Anna Karenina (Tập 1)

Phần 3 – Chương 09



22

Đã quá năm giờ: để đến kịp giờ hẹn và khỏi phải đi bằng ngựa riêng của chàng mà mọi người đều biết, Vronxki ngồi vào xe ngựa thuê của Yasvin và sai xà ích cho chạy hết sức nhanh. Chiếc xe cũ bốn chỗ ngồi, rất rộng. Chàng ngồi vào góc, gác chân lên ghế dài trước mặt và suy nghĩ. ý thức mơ hồ là mình đã thu xếp xong công nợ, ký ức lờ mờ về tình bạn và những lời phỉnh nịnh của Xerpukhovxkoe coi mình như một nhân tài cần thiết và nhất là sự chờ đợi gặp mặt người yêu, tất cả hòa chung thành một cảm giác yêu đời. Tình cảm đó mãnh liệt đến nỗi chàng bất giác mỉm cười. Chàng đặt chân xuống sàn xe, gác chéo khoeo, lấy tay nắn bụng chân nây nẩy, bầm tím vì ngã ngựa hôm qua và ngả người ra sau, hít thở luôn mấy hơi căng lồng ngực. “Tốt, tốt lắm!”, chàng tự nhủ. Chàng đã nhiều lần cảm thấy cái ý thức thú vị như vậy về thân thể, nhưng chưa bao giờ tự yêu mình, yêu thân thể mình như hôm nay. Chàng khoan khoái với cảm giác hơi đau ở cẳng chân, với sự chuyển động của bắp thịt lồng ngực khi thở. Cũng cái ngày tháng tám quang đãng và lạnh giá này, đối với Anna sao mà nặng nề tăm tối, nhưng đối với chàng lại đầy hào hứng. Mặt và cổ chàng vừa nãy nóng bừng vì cọ rửa giờ mát dịu hẳn đi. Mùi sáp bôi ria làm chàng đặc biệt thích thú trong không khí thoáng đãng. Mọi cái nhìn thấy qua tấm kính, mọi cái trong bầu không khí tinh khiết và lạnh giá, trong anh chiều tà bàng bạc, đều tươi mát, vui vẻ và cường tráng như bản thân chàng: cả những mái nhà sáng ngời dưới ánh nắng, cả những đường viền rõ nét của hàng rào và góc nhà, cả những bóng bộ hành và xe ngựa thỉnh thoảng gặp trên đường, cả những rặng cây, bãi cỏ xanh im phăng phắc, những cánh đồng với luống khoai đều đặn, cả những bóng râm đổ nghiêng từ nhà và hàng cây, bụi rậm và luống khoai, mọi cái đều đẹp như bức tranh phong cảnh tinh tế vừa vẽ và quang dầu xong.

– Nhanh lên, nhanh nữa lên! – chàng thò đầu ra ngoài cửa xe bảo xà ích và rút trong túi ra một tờ ba rúp đưa cho hắn đang quay lại phía chàng. Gã xà ích đặt tay vào một cái gì cạnh đèn xe, quất roi vun vút và cỗ xe phóng rất nhanh trên đường cái bằng phẳng. “Mình chả cần gì cả, không cần gì ngoài hạnh phúc này, chàng nghĩ thầm, nhìn cái nút giật chuông bằng xương treo giữa hai miếng kính cửa và hình dung Anna hệt như lần gặp vừa rồi. Càng ngày mình càng yêu nàng hơn. Vườn nhà Vrege kia rồi. Nàng hiện đang ở đâu? Ở đâu nhỉ? Làm thế nào tìm được nàng? Tại sao nàng hẹn mình ở đây và lại viết thêm một câu vào thư của Betxi?”, lần đầu tiên, chàng tự hỏi như vậy. Nhưng chàng không đủ thời giờ nghĩ tới việc đó nữa. Chàng bảo xà ích dừng xe trước khi tới phố, mở cửa nhảy xuống lúc xe còn đang chạy và đi ngược lên theo con đường dẫn tới ngôi nhà. Phố vắng tanh không có ai, nhưng đưa mắt nhìn sang phải, chàng liền thấy nàng. Mặc dầu mặt nàng che mạng, chàng vui sướng nhận ngay ra nàng qua dáng đi đặc biệt, đường cong đôi vai, tư thế đầu và cảm thấy như có một luồng điện truyền khắp cơ thể. Chàng lại thấy trào lên mãnh liệt hơn cái ý thức về sự tồn tại bản thể, kể từ những cử động mềm mại của đôi chân cho tới sự chuyển động của lồng ngực khi hít thở và chàng thấy ngứa ran ở môi.

Khi chàng đến bên, nàng riết chặt tay chàng.

– Anh không giận em đã nhắn anh đến đây chứ? Em rất cần gặp anh, – nàng nói; và nếp môi nàng mím lại trang trọng, nghiêm khắc mà chàng thoáng thấy qua chiếc mạng, lập tức làm gợn tâm trạng vui sướng của Vronxki.

– Anh mà giận em ấy à? Nhưng em đi bằng gì đến đây, tại sao lại đến đây?

– Điều đó không quan trọng, – nàng nói và khoác tay chàng, – ta đi đi, em có chuyện cần nói với anh.

Chàng hiểu là có cái gì đã xảy ra và câu chuyện lần này hẳn không vui. Đứng trước Anna, chàng đâm mất tự chủ: chưa hiểu rõ duyên cớ, chàng đã thấy mối lo ngại của nàng xâm chiếm mình.

– Có gì thế em? – chàng hỏi, ghì chặt cánh tay nàng vào người và cố đoán qua nét mặt xem Anna nghĩ gì.

Nàng lặng lẽ bước vài bước, để tập trung hết can đảm, và đột nhiên dừng lại.

– Hôm qua, em chưa nói với anh, – nàng hổn hển nói, – là khi trở về nhà với Alecxei Alecxandrovitr, em đã bảo cho ông ta biết… em không còn là vợ ông ta nữa và… và em đã nói hết. – Nghe nàng nói, chàng bất giác cúi xuống, như muốn giảm nhẹ hoàn cảnh não nề của nàng. Nhưng, khi nàng nói xong, chàng bỗng thẳng người lên, bộ mặt lộ vẻ kiêu hãnh và nghiêm trang.

– Phải, phải, thế tốt hơn, một nghìn lần tốt hơn! Anh hiểu việc đó đối với em thật khổ tâm, – chàng nói. Nhưng nàng không nghe chàng nói; nàng đọc ý nghĩ của Vronxki trên nét mặt. Nàng không thể biết vẻ mặt Vronxki phản ánh ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu chàng: thế là phải đấu súng thôi, không tránh được. Nàng không bao giờ nghĩ đến chuyện đấu súng nên diễn giải vẻ mặt nghiêm trang thoáng qua đó một cách khác. Từ khi nhận được thư chồng, thâm tâm nàng cảm thấy là mọi sự sẽ giữ nguyên như cũ, nàng sẽ không dám từ bỏ địa vị của mình và xa lìa con để gắn bó cuộc đời với người yêu. Buổi sáng ngồi chơi ở nhà quận chúa Tverxcaia càng khiến nàng tin chắc như vậy. Nhưng dù sao, đối với nàng, cuộc gặp mặt này cũng vô cùng quan trọng. Nàng hi vọng nó sẽ làm thay đổi tình thế và cứu nàng. Nếu như nghe tin đó, chàng không một phút do dự, say đắm nói luôn: “Em hãy từ bỏ tất cả và đi theo anh”, thì có lẽ nàng sẽ xa lìa con và đi ngay với chàng đấy. Nhưng tin đó không tác động đến chàng như nàng mong đợi: chàng hình như chỉ thấy bực mình.

– Có gì mà khổ tâm. Việc đó cứ tự nhiên diễn ra thế thôi, – nàng nói, giọng ấm ức; – đây, anh xem. – Nàng rút trong găng tay ra bức thư của chồng.

– Anh hiểu rồi, anh hiểu rồi, – chàng ngắt lời, cầm lá thư nhưng không đọc và cố an ủi nàng; – anh chỉ yêu cầu, anh chỉ mong muốn có thế thôi: phá tan tình cảnh này để cống hiến đời anh cho hạnh phúc của em.

– Tại sao anh phải nói với em như vậy? – nàng nói. – Lẽ nào em lại nghi ngờ anh? Nếu em mà nghi ngờ…

– Có người đến kia kìa! – Vronxki bỗng nói và chỉ hai phụ nữ đang đi tới. – Có thể họ quen biết chúng mình, và chàng vội kéo nàng tạt vào một ngõ ngang.

– Ồ! Em cần gì! – nàng nói. Môi nàng run bần bật, Vronxki như thấy nàng nhìn mình qua chiếc mạng đầy một vẻ hằn học kỳ lạ. – Phải, vấn đề không phải ở đó, em không nghi ngờ gì anh; nhưng ông ta viết cho em thế này đây, anh đọc đi. – Nàng lại ngừng bặt. Lúc đọc thư, cũng như hồi nãy khi biết nàng đã bỏ chồng, Vronxki bất giác lại tự buông thả theo cái cảm giác tự nhiên xuất phát từ quan hệ giữa chàng với người chồng bị xúc phạm. Giờ đây, cầm lá thư này trong tay, chàng bất giác nghĩ có lẽ nội nhật hôm nay hoặc ngày mai sẽ nhận được ở nhà lời thách đấu và nghĩ luôn tới cuộc đấu súng đó: chàng sẽ bắn chỉ thiên và vẫn với vẻ lạnh lùng, nghiêm trang đang lộ trên nét mặt lúc này, chàng sẽ chờ người chồng bị xúc phạm bắn mình… Và lập tức, chàng nghĩ tới lời Xerpukhovxkoe vừa nói và những điều bản thân chàng suy nghĩ sáng nay; tốt hơn hết là không nên gắn bó với nhau. Nhưng chàng biết không thể nói điều đó ra với Anna. Đọc xong thư, chàng ngước mắt nhìn nàng: cái nhìn có vẻ thiếu cương quyết. Nàng hiểu ngay chàng đã suy nghĩ mọi lẽ. Nàng biết, dù có nói gì với nàng, chàng cũng sẽ không bộc lộ hết ý nghĩ của mình. Và nàng hiểu hi vọng cuối cùng đã tan vỡ. Đây không phải điều nàng mong đợi.

– Anh đã thấy ông ta là hạng người thế nào chưa? – nàng nói giọng run run. – Ông ta…

– Em tha lỗi, nhưng anh lại vui sướng về việc đó, – Vronxki ngắt lời. – Lạy Chúa lòng lành, xin em để anh nói hết đã, – chàng nói tiếp và đôi mắt như cầu khẩn nàng để cho chàng có đủ thời giờ phân trần.

– Anh vui sướng vì theo ông ta giả định, tình hình không thể giữ nguyên như cũ nữa.

– Tại sao lại không? – Anna cố cầm nước mắt và nói. Rõ ràng nàng không đếm xỉa đến lời chàng nói nữa. Nàng cảm thấy số phận mình quyết định rồi.

Vronxki muốn nói sau cuộc đấu súng mà chàng cho là tất yếu, tình trạng đó sẽ không thể kéo dài, nhưng chàng lại nói khác đi.

– Tình hình đó không thể tiếp tục được nữa. Anh hi vọng là bây giờ em sẽ bỏ ông ta. Anh hi vọng (chàng bối rối và đỏ mặt) là em cho phép anh được nghĩ tới việc tổ chức cuộc sống của chúng ta. Ngày mai…

Nàng không để chàng nói hết lời.

– Thế còn con em? – nàng kêu lên. – Anh xem ông ta viết đấy: bắt buộc bỏ nó mà em thì không thể và không muốn bỏ nó.

– Nhưng mà, lạy Chúa tôi, đằng nào hơn: để con ở lại hay là tiếp tục sống trong tình cảnh nhục nhã đó?

– Nhục nhã cho ai kia chứ?

– Cho tất cả chúng ta và nhất là cho em.

– Nhục nhã!… Anh đừng nói thế. Những chữ đó không có ý nghĩa gì với em cả, – nàng nói giọng run run. Nàng không muốn chàng nói dối. Nàng chỉ còn độc có mối tình của Vronxki và nàng muốn được yêu chàng. – Anh hãy hiểu từ ngày em yêu anh, mọi cái đều đã thay đổi. Đối với em, chỉ có mối tình của anh là đáng kể mà thôi. Với mối tình đó, em thấy mình cao quý đến nỗi không có gì là nhục nhã cả. Em tự hào vì tình cảnh của mình, bởi vì… em tự hào vì… em tự hào… – nàng không nói hết câu. Những giọt nước mắt hổ thẹn và tuyệt vọng làm cổ họng nàng nghẹn lại. Nàng dừng lại nức nở khóc. Chàng cũng thấy một cái gì chẹn lấy họng, ngứa ngáy ở mũi và lần đầu tiên trong đời, chàng tưởng sắp phát khóc. Chàng không thể nói đích xác cái gì đã làm mình xúc động: chàng thương nàng, thấy mình không giúp đỡ được nàng, và đồng thời biết chính mình là nguyên nhân nỗi bất hạnh của nàng, biết mình đã hành động xấu xa.

– Chẳng lẽ không ly hôn được sao? – chàng nói giọng yếu ớt. Nàng lắc đầu không trả lời. – Em có thể bỏ ông ta và giữ lấy con em được không?

– Được chứ, nhưng cái đó còn tùy ở ông ta. Bây giờ em phải đến gặp ông ta, – nàng lạnh lùng nói. Linh tính quả không lừa dối nàng: mọi cái sẽ giữ nguyên như cũ.

– Thứ ba này anh sẽ đến Peterburg, rồi ta sẽ quyết định sau.

– Vâng, – nàng nói. Nhưng thôi đừng nói đến chuyện đó nữa. – Xe của Anna (nàng đã cho đánh về và sai đón nàng ở hàng rào vườn nhà Vrege) tiến lại gần. Anna chào Vronxki và trở về nhà.

23

Tiểu ban mồng 2 tháng 6 thường họp vào thứ hai. Alecxei Alecxandrovitr bước vào phòng họp, như thường lệ chào những ủy viên và chủ tịch, rồi ngồi vào chỗ, đặt tay lên tập hồ sơ chuẩn bị sẵn sàng trước mặt. Trong hồ sơ có ghi những tình hình ông cần biết và tóm tắt bài tham luận ông định phát biểu. Vả lại, ông cũng không cần đến tài liệu tham khảo. Ông nhớ tất cả và xét thấy không cần nhẩm lại trong đầu những điều sẽ nói. Ông biết là đến lúc đó, khi đã thấy trước mắt bộ mặt kẻ địch đang cố gắng vô ích làm ra vẻ thờ ơ, thì bài diễn văn sẽ tự động tuôn ra còn hùng hồn hơn tất cả những điều chuẩn bị sẵn. Ông thấy nội dung bài tham luận của mình thâm thuý đến nỗi mỗi chữ đều có hiệu lực. Tuy nhiên, khi nghe bản báo cáo thường kỳ, ông có vẻ rất hồn nhiên và rất hiền lành. Nhìn đôi bàn tay trắng nổi gân xanh xòe những ngón dài nhẹ nhàng vuốt mép tờ giấy trắng đặt trước mặt và cái đầu mệt mỏi nghiêng nghiêng sang bên, hẳn không ai ngờ đôi môi ông sắp sửa thốt ra những lời phát biểu có thể dấy lên một cơn dông tố kinh khủng, buộc những ủy viên của tiểu ban phải gào thét, tranh cướp lời nhau và vị chủ tịch phải yêu cầu mọi người giữ trật tự. Nghe xong báo cáo, Alecxei Alecxandrovitr dịu dàng và nhỏ nhẻ tuyên bố ông muốn phát biểu với hội nghị một vài nhận xét về việc tổ chức các dị tộc. Mọi sự chú ý đều dồn về phía ông. Alecxei Alecxandrovitr khẽ hắng giọng và không ngước mắt nhìn địch thủ, mà lại làm như mỗi lần đọc diễn văn, tức là chăm chú nhìn vào khuôn mặt đầu tiên nào đó ở trước mặt (cụ thể là bộ mặt ông già bé nhỏ, vẻ hiền lành, không có vai vế gì trong tiểu ban), ông bắt đầu trình bày các quan điểm. Khi đề cập tới các luật lệ cơ bản về tổ chức, địch thủ của ông liền chồm lên và bắt đầu phản đối. Bản thân Xtremov cũng là ủy viên của tiểu ban, bị chạm nọc, muốn thanh minh. Cuộc họp thật náo động. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr đã chiến thắng và đề án của ông được chấp thuận. Họ quyết định thành lập ba tiểu ban mới và ngày hôm sau, trong vài giới ở Pêtecbua, chỉ nghe bàn đến phiên họp đó. Thắng lợi của Alecxei Alecxandrovitr còn lớn hơn cả ý ông mong muốn. Sáng hôm sau, thứ ba, khi tỉnh dậy, Alecxei Alecxandrovitr vui thích nhớ tới thắng lợi hôm trước và mặc dầu muốn tỏ ra thờ ơ, ông vẫn không thể không mỉm cười khi nghe viên chánh văn phòng phỉnh nịnh thuật lại những lời đồn đại vang tới tai hắn về những việc đã xảy ra ở tiểu ban.

Trong khi làm việc với chánh văn phòng, Alecxei Alecxandrovitr hoàn toàn quên bẵng hôm đó là thứ ba, ngày quy định cho Anna Arcadievna trở về, cho nên ông ngạc nhiên một cách khó chịu khi thấy một tên đầy tớ đến bảo nàng đã về. Anna về tới Peterburg từ sáng sớm; nàng đã đánh điện nhắc cho xe ra đón, như vậy chồng không thể không biết nàng đã về. Nhưng khi nàng tới nơi, ông lại không ra đón. Gia nhân thưa là ông chưa ra khỏi nhà và đang bàn việc với chánh văn phòng. Nàng sai người báo cho chồng biết mình đã về, sang phòng giấy riêng và mải miết thu dọn đồ đạc, chờ ông đến gặp. Một giờ qua đi mà vẫn chưa thấy mặt ông. Nàng sang phòng ăn, mượn cớ sai bảo người làm và chủ tâm nói to, đánh tiếng cho chồng chú ý tới; nhưng ông ta vẫn không đến, mặc dầu nàng nghe thấy ông tiễn chánh văn phòng ra tận cửa buồng. Nàng biết sau đó ông sẽ đến ngay Bộ và nàng muốn gặp ông trước để xác định quan hệ giữa hai người từ nay về sau. Nàng đi qua phòng khách lớn và tới buồng chồng, bước chân quả quyết. Khi nàng bước vào buồng giấy, ông đã mặc triều phục, ngồi tì khuỷu tay xuống bàn con bên cạnh, rõ ràng sắp sửa đi và nhìn thẳng đằng trước, mặt buồn rầu. Nàng thấy ông trước khi ông thấy nàng và nàng đoán ông đang nghĩ tới mình. Thấy nàng đi vào, ông toan đứng lên rồi lại lưỡng lự, đỏ mặt lên, một điều chưa bao giờ xảy ra, và cuối cùng hấp tấp đứng dậy, ra đón vợ, không nhìn vào mắt mà nhìn cao hơn, vào trán và tóc nàng. Ông bước lại, bắt tay và mời nàng ngồi.

– Tôi rất bằng lòng mình đã trở về, – ông nói và ngồi xuống cạnh, rõ ràng định nói thêm cái gì đó; – ông không nói tiếp được nữa. Nhiều lần, ông định nói rồi lại nín bặt. Mặc dầu đã chuẩn bị sẵn sàng trút hết khinh bỉ và đổ lỗi lên đầu ông, nàng vẫn không biết nên nói năng ra sao. Nàng thương hại ông ta. Im lặng kéo dài khá lâu.

– Xerioja khỏe chứ? – ông hỏi và không đợi trả lời ông nói thêm: – hôm nay tôi không ăn ở nhà; tôi phải đi ngay bây giờ.

– Tôi đã định đi Moxcva, – nàng nói.

– Không, mình trở về như thế là rất phải, – ông nói và lại nín lặng.

Thấy ông không đủ nghị lực nói ra, nàng bèn chủ động khơi chuyện.

– Alecxei Alecxandrovitr, – nàng nói, chăm chú nhìn ông và không hề cụp mắt xuống trước cái nhìn trân trân vào tóc nàng, – tôi là kẻ phạm tội, một người đàn bà xấu xa, nhưng trước sau tôi vẫn như thế, vẫn y nguyên là con người như hôm nọ tôi đã thú nhận và tôi đến nói cho ông biết tôi không thay đổi được.

– Tôi không hỏi cô việc đó, – ông nói, đột nhiên nhìn vào mắt nàng, vẻ hằn thù và kiên quyết, – thật đúng như tôi đã dự đoán. – Rõ ràng cơn giận đã khiến ông ta lấy lại được tự chủ hoàn toàn. – Tôi đã nói và viết thư cho cô, và tôi xin nhắc lại điều đó, – ông nói, giọng nhỏ nhẹ và sắc, – tôi không cần biết đó. Tôi muốn ngơ nó đi. Không phải người đàn bà nào cũng có nhã ý như cô sốt sắng báo cho chồng biết một cái tin thú vị đến thế (ông nhấn mạnh vào chữ “thú vị”). Tôi sẽ ngơ việc đó đi chừng nào mọi người còn chưa biết chuyện, chừng nào tên tuổi tôi còn chưa bị bôi nhọ. Cho nên, tôi báo trước cho cô biết là những quan hệ của chúng ta vẫn phải giữ nguyên như từ trước đến nay và chỉ trong trường hợp cô tự làm ô danh thì tôi mới dùng đến những biện pháp để bảo toàn danh dự của tôi.

– Nhưng quan hệ của chúng ta không thể giữ nguyên như xưa được, – Anna rụt rè nói và sợ hãi nhìn ông ta.

Khi thấy lại cử chỉ bình tĩnh đó, cái giọng the thé như trẻ con và nhạo báng đó, lòng thương hại liền tiêu tan trước nỗi ghê tởm nàng cảm thấy đối với ông. Nàng chỉ còn sợ hãi, nhưng muốn ra sao thì ra, nàng vẫn cần xác định rành rọt quan hệ của họ.

– Tôi không thể là vợ ông khi tôi… – nàng bắt đầu nói. Ông cười lạnh lùng và hiểm độc.

– Rõ ràng lối sống cô lựa chọn đã phản ánh vào cách nhìn của cô. Nhưng vì tôi quá kính trọng dĩ vãng của cô và quá coi khinh cái hiện tại, nên lời tôi nói không thể hiểu theo cái nghĩa cô gán cho nó. – Anna thở dài và cúi đầu.

– Vả lại, tôi thực không hiểu, – ông hăng lên nói tiếp, – tại sao một người đàn bà độc lập như cô, không ngần ngại báo cho chồng biết rõ mình bội bạc và không hề thấy đó là tội lỗi, lại áy náy về chuyện làm tròn bổn phận với chồng.

– Alecxei Alecxandrovitr! Ông muốn gì tôi kia chứ?

– Tôi muốn không bao giờ gặp gã đàn ông đó ở đây. Tôi muốn cô xử sự thế nào để cả ngoài xã hội lẫn bọn đầy tớ đều không thể dị nghị về cô… Tôi yêu cầu cô không được gặp hắn nữa. Tôi tưởng thế cũng không phải là đòi hỏi quá đáng. Để bù lại, cô có thể hưởng quyền lợi của một người vợ lương thiện mà không phải làm nghĩa vụ của mình. Điều tôi cần nói với cô tóm lại chỉ có thế thôi. Bây giờ đến lúc tôi phải đi rồi. Tôi không ăn ở nhà.

Ông đứng dậy và ra cửa. Anna cũng đứng dậy theo. Ông nghiêng mình không nói gì và nhường nàng ra trước.

24

Cái đêm nằm ngủ trên đồng cỏ khô là đêm quyết định đối với Levin. Chàng chán ghét cái trang trại mình đang quản lý và chẳng thiết gì nó nữa. Mặc dầu mùa màng tốt đẹp, chưa bao giờ chàng gặp rủi ro và khó khăn với nông dân nhiều như năm nay (ít ra đó cũng là cảm tưởng của chàng) và nguyên nhân của những thất bại và sự đối địch đó giờ đây đã sáng tỏ. Nỗi thích thú tìm thấy ngay trong lao động, sự gần gũi do lao động tạo nên giữa chàng và nông dân, sự ghen tị và lòng thèm muốn sống cuộc đời của họ, trong đêm đó không những đã biểu hiện bằng giấc mơ mà còn bằng một kế hoạch hành động có nghiên cứu tỉ mỉ, mọi cái đó khiến chàng thay đổi quan điểm đến nỗi không còn hứng thú như xưa trong việc canh tác, và không thể làm ngơ trước những tranh chấp làm nền cho cuộc sống của chàng. Một đàn bò sữa giống, như con Pava, một khoảng đất đai được chăm bón và cày bừa, chín cánh đồng ruộng như nhau có hàng rào bao bọc, chín mươi mẫu ruộng bón phân màu mỡ, những máy gieo kiểu mẫu v.v… mọi cái đó sẽ rất tốt đẹp nếu chàng làm việc một mình hoặc cùng với những người bạn đồng tình. Nhưng bây giờ chàng thấy rõ (cuốn sách nghiên cứu về kinh tế nông thôn, trong đó chàng chứng minh nhân tố chủ yếu của sản xuất là người thợ, đã góp phần soi sáng cho chàng rất nhiều) sự kinh doanh chỉ là cuộc đấu tranh tàn khốc, gay gắt giữa chàng và công nhân: một phía (phía chàng) là sự nỗ lực không ngừng để giành những kiểu mẫu hoàn hảo; còn phía bên kia là trật tự tự nhiên của sự vật. Và trong cuộc đấu tranh đó, chàng thấy dù phía chàng có ráng hết sức nhưng phía kia vẫn cứ hoàn toàn thờ ơ, thì chẳng đi đến kết quả nào khác ngoài việc lãng phí nông cụ, súc vật và đất đai hảo hạng. Và nhất là, không những chàng hoài công phí sức mà bây giờ, khi những ảo tưởng về tầm quan trọng của việc mình làm đã tiêu tan, chàng không thể không thấy mục đích theo đuổi thật chẳng bõ công. Thực ra, chàng tranh đấu để làm gì? Chàng quyết liệt bảo vệ tài sản của mình (mà cũng không làm cách nào khác được, vì nếu lơ là thì chàng sẽ không đủ tiền trả công thợ), còn nông dân thì chỉ mong tiếp tục làm việc nhẩn nha và thoải mái như thói quen sẵn có. Quyền lợi chàng yêu cầu mỗi người làm công phải làm việc nhiều nhất, không để mất thời giờ, đòi hỏi họ cố đứng làm gãy máy gieo, bừa, máy đập, đòi hỏi họ phải suy nghĩ trong công việc mình làm; nhưng phía người làm công thì chỉ thích làm việc thoải mái nhất, đôi lúc dừng lại nghỉ ngơi, và nhất là không phải suy nghĩ hoặc lo lắng gì cả. Mùa hè năm đó, mỗi bước Levin đều vấp phải trở ngại đó. Chàng sai họ gặt những cánh đồng cỏ tam điệp xấu bị cỏ dại tràn lấn, không gieo giống được, để làm thức ăn cho gia súc, họ lại vin vào lệnh của quản lý đi cắt cỏ tam điệp làm giống tốt nhất rồi lựa lời an ủi chàng bằng cách bảo đảm là gia súc ăn cỏ khô đó rất tuyệt; nhưng chàng biết nguyên do chỉ vì cánh đồng đó dễ cắt hơn. Chàng vừa mua cái máy đảo cỏ, thì lập tức bị đánh gãy, vì gã mugich chán ngấy không muốn ngồi trên ghế trong khi cánh quạt máy cứ quay trên đầu hắn. Và họ nói: “Ông đừng lo, bọn đàn bà sẽ đảo cỏ khô ngay thôi.” Cày đâm mất tác dụng vì công nhân không buồn ấn cho lưỡi cày ngập sâu nên lực bị hao, làm mệt ngựa và hỏng đất; thế mà họ còn bảo Levin đừng lo! Ngựa giẫm nát cả ruộng lúa, vì không ai chịu canh đêm; nông dân bày ra cách gác luân phiên, mặc dầu có lệnh cấm làm như vậy và Vanka, sau khi làm việc cả ngày mệt nhoài lăn ra ngủ mất. Hắn chỉ cáo lỗi bằng một câu gọn lỏn: “Ông muốn làm gì tôi thì làm!” Ba con bê cái tốt nhất lăn ra chết vì bị thả vào đồng cỏ tam điệp mới dâm lại, mà không cho nước uống; chẳng ai chịu tin là cỏ tam điệp làm chúng chết trương, trái lại để an ủi Levin, họ kể là một người láng giềng, trong có ba hôm, chết mất trăm mười hai con. Tất cả những cái đó không do ác ý mà ra. Trái lại, Levin biết họ yêu chàng, họ thấy chàng giản dị (đó là lời khen quý báu nhất); nhưng chỉ vì nông dân muốn làm việc vui vẻ, vô tư lự và cũng vì quyền lợi của chủ chẳng những hoàn toàn xa lạ, không thể hiểu được, mà còn không tránh khỏi đối lập với quyền lợi riêng của họ. Từ lâu, Levin đã cảm thấy mọi người không bằng lòng cách quản lý sản xuất của mình. Chàng cảm thấy thuyền đắm dần mà không tìm ra nước rỉ vào chỗ nào, có lẽ vì chàng cứ cố tự dối mình (nếu mất hết ảo tưởng thì chàng sẽ không còn gì). Giờ đây, chàng không thể tự huyễn hoặc mình nữa. Công việc canh tác do chàng quản lý không những hết thích thú, mà còn làm chàng chán ghét và không còn chút nhiệt tình làm việc nào nữa. Thêm vào đó, còn có Kitti Tsecbatxkaia ở cách đó ba mươi vecxtơ, chàng rất muốn đến thăm nhưng chưa dám quyết định. Bữa đến thăm Daria Alecxandrovna, bà ta có mời chàng bận sau lại đến chơi: đến để cầu hôn em gái bà lần nữa, ngụ ý muốn bảo giờ đây chắc nàng sẽ nhận lời. Khi gặp lại Kitti, chính Levin cũng hiểu mình vẫn không nguôi yêu nàng; nhưng chàng không thể đến nhà Oblonxki khi biết có nàng ở đó. Việc chàng cầu hôn bị Kitti cự tuyệt đã dựng lên giữa họ một hàng rào không thể vượt qua. “Mình chả mặt mũi nào mà hỏi nàng làm vợ vì cái lý do duy nhất là nàng đã không lấy được người nàng ưng ý, chàng tự nhủ. Ý nghĩ đó làm chàng cảm thấy lạnh lùng và oán hận Kitti. Mình sẽ không đủ sức nói mà không hờn oán, nhìn nàng mà không giận dỗi và như thế nàng sẽ càng ghét hơn. Vả lại, bây giờ, sau khi nghe Daria Alecxandrovna nói như vậy, đến chơi họ, mình biết xử sự ra sao đây? Mình giả tảng như không nghe thấy lời bà ta đã nói với mình chăng? Và mình sẽ mang tấm lòng đầy đức độ khoan dung đến để tha thứ cho nàng! Trước mặt nàng, mình sẽ đóng vai con người cao thượng bỏ qua mọi chuyện và cố ban cho nàng tình yêu! Tại sao Daria Alecxandrovna lại nói thế với mình? Giá ngẫu nhiên gặp nàng, mọi cái khác tự khắc sẽ đến, nhưng bây giờ thì không thể được, không thể được!” Daria Alecxandrovna viết thư cho chàng để hỏi mượn hộ Kitti chiếc yên ngựa phụ nữ. “Tôi nghe nói anh có yên ngựa, bà viết. Tôi mong anh sẽ thân hành mang đến.” Thật quá đáng, làm chàng chịu không nổi. Tại sao một phụ nữ thông minh và tế nhị lại có thể làm nhục em gái mình như vậy? Chàng viết rồi lại xé đến mười bức thư, và cuối cùng gửi yên đi, không trả lời. Không thể viết là mình sẽ đến chơi vì điều đó không làm được; viện cớ bận việc hoặc phải đi xa để từ chối lại càng dở. Chàng đành gửi yên đi không có thư kèm, và với cảm giác mình đã làm điều thất thố, ngay hôm sau, chàng liền giao cho quản lý trông nom cái trại ấp đã trở nên đáng ghét và đến một quận xa, tới nhà ông bạn Xerioja vừa mới viết thư mời chàng đến săn dẽ giun. Những đầm lầy nhiều muông thú ở quận Xurôp từ lâu vẫn hấp dẫn Levin, nhưng mãi đến nay, chàng cứ bị công việc giữ rịt không đi được. Bây giờ, trái lại, chàng vui lòng xa lánh cái chốn lân cận với gia đình Serbatxki và nhất là xa lánh trại ấp của chàng. Việc săn bắn bao giờ cũng là phương thuốc tốt nhất để giải sầu cho chàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.