Anna Karenina (Tập 2)

Phần 5 – Chương 09



21

Kể từ khi Alecxei Alecxandrovitr, qua câu chuyện trao đổi với Betxi và Xtepan Arcaditr, suy luận ra rằng người ta chỉ yêu cầu ông để mặc cho vợ được yên thân, đừng làm phiền nàng bằng sự có mặt của mình, và chính nàng cũng muốn như vậy, ông hoang mang đến nỗi không thể quyết định được điều gì, tự mình cũng không hiểu giờ đây mình muốn gì, và trong khi phó thác số phận vào tay những người rất vui thích được can thiệp vào việc của ông, ông đã ưng thuận mọi sự. Mãi tới khi Anna bỏ nhà ra đi và cô gia sư người Anh cho đến hỏi là sẽ cùng ăn với ông hay ăn riêng, ông mới hiểu rõ ràng hoàn cảnh mình và hoảng sợ. Điều khổ tâm nhất là ông hoàn toàn không thể dung hòa được dĩ vãng với hiện tại. Phải đâu là cái dĩ vãng, cái thời kì còn sống hạnh phúc với vợ, làm ông bối rối. Ông đã đau đớn cam chịu bước quá độ từ dĩ vãng đó đến lúc biết vợ bội bạc. Tình trạng đó thật nặng nề nhưng có thể hiểu được. Giá sau khi thú nhận đã bội bạc, vợ ông bỏ đi ngay thì có lẽ ông sẽ ô nhục, đau khổ, nhưng sẽ không lâm vào tình thế khó hiểu và hầu như không lối thoát hiện nay. Giờ đây, ông không thể vá víu cái dĩ vãng mới đây, tình âu yếm, thương yêu đối với người vợ ốm và đứa trẻ không phải con ông, vào với hiện tại, nói cách khác là với cái tình cảnh cô đơn, ô danh, lố bịch, vô tích sự và bị mọi người khinh bỉ mà ông đang lâm vào, coi như phần thưởng cho mọi tình cảm tốt đẹp nói trên. Hai ngày sau khi vợ bỏ đi, Alecxei Alecxandrovitr tiếp những người đến cầu cạnh, đi họp và ăn trưa ở phòng ăn như thường lệ. Cũng không tự cắt nghĩa tại sao mình làm như vậy, trong hai hôm đó, ông dốc toàn tâm toàn ý vào mục tiêu duy nhất: tỏ vẻ bình tĩnh và thậm chí dửng dưng nữa. Khi sai thu dọn đồ đạc và phòng của Anna Arcadievna, ông đã cố gắng phi thường để tỏ vẻ coi những biến cố vừa xảy ra chẳng có gì là bất ngờ và cũng chẳng khác gì những sự việc bình thường. Ông đã đạt mục đích: không ai ngờ ông tuyệt vọng cả. Nhưng ngày thứ ba sau hôm Anna bỏ đi, khi Cornei đem tới hóa đơn của cửa hàng y phục nữ mà Anna quên không thanh toán và cho biết gã bán hàng đang đợi ở ngoài, Alecxei Alecxandrovitr bèn cho gọi hắn vào.

– Thưa quan lớn, xin ngài thứ lỗi cho tôi đã mạo muội làm phiền ngài. Nếu phải gửi hóa đơn này cho bà lớn, thì xin quan lớn làm ơn cho biết địa chỉ bà nhà.

Alecxei Alecxandrovitr ra vẻ suy nghĩ, rồi đột nhiên quay mặt đi và ngồi xuống trước bàn giấy. Hai tay ôm đầu, ông ngồi mãi như thế; ông định nói mấy lần, song lại thôi. Hiểu rõ nỗi lòng chủ, Cornei bảo gã bán hàng hôm khác trở lại. Còn lại một mình, Alecxei Alecxandrovitr cảm thấy không đủ sức đảm đương vai kịch nữa. Ông cho tháo ngựa khỏi xe đang chờ, đóng cửa không tiếp khách và cũng không ra khỏi phòng để ăn trưa nữa. Ông thấy không còn chịu đựng nổi sự công kích tứ bề của vẻ khinh mạn và tàn nhẫn mà ông nhìn thấy rất rõ trên các bộ mặt của gã bán hàng, của Cornei, của tất cả mọi người ông gặp, trong hai ngày đó, không trừ một ai. Ông cảm thấy không thể tránh được sự ghét bỏ của mọi người vì nó trút xuống đầu ông không phải vì ông xấu xa (nếu vậy ông có thể cố gắng tốt hơn), mà vì ông khổ sở ghê gớm. Ông biết họ tàn nhẫn chính vì cõi lòng ông đang tan nát. Ông cảm thấy mọi người sẽ xâu xé ông như đàn chó cắn xé một con chó đầy mình thương tích và đang rống lên đau đớn. Ông biết phương pháp duy nhất để thoát khỏi bọn họ là giấu kín vết thương đi và chính ông đã theo bản năng thử làm như vậy trong hai ngày đầu, nhưng bay giờ, ông thẩy rõ mình không còn đủ sức. Nỗi tuyệt vọng càng tăng vì ông biết rõ mình hoàn toàn cô độc trong đau buồn. Ông không có ai ở Peterburg hoặc bất cứ nơi nào để tâm sự mọi nỗi niềm và khiến họ thương xót, ông không phải với tư cách một quan chức cao cấp hoặc một thành viên xã hội, mà giản dị với tư cách một người đau khổ. Alecxei Alecxandrovitr mồ côi từ thuở nhỏ. Ông có hai anh em. Ông không nhớ bố ra sao. Còn mẹ thì chết hồi ông mới mười tuổi. Tài sản để lại cũng ít ỏi. Ông chú Carenin, một quan chức trọng yếu, ngày xưa là triều thần sủng ái của tiên đế, đã nhận nuôi nấng dạy dỗ hai anh em. Sau khi tốt nghiệp trung học và Đại học vào loại ưu, Alecxei Alecxandrovitr, dưới sự che chở của chú, đã hiển hách bước vào con đường công danh sự nghiệp và chuyên tâm hiến mình vào đó. Cả ở trung học và đại học, cả sau này nữa, ông không hề kết bạn với ai. Người anh đối với ông là thân nhất, nhưng ông ta làm việc ở Bộ ngoại giao, phần lớn thời gian đều sống ở nước ngoài và chết ở đó ít lâu sau khi Alecxei Alecxandrovitr lấy vợ. Hồi ông còn làm tỉnh trưởng, bà cô của Anna, một mệnh phụ rất giàu, đã tạo cơ hội thuận lợi cho viên quan còn trẻ này (so với phẩm hàm) gặp gỡ chuyện trò với cháu gái và đặt ông vào tình thế chỉ còn cách cầu hôn hoặc bỏ thành phố mà đi. Alecxei Alecxandrovitr đã lưỡng lự khá lâu. Ông có đầy đủ lí lẽ để tán thành cũng như phản đối cuộc hôn nhân đó, mặt khác ông không đủ cương quyết làm trái với nguyên tắc của mình: “Khi còn nghi ngờ, hãy dè chừng”. Nhưng bà cô Anna nhờ người đánh tiếng cho biết là ông đã làm tổn hại đến thanh danh cô gái và nhiệm vụ người đàn ông trọng danh dự buộc ông phải cầu hôn. Ông đành ưng thuận và trao tất cả yêu thương có thể có cho vị hôn thê, sau trở thành vợ. Mối tình gắn bó ông với Anna loại trừ trong tâm hồn ông những nhu cầu cuối cùng về quan hệ thân ái với người xung quanh. Và giờ đây, trong tất cả những người thường đi lại, ông không có ai thân thiết. Ông có vô số chỗ “giao du”, nhưng không có bạn tri âm. Alecxei Alecxandrovitr quen rất nhiều người có thể mời đến ăn uống, thăm dò ý kiến về công việc hoặc có thể giúp đỡ một người cầu cạnh, có thể cùng họ tự do chỉ trích hành động của các nhân vật khác hoặc chính phủ, nhưng quan hệ của ông với những người đó chỉ hạn chế trong một phạm vi chật hẹp, không vượt ra khỏi khuôn khổ lề thói cố định. Ông có một người bạn cùng học ở đại học, và sau đi lại thân thiết hơn, có thể thổ lộ nỗi buồn phiền được, nhưng ông này lại làm đốc học ở một học khu xa xôi. Những người thân thuộc duy nhất ở Peterburg là chánh văn phòng và thầy thuốc của ông. Mikhain Vaxilievitr Xliudin, chánh văn phòng của ông, là người đứng đắn, giản dị, thông minh và tốt bụng, Alecxei Alecxandrovitr rất có cảm tình với ông ta, nhưng năm năm làm việc hành chính đã dựng lên giữa họ một hàng rào ngăn cách mọi thổ lộ tâm tình.

Sau khi kí xong công văn giấy tờ, Alecxei Alecxandrovitr thường nín lặng hồi lâu, thỉnh thoảng lại nhìn Mikhain Vaxilievitr và đã nhiều lần thử gợi chuyện mà không được. Ông đã sắp sẵn câu mào đầu “ông có nghe thấy người ta xì xào gì về nỗi bất hạnh của tôi không?”, nhưng cuối cùng lại nói như thường lệ: “Thế nhé, ông chuẩn bị công việc này cho tôi”, và cho ông ta lui. Người kia là bác sĩ cũng có thiện cảm với ông, nhưng từ lâu, giữa họ đã có một thỏa thuận ngầm, là cả hai đều rất bận và luôn luôn vội vã. Còn những chỗ quen biết thuộc phái nữ, kể cả bà bạn thân nhất là nữ bá tước Lidia Ivanovna, Alecxei Alecxandrovitr chả hơi đâu mà nghĩ tới. Ông thấy ghê tởm và khiếp sợ tất cả các bà, đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ.

22

Alecxei Alecxandrovitr quên bẵng nữ bá tước Lidia Ivanovna nhưng bà lại không quên ông. Ngay giữa lúc ông đang cô đơn thất vọng, bà đến chơi và đi thẳng vào phòng làm việc của ông, không để người nhà báo trước. Bà thấy ông đang ngồi bàn giấy, hai tay ôm đầu.

– Tôi đã vi phạm lệnh không tiếp ai, – bà nhanh nhẹn bước vào, hổn hển vì đi vội và xúc động. – Alecxei Alecxandrovitr, ông bạn của tôi, tôi biết hết cả rồi, – bà nói, đưa cả hai tay siết chặt tay Carenin và nhìn ông bằng cặp mắt đẹp tư lự.

Alecxei Alecxandrovitr cau mày đứng dậy, rút tay và kéo ghế mời bà ngồi.

– Nữ bá tước, xin mời bà ngồi. Tôi không tiếp khách vì đang mệt, – ông nói và đôi môi run run.

– Ông bạn của tôi ơi! – nữ bá tước Lidia Ivanovna nhắc lại, cặp mắt không rời khỏi ông, và đột nhiên đôi lông mày giương lên thành hình tam giác trên trán khiến cho khuôn mặt vàng bủng càng xấu hơn. Nhưng Alecxei Alecxandrovitr cảm thấy bà thương hại ông và sắp khóc đến nơi, nên cũng xúc động: ông cầm bàn tay mũm mĩm của bà đưa lên miệng hôn.

– Ông bạn của tôi ơi! – bà nói, giọng nghẹn ngào cảm động, – ông không nên đắm mình trong sầu não. Nỗi bất hạnh to lớn thật, nhưng ông phải tìm lấy nguồn an ủi.

– Lòng dạ tan nát, tôi đứt từng khúc ruột, tôi không còn là con người nữa! – Alecxei Alecxandrovitr nói, buông tay bà nhưng vẫn đăm đăm nhìn đôi mắt bà đẫm lệ. – Hoàn cảnh tôi đáng sợ ở chỗ không tìm đâu ra một chỗ dựa, kể cả ở bản thân mình.

– Ông sẽ tìm thấy chỗ dựa đó, đừng tìm kiếm ở tôi, mặc dầu tôi xin ông hãy tin vào tình bạn của tôi, – bà thở dài nói. – Chỗ dựa của ta là tình thường yêu, tình thương yêu mà Chúa đã ban cho ta. Gánh nặng của Người là nhẹ nhõm, – bà nói với cái nhìn cuồng nhiệt mà Alecxei Alecxandrovitr biết rất rõ. – Người sẽ nâng đỡ cứu giúp ông. – Mặc dầu lời nói tỏ ra ủy mị trước tình cảm cao thượng của bà và phơi bày cái khuynh hướng thần bí mới đang lan rộng ở Peterburg và bị Alecxei Alecxandrovitr phản đối, ông vẫn vui thích được nghe câu đó lúc này.

– Tôi vốn yếu đuối, tôi đâm hoang mang. Tôi đã không tiên đoán được điều gì và nay tôi không hiểu gì hết.

– Ông bạn của tôi ơi! – nữ bá tước Lidia Ivanovna lại thốt lên.

– Tôi không than khóc cho tổn thất đã phải chịu, – Alecxei Alecxandrovitr nói tiếp. – Nhưng tôi không khỏi hổ thẹn về hoàn cảnh hiện tại của mình. Thật xấu xa, nhưng không biết làm thế nào, không biết làm thế nào cả.

– Không phải bản thân ông đã có cử chỉ tha thứ cao quý mà mọi người cũng như tôi đều khâm phục, mà chính là Đấng đang ngự trong lòng ông đấy, – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói, ngước mắt nhìn lên trời vẻ ngây ngất, – do đó, ông không nên lấy thế làm hổ thẹn.

Alecxei Alecxandrovitr cau mày và gập ngón tay lại, bắt đầu bẻ khục từng khớp.

– Bà cần biết mọi chi tiết, – ông nói, giọng nhỏ nhẻ. – Sức người có hạn, nữ bá tước ạ, và tôi cũng tới giới hạn của tôi rồi. Suốt ngày nay, tôi phải lo liệu những chuyện gia sự phát sinh (ông nhấn mạnh vào chữ “phát sinh”) từ cái hoàn cảnh mới, một thân một mình này. Nào đầy tớ, nào gia sư, nào tính toán tiền nong… Tất cả những cái ti tiện đó hành hạ, day dứt tôi từng tí một, tôi không đủ sức chịu đựng. Chiều qua, trong bữa ăn… tôi đã suýt bỏ bàn đứng dậy. Tôi không chịu đựng nổi cái nhìn của con trai tôi. Nó không hỏi mọi điều đó nghĩa là thế nào, mà như muốn cầu khẩn và tôi không đương nổi cái nhìn của nó. Nó len lét nhìn tôi, nhưng đó chưa phải là điều tệ hại nhất. – Alecxei Alecxandrovitr muốn nhắc đến cái hóa đơn người ta đưa cho ông nhưng giọng run lên, và ông ngừng bặt. Ông không thể nghĩ tới cái hóa đơn giấy xanh về một chiếc mũ và những dải băng mà không thương hại cho chính mình.

– Ông bạn của tôi ơi, tôi hiểu mà! – nữ bá tước Lidia Ivanovna nói. – Tôi hiểu hết. Không phải tôi sẽ tìm thấy sự giúp đỡ và an ủi ở bản thân tôi đâu, nhưng dù sao tôi cũng xin đến đây để giúp ông, nếu tôi làm được việc đó. Nếu tôi có thể đỡ cho ông những lo lắng ti tiện và nhục nhằn đó… tôi thấy ở đây cần có bàn tay đàn bà. Ông có tin cậy tôi không?

Alecxei Alecxandrovitr nắm chặt bàn tay bà ta không nói gì, tỏ vẻ biết ơn.

– Cả hai chúng ta sẽ cùng chăm nom Xergei. Tôi cũng không hiểu gì về công việc thực tế cả. Nhưng tôi sẽ bắt tay vào làm, tôi sẽ là quản gia cho ông. Đừng có cảm ơn tôi. Không phải tự tôi làm cái đó đâu.

– Tôi không thể không cảm ơn bà.

– Nhưng, ông bạn của tôi ơi, ông đừng có mắc vào cái tâm trạng mà ông từng nói với tôi: hổ thẹn về điều cao quý nhất trong một con người Cơ đốc giáo: – “Kẻ nào tự hạ mình là nâng mình lên”. Cho nên ông đừng cảm ơn tôi, mà phải cảm ơn Chúa và cầu xin Người cứu giúp. Chỉ có ở Người, chúng ta mới tìm thấy sự bằng yên, an ủi, rỗi linh hồn và tình thương yêu, – bà nói và ngước nhìn lên trời, bắt đầu cầu nguyện. Alecxei Alecxandrovitr biết vậy vì thấy bà im lặng. Alecxei Alecxandrovitr đã lắng nghe bà và những lời lẽ đó, trước kia nếu không chướng tai thì cũng là thừa, lúc này lại có vẻ tự nhiên và hởi lòng hởi dạ. Alecxei Alecxandrovitr không ưa kiểu sùng mộ mới đó. Ông là người tin đạo và quan tâm đến tôn giáo, trước nhất về phương diện chính trị; về nguyên tắc ông thấy khó chịu với những giáo lí mới dung dưỡng, những cách giải thích mới, do đó mở cửa cho tha hồ tranh luận và phân tích. Xưa kia, ông từng tỏ ra lạnh nhạt và đối địch với cái giáo lí mới này và với nữ bá tước Lidia Ivanovna vốn say mê cái đó: ông không bao giờ tranh luận mà chỉ một mực né tránh sự khiêu khích của bà ta bằng thái độ im lặng. Hôm nay là lần đầu, ông vui thích nghe bà nói, trong thâm tâm cũng không phản đối gì cả.

– Tôi rất, rất cảm tạ hành vi và lời nói của bà, – ông nói khi bà cầu nguyện xong.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna lại xiết chặt tay ông bạn thân một lần nữa.

– Bây giờ, tôi sẽ bắt tay vào việc, – bà mỉm cười nói sau một phút im lặng và lau những ngấn nước mắt trên mặt. – Tôi đi tìm cháu Xergei đây. Tôi sẽ chỉ gặp ông trong trường hợp cấp bách nhất. – Bà đứng dậy và đi ra. Nữ bá tước Lidia Ivanovna sang buồng Xergei và ở đó, tưới đẫm nước mắt lên đôi má đứa bé khiến nó thất đảm, bà bảo bố nó là một vị thánh và mẹ nó chết rồi.

Nữ bá tước Lidia Ivanovna giữ đúng lời hứa. Bà thực sự đảm đương công việc nội trợ cho Alecxei Alecxandrovitr. Nhưng bà không quá lời khi tự nhận là không biết gì về đời sống thực tế. Mọi lời sai bảo không sao thực hiện nổi của bà đều cần phải sửa đổi và Cornei, gã hầu phòng của Alecxei Alecxandrovitr đã hứng lấy việc đó. Việc cai quản nhà cửa dần dà chuyển sang tay hắn; trong khi mặc quần áo cho chủ, hắn điềm đạm và thận trọng tường trình những việc cần làm. Nhưng dù sao sự giúp đỡ của Lidia Ivanovna cũng rất có hiệu quả; lòng quý mến và kính trọng của bà là một nâng đỡ tinh thần cho Alecxei Alecxandrovitr và đặc biệt bà gần như đã cải giáo được ông, đó là nguồn an ủi lớn cho bà; ít ra, từ một kẻ tín ngưỡng hững hờ và lãnh đạm, bà đã làm ông trở thành một tín đồ nhiệt thành của cách diễn giải mới về giáo lí Cơ đốc đang thịnh hành ở Peterburg thời kì gần đây. Alecxei Alecxandrovitr đã dễ dàng thừa nhận cách diễn giải đó. Giống như Lidia Ivanovna và những người cùng quan điểm, Alecxei Alecxandrovitr hoàn toàn không có chút tưởng tượng nào sâu sắc, không có cái khả năng tinh thần có thể khiến những ý niệm tưởng tượng trở nên thực đến nỗi đòi hỏi phải phù hợp với những ý niệm khác và với thực tế. Ông chẳng thấy có gì không chấp nhận được và phi lí trong ý niệm cho rằng cái chết, vốn có thực đối với những kẻ vô tín ngưỡng, lại không hề tồn tại đối với ông; rằng với lòng tín ngưỡng trọn vẹn mà duy chỉ có ông mới tự đánh giá được, linh hồn ông đã gột sạch mọi tội lỗi, và ngay từ cõi đời này, ông đinh ninh mình đã siêu thoát. Thực tình, đôi lúc ông cũng cảm thấy cái giáo lí đó là nông nổi và mỏng manh, ông cũng biết khi mình tha thứ một cách hồn nhiên không nghĩ đó là do sức mạnh bề trên sai khiến, ông thấy hạnh phúc hơn bây giờ, khi suốt ngày lúc nào cũng phải đinh ninh rằng Chúa Cứu Thế ngự trong linh hồn mình, rằng khi kí giấy tờ công văn, ông đã làm tròn ý Chúa; nhưng đối với Alecxei Alecxandrovitr, nghĩ như vậy là cần thiết; trong nỗi nhục nhằn hiện tại, ông rất cần đến sự cao cả đó – dù là do mình bày đặt ra – để có thể khinh bỉ lại tất cả những kẻ khinh bỉ mình và ông bám chắc lấy cái phao cấp cứu tưởng tượng đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.