Anna Karenina (Tập 1)

Phần 1 – Chương 02



3

Daria Alecxandrovna, mình khoác áo choàng, mái tóc xưa kia đẹp và dày nay đã lưa thưa, tết bím vắt ra sau gáy, đang đứng trước tủ quần áo mở toang và lục lọi lựa chọn; xung quanh bề bộn những đồ dùng. Má bà hóp lại và khuôn mặt gầy càng làm nổi bật cặp mắt to sợ sệt. Nghe thấy tiếng chồng, bà dừng tay và nhìn ra cửa, cố làm ra vẻ nghiêm khắc và khinh bỉ nhưng vô hiệu. Bà cảm thấy sợ chồng, sợ cuộc gặp gỡ này. Bà đang thử làm cái điều bà đã thử hàng chục lần trong ba hôm nay là thu xếp quần áo của các con và của mình để gửi về nhà mẹ đẻ. Cả lần này nữa, bà cũng không thể quyết định dứt khoát; nhưng cũng như lần trước, bà lại tự nhủ không thể cứ thế này mãi, thể nào mình cũng phải làm một cái gì: trừng phạt anh ta, làm anh ta phải xấu hổ, trả thù về nỗi đau đớn anh ta đã gây ra cho mình, dù chỉ phần nào thôi. Bà cứ nhắc đi nhắc lại trong bụng là mình sẽ bỏ chồng, nhưng lại cảm thấy không thể được; không thể được vì bà không thể từ bỏ thói quen coi anh ta là chồng và yêu thương anh ta. Hơn nữa, bà hiểu rằng nếu như ở đây, trong nhà mình, bà nuôi năm đứa con cũng đã thấy vất vả, thì ở chốn kia, nơi bà định đến với chúng, hẳn còn cực hơn nữa. Trong ba ngày hôm nay, đứa bé nhất đã ốm vì bị cho ăn canh thiu, còn ba đứa kia hôm qua suýt phải nhịn ăn chiều. Bà cảm thấy không thể bỏ đi được; nhưng bà cứ tự dối mình và vẫn tiếp tục nhặt nhạnh quần áo và giả bộ như sắp bỏ đi. Thoáng thấy chồng, bà thọc hai tay vào một ngăn tủ như đang tìm vật gì đó và mãi đến khi chồng đã tới sát bên cạnh, bà mới thèm ngoảnh lại nhìn ông ta một cái. Nhưng mặc dầu muốn tỏ ra nghiêm nghị và kiên quyết, mặt bà chỉ lộ vẻ bối rối và đau đớn.

– Doli! – Oblonxki nói, giọng dịu dàng và rụt rè.

Ông ta rụt đầu lại, cố nặn ra một bộ mặt quỵ lụy và thiểu não, song người ông lại roi rói tươi tắn và khỏe mạnh. Doli ướm nhìn nhanh người đàn ông ngời ngợi vẻ tươi tắn và khỏe mạnh đó. “Phải, anh ta đang sung sướng và mãn nguyện, bà nghĩ bụng… còn như mình đây! Cả đến cái tính hồn hậu của anh ta mà mọi người đều quý mến và ca tụng, mình cũng thấy ghê tởm: mình căm ghét lòng tốt của anh ta!” – Môi bà bặm lại và bộ mặt tái nhợt, tức tối, rúm ró.

– Ông muốn gì? – bà hỏi nhanh, giọng khàn khàn khác thường.

– Doli! – ông nhắc lại, giọng run run. – Hôm nay, Anna đến.

– Thế thì can gì đến tôi? Tôi không thể tiếp cô ấy được! – bà nói to.

– Dù sao cũng nên tiếp, Doli…

– Ông đi ra đi, ra đi! – Doli hét lên, không nhìn chồng, dường như tiếng kêu bật ra từ một nỗi đau thể xác. Xtepan Arcaditr hồi nãy có thể bình tĩnh khi nghĩ đến vợ, hi vọng mọi sự rồi sẽ “ổn” theo cách nói của Matvei, ông có thể điềm nhiên đọc báo và uống cà phê; nhưng khi trông thấy bộ mặt đầy vẻ tiều tụy và đau khổ, khi nghe thấy giọng nói nhẫn nhục và tuyệt vọng, ông đâm nghẹn ngào, cổ họng se lại và rơm rớm nước mắt.

– Lạy Chúa! Tôi đã làm gì nên tội, Doli! Nhân danh Chúa!… – Ông không nói tiếp được nữa; một tiếng nấc nghẹn lại trong cổ. Bà đóng sập tủ thật mạnh và nhìn chồng.

– Doli, tôi biết nói gì đây?… Chỉ một điều thôi: mình hãy tha thứ cho tôi… Mình nghĩ lại xem, chín năm trời ăn ở với nhau, lẽ nào không thể chuộc lại một phút, một phút…

Doli đưa mắt nhìn xuống và chờ đợi điều chồng sắp nói, dường như bà đang van xin chồng giải mối nghi ngờ cho mình bằng cách này hay cách khác.

– Một phút mê muội… – Oblonxki nói nốt câu và định tiếp tục, nhưng vừa nghe thấy câu đó, môi Doli bỗng mím lại như bị một cơn đau thể xác hành hạ và những bắp thịt ở má phải bà lại co rúm lại.

– Ông ra đi, ông ra khỏi đây đi! – bà rít lên the thé. – Đừng có nhắc lại với tôi những chuyện mê muội và đốn mạt của ông nữa.

Bà định ra khỏi phòng nhưng bỗng lảo đảo và phải níu vào thành chiếc ghế tựa. Mặt Oblonxki đỏ bừng, môi phồng lên, mắt đẫm lệ.

– Doli! – Lần này, ông ta vừa nói vừa nức nở. – Vì lòng yêu kính Chúa, mình hãy nghĩ đến các con, chúng nó, chúng nó vô tội! Chính tôi là kẻ gây nên tội, mình hãy trừng phạt tôi, mình hãy bảo tôi phải chuộc lỗi như thế nào. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì tôi có thể làm được. Tôi đã gây nên tội, tôi không còn biết tìm chữ gì để nói với mình rằng tội tôi nặng như thế nào. Nhưng xin mình hãy tha thứ cho tôi, Doli! Bà ngồi xuống. – Oblonxki lắng nghe nhịp thở nặng nề, hổn hển của vợ và thấy thương vợ vô cùng. Nhiều lần bà định nói nhưng không thốt nên lời. Ông vẫn chờ đợi.

– Anh nhớ đến các con là để nô đùa với chúng, còn tôi đây, tôi lo cho chúng và tôi biết rằng bây giờ đời chúng thế là bỏ đi, – bà nói. Rõ ràng đây là một trong những câu bà thầm nhắc đi nhắc lại từ ba hôm nay.

Bà đã gọi chồng bằng: “anh”, Oblonxki đưa mắt nhìn vợ tỏ vẻ biết ơn và định cầm lấy tay bà, nhưng bà ghê tởm né ra.

– Tôi nghĩ đến các con và tôi sẽ làm mọi việc trên đời để cứu chúng; nhưng chính bản thân tôi cũng không biết làm thế nào là hợp lẽ hơn: để chúng xa rời hẳn bố hay ở lại với một người trụy lạc… phải, một người trụy lạc… Nào, ông hãy nói cho tôi nghe xem là sau… cái chuyện vừa xảy ra, chúng ta còn có thể chung sống với nhau được không? Có thể được không? Ông hãy nói tôi nghe, có thể được không? – bà cất cao giọng nhắc lại, – khi mà chồng tôi, người cha của các con tôi lại đi tằng tịu với con bé dạy trẻ.

– Nhưng làm thế nào? Làm thế nào đây? – Oblonxki nói với giọng rầu rĩ, chính ông cũng không hiểu mình nói gì và đầu mỗi lúc một cúi gằm xuống.

– Đối với tôi, ông là một vật gớm ghiếc, tởm lợm! – bà nổi nóng hét lên. – Nước mắt ông chỉ là nước lã! Ông chẳng bao giờ yêu gì tôi, ông là người không có tim, chứ cao quý cái nỗi gì! Ông làm tôi phát tởm, đối với tôi, ông chỉ là người dưng nước lã, phải, chỉ là người dưng nước lã mà thôi! – Bà chua xót thốt lên cái tiếng người dưng nước lã, cái tiếng kinh khủng biết bao đối với bà. Oblonxki nhìn vợ, vẻ hằn học trên mặt bà khiến ông sợ hãi và sửng sốt. Ông không hiểu chính việc ông tỏ ra thương hại vợ đã làm bà tức giận. Doli thấy rõ chồng chỉ thương hại chứ không hề yêu mình. “Phải, cô ta căm ghét mình. Cô ta sẽ không tha thứ cho mình đâu”, Oblonxki thầm nghĩ.

– Thật đáng sợ, đáng sợ! – ông nói.

Giữa lúc ấy ở phòng bên, một đứa nhỏ, hẳn vừa bị ngã, khóc òa lên. Daria Alecxandrovna lắng tai nghe và nét mặt đột nhiên dịu đi. Bà định thần lại một lúc, như do dự, tự hỏi xem mình đang ở đâu, rồi đứng phắt dậy và đi ra cửa.

“Tuy nhiên nàng vẫn yêu con mình, Oblonxki nghĩ bụng, nhận thấy nét mặt vợ biến đổi khi nghe tiếng đứa bé khóc… con của tôi; vậy thì làm sao nàng lại đang tâm ghét bỏ mình được?”

– Doli, cho tôi nói câu nữa thôi, – ông vừa nói vừa chạy theo vợ.

– Nếu ông đi theo tôi, tôi sẽ gọi bọn người làm, gọi bọn trẻ đến! Cho tất cả chúng nó biết ông là đồ thô bỉ! Tôi đi khỏi đây bây giờ cho ông ở lại với nhân tình của ông.

Bà bước ra, đóng sập cửa lại. Xtepan Arcaditr thở dài, thấm mồ hôi trên mặt và lặng lẽ bước ra cửa.

“Matvei bảo mọi việc rồi sẽ ổn, nhưng ổn là ổn thế nào chứ? Mình thấy chả chắc gì. Ôi thật là tai hại! Mà sao cô ta lại ăn nói thô tục đến thế! Oblonxki nghĩ thầm, nhớ lại những lời vợ tru tréo, những tiếng “thô bỉ” và “nhân tình”, khéo mà bọn gái hầu phòng nghe thấy mất thôi! Thật là thô tục ghê gớm!” Xtepan Arcaditr đứng lại một mình trong giây lát, lau nước mắt, thở dài và dướn thẳng người, đi ra khỏi phòng. Hôm đó là thứ sáu; trong phòng ăn, bác thợ đồng hồ người Đức đang lên dây chiếc đồng hồ quả lắc. Xtepan Arcaditr sực nhớ tới câu ông nói bỡn con người rất đúng giờ giấc này: “Anh chàng người Đức này đã được lên dây cót đời mình để làm nghề lên dây cót đồng hồ” và ông mỉm cười. Xtepan Arcaditr vốn thích những chữ ý nhị. “Có thể là chuyện đó sẽ “ổn” thực; cái từ ấy hay đấy, ta sẽ dùng lại nó.”

– Matvei! – Ông gọi, – bác với Maria hãy sửa soạn mọi thứ ở phòng khách cho cô Anna Arcadievna nhé, – ông nói với bác hầu phòng vừa xuất hiện.

– Thưa ông, vâng ạ.

Xtepan Arcaditr mặc áo choàng lông và bước ra thềm cửa.

– Ông không ăn chiều ở nhà ạ? – Matvei vừa tiễn chủ vừa hỏi.

– Còn tùy xem. Này, tiền chi các khoản đây, – Oblonxki nói, rút trong ví ra mười rúp. – Có đủ không?

– Đủ hay không, thì cũng phải bằng lòng vậy thôi, – Matvei nói, đóng cửa xe và bước lên bậc thềm. Trong khi ấy, Daria Alecxandrovna dỗ con nín xong, nghe thấy tiếng bánh xe ngựa lăn, biết chồng đã đi rồi và quay về buồng mình. Đó là nơi ẩn náu duy nhất: cứ động ra khỏi đấy, là những lo lắng về chuyện nhà cửa lại bủa vây lấy bà. Ngay cả vừa nãy, trong quãng thời gian ngắn ngủi bà sang buồng lũ trẻ, chị vú nuôi người Anh và bác Matriona Filimonovna cũng đã hỏi bà về bao việc không thể trì hoãn được, và chỉ có bà mới trả lời nổi: mặc quần áo gì cho trẻ con để dẫn đi chơi? Cho chúng uống sữa có được không? Liệu có phải tìm anh bếp khác không?

– Trời! Để tôi yên! – bà bảo họ, và trở về phòng ngủ, bà lại ngồi vào chỗ cũ lúc nói chuyện với chồng; hai bàn tay ngón gầy nhẳng, nhẫn đeo đã lỏng tuột, ép chặt vào nhau, bà ôn lại từ đầu đến cuối cuộc nói chuyện giữa hai người hồi nãy. Chàng đi rồi! Nhưng chàng đã cắt đứt với con kia ra sao? Liệu chàng còn tìm gặp nó nữa chăng? Tại sao mình lại không hỏi chàng điều đó nhỉ? Không, không, hai chúng mình không thể nào cùng chung sống với nhau được nữa. Dù có ở cùng nhà, mình và anh ta sẽ vẫn là người dưng nước lã với nhau. Mãi mãi! Người dưng nước lã! Bà cứ một mực nhay đi nhay lại cái tiếng phũ phàng đó. Tuy nhiên trước kia, ta yêu chàng biết mấy, lạy Chúa, trước kia ta yêu chàng nhường nào!… Xưa ta yêu chàng nhường nào! Và bây giờ, phải chăng ta không yêu chàng? Hay có khi ta còn yêu chàng hơn trước nữa cũng nên? Điều đáng sợ nhất là…”, bà bắt đầu ngẫm nghĩ, nhưng không có thì giờ nghĩ nốt vì Matriona Filimonovna đã ló đầu qua khung cửa.

– Xin bà cho tìm em trai tôi vậy, – Matriona nói, – ít ra nó cũng có thể nấu bữa chiều hầu bà, kẻo lại giống như hôm qua và các em sẽ phải nhịn ăn mãi đến tận sáu giờ mất thôi.

– Được, tôi sẽ sai làm ngay bây giờ. Có người đi lấy sữa tươi chưa? – Thế là Daria Alecxandrovna lại lao đầu vào những lo lắng thường ngày và dìm nỗi phiền muộn vào đó trong chốc lát.

5

Xtepan Arcaditr trước đây học khá vì ông vốn thông minh; nhưng tính lười nhác và nông nổi khiến ông tốt nghiệp trong số những người đội sổ. Tuy nhiên, mặc dầu sống phóng túng, thứ bậc kém và trẻ tuổi, Oblonxki vẫn giữ một chức vị kha khá và lương nhiều: ông là chánh án một tòa án ở Moxcva. Oblonxki có được chức vụ đó là nhờ ông chồng cô em Anna tức Alecxei Alecxadrovitr Carenin, một trong những quan chức quan trọng nhất của Bộ trực tiếp chỉ đạo Tòa án đó; nhưng ví bằng không có Carenin, thì hàng trăm người khác, anh chị em họ, bà con, chú bác cũng có thể kiếm cho ông cái địa vị đó hoặc một địa vị khác tương tự, với số lương sáu nghìn rúp cần thiết cho ông sinh sống, vì mặc dầu có cái gia sản của vợ, ông làm ăn vẫn cứ lẹt đẹt. Kể có tới nửa Moxcva và Peterburg là chỗ thân thuộc và bè bạn của Xtepan Arcaditr. Ông vốn sinh trong giới những người có quyền lực trên thế gian này. Một phần ba các chính khách của thế hệ trước là bạn bè của ông thân sinh ra Oblonxki và biết ông từ hồi còn ẵm ngửa; cái phần ba thứ hai vào loại cậu cậu tớ tớ với ông và quan hệ của ông đối với cái phần ba thứ ba cũng rất tốt; những người phân phối của cải trên đời, dưới hình thức việc làm, trang trại, nhượng địa, v.v… tất cả đều là bạn bè của ông và chả lẽ lại bỏ rơi người thân. Cho nên Oblonxki chẳng phải chật vật gì cũng vẫn kiếm được một chỗ làm nhiều bổng lộc; ông chỉ việc đừng có khước từ cái gì, đừng ganh tị mà cũng đừng gây sự với ai, đừng tỏ ra hay động lòng, mà điều này lại chính là cái xu hướng hồn hậu bẩm sinh của ông. Hẳn ông sẽ coi là chuyện kỳ khôi nếu người ta từ chối không cho ông cái địa vị và số lương ông đang cần, vả chăng ông có yêu cầu điều gì khác thường đâu, chỉ đơn giản là cái mà những người vào lứa tuổi ông đều có thể đạt được, và ông hoàn toàn có khả năng làm tròn loại công việc đó như ai khác. Tất cả những người quen biết Xtepan Arcaditr mến ông không phải chỉ vì tính nết tốt, sự hoạt bát và lòng trung thực hiển nhiên của ông. Cái bề ngoài quyến rũ, cặp mắt sáng long lanh, đôi lông mày và mớ tóc đen nhánh, nước da tươi tắn của ông có sức hấp dẫn thể chất với tất cả những ai gặp ông, khiến họ thấy khoái hoạt hẳn lên. “A, Xtiva! Oblonxki! Anh ta kia kìa!”, họ reo lên và hầu như bao giờ cũng nở một nụ cười rạng rỡ mỗi khi trông thấy ông. Và cho dù cuộc trò chuyện chẳng mang lại điều gì đặc biệt thích thú, người ta vẫn không kém hoan hỉ khi gặp lại ông ngày hôm sau và hôm sau nữa. Giữ địa vị chánh án trong một tòa án ở Moxcva từ hai năm nay, Xtepan Arcaditr đã chiếm được lòng quý mến và vì nể của các bạn đồng sự, cấp dưới và cấp trên, của mọi người có quan hệ công việc với ông. Những đức tính đã đem lại cho ông cái uy tín rộng khắp ấy là: thứ nhất, thái độ khoan dung rất mực đối với mọi người, dựa trên ý thức về những khuyết điểm của bản thân; thứ hai, một đầu óc tự do tuyệt đối, không phải thứ chủ nghĩa tự do người ta thường huênh hoang với ông trên báo chí, mà là thứ chủ nghĩa tự do sẵn có từ trong máu, nó giúp ông đối xử với mọi người nhất loại như nhau không phân biệt địa vị và hoàn cảnh; thứ ba, và đây là điểm quan trọng nhất, thái độ hoàn toàn dửng dưng với nghề nghiệp, nó giữ cho ông khỏi say mê hoặc phạm điều vụng dại. Đến tòa án, Xtepan Arcaditr đi về phòng làm việc, theo sau là gã lính hầu khúm núm mang cặp hồ sơ; ở đó, ông mặc quần áo quan tòa rồi bước vào phòng nghị án. Những vị bồi thẩm và lục sự đứng dậy hết và vui vẻ, kính cẩn chào. Như thường lệ, Xtepan Arcaditr bước nhanh đến chỗ mình, bắt tay các thẩm phán và ngồi xuống. Ông nói đùa, trò chuyện với họ trong giới hạn nghiêm ngặt của thủ tục và khai mạc phiên họp. Không ai duy trì đúng mức hơn ông cái chừng mực giữa sự phóng túng, giản dị với giọng trịnh trọng cần thiết phải giữ để thừa hành nghề nghiệp một cách thoải mái. Người thư ký mang giấy má đến, vui vẻ và kính cẩn như tất cả những ai làm dưới quyền Xtepan Arcaditr, và nói bằng cái giọng thân mật, phóng túng mà Oblonxki đã khơi mào:

– Cuối cùng, tòa án tỉnh Penđa đã cung cấp tình hình cho chúng ta. Đây, xin trình ngài những tài liệu ấy…

– A! Ông đã có tình hình rồi đấy ư? – Xtepan Arcaditr nói, luồn ngón tay vào giữa những tờ giấy. – Vậy thì, Thưa quý vị… Phiên họp bắt đầu. “Nếu họ biết, – Oblonxki nghĩ thầm, đầu nghiêng nghiêng trịnh trọng trong khi nghe đọc bản tường trình, – nếu họ biết trước đây nửa tiếng đồng hồ, ông chánh án của họ đã mang bộ mặt con nít phạm lỗi như thế nào!” Và đôi mắt ông cười. Buổi họp phải tiếp tục luôn một mạch đến tận hai giờ; đến hai giờ, sẽ tạm nghỉ họp để ăn trưa. Khoảng gần hai giờ, cánh cửa kính cao của phòng thường mở toang và một người bước vào. Tất cả các vị thẩm phán, ngồi dưới chân dung đức vua, sau tấm gương của công lý, đều quay nhìn phía cửa ra vào, khoái chí vì cơ hội giải trí đó; nhưng người mõ tòa đã tống ngay kẻ vừa đột nhập kia ra và đóng cửa lại. Khi bản tường trình được đọc xong, Xtepan Arcaditr vươn vai, và theo cái chủ nghĩa tự do đương thời, hút thuốc lá ngay giữa phòng nghị án trước khi trở về phòng làm việc. Hai ông bạn đồng sự, vị lão thành Nikitin và nhà quý tộc của nghị viện Grinevitr, cùng ra với ông.

– Sau bữa ăn, chúng ta còn đủ thì giờ làm nốt, – Xtepan Arcaditr nói.

– Nhất định rồi! – Nikitin trả lời.

– Thằng cha Fomill ấy ắt hẳn là một tên lưu manh khét tiếng. Grinevitr nói về một trong những nhân vật có dính líu đến vụ án họ đang thẩm xét. Xtepan Arcaditr cau mày, có ý muốn để mọi người ngầm hiểu là không nên phát biểu một lời phán xét trước như thế và không trả lời gì.

– Lúc nãy ai vừa vào đấy? – ông hỏi người mõ tòa.

– Bẩm quan lớn, có một người không được phép mà vẫn cứ lén vào, lúc chúng tôi vừa quay lưng đi. Hắn hỏi quan lớn. Chúng tôi đã bảo hắn phải chờ cho đến khi bãi tòa.

– Vậy hắn đâu?

– Tôi chắc hẳn ra ngoài phòng chờ, hắn vừa đi bách bộ ở đây. Hắn kia rồi, – người mõ tòa vừa nói vừa chỉ một người đàn ông vạm vỡ, vai rộng, râu quăn, đang chạy phăng phăng lên chiếc cầu thang bằng đá mòn nhẵn, chiếc mũ da cừu vẫn đội nguyên trên đầu. Một viên chức tòa án đang đi xuống, dáng giảo hoạt, tay cắp cặp, nhìn đôi chân của người trai trẻ ra vẻ bất bình và đưa mắt dò hỏi Oblonxki. Xtepan Arcaditr dừng lại ở bậc thang thứ nhất. Trên cổ áo thêu của bộ đồng phục, nét mặt hớn hở của ông sáng ngời lên khi nhận ra người vừa tới.

– Chính hắn! Levin đây rồi! – ông nói, vừa mỉm cười thân ái vừa giễu cợt, vừa nhìn Levin đang bước tới. – Cậu không sợ phải đến tìm mình trong cái hang hùm này ư? – Xtepan Arcaditr nói, không chỉ bắt tay mà còn ôm hôn Levin. – Cậu đến đây đã lâu chưa?

– Mình vừa mới tới và mình muốn gặp cậu quá, Levin trả lời, nhìn quanh có vẻ rụt rè, vừa bực dọc vừa lo ngại.

– Về phòng làm việc của mình đi, – Xtepan Arcaditr nói, vốn biết cái tính rụt rè vừa tự phụ vừa đa nghi của bạn; và ông nắm lấy cánh tay Levin kéo đi như kiểu dẫn dắt chàng qua những bước hiểm nghèo. Xtepan Arcaditr mình mình cậu cậu với hầu hết những người quen: từ ông già sáu mươi đến chàng trai hai mươi, từ đào kép đến bộ trưởng, từ thương gia đến tướng lĩnh… thành thử đa số những người ông thường mình mình cậu cậu là thuộc hai đầu bậc thang xã hội và hẳn họ sẽ rất kinh ngạc nếu được biết nhờ Oblonxki mà họ có cái gì tương đồng với nhau. Ông xưng hô mình mình cậu cậu với tất cả những ai cùng ông uống rượu sâm banh, mà ông thì cạn cốc sâm banh với khắp thiên hạ; cho nên, trước mặt những người dưới quyền, khi gặp một trong những người xấu hổ vì bị mình mình cậu cậu – ông thường gọi đùa một số lớn bạn bè như thế – với sự tế nhị sẵn có, ông luôn biết tránh cho cấp dưới khỏi có cảm giác khó chịu. Levin không phải là một người xấu hổ vì bị mình mình cậu cậu, nhưng tự nhiên Oblonxki cảm thấy Levin cho rằng có lẽ ông không nên phô trương sự thân mật giữa hai người trước mặt cấp dưới, vì vậy ông vội vàng đưa Levin về phòng làm việc. Levin gần trạc tuổi với Oblonxki và sở dĩ chàng mình mình cậu cậu với ông, đó không phải chỉ đơn thuần vì họ đã cùng uống sâm banh với nhau. Họ chơi với nhau từ hồi nhỏ. Mặc dầu khác biệt về tính tình và sở thích, họ yêu thương nhau như hai người bạn gắn bó từ lúc ấu thơ thường yêu nhau. Nhưng, như thường xảy ra giữa những người đã chọn những lĩnh vực hoạt động khác nhau, tuy về lý lẽ người nọ vẫn tán thành hoạt động của người kia, song thâm tâm lại miệt thị nó. Người nào cũng nghĩ cuộc đời mình đang sống mới là cuộc đời chân chính duy nhất còn cuộc đời bạn mình đang sống chỉ là… ảo giác. Oblonxki không thể kìm được nụ cười châm biếm nhẹ nhàng khi trông thấy Levin. Biết bao lần ông thấy Levin, từ nông thôn ra, nơi chàng đang làm “một việc gì” (Xtepan Arcaditr không biết đích xác đó là việc gì và tuyệt nhiên không quan tâm đến chuyện ấy). Levin đến Moxcva bao giờ cũng nháo nhác, vội vã, hơi rụt rè và bực dọc về tính rụt rè đó, nhiều khi mang theo những quan điểm hoàn toàn mới và bất ngờ về mọi sự. Xtepan Arcaditr thường cười bạn về điều đó và lấy thế làm vui thích. Về phía mình, Levin cũng coi thường cuộc sống thị thành và nghề nghiệp của bạn mà chàng coi là trò đùa và thường đưa ra chế giễu. Chỉ khác một điều là Oblonxki xử sự như tất cả mọi người, cười một cách tự tin và dễ dãi, còn Levin thì nghi ngờ chính bản thân mình và đôi khi thường cười gượng.

– Bọn mình chờ cậu đã lâu, – Xtepan Arcaditr nói, khi vào đến phòng làm việc và buông tay bạn, như để tỏ ra không còn gì nguy hiểm nữa. – Mình rất sung sướng được gặp cậu, – ông nói tiếp – Cậu có khỏe không? Hiện đang làm gì? Cậu đến lúc nào vậy? Levin lặng thinh, nhìn bộ mặt lạ lẫm của hai bạn đồng sự với Oblonxki và nhất là bàn tay anh chàng Grinevitr sang trọng, ngón búp măng trắng muốt, móng dài vàng vàng và cong cong ở đầu, cùng những cái cúc to tướng lấp lánh ở cổ tay áo; đôi bàn tay đó dường như thu hút tất cả sự chú ý của chàng và khiến tâm trí chàng mất cả thoải mái. Oblonxki nhận ra điều đó ngay và mỉm cười.

– À phải, cho phép tôi giới thiệu các ngài với nhau, – ông nói. – Các bạn đồng sự của tôi: Filip Ivanovitr Nikitin, Misen Xtanixlavitr Grinevitr, và quay lại phía Levin: một quan cai trị tỉnh nhỏ, con người mới của hội đồng tự trị địa phương, một lực sĩ một tay nhấc nổi năm pút(7), một nhà chăn nuôi và một nhà săn bắn, ông bạn Conxtantin Dimitrievitr Levin của tôi, em trai Xergei Ivanovitr Coznusev.

(7) Đơn vị trọng lượng của Nga bằng 16,38 kg.

– Rất hân hạnh, – ông già nhỏ bé nói.

– Tôi đã có vinh dự được biết lệnh huynh Xergei Ivanovitr, – Grinevitr nói, chìa bàn tay thanh tú để móng dài ra.

Levin sa sầm mặt; chàng lạnh lùng bắt tay Grinevitr và lập tức quay về phía Oblonxki. Mặc dầu rất mến phục ông anh cùng mẹ khác cha, nhà văn nổi tiếng khắp nước Nga, chàng không chịu được khi người ta nói với mình không phải như nói với Conxtantin Levin mà là với em trai nhà văn Coznưsev trứ danh.

– Không, tôi không ở trong hội đồng nữa đâu. Tôi đã xích mích với tất cả mọi người và không đến dự các phiên họp nữa, – chàng quay lại nói với Oblonxki.

– Thế là chuyện chẳng đi đến đâu cả! – Oblonxki mỉm cười nói. – Nhưng đầu đuôi thế nào? Tại sao vậy?

– Chuyện dài lắm. Mình sẽ kể cho cậu nghe sau, – Levin nói thế, nhưng chàng lại kể ngay tức khắc. – Nói vắn tắt là mình tin chắc không thể nào làm việc với hội đồng được, – chàng nói với giọng của kẻ vừa bị lăng nhục. – Một mặt, đó là một thứ đồ chơi: người ta vui chơi ở nghị viện; vậy mà mình thì chả còn non trẻ, cũng chưa đến nỗi già nua gì để vui thú với những thứ đồ chơi, và mặt khác (chàng ngần ngừ), đó là một thứ phe cánh ở tỉnh nhỏ nhằm mục đích kiếm tiền. Trước kia, có chế độ bảo hộ, có tòa án, bây giờ thì là hội động tự trị, ở đây người ta không ăn hối lộ, nhưng lại kiếm được những khoản bổng lộc không phải do công sức làm ra, – chàng hăm hở nói, như thể trong số những người đứng đấy có ai định bác bỏ ý kiến của mình.

– Chà! Chà! Mình thấy cậu đang ở một giai đoạn mới đấy, cậu hướng về phe bảo thủ mất rồi, – Xtepan Arcaditr nói với Levin. – Ta sẽ trở lại chuyện đó sau.

– Phải, đúng vậy. Nhưng mình cần gặp cậu, – Levin nói, hằn học nhìn đôi bàn tay của Grinevitr. Xtepan Arcaditr thoáng mỉm cười.

– Thế nào, dạo nọ cậu bảo là sẽ không vận âu phục nữa kia mà! – ông vừa nói vừa ngắm nghía bộ đồ mới của bạn, rõ ràng vừa ở một cửa hàng may người Pháp ra. – Quả đúng vậy: một giai đoạn mới…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.