, ngồi cùng một câu bạn của bố. Cùng nói với nhau về tuổi 30. Ý niệm gia đình rõ rệt lắm. Tạm thập nhi lập. Cậu bạn của bố còn chưa lập gia đình. Nghĩ về gia đình nhỏ, cậu ấy muốn có sự thay đổi. Trước khi gặp mẹ con, bố cũng đã từng có những suy nghĩ như thế. Cảm giác của chiều về là mâm cơm ngon ứa nước miếng, là vợ con hân hoan chào đón, là dù bước chân trái hay chân phải ra khỏi cửa cơ quan đều biết rằng mình đi về đâu?

Gia đình nhỏ. Một gia đình của mình. Điều hạnh phúc tuyệt vời nhất mà bố có được.

Những tân toan của cuộc sống ngoài kia đã khiến bố trở về nhà với một tâm trạng nặng trịch. Chỉ khi ôm con vào lòng, những tân toan ấy mới nhẹ nhàng rời xa bố. Con lớn lên. Là lớn khôn. Con biết chạy ra cười cả từ ánh mắt để ôm lấy chân bố. Con nói: Chào bố! Mà ngọt ngào đến thế! Rồi ôm con để nạp đầy tâm hồn mình năng lượng sau một ngày kiệt quệ.

Sẽ có nhiều dự định cho tháng Tám. Và những dự định đó sẽ thành hình trên thực tế. Bởi tình yêu bố đang có. Bởi hạnh phúc bố đang có. Bởi những tha thiết làm nên từ đôi chân tí xíu chạy ra đón bố mỗi chiều về. Và bởi tất cả những gì chúng ta đang hướng tới.

Tháng Tám ơi, xin chào!!!

Nói với con về nghị lực

Nghị lực là gì? Theo từ điển mở Wikipedia thì: Nghị có nghĩa là Quả quyết. Lực có nghĩa là Sức. Nghị lực: Ý chí kiên quyết và bền vững. Năm xưa, 16 tuổi, bố còn chưa biết nghĩa của từ này. Còn hỏi bác Chiu, mẹ chị Mún: Nghị lực là gì? Tại sao cô ấy lại bảo em là người không có nghị lực? Thế nên, bố sẽ dành cho từ này một bài viết riêng như đã dành cho lòng Dũng Cảm, nỗi SỢ,MAY MẮN, TỰ TRỌNG, ƯỚC MƠ, LÝ TƯỞNG, NỖI BUỒN, NHẠT THỊT, YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN…

Năm xưa, khi bố đang học lớp 10. Bố có thích một bạn gái tên Ly. Trần Hoàng Khánh Ly. Cô ấy học cùng lớp bố: 10B THPT Trần Phú, niên khóa 93-96. Đó là một tình cảm rất mới lớn. Bố theo đuổi cô ấy hết cả năm lớp 10. Cho đến một ngày cuối năm lớp 10, bố, trong một cơn giận đã tuyên bố, hết thích cô ấy. Và cô ấy đã bảo: Tú là người không có nghị lực. Nghị lực theo cách nghĩ của một cô bé lớp 10 chỉ giản đơn là sự kém tắm. Chưa gì đã bỏ cuộc. Bố đã ngơ ngác với từ này. Bố đi hỏi bác Chiu – mẹ chị Mún khi đó đang học đại học. Bác Chiu có giải thích cho bố rất nhiều nhưng với cái đầu ngố tàu của bố, bố đã không thể tiếp thu. Song không vì thế mà bố quên đi. Bố vẫn nhớ. Và bố đi tìm nghĩa của từ NGHỊ LỰC lúc này qua chính cuộc sống của mình.

Là 36 truyện ngắn không được đăng. Giấc mơ trở thành một văn sỹ khi mà chẳng biết viết. Bố bắt đầu nghiệp viết từ năm lớp 11. Bố nhớ, bố đã từng dỡ tung một truyện ngắn của bác Trang Hạ ra chỉ để xem trong đó có gì? Ngày xưa bố yêu thích những truyện ngắn của bác Trang Hạ lắm. Trong bản tự bạch khi chính thức trở thành thành viên hội bút Hương Đầu Mùa, bố đã viết: Thích thơ Trương Nam Hương, văn Trang Hạ. Nghị lực là một ý chí kiên quyết – bền vững. Bố đã chứng minh cho cô bạn gái cũ thấy rằng mình không phải là người không có nghị lực bằng cách xuất hiện trên trang báo Hoa học trò.

Nhưng con ạ, nghị lực không phải chỉ là sự nỗ lực có mục đích như vậy. Nghị lực còn là nhiều hơn nữa.

Là khi con đeo đuổi một ước mơ của mình.

Ai cũng có ước mơ. Nhưng chỉ ai có nghị lực thì ước mơ đó mới trở thành hiện thực. Bằng không, như đại đa số nhiều người, ước mơ sẽ trở thành một kỷ niệm mai sau. Hoặc buồn hơn, nó thành một tiếng thở dài khi nghĩ về.

Là khi con vượt lên chính mình.

Chúng ta cứ hay nói với nhau về những giới hạn. Có bao nhiêu giới hạn bắt đầu từ sự thiếu tự tin? Có bao nhiêu giới hạn được đưa ra như một cách tự ru ngủ mình, AQ mình? Có bao nhiêu giới hạn được coi là cứu cánh cho những thất bại?

Không! Hãy đừng giới hạn mình. Đừng vẽ một vòng tròn quanh mình để tự trói mình trong đó. Tham vọng không phải là từ xấu. Nó chỉ xấu khi con thực hiện nó bằng cách đạp người khác xuống để mưu cầu lợi ích cá nhân. Tham vọng có thể là xấu khi con vì nó mà đánh mất đi những thứ tốt đẹp con đang có. Tham vọng dẫn đến sự đánh đổi tàn khốc.

Còn khi tham vọng để vươn lên (từ đẹp đẽ của nó là Khát Vọng) thì có gì đâu là xấu? Tham vọng + nghị lực = thành công!

Con yêu!

Nghị lực như xăng cho chiếc xe. Mà tham vọng là động cơ của chiếc xe đó. Động cơ càng cao thì xăng càng phải nhiều.

Nghị lực không dễ kiếm nhưng cũng không quá khó kiếm. Bố đã, đang và sẽ mỗi ngày cùng con nhặt nhạnh để làm đầy lên trong con đây!

Bố thật mừng vì con biết bay

Hôm nay con tròn 25 tháng tuổi. Câu chuyện này được ấp ủ để viết riêng cho ngày đặc biệt này. Về nỗi mừng vui của bố khi nhận ra rằng con biết bay. Phải! Con biết bay! Con biết bay!

Bay.

Không phải như siêu nhân người nhện hay siêu nhân Bat Man mà con hay chơi.

Không phải như chiếc máy bay mà lần đi Nha Trang cùng cơ quan bố, con đã bay cùng nó.

Không phải như con chim chích bông trên trời mà hôm mùng ba Tết bố con mình ngồi ở công viên Thành Công mà con thấy và gọi bố, chỉ cho bố xem.

Không phải như những cánh diều mùa hè mà con thấy mỗi khi đứng lên yên xe đằng sau lưng bố và mẹ chỉ cho con.

Không phải như ông trăng, ngôi sao mà con hay ríu rít gọi bố xem mỗi tối.

Con biết bay bằng cách khác.

Bay.

Bay bằng trí tưởng tượng.

Một trí tưởng tượng siêu phàm mà không một người lớn nào có được dẫu anh ta có thể là nhà văn viết truyện viễn tưởng số một thế giới.

Một trí tưởng tượng đặc quyền của trẻ con.

Chỉ có trẻ con mới bay được như thế!

Bay.

Có những giấc mơ theo bố suốt một thời thơ ấu. những giấc mơ bay. Là cái bơm xe đạp của ông Nội được bố hút nước bằng cách kéo bơm lên và phun vòi bằng cách hạ bơm xuống. Bố nói với bạn bè là nhà mình đang có một khẩu súng phun lửa đặc biệt. Vì bố tưởng tượng rằng nếu bố hút lửa, nó sẽ phun ra lửa. Một khẩu súng phun lửa cực kỳ khủng bố.

Là rãnh nước cống cũng thành một dòng sông chờ thuyền đạp sóng mà chạy băng băng. Bố tưởng tượng ra mình đứng trên mũi thuyền và chiến đấu cùng lũ chuột cống.

Là cái núm cửa cũng thành vòi hoa sen cho bác Thủy gội đầu cho bố.

Những tờ vé số là tiền.

Bức tường giữa hai ngôi nhà số 5 và số 7 Hàng Bồ cũng là một địa đạo bí mật cất giấu bảo tàng.

Ngôi nhà xây bằng bộ bài tú lơ khơ.

Những bao thuốc dán lại thành ô tô, tàu hỏa…

Tuổi thơ của bố bay bổng cùng biết bao kỳ tích vĩ đại mà loài người dễ chừng chẳng bao giờ đạt tới. Bởi nó bay vượt giới hạn âm thanh. Bởi nó bay vượt khả năng của con người.

Ôi, những giấc mơ ngốc xít.

Mà lung linh đến rưng rưng.

Ai có thể mơ một mình một bóng đưa Việt Nam vô địch World Cup liên tiếp 13 lần kể từ năm bố 15 tuổi? Nếu họ đã đi qua tuổi 15!

Ai có thể mơ làm một tờ báo hình tròn năm 18 tuổi nếu như họ đã quá tuổi 18?

Những giấc mơ bay mỗi ngày một khan hiếm dần khi người ta lớn.

Bay.

Con đã biết bay khi con lắp ghép bộ xếp hình thành một khối hình chữ T và bảo bố: Bố ơi, máy bay của con này!

Con đã biết bay khi cầm một khối hình chữ nhật và bảo bố: Bố ơi, ô tô của con này!

Con đã biết bay khi bảo bố: Con nhốt em Cún vào tivi để em Cún không bỏ về nhà được nữa bố nhé!

Con đã biết bay khi nói với em Cún: Bố đi làm đây, con ở nhà ngoan nhé!

Con đã biết bay khi ngồi trên bụng bố lái máy bay, taxi, tàu hỏa.

Con đã biết bay khi bảo bố: Bố ơi, mang nhà bóng ra cho con, trời mưa rồi.

Con đã biết bay khi đặt ra các tình huống giả định và giải quyết nó theo cách không thể buồn cười hơn. Như con làm bố, em Cún làm mẹ cho siêu nhân và rô bốt ăn bột, ăn cháo, ăn cơm.

Là bắt chước thôi nhưng hẳn phải có một trí tưởng tượng siêu phàm lắm mới hình dung được những điều như vậy.

Bay.

Chúng ta đang đói dần những giấc mơ bay.

Khi cuộc sống ngày càng đầy đủ và tiện nghi.

Không ai dùng vỏ bao thuốc làm ô tô, tàu hỏa như hồi bố còn nhỏ. Không ai tưởng tượng ra điều đó khi mà ô tô, tàu hỏa đồ chơi đã rất sẵn.

Không ai dùng những thước phim thừa, hỏng để làm cây dừa, khung ảnh bởi đồ chơi, cây dừa, khung ảnh đã quá nhiều.

Không ai tưởng tượng ra một bộ phim có mình làm nhân vật chính khi điện thoại di động cũng đã có chức năng quay phim.

Không ai viết một lá thư tay rồi tô tô vẽ vẽ trang trí bức thư đó khi email đã làm nhiệm vụ thay.

Không ai ngồi tưởng tượng ra một ngôi nhà, vẽ một ngôi nhà trên cát để thủ thỉ với nhau trong ngày lễ tình nhân.

Những giấc mơ bay ám khói công nghiệp.

Những giấc mơ bay bị trì níu lại bởi sự đầy đủ, tiện nghi.

Đó là cuộc sống.

Bây giờ trẻ con bay kiểu khác.

Harry Potter và Tôn Ngộ Không nếu đấu với nhau ai sẽ thắng?

Không!

Bố không than phiền về sự hiện đại bóp nghẹt trí tưởng tượng.

Tivi – truyền hình không giết chết những cuốn sách.

Cũng như Internet không giết chết những phương tiện truyền thông khác.

Và blog cũng không giết chết tinh thần của những cuốn sổ nhật ký.

Mà bố chỉ bảo rằng cuộc sống mỗi ngày một khác. Giấc mơ bay của hôm qua khác cách bay của hôm nay.

Chỉ buồn nếu ai đó không còn bay được nữa.

Con trai của bố, biết không, bố thật mừng vì con biết bay!

Chúng ta sẽ sống được, sống rất thú vị chừng nào chúng ta còn biết bay.

Và sẽ mừng lắm khi con tròn 25 tháng, con đã bắt đầu bay.

Thật mừng vì con đã biết bay.

Ông bô tẹp nhẹp

Ta là một ông bô tẹp nhẹp. Phải thừa nhận là thế đi! Sau khi đã nói xấu vợ tơi bời hoa lá, ta soi gương và nhận ra rằng: Ta cũng chỉ là một gã đàn ông rõ ràng là tẹp nhẹp, vớ vẩn, kém tưới nhất trong số những ông bô…

Số là hôm nay ta than với người yêu của ta: Dạo này tớ đang làm báo Tết nên stress liên miên. Người yêu của ta bảo: Thế thì cuối tuần làm chuyến xê dịch. Đi hai ngày chắc không chết ai! Ta – ngay trong đầu ta bỗng hiện ra một biển cấm to oành. Là sao? Là dư lào? Ai đủ khả năng cấm đoán ta? Vợ ư? Hay sếp? Không! Là một nỗi ham yêu giữ ta. Nỗi ham yêu có tên là Pi Nhắng.

Ta vẫn kêu bận liên miên để tránh những cuốc cà phê tối, bữa nhậu khuya.

Ta vẫn kêu bận liên miên để tránh hai ngày cuối tuần phải làm việc.

Ta kêu bận khi ta đang ôm con.

Ta kêu bận khi ta đang hớn hở chạy xe về với con.

Nào ai cấm ta không được về muộn? Nào ai cấm ta không được đi chơi một chuyến xa xa? Chỉ lòng ta dập dình Hà Nội… Chỉ là lòng ta đang mải nghe tiếng cười khanh khách của gã trai 22 tháng tuổi.

Gã trai 22 tháng tuổi mỗi ngày lại tiếp nhận nửa bài hát mới.

Gã trai 22 tháng tuổi biết vặn vẹo ta mỗi khi ta nói sai.

Gã trai 22 tháng tuổi ôm cổ ta từ đằng sau.

Gã trai 22 tháng tuổi cứ hơi tí là lại buông câu tỏ tình trắng trợn: Bố ơi! Pi yêu bố lắm!

Gã trai 22 tháng tuổi không bao giờ chịu ăn Bim Bim một mình. Lúc nào cũng: Bố ơi, Bố ăn Bim Bim với anh Pi đi!

Gã trai 22 tháng tuổi dường như biết ta vốn mong manh và dễ đổ đánh ùm với ai đó khuấy cà phê cho ta nên gã cũng bắt chước bây giờ toàn khuấy cà phê cho ta và biết ta tham lam nên không bao giờ uống cà phê của ta.

Gã trai 22 tháng tuổi biết vuốt má ta và bảo: Anh Pi yêu thương bố này!

Gã trai 22 tháng tuổi biết gọi điện cho ta và nói là yêu ta.

Gã trai 22 tháng tuổi biết làm cho ta muốn trở về nhà ngay khi cạn năng lượng.

Gã trai 22 tháng tuổi biết khiến ta bước chân ra khỏi nhà với nụ cười mủm mỉm trên môi.

Chao, còn đâu ta của thời oanh liệt?

Ta giờ đây mềm như cọng bún.

Ta là một cọng bún thiu!

Chao cái thời vác ba lô lên vai đi một chuyến không có lịch trình.

Chao cái thời thả xe trôi vô định hết xăng thì về.

Chao cái thời một ngày ngồi ít nhất năm quán.

Chao cái thời chỉ một lời mời đã thành một chuyến đi.

Cái thời 2h sáng vẫn chỉ là đêm tí xíu. Cuồng cẳng thèm dạo phố.

Ta đâu rồi?

Ta giờ là cọng bún thiu.

Ta giờ tẹp nhẹp, tiêu điều, dở ương.

Mà nào phải ngăn sông cấm chợ.

Là máu giang hồ tắt ngủm.

Thương xót chi ta cho phí tình cảm.

Thế nên thôi, kêu ca về thời OANh nay đã LIỆT.

Quá khứ huy hoàng chỉ còn là đống điêu tàn đổ nát.

Ta không vượt qua được cám dỗ trai 22 tháng tuổi.

Vì bản thân ta đã trói buộc ta lại.

Này, các cô!

Đừng ai nói: Giá như chồng của tôi cũng yêu con như anh yêu con!

Đừng giá như.

Vì nếu giá như vậy thì sẽ phải trả giá đắt đấy!

Cái giá phải trả là một người đàn ông chỉ quẩn quanh xó nhà.

Nói yêu con, nói yêu vợ và chỉ là như thế!

Chỉ làm trai cùn như chổi cùn.

May mà ta chưa đếm củ dưa hành, tính từng mili nước mắm.

May mà ta chưa đến nỗi nhăn mặt với vợ nếu vợ lỡ quên gội đầu, chưa trang điểm.

May mà ta chưa thành ra ông nội trợ, ghét đám đông ưa may vá.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.