Anna Karenina (Tập 1)

Phần 2 – Chương 10



25

Mười bảy sĩ quan tham dự cuộc đua. Họ phải chạy theo vòng đua hình bầu dục lớn dài bốn dặm qua trước khán đài. Chín chướng ngại được dựng trên đường: một con ngòi, một hàng rào kín cao hai ácsin ngay trước khán đài, một hố khô, một hố đầy nước, một cái dốc, một luỹ lếclăng (một chướng ngại loại khó nhất) làm bằng bờ đất cắm đầy cành lá, che lấp một cái hố đằng sau, thành thử ngựa hoặc phải nhảy qua hai chướng ngại luôn một lúc hoặc có thể toi mạng; rồi hai hố khô, một hố đầy nước nữa và chặng cuối cuộc đua ngay trước khán đài. Cuộc đua không bắt đầu trong vòng đua mà cách xa hơn trăm xa gien và trên quãng đường đó có chướng ngại đầu tiên: con ngòi đắp đê, mà kỵ sĩ có thể tùy ý nhảy hay lội qua. Đã ba lần các kỵ sĩ xếp thành hàng, nhưng mỗi lần lại có một con ngựa chạy trước nên phải làm lại. Đại tá Xextrin, chỉ huy xuất phát, bắt đầu cáu; cuối cùng ông kêu lên lần thứ tư “Xuất phát!” và các kị sĩ lao đi.

Mọi cặp mắt, mọi ống nhòm đều hướng về tốp kị sĩ xanh xanh đỏ đỏ đang phi đến gần khán đài.

– Họ kia rồi! Họ đã chạy qua! – tiếng reo vang lên bốn phía, sau phút im lặng đợi chờ.

Và những khán giả riêng lẻ hoặc họp thành từng tốp chạy nơi này nơi nọ để nhìn rõ hơn. Ngay từ phút đầu toán kị sĩ dày đặc đã tản ra và người ta thấy họ phi đến gần con ngòi thành từng nhóm nhỏ hai ba người hoặc người nọ sau người kia. Đối với khán giả, họ hình như cụm với nhau, nhưng những khoảng cách nhỏ ngăn chia họ rất quan trọng với từng kị sĩ. Con Lao xao, bị khích động và quá hung hăng, lúc đầu tụt lại sau và bị nhiều con khác bỏ cách; nhưng ngay khi sắp đến con ngòi, Vronxki tuy đã ra sức ghìm nó lại vẫn dễ dàng đuổi kịp ba con khác. Trước mặt chàng chỉ còn con Võ sĩ, chạy trước hơn hẳn một mình ngựa và trước nữa là con Đian xinh đẹp mang Kudovlev đang hồn xiêu phách lạc. Trong những phút đầu, Vronxki không làm chủ được cả bản thân mình lẫn ngựa. Đến chướng ngại đầu tiên là con ngòi, chàng vẫn chưa điều khiển nổi những động tác của con Lao xao. Con Võ sĩ và con Đian song song tiến lên và gần như đồng thời nhảy vọt qua con ngòi sang bờ bên kia: tiếp sau chúng, con Lao xao rời mặt đất băng qua nhẹ như bay; nhưng đúng lúc Vronxki cảm thấy đang ở trên không, chàng bỗng thoáng thấy, gần như ngay dưới chân ngựa mình, Kudovlev đang giãy giụa cùng con Đian ở bờ bên kia. (Kudovlev đã buông tay sau khi nhảy qua và ngã lộn qua đầu ngựa). Mãi sau này Vronxki mới biết rõ những chi tiết đó: lúc bấy giờ, chàng chỉ thấy một điều: là con Lao xao có thể giẫm lên đầu hoặc đùi con Đian ở ngay dưới người chàng. Nhưng Lao xao, như con mèo rơi xuống, gắng ưỡn lưng và chân ngay khi còn ở trên không, tránh được con vật kia và tiếp tục chạy. “Ôi, tuấn mã của ta!”, Vronxki thầm nghĩ. Sau khi vượt qua ngòi, Vronxki đã hoàn toàn làm chủ được ngựa và bắt đầu ghìm nó lại, chàng dự tính nhảy qua hàng rào lớn sau Makhotin và gắng vượt y trên quãng hai trăm xa gien đất bằng tiếp sau đó. Hàng rào lớn ở ngay trước khán đài nhà vua. Hoàng thượng cùng toàn triều đình và một đám đông đang dán mắt nhìn: nhìn chàng và Makhotin đang chạy trước, khi hai người đến gần con “quỷ” (hàng rào kín được gọi như vậy). Vronxki cảm thấy những cặp mắt từ mọi phía hướng về mình, nhưng chỉ trông thấy đôi tai và cổ ngựa mình, dải đất chạy ngược lại và chiếc mông cùng bộ chân trắng của con Võ sĩ đang gõ nhịp trước mặt và vẫn cách xa như cũ. Con Võ sĩ nhảy vọt qua không vướng mắc, vẫy cái đuôi ngắn và biến khỏi tầm mắt Vronxki.

– Hoan hô! – có tiếng reo lên.

Cùng lúc đó, Vronxki đã ở trước ván hàng rào. Không hề thay đổi tốc độ, con ngựa chồm lên dưới người chàng; những tấm ván biến mất nhưng chàng nghe thấy tiếng vấp đằng sau. Lao xao, hăng máu lên vì thấy con Võ sĩ chạy trước, đã nhảy quá sớm và chạm một trong hai móng sau vào hàng rào. Nhưng nó không hề chạy chậm lại và Vronxki bị một vốc bùn bắn vào giữa mặt, thấy mình vẫn cách con Võ sĩ như cũ. Chàng thoáng thấy trước mặt cái mông, cái đuôi ngắn và bốn vó trắng chuyển động nhanh thoăn thoắt vẫn giữ khoảng cách gần như trước. Đúng lúc Vronxki tự nhủ là đã đến lúc phải vượt Makhotin, Lao xao đã đoán được ý chủ, không cần thôi thúc, tăng tốc độ rõ rệt và tiến lên gần Makhotin về phía dây biên. Nhưng Makhotin chạy sát vào dây biên. Vronxki vừa kịp nghĩ mình có thể vượt ở phía ngoài thì Lao xao đã đổi chân và chạy chéo lên. Vai nó, sẫm lại vì mồ hôi, ở ngang tầm mông con Võ sĩ. Trong vài giây họ sóng đôi chạy bên nhau. Nhưng, đúng ngay trước chướng ngại sau, Vronxki giật cương để tiến sát dây biên và vun vút vượt lên trước Makhotin ở giữa dốc. Chàng nhìn thấy khuôn mặt y lấm bùn khi vượt qua. Chàng còn thấy hình như y cười nữa. Vronxki đã bỏ cách Makhotin nhưng vẫn cảm thấy y ở sau và nghe thấy ngay sau lưng tiếng vó phi đều đặn và hơi thở dồn dập nhưng không lộ vẻ gì mệt nhọc của con Võ sĩ.

Hai chướng ngại sau: một hố và một hàng rào, đã vượt qua dễ dàng, nhưng Vronxki nghe thấy hơi thở và tiếng vó phi sát lại gần. Chàng thúc ngựa và vui sướng cảm thấy nó chạy nhanh hơn không chút khó nhọc: tiếng vó ngựa Võ sĩ xa dần. Vronxki đang dẫn đầu cuộc đua: đó là điều chàng mong muốn và điều Coóc đã khuyên: bây giờ chàng nắm chắc phần thắng. Nỗi xúc động, vui sướng và lòng yêu mến con Lao xao càng tăng lên. Chàng thèm nhìn lại sau, nhưng không dám, cố trấn tĩnh và không thúc ngựa nữa để dành lại cho nó cái dư lực tương đương mà chàng cảm thấy con Võ sĩ vẫn còn. Bây giờ chỉ còn một chướng ngại nữa, cái khó nhất: nếu vượt trước mọi người thì chàng sẽ về nhất. Chàng vun vút phi đến gần luỹ Iêclăng. Con Lao xao nhìn thấy nó cùng một lúc với chàng và cả người lẫn ngựa đều có một phút do dự. Chàng nhận thấy sự do dự đó ở đôi tai ngựa và vung roi lên, nhưng lập tức cảm thấy sự nghi ngờ đó là vô căn cứ: con vật biết rõ phải làm gì. Nó phi nhanh hơn và đúng như dự đoán, nó lấy đà tách khỏi mặt đất và buông mình cho lực quán tính đưa nó vượt sang bên kia hố, rồi vẫn với đà ấy không cần cố gắng, vẫn nhịp vó ấy, con Lao xao tiếp tục chạy.

– Hoan hô Vronxki, – tiếng reo hò vang lên trong một đám người, chàng biết các bạn trong trung đoàn đang đứng gần chướng ngại đó; chàng không thể không nhận ra tiếng Yasvin, nhưng không trông thấy anh ta. “Ôi, tuấn mã của ta!”, chàng thầm nói với Lao xao, đồng thời lắng nghe những điều xảy ra sau lưng. “Nó đã nhảy qua!”, chàng nghĩ vậy khi nghe thấy tiếng vó phi của con Võ sĩ. Chỉ còn lại cái hố đầy nước, rộng hai ác sin. Vronxki thậm chí cũng không thèm nhìn cái hố đó nhưng muốn về nhất trội hẳn, chàng bèn giật cương theo một động tác vòng tròn làm đầu ngựa lần lượt ngẩng lên, cúi xuống theo nhịp phi. Chàng cảm thấy con Lao xao đang ngốn sức dự trữ cuối cùng. Không những cổ và vai nó ướt đầm, mà mồ hôi còn đọng thành giọt trên gáy, đầu và đôi tai nhọn, hơi thở nó ngắn và hổn hển. Nhưng chàng biết sức dự trữ đó thừa đủ cho hai trăm xa gien cuối cùng. Chỉ riêng cái cảm giác thấy mình lướt sát mặt đất hơn và nhịp ngựa phi êm hơn cũng đủ cho chàng biết nó tăng tốc độ. Nó nhảy qua chiếc hố như một trò đùa. Nó bay qua như chim: nhưng cùng lúc ấy, Vronxki sợ hãi cảm thấy mình đã không theo khớp động tác của con ngựa và khi buông mình xuống yên, chàng đã mất thăng bằng một cách không thể tha thứ, không thể giải thích được. Tình thế bỗng đột nhiên thay đổi và chàng chợt hiểu một cái gì khủng khiếp vừa xảy ra. Chàng chưa kịp nhận rõ điều gì đã xảy ra thì bộ chân trắng con Võ sĩ đã vượt qua sát ngay cạnh như tia chớp: Makhotin phi nước đại xa dần. Vronxki chạm một chân xuống đất và con ngựa cái ngã gục đè lên bàn chân đó. Chàng vừa kịp rút chân ra thì nó đã lăn nghiêng sang bên, vừa nặng nhọc thở phì phì vừa cố ngóc cái cổ mảnh dẻ đầm đìa mồ hôi đứng dậy, nhưng vô hiệu. Nó giãy giụa trên mặt đất, dưới chân chàng, như con chim bị thương. Động tác vụng về của Vronxki đã làm nó gãy xương sống. Nhưng mãi sau này chàng mới hiểu điều đó. Lúc bấy giờ, chàng chỉ thấy có một điều là: Makhotin đã nhanh chóng bỏ xa, còn chàng thì ở lại đó, đứng sững trên nền đất ướt át, còn Lao xao thì nằm sóng soài trước mặt, hơi thở nặng nhọc, cái đầu nghiêng về phía chàng và đôi mắt đẹp nhìn chàng không hiểu việc gì đã xẩy ra. Vronxki kéo cương. Nó giãy giụa như con cá, làm những miếng da yên kêu cót két, nó đứng lên hai chân trước, nhưng không nhấc nổi thân sau, lại lập tức lảo đảo và lăn kềnh sang bên. Vronxki mặt biến sắc vì tức giận, tái xanh, quai hàm dưới run run, chàng nện gót chân vào bụng nó và lại giật cương. Nhưng nó không cựa quậy nữa, và, mõm vục xuống đất, nó chỉ lẳng lặng nhìn chủ bằng cái nhìn như biết nói.

– Ô-ô-ôi! – Vronxki gầm lên, hai tay ôm đầu. – Ôi-ô-ôi! Tôi đã làm gì thế này? – Chàng kêu to. – Cuộc đua thế là thất bại! Đó là lỗi tại tôi, một cái lỗi nhục nhã, không thể tha thứ được! Còn con vật khốn khổ, xinh đẹp thế là hết kiếp rồi! Ô-ô-ôi! Tôi đã làm gì thế này? – Mọi người, y sĩ phẫu thuật, người giúp việc ông ta, các sĩ quan trong trung đoàn chàng chạy đến. Chàng tuyệt vọng về nỗi mình vẫn khỏe mạnh lành lặn. Con ngựa bị gãy xương sống: phải giết nó thôi. Vronxki không thể trả lời những câu hỏi, cũng không thể nói chuyện với ai. Chàng quay đi và bỏ lại chiếc mũ lưỡi trai rơi xuống đất, chàng trốn khỏi trường đua, không biết mình đi đâu. Chàng khổ sở vô cùng. Lần đầu tiên trong đời, chàng phải chịu đựng một nỗi đau khổ nặng nề, không sao gỡ được nữa, mà lại do chính mình gây nên. Yasvin đuổi theo để trả lại mũ lưỡi trai và đưa chàng về nhà. Nửa giờ sau, Vronxki mới định thần lại. Nhưng mãi về sau, cuộc đua đó đối với chàng vẫn là kỉ niệm nặng nề nhất trong đời.

26

Mối quan hệ bề ngoài giữa Alecxei Alecxandrovitr và vợ vẫn giữ nguyên như xưa. Điều duy nhất khác trước là ông ta càng làm việc nhiều hơn. Như những năm trước, ông ra nước ngoài từ đầu xuân, để khôi phục ở suối nước nóng sức khỏe mỗi năm một thêm lung lay vì công việc phải làm trong mùa đông. Ông trở về vào tháng bảy và lập tức bắt tay vào công việc, càng hăng hơn. Vợ ông theo thường lệ về nông thôn, còn ông ở lại Peterburg. Kể từ lần nói chuyện giữa hai người sau buổi tối ở nhà quận chúa Tverxcaia trở về, ông ta không bao giờ phát biểu những nghi hoặc và ghen tuông với Anna nữa, và cái giọng mỉa mai thường lệ của ông càng vô cùng thuận tiện trong mối quan hệ hiện giờ với vợ. Ông tỏ ra hơi lạnh nhạt hơn với nàng. Ông chỉ không bằng lòng tí chút vì nàng đã né tránh lần nói chuyện đầu tiên đó. Thái độ ông đối với nàng hơi có vẻ bực dọc, nhưng chỉ thế thôi. “Cô đã không muốn chúng ta giãi bày với nhau, ông ta hình như muốn thầm nói với nàng như vậy, thì mặc kệ cô. Bây giờ đến lượt cô phải cầu xin tôi điều đó thì tôi sẽ từ chối. Mặc kệ cô”, ông nhủ thầm như người đã cố dập tắt đám cháy mà không được, nên tức bực và nói: “Đã thế thì cháy đi, cứ tha hồ mà cháy đi!” Con người ấy vốn thông minh và tinh tế trong khi thừa hành chức vụ, lại không thấy thái độ mình đối với vợ như vậy là vô cùng dại dột. Ông không thấy điều đó, vì không có gan tìm hiểu tình cảnh hiện nay của mình, ông đóng chặt và niêm phong kín trong đáy lòng cái ngăn kéo đựng tình cảm đối với gia đình, nghĩa là đối với vợ con. Ông vốn là người cha chịu khó chăm sóc con, thế mà đến cuối đông, ông bắt đầu lạnh nhạt với con và khi nói với nó, ông cũng dùng giọng châm biếm thường dùng với vợ: “Thế sao, chàng trai trẻ!” – ông gọi thế mỗi khi gặp con. Alecxei Alecxandrovitr nghĩ và nói chưa bao giờ ông bận nhiều việc như năm nay; nhưng ông không tự thú nhận chính ông đã bày đặt ra những công việc ấy, đó là một phương sách để khỏi phải mở cái ngăn kéo chứa đựng tình cảm với vợ và gia đình cùng những ý nghĩ liên quan đến họ: những cảm nghĩ này càng cất kín ở đó lâu bao nhiêu càng trở nên khủng khiếp bấy nhiêu. Nếu ai mạo muội hỏi ông nghĩ gì về hành vi của vợ thì ông Alecxei Alecxandrovitr hiền lành và trầm tĩnh đó sẽ không trả lời gì cả, mà sẽ nổi xung với người đặt câu hỏi đó. Cho nên ông giữ vẻ mặt trịnh trọng và nghiêm trang mỗi khi người ta hỏi thăm Anna. Alecxei Alecxandrovitr không muốn nghĩ ngợi về hành vi cũng như tình cảm của vợ và quả thực ông đã không nghĩ ngợi gì cả. Biệt thự của gia đình Carenin ở Petetrov; nữ bá tước Lidia Ivanovna thường cũng nghỉ hè ở đấy và có quan hệ láng giềng tốt với Anna. Năm đó, nữ bá tước Lidia Ivanovna thôi không đến ở Petetrov, tránh không đến thăm Anna Arcadievna lần nào, và một hôm còn nói bóng gió với Alecxei Alecxandrovitr về sự bất tiện trong tình thân mật của Anna với Betxi và Vronxki. Alecxei Alecxandrovitr đã nghiêm khắc ngắt lời bà ta, tuyên bố không ai được quyền nghi ngờ vợ mình, từ đó ông tránh mặt nữ bá tước Lidia Ivanovna. Đã nhất tâm nhắm mắt làm ngơ trước mọi sự, ông không để ý là một số người bắt đầu nhìn vợ mình bằng con mắt nghi kị; ông không muốn hiểu và cũng không hiểu tại sao vợ mình lại nằng nặc đòi đi Txacxkôe Xelo, nơi Betxi ở, từ đó đến doanh trại Vronxki chẳng bao xa. Ông không cho phép mình nghĩ tới việc đó và đã không nghĩ tới thực, nhưng đồng thời trong thâm tâm, tuy không bao giờ tự nói rõ ra, tuy không có mảy may bằng chứng, thậm chí không có chút gì khả nghi, ông vẫn tin chắc mình là người chồng bị lừa dối và vô cùng đau khổ. Trong tám năm hạnh phúc vợ chồng, thấy những người vợ ngoại tình và những ông chồng bị lừa dối, biết bao lần Alecxei Alecxandrovitr đã tự nhủ: “Làm sao họ có thể lâm vào nông nỗi ấy được. Tại sao họ không thoát được ra khỏi cảnh huống điếm nhục như vậy?” Nhưng bây giờ, khi tai nạn sập xuống đầu, không những ông không nghĩ cách thoát khỏi tình cảnh đó, mà còn muốn hoàn toàn ngơ đi, và sở dĩ muốn làm ngơ, chính vì nó khủng khiếp quá, quái gở quá. Từ khi ở nước ngoài về, Alecxei Alecxandrovitr đã hai lần về quê. Một lần, ông có ăn trưa, lần thứ hai, ông ở lại dự buổi tối tiếp tân của vợ, nhưng không ngủ lại đêm như mọi năm. Ngày đua ngựa hôm ấy là ngày rất bận rộn đối với Alecxei Alecxandrovitr, nhưng buổi sáng, khi vạch chương trình hoạt động trong ngày, ông định ăn trưa thật sớm, rồi về ngay nhà vợ, và từ đó đến thẳng trường đua. Ở đây toàn thể triều đình sẽ có mặt và ông cần ra mắt. Ông đến nhà vợ vì đã quyết định mỗi tuần thăm nàng một lần để giữ thể diện. Hơn nữa, theo như quy định, hôm đó ông phải đưa Anna số tiền chi tiêu cần thiết trước ngày rằm hàng tháng.

Vốn quen tự chủ, ông nghĩ tới việc đó mà không để tư tưởng miên man sang những điều có liên quan đến vợ.

Suốt buổi sáng ông rất bận. Hôm qua, nữ bá tước Lidia Ivanovna gửi cho ông cuốn sách của một nhà du lịch nổi danh từng đi khắp Trung Quốc và hiện đang ở Peterburg. Nữ bá tước có kèm theo một bức thư yêu cầu ông tiếp nhà du lịch đó, một người rất đặc sắc và có ích về nhiều phương diện. Alecxei Alecxandrovitr không xem xong cuốn sách trong buổi tối phải để đến sáng sau mới đọc nốt. Rồi đến lượt những người tới khẩn cầu và bắt đầu những báo cáo, tiếp kiến, bổ nhiệm, bãi chức, phân phát khen thưởng, phụ cấp, lương bổng, thư từ, tất cả công việc của những ngày “sự vụ” như Alecxei Alecxandrovitr thường gọi, nó chiếm rất nhiều thì giờ. Sau đó, ông lại còn có việc riêng, tiếp thầy thuốc và người quản gia của mình. Gã này không ở lâu. Hắn chỉ trao cho Alecxei Alecxandrovitr số tiền ông cần và báo cáo vắn tắt tình hình công việc năm đó vốn không lấy gì làm sáng sủa lắm, họ chi tiêu rất nhiều vì đi đây đi đó và đâm hao hụt tiền nong. Nhưng ông bác sĩ, một danh y ở Peterburg vốn là người thân tín của Alecxei Alecxandrovitr, ngồi lâu hơn. Hôm đó, vì không dự kiến trong chương trình nên Carenin ngạc nhiên khi thấy ông ta đến thăm và càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông ta hỏi cặn kẽ về tình hình sức khỏe, nghe ngực và nắn gan mình. Alecxei Alecxandrovitr không biết bà bạn thân Lidia Ivanovna, thấy sức khỏe ông kém sút nên đã nói với bác sĩ đến thăm.

– Bác sĩ giúp tôi việc đó, – nữ bá tước Lidia Ivanovna bảo ông ta.

– Thưa bá tước phu nhân, tôi sẽ làm việc đó vì nước Nga, – bác sĩ trả lời.

– Ông thật là người bạn vô song! – nữ bá tước nói. Bác sĩ rất không hài lòng sau khi khám bệnh. Ông thấy người bệnh bị sưng gan, thiếu dinh dưỡng và việc nghỉ ở suối nước nóng không có tác dụng gì. Ông bắt buộc người bệnh phải hoạt động thể lực thật nhiều và trí lực càng bớt căng thẳng càng tốt, nhất là không được phiền muộn tí gì, nói cách khác, ông bắt làm một việc mà Alecxei Alecxandrovitr không thể làm được, khác nào bảo ông ta đừng thở nữa, và bác sĩ đi ra, để lại cho con bệnh cái cảm giác nặng nề là trong người mình có một bệnh gì đó không phương thuốc nào chữa được. Ra khỏi nhà Alecxei Alecxandrovitr, bác sĩ gặp trên bậc thềm viên chánh văn phòng của Carenin là Xliuđin mà ông ta rất quen. Họ trước kia là bạn học ở trường Đại học và mặc dù ít gặp nhau, họ vẫn trọng nhau và vẫn là đôi bạn thân, do đó bác sĩ đã nói chuyện về bệnh nhân của mình với ông ta thành thực hơn với bất cứ người nào khác.

– Tôi rất vui lòng thấy anh đã khám cho ông ta, – Xliuđin nói. Ông ta không được khỏe và tôi thấy hình như… anh nghĩ thế nào?

– Thế này… – bác sĩ nói và qua đầu của Xliuđin, ông ra hiệu cha gã xà ích đánh xe lên. – Ừ, thế này nhé, – ông nói, bàn tay trắng trẻo nắm lấy một ngón của chiếc găng nhẵn bóng và kéo căng ra. – Nếu anh định dứt đứt một sợi dây mà không căng ra, thì rất khó; nhưng nếu anh đã căng đến tột độ thì chỉ cần đặt một ngón lên cũng đủ đứt phăng. Còn ông ta, với tính cần cù, tinh thần trách nhiệm trong công việc, ông ta đã căng đến tột độ rồi mà bên ngoài lại có một áp lực rất mạnh, – bác sĩ kết luận, giương đôi lông mày lên, vẻ quan trọng. – Anh có đến trường đua không? – ông hỏi thêm và đi xuống chiếc xe đã đánh lại gần. – Phải, phải, tất nhiên, cái đó phải mất nhiều thời giờ, – ông ta trả lời một câu gì Xliuđin nói với ông mà ông không nghe rõ. Sau bác sĩ đã chiếm mất khá nhiều thì giờ, là nhà du lịch trứ danh đến gặp và Alecxei Alecxandrovitr liền sử dụng quyển sách ông vừa đọc cùng những khái niệm sẵn có từ trước, làm nhà du lịch phải ngạc nhiên về kiến thức uyên thâm và tầm mắt rộng rãi của ông. Đồng thời với nhà du lịch, gia nhân còn báo cho ông biết có vị đại biểu quý tộc của tỉnh đi ngang qua Peterburg đến thăm, một người ông đang cần gặp để nói chuyện. Sau khi vị đại biểu quý tộc đi rồi, ông lại phải giải quyết ngay những việc sự vụ với chánh văn phòng và còn đến thăm một yếu nhân về một việc quan trọng nữa. Alecxei Alecxandrovitr chỉ còn đủ thời giờ trở về ăn trưa với chánh văn phòng và mời ông ta cùng về biệt thự rồi đến trường đua.

Dạo này vô hình chung, Alecxei Alecxandrovitr luôn luôn tìm cách để một người thứ ba tham dự vào các cuộc gặp gỡ giữa ông với vợ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.