Anna Karenina (Tập 2)

Phần 6 – Chương 10



22

Về đến nhà đã thấy Doli ở đó, Anna chăm chú nhìn bà như muốnlục vấn về câu chuyện trao đổi với Vronxki, nhưng không hỏi lời nào.

– Có lẽ đến giờ ăn chiều rồi đấy, – nàng nói. – Chúng mình vẫn chưa gặp nhau mấy tí. Em trông vào tối nay đấy. Bây giờ, em phải đi thay quần áo. Cả chị, em nghĩ chị cũng nên đi thay đi. Chúng mình đều nhớp bẩn trong khi đi thăm công trường. Doli trở về phòng và thấy hoàn cảnh mình thật tức cười. Bà không còn gì để thay vì đã mặc chiếc áo đẹp nhất; nhưng để tỏ ra cũng có chuẩn bị trang phục đôi chút nhân bữa chiều, bà nhờ chị hầu phòng chải hộ chiếc áo, thay cổ tay áo, thay nơ và gài lên tóc một tấm ren.

– Tôi chỉ có thể trang điểm đến mức này là cùng, – bà mỉm cười nói với Anna đến tìm bà, lúc này nàng đã thay chiếc áo thứ ba cũng hết sức giản dị.

– Phải, ở đây bọn em rất nệ hình thức, – Anna nói như để biện bạch cho sự sang trọng của mình. – Alecxei rất mừng thấy chị đến thăm, ít khi em thấy anh ấy bằng lòng như vậy. Anh ấy rất mến chị, – nàng nói thêm. – Chị không mệt lắm chứ?

Họ không có thì giờ nói chuyện nhiều trước bữa ăn. Bước vào phòng khách, họ đã thấy quận chúa Vacvara và tốp đàn ông mặc áo đuôi tôm ở đấy. Kiến trúc sư vận lễ phục đen. Vronxki giới thiệu bác sĩ và quản lí với Doli. Chàng đã giới thiệu kiến trúc sư với bà ở bệnh viện rồi. Một người đầu bếp to béo, mặt tròn xoe nhẵn nhụi và nhờn bóng, thắt cà vạt trắng hồ bột, tới báo tiệc đã dọn xong. Các bà đứng dậy. Vronxki mời Xviajxki đưa tay cho Anna khoác còn chàng thì tiến về phía Doli. Vexlovxki chìa tay cho quận chúa Vacvara trước Tuskievitr thành thử Tuskievitr phải đóng vai kị sĩ đơn độc cũng như viên quản lí và bác sĩ. Bữa tiệc, phòng ăn, bát đĩa, công việc hầu bàn, rượu vang và thức ăn không những hòa hợp với không khí chung sang trọng, hiện đại của ngôi nhà mà còn choáng hơn và mới hơn là đằng khác. Daria Alecxandrovna quan sát với con mắt bà nội tướng và tuy không hi vọng đem bất cứ cái gì trông thấy ở đây áp dụng vào nhà mình bởi lẽ mọi thứ đều cao hơn mức sống của bà rất nhiều, bà vẫn chú ý đến mọi chi tiết và tự hỏi ai đã lo liệu nên thế này. Những chủ nhân thuộc giới thượng lưu thường thích để khách khứa tưởng mọi việc ở nhà mình đều tiến hành không chút khó khăn và có thể nói cứ tự dưng mà xong thôi. Vexlovxki, chồng bà, thậm chí cả Xviajxki và nhiều người bà quen biết vốn không bao giờ suy nghĩ về điều đó, ắt có thể tin là thế. Còn bà, Daria Alecxandrovna đây, bà thừa biết ngay cả cháo sáng cho trẻ con cũng không phải tự dưng mà có và cách sắp đặt phức tạp đến thế, chu đáo đến thế tất phải đòi hỏi sự chăm chút cao độ. Xem vẻ Alecxei Kirilovitr nhìn bao quát khắp bàn ăn, gật đầu ra hiệu cho đầu bếp, xem kiểu chàng mời Daria Alecxandrovna chọn giữa món cháo cá nguội với món nước hầm thịt, bà hiểu ngay đích thân chủ nhân đã lo liệu mọi thứ. Các việc đó không phải do Anna làm, nàng cũng không hơn gì Vexlovxki, chẳng hạn. Anna, Xviajxki, quận chúa và Vexlovxki đều là quan khách như nhau, vui vẻ hưởng thụ những cái sắp sẵn cho họ. Anna chỉ đóng vai trò chủ nhân trong việc dắt dẫn câu chuyện. Và cái nhiệm vụ rất khó khăn ấy đối với bà chủ nhà ở một bàn ăn thưa thớt, lại có mặt những người thuộc một giới khác hẳn như viên quản lí và kiến trúc sư (họ đã cố dẹp nỗi rụt rè trước cảnh tráng lệ khác thường này mà vẫn không sao góp chuyện lâu được), nhiệm vụ đó, Anna đã làm tròn với vẻ tự nhiên và tế nhị thường ngày, thậm chí đầy hứng thú nữa, theo nhận xét của Daria Alecxandrovna. Thoạt đầu, câu chuyện xoay quanh cuộc đi chơi thuyền của Tuskievitr và Vexlovxki, rồi Tuskievitr lại muốn bàn rộng ra những cuộc đua gần đây của câu lạc bộ du thuyền ở Peterburg. Nhưng Anna, lợi dụng một quãng ngắt nói luôn với kiến trúc sư, để kéo ông ra khỏi sự trầm lặng.

– Ông Nicolai Ivanovitr lấy làm sửng sốt về những tiến bộ của tòa nhà mới kể từ lần đến thăm trước, – nàng nói về Xviajxki; – nhưng chính tôi, ngày nào cũng đến đó mà vẫn cứ ngạc nhiên thấy công việc tiến triển nhanh quá.

– Làm việc với quan lớn nhà thật dễ chịu, – kiến trúc sư mỉm cười nói (ông vốn là người lễ độ và điềm đạm, rất có ý thức về phẩm cách của mình). – Không như làm việc với nhà chức trách ở tỉnh lị. Ở đó, hẳn họ phải bôi đen hàng xấp giấy trong khi chỉ cần ba câu là có thể thỏa thuận xong với bá tước.

– Tác phong Mỹ đấy, – Xviajxki mỉm cười nói.

– Vâng, ở bên đó, họ cũng biết xây dựng… Câu chuyện xoay sang những sự lạm quyền ở Mỹ, nhưng Anna lại lái vào một đầu đề khác cho viên quản lí tham gia.

– Chị đã thấy máy gặt chưa? – nàng quay lại hỏi Daria Alecxandrovna. – Lúc gặp chị là bọn em đang đi xem đấy. Đây là lần đầu em được thấy máy gặt.

– Máy hoạt động như thế nào? – Doli hỏi.

– Giống hệt cái kéo. Có một tấm ván và vô số kéo con. Như thế này này.

Anna cầm lấy dao ăn và dĩa trong đôi bàn tay đẹp trắng nõn đeo đầy nhẫn, bắt đầu trình bày. Nàng thấy rõ chẳng ai hiểu nàng nói gì; nhưng cậy có giọng nói êm ái và đôi bàn tay đẹp, nên nàng vẫn tiếp tục.

– Đó là những con dao díp thì đúng hơn, – Vexlovxki nói đùa, mắt không rời nàng. Anna thoáng mỉm cười nhưng không trả lời.

– Đúng không, bác Cacl Federovitr, có phải nó giống những cái kéo không? – nàng vừa nói vừa quay về phía bác quản lí.

– O, ja, – bác người Đức trả lời, – Es ist ein ganz einfaches Ding (à vâng, nó rất giản dị) – và bác liền giải thích cách bố trí các bộ phận máy.

– Chỉ tiếc là nó không bó được thành lượm, – Xviajxki nói.

– Trong cuộc triển lãm ở Viên(24), tôi đã thấy những máy gặt dùng dây thép bó lúa thành lượm. Những máy đó tiện hơn.

(24) Thủ đô nước áo.

– Es kommt drauf an… Der preis vom Drant muss ausgerechnel werden (Cái đó còn tùy, còn phải tính giá dây thép), – và bác người Đức, bị lôi cuốn vào chuyện, nói với Vronxki. – Das lasst sich ausrenchnen, Erlaucht (cũng dễ tính toán thôi, quan lớn ạ), – bác người Đức thò tay vào túi bao giờ cũng có cây bút chì và quyển sổ ghi đủ mọi thứ, nhưng cái nhìn lạnh lùng của Vronxki ngăn bác lại. – Zu complicirt, macht zu viel Klopot (Phức tạp lắm, cái đó gây rất nhiều “Khơlôpôt” (phiền phức), – bác kết luận.

– Wuncht man Dochots, so hat man auch Klopots [Muốn có “đôkhôt” (lời lãi), thì phải chịu “khơlôpôt” (phiền phức)], – Vaxia Vexlovxki trêu bác người Đức. – Tôi rất thích tiếng Đức, – anh quay sang Anna nói tiếp, vẫn với nụ cười quen thuộc.

– Thôi đi, – nàng bảo anh ta, giọng nửa đùa cợt nửa nghiêm trang.

– Ông Vaxili Xemionitr ạ, lúc này chúng tôi đã tưởng gặp ông ngoài đường, – nàng nói với bác sĩ, một người ốm yếu. – Ông có ra đấy phải không?

– Vâng, nhưng tôi biến ngay, – bác sĩ đáp, giọng muốn bông lơn nhưng thực tế lại hóa ra thê thảm.

– Vậy ra, ông đã tập đi dạo nhiều đấy nhỉ.

– Vâng, rất tốt ạ.

– Thế còn bà lão bệnh nhân ra sao? Chắc không phải sốt thương hàn chứ?

– Thương hàn hay không thì bệnh tình bà ta cũng chả khá hơn.

– Thật đáng buồn! – Anna nói và sau khi làm tròn nhiệm vụ xã giao bằng cách đó với những người thường lui tới nhà, nàng bèn quay sang các bạn thân.

– Dù sao đi nữa, cứ theo lời bà chỉ dẫn mà chế tạo máy thì quả là khó đấy, Anna Arcadievna ạ, – Xviajxki nói đùa.

– Không Được ư, tại sao vậy? – Anna nói với một nụ cười chứng tỏ nàng thừa biết trong cách mình giải thích cơ chế máy gặt có một cái gì duyên dáng không lọt khỏi mắt Xviajxki. Cái nét làm đỏm mới đó khiến Doli ngạc nhiên một cách khó chịu

– Nhưng, bù lại, kiến thức của Anna Arcadievna về kiến trúc thì thật kì diệu, – Tuskievitr nói.

– Đúng thế, hôm qua tôi đã nghe Anna Arcadievna nói về chân cột và vòm dưới mái, – Vexlovxki nói. – Có đúng thế không?

– Cái đó chẳng có gì là lạ khi người ta thường xuyên trông thấy, nghe thấy những chuyện ấy, – Anna nói. – Tôi chắc ngay đến chuyện làm nhà bằng vật liệu gì, anh cũng không biết phải không?

Daria Alecxandrovna thấy Anna không thích cái giọng cợt nhã giữa nàng và Vexlovxki nhưng vẫn phải chịu.

Trong trường hợp này, Vronxki tuyệt nhiên không hề xử sự như Levin. Rõ ràng chàng coi sự ba hoa của Vexlovxki chẳng có gì quan trọng và trái lại, còn khuyến khích bông đùa nữa.

– Phải, Vexlovxki, anh thử nói xem người ta gắn đá vào nhau như thế nào?

– Tất nhiên là bằng xi măng.

– Hoan hô! Nhưng xi măng là cái gì chứ?

– Một thứ cồn dán… không, một thứ mát tít, – Vexlovxki trả lời, làm tất cả phá lên cười.

Câu chuyện giữa các thực khách – trừ bác sĩ, kiến trúc sư và quản lí vẫn lặng lẽ ủ ê – cứ thao thao bất tuyệt: khi thì lướt nhanh, khi lại kéo dài xung quanh người này hoặc người khác. Có lúc, Daria Alecxandrovna bị chọc tức đã nổi nóng đỏ mặt tía tai lên và sau đó lại tự hỏi xem mình có buột miệng nói quá câu nào chăng. Chả là Xviajxki nhắc tới Levin, kể lại những tư tưởng kì quặc của chàng cho rằng máy móc chỉ tổ làm hại nền nông nghiệp Nga.

– Tôi không được hân hạnh quen ông Levin đó, – Vronxki mỉm cười nói, – nhưng có lẽ ông ta chưa bao giờ trông thấy những máy móc mà ông ta lên án. Hoặc giả nếu ông ta đã trông thấy và thể nghiệm qua thì hẳn đó là máy móc Nga chứ không phải máy móc nước ngoài. Như vậy làm sao ông ta có thể có nhận định được?

– Ông ta nhìn sự vật theo quan điểm Thổ Nhĩ Kỳ, – Vexlovxki quay lại Anna mỉm cười nói.

– Tôi không đủ trình độ bênh vực ý kiến của anh ấy, – Doli nói và đỏ bừng mặt, – nhưng tôi có thể nói đó là người rất học thức và nếu có mặt ở đây, hẳn anh ấy sẽ biết cách trả lời các vị như thế nào, còn tôi thì xin chịu.

– Tôi mến ông ta lắm và chúng tôi là bạn rất thân, – Xviajxki mỉm cười nói, vẻ hiền từ. Nhưng xin lỗi, ông ta có hơi gàn tí đấy. Chẳng hạn, ông ta quả quyết rằng chế độ hành chính hành tỉnh và tòa án hòa giải là vô ích và từ chối không chịu tham gia.

– Đó là thói thờ ơ của người Nga chúng ta, – Vronxki vừa nói vừa rót nước đá vào một cái cốc có chân mỏng mảnh: – không chịu thừa nhận những bổn phận do quyền lợi buộc phải làm và do đó, phủ nhận mọi bổn phận.

– Tôi chưa từng thấy người nào làm tròn bổn phận triệt để hơn Levin, – Daria Alecxandrovna nói, khó chịu về giọng trịch thượng của Vronxki.

– Về phần tôi, – Vronxki nói tiếp, rõ ràng bị câu chuyện kích thích mạnh, – chính tôi như các vị đang thấy đây, trái lại, tôi rất biết ơn về cái vinh dự được bầu làm thẩm phán hòa giải danh dự, nhờ ông Nicolai Ivanôvich đây (chàng chỉ Xviajxki). Tôi cho rằng đối với tôi, nhiệm vụ đến tòa án xử một tên nông dân ăn trộm ngựa cũng quan trọng như mọi việc tôi có thể làm. Và nếu được bầu làm đại biểu nghị viện, tôi sẽ coi đó là một vinh dự. Đó là cách duy nhất để trả nợ xã hội về những đặc quyền tôi được hưởng với tư cách là điền chủ. Khốn thay, người ta lại không hiểu tầm quan trọng cần thiết của điền chủ lớn trong bộ máy nhà nước.

Thấy chàng có vẻ tự tin đến thế ở ngay nhà chàng, tại bàn ăn của chàng, Daria Alecxandrovna lấy làm lạ. Bà nhớ lại Levin, vốn suy nghĩ khác hẳn, cũng có thái độ dứt khoát như thế trong nhận định khi ngồi trước bàn ăn nhà mình. Nhưng bà mến Levin, nên đứng về phía chàng.

– Vậy thì, thưa bá tước, chúng tôi có thể trông cậy ở ngài trong kì hội nghị sắp tới chứ? – Xviajxki nói. – Phải khởi hành sớm hơn để mồng tám đã ở đó rồi. Nếu ngài cho tôi được vinh dự đón ngài ghé qua nhà…

– Em cũng có phần đồng ý với em rể chị, – Anna nói, nhưng vì lí do khác kia, – nàng mỉm cười nói thêm. – Em thiết nghĩ thời gian gần đây, những nhiệm vụ xã hội chúng ta trở nên nhiều quá. Đâu đâu cũng vấp phải những người hoạt động xã hội y như những viên chức trước kia. Alecxei ở đây mới sáu tháng nay mà đã là ủy viên của năm, sáu tổ chức khác nhau: nào quản lí tài sản, nào quan tòa, nào nghị viện, nào bồi thẩm. Cứ cái đà này bao nhiêu thì giờ của anh ấy rồi sẽ bỏ vào đấy hết. Và em sợ những chức vụ quá nhiều đó chỉ đơn thuần có tiếng mà không có miếng. Ông Nicolai Ivanôvich, ông là uỷ viên của bao nhiêu hội, – nàng vừa nói vừa quay về phía Xviajxki. – Hình như vào khoảng hai mươi phải không? Anna nói đùa, nhưng giọng nàng thoáng lộ vẻ bực tức. Daria Alecxandrovna từ nãy chăm chú quan sát Anna và Vronxki, nhận thấy ngay điều đó. Bà cũng để ý là Vronxki nghe nói vậy liền nghiêm nghị đanh mặt lại. Thấy quận chúa Vacvara vội vàng lái sang chuyện bạn bè ở Peterburg, đồng thời nhớ lại lúc ở ngoài vườn, Vronxki đã nói lạc sang những hoạt động của mình, Doli chợt hiểu là vấn đề hoạt động xã hội này có liên quan đến một xung đột ngấm ngấm nào đó giữa Anna và Vronxki.

Bữa tiệc chiều, các loại rượu vang, việc hầu bàn, tất cả đều hoàn mĩ, nhưng mọi sự đều diễn ra y như trong những bữa tiệc trịnh trọng, những vũ hội mà Doli không quen dự nữa: cũng căng thẳng và chung chung như thế mà lại là một ngày bình thường giữa một nhóm nhỏ với nhau, thành thử bà đâm khó chịu. Sau bữa ăn, họ ra sân thượng. Rồi chơi quần vợt. Đấu thủ chia làm hai tốp, dàn ra hai bên tấm lưới căng thẳng buộc vào những chiếc cột sơn vàng óng trên sân quần đã được san bằng và lăn nền cẩn thận. Daria Alecxandrovna thử chơi nhưng mãi không hiểu ra sao cả. Khi hiểu ra thì đã mệt quá, đành phải tới ngồi cạnh quận chúa Vacvara mà xem. Người cùng bên với bà, Tuskievitr cũng bỏ cuộc; nhưng những người khác vẫn chơi tiếp khá lâu. Xviajxki và Vronxki cả hai đều đánh rất hay và rất nghiêm túc. Bằng con mắt sắc sảo, họ theo dõi trái bóng đối phương phát sang, chạy lại không vội vàng mà cũng không chậm trễ, chờ bóng nẩy lên và đánh trở lại bên kia lưới bằng một nhát vợt chính xác. Chơi tồi nhất là Vexlovxki. Anh chàng hay nóng mắt, nhưng ngược lại, sự hào hứng của anh ta đã kích thích các đối thủ. Anh ta cười, reo không ngừng. Cũng như các ông khác, được sự đồng ý của các bà, chàng đã cởi áo đuôi tôm, để sơ mi trần và dáng dấp đẹp đẽ, bộ mặt hồng hào nhễ nhại mồ hôi, cùng cử chỉ lập cập của chàng đã gây ấn tượng sâu sắc.

Đêm ấy, khi Daria Alecxandrovna đi nằm, bà vừa nhắm mắt đã thấy Vaxia Vexlovxki bổ nhào tới đầu này đến đầu kia sân quần.

Suốt cuộc chơi, Daria Alecxandrovna thấy chán phèo. Cái lối bờm xờm kiểu cách vẫn tiếp diễn giữa Anna và Vexlovxki và sự gượng gạo của những người đứng tuổi lao vào một trò chơi trẻ con, khiến bà khó chịu. Nhưng để khỏi làm người khác mất vui và để tiêu phí thì giờ, bà cũng tham gia và giả vờ vui thích. Suốt ngày, bà có cảm giác đang đóng kịch với những diễn viên cừ hơn mình, và diễn xuất kém cỏi của bà đã làm hại đến họ. Bà đến đây với ý định ở lại chơi hai này nếu thấy ưng ý. Nhưng ngay chiều hôm ấy, trong cuộc chơi quần vợt, bà quyết định ngày mai sẽ ra về. Những lo lắng dằn vặt của người mẹ mà khi đi đường bà ghét cay ghét đắng, giờ đây như đã chuyển sang một phạm vi khác và lại hấp dẫn bà sau một ngày vắng nhà. Sau khi dùng trà tối và đi thuyền chơi đêm một lúc, Daria Alecxandrovna trở về phòng một mình, cởi áo dài, ngồi xuống chải mớ tóc thưa thớt chuẩn bị đi ngủ, và cảm thấy nhẹ hẳn người.

Thậm chí, bà còn khó chịu khi nghĩ Anna có thể bất chợt đến. Bà muốn suy nghĩ một mình.

23

Doli sắp đi nằm thì Anna bước vào trong bộ quần áo ngủ. Ban ngày, Anna đã mấy lần mon men đến những chuyện tâm tình nhưng mỗi lần, cứ nói được vài câu, nàng lại ngừng bặt. “Ta sẽ trở lại những chuyện ấy sau, khi chỉ có hai chị em mình với nhau. Em có nhiều điều cần nói với chị”, nàng đã nói vậy. Vậy mà giờ đây, còn có hai người, Anna cũng chẳng biết nói gì. Nàng ngồi bên cửa sổ, nhìn Doli, điểm lại trong trí nhớ tất cả những chuyện tâm tình dự trữ sẵn định thổ lộ tưởng như không bao giờ cạn và chẳng moi ra được điều gì cần nói. Hình như mọi chuyện đều nói cả rồi.

– Kitti có khỏe không? – nàng vừa nói, vừa thở dài đánh thượt và nhìn Doli, vẻ phạm lỗi. – Chị Doli, chị hãy nói thật với em: cô ấy có giận em không?

– Giận cô ư? Ồ, không đâu! – Daria Alecxandrovna mỉm cười nói.

– Nhưng cô ấy ghét em, khinh em phải không?

– Không! Nhưng cô biết đấy, chuyện đó không thể tha thứ được.

– Phải, phải, – Anna vừa nói vừa quay mặt đi và nhìn qua cửa sổ. – Nhưng, em đâu có tội. Mà ai là kẻ có tội kia chứ? Thế nghĩa là thế nào? Có cách nào khác không? Chị nghĩ thế nào về chuyện đó? Có thể nào chị lại không phải là vợ anh Xtiva được?

– Thật tình, tôi chẳng biết gì cả. Nhưng cô hãy nói cho tôi hay…

– Vâng, vâng, nhưng ta chưa nói xong chuyện Kitti. Cô ấy có sung sướng không? Nghe nói Levin là người khá lắm thì phải.

– Nói vậy còn chưa đủ. Tôi chưa từng thấy người đàn ông nào tốt hơn.

– Ôi! Thật đáng mừng! Em rất mừng! Nói đó là người khá lắm còn chưa đủ, – nàng nhắc lại. Doli mỉm cười.

– Nào cô kể về mình đi. Tôi với cô còn phải nói chuyện dài. Tôi đã nói chuyện với… – Doli không biết nên gọi chàng thế nào. Gọi là “bá tước” hay “Alecxei Kirilovitr”, bà đều thấy ngượng mồm.

– Với Alecxei, – Anna đỡ lời. – Em biết chị và anh ấy đã nói chuyện với nhau. Nhưng em muốn hỏi thật chị nghĩ thế nào về em, về cuộc đời em?

– Làm thế nào bất mà chợt nói ngay được? Thật tình, tôi không biết đâu.

– Không, dù sao chị cũng cứ nói cho em nghe… Chị đã thấy em sống như thế nào rồi đó. Có điều chị nên nhớ là chị đến thăm chúng em vào mùa hè, giữa lúc không phải chỉ có hai chúng em thôi… Nhưng chúng em đến ở đây từ đầu xuân, sống hoàn toàn chỉ có hai đứa với nhau, rồi sẽ lại chỉ còn hai đứa với nhau và em không mong muốn gì khác nữa. Tuy nhiên, chị hãy hình dung đôi khi em phải lẻ loi ở đây, không có anh ấy và điều đó sẽ còn tái diễn… Mọi cái đều khiến em nhìn thấy trước là điều đó sẽ còn lặp đi lặp lại luôn và anh ấy sẽ sống nửa thời gian ngoài nhà mình, – nàng vừa nói, vừa đứng dậy và lại ngồi bên Doli.

– Tất nhiên, – nàng chặn trước không để cho Doli kịp vặn lại, – tất nhiên, em không muốn cưỡng bức giữ anh ấy đâu. Phải, em chả giữ anh ấy đâu. Bây giờ là mùa đua, đàn ngựa của anh ấy sẽ dự cuộc, anh ấy sẽ đi. Em rất mừng cho anh ấy. Nhưng chị hãy nghĩ đến em, hãy hình dung hoàn cảnh em… Vả lại nói chuyện ấy thì ích gì? – nàng mỉm cười. – Anh ấy nói với chị chuyện gì vậy?

– Nói đúng vấn đề chính tôi đang định bàn với cô, nên tôi sẽ dễ dàng biện hộ cho anh ấy: về những biện pháp để… (Daria Alecxandrovna ngần ngừ) để bình thường hóa, để cải thiện hoàn cảnh của cô… Cô biết tôi nhìn nhận sự việc thế nào rồi đó… nhưng dù sao, nếu có thể thì tốt hơn hết là cô chú cưới nhau đi.

– Chuyện li dị ư? – Anna nói. – Chị có biết người đàn bà độc nhất đến thăm em ở Peterburg là Betxi Tvecxkaia không? Em chắc chị biết bà ta chứ? Nói cho cùng, đấy là người đàn bà trụy lạc nhất trên đời. Mụ ta dan díu với Tuskievitr và lừa dối chồng một cách bỉ ổi nhất. Thế mà mụ ta còn mở mồm bảo là không muốn đi lại với em chừng nào tình cảnh em chưa hợp pháp. Chị đừng tưởng em so sánh. Em hiểu rõ chị, chị thân mến ạ. Nhưng muốn hay không, em cũng vẫn nhớ đến chuyện ấy… Thế anh ấy nói với chị những gì vậy? – nàng nhắc lại.

– Nói rằng anh ấy đau khổ cho cô và cho bản thân. Có thể cô sẽ nói đó là ích kỉ, nhưng sự ích kỉ ấy mới cao quý và chính đáng biết bao! Trước hết anh ấy muốn hợp pháp hóa con gái mình, sau nữa, trở thành chồng cô, có quyền đối với vô.

– Còn có người đàn bà nào nô lệ đến như em trong tình cảnh này nữa? – Anna buồn bã ngắt lời bà.

– Và nhất là, anh ấy muốn… cô không phải đau khổ.

– Không thể được. Rồi sao nữa?

– Sau nữa anh ấy muốn các con của cô với anh ấy được mang họ bố, điều này rất chính đáng.

– Con nào? – Anna lim dim mắt hỏi và không nhìn Doli.

– Anni và các cháu sau này…

– Về vấn đề đó, anh ấy có thể yên tâm: em sẽ không có đứa con nào khác nữa.

– Làm sao cô có thể nói thế được?

– Em sẽ không có con vì em không muốn có nữa. – Và mặc dầu đang xúc động, Anna vẫn tủm tỉm cười khi thấy trên mặt Doli một vẻ tò mò ngây thơ pha lẫn kinh ngạc và sợ hãi.

– Khi em ốm dậy, bác sĩ đã bảo…

– Không thể thế được! – Doli tròn xoe mắt, nói. Đối với bà, đây là một phát hiện có hậu quả và ảnh hưởng to lớn đến nỗi, thoạt đầu, bà chỉ cảm thấy mình không đủ sức hiểu hết mà cần suy đi nghĩ lại thật kĩ mới vỡ lẽ được. Phát hiện này đột nhiên cắt nghĩa cho bà hiểu tại sao một số gia đình chỉ có một hai đứa con (điều bà chưa bao giờ hiểu nổi), khuấy động trong bà biết bao tư tưởng, suy nghĩ và tình cảm trái ngược nhau đến nỗi bà không còn biết nói gì mà chỉ đăm đăm nhìn Anna bằng đôi mắt mở to kinh ngạc. Đây chính là điều bà hằng mơ ước, nhưng giờ đây khi biết có thể làm được thế, bà lại sợ. Bà cảm thấy đó là giải pháp quá đơn giản đối với một vấn đề quá phức tạp.

– Như thế có trái đạo đức không? – bà chỉ hỏi thế sau một lúc yên lặng.

– Tại sao? Chị hãy nghĩ xem, em phải chọn một trong hai con đường: hoặc có mang, nghĩa là ốm đau, hoặc được là người thân yêu, là bạn của chồng em – gọi thế cũng được chứ sao, – Anna nói cố ý dùng một giọng hời hợt và phù phiếm.

– Phải, phải, – Daria Alecxandrovna nói, thừa nhận lí lẽ của chính mình nhưng không thấy nó có sức mạnh thuyết phục như trước.

– Chị hay người khác, – Anna nói như đoán được ý nghĩ của bà, – thì còn có thể hồ nghi, nhưng đối với em… chị nên hiểu em chỉ là vợ anh ấy chừng nào anh ấy còn yêu em thôi. Và làm thế nào duy trì được tình yêu của anh ấy? Như thế này ư?

Nàng vòng đôi bàn tay trắng nõn ra đằng trước bụng.

“Như vẫn xảy ra trong lúc xúc động, những ý nghĩ và kỉ niệm dồn dập đến trong tâm trí Daria Alecxandrovna nhanh kì lạ. – Mình không biết giữ Xtiva, bà nghĩ bụng, anh ấy đã rời khỏi mình; nhưng người đàn bà đầu tiên đã khiến anh ấy phụ mình, cũng không biết giữ anh ấy nốt, tuy ả thật vui tươi, xinh đẹp. Anh ấy đã bỏ ả để vớ con khác. Liệu Anna có giữ được Vronxki bằng cách này không? Nếu chỉ nhắm nhe có thế thôi hẳn y sẽ tìm thấy những trang phục và điệu bộ quyến rũ hơn. Dù cô ấy có những cánh tay trần trắng, đẹp đến đâu, thân hình có thanh tú đến đâu, vẻ mặt linh hoạt giữa mớ tóc đen nhánh có duyên dáng đến đâu, y cũng sẽ tìm thấy những cái mĩ miều hơn, hệt như đức ông chồng thân yêu, đáng thương và vô tư cách của mình”. Doli không trả lời và chỉ thở dài. Anna nhận thấy tiếng thở dài đó hàm ý không đồng tình, bèn nói tiếp. Nàng còn dự trữ những lí lẽ sắc bén không thể bác bỏ được.

– Chị bảo thế là xấu ư? Nhưng cần phải suy lí mới ra nhẽ, – nàng nói tiếp. – Chị quên mất hoàn cảnh em. Làm sao em lại mong có con được? Em không nói đến những đau đớn, em không sợ đau đâu. Nhưng chị thử nghĩ xem các con em rồi sẽ ra sao? Những đứa trẻ bất hạnh không được mang họ bố. Nguyên việc sinh ra trên đời cũng đủ khiến chúng phải xấu hổ vì mẹ, vì bố, vì nguồn gốc sinh thành.

– Chính vì thế mới cần phải li dị.

Nhưng Anna không nghe bà. Nàng muốn diễn đạt đến đầu đến đũa những lí lẽ mà đã bao lần nàng tự nhủ với mình.

– Trời cho em lí trí làm gì nếu không đem vận dụng nó để khỏi phải sinh ra đời những đứa trẻ bất hạnh? – Nàng nhìn Doli, nhưng không đợi trả lời, nàng lại tiếp:

– Em sẽ mãi mãi cảm thấy có tội với những đứa con xấu số đó. Nếu không ra đời thì ít ra chúng cũng không khổ sở. Còn nếu chúng khổ thì em sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm.

Đó chính là những lí lẽ mà Daria Alecxandrovna từng viện ra; nhưng bây giờ bà nghe nói vậy mà chẳng hiểu gì. “Làm sao có thể mang tội với những kẻ không có trên đời?”, bà tự hỏi. Và một ý nghĩ chợt đến: nếu như không hề có Grisa, đứa con cưng của bà, thì liệu có hơn không? Bà thấy điều đó thật kì lạ, thật phi lí đến nỗi phải lắc đầu xua tan mớ ý nghĩ điên rồ và quay cuồng đó.

– Phải, tôi cho thế là xấu, – bà nói, vẻ ghê tởm lộ rõ trên nét mặt.

– Chị đừng quên chị là người thế nào và em là người thế nào… Vả lại, – Anna nói thêm như cũng cảm thấy thế là xấu, mặc dầu lí lẽ của nàng rất vững trong khi Doli thì đuối lí, – chị đừng quên điều cốt yếu là em không ở cùng hoàn cảnh như chị. Đối với chị, vấn đề đặt ra là chị có muốn thôi có con không; với em, là em có muốn có con nữa không. Và hai điều đó thật khác xa nhau. Chị nên hiểu, trong hoàn cảnh em, em không thể mong muốn điều đó được.

Daria Alecxandrovna không đáp lại. Thốt nhiên, bà cảm thấy cách biệt với Anna đến nỗi có những vấn đề hai người sẽ chẳng bao giờ nhất trí được và tốt hơn hết là đừng nói đến chuyện đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.