Anna Karenina (Tập 1)

Phần 3 – Chương 13



32

Từ lâu, Levin vẫn nhận thấy là khi ta ngượng ngùng trước vẻ tôn kính, khúm núm quá đáng của một số người nào đó, thì chỉ sau một thời gian rất nhanh, ta sẽ phải chịu đựng những yêu sách và tính nết bất thường của họ. Chàng cảm thấy đối với anh rồi cũng sẽ như vậy. Và quả thực, tính hòa nhã của ông anh Nicolai không được lâu. Ngay sáng hôm sau, ông đã cáu gắt và kiếm chuyện với em, cố tình động chạm đến chỗ dễ tổn thương nhất của chàng. Levin tự cảm thấy mình có lỗi nhưng không biết làm thế nào. Chàng thấy nếu cả hai đừng đóng kịch, mà cứ cởi mở nói thực với nhau mọi ý nghĩ và cảm giác thì mới có thể nhìn thẳng mặt nhau được. Levin sẽ nói: “Anh sắp chết, anh sắp chết rồi!” Và Nicolai sẽ trả lời: “Anh biết anh sắp chết, nhưng anh sợ, anh sợ lắm!” và họ sẽ không cần nói thêm gì nhiều nữa, nếu quả tình họ đã cở mở nói hết với nhau. Nhưng không thể nào sống như thế được, nên chàng cố làm cái việc đã thí nghiệm suốt đời không thành công, cái việc mà theo chàng quan sát, biết bao người khác đã biết thực hiện rất khôn khéo và không có nó thì họ không sống được: chàng cố nói những điều khác với ý mình nhưng liền cảm thấy giả dối, cảm thấy ông anh nhận ra ngay và đâm bực mình. Tối hôm thứ ba, Nicolai đã khiến em trai phải trình bày lại kế hoạch của chàng, và không những ông chỉ trích mà còn làm như lẫn lộn nó với chủ nghĩa cộng sản.

– Chú chỉ làm cái việc lấy ý kiến người khác đem bóp méo đi rồi đem áp dụng vào chỗ không thể áp dụng được.

– Nhưng tôi đã nói với anh là hai cái đó không có gì giống nhau. Họ lên án chế độ tư hữu, tư bản, di sản, nhưng tôi, tôi lại thừa nhận đó là “kích thích tố chủ yếu” (Levin ghét dùng những chữ như vậy, nhưng từ khi vùi đầu vào viết lách, vô hình chung càng ngày chàng càng hay dùng những từ xa lạ), tôi chỉ muốn điều chỉnh lao động.

– Đúng như thế: chú đi lấy ý kiến người khác, tước bỏ đi tất cả những gì tạo nên sức mạnh của nó và định trình bày như là một cái gì mới mẻ, – Nicolai nói và giật giật cà vạt, vẻ giận dữ.

– Những ý kiến của tôi không có gì giống như vậy.

– Những học thuyết đó, – Nicolai Levin nói với một ánh hung dữ trong khóe mắt và một nụ cười giễu cợt trên môi, – những học thuyết đó ít nhất cũng còn có một thứ tạm gọi là giá trị hình học, nó sáng sủa, dứt khoát. Có thể đó là không tưởng. Nhưng cứ cho rằng người ta có thể san bằng tất cả quá khứ: không còn tư hữu, không còn gia đình, việc đó còn có thể dẫn tới cải cách lao động. Còn chú, chú chẳng có gì cả…

– Tại sao anh lại lẫn lộn như thế? Tôi chưa bao giờ là cộng sản cả…

– Còn tôi, tôi đã từng là cộng sản và tôi thấy cho dù chủ nghĩa cộng sản có non trẻ đi nữa, nó vẫn lô gic. Nó có tương lai, giống như đạo Gia tô vào những thế kỉ đầu tiên.

– Tôi chỉ muốn người ta phải xem xét lao động lực theo quan điểm khoa học tự nhiên, nói cách khác tức là nghiên cứu nó, khám phá ra bản chất của nó và…

– Nhưng việc đó hoàn toàn vô ích. Tự bản thân cái lao động lực đó, theo trình độ phát triển của nó, thường vẫn tìm ra một phương thức hoạt động nào đó. Trước đây, đâu đâu cũng là nô lệ, rồi đến tá điền ngay chúng ta, chúng ta cũng có tá điền, thợ tự do, chú còn muốn gì nữa? – Levin đột nhiên phát cáu khi nghe những lời đó, vì trong thâm tâm, chàng e có khi thế mà đúng: có lẽ quả thực chàng đang đi tìm cách dung hòa chủ nghĩa cộng sản với một số hình thức lao động nhất định và điều đó quả khó lòng thực hiện nổi.

– Tôi đang tìm một phương pháp khiến lao động sinh lợi nhiều hơn cho tôi và cho nông dân. Tôi muốn cải cách… – chàng sôi nổi trả lời.

– Chú chẳng muốn cải cách gì hết: chú chỉ muốn tỏ ra độc đáo như suốt đời chú vẫn vậy, tỏ ra ít nhất chú chẳng bóc lột thợ một cách có suy nghĩ.

– Thôi được, tùy ý anh; không bàn nữa! – Levin trả lời, cảm thấy bắp thịt má trái giật giật.

– Chú chưa bao giờ có và hiện nay cũng không hề có lập trường, chú chỉ cần thỏa mãn tự ái thôi.

– Thôi, được lắm, vậy anh hãy để tôi yên thân.

– Thì nhất định là tôi sẽ để cho chú yên. Cũng đến lúc rồi đấy, cút đi cho rảnh! Tôi rất hối hận là đã về đây.

Levin sau đó hết sức cố làm anh nguôi giận nhưng Nicolai không thèm nghe phải trái gì hết. Ông tuyên bố thà chia tay nhau đi còn hơn và Conxtantin thấy rõ anh mình đã đến lúc không chịu đựng nổi cuộc sống nữa rồi.

Nicolai sắp sửa lên đường thì Conxtantin vào gặp, và giọng gượng gạo, cầu xin ông tha lỗi, nếu chàng lỡ có điều gì thất thố.

– À! Cao cả thay! – Nicolai nói và mỉm cười… – Nếu chú muốn có lý thì tôi có thể làm vui lòng chú. Ừ thì chú đúng, nhưng dù sao tôi vẫn cứ đi!

Tuy nhiên, trước lúc lên đường, Nicolai vẫn ôm hôn em rồi đột nhiên nhìn chàng nghiêm nghị lạ lùng và nói;

– Coxtia, chú đừng giận tôi nhé! – và giọng ông run lên. Đó là lời thành thật duy nhất được nói ra. Levin hiểu điều đó ngụ ý: “Chú cũng thấy và cũng biết là tôi ốm đấy! Có thể chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa.” Levin hiểu và rưng rưng nước mắt. Chàng ôm hôn anh lần nữa nhưng không thể và không biết nói gì hơn. Ngày thứ ba sau hôm ông anh lên đường, đến lượt Levin cũng ra nước ngoài. Chàng gặp Serbatxki, anh họ của Kitti ở trên tàu và ông này ngạc nhiên thấy chàng rất buồn.

– Anh sao thế? – Serbatxki hỏi.

– Chẳng sao cả, có điều là cuộc đời chẳng có gì vui.

– Thôi đi! Anh nên đi Pari với tôi còn hơn đến rúc vào cái xó Muludơ ấy. Anh sẽ thấy ở đó vui như thế nào.

– Không, đối với tôi, đâu cũng thế hết. Tôi chỉ còn có chết thôi.

– Nói bậy chưa kìa! – Serbatxki cười nói. ấy thế mà tôi mới bắt đầu chuẩn bị sống thôi đấy!

– Chính tôi cách đây không lâu cũng nghĩ như thế, nhưng bây giờ tôi biết mình sắp chết đến nơi rồi.

Điều Levin nói, thực tâm chàng đã nghĩ thế từ lâu nay. Ở đâu, chàng cũng chỉ nhìn thấy cái chết hoặc con đường dẫn tới cái chết. Vì thế chàng càng quan tâm đến sự nghiệp của mình hơn. Phải sống cho thật đầy đủ trước khi cái chết ập đến. Với chàng, bóng tối bao phủ hết thảy rồi; nhưng chàng cảm thấy sợi dây dẫn đường duy nhất giữa cảnh tối tăm chính là sự nghiệp và chàng dốc toàn tâm toàn lực ra bám lấy nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.