Anna Karenina (Tập 1)

Lời giới thiệu – Chương 04



Các sự việc rối loạn xảy ra trong xã hội Nga vào những năm bước ngoặt lịch sử 1870 đã vang dội vào cốt truyện, vào cuộc đời từng nhân vật. Số phận Anna đủ nói rõ điều đó. Cõi lòng sóng gió, thấp thỏm lo sợ của nàng, từ đầu đến cuối, luôn linh cảm trước một thảm họa không tránh khỏi sẽ xảy ra. Vì mục đích tả tâm trạng đó, nhà văn đưa ra một số hình ảnh có vẻ tượng trưng, một số lời có vẻ tiên tri (ví dụ: người thợ máy tóc bù trên đường ray, cơn bão tuyết, cây nến cháy lụi…); những cái đó góp lại nói lên tâm tình quằn quại, hoang mang của Anna. Levin cũng dao động, bơ vơ giữa ngã ba đường đời, còn những người khác thì không một ai yên tâm sống. Kịch tính trong cuốn truyện luôn căng thẳng cũng do ở điểm này. Tolxtoi tự nhận định Anna Carenina là cuốn “tiểu thuyết dài thực sự” đầu tiên. Mặc dầu nhân vật đông đúc, sự việc phức tạp, hai nhóm Carenin – Vronxki – Anna và Levin – Kitti tạo thành hai đường dây chính khác nhau, có vẻ riêng rẽ của cốt truyện, và các đường dây khác càng phức tạp hơn nhưng bố cục cuốn truyện vẫn chặt chẽ, rành mạch, cân xứng. Truyện dài nhưng không rườm rà, rất nhiều chương nhưng mỗi chương đều ngắn gọn, cô đúc; mỗi hình tượng đều có căn cứ bên trong, không tùy tiện; mỗi chi tiết đều dùng thể hiện chủ đề, mỗi phần hòa hợp theo cấu tứ thống nhất. Kết cấu truyện không xây dựng trên quan hệ bên trong của tư tưởng chủ đề. Về mặt này, Tolxtoi là nhà văn mạnh dạn đổi mới. Ông chống lại mọi quy định cứng nhắc trước đây, mọi thói quen cũ kĩ chỉ được phép đưa ra một cặp nhân vật trai gái và một đường dây cốt truyện từ đầu đến cuối trong cách xây dựng truyện dài. Cuộc sống sinh động so với công thức văn học, thực ra phong phú và phức tạp hơn nhiều. Để phản ánh cuộc sống được rộng rãi và đầy đủ hơn, Tolxtoi tìm ra cách viết tiểu thuyết mới, với cốt truyện có nhiều cặp nhân vật, dựa vào sự chằng chịt phức tạp của các đường dây tư tưởng, vừa mâu thuẫn vừa thống nhất, để phản ánh biện chứng mọi hiện tượng sinh hoạt và chặng đường phát triển của chúng. Tất nhiên, ở đây nhiều cách xây dựng cốt truyện khác cũng giúp ích vào việc gắn bó các đường dây thành một bố cục hoàn chỉnh, thống nhất: Levin quen anh trai Anna là Oblonxki; Kitti, vợ của Levin lại là em gái Doli, vợ Oblonxki; Vronxki từng cầu hôn Kitti; Anna cũng lại quen Kitti tại nhà chị dâu Doli; cuối cùng Levin cũng đã gặp Vronxki và Anna, v.v… tóm lại tất cả đều dần dần quy vào một mối. Những quen thuộc họ hàng, bè bạn đó, như những nguyên tắc kiến trúc song song và đối nhau, là điều đáng chú ý trong cách xây dựng truyện, tỏ rõ mối gắn bó “bên trong” khá chặt chẽ giữa các chủ đề riêng lẻ của cuốn truyện. Tolxtoi chữa đi chữa lại tới bốn lần chương viết về sám hối, để không còn sót lại chút dấu vết nào về sự đánh giá chủ quan của nhà văn với nhân vật. Ông nói, trong bất cứ cuốn truyện nào ông đều gắng để người đọc không sao biết được tác giả có đồng tình hay không với bất cứ nhân vật nào đó; chỉ có như vậy, tác phẩm văn học mới gây được ấn tượng khách quan sâu sắc, có sức thuyết phục mạnh mẽ. Tolxtoi noi theo nguyên tắc này trong mọi cuốn truyện; chỉ trong số ít trường hợp là nhà văn viết những câu có ý nghĩa giáo dục trực tiếp hoặc có tính khái quát rộng rãi, sau khi miêu tả sự việc tỉ mỉ. Ông chỉ muốn kín đáo thể hiện tư tưởng bằng hình tượng thật cụ thể, thật khách quan; tất nhiên, như thế hoàn toàn không có nghĩa ông thể hiện cuộc sống một cách lạnh nhạt, vô tình. Để làm nổi bật các tính cách nhân vật có nhiều khía cạnh một cách khách quan, nhà văn thường dùng phép so sánh và đối chiếu. Ông không vạch thẳng thói xấu Vronxki mà đem vị hoàng thân nước ngoài ra đối chiếu để chỉ rõ thói xấu đó. Ở nhiều chỗ khác, phép so sánh còn kín đáo hơn. Tính vui vẻ yêu đời của Kitti khác hẳn vẻ cằn cỗi buồn chán của Varenca. Trái ngược với Levin là cả một loạt người đủ màu vẻ: nào Oblonxki thèm hưởng lạc, rồi Pet’rixki thích bừa bãi và bao người khác nữa, những kẻ sống trụy lạc ở thành phố, tất cả họp lại thành cái nền trên đó nổi bật phẩm chất đạo đức của Levin với lối sống lành mạnh, giản dị ở thôn quê. Khi xây dựng nhân vật, ngòi bút thành thạo Tolxtoi biết chú ý tới những hình dáng bề ngoài, với nét thể xác cụ thể, cố định và cả vẻ tinh thần trừu tượng, thoáng qua. Các chi tiết hình dáng bề ngoài không những giúp ta hình dung từng người từng người một, không hề lẫn lộn, mà còn thể hiện hoàn cảnh sống, tính nết, tư tưởng, tình cảm với cả chặng đường diễn biến bên trong nhân vật. Cặp mắt màu xám và sáng long lanh, hơi u tối dưới hàng mi dày của Anna, đôi tai “sao mà lại to đến thế kia” của Carenin và thói quen bẻ khục ngón tay của ông, cái trán bắt đầu hói của Vronxki… mỗi chi tiết đều gắn liền với nhân vật, cắt nghĩa tính cách nhân vật, đồng thời có giá trị riêng thể hiện tình cảm, thái độ của người có quan hệ với nhân vật đó. Con mắt nhận xét chăm chú và sắc sảo của nhà văn nhìn bao quát và thấu suốt mọi sự vật, từ việc lớn mà đôi mắt bình thường không hiểu nổi đến cái vụn vặt một người lơ đễnh thường bỏ qua; tất cả cái đó giúp nhà văn “trình bày” tâm hồn con người với mọi vẻ sâu sắc, cụ thể và bất ngờ nhất, bằng chất liệu nóng hổi lấy ngay từ cuộc sống thực. Tùy theo cốt truyện dần dần mở ra, nhà văn lần lượt giới thiệu cuộc đời đã qua của nhân vật, như các đoạn phim phục hiện; ông cũng thường tả sự phản ứng của người nọ với người kia khi cọ xát nhau. Nhưng đặc điểm nổi bật và xuất sắc nhất của Tolxtoi trong việc xây dựng nhân vật là miêu tả tâm lý. Ông nghiên cứu rất kĩ và nắm chắc mọi quy luật phát triển tâm lý. Một tư tưởng tình cảm của nhân vật bất ngờ nảy ra từ ấn tượng hoặc sự việc cụ thể nào đó được nhà văn dẫn dắt, gắn liền với kỉ niệm, ý nghĩ khác. Sợi dây chuyền liên tưởng này xe kết với nhau, quyện lại và biến thành tư tưởng, tình cảm khác mới hơn, sâu hơn, rồi lại trở về với xúc động, tâm tư ban đầu ở mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn và cứ thế nó tiếp tục thay đổi, chuyển hóa, phát triển không ngừng, lẫn lộn hư với thực, cảm giác với suy tưởng, hiện thực với ước vọng, quá khứ, hiện tại với tương lai… Một tâm trạng ổn định chỉ rất tương đối, nó chưa kịp giải quyết hết thắc mắc còn lại đã bắt đầu lo lắng tới băn khoăn mới nảy ra. Tài nghiên cứu con người của nhà văn không chỉ bó hẹp ở chỗ nêu lên kết quả hợp lý của một chặng đường diễn biến tâm lý, mà chính ở ngay trong từng bước trên suốt dọc đường diễn biến đó, với những nét biểu hiện tinh vi, sâu sắc, có khi chỉ thoáng qua mơ hồ mà không ngừng vận động phức tạp đối lập nhau và thống nhất với nhau, theo một tốc độ rất nhanh dưới các hình thức muôn hình muôn vẻ, chằng chịt lẫn nhau. Trernưsevxki đã gọi chủ nghĩa hiện thực tâm lý đó là “phép biện chứng về tâm hồn”. Để phân tích đời sống bên trong, nhà văn luôn dùng đến độc thoại nội tâm. Và ông đã dùng ngay lời nói mang rõ nét riêng biệt của từng tính cách để viết nên những trang độc thoại nội tâm trộn không lẫn, chúng nói lên được trọn vẹn những phản ứng và vận động bên trong của từng trạng thái tâm lý. Ở đây, ông như nhà đạo diễn giấu mình kín đáo sau sân khấu, người xem không trông thấy nhưng vẫn cảm thấy bàn tay thành thạo, tinh tế của người điều khiển luôn có mặt. Cho nên, với lối kể trực tiếp, cụ thể ngay chính câu chuyện và bề ngoài có vẻ khách quan đó, nhà văn chỉ cần thông qua những chi tiết nghệ thuật có vẻ rất phụ để chắc chắn và mạnh mẽ tỏ rõ thái độ với nhân vật, tỏ rõ lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức xã hội và khuynh hướng chính trị của ông. Nhà văn tả phong cảnh ngoài trời cũng như đồ đạc trong nhà chính để thể hiện cảm xúc, tâm tư nhân vật được đầy đủ, nhiều vẻ hơn. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cái biệt thự kiểu ý trước sau vẫn vậy, nhưng tâm tình Vronxki thay đổi thì vẻ đẹp của nó cũng thay đổi theo; trước mắt chàng, nó đột nhiên trở nên bẩn thỉu, điêu tàn. Cơn bão tuyết trong đêm gặp gỡ giữa Anna và Vronxki trên dọc đường xe lửa cũng là cơn giông tố đang nổi dậy trong cõi lòng vừa vui sướng vừa kinh hoàng của Anna. Nhà văn tả đồ vật rất ngắn nhưng tả phong cảnh khá kĩ. Ông am hiểu và nhạy cảm trước sức sống thiên nhiên với nắng mưa, cây cỏ, súc vật, tiếng động, màu sắc, mùi vị phong phú. Mọi vẻ riêng đời sống bên ngoài đều không thoát khỏi giác quan tinh tế và sống lại trong truyện với sức mạnh, vẻ đẹp rất mới và thực. Ông không tả phong cảnh theo kiểu duy mỹ, vì ông cho cái đẹp của thế giới tự nhiên ở chỗ nó có thực và nhiều vẻ, ở sức sống mạnh mẽ, bồng bột của vạn vật. Ông tả cảnh gắn liền với người và không sợ tả mọi cảnh thực, kể cả những cảnh xấu. Ông đứng trên miếng đất của người lao động để nhìn cảnh vật, không cần tô vẽ, làm cho cái đẹp, cái xấu có thực thành giả. Cho nên ông không ngại tả mùi hoa cúc với mùi phân đồng ruộng. Người lao động coi thiên nhiên là miếng đất đẻ ra mọi vui sướng và đau khổ thực sự. Tolxtoi suốt đời gắn bó với thiên nhiên, với lao động, vì chúng mà tự hào và hạnh phúc, càng không thể nào giả dối.

Những súc vật trong truyện cũng rất sống; chúng cũng vui buồn, sợ hãi, mừng rỡ, suy nghĩ, đồng tình với chủ. Con chó Laxca nhìn các ông chủ đi săn như oán giận và thầm trách họ mải nói chuyện đến nỗi bắn trượt; con bò Pava sinh con đẻ cái; con ngựa Lao xao nhận ra chủ, đang lồng lộn bỗng dịu ngay xuống. Ta có cảm tưởng như chúng chỉ thiếu có điều là không biết nói, nếu không chúng là người rồi. Động vật và thiên nhiên quả giữ vai trò đáng kể trong việc phản ánh sinh hoạt, nội tâm và quan hệ của nhân vật với chung quanh. Văn Tolxtoi kỵ nhất những chữ văn hoa, mòn sáo, khó hiểu. Ông gắng viết thật giản dị, rõ ràng, không phải chỉ để người cùng sống trong giới quý tộc thưởng thức, mà cho hàng chục triệu người bình dân xem và hiểu. Ông cho những chữ thường dùng là những chữ khó dùng nhất vì nó sáng sủa, cụ thể, hay dở hoặc sai đúng ai nấy đều phân biệt được ngay, chứ không mơ hồ, rắc rối như những danh từ trừu tượng. Khi tả xã hội thượng lưu, văn ông thường đượm vẻ châm biếm với cách dùng lời ăn tiếng nói diêm dúa, kiểu cách, lai căng của họ và làm cho tầm thường đi những chữ mà họ coi là đẹp đẽ, thiêng liêng. Để chống lại hẳn lối văn bay bướm, ông dùng lối văn nhiều khi gồ ghề, thô mộc, nó đập rất mạnh vào trí tưởng tượng của người đọc hồi đó đã bị hư hỏng vì thị hiếu văn chương “lãng mạn” dễ dãi. Ông thích dùng cú pháp có sức chứng minh, thuyết phục, nên câu văn đâm trúc trắc, rườm rà; cái ông cần chính là sức mạnh và ý nghĩa, phải như cái chuông, rung và vang trong mỗi chữ, mỗi câu. Văn Tolxtoi còn có một đòi hỏi nữa rất quan trọng là phải mới, phải lạ, phải gây được những tác động đột ngột, vì ông cho “một nghệ sĩ chân chính phải nhìn thế giới bằng đôi mắt mới mẻ” và “lý tưởng chung phải được diễn đạt một cách mới mẻ và bất ngờ.” Ông tìm cái đẹp giản dị, thô mộc và mới lạ đó không phải trong sách vở hoặc trong phòng khách quý phái mà trong lời nói rất giàu hình ảnh của nông dân. Đây không phải là chuyện “hình thức”, mà là nội dung cụ thể của những quan điểm triết học và xã hội được thể hiện vào trong nghệ thuật. Những đối thoại nhân vật cũng không bao giờ chỉ là cuộc trò chuyện, trao đổi ý kiến mà thôi: nó thay thế nhiều trang miêu tả tâm lý, đồng thời nói lên quan hệ và ảnh hưởng qua lại giữa các tính cách, trên trình độ kịch tính khá cao. Ý nghĩa xã hội và tác dụng nhận thức các vấn đề lớn do cuốn truyện đặt ra chỉ biểu hiện bằng đặc điểm nghệ thuật riêng biệt như trên. Thời đại rối loạn đó được phản ánh rộng rãi và sâu sắc vào trong Anna Carenina đầy đủ như một bộ “bách khoa toàn thư về đời sống Nga”, do tác giả đã phân tích tâm lý tinh vi khi miêu tả toàn diện con người, với tiếng nói văn học rung cảm và bằng bố cục chắc tay.

*

* *

Anna Carenina làm dấy lên cuộc đấu tranh chính trị và văn học khá gay gắt. Giới phê bình phản động hồi đó hòng dùng cuốn truyện để đạt mục đích riêng bỉ ổi. Họ bóp méo cuốn truyện, cho là Tolxtoi ca ngợi xã hội quý tộc, là cuốn truyện xây dựng trên nền móng tiếp thu “di sản truyền thống văn hoá”. Họ hết lời khen những trang tả cảnh sinh hoạt gia đình Tsécbatxki. Từ cuốn truyện, họ rút ra nhận xét vu khống là đặc tính cố hữu của đàn bà là phục tùng. Họ chống lại những người đòi giải phóng phụ nữ, cho những người này “bẻ queo thiện tính đàn bà”, vì “đàn bà nói chung không thích chống đối”. Những lý lẽ phản động đó hòng xóa bỏ hoặc ít nhất hạ thấp phần phản kháng trong nhân vật Anna. Họ cho rằng nàng chỉ là loại đàn bà sống bằng tình cảm. Họ rất sợ so đọ cuốn truyện với cuộc sống thực tế của thời đại nên cố ý lờ đi mọi vấn đề xã hội trọng yếu hàng đầu được nhà văn nêu lên và biến cuốn truyện thành cuốn sử đời tư cá nhân. Mặt khác, những nhà phê bình thuộc phe tự do lại cho là Tolxtoi “ca tụng đời sống vì đời sống mà không có lý tưởng cao siêu gì.” Họ chê cuốn truyện tầm thường, không có ý nghĩa xã hội và nội dung chính chỉ là tả tình yêu. Đây là mưu gian hòng đánh lạc hướng người đọc. Tất nhiên, họ thừa biết cuốn truyện có đầy đủ ý nghĩa xã hội và ý nghĩa chống đối cả quý tộc lẫn tư sản và rất căm giận nhà văn.

Nhiều nhà văn tiến bộ hoặc có lòng tốt cũng không hiểu Tolxtoi. Những nhà phê bình thuộc phe dân tuý chê trách ông, cho cuốn truyện là đáng ghét, là “nghệ thuật phòng khách”, là “sử thi của phong cách quý tộc kiểu mới”, là “nội dung rỗng tuếch”, Turghenev cũng hết lời chê bai, cho cuốn truyện buồn chán, sặc mùi cũ rích, mùi gái già, cả mùi chủ nghĩa Xlav lẫn chủ nghĩa quý tộc và các thứ mùi vị khác đại loại như vậy! Đó chỉ là nhận xét nông nổi, hẹp hòi. Necraxov thì làm thơ chế giễu vì không nhìn thấy sự vạch mặt xã hội thượng lưu trong cuốn truyện. Xantucov Sedrin lo “phe bảo thủ đang đắc chí” sẽ dùng cuốn truyện làm “lá cờ chính trị”. Nỗi lo ngại sau thành sự thực và các phe phái phản động quả đã lợi dụng nó “phất cờ chính trị”. Còn nhiều nhà phê bình khác cũng bóp méo hoặc chê bai cuốn truyện. Qua Anna, họ cho “bản tính loài người là vô cùng gian ác”, là “hàng ngàn năm nay con người chưa gạt bỏ được thú tính”. Họ không đả động gì đến những nét xã hội trong tấn bi kịch cuộc đời Anna: mà chỉ bàn các điểm kích thích sinh vật học. Họ cho Anna, Vronxki, Carenin chỉ tự mình làm tội mình, hoàn toàn không phải lỗi ở hoàn cảnh xã hội. Họ không tin ở sức mạnh lý trí của con người, cho không thể hiểu nổi “sự bí mật hoàn cảnh cuộc sống” và khuyên nên đi tìm lối thoát ở tôn giáo thần bí. Nói chung những nhà phê bình của những năm 1870 đều không đánh giá đúng tác phẩm. Đó là chưa kể người Mỹ: họ bỏ bớt những chương viết về các vấn đề xã hội, đem in thành cuốn tiểu thuyết “lịch sử diễm tình tay ba” rẻ tiền! Chỉ dưới ánh sáng mỹ học Mác – Lenin, cuối cùng cuốn truyện mới được trả lại đúng chỗ đứng xứng đáng. Tolxtoi viết: “Mục đích nghệ sĩ không phải là giải quyết hoàn toàn đúng đắn một vấn đề đặt ra, mà chỉ bắt buộc người đọc yêu cuộc sống dưới mọi hình thái, mà những hình thái này lại vô tận. Nếu người ta bảo tôi cần viết cuốn tiểu thuyết chứng minh những tư tưởng xã hội của tôi là đúng, tôi sẽ không chịu bỏ phí hai giờ để viết quyển truyện như vậy; nhưng nếu người ta bảo cái tôi viết ra sau hai mươi năm sẽ được những người hiện giờ còn là trẻ con đọc, họ sẽ vừa khóc vừa cười trong khi đọc, và quyển truyện sẽ làm họ yêu mến cuộc sống thì tôi sẽ hiến tất cả cuộc đời và sức lực trí tuệ để làm việc đó.” Câu này bộc lộ rõ chỗ yếu và chỗ mạnh của nhà nghệ sĩ kiêm nhà tư tưởng Tolxtoi. Trong Anna Carenina, ông đã nghiêm khắc lên án lối sống ăn bám, áp bức nhân dân và có nhiều suy nghĩ sâu sắc về số phận dân tộc Nga. Nhưng ông không đủ sức chỉ ra hướng đúng đắn giải quyết những vấn đề to lớn đặt ra trong cuốn truyện và trong cuộc sống ở thời đại đó. Ông đã giải phóng cho Anna khỏi cuộc sống giả dối, tù túng nhưng rồi lại đưa nàng vào cõi chết. Bước đường tư tưởng nhân đạo của Levin cuối cùng lại chui vào chủ nghĩa duy thiện thần bí và phản động. Đúng như V.I Lenin nhận xét: “Những mâu thuẫn trong tư tưởng của Tolxtoi là một tấm gương thực sự phản chiếu những điều kiện mâu thuẫn trong đó đã diễn ra sự hoạt động lịch sử của nông dân trong quá trình cuộc cách mạng của chúng ta… Mô tả thời kỳ lịch sử đó trong đời sống ở Nga, L. Tolxtoi đã biết đề ra trong các tác phẩm của mình biết bao vấn đề to lớn, ông đã có thể đạt tới một nghệ thuật khá mạnh mẽ khiến những tác phẩm của ông đã chiếm hàng đầu trong văn học thế giới… Trong di sản của nhà nghệ sĩ thiên tài đó để lại, có cái không chìm vào dĩ vãng, có cái thuộc về tương lai”(1).

Nhị Ca


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.