Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 06



14

Levin cưới vợ đã được gần ba tháng. Chàng sung sướng nhưng hoàn toàn không như chàng tưởng. Luôn luôn, chàng gặp những vỡ mộng, nhưng cũng gặp cả những niềm vui bất ngờ. Chàng sung sướng, nhưng khi đi vào cuộc đời vợ chồng, mỗi bước chàng lại thấy hoàn toàn không phải như đã tưởng tượng. Chàng cảm thấy cái điều người ta cảm thấy lúc ngồi vào một con thuyền sau khi ngắm nó trôi dễ dàng và vô sự trên mặt hồ. Chàng thấy không phải chỉ cần ngồi yên không làm tròng trành là đủ: mà còn phải giữ đúng phương hướng không rời mắt một phút, nghĩ tới làn nước đang ở dưới chân và phải chèo, và việc này thật đau đớn cho những bàn tay thiếu kinh nghiệm. Ngắm thuyền đi là việc dễ dàng, chèo lái có lẽ cũng mê li thật, nhưng rất gay go. Khi còn sống độc thân, trong thâm tâm chàng chỉ việc mỉm cười khinh khi trước cảnh sinh hoạt vợ chồng của kẻ khác, trước những lo lắng tủn mủn, cãi cọ, ghen tuông của họ. Chàng tin chắc trong đời sống gia đình của chàng, không những không thể xảy ra việc gì tương tự mà ngay đến hình thức bên ngoài cũng sẽ khác hẳn. Nào ngờ cuộc sống của chàng với vợ không những không có chút gì mới lạ mà trái lại, chỉ gồm toàn những cái lặt vặt mà xưa kia chàng rất khinh bỉ và giờ đây, ngược với ý muốn chàng, chúng có tầm quan trọng khác thường, không sao chối cãi được. Và Levin thấy giải quyết những việc lặt vặt đó thật không dễ dàng như đã tưởng lúc đầu. Mặc dầu tự cho mình có ý niệm rất đúng đắn về hôn nhân, cũng như mọi người khác, chàng hi vọng sẽ tìm thấy trong đó toàn là hoan lạc tình yêu mà không có chút trở ngại và tiểu tiết tầm thường nào. Chàng nghĩ mình phải tiếp tục công việc và nghỉ ngơi trong hạnh phúc ái ân bên nàng. Nàng hẳn bằng lòng vì được yêu. Nhưng cũng như mọi đàn ông khác, chàng đã quên là chính nàng cũng có nhiệm vụ phải làm tròn. Chàng ngạc nhiên thấy nàng Kitti thơ mộng và xinh tươi, ngay từ ngày đầu cuộc sống vợ chồng, đã nghĩ tới khăn bàn, đồ đặc, chăn nệm, bếp nước, bàn ăn v.v… Ngay lúc đính hôn, chàng đã ngạc nhiên về thái độ dứt khoát của nàng khi từ chối không đi du lịch nước ngoài mà quyết định về nông thôn, như thể nàng hiểu rõ cái gì phù hợp với họ và ngoài tình yêu nàng có thể nghĩ tới việc khác nữa. Việc đó đã làm chàng tự ái và giờ đây, chàng vẫn bực mình vì những lo lắng tủn mủn của nàng. Nhưng chàng thấy nàng không thể làm khác được. Và, tuy không hiểu tại sao nàng lại làm thế, tuy cười nàng, chàng vẫn không thể không khâm phục Kitti, bởi vì chàng yêu nàng. Chàng cười khi thấy nàng bày biện đồ đạc đem từ Moxcva về, thay đổi đồ đạc trong buồng họ, treo màn cửa, sửa soạn những buồng dành cho bạn bè, cho Doli, sai bảo chị hầu phòng mới và ông bếp già, bàn cãi với Agafia Mikhailovna và không để bà ta trông nom việc trữ thực phẩm nữa. Chàng thấy ông bếp già thán phục vẻ kiều diễm của nàng và mỉm cười khi nghe những lời sai bảo kì quặc không sao thực hiện được; chàng thấy Agafia Mikhailovna lắc đầu âu yếm và tư lự trước cách sắp đặt mới của cô chủ trẻ; chàng thấy Kitti đặc biệt dễ thương khi dở khóc dở cười đến mách là Masa vẫn coi nàng như một cô thiếu nữ và ai nấy đều coi thường nàng cả. Chàng thấy mọi cái đó đều đáng yêu nhưng kì quái và chàng nghĩ giá đừng thế thì tốt hơn. Chàng không mảy may đoán được sự thay đổi nàng đang trải qua; lúc còn ở nhà cha mẹ, nếu nàng thèm ăn cải bắp nấu rượu kvat hoặc thèm ăn kẹo, cũng có khi không được, nhưng bây giờ nàng tự do muốn gọi ăn món gì tùy thích, tự do mua hàng núi kẹo, bánh ngọt, tha hồ tiêu bao nhiêu tiền cũng được. Giờ đây, nàng vui thích mơ tưởng đến lúc Doli và các cháu về chơi: nàng sẽ làm cho mỗi đứa một cái bánh ưa thích và Doli sẽ khen chỗ ở mới của nàng. Chính nàng cũng không biết tại sao những việc vặt nội trợ hấp dẫn nàng không sao cưỡng nổi. Linh cảm thấy mùa xuân sắp tới và biết sẽ còn cả những ngày xấu trời, nàng cố sức xây dựng tổ ấm và đồng thời vừa vội vã xây dựng cho nhanh vừa học tập cách thức xây dựng. Những bận bịu tủn mủn của Kitti, vốn rất trái ngược với lí tưởng về hạnh phúc cao cả mà Levin mơ ước, là một trong những thất vọng của chàng; và cũng chính những công việc dễ thương đó, mà chàng không hiểu nổi ý nghĩa nhưng không thể không yêu thích, lại là một trong những hoan hỉ mới. Những xích mích cũng vừa là vỡ mộng vừa là hoan hỉ. Chưa bao giờ Levin lại tưởng tượng ngoài âu yếm, kính trọng và ân ái ra, còn có thể có quan hệ khác giữa chàng và vợ, thế mà ngay từ ngay đầu họ đã cãi nhau rồi. Nàng bảo chàng không yêu nàng, chàng chỉ yêu bản thân chàng thôi và vung tay thất vọng òa lên khóc. Vụ xích mích đầu tiên xảy ra sau lần Levin đi thăm một ấp mới; chàng về muộn nửa giờ vì bị lạc trong khi muốn đi đường tắt. Trên đường về, chàng chỉ nghĩ đến nàng, đến tình yêu và hạnh phúc; càng đến gần nhà, niềm yêu càng bừng bừng cháy. Chàng chạy vội lên buồng với một tình cảm mãnh liệt hơn cả lần đến nhà Trerbaxki cầu hôn. Ấy thế mà nàng đón chàng với bộ mặt sa sầm chưa từng thấy. Chàng định ôm hôn; nàng đẩy chàng ra.

– Em làm sao thế?

– Anh đi vui thú thế… – nàng cất lời, muốn tỏ vẻ lạnh lùng chua chát.

Nhưng vừa mở miệng, sự ghen tuông vô lí giày vò nàng suốt nửa giờ ngồi trên khung cửa sổ chờ chồng, liền bật ra thành lời trách móc. Mãi đến lúc đó, chàng mới hiểu được cái điều mới chỉ mang máng thấy, sau lễ cưới, khi họ cùng bước ra khỏi nhà thờ. Chàng hiểu không những nàng chỉ gần gũi, mà còn hòa quyện vào chàng đến nỗi không còn biết đâu là ranh giới giữa hai người. Nay chàng hiểu rõ điều đó qua cái cảm giác phân thân đau đớn chàng đang trải qua lúc này. Đầu tiên, chàng phật ý, nhưng đồng thời cảm thấy không thể phật ý với nàng được, vì nàng đã hợp làm một với bản thân chàng. Trong phút đầu, chàng có cảm giác giống như người bị đánh rất mạnh ở đằng sau, tức giận quay lại định trả đòn thì nhận ra chính mình đã vô ý tự làm đau mình, không còn tức ai được nữa và đành chịu đau. Về sau, không lần nào chàng cảm thấy điều đó mãnh liệt như thế nữa, nhưng trong lần đầu tiên đó, hồi lâu chàng mới bình tĩnh lại được. Một tình cảm tự nhiên ra lệnh cho chàng phải thanh minh và chỉ rõ là nàng lầm; nhưng làm thế chỉ khiến nàng tức thêm và sự xích mích, nguyên nhân của mọi tai vạ, càng tăng thôi. Một tình cảm quen thuộc xui chàng không nên nhận lỗi và đổ cho nàng: một tình cảm khác mạnh mẽ hơn, xui chàng nên dàn xếp xích mích cho thật nhanh, đừng để nó có thời gian phát triển trầm trọng hơn. Phải cam chịu lời kết tội như vậy, quả thật bực mình, nhưng thanh minh mà làm khổ nàng thì càng tệ hại hơn. Như người đang đau, khi nửa thức nửa ngủ, chàng muốn dứt bỏ chỗ đau đi, nhưng bừng tỉnh lại mới nhận thấy chỗ đau lại chính là bản thân mình. Chỉ có cách gắng kiên nhẫn chịu đau và chàng đã làm như vậy. Họ làm lành với nhau. Nhận thấy mình có lỗi nhưng không muốn nói ra, nàng dịu dàng hơn với chàng và hạnh phúc càng tăng gấp bội. Nhưng cái đó không ngăn cãi cọ khỏi tái diễn, mà thậm chí còn xảy ra luôn, với những lí do thật bất ngờ và vụn vặt nhất. Thường thường nguyên do cãi cọ là vì người nọ vẫn chưa hiểu cái gì là quan trọng đối với người kia và vì suốt thời gian đầu, cả hai thường luôn cáu kỉnh. Khi người này vui vẻ và người kia cáu kỉnh thì vẫn giữ được hòa thuận, nhưng khi cả hai đều cáu thì cãi cọ lại xảy ra với những lí do rất lặt vặt và không sao hiểu được, đến nỗi về sau họ hoàn toàn không nhớ đã cãi nhau về chuyện gì. Đành rằng khi cả hai đều vui vẻ thì niềm yêu đời càng tăng gấp bội. Nhưng dù sao, thời kì đầu đó cũng khiến họ khổ tâm. Suốt thời gian đó, có sự căng thẳng giữa hai người, hình như mỗi người đều co kéo về phía mình sợi dây đã ràng buộc họ với nhau. Nói chung, tuần trăng mật này – theo truyền thống, Levin đặt rất nhiều hi vọng vào đó – chẳng những không phải là tuần trăng mật, mà trong kí ức cả hai người, còn là thời kì đau khổ, nhục nhằn nhất đời họ. Sau đó, họ cố gạt bỏ khỏi kí ức những sự việc xấu hổ và lố lăng của cái thời kì không lành mạnh trong đó, họa hoằn họ mới ở trạng thái bình thường.

Mãi tới tháng thứ ba chung sống, sau khi đến ở Moxcva một tháng rồi quay về, cuộc sống của họ mới bớt va chạm.

15

Họ vừa ở Moxcva về và sung sướng vì chỉ có hai người với nhau. Chàng ngồi viết ở bàn giấy. Kitti mặc chiếc áo dài màu hoa cà sẫm mà chồng rất thích, vì đã được mặc trong những ngày đầu sau khi cưới, nàng ngồi với tấm thêu kiểu Anh trên đi văng, vẫn chiếc đi văng cũ kĩ bằng da trước đây thường kê ở buồng giấy ông nội và cha Levin. Chàng suy nghĩ và viết, sung sướng cảm thấy có nàng ngay bên cạnh. Chàng không phải rời bỏ cả trại ấp lẫn cuốn sách trong đó chàng sẽ trình bày những nguyên lí cơ bản của nền tân kinh tế nông thôn; nhưng cũng như xưa kia đã từng thấy công việc đó thật vô nghĩa so với bóng tối bao phủ đời mình, giờ đây chàng lại thấy chúng có vẻ nhỏ mọn và phù phiếm so với ánh sáng rực rỡ đang tràn ngập cuộc sống của chàng. Chàng vẫn tiếp tục công việc nhưng giờ đây lại cảm thấy trọng tâm chú ý đã di chuyển và do đó, chàng nhìn lại hoạt động của mình một cách khác, sáng suốt hơn. Xưa kia, hoạt động đó là cách giải thoát duy nhất đối với chàng. Bây giờ chàng cần đến nó để cho cuộc sống khỏi rực rỡ một cách quá đơn điệu. Cầm tập bản thảo và xem lại những điều đã viết, chàng vui thích thấy công việc đáng tiếp tục làm nốt. Đây là một công trình nghiên cứu mới mẻ và có ích. Chàng thấy một số lớn ý kiến cũ là thừa và quá trớn, nhưng trái lại nhiều thiếu sót đã được bổ sung khi chàng xem xét lại toàn bộ vấn đề.

Giờ đây chàng viết một chương mới về nguyên nhân tình trạng bấp bênh của nền nông nghiệp ở Nga. Chàng chứng minh sự bần cùng của nước Nga không những do phân phối bất công tài sản và chỉ đạo sai lầm, mà còn do cả việc du nhập nền văn minh nước ngoài vào một cách trái khoáy, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, đường xe lửa, dẫn tới tập trung đông dân ở thành phố, phát triển đời sống xa hoa và do đó, dẫn tới phát triển công nghiệp, tín dụng và người bạn đồng hành của nó là đầu cơ, làm tổn hại đến nông nghiệp. Theo chàng, trong điều kiện tài nguyên của nước nhà phát triển bình thường, tất cả những sự việc ấy chỉ có thể xảy ra khi công sức bỏ vào việc canh tác đã kha khá, khi tình hình nông nghiệp đã được chấn chỉnh đúng mức bằng những biện pháp triệt để và những điều kiện rành mạch; tài nguyên đất nước phải tăng tiến đều đặn và nhất là sao cho các ngành khác không đi trước nông nghiệp; phù hợp với tình hình đã biết, nông nghiệp phải thích ứng với điều đó, và đường giao thông, trong điều kiện sử dụng bất hợp lí đường xe lửa – vốn được xây dựng không phải theo nhu cầu kinh tế mà theo sự cần thiết chính trị, do đó đâm quá sớm – đáng lí đem lại sự hỗ trợ mà nông nghiệp chờ đợi, thì lại đi trước nó và khiến cho sự phát triển của công nghiệp và tín dụng ngăn chặn nó; vì vậy, giống như sự phát triển phiến diện và quá sớm của một cơ quan trong một động vật, làm hại đến sự phát triển toàn diện của sinh vật đó, sự phát triển tài nguyên ở Nga cũng bị gây tổn thất bởi tín dụng, đường giao thông, việc đẩy mạnh hoạt động công nghiệp; những điều rõ ràng là cần thiết và hợp thời ở châu Âu, nhưng lại gây hại, nguy hiểm cho vấn đề chủ yếu trước mắt là cơ cấu nông nghiệp.

Trong khi chàng viết, Kitti nghĩ tới thái độ chú ý khác thường của chồng đối với cậu ấm Tsarxki đã tán tỉnh nàng khá lộ liễu trước hôm họ ra về. “Chàng ghen, nàng thầm nghĩ. Lạy Chúa! Chàng thật đáng yêu mà cũng thật ngốc nghếch. Chàng ghen! Nếu chàng biết mọi người khác đối với mình chẳng qua cũng chỉ như anh bếp Piot’r thôi, nàng thầm nghĩ và nhìn cái gáy và cổ đỏ ửng của chồng với một ý thức sở hữu vốn xa lạ với bản chất nàng. Ngắt quãng công việc của chàng kể cũng tội (song chàng còn khối thời giờ), nhưng mình cần nhìn mặt chàng; không biết chàng có cảm thấy mình đang nhìn không. Mình muốn chàng phải quay lại cơ… Mình muốn thế, nào!”, và nàng mở to mắt, hi vọng bằng cách đó, làm cái nhìn tăng thêm hiệu lực.

– Phải, những cái đó hút kiệt hết nhựa và gây nên phồn vinh giả tạo, – chàng lẩm bẩm và ngừng bút, cảm thấy nàng đang nhìn mình; chàng mỉm cười quay lại.

– Có gì thế em? – chàng mỉm cười hỏi và đứng dậy.

“Chàng đã quay lại thật”, nàng thầm nghĩ.

– Không có gì cả, em chỉ muốn anh quay lại thôi, – nàng nhìn chàng nói và thử đoán xem chàng có bực mình vì bị quấy rầy không.

– Cả hai chúng ta sống thế này thật sung sướng: hay ít ra cũng có một người sung sướng là anh, – chàng nói, bước lại gần nàng, mặt rạng rỡ hạnh phúc.

– Cả em nữa! Em không còn muốn đi đâu cả, nhất là đi Moxcva!

– Em đang nghĩ gì thế?

– Em ấy à? Em nghĩ là… Không, không, anh viết đi, đừng để đãng trí đi mất, – nàng dẩu môi nói. – Em còn phải cắt tất cả các lỗ nhỏ này, anh thấy không? – Nàng cầm kéo và cắt vải.

– Không, nói cho anh biết em đang nghĩ gì, – chàng nói và ngồi xuống cạnh nàng, theo dõi chiếc kéo con cắt lượn tròn.

– À phải! Em nghĩ đến Moxcva, đến cái gáy anh.

– Sao anh sung sướng đến thế này nhỉ? Điều đó trái với tự nhiên.

– Thật tốt đẹp quá mức bình thường, – chàng nói và hôn tay nàng.

– Em thì trái lại, càng tốt đẹp bao nhiêu, em càng thấy đó là tất nhiên.

– Em có một món tóc con tuột ra, – chàng nói và thận trọng xoay đầu nàng lại. – Đây này.

– Thôi mặc nó, ta còn đang bận việc quan trọng. Nhưng việc quan trọng đã bị bỏ dở và họ đột nhiên rời nhau như hai kẻ gian khi Kuzma vào mời ra dùng trà.

– Họ ở tỉnh về chưa? – Levin hỏi.

– Vừa mới về đấy ạ. Họ đang soạn thư.

– Nhanh lên anh, – nàng bảo chồng và ra khỏi buồng giấy, – nếu không, em đọc thư trước một mình không chờ anh đâu. Sau đó ta sẽ chơi đàn tay đôi.

Còn lại một mình, Levin xếp vở vào chiếc cặp giấy thấm mới do vợ mua cho, rồi rửa tay ở cái bồn rửa đầy đủ phụ tùng sang trọng cũng mới có từ khi Kitti về đây. Chàng mỉm cười với những ý nghĩ của mình và lắc đầu ra vẻ không tán thành; một cảm giác gần như hối hận giày vò chàng. Trong cuộc sống của chàng hiện nay, có một cái gì mềm yếu (những “khoái lạc của Capoue9 “chàng thầm nghĩ) làm chàng xấu hổ. “Sống thế này không tốt. Thế là ngót ba tháng nay mình gần như không làm gì cả. Hôm nay, có thể gọi là lần đầu tiên mình lại bắt tay vào việc, thế mà vừa khởi đầu đã lại bỏ dở. Thậm chí gần như bỏ bê cả công việc thường xuyên: mình không trông nom gì đến trại ấp cả. Khi thì tiếc phải xa nàng, khi lại thấy nàng buồn không nỡ đi. Thế mà mình lại nghĩ cuộc đời trước khi kết hôn là không đáng kể, nó chỉ thực sự bắt đầu từ sau này! Thế mà sắp ba tháng rồi, và chưa bao giờ mình sống nhàn rỗi như thế này. Không, không thể được, phải bắt đầu thôi. Đã đành, đó không phải là lỗi tại nàng. Không thể trách cứ nàng điều gì. Đáng lẽ mình phải cứng rắn hơn, phải tìm cách bảo vệ tính độc lập của mình tốt hơn. Tất nhiên, đó không phải lỗi tại nàng”, chàng thầm nhủ. Nhưng một người bất mãn mà lại không trách móc kẻ khác và nhất là không trách móc người thân về điều mình bất mãn thì thật khó. Cho nên, Levin lờ mờ nghĩ đó không phải lỗi tại nàng (nàng không thể có lỗi gì), mà tại việc giáo dục nàng quá hời hợt và phù phiếm (“cái gã Tsarxki xấu xa đó, mình hiểu nàng muốn chặn đứng hắn lại nhưng không biết làm thế nào”). “Phải, ngoài nhà cửa, quần áo và tấm thêu kiểu Anh ra, nàng không quan tâm đến việc gì nghiêm túc. Cả công việc của mình, cả trại ấp, nông dân, cả âm nhạc, mặc dầu nàng chơi nhạc rất nhiều, cả đọc sách, cũng đều không làm nàng bận tâm. Nàng không làm gì cả và hoàn toàn mãn nguyện”. Nhận xét như vậy, Levin quả không hiểu rằng Kitti đang chuẩn bị cho một giai đoạn hoạt động sắp tới, trong đó nàng phải vừa làm vợ, làm chủ nhà, vừa làm mẹ, làm người nuôi dạy con. Chàng không hiểu rằng nàng đã linh cảm trước việc đó và trong khi chuẩn bị cho nhiệm vụ ghê gớm đó, nàng tự cho phép mình hưởng vài phút vô tư lự và hạnh phúc, đồng thời vui vẻ xây dựng tổ ấm tương lai.

(9) Hồi đó các gia đình quý phái thường đặt thuê bao từng khoang buồng riêng ở các nhà hát cho suốt mùa kịch.

16

Levin lên gác và thấy vợ đang ngồi đó, cạnh ấm đun trà và bộ ấm chén mới tinh. Nàng bảo vú già Agafia Mikhailovna cầm chén trà ngồi xuống cạnh bàn tròn, rồi đọc thư của Doli: hai chị em vẫn đều đặn viết thư cho nhau.

– Cậu thấy chưa, mợ đã bảo tôi ngồi cạnh mợ đấy, – Agafia Mikhailovna mỉm cười thân ái với Levin.

Trong câu đó, Levin đọc thấy sự cởi nút tấn kịch xảy ra hồi gần đây giữa Agafia Mikhailovna và Kitti. Chàng thấy mặc dầu nàng đã giành hết quyền cầm cân nảy mực làm bà vú già buồn phiền, Kitti chiến thắng vẫn biết cách làm người ta yêu mến mình.

– Em đã bóc lá thư này gửi cho anh, – Kitti nói và đưa chàng một bức thư chữ viết sai chính tả. – Em chắc của cái bà đó, của anh trai anh… Em chưa đọc đâu. Còn em, em nhận được một thư của ba mẹ và một của chị Doli. Anh thử tượng tượng xem, Doli đã dẫn Grisa và Tania đi dự một cuộc khiêu vũ trẻ con ở nhà Xarmatxki! Tania mặc giả nữ hầu tước. Nhưng Levin không nghe nàng nói: chàng đỏ mặt cầm lấy thư của Maria Nicolaievna, người tình cũ của anh trai, và đọc. Đây là bức thứ hai bà ta gửi đến. Trong bức thứ nhất, Maria Nicolaievna kể là anh chàng đã đuổi bà ta mặc dầu bà vô tội, và với một giọng thực thà tội nghiệp, bà viết thêm mặc dầu túng quẫn, bà không yêu cầu gì mà chỉ đau đớn nghĩ tới Nicolai Dimitrievitr vốn ốm yếu như thế, rồi đến chết dần chết mòn mất thôi và xin Levin trông nom đến ông ta. Hôm nay, bà viết là đã gặp Nicolai Dimitrievtr, đã trở lại ăn ở với nhau tại Moxcva, rồi về một thành phố nhỏ; ở đó ông ta xin được việc làm tại một công sở. Tại đây, ông cãi lộn với cấp trên, rồi lại trở về Moxcva, nhưng dọc đường, bị ốm nặng đến nỗi bà lo khó lòng qua khỏi. “Anh ấy luôn nhắc đến chú và anh ấy hết cả tiền rồi”, bà ta nói.

– Này, Doli nhắc đến anh đấy, – Kitti mỉm cười nói, nhưng bỗng dừng lại khi nhận thấy vẻ mặt thất sắc của chồng. – Anh làm sao thế? Có việc gì xảy ra thế hở anh?

– Bà ấy viết thư bảo là anh Nicolai sắp chết. Anh phải đến với anh ấy.

Mặt Kitti đột nhiên biến sắc. Tania mặc giả nữ hầu tước và Doli đã biến khỏi đầu óc nàng.

– Bao giờ? – nàng hỏi.

– Ngày mai.

– Em có thể đi với anh được không?

– Ồ, Kitti, sao em lại nghĩ thế? – chàng nói, giọng trách móc.

– Sao em lại nghĩ thế à? – nàng trả lời, tự ái vì thấy đề nghị của mình được tiếp nhận một cách bực bội và miễn cưỡng như vậy. – Tại sao em lại không đi được? Em sẽ không làm phiền gì anh cả. Em…

– Anh phải đi vì anh ruột anh sắp chết, – Levin nói. – Còn em thì vì sao…

– Vì sao à? Vì cùng một lí do như anh đấy. – “Ngay cả lúc nghiêm trọng như thế này, cô ta cũng chỉ lo ở nhà một mình buồn”, Levin thầm nghĩ. Và việc nàng viện cớ tạ sự trong hoàn cảnh nghiêm trọng như vậy, làm chàng tức giận.

– Không thể được, – chàng nghiêm khắc nói. Agafia Mikhailovna thấy họ lại sắp cãi nhau, lặng lẽ đặt chén xuống và đi ra. Kitti thậm chí không để ý đến điều đó. Cái giọng của chồng khi nói mấy tiếng cuối cùng càng xúc phạm nàng vì rõ ràng chàng không tin lời nàng nói.

– Còn em, em nói là nếu anh đi thì nhất định em cùng đi, – nàng hấp tấp nói, giọng giận dữ. – Tại sao lại không thể được? Tại sao anh lại nói là không thể được?

– Bởi vì có trời mà biết được chúng ta sẽ đi đứng như thế nào, đường sá thì xấu, ăn ngủ thì ở hàng, quán… Em sẽ làm anh vướng víu, – Levin nói, cố giữ điềm tĩnh.

– Không vướng víu chút nào hết. Em không cần gì cả! Anh có thể đi tới đâu thì em cũng có thể tới đó được…

– Chỉ riêng việc có người đàn bà đó mà em không thể giao thiệp, cũng đủ là một lí do khiến em không nên đi.

– Em không biết và không muốn biết gì cả. Em chỉ biết anh ruột chồng em sắp chết, chồng em phải đến với ông ta, và em sẽ đi theo chồng để…

– Kitti! Đừng có nóng nảy. Mà phải suy nghĩ. Hoàn cảnh rất nghiêm trọng cho nên anh thật khổ tâm thấy em để xen vào đó tình cảm ủy mị phải ở nhà một mình. Nếu em buồn thì đến Moxcva ở vậy.

– Ra thế đấy, anh luôn luôn gán cho em những tư tưởng hèn hạ và tầm thường, – nàng nói, ứa nước mắt tức giận. – Hoàn toàn không phải chuyện ủy mị. Em thấy bổn phận em là phải gần chồng trong cơn hoạn nạn, nhưng anh lại cố tình làm khổ em, anh cố tình làm ra không hiểu…

– Ôi! Thật kinh khủng, phải nô lệ đến mức thế này! – Levin kêu lên và đứng dậy, không thể nén giận lâu hơn nữa. Nhưng đồng thời chàng cảm thấy đó là một đòn tự giáng vào đầu mình.

– Thế thì tại sao anh lấy vợ? Nếu không anh đã tự do. Tại sao anh lại lấy vợ, nếu anh hối hận vì việc ấy? – nàng nói. Nàng vùng đứng lên và chạy vụt sang phòng khách.

Khi chàng đến bên thì nàng đang khóc nức nở.

Chàng bắt đầu nói, muốn tìm những câu nếu không đủ sức thuyết phục thì ít nhất cũng làm cho nàng nguôi giận. Nhưng nàng không nghe chàng nói và không chịu chấp nhận gì cả. Chàng cúi xuống cầm tay nàng nhưng nàng giằng ra. Chàng hôn tay, hôn tóc, lại hôn tay lần nữa… nàng vẫn im lặng. Nhưng khi chàng đưa hai tay ấp lấy mặt nàng và gọi “Kitti!”, đột nhiên nàng trở lại bình tĩnh, sụt sịt chút nữa rồi xiêu dần, làm lành với chàng. Họ quyết định ngày hôm sau cùng đi. Levin bảo vợ là chàng đã tin nàng chỉ muốn theo chồng để giúp đỡ, và thừa nhận rằng sự có mặt của Maria Nicolaievna bên cạnh anh chàng, không có gì bất tiện cả; nhưng trong thâm tâm, chàng ra đi, bất mãn với cả vợ lẫn bản thân mình. Chàng không bằng lòng vợ vì nàng không chịu để chàng đi khi cần phải đi (chàng ngạc nhiên nghĩ, mới cách đây ít lâu, chàng còn chưa dám tin rằng nàng có thể yêu mình, thế mà bây giờ, chàng lại khổ sở vì nàng quá yêu!); chàng không bằng lòng mình vì đã thiếu kiên quyết. Nhưng điều làm chàng lo ngại nhất là việc Kitti sẽ phải tiếp xúc với người đàn bà cùng sống với ông anh và chàng sợ hãi khi nghĩ đến tất cả những va chạm có thể xảy ra. Chỉ cần nghĩ đến việc vợ mình, Kitti của chàng, sẽ ở cùng buồng với một gái điếm, chàng cũng đủ rùng mình kinh sợ và ghê tởm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.