Anna Karenina (Tập 2)

Phần 7 – Chương 06



17

Xtepan Arcaditr đang ở trong tình thế quẫn bách. Hai phần ba tiền bán rừng đã tiêu hết và ông đã vay trước của gã lái buôn gần hết số phần ba cuối cùng bằng cách bớt cho y mười phần trăm. Gã lái buôn không muốn đưa tiền nữa, vả chăng Daria Alecxandrovna, lần đầu tiên khẳng định quyền hạn đối với tài sản của mình, cũng từ chối không chịu kí cho y trả nốt số phần ba còn lại. Bao nhiêu lương của Oblonxki đổ cả vào các khoản chi tiêu trong nhà và trả nợ vặt. Họ không còn tài sản nào khác. Thật khó chịu, phiền toái và Xtepan Arcaditr nghĩ tình hình không thể kéo dài như thế được. Ông cho cơ sự này là do lương lậu ít ỏi mà ra. Địa vị hiện nay của ông, trước đây năm năm có vẻ rất tốt, nhưng giờ đã khác đi rồi. Pêtrôp – giám đốc ngân hàng lương tháng mười hai nghìn rúp; Xventitxki, ủy viên một công ty, lĩnh mười bảy nghìn một tháng; Mitin, người đã lập một ngân hàng, mỗi tháng kiếm năn vạn rúp. “Dứt khoát là mình đang ngủ say và bị bỏ quên rồi”, Xtepan Arcaditr nghĩ thầm. Ông bèn để ý xem xét và đến cuối mùa đông mò ra được một chỗ làm lương rất cao, ông liền mở cuộc tấn công, mới đầu từ Moxcva, dựa vào các bà cô, ông bác và bạn hữu; rồi khi chín muồi, ông thân hành đến Peterburg vào mùa xuân. Đó là một chân hàng năm thu lợi từ một nghìn đến năm vạn rúp và hiện nay lại có nhiều hơn những chỗ làm nho nhỏ ăn đút lót năm xưa. Tức là chân uỷ viên uỷ ban đại lí liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hỏa xa miền Nam. Chức trách này, cũng như tất cả các chức trách thuộc loại ấy, đòi hỏi một kiến thức rộng, một năng lực hoạt động lớn đến nỗi khó lòng tìm ra người nào đáp ứng được cả hai điều kiện ấy. Vì không có ai gồm đủ các đức tính đó, âu là giao địa vị nọ cho một người lương thiện còn hơn cho một tên đầu trộm đuôi cướp. Lương thiện thì Xtepan Arcaditr quả có lương thiện, theo cái nghĩa đặc biệt của tiếng ấy ở Moxcva, khi áp dụng nó với một chính khách, một nhà văn, một tờ nhật báo, một tổ chức hoặc một trào lưu tư tưởng, nó không chỉ có nghĩa là người đó hay tổ chức đó không bất lương, mà còn có nghĩa khi gặp cơ hội, họ có thể đả kích vào chính phủ nữa. ở Moxcva, Xtepan Arcaditr thường lui tới những nhóm người đã đặt ra cái từ ấy, những nhóm này coi ông như một người lương thiện: vậy ông có quyền hưởng địa vị nọ hơn bất kì ai khác. Việc làm đó mỗi năm thu được từ bảy đến mười ngàn rúp và Oblonxki có thể kiêm nhiệm nó cùng với những chức trách khác của ông. Công việc tùy thuộc vào hai Bộ, một phu nhân và hai người Do Thái, và mặc dầu tất cả những người đó đều được báo trước để nâng đỡ Xtepan Arcaditr, ông vẫn cần đến Peterburg gặp họ. Hơn nữa, Xtepan Arcaditr đã hứa với cô em Anna là sẽ vận động được Carenin trả lời dứt khoát về vấn đề li dị. Vì vậy, sau khi moi của Doli năm mươi rúp, ông bèn đi Peterburg. Ngồi trong buồng giấy của Carenin, nghe ông em rể trình bày kế hoạch cải lương nền tài chính nước Nga, Xtepan Arcaditr cứ rình lúc ông này dứt lời để lái câu chuyện sang công việc của bản thân mình và của Anna.

– Vâng, rất đúng, – ông nói, lúc Alecxei Alecxandrovitr đưa mắt ướm hỏi anh vợ, sau khi tháo chiếc kính kẹp mũi giờ trở thành vật không thể thiếu được khi ông cần đọc, – về chi tiết thì rất đúng, nhưng nguyên lí thời đại chúng ta là tự do.

– Cho nên, nguyên lí mới tôi đề xướng bao gồm cả nguyên lí tự do, – Alecxei Alecxandrovitr nói, nhấn mạnh vào hai tiếng “bao gồm” và lại đeo kính kẹp mũi lên để đọc lại cái quãng có trình bày rành rọt quan điểm ấy.

Ông giở tập bản thảo chữ viết trang nhã, mép giấy trừa rộng và đọc lại đoạn văn đầy sức thuyết phục.

– Sở dĩ tôi cổ súy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đó không phải vì quyền lợi những tư nhân mà vì lợi ích chung cho cả tầng lớp dưới cũng như tầng lớp trên, – ông nói tiếp, đưa mắt qua gờ trên kính kẹp mũi, nhìn Oblonxki. – Nhưng họ không hiểu điều đó, họ chỉ bận tâm đến lợi ích cá nhân và chỉ biết nói mồm.

Xtepan Arcaditr biết là khi Carenin bắt đầu nói đến những ý nghĩ và việc làm của bọn đối lập với kế hoạch của ông, gây ra tất cả tai họa ở nước Nga, là đã gần đến kết luận, cho nên, lúc này ông tạm từ bỏ cái nguyên lí tự do và tuyên bố hoàn toàn đồng ý với em rể. Alecxei Alecxandrovitr im lặng và giở tập bản thảo, vẻ tư lự.

– À, tiện đây tôi muốn nhờ chú, – Xtepan Arcaditr nói, – nếu chú có dịp gặp Pomorxki, thì nói giùm tôi với ông ta một câu thôi: tôi muốn làm ủy viên ủy ban đại lí liên hợp ngành Tín dụng hỗ trợ và Cục hỏa xa miền Nam. – Chức vị ấy luôn ấp ủ trong lòng Xtepan Arcaditr đến mức trở thành quen thuộc nên ông đọc trơn tru không chút sai sót. Alecxei Alecxandrovitr hỏi anh vợ là hoạt động của uỷ ban mới này nhằm mục đích gì và triền miên suy nghĩ. Ông tự hỏi cơ quan đó rồi đây có ngáng trở kế hoạch của ông không. Nhưng hoạt động của tổ chức mới này rất phức tạp và kế hoạch của Carenin bao quát một phạm vi rất rộng, nên ông không thể giải đáp câu hỏi này ngay lập tức. Ông bỏ kính kẹp mũi và nói:

– Tất nhiên tôi có thể nói với ông ta được thôi, nhưng tại sao anh lại nhăm nhe đúng vào cái chân ấy?

– Công việc này lương khoảng chín nghìn rúp, mà sinh kế của tôi thì…

– Chín nghìn rúp, – Alecxei Alecxandrovitr nhắc lại và cau mày. Con số lớn đó cho ông thấy rõ, về mặt này, hoạt động sắp tới của Xtepan Arcaditr va chạm với tư tưởng chủ đạo kế hoạch của ông: phục hồi chính sách tiết kiệm.

– Tôi thấy ở thời đại chúng ta, những khoản lương to lớn đó là dấu hiệu về sự thiếu sót của chính sách kinh tế chúng ta, vả chăng, tôi đã viết một bài về điểm này.

– Biết làm thế nào? – Xtepan Arcaditr nói. – Ngày nay, lương chủ nhà băng làm một vạn rúp mà đâu phải hắn ăn cắp. Một kĩ sư cũng kiếm hai vạn rúp. Họ đâu phải là những kẻ ngồi mát ăn bát vàng.

– Tôi cho rằng tiền lương là giá một món hàng và do đó phải tuân theo luật cung cầu. Nếu việc trả lương tách rời khỏi quy luật đó, chẳng hạn khi hai kĩ sư tốt nghiệp cùng một trường, với kiến thức và khả năng y như nhau mà một người lĩnh bốn vạn rúp, trong khi người kia chỉ có hai vạn; hoặc giả khi một nhà luật học hay một anh lính phiêu kị không có kiến thức chuyên môn gì được bổ nhiệm đứng đầu một ngân hàng, hưởng những khoản tiền lương kếch sù, thì tôi sẽ kết luận lương anh ta không được đánh giá theo cung cầu mà chỉ đơn thuần do thiên vị thôi. Và bản thân cái đó đã là một sự lạm dụng nghiêm trọng, có hại cho công việc nhà nước. Tôi cho rằng… Xtepan Arcaditr vội ngắt lời em rể.

– Phải, nhưng đây là một tổ chức tân lập và rõ ràng hữu ích. Người ta cần nhất công việc được tiến hành một cách “lương thiện”, – Xtepan Arcaditr nói.

Nhưng Alecxei Alecxandrovitr không hiểu cái nghĩa mang màu sắc Moxcva của từ ấy.

– Sự lương thiện ấy chỉ là một đức tính tiêu cực, – ông nói.

– Dù sao tôi cũng đội ơn chú rất nhiều, nếu chú rỉ tai với Pomorxki một tiếng, – Xtepan Arcaditr nói. – Nhân chuyện nào đó, nói qua một tiếng thôi mà.

– Tôi thấy hình như việc đó chủ yếu tùy thuộc ở Bongarinov, Alecxei Alecxandrovitr nói.

– Bongarinov hoàn toàn đồng ý rồi, – Xtepan Arcaditr đỏ mặt nói. Xtepan Arcaditr đã đỏ mặt khi nghe nhắc đến tên Bongarinov vì ngay sáng hôm đó, ông đã đến tìm cái lão Do Thái này và cuộc đến thăm để lại ấn tượng nặng nề trong kí ức ông.

Xtepan Arcaditr đinh ninh cơ quan ông mong muốn cộng tác là một tổ chức lương thiện và hữu ích; nhưng sáng nay, khi Bongarinov rõ ràng cố ý để ông phải ngồi hai tiếng đồng hồ ở phòng đợi cùng những người đến cầu cạnh khác, ông đột nhiên cảm thấy khó chịu. Phải chăng cảm giác khó chịu ấy là do ông, công tước Ôblônxki, người nối dõi Rurich, đã phải ngồi hai tiếng đồng hồ trong phòng đợi một tên Do Thái hay do lần đầu tiên trong đời, ông đã vi phạm truyền thống tổ tiên xưa nay vẫn phụng sự nhà nước, khi ông chọn một nghề khác? Muốn thế nào mặc lòng, ông vẫn thấy không thoải mái. Suốt trong hai tiếng đồng hồ chờ đợi ở nhà Bongarinov, Xtepan Arcaditr vừa ra vẻ ung dung đi đi lại lại trong phòng đợi, vuốt râu má, nói chuyện với những người cầu cạnh khác, vừa nghĩ những câu chơi chữ về chặng dừng chân này tại nhà tên Do Thái, cố tự giấu mình và giấu cả người khác cái cảm giác xâm chiếm lòng ông.

Nhưng suốt thời gian đó, ông cảm thấy bực bội và khó chịu mà không rõ nguyên nhân vì đâu: phải chăng vì ông không soạn được câu chơi chữ đến nơi đến chốn hay vì cớ nào khác? Cuối cùng, khi Bongarinov tiếp ông hết sức lịch sự với vẻ đắc thắng ra mặt, và gần như cự tuyệt yêu cầu của ông, Xtepan Arcaditr vội quên ngay nỗi sỉ nhục đó càng nhanh càng tốt. Giờ đây, chính vì nhớ lại điều đó mà ông đã đỏ mặt.

18

– Tôi còn chuyện khác muốn nói với chú và chắc chú cũng biết là chuyện gì… Chuyện Anna, – Xtepan Arcaditr nói, sau một lúc im lặng, khi đã xua đuổi được cái ấn tượng khó chịu kia.

Oblonxki vừa nói đến tên Anna, vẻ mặt Alecxei Alecxandrovitr đã thay đổi hoàn toàn: đang hoạt bát chuyển sang mệt mỏi và đờ đẫn.

– Nói cho đúng, các người muốn gì tôi nào? – ông vừa nói vừa xoay người trong ghế bành và gập kính kẹp mũi lại. – Một quyết định nào đó, chú Alecxei Alecxandrovitr ạ. Lúc này, tôi nói với chú (“không phải như nói với một người chồng bị xúc phạm”, Xtepan Arcaditr định nói thế, nhưng sợ hỏng việc, bèn thay đổi từ ngữ) không phải như nói với một chính khách (từ này tỏ ra không đắt), mà chỉ đơn giản như nói với một con người, một con người có tâm hồn và một con chiên ngoan đạo. Chú nên thương cô ấy.

– Cụ thể là thế nào? – Carenin nói, giọng nhỏ hẳn đi.

– Phải, chú nên thương cô ấy. Nếu chú trông thấy cô ấy như tôi (tôi đã ở suốt mùa đông với cô ấy), hẳn chú sẽ thương cô ấy. Hoàn cảnh cô ấy kinh khủng lắm, thực sự là kinh khủng.

– Tôi thấy hình như, – Alecxei Alecxandrovitr trả lời, giọng càng nhỏ nhẻ, gần như the thé, – hình như Anna Arcadievna đã có tất cả những gì cô ta ao ước.

– Chao, Alecxei Alecxandrovitr, vì lòng kính Chúa, chúng ta đừng có lao vào cãi vã với nhau! Cái gì qua đi là qua đi rồi và chú cũng biết cô ấy đang mong muốn và chờ đợi cái gì: li dị.

– Nhưng tôi tin Anna Arcadievna sẽ từ chối không chịu li dị trong trường hợp tôi đòi giữ con trai tôi. Tôi đã viết thư trả lời cô ta theo tinh thần ấy và tôi nghĩ vấn đề đã giải quyết xong. Tôi cho rằng vấn đề đã giải quyết xong rồi, – Alecxei Alecxandrovitr rít lên.

– Tôi xin chú, chú đừng nổi nóng, – Xtepan Arcaditr nói, đặt tay vào đầu gối em rể. – Vấn đề chưa giải quyết là thế này đây: khi cô chú chia tay nhau, chú đã cao thượng hết sức: chú đồng ý cho cô ấy tất cả: tự do và li hôn nữa. Cô ấy kính phục thái độ đó. Chú không thể biết cô ấy đã cảm kích đến thế nào đâu. Đến nỗi, thoạt đầu, vì cảm thấy có lỗi với chú và không kịp suy nghĩ sâu xa hơn, cô ấy đã từ chối tất cả. Nhưng thực tế và thời gian đã vạch cho cô ấy thấy hoàn cảnh thật đau khổ và không chịu nổi.

– Cuộc đời Anna Arcadievna không thể khiến tôi quan tâm, – Alecxei Alecxandrovitr ngắt lời, lông mày nhướn lên.

– Chú cho phép tôi không tin điều đó, – Xtepan Arcaditr dịu dàng đáp lại. – Hoàn cảnh Anna thật đau khổ cho bản thân cô ấy và chẳng có lợi cho ai. Chú sẽ nói đáng kiếp cho cô ấy chứ gì. Cô ấy cũng biết vậy và không đòi hỏi chú gì cả: chính miệng cô ấy bảo thế. Nhưng tôi, tất cả họ hàng, tất cả những kẻ yêu mến cô ấy, chúng tôi xin chú và van chú hãy rủ lòng thương. Tại sao cô ấy đau khổ? Điều đó có lợi cho ai?

– Nhưng, quả thực các người đặt tôi vào địa vị kẻ bị cáo, – Alecxei Alecxandrovitr nói.

– Không, không, tuyệt nhiên là không, xin chú hiểu cho tôi, – Xtepan Arcaditr nói tiếp, lần này sờ vào tay em rể như tin chắc sự tiếp xúc đó sẽ làm ông này nguôi đi. – Tôi chỉ xin nói điều này thôi: hoàn cảnh cô ấy thật đau xót, chú có thể làm cho nó dịu bớt mà chú chẳng mất gì. Chú hãy để tôi thu xếp chuyện đó, chú không phải dính vào. Chú đã hứa…

– Tôi hứa thế từ lâu rồi. Và tôi cho là chuyện đứa bé đã giải quyết xong vấn đề. Vả lại, tôi hi vọng Anna Arcadievna đủ cao thượng để… – Alecxei Alecxandrovitr khó nhọc nói, môi run run, mặt tái nhợt.

– Cô ấy hoàn toàn trông cậy vào tấm lòng cao thượng của chú. Cô ấy xin chú, van chú kéo cô ấy ra khỏi tình thế cùng quẫn này. Thậm chí, cô ấy cũng không xin cả con trai nữa. Alecxei Alecxandrovitr, chú là người phúc hậu. Chú hãy đặt mình vào địa vị cô ấy một chút xem: đó là một vấn đề sinh tử. Nếu lúc đầu, chú không hứa như thế, cô ấy ắt đã thích nghi với hoàn cảnh và ở hẳn nông thôn. Chính vì dựa vào lời hứa mà cô ấy viết thư cho chú và đến ở Moxcva. Thế là đã sáu tháng cô ấy ở thành phố đó, mỗi lần gặp ai là như bị nhát dao đâm và ngày lại ngày chờ đợi một quyết định. Thật y như tròng dây thòng lọng vào cổ kẻ bị kết án mà không cho biết phải chuẩn bị chờ chết hay sẽ được ân xá. Chú hãy thương cô ấy và tôi xin chịu trách nhiệm thu xếp mọi chuyện… Chú quá thận trọng…

– Vấn đề không phải là thế, Alecxei Alecxandrovitr ngắt lời, vẻ ghê tởm. Nhưng có lẽ tôi đã hứa điều không có quyền hứa.

– Thế là chú phủ nhận điều đã nói?

– Tôi không bao giờ từ chối những gì có thể làm được, nhưng tôi muốn có thời giờ suy nghĩ xem lời hứa đó có thể thực hiện được đến đâu.

– Không, Alecxei Alecxandrovitr ạ, – Xtepan Arcaditr thình lình đứng phắt dậy nói tiếp, – tôi không tin là thế! Cô ấy khổ sở đến mức chỉ một người đàn bà mới có thể khổ sở như vậy và chú không thể từ chối điều mà…

– Trong chừng mực có thể thực hiện được. Anh vẫn tự xưng là một người tự do tư tưởng. Nhưng tôi, với tư cách là tín đồ, tôi không thể vi phạm luật Chúa về một vấn đề quan trọng đến thế.

– Trong tất cả các xã hội Cơ đốc giáo và ngay cả trong xã hội ta cũng vậy, theo tôi biết, việc li hôn đều được thừa nhận, – Xtepan Arcaditr nói. – Chính Giáo hội ta cũng cho phép. Và ta thấy…

– Có thể được phép làm thế đấy, nhưng không phải trong trường hợp này.

– Alecxei Alecxandrovitr, tôi không nhận ra chú nữa đấy, – Oblonxki nói, sau một lúc im lặng. – Phải chăng chính chú đã tha thứ tất cả (chúng tôi từng khâm phục thái độ đó) và phải chăng chính do tình cảm ngoan đạo thúc đẩy mà chú sẵn sàng hi sinh tất thẩy? Chính miệng chú đã nói: hãy cho nốt áo khoác khi người ta lấy sơ mi của mình, và bây giờ…

– Tôi xin ông ngừng lại, ngừng… câu chuyện lại ở đó, – Alecxei Alecxandrovitr nói, giọng the thé và đột nhiên đứng dậy. Quai hàm ông run run và mặt tái đi.

– Thôi vậy! Chú tha lỗi nếu tôi đã làm chú phiền lòng,- Xtepan Arcaditr vừa nói, vừa chìa tay với một nụ cười ngượng ngập; – với tư cách sứ giả, tôi chỉ truyền đạt tới chú cái sứ mệnh được giao phó.

Alecxei Alecxandrovitr bắt tay anh vợ, ngẫm nghĩ, rồi nói:

– Tôi cần suy nghĩ, cần được góp ý kiến. Ngày kia tôi sẽ trả lời anh dứt khoát.

19

Xtepan Arcaditr sắp bước ra thì Cornei báo:

– Xergei Alecxeiêvich! “Xergei Alecxeiêvich là ai vậy?”, – Xtepan Arcaditr toan hỏi, nhưng lập tức nhớ ra.

– À! Xerioja! – ông nói. “Xergei Alecxeiêvich(35), mình đã tưởng là ông chánh văn phòng nào. Anna cũng yêu cầu mình gặp cháu”, ông nghĩ thầm. Và ông nhớ lại vẻ rụt rè, buồn bã của Anna khi dặn mình: “Thể nào anh cũng gặp cháu đấy. Anh thử xem cháu nó đang làm gì, ai chăm nom nó. Và anh Xtiva ạ… nếu có thể! Theo anh, liệu có thể được không?… Xtepan Arcaditr hiểu câu đó nghĩa là thế nào: nếu vừa li hôn, vừa giữ được đứa bé… Bây giờ, Xtepan Arcaditr thấy thậm chí đừng nên nghĩ đến điều đó nữa, nhưng dù sao ông cũng hài lòng được gặp cháu. Alecxei Alecxandrovitr nhắc anh vợ là mọi người không bao giờ nói với con ông về Anna và yêu cầu đừng đả động gì về người thiếu phụ nọ.

(35) Tức là Xergei, con ông Alecxei. Cách gọi cả tên bố này thường chỉ dùng với người lớn để tỏ lòng kính trọng.

– Sau lần gặp mẹ, mà chúng tôi không ngừa trước, cháu ốm rất nặng, – Alecxei Alecxandrovitr nói. – Thậm chí, đã tưởng cháu không qua khỏi. Nhưng nhờ chạy chữa tốt và mùa hè này đi tắm biển, nên sức khỏe cháu đã bình phục. Bây giờ, theo lời thầy thuốc khuyên, tôi đã cho cháu đi học. Quả nhiên, có bạn có bè, ảnh hưởng rất tốt: cháu khỏe hẳn và học khá lắm!

– Cháu đúng là người lớn rồi! Tôi đã hiểu tại sao không gọi cháu là Xerioja nữa! – Xtepan Arcaditr mỉm cười nói khi thấy một chú bé khôi ngôi, cứng cáp mặc áo vét xanh và quần ống chùng, đĩnh đạc bước vào. Nom chú vui tươi và khỏe mạnh. Chú cúi chào bác như chào khách lạ nhưng khi nhận ra, chú đỏ mặt và vội quay đi, vẻ phật ý và tức tối. Rồi chú lại gần bố, đưa cho xem điểm bài vở ở trường.

– Được, khá đấy, – bố bảo chú. – Con có thể đi chơi được.

– Nó gầy đi và lớn hẳn. Không phải con nít nữa mà là thiếu niên rồi. Bác rất mừng, – Xtepan Arcaditr nói. – Cháu còn nhớ bác không?

Chú bé quay phắt lại nhìn bố.

– Thưa bác có ạ, – chú nhìn Oblonxki trả lời và lại cúi mặt xuống. Xtepan Arcaditr gọi cháu lại cạnh mình và cầm lấy tay nó.

– Thế nào, cháu ra sao rồi? – ông hỏi, muốn gợi chuyện nhưng không biết nói gì.

Đứa bé đỏ mặt và không trả lời. Nó tìm cách gỡ tay ra. Ông bác vừa buông ra, nó liền đưa mắt dò hỏi bố và chạy đi, như con chim được thả tự do. Một năm đã trôi qua từ khi Xerioja gặp mẹ lần cuối. Từ đó, nó không bao giờ nghe nói đến mẹ nữa. Rồi nó đi học, làm quen với những đứa bé cùng lứa tuổi, thân với chúng. Những mơ ước và kỉ niệm khiến nó lâm bệnh sau lần mẹ đến thăm, không còn ám ảnh nó nữa. Khi những mơ ước và kỉ niệm đó trở lại, nó thận trọng xua đi, coi là đáng xấu hổ, chỉ xứng với bọn con gái chứ không hơp với một thiếu sinh. Nó biết một sự xung đột đã chia rẽ bố mẹ, nó phải ở lại với bố và cố làm quen với ý nghĩ đó.

Nó thấy khổ tâm phải gặp lại ông bác rất giống mẹ, vì việc đó lại đánh thức dậy trong lòng nó những kỉ niệm mà nó cho là đáng xấu hổ. Càng khổ tâm hơn vì, qua vài câu lọt vào tai khi đứng chờ ở cửa buồng giấy và nhất là qua vẻ mặt bố và bác, nó chắc hai người đã nói đến mẹ nó. Và để khỏi phải chê trách ông bố mà nó phải chung sống và chịu phụ thuộc, và nhất là khỏi nhượng bộ thói đa cảm mà nó cho là mất thể diện, Xerioja cố tránh nhìn cái ông bác đã đến phá rối sự yên tĩnh của mình, tránh nghĩ đến những cái ông gợi lại trong trí nhớ. Nhưng khi Xtepan Arcaditr từ biệt ông em rể, gặp nó ở cầu thang và hỏi nó thường chơi gì trong giờ nghỉ, bấy giờ, ở xa bố, Xerioja tỏ ra lém lỉnh hơn.

– Lúc ấy, chúng cháu chơi tàu hoả, – nó nói với bác. – Như thế này, bác hiểu không: hai đứa ngồi trên chiếc ghế dài. Đó là hành khách. Một đứa đứng lên đó và tất cả bám vào. Chúng cháu kéo qua các phòng bằng tay hoặc bằng thắt lưng. Chúng cháu mở tất cả cửa từ trước, nhưng làm lái tàu khó lắm!

– Người đứng ấy à? – Xtepan Arcaditr mỉm cười hỏi.

– Vâng, phải can đảm và khéo léo, nhất là khi có đứa khác bất thình lình dừng lại hay có đứa ngã.

– Ừ, không phải chuyện bỡn, – Xtepan Arcaditr vừa nói vừa buồn bã nhìn đôi mắt linh lợi giống hệt mắt mẹ và đã mất một phần vẻ ngây thơ con trẻ. Và mặc dầu đã hứa với Alecxei Alecxandrovitr là không nhắc đến Anna, ông vẫn không nén được.

– Cháu có nhớ mẹ cháu không? – ông đột nhiên hỏi.

– Không, – Xerioja vội trả lời. Mặt nó đỏ tía lên và mắt cụp xuống.

Và lần này, ông bác không moi được điều gì nữa.

Nửa giờ sau, khi ông gia sư người Xerbi gặp cậu học trò ở cầu thang, ông không hiểu nó khóc hay dỗi.

– Chắc chú ngã đau phải không? – ông hỏi. – Tôi đã bảo đó là một trò chơi nguy hiểm mà. Tôi phải nói với ông hiệu trưởng mới được.

– Nếu em tự làm mình đau thì đừng hòng ai nhận thấy được, thật đấy.

– Vậy chú làm sao thế?

– Để mặc em… Mình nhớ hay không nhớ thì việc gì đến bác ấy? Tại sao mình lại phải nhớ? Mặc xác tôi! – nó nhắc lại, lần này như nói với tất cả thế gian.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.