Anna Karenina (Tập 1)

Phần 3 – Chương 03



6

Cắt xong đám cỏ cuối cùng ở đồi Masca, mọi người mặc áo khoác và vui vẻ trở lại nhà. Levin lên ngựa và trở về sau khu lưu luyến chia tay với đám mugich. Trên đỉnh đồi, chàng quay nhìn lại phía sau: mọi người đã khuất trong lớp sương mù đang từ đáy khe dâng lên; chỉ còn nghe tiếng nói vui vẻ và thô kệch, tiếng cười và tiếng hái chạm nhau loảng xoảng. Xergei Ivanovitr ăn chiều xong từ lâu, đang uống nước chanhướp lạnh trong buồng mình và đọc những nhật báo và tạp chí vừa nhận được, thì Levin, tóc rối bù đẫm mồ hôi bết vào trán, lưng và ngực ướt đầm, vui vẻ chạy ùa vào buồng.

– Anh biết không, chúng tôi đã cắt xong cả cánh đồng cỏ! A! Thật tuyệt, thật là kì diệu! Thế còn anh, anh làm được gì rồi? – chàng nói. Chàng hoàn toàn quên bẵng câu chuyện bực mình hôm qua.

– Trời! Trông chú hay không kìa! – Xergei Ivanovitr nói, thoạt tiên nhìn em trai từ đầu đến chân, vẻ không bằng lòng. Còn cái cửa kia nữa, khép ngay lại! – ông hét lên. – Nhất định chú lại để hàng tá ruồi lọt vào rồi.

Xergei Ivanovitr rất sợ ruồi: ông chỉ mở cửa sổ vào ban đêm và thường đóng cửa ra vào rất cẩn thận.

– Không đâu! Mà nếu có con nào lọt vào thì em sẽ bắt ngay. Anh không thể biết là em đang vui đến thế nào đâu! Thế còn anh hôm nay ra sao?

– Tốt lắm. Nhưng chú không cắt cỏ suốt cả ngày đấy chứ? Chắc chú đói meo rồi. Kuzma sửa soạn cho chú sẵn sàng cả rồi đấy.

– Không, em không đói. Em ăn ở ngoài ấy rồi. Nhưng em phải đi tắm rửa đã.

– Đi, đi tắm rửa đi, anh sẽ ra gặp chú ngay, – Xergei Ivanovitr nói và lắc đầu nhìn em. – Đi, đi tắm đi, mà nhanh lên nhé, – ông mỉm cười nói thêm, và, sau khi thu dọn sách báo, ông sửa soạn ra khỏi buồng. Đột nhiên, ông thấy vui vẻ và không muốn rời em trai nữa. – Lúc mưa, chú ở đâu?

– Mưa đâu mà mưa! Chỉ lác đác vài giọt thôi. Anh chờ nhé, em trở lại ngay. Thế nào, anh vừa lòng về ngày hôm nay chứ? Tốt lắm, – và Levin đi thay quần áo. Năm phút sau, hai anh em gặp nhau trong phòng ăn, Levin tưởng không đói và chỉ định ngồi vào bàn ăn để khỏi phật lòng Kuzma, nhưng khi bắt đầu ăn, chàng thấy đặc biệt ngon miệng. Xergei Ivanovitr mỉm cười nhìn chàng:

– À phải, có thư gửi cho chú đấy, – ông nói. – Kuzma, anh làm ơn xuống nhà lấy cho tôi. Và nhớ đóng cửa lại nhé.

Thư của Oblonxki. Levin đọc to bức thư Oblonxki viết từ Peterburg: “Mình vừa nhận được thư của Doli hiện đang ở Ergusovoi: mọi sự ở đó đều nát bét. Cậu làm ơn qua đó và khuyên bảo giúp vợ mình, cậu vốn thông hiểu mọi điều. Vợ mình chắc sẽ rất sung sướng được gặp cậu. Tội nghiệp, cô ta chỉ có độc một mình thôi. Bà nhạc mình và mọi người hiện hãy còn ở nước ngoài.”

– À! Được lắm. Chắc chắn em sẽ đi, – Levin nói. – Anh phải cùng đi với em đấy. Bà ta là một phụ nữ rất tốt. Phải không?

– Họ ở cách xa đây không?

– Khoảng chừng ba mươi vecxtơ, có lẽ đến bốn mươi ấy. Nhưng đường tốt lắm. Đó sẽ là cuộc du ngoạn rất thú vị.

– Rất vui lòng. – Xergei Ivanovitr nói, miệng vẫn mỉm cười. Nhìn thấy em trai là ông đủ vui rồi.

– Chú háu đói ghê thế! – ông nói, nhìn vào bộ mặt và cái cổ rám nắng đỏ ửng của Levin cúi xuống đĩa thức ăn.

– Ngon tuyệt! Anh không thể ngờ được là chế độ sinh hoạt này có hiệu quả đến thế nào chống mọi thứ tầm bậy đâu. Em muốn làm giàu cho y học một danh từ mới: Lao động trị liệu.

– Nhưng anh nghĩ hình như chú không cần đến cái đó.

– Không, nhưng cái đó có thể chữa một số chứng bệnh thần kinh.

– Cái đó còn để thí nghiệm xem sao. Chú biết không, anh định đi xem chú cắt cỏ, nhưng trời oi bức quá anh không thể vượt quá khu rừng. Anh nghỉ lại một lát ở đấy rồi đi tắt rừng vào làng và gặp vú nuôi của chú ở đấy, anh có dò hỏi bà ta về dư luận mugich đối với chú. Theo anh hiểu thì họ không tán thành chú. Bà ta nói: “Đó không phải là công việc của các ông chủ.” Anh có cảm tưởng là bình dân có ý niệm rất dứt khoát về hoạt động của các “ông chủ.” Và họ không chấp nhận cho những ông chủ vượt quá cái giới hạn họ đã xác định.

– Có thể như thế, nhưng đây là thích thú lớn nhất em từng cảm thấy trong đời. Mà cái đó cũng không hại gì cả, phải không? – Levin nói. – Nếu họ không thích thế thì mặc họ! Vả lại, em nghĩ cái đó cũng không quan trọng. Có phải ý kiến anh cũng như vậy không?

– Tóm lại, anh thấy chú vừa lòng về ngày hôm nay lắm, – Xergei Ivanovitr nói.

– Thích vô cùng, bọn em cắt xong cả cánh đồng cỏ. Và em lại kết bạn với một ông lão rất thú vị! Anh không thể tưởng tượng ông ta có duyên đến thế nào!

– Phải. Còn anh, anh cũng hài lòng. Trước tiên, anh đã giải được hai thế cờ, trong đó có một thế rất hay: tiến công bằng những con tốt, rồi anh sẽ bày cho chú xem. Và sau nữa là… anh nghĩ tới câu chuyện giữa chúng ta hôm qua.

– Cái gì? Câu chuyện nào kia? – Levin nói, lim dim mắt, khoái trá ườn người ra nghỉ sau khi ăn uống xong và thực tình không đủ sức nhớ lại đó là chuyện gì.

– Anh thấy chú cũng có lý phần nào. Ý kiến chúng ta khác nhau ở chỗ chú lấy lợi ích cá nhân làm động cơ, còn anh lại nghĩ bất cứ người nào có trình độ học thức nhất định đều phải quan tâm đến lợi ích công cộng. Có thể chú cũng có lý khi nói nên chú ý đến những hoạt động liên quan đến lợi ích vật chất cá nhân. Tóm lại, chú là người bản chất quá bồng bột, như người Pháp thường nói; chú thích hoạt động say mê, kiên quyết hoặc không làm gì cả. – Levin lắng nghe và không hiểu tí gì về điều ông anh nói; chàng cũng không muốn tìm hiểu nữa. Chàng chỉ lo ông anh lại hỏi một câu nào đó làm lộ ra là mình không nghe gì cả.

– Có phải thế không, anh bạn? – Xergei Ivanovitr vỗ vai chàng hỏi.

– Vâng, tất nhiên như thế. Với lại, em có cãi cố đâu, – Levin trả lời với nụ cười của đứa trẻ nhận mình có lỗi. “Không biết chúng ta có thể tranh cãi với nhau về chuyện gì kia chứ? chàng tự nhủ. Tất nhiên mình có lý, anh ấy cũng có lý, thế là ổn cả. Nhưng mình phải về buồng giấy để cắt đặt công việc đây.” Chàng đứng dậy và mỉm cười vươn vai.

Xergei Ivanovitr cũng mỉm cười.

– Nếu chú muốn thì ta cùng đi dạo một vòng, – ông nói; ông không muốn rời người em tràn trề hưng phấn và tươi mát. – Hoặc chú cần thì ta sang buồng giấy.

– A! Lạy Chúa! – Levin kêu to làm Xergei Ivanovitr đâm hoảng.

– Sao? Chú làm sao thế hả?

– Không biết bàn tay Agafia Mikhailovna ra sao rồi, – Levin vỗ trán nói. – Em quên bẵng đi mất.

– Khá hơn nhiều rồi.

– Thế thì tốt, nhưng em cũng phải chạy đến thăm bà ta. Em sẽ trở lại ngay trước khi anh đội xong mũ. – Và chàng lao như gió xuống cầu thang, gót giầy gõ vang.

7

Xtepan Arcaditr đến Peterburg để hoàn thành cái nhiệm vụ tất yếu đối với các viên chức và cần thiết để theo đuổi công danh, mặc dầu những ai không là viên chức thì không sao hiểu nổi: nhắc nhở ngài thượng thư nhớ tới mình. Ông mang theo gần hết số tiền chi tiêu của gia đình và sống vui thú ở trường đua ngựa hoặc những biệt thự vùng lân cận. Còn Doli, bà cùng đàn con nhỏ về ở nông thôn để cố rút bớt chi tiêu xuống mức tối thiểu. Bà đến ở Ergusovoi, vùng đất đai dành cho bà làm của hồi môn và có khu rừng đã bán đi dạo mùa xuân. Trại ấp này cách Pocrovxcoie năm mươi vecxtơ. Tòa nhà cũ ở Ergusovoi bị phá từ lâu và đến thời lão quận công mới xây lại và mở rộng thêm một bên chái. Hai mươi lăm năm trước đây, hồi Doli còn nhỏ, tòa nhà này rộng rãi và tiện lợi, mặc dầu quay mặt chéo ra lối cổng và hướng về Nam. Nhưng giờ nó đã tồi tàn và đổ nát. Dạo mùa xuân, khi Xtepan Arcaditr về đó để bán rừng, Doli bảo ông ghé thăm nhà và cho sửa chữa những chỗ cần thiết. Như mọi ông chồng lầm lỗi, Xtepan Arcaditr lo lắng đến tiện nghi cho vợ, đã đích thân xem xét mọi chỗ, và căn dặn những điều cần thiết. Theo ý ông, cần bọc lại vải gai tất cả đồ đạc, mắc rèm cửa, dãy cỏ vườn, xây cái cầu nhỏ cạnh ao và trồng hoa; nhưng ông đã quên một số lớn việc lặt vặt cần thiết mà thiếu những cái đó sẽ rất rầy rà cho Daria Alecxandrovna. Tuy Xtepan Arcaditr đã hết sức cố gắng là người cha và người chồng chu đáo, ông vẫn luôn quên mình đã có vợ con. Ông có những sở thích của trai chưa vợ và chỉ làm theo sở thích đó thôi. Khi trở về Moxcva, ông hãnh diện báo cho vợ biết mọi cái đã sẵn sàng, ngôi nhà sẽ đẹp như đồ trang sức và sôi nổi khuyên vợ nên về đó ở. Việc vợ về nông thôn ở, thuận lợi cho Xtepan Arcaditr về mọi phương diện: con cái khỏe mạnh, chi tiêu bớt tốn kém và ông được tự do hơn. Còn Daria Alecxandrovna, bà thấy việc di chuyển này là cần cho lũ trẻ, đặc biệt cho đứa con gái chậm bình phục sau trận sốt phát ban và sau cùng là thoát khỏi những chuyện nhục nhã tủn mủn, những món nợ vặt vãnh của hàng củi, hàng cá và hàng giày, làm bà khổ tâm. Ngoài ra, bà còn thích về quê vì hi vọng sẽ kéo được cô em Kitti cùng về ở cái dinh cơ thôn dã đó, cô ta hiện đang theo sự chỉ dẫn điều trị tại suối nước khoáng và giữa hè này sẽ ở nước ngoài về. Từ suối nước, Kitti viết thư cho chị nói mình không có gì vui hơn là được nghỉ hè cùng Doli ở Ergusovoi, nơi chứa chất bao kỉ niệm thơ ấu của cả hai người. Những ngày đầu đến ở Ergusovoi rất vất vả đối với Doli. Bà đã sống ở đấy hồi nhỏ và vẫn giữ cái ấn tượng thôn quê là phương thuốc trị mọi phiền phức của thành thị, và cuộc sống ở đây tuy không hào nhoáng bằng (cái đó Doli dễ dàng cam chịu) nhưng lại tiện lợi hơn và đỡ đắt đỏ. Ở thôn quê sẽ có mọi thứ giá rẻ, và lũ trẻ sẽ đầy đủ mọi bề. Nhưng khi về đến quê với tư cách là chủ gia đình, bà thấy mọi cái đều khác xa những điều bà tưởng tượng. Vừa bước chân đến nơi thì đêm sau trời đổ mưa rào, nước mưa dột xuống hành lang và buồng trẻ, thế là phải khiêng những giường con sang phòng khách. Không mượn được người nấu ăn cho đầy tớ; trong chín con bò sữa, theo lời chị chăn bò, con thì chửa, con thì vừa đẻ con bê đầu lòng xong, con này già quá, con khác lại teo vú; thế là thiếu bơ và sữa cho trẻ. Trứng cũng không có. Không sao tìm ra lấy một con gà mái; đành quay về nấu canh thịt gà trống già vừa dai vừa tím ngắt. Không có ai lau sàn: tất cả phụ nữ đều bận ngoài ruộng khoai. Không thể đi chơi bằng xe vì một con ngựa bất kham cứ lồng lên giữa đôi càng. Không có chỗ tắm: súc vật giẫm nát cả bờ sông, hơn nữa chỗ ấy lại lộ liễu quá; muốn dạo chơi cũng không được nốt vì gia súc cứ chui qua hàng rào chạy vào vườn và trong bầy gia súc đó lại có một con bò mộng gớm ghiếc lúc nào cũng rống lên và rất có thể húc người. Không có tủ mà xếp quần áo, có mấy cái thì cửa đều hỏng chốt đóng, hễ người đi qua là lại tự động bật ra. Không có nồi, không có chậu sành, không có thùng nấu quần áo trong buồng giặt, mà cũng chẳng có ván để bọn hầu gái là quần áo nữa! Đáng lẽ được sống yên ổn và nghỉ ngơi thì trong thời gian đầu, đứng trước tai họa đó, Daria Alecxandrovna đã thất vọng; sau nhiều lần xoay xở, bà thấy thật bế tắc và lúc nào cũng phải nén cho nước mắt khỏi trào ra. Viên quản gia nguyên là gã chạy giấy cũ, Xtepan Arcaditr thích thái độ lễ phép và mẽ ngoài đẹp đẽ của hắn nên đã đưa từ chân gác cổng lên làm quản gia, hắn không hề chia sẻ nỗi khốn khổ của Daria Alecxandrovna mà chỉ cung kính nói: “Không làm cách nào được với bọn người như thế”, và không hề tìm cách giúp đỡ bà. Tình cảnh dường như không có lối thoát. Nhưng trong nhà Oblonxki cũng như trong mọi gia đình khác, có một nhân vật lu mờ nhưng rất quan trọng và rất có ích: Matriona Filimonovna. Bà ta an ủi bà chủ, cả quyết mọi cái rồi sẽ ổn (đó là chữ của bà ta mà Matvei học mót được) và bà ta cứ thủng thẳng không nôn nóng, bắt tay vào việc. Bà nhanh chóng làm quen với vợ viên quản lý; ngay hôm đầu, bà đã ngồi uống trà với mụ ta cùng lão chồng dưới cây dạ hợp và điểm qua tình hình mọi việc. Chẳng bao lâu, một câu lạc bộ được thành lập dưới gốc cây dạ hợp gồm vợ viên quản lý, ông xã trưởng và ông thư ký; nhờ câu lạc bộ này, mọi khó khăn của cuộc sống dần dần dẹp bớt; trong vòng một tuần lễ, mọi sự quả đã hoàn toàn ổn. Đã chữa xong mái nhà, tìm được người nấu ăn, vốn là mẹ đỡ đầu của xã trưởng, gà mái cũng mua được, đã bắt đầu vắt được sữa bò, hàng rào ngoài vườn được rào lại bằng sào, thợ mộc dựng xong buồng giặt, tủ đã có móc và không còn bất chợt mở tung ra nữa, ván là quần áo phủ một tấm dạ lính được kê một đầu lên tủ áo, một đầu lên tay ghế bành và mùi bàn là sắt nóng tỏa ra khắp phòng bọn hầu gái.

– Bà thấy không! Thế mà chưa chi bà đã nản! – Matriona Filimonovna chỉ tấm ván nói.

Họ còn dựng được cả phòng tắm bằng liếp rơm. Lili bắt đầu được tắm và điều Daria Alecxandrovna hi vọng: được sống nếu không yên ổn thì ít ra cũng có tiện nghi, phần nào đã được thực hiện. Yên ổn, với sáu đứa con, cái đó không thể có đối với Daria Alecxandrovna. Đứa này lăn ra ốm, đứa kia có thể lây bệnh truyền nhiễm, đứa thiếu cái này, đứa lại lộ triệu chứng hư hỏng v.v… Họa hoằn lắm bà mới có thời kỳ yên ổn ngắn ngủi. Nhưng những băn khoăn lo lắng đó là hạnh phúc duy nhất mà Daria Alecxandrovna có thể đạt được. Nếu không có cái đó, bà sẽ phải đơn độc với ý nghĩ là chồng không yêu mình nữa. Hơn nữa, mối lo lắng về bệnh tật, rồi chính cái chứng bệnh đó, và nỗi buồn phiền vì thấy xuất hiện những nết xấu ở lũ con, mọi cái đó đối với người mẹ dù khổ tâm đến đâu chăng nữa vẫn đem lại vài niềm vui nhỏ bé đền bù lại. Niềm vui đó mỏng manh đến nỗi mất tăm như vàng lẫn trong cát; trong lúc khốn khổ, bà chỉ còn thấy toàn cát; nhưng cũng có lúc vui sướng và lúc đó bà chỉ thấy toàn vàng. Giờ đây, trong cảnh cô đơn ở thôn quê, bà càng hay cảm thấy niềm vui sướng đó. Nhiều khi nhìn đàn con, bà đã hết sức cố tự bảo rằng mình lầm, mình quá thiên vị, nhưng vẫn không thể không nghĩ thật ít thấy có sáu đứa trẻ kháu khỉnh như thế, mỗi đứa một vẻ. Lúc đó bà thật sung sướng và tự hào.

8

Đến cuối tháng năm, khi mọi việc tàm tạm đâu vào đấy rồi, bà nhận được thư chồng trả lời bức thư bà phàn nàn về chuyện nhà cửa lung tung. Ông xin lỗi đã không lo liệu hết mọi việc và hứa có dịp sẽ về ngay. Dịp đó không đến và Doli sống thui thủi một mình đến hết tháng sáu. Một ngày chủ nhật trong kỳ chay lễ Thánh Pie, Daria Alecxandrovna dắt tất cả các con đi chịu lễ ban thánh thể. Trong những buổi đàm đạo thân mật với em gái, với mẹ, với bạn bè, Daria Alecxandrovna thường vẫn làm họ ngạc nhiên vì thái độ độc lập của bà đối với tôn giáo. Bà vững tin vào thuyết luân hồi và rất ít quan tâm đến giáo lý của Giáo hội. Nhưng trong gia đình, bà vẫn nghiêm chỉnh tuân theo mọi lời răn của Giáo hội (không phải chỉ cốt làm gương, mà thành thực tự đáy lòng). Bà băn khoăn về lũ con đã gần một năm nay chưa được đi chịu lễ ban thánh thể, và với sự tán thành triệt để của Matriona Filimonovna, bà định hoàn thành bổn phận đó trong dịp hè này. Trước đó mấy ngày, bà đã lo lắng quần áo cho lũ trẻ. Những áo dài đã may xong, sửa sang, giặt sạch. Đường viền được tháo ra, rồi đính thêm nẹp, thùa khuy, dây nơ. Chiếc áo dài của Tania, do cô gia sư người Anh lo, đã làm Daria Alecxandrovna rất bực mình. Vai áo cao quá, nếp áo lại khâu sai chỗ; trông Tania thật thảm hại vì vai áo cứ bó lại. Matriona Filimonovna nảy ra ý kiến là khâu thêm vài miếng lá sen và may thêm cái áo măng tô nhỏ. Những chỗ hỏng được sửa lại, nhưng suýt xảy ra bất hòa với cô gia sư. Tuy nhiên, sáng hôm sau tất cả đã ổn định, và đến chín giờ (họ đã mời cha đạo ở lại sau buổi lễ), lũ trẻ vui mừng hớn hở, quần áo bảnh bao, đứng trước chiếc xe đậu gần thềm chờ mẹ. Nhờ có Matriona Filimonovna can thiệp, họ đã thay con ngựa bất kham màu đen bằng con ngựa màu nâu của viên quản lý. Daria Alecxandrovna, bận sửa soạn trang phục, bấy giờ mới ra khỏi nhà, mình mặc áo sa trắng. Daria Alecxandrovna đã chú trọng chải đầu và mặc quần áo thật tươm tất, lòng đầy xúc động. Ngày xưa, bà diện là vì mình, để cho xinh đẹp và dễ ưa; giờ đây mỗi tuổi một già, những khi mặc quần áo đẹp, bà càng thêm khổ tâm vì thấy rõ mình xấu đi. Nhưng ít lâu nay, bà lại thích diện. Bà trang điểm không phải vì bản thân, không phải để làm đẹp, mà để khỏi làm giảm sút ấn tượng của mọi người về mình, với tư cách là mẹ lũ trẻ kháu khỉnh này. Sau khi soi gương lần cuối, bà lấy làm mãn ý về mình. Bà vẫn còn đẹp, mặc dù không được như ngày xưa nữa, nhưng cũng đủ đẹp để đạt được mục đích tự đề ra. Không có ai trong nhà thờ, ngoài đám mugich, bọn gia nhân và vợ họ. Nhưng Daria Alecxandrovna trông thấy hoặc tưởng như trông thấy vẻ khâm phục khi bà và lũ trẻ đi qua. Lũ trẻ xinh xắn trong bộ quần áo ngày lễ, tỏ ra rất chững chạc. Thực tình, cử chỉ Aliosa cũng đáng chê trách; nó cứ luôn ngoái lại xem cái cà vạt áo vét nó diện như thế nào, nhưng dù sao nó cũng rất ngoan. Tania đi đứng như một cô gái lớn và trông nom các em. Còn cô bé út Lili thật dáng yêu với cái vẻ ngỡ ngàng ngây thơ trước bất cứ cái gì đập vào mắt và thật khó nhịn được cười, lúc nó nói với cha, sau khi chịu lễ ban thánh thể: “Xin cha thêm tí nữa.”

Khi về nhà, lũ trẻ rất ngoan vì cảm thấy một sự việc trọng thể vừa được hoàn thành.

Cho đến bữa sáng, mọi sự đều tốt đẹp, nhưng khi ngồi vào bàn ăn, Grisa lại huýt sáo và tệ nhất là không nghe lời cô gia sư người Anh; cô liền phạt nó không được ăn điểm tâm. Nếu Daria Alecxandrovna cũng có mặt ở đấy, chắc bà sẽ không nghiêm trị trong một ngày như thế; nhưng vì phải giữ uy tín cho cô gia sư, nên bà vẫn duy trì hình phạt đó. Việc đó làm cho niềm vui chung hơi bị giảm sút. Grisa khóc và nói Nicolai cũng huýt sáo mà không bị phạt, nó khóc không phải vì không được ăn bánh ngọt, cái đó nó không cần, mà vì cô giáo bất công với nó. Thật đáng thương quá; Daria Alecxandrovna định đến xin cô gia sư tha lỗi cho Grisa và đi về phía buồng cô ta. Nhưng lúc đi qua hành lang, bà chứng kiến một cảnh tượng làm lòng bà vui sướng đến chảy nước mắt và và đã tự ý tha lỗi cho chú bé phạm tội. Chú bé đang ngồi bên cửa sổ ở một góc hành lang; Tania cầm đĩa đứng cạnh. Nó mượn cớ bón ăn cho búp bê xin phép cô gia sư mang phần bánh ngọt của nó vào phòng trẻ và đưa cho em trai vẫn đang khóc vì bị phạt bất công, chú bé vừa ăn bánh vừa nức nở nói: “Ăn đi, chị cũng ăn đi… cả hai chị em… cả hai chị em mình cùng ăn nào.” Tania rất thương em và biết mình đã làm một việc cao thượng, cũng rưng rưng nước mắt; mặc dầu thế cô bé vẫn nhận lời mời của chú em và chén phần bánh của mình.

Thấy mẹ, chúng hoảng sợ, nhưng trông mặt mẹ, chúng hiểu mình đã làm đúng và cùng cười. Chúng lấy ngón tay lau miệng nhồm nhoàm đầy bánh và bôi cả nước mắt lẫn đường mứt lên bê bết cả mặt.

– Trời ơi! Còn gì là áo dài trắng nữa, Tania! Grisa! – bà mẹ nói, cố giữ cho quần áo chúng khỏi giây bẩn, nhưng bà lại rưng rưng nước mắt, mỉm cười sung sướng và tự hào. Người ta cất quần áo mới của lũ trẻ, cho con gái mặc áo choàng, con trai mặc áo vét cũ và cho thắng ngựa vào xe (họ lại thắng con ngựa nâu vào xe làm viên quản lý rất bực) để đi hái nấm và tắm. Gian buồng trẻ vang lên tiếng hò hét vui thích mãi tới lúc đi. Cả nhà hái được đầy một giỏ nấm; và Lili cũng tìm được một cái. Trước đây, phải có cô Hal chỉ cho thấy nhưng hôm nay, mình nó tìm ra cái nấm hương to và mọi người vui sướng reo lên; “Lili tìm thấy cái nấm hương!” Sau đó, quay ra sông. Họ cho ngựa dừng lại dưới rừng bạch dương rồi đi tắm. Gã xà ích Terenti, sau khi buộc vào gốc cây mấy con ngựa đang phe phẩy đuôi xua ruồi hai bên sườn, nằm dài ra bãi cỏ dưới bóng bạch dương và châm tẩu thuốc; tiếng hò hét vui sướng của lũ trẻ từ buồng tắm vọng đến tai gã. Mặc dầu bù đầu coi sóc lũ trẻ, ngăn không cho chúng nghịch bậy và vất vả lắm mới khỏi lẫn lộn cả một mớ bít tất, quần áo giầy dép mọi cỡ khác nhau, hết tháo nơ, cởi khuy lại thắt vào, Daria Alecxandrovna vẫn cảm thấy một niềm vui không gì sánh kịp khi tắm với tất cả lũ con như thế này, một công việc bà vốn thích xưa nay và cho là cần thiết. Xỏ bít tất cho tất cả những cẳng chân nhỏ bé mũm mĩm đó, ôm những tấm thân mảnh dẻ trần truồng ngâm xuống nước và nghe tiếng la hét vui sướng hoặc sợ hãi, nhìn những bộ mặt hồng hào vừa khiếp sợ vừa thích thú của bầy tiên đồng trong khi chúng té nước lẫn nhau, thật là niềm sung sướng tột cùng đối với bà. Đang mặc dở quần áo cho lũ trẻ, thì có mấy phụ nữ nông dân ăn vận tươm tất, đi hái cây đại kích và lá chữa bệnh đau khớp, rụt rè đến gần buồng tắm. Matriona Filimonovna gọi một bà lại để nhờ phơi hộ chiếc chăn đơn và sơ mi vừa rơi xuống nước, thế là Daria Alecxandrovna liền bắt chuyện với họ. Thoạt tiên, họ còn lấy tay che miệng cười, không hiểu bà ta định hỏi gì, nhưng rồi chẳng mấy chốc cũng mạnh dạn lên và chiếm được cảm tình của Daria Alecxandrovna, do vẻ thành thực thán phục lũ trẻ mà họ chỉ trỏ cho nhau thấy.

– Hãy nhìn cô bé kia kìa, sao mà kháu thế nhỉ! Trắng như trứng gà bóc ấy! – một bà ngắm Tania, nói. – Nhưng phải cái hơi gầy, – bà ta lắc đầu nói thêm.

– Phải, cháu vừa ốm khỏi.

– Còn chú bé này, bà cũng tắm cả cho em à? – một bà khác chỉ đứa bé còn ẵm ngửa, nói.

– Không, cháu mới được ba tháng, – Daria Alecxandrovna hãnh diện trả lời.

– Thế à?

– Thế còn chị, chị được mấy cháu rồi?

– Tôi sinh được bốn đứa, nhưng chỉ nuôi được hai; một trai một gái. Tôi vừa cai sữa cho cháu gái ngay trước tuần chay.

– Cháu được mấy tuổi rồi?

– Gần hai năm.

– Sao chị cho bú lâu thế?

– Đó là thói quen ở đây! Ba tuần chay… – Và câu chuyện chuyển sang những vấn đề Daria Alecxandrovna quan tâm nhiều nhất: Bà ta sinh nở có dễ dàng không? Lũ trẻ đã mắc những bệnh gì? Chồng bà ta ở đâu? Ông ta có hay đến thăm không?

Daria Alecxandrovna không sao dứt khỏi câu chuyện, bà đâm ra thích nói chuyện với những người đàn bà này và nhận thấy họ cùng quan tâm đến những vấn đề giống nhau. Điều làm bà cảm động nhất là thấy cả bọn họ đều ngây ngất vì lũ con đông đúc và xinh đẹp của bà. Các bà nông dân khiến Daria Alecxandrovna hoan hỉ, nhưng lại làm cô gia sư người Anh phật ý vì thấy mình trở thành trò cười mà không hiểu nguyên nhân thực sự vì đâu. Một thôn nữ trẻ ngắm nghía cô gia sư mặc quần áo sau rốt; khi cô ta xỏ chiếc váy thứ ba, cô thôn nữ liền buột miệng nói:

– Sao mà lắm thế, sao mà mặc lắm thế, mặc mãi không hết! – Tất cả liền phá lên cười ầm ĩ và bỏ đi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.