Anna Karenina (Tập 2)

Phần 7 – Chương 02



4

Lvov là chồng Natalya, chị Kitti, suốt đời sống ở các thủ đô và ở nước ngoài, nơi ông thực hành nghề ngoại giao.

Năm ngoái, ông ta đã bỏ nghề này, không phải do có những chuyện rầy rà (ông không hề gặp chuyện rầy rà với ai bao giờ) mà để chăm lo thật tốt đến việc giáo dục hai đứa con trai nhỏ và ông bèn nhận một trách nhiệm trong triều đình ở Moxcva. Mặc dầu có những thói quen và ý kiến rất khác nhau và Lvov nhiều tuổi hơn Levin, nhưng mùa đông năm ấy, hai người đã kết bạn và rất quý mến nhau.

Biết Lvov có nhà, Levin đi thẳng vào phòng không cho người báo trước.

Mình mặc áo trong nhà, chân đi dép da hoẵng, đeo kính kẹp mũi xanh lơ, Lvov đang ngồi trong ghế bành đọc một cuốn sách trên giá; bàn tay trắng trẻo của ông cầm một điếu xì gà hút dở, thận trọng dang ra cách xa người. Khi thấy Levin, một nụ cười sáng lên trên bộ mặt đẹp, thanh tú và còn trẻ của ông mà mớ tóc xoăn lốm đốm hoa râm càng làm cho có vẻ quý phái.

– Tốt lắm! Tôi vừa toan cho đi hỏi thăm tin tức chú, Kitti có khỏe không? Chú ngồi xuống đây, thoải mái hơn… – Ông đứng dậy và đẩy ra một cái ghế đu. – Chú đã đọc thông tri cuối cùng trong tờ Nhật báo thành Xanh Peterburgchưa? Tôi thấy nó hay lắm, – ông nói lơ lớ giọng Pháp.

Levin kể lại những điều Catavaxov nói với chàng về dư luận hiện thời ở Peterburg và sau một lúc nói chuyện chính trị, chàng tả lại cuộc gặp gỡ với Metrov và phiên họp vừa dự. Lvov rất chú ý nghe.

– Tôi thèm được tham dự vào giới khoa học như chú, – ông nói. Và đang lúc hứng nói chuyện, như thường lệ, ông chuyển sang dùng tiếng Pháp vốn thuận tiện hơn đối với ông. – Thật tình tôi không mấy khi rỗi. Công việc và các cháu nhỏ chiếm hết thời gian; với lại, cũng thú thực, vốn học thức của tôi còn kém lắm.

– Tôi không nghĩ thế, – Levin mỉm cười nói, bao giờ chàng cũng cảm động về sự nhũn nhặn đó, không phải vờ vĩnh, cũng không phải thật cố gắng tỏ ra khiêm tốn mà là hoàn toàn chân thành.

– Thực đấy mà! Bây giờ, tôi mới thấy rõ tất cả thiếu sót trong vốn học thức của mình. Muốn dạy các cháu, tôi cần ôn lại cho nhớ và học lại hoàn toàn nữa kia. Vì chỉ có giáo sư không đủ, phải cần cả giám hộ nữa, cũng như công việc khai khẩn của chú cần có quản lí kèm sát thợ. Đây này, cuốn sách tôi đang đọc (ông chỉ cuốn ngữ pháp của Puxlaiev đặt trên giá sách), giáo sư bắt cháu Musa phải học thuộc mà khó lắm nhé… Này, chú thử giảng cho tôi xem. ở đây nói rằng…

Levin muốn thuyết phục ông rằng đó là những món chỉ cần thuộc lòng không phải tìm hiểu kĩ làm gì. Nhưng Lvov không đồng ý.

– Đấy, chú lại giễu tôi rồi!

– Trái lại, anh không thể ngờ tôi đã lấy anh làm mẫu mực trong tương lai, nhất là về mặt giáo dục con cái.

– Tôi có gì đáng làm mẫu mực đâu, – Lvov nói.

– Tôi chỉ biết chưa bao giờ tôi thấy những đứa trẻ được dạy dỗ tốt hơn các con anh. Tôi mong sao con cái tôi sau này cũng được giáo dục tốt như thế.

Rõ ràng Lvov muốn giấu vẻ sung sướng, nhưng mắt ông đã sáng lên.

– Miễn là chúng khá hơn tôi. Tôi chỉ mong có thế. Chú chưa biết dạy dỗ con trai vất vả như thế nào, nhất là khi chúng bị sao nhãng ở nước ngoài như các cháu nhà tôi.

– Mọi cái đó rồi sẽ bù lại được thôi. Các cháu đều rất có năng khiếu. Điều quan trọng nhất là đức dục. Tôi học được điều ấy khi nhìn các cháu nhà anh.

– Chú nói đến đức dục ư? Không thể tưởng tượng việc đó khó khăn biết chừng nào! Vừa trừa bỏ được một thói xấu, những thói xấu khác đã lộ ra và lại phải đấu tranh tiếp tục. Không dựa vào tôn giáo (chú nhớ chứ, ta đã từng bàn vấn đề này rồi), thì không ông bố nào có thể độc lực dạy dỗ con cái đến đầu đến đũa.

Câu chuyện đang thu hút Levin thì bị ngắt quãng: nàng Natalia Alecxandrovna xinh đẹp bước vào, quần áo chỉnh tề để ra phố.

– Ồ! tôi không biết chú đến chơi, – nàng nói, rõ ràng không hề ân hận mà còn hể hả là đã cắt đứt một câu chuyện nhắc đi nhắc lai nhiều lần đến phát chán. – Kitti có khỏe không? Hôm nay tôi đến ăn chiều ở đằng nhà đấy. Phải, anh Arxeniev này, – nàng quay sang nói với chồng, – anh đi xe… – Và hai vợ chồng liền bàn xem nên sử dụng thời gian như thế nào. Ông chồng có nhiệm vụ đến yết kiến vị nào đó, bà vợ đi nghe hòa nhạc và dự một cuộc họp công khai của uỷ hội những người Xlav phương Nam, nên phải nghĩ kĩ mà quyết định. Levin với tư cách người nhà cũng phải tham gia bàn bạc. Mọi người quyết định Levin sẽ đi nghe hòa nhạc với Natalia và đi dự họp, rồi khi đã tới đó, sẽ cho xe về đón Arxeniev ở phòng giấy; ông này sẽ đến đón vợ để đưa đến nhà Kitti; nếu chưa xong việc, ông sẽ cho xe quay lại và Levin đưa Lvova đi.

– Chú ấy làm hư anh, – Lvov nói với vợ; – chú ấy cho rằng con mình rất ngoan, mà anh thì biết chúng còn bao nhiêu thói xấu.

– Arxeniev có tính cực đoan, tôi vẫn nói thế mà, – bà vợ đáp. – Nếu anh tìm sự hoàn thiện thì sẽ không bao giờ bằng lòng. – Bà rất đúng khi cho rằng thời nay người ta rơi vào một thái cực khác: trước kia người ta nhét con cái vào xó hầm, còn bố mẹ ở trên gác sang trọng còn bây giờ thì ngược lại: bố mẹ nằm ở nhà chứa đồ còn con cái ở tầng trên. Ngày nay, bố mẹ chỉ có quyền sống cho con cái thôi.

– Thế thì can chi, nếu như vậy lại dễ chịu hơn, – Lvov nói, mỉm cười tươi tắn và khẽ chạm vào tay vợ. – Ai không hiểu thì có thể tưởng em là dì ghẻ chứ không phải mẹ đẻ.

– Không, sự cực đoan trong mọi việc đều sai, – Natalia bình tĩnh nói, và đặt con dao rọc giấy của chồng vào chỗ cũ.

– Nào, lại đây, lũ trẻ hoàn hảo, – Lvov nói với hai chú bé xinh xẻo vừa bước vào, chúng chào Levin rồi lại gần bố, chắc định hỏi điều gì.

Levin muốn nói chuyện với chúng, nghe xem chúng nói gì với bố, nhưng Natalia đã hỏi chuyện chàng, và vừa lúc đó, Makhôtin, bạn đồng liêu của Lvov, vận triều phục, bước vào phòng: ông ta phải đưa bạn ra ga. Thế là bắt đầu câu chuyện thao thao bất tuyệt về xứ Herzegovin29, về quận chúa Kerzinxcaia, về hạ nghị viện và cái chết đột ngột của bà Apraxina.

(29) Một nước cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư.

Levin quên khuấy nhiệm vụ vợ giao cho. Mãi lúc sang phòng đợi, chàng mới chợt nghĩ ra.

– À, Kitti nhờ tôi nói với anh về chuyện Oblonxki, – chàng bảo Lvov khi ông tiễn chàng và vợ ông xuống cầu thang.

– Phải, phải, mẹ muốn hai anh em đồng hao chúng mình công kích anh ấy, – Lvov đỏ mặt nói. – Nhưng tại sao lại là tôi kia chứ?

– Thế thì để tôi làm cho, – Lvova, quấn tròn trong tấm khăn quàng lông cáo trắng, chờ cho hết câu chuyện mới mỉm cười nói vậy. – Ta đi thôi.

5

Hôm ấy, chương trình hòa nhạc ban ngày gồm hai tác phẩm rất đặc sắc.

Một bản là khúc tùy hứng dựa theo Vua Lia trong thảo nguyên, còn bản kia là một tứ tấu để tặng hương hồn Bach30. Đây là hai tác phẩm gần đây soạn theo phong cách mới, và Levin muốn tự mình xác định ý kiến riêng về phong cách đó. Sau khi đưa chị vợ đến ngồi ở hạng ghế bành, chàng ra đứng tựa lưng vào một cái cột và định bụng nghe hết sức chăm chú và cẩn trọng. Chàng cố không đãng trí hoặc bực mình vì những điệu bộ của người nhạc trưởng thắt cà vạt trắng, những điệu bộ bao giờ cũng khó chịu đối với một cử tọa chăm chú, vì những bà đội mũ đã cẩn thận lấy băng che kín tai trước khi đi nghe hòa nhạc, và vì tất cả những bộ mặt nhởn nhơ hoặc bận tâm về các chuyện đâu đâu chứ không phải bận tâm nghe nhạc. Chàng cố tránh gặp những người mê nhạc theo kiểu tài tử cùng những chàng ba hoa, và cứ đứng nghe, mắt nhìn xuống đất. Nhưng càng chú ý nghe khúc tùy hứng Vua Lia, chàng càng thấy khó có ý kiến rõ rệt. Luôn luôn, nét nhạc, cứ sắp đến lúc phát triển, lại tãi ra tán loạn theo những nguyên tắc mới, hoặc quyện thành những hợp âm vô cùng phức tạp chỉ gắn bó với nhau do ý thích riêng của nhà soạn nhạc. Nhưng ngay cả những đoạn nhạc biểu hiện đó, dù đôi khi có đẹp thật, nhưng nghe vẫn chối tai vì nó hoàn toàn bất ngờ và không có gì chuẩn bị trước. Cái vui, cái buồn, nỗi thất vọng, niềm âu yếm, niềm đắc thắng cứ nối tiếp nhau không có cơ sở, như những cảm giác của một anh điên. Và nó cũng bặt đi bất ngờ như cảm giác của một anh điên vậy.

(30) Jean Sebastec Bach (1685-1750): nhạc sĩ vĩ đại người Đức.

Suốt thời gian biểu diễn, Levin có cảm tưởng như mình là một anh điếc đứng nhìn người ta nhảy. Bản nhạc chấm dứt, chàng hoàn toàn chưng hửng và cảm thấy mệt mỏi vì đầu óc căng thẳng mà không được đền bù chút gì. Tiếng vỗ tay rộn lên khắp phía. Mọi người đứng dậy, đi, lại và nói chuyện. Levin bèn đi tìm người có thẩm quyền để làm sáng tỏ nỗi bối rối của mình và sung sướng nhìn thấy một người sành nhạc đang nói chuyện với Petxov.

– Thật kì diệu! – Petxov nói, giọng rất trầm. – Chào anh, Conxtantin Dimitrievitr. Đoạn nhạc nhiều hình tượng nhất, có thể nói là khắc họa rõ nhất và phong phú màu sắc nhất, chính là cái đoạn trong đó ta cảm thấy Cordelia tiến lại gần, cái đoạn người đàn bà, das ewig Welbliche31, bước vào cuộc đấu tranh với định mệnh. Anh có thấy thế không?

(31) Cái nữ tính muôn thuở (tiếng Đức trong nguyên bản).

– Tại sao lại Cordelia? – Levin rụt rè hỏi, quên khuấy là bản nhạc dựng lên hình ảnh vua Lia trong thảo nguyên.

– Cordelia xuất hiện… đây này! – Petxov vừa nói, vừa lấy ngón tay đập vào tờ chương trình nhẵn mịn đang cầm trong tay và đưa cho Levin. Mãi lúc đó, Levin mới sực nhớ ra tên bản nhạc và vội đọc những câu thơ của Shakespeare dịch sang tiếng Nga in ở mặt sau chương trình.

– Không có cái này thì không theo dõi nổi đâu, – Petxov quay sang nói với Levin vì người vừa tiếp chuyện ông đi rồi, không còn ai khác để bàn bạc nữa.

Levin và Petxov đi vào tranh cãi về những ưu điểm và khuyết điểm của khuynh hướng Vagner32. Levin muốn chứng minh cái nhầm của Vagne và các môn đồ là muốn thâm nhập vào một lĩnh vực xa lạ với âm nhạc, cũng như thơ đã lạc đường đi miêu tả từng nét mặt, nó là công việc của hội họa. Chàng dẫn chứng một nhà điêu khắc tưởng có thể khắc trên cẩm thạch bóng dáng những hình tượng thơ vươn lên quanh bệ tượng một thi sĩ. “Bóng chẳng ra bóng, thành thử phải dựa vào cầu thang”, Levin nói. Chàng khoái câu ấy, nhưng lại không dám chắc là chưa hề nói ra với chính Petxôp, và đâm lúng túng.

(32) Vagner (1813-1883): nhạc sĩ người Đức.

Về phần Petxov, ông khẳng định nghệ thuật là một thể thống nhất và chỉ có thể đạt tới đỉnh cao do tập hợp tất cả các thể loại khác nhau.

Levin không thể nghe nổi bản nhạc thứ hai. Petxov đứng cạnh, vẫn không ngừng nói chuyện, ông bình phẩm cái giản đơn chải chuốt và giả tạo của tác phẩm này mà ông đem so sánh với cái giản đơn của phái tiền-Rafael33 trong hội hoạ. Khi ra ngoài, Levin còn gặp nhiều người quen, cùng họ bàn về chính trị, âm nhạc và về bạn bè; trong số đó, chàng thấy cả bá tước Bon mà chàng quên khuấy là phải đến thăm.

(33) Một thuyết vào nửa cuối thế kỉ XIX cho rằng thời kì cực thịnh của hội họa chính là thời kì của các họa sĩ tiền bối của Rafael.

– Chú tới đó nhanh lên, – Lvova bảo khi chàng tâm sự với bà. – Có lẽ hôm nay họ không tiếp khách đâu. Sau đó, chú đến đón tôi ở cuộc họp. Tôi chờ chú ở đấy.

6

– Có lẽ không phải ngày tiếp khách thật chăng? – Levin nói khi bước vào phòng chờ nhà nữ bá tước Bôn.

– Có chứ, xin mời ông vào, – người gác cửa nói và quả quyết cởi áo khoác cho chàng.

“Chán quá! Levin thở dài nghĩ bụng, tháo một chiếc găng tay và nắn lại mũ. Tại sao mình lại đến đây nhỉ? Biế nói chuyện gì với họ đây?” Khi qua phòng khách thứ nhất, Levin gặp nữ bá tước Bon đang sai đầy tớ, vẻ bận rộn và nghiêm khắc. Bà mỉm cười khi thấy Levin và mời sang phòng khách nhỏ bên cạnh, nơi đang có tiếng người vẳng ra. Ở đây có hai cô con gái nữ bá tước đang ngồi ghế bành và một quan chức Moxcva vốn là chỗ quen biết với Levin. Chàng lại gần ông ta, chào và ngồi xuống cạnh đi-văng, mũ đặt trên đầu gối.

– Bà nhà ta thế nào? Ông có đi nghe hòa nhạc không? Chúng tôi không đi được. Mẹ tôi vừa phải đi đưa đám ma.

– Vâng, tôi có nghe nói… cái chết đột ngột quá! – Levin nói. Nữ bá tước trở vào, ngồi xuống đi văng và cũng lại hỏi Levin về vợ chàng và cuộc hòa nhạc. Levin đáp và nhắc lại câu về cái chết đột ngột của bà Apraxina.

– Với lại, bà ta xưa nay vẫn yếu.

– Hôm qua ông có đến nhà hát ca kịch không?

– Có ạ.

– Đào Luicca cừ thật!

– Vâng, – Levin nói, và nhắc lại những điều đã nghe thấy hàng trăm lần về những đặc điểm tài năng của cô đào hát ấy, mặc cho người ta muốn nghĩ thế nào về mình cũng được. Nữ bá tước Bon làm như chú ý nghe. Tiếp đó, khi Levin nói đủ rồi và ngồi im, đến lượt ông đại tá vẫn nín lặng từ nãy lên tiếng. Ông nói về nhà hát ca kịch và cách bố trí ánh sáng kiểu mới. Cuối cùng, sau khi nhắc đến ngày vui nhộn dự định tổ chức ở nhà Tuirin, ông đại tá cười ầm ĩ, đứng dậy và cáo lui. Levin cũng đứng lên, nhưng nhìn mặt bà bá tước, chàng hiểu chưa phải lúc cáo từ. Cần ở lại thêm vài phút nữa. Chàng lại ngồi xuống.

Nhưng vì chỉ một mực nghĩ là toàn bộ cái trò đi thăm này thật ngu xuẩn, nên chàng không tìm ra chuyện mà nói.

– Ông không đi dự phiên họp của uỷ hội à? Nghe nói cuộc họp thú vị lắm đấy, – nữ bá tước nói.

– Không ạ, tôi đã hứa với bà chị vợ sẽ tạt vào đón thôi, – Levin nói. Một phút im lặng. Bà mẹ và mấy cô con gái đưa mắt nhìn nhau. “Thôi, chắc đến lúc rồi đấy”, Levin nghĩ bụng và đứng lên. Các bà bèn bắt tay chàng và nhờ chuyển đến vợ chàng lời thăm hỏi thân ái.

Người gác cửa, khi đưa áo khoác, hỏi chàng địa chỉ và ghi ngay vào một quyển sổ to đóng gáy thật đẹp.

“Tất nhiên mình chẳng cần gì, nhưng dù sao cũng khó chịu, và hết sức lố bịch!”, Levin vừa nghĩ, vừa tự an ủi rằng ai nấy đều làm như vậy, và chàng đến chỗ ủy hội họp, tìm bà chị vợ đưa về nhà mình. Cuộc họp của uỷ hội rất đông và gần đủ mặt giới thượng lưu. Levin đến vừa kịp nghe một bản tường trình rất bổ ích, theo ý kiến chung của mọi người. Bản tường trình chấm dứt, người ta đi tìm nhau và Levin gặp lại Xviajxki, ông mời chàng ngay tối đó đến hội nông học dự một cuộc thuyết trình đáng chú ý; chàng cũng gặp Xtepan Arcaditr vừa ở trường đua về, và nhiều người khác; thế là chàng lại phải vừa phát biểu vừa nghe nhiều nhận xét khác nhau về phiên họp, về nhà hát ca kịch và về một vụ kiện đang xảy ra. Nhưng hẳn vì đã bắt đầu thấm mệt, nên khi nói về vụ kiện, chàng đã phạm một điều sai lầm mà sau đó chàng cứ bực bội nhớ tới luôn. Khi bàn về hình phạt đối với một người nước ngoài bị xử ở Nga mà người ta cho rằng kết án trục xuất cũng chưa đủ, Levin bèn nhắc lại điều hôm trước đã nghe một người bạn nói tới.

– Theo tôi, trục xuất anh ta thì cũng giống như trừng trị một con cá măng bằng cách thả nó xuống nước, – Levin nói. Nhưng sau đó, chàng mới sực nhớ cái ý vừa phát biểu như ý riêng của mình, hôm trước thốt ra từ miệng một người bạn, lại chính là ý lấy ở một bài ngụ ngôn của Krưlôp và anh bạn kia đã mượn nó trong một bài báo.

Levin cùng chị vợ ra về, thấy Kitti vui và khỏe, chàng lại tới câu lạc bộ.

7

Levin đến cùng lúc với những hội viên khác và khách khứa của câu lạc bộ. Suốt từ dạo học xong đại học ở Moxcva và bước vào giới xã giao, chàng chưa trở lại đây. Chàng còn nhớ những chi tiết kiến trúc phía ngoài nhà câu lạc bộ, nhưng quên hẳn cái cảm giác xưa kia mỗi lần bước vào đây. Sau khi quan sát sân rộng hình bán nguyệt, bước xuống xe ngựa, trèo lên thềm và người gác cửa thắt đai lưng chạy ra đón đã cúi chào, mở cánh cửa êm ru, sau khi nhìn thấy trong hành lang những giày cao su và áo khoác lông của những hội viên ưng bỏ giày cao su ở nhà dưới cho tiện hơn là mang lên tầng trên; sau khi nghe tiếng chuông bí ẩn báo tin chàng đến và trông thấy bức tượng trên sàn gác lúc trèo lên cầu thang dốc thoai thoải phủ thảm và khi ông già gác cửa quen thuộc mặc đồng phục câu lạc bộ đứng trên bậc cửa tầng hai, đủng đỉnh mở cửa và nhìn chàng từ đầu đến chân. Levin chợt thấy cảm giác xưa kia trở lại: một cảm giác an tĩnh, lạc thú và quyền quý.

– Xin mời ông để mũ lại, – người gác cửa nói khi thấy Levin quên không để mũ lại phòng gửi quần áo như điều lệ quy định. – Đã lâu không được gặp ông. Lão quận công hôm qua có đến ghi tên ông. Hoàng thân Xtepan Arcaditr chưa thấy tới. Lão gác cửa không những biết Levin mà còn biết tất cả bè bạn cùng họ hàng nhà chàng, và nhắc ngay đến những người thân cận nhất của chàng. Đi qua phòng chờ đầu tiên có bình phong trang trí và một căn phòng có vách ngăn bên phải là chỗ người bán hoa quả, Levin theo kịp một ông già đang chậm rãi bước, và vào phòng ăn. Chàng đi giữa những dãy bàn hầu hết kín người và nhìn các vị khách. Trước mắt chàng là những loại người khác nhau nhất: trẻ có, già có, những bóng dáng hơi quen hoặc thân thuộc. Không thấy bộ mặt nào lo âu hay cau có. Ai nấy đều như đã để lại ngoài phòng gửi quần áo cùng với mũ mãng, những đau buồn, phiền muộn để sẵn sàng bình thản hưởng những thú vui vật chất của cuộc đời. ở đấy có Xviajxki, Trerbaxki, Neviedovxki, lão quận công, Vronxki và Xergei Ivanovitr.

– Ồ! Con đến muộn thế! – lão quận công mỉm cười nói và chìa tay qua vai cho chàng bắt. – Kitti khỏe không, ông cụ nói tiếp, gài lại khăn ăn nhét vào khuyết áo gi lê.

– Nhà con khỏe ạ. Cả ba chị em chiều nay ăn ở nhà.

– À, bọn “Alin-Nađin”! Này, ở đây không còn chỗ nữa. Con đi nhanh ra ngồi bàn đằng kia, – lão quận công nói và quay đi, thận trọng cầm đĩa xúp cá quả.

– Levin, lại đây! – có tiếng gọi thân ái cất lên cách đấy không xa. Đó là Turovxưn. Anh ta ngồi với một sĩ quan trẻ, cạnh hai chỗ dành riêng. Levin vui vẻ chạy đến. Chàng vẫn mến anh chàng Turovxưn trung thực, thích hội hè đình đám này (cứ nghĩ đến anh ta là chàng liền nhớ ngay đến cuộc phân trần với Kitti) và hôm nay, sau khi phải cố tỏ ra thông minh trong hàng loạt cuộc trò chuyện căng thẳng, diện mạo hiền lành của Turovxưn làm chàng hết sức dễ chịu.

– Đây là chỗ dành cho anh và Oblonxki. Anh ấy sắp tới bây giờ.

Viên sĩ quan, người Peterburg, tên là Gaghin, ngồi rất thẳng và có cặp mắt tươi vui, lúc nào cũng như cười. Turovxưn giới thiệu hai người với nhau.

– Oblonxki bao giờ cũng đến chậm.

– Anh chàng kia rồi!

– Chú vừa mới tới à! – Oblonxki nói, thoăn thoắt bước đến chỗ họ. – Xin chào. Chú uống vôtka chưa? Ta đi uống đi.

Levin đứng dậy và theo ông đến gần một cái bàn lớn chất đầy rượu mạnh và đủ loại thức ăn nguội. ở đây có tới hai trăm món ăn nguội có thể chọn theo khẩu vị riêng, nhưng Xtepan Arcaditr đòi một món đặc biệt, và một người hầu bàn mặc đồng phục đem lai ngay món ông gọi. Mỗi người uống cạn một li rượu nhỏ và trở về bàn. Ngay sau món xúp cá, người ta mang sâm banh đến cho Gaghin và ông sai rót đầy bốn cốc. Levin không từ chối và gọi chai thứ hai. Chàng đói; – chàng vui vẻ ăn uống và lại càng vui vẻ xen vào câu chuyện bình dị và vui tươi của các bạn cùng bàn. Gaghin hạ hấp giọng kể một giai thoại mới toanh ở Peterburg: mẩu chuyện mặc dầu tục tĩu và ngớ ngẩn nhưng hài hước đến nỗi Levin phá lên cười ầm ĩ khiến những người ngồi quanh phải quay lại nhìn.

– Đại khái vào loại: “Tôi không chịu nổi!”. Chú biết chứ? – Xtepan Arcaditr hỏi chàng. – Chao! Thật tuyệt diệu! Một chai nữa, – ông nói với người hầu bàn và sôi nổi kể chuyện.

– Của ông Piot’r Vinovxki mời đấy ạ, – một người hầu già ngắt lời và bưng cho Xtepan Arcaditr và Levin hai cái cốc mỏng đựng sâm banh lóng lánh. Xtepan Arcaditr cầm cái cốc và đưa mắt nhìn một người đàn ông tóc hung, hói trán, để ria ngồi đầu bàn đằng kia, rồi mỉm cười gật đầu chào.

– Ai đó? – Levin hỏi.

– Chú đã gặp ông ta một lần ở nhà tôi, chú còn nhớ không? Một con người rất tốt. – Levin cũng bắt chước Xtepan Arcaditr và cầm cốc rượu. Mẩu giai thoại của Xtepan Arcaditr cũng rất ngộ, Levin lại kể một mẩu nữa, cũng làm mọi người rất thú. Tiếp đó, họ xoay ra nói chuyện ngựa, chuyện các cuộc đua diễn ra hôm đó và chuyện con Xatanh của Vronxki được giải nhất. Levin thấy quên cả thời gian.

– A! Họ đây rồi! – cuối bữa ăn, Xtepan Arcaditr nói, ngả người lên lưng ghế tựa và bắt tay Vronxki vừa đi ngang qua cùng một đại tá cận vệ to lớn. Nét mặt Vronxki cũng roi rói cái vẻ vui tươi tràn lan trong câu lạc bộ. Chàng tì tay lên vai Xtepan Arcaditr, vẻ vui thích nói nhỏ vài câu vào tai ông và bắt tay Levin vẫn với nụ cười hớn hở đó.

– Hân hạnh được gặp ông, – chàng nói. – Hôm nọ, tôi có tìm ông ở chỗ bầu cử, nhưng có người nói ông đi rồi, – chàng nói với Levin.

– Vâng, tôi đi ngay hôm ấy. Chúng tôi vừa nhắc tới con ngựa của ông. Xin chúc mừng, – Levin nói. – Đây là một kỉ lục.

– Hình như ông cũng nuôi ngựa.

– Không, đó là cha tôi kia, nhưng tôi cũng có biết chút ít về ngựa.

– Cậu ngồi ăn ở đâu? – Xtepan Arcaditr hỏi.

– Ở bàn thứ hai, sau hàng cột.

– Người ta chúc mừng anh ấy lu bù, – viên đại tá nói. – Giải thứ hai của nhà vua kia mà! Tôi mong sao đánh bạc cũng may mắn như anh ấy đua ngựa. Nhưng tại sao lại để mất thời gian quý báu này nhỉ? Tôi quay lại phòng địa ngục đây. – Và ông ta bỏ đi.

– Yasvin đấy, – Vronxki trả lời Turốpxưn và ngồi xuống một chỗ trống cạnh họ. Chàng uống cốc sâm banh các bạn mời và gọi thêm một chai. Do ảnh hưởng của không khí câu lạc bộ hay có lẽ do uống rượu, Levin sôi nổi bắt chuyện với Vronxki về những giống bò tốt nhất và lấy làm sung sướng vì không hề cảm thấy hằn học chút nào với con người này. Chàng còn kể là đã được vợ thuật lại cuộc gặp gỡ ở nhà quận chúa Maria Borixevna.

– A! Quận chúa Maria Borixovna thật là một người đàn bà rất đáng quý! – Xtepan Arcaditr nói và kể một giai thoại về bà khiến mọi người cười rộ. Đặc biệt Vronxki cười hồn nhiên vui vẻ đến nỗi Levin cảm thấy hoàn toàn có thiện cảm với chàng.

– Các anh xong chưa? – Xtepan Arcaditr vừa mỉm cười nói vừa đứng dậy. – Ta đi thôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.