Anna Karenina (Tập 2)

Phần 7 – Chương 09



25

Cảm thấy đã hoàn toàn làm lành với nhau, ngay sáng hôm sau, Anna bèn đi thu xếp hành lí. Mặc dầu hai người chưa quyết định ra đi vào ngày thứ hai hay thứ ba, vì hai bên đều nhân nhượng nhau, Anna vẫn ráo riết chuẩn bị khởi hành, hoàn toàn không bận tâm tới thời hạn rời Moxcva sớm hay muộn. Nàng ở trong phòng và đang lôi quần áo ở hòm ra thì Vronxki bước vào, quần áo chỉnh tề sớm hơn thường lệ.

– Anh lại đằng mẹ ngay bây giờ, mẹ sẽ nhờ Egor chuyển tiền cho anh. Thế là mai anh sẵn sàng đi được rồi, – chàng nói.

Tuy đang vui vẻ, nhưng nghe Vronxki nhắc lại chuyện đến nhà mẹ, Anna vẫn thấy đau nhói như kim châm.

– Không, em chưa chuẩn bị kịp đâu, – nàng nói ngay và thầm nghĩ: “Thì ra chàng vẫn có thể thu xếp được để làm theo ý mình”. Anh cứ làm như anh đã định trước. Anh vào phòng ăn đi, em loại bỏ những đồ lề vô dụng này xong sẽ sang với anh ngay, – nàng vừa nói, vừa chất quần áo lên hai cánh tay đã đầy tú ụ của Annuska.

Vronxki đang ăn bít tết thì nàng bước vào.

– Anh không thể tưởng tượng em chán ghét cái phòng này đến mức nào, – nàng vừa nói vừa ngồi xuống cạnh chàng để uống cà phê. – Không gì gớm ghiếc hơn loại buồng bày biện sẵn này. Nó không có màu vẻ gì, không có hồn. Những cái đồng hồ treo này, những tấm rèm cửa này và nhất là những tấm thảm này quả là một cơn ác mộng thực sự. Em nghĩ đến Vozdvijenxcoie như nghĩ đến Đất Thánh vậy. Anh chưa gửi ngựa đi à?

– Không, sẽ cho chúng về theo ta sau. Em có định ra phố không?

– Em muốn lại đằng Uynxơn mang cho bà ta cái áo dài. Thế nào anh, quyết định rồi chứ, mai ta đi nhé? – nàng vui vẻ nói. Nhưng đột nhiên mặt nàng biến sắc. Người hầu phòng của Vronxki vào hỏi chủ cái biên lai một bức điện tín từ Peterburg gửi tới. Điều đó không có gì đặc biệt, nhưng Vronxki như muốn giấu, bèn nói là để ở phòng làm việc, rồi vội quay về phía Anna:

– Mọi việc đến mai chắc xong cả thôi.

– Điện tín của ai gửi đến thế? – nàng hỏi, không nghe chàng nói.

– Của Xtiva, – chàng miễn cưỡng đáp.

– Tại sao anh không đưa cho em xem? Giữa anh Xtvia với em có gì là bí mật kia chứ? – Vronxki gọi hầu phòng lại và sai đem bức điện đến.

– Anh không muốn đưa em xem vì Xtiva vẫn có tật thích đánh điện tín. Mọi việc chưa có gì dứt khoát thì đánh điện tín làm gì?

– Về vấn đề li dị à?

– Ừ, anh ấy cho biết vẫn chưa thu được kết quả gì. Hôm nọ, anh ấy hứa sẽ trả lời anh dứt khoát. Đây em xem.

Anna đưa tay run run cầm lấy đọc, bức điện viết đúng như lời Vronxki nói. Cuối bức điện, Oblonxki viết thêm: “Hi vọng ít thôi, nhưng tôi gắng làm hết sức mình và làm bằng được.”

– Hôm qua, em đã nói với anh việc li dị này đối với em hoàn toàn không quan trọng, – nàng đỏ mặt nói, – cho nên anh không cần phải giấu em làm gì. – “Hẳn là việc giao dịch thư từ với phụ nữ, chàng cũng giấu mình như thế này đây”, nàng nghĩ.

– Nhân tiện xin báo là Yasvin định sáng nay cùng Voitov tới đây, – Vronxki nói. – Hình như cậu ta đã được Piepxov tới gần sáu mươi ngàn rúp; nhiều đến nỗi anh chàng kia không trả nổi.

– Không, tại sao anh lại nghĩ rằng tin này làm em bận tâm đến nỗi phải giấu em, – nàng nói tiếp, khó chịu vì thấy chàng lái sang chuyện khác, chứng tỏ chàng biết nàng đang bực. – Em đã nói là em không muốn nghĩ đến điều đó nữa và mong anh cũng nên bớt quan tâm đến nó như em.

– Sở dĩ anh quan tâm, vì anh thích mọi chuyện ngã ngũ đâu ra đấy, – chàng nói.

– Ngã ngũ hay không là ở tình yêu chứ đâu phải ở hình thức, – nàng nói, càng bực hơn, không phải vì lời chàng nói, mà vì giọng tự tin lạnh lùng trong lời nói đó. – Tại sao anh lại mong li dị?

“Lạy Chúa tôi! Lại nói đến tình yêu rồi!”, chàng cau mày nghĩ thầm.

– Em biết cả rồi đấy: đó là vì em và vì con cái sau này của chúng ta, – chàng nói.

– Chúng ta sẽ không có con nữa.

– Thế thì rất đáng tiếc! – chàng nói.

– Anh chỉ nghĩ đến con cái, mà không nghĩ gì đến em cả, – nàng nói; nàng quên khuấy (và cũng không nghe thấy nữa) là chàng vừa nói: “vì em và vì con cái”.

Vấn đề con cái từ lâu vẫn là chuyện bất đồng ý kiến giữa hai người. Nàng cho việc Vronxki thích có con chứng tỏ chàng hững hờ với sắc đẹp của nàng.

– Có chứ, anh vừa nói: vì em. Trước hết là vì em, – chàng nhắc lại và nhăn mặt như đau đớn thể xác, – anh vẫn đinh ninh rằng sở dĩ em hay cáu kỉnh, phần lớn là do hoàn cảnh em hiện còn mập mờ. “Thế là đúng rồi: anh ta không cần vờ vĩnh nữa, mà lộ rõ tất cả lòng căm ghét đối với mình”, nàng thầm nghĩ, không nghe chàng nói mà chỉ kinh sợ ngắm vị quan tòa lạnh lùng, độc ác đang nhìn giễu mình qua cặp mắt Vronxki.

– Không, lí do không phải thế, – nàng nói. – Em hay… cáu kỉnh, như anh nói, là do em đã hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lực của anh. Vậy thì trái lại, hoàn cảnh em đã dứt khoát rồi.

– Anh rất tiếc là em không chịu hiểu ra, – chàng ngắt lời nàng và khăng khăng phát biểu ý kiến mình đến cùng: – cái mập mờ chính là chỗ em cứ tưởng anh được tự do.

– Về mặt này, anh có thể hàon toàn yên tâm, nàng nói, quay mặt đi, bắt đầu uống cà phê.

Nàng nhấc tách lên, ngón tay út choãi ra, và đưa lên môi. Uống được vài ngụm, nàng ngước mắt nhìn, và qua vẻ mặt chàng, nàng hiểu rõ cả từ bàn tay, cử chỉ của mình cho đến tiếng nuốt ừng ực đều làm chàng ghê tởm.

– Mẹ anh muốn nghĩ thế nào và muốn cưới ai cho anh, em cũng chẳng cần, – nàng nói và bàn tay run run đặt tách xuống.

– Chúng ta có nói chuyện ấy đâu.

– Có chứ, đó chính là chuyện ta đang bàn. Anh nên nhớ, đối với em, một người phụ nữ không có trái tim, dù già hay trẻ, dù là mẹ anh hay ai, cũng không nghĩa lí gì hết và em không cần đếm xỉa tới.

– Anna, anh yêu cầu em không được nói tới mẹ anh một cách vô lễ như vậy.

– Một người phụ nữ không đoán ra hạnh phúc của con trai mình ở đâu, là người không có tim.

– Anh nhắc lại anh không muốn nghe những lời vô lễ về người mẹ mà anh hằng kính trọng, – chàng to tiếng và nghiêm khắc nhìn nàng.

Nàng không trả lời. Nàng soi mói nhìn vào mặt chàng, tay chàng và nhớ lại mọi chi tiết cuộc dàn hòa hôm trước cùng những vuốt ve say đắm của chàng. “Chàng vung phí và sẽ còn vung phí những ve vuốt ấy với những phụ nữ khác!”, nàng thầm nghĩ.

– Anh không yêu mẹ anh. Đó chỉ là lời nói suông và bao giờ cũng chỉ là nói suông thôi, – nàng nói và hằn học nhìn chàng.

– Nếu đã đến nước này, thì phải…

– Phải quyết định thôi, và em đã có quyết định riêng rồi, – nàng nói, toan bước ra, thì vừa lúc đó, Yasvin đi vào. Anna dừng lại chào anh ta.

Tại sao, đang khi bão táp dấy lên trong tâm hồn, đang khi cảm thấy đời mình đến một bước ngoặt có thể dẫn tới những hậu quả ghê gớm, tại sao lúc này nàng lại phải giấu giếm trước một người lạ mặt mà sớm, muộn anh ta cũng sẽ biết rõ tất cả sự thật? Nàng cũng không hiểu nữa nhưng lòng đột nhiên trở lại thanh thản, nàng ngồi xuống nói chuyện với khách.

– Thế nào, công việc của anh ra sao? Anh đã nhận được tiền chưa? – nàng hỏi Yasvin.

– Hình như tôi chưa nhận được hết và thứ tư này tôi phải đi rồi. Còn chị, bao giờ chị lên đường? – Yasvin nói, thỉnh thoảng lại nháy mắt nhìn Vronxki. Rõ ràng anh ta đã đoán ra mình đến giữa lúc xảy ra cãi cọ.

– Có lẽ ngày kia, – Vronxki nói.

– Với lại, anh chị nghĩ đến chuyện đi từ lâu rồi kia mà.

– Bây giờ thì quyết định dứt khoát, – Anna vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Vronxki, như muốn bảo chàng đừng hòng nghĩ tới chuyện dàn hòa được nữa. – Anh có thương hại anh chàng Pievxov xấu số ấy không? – nàng nói với Yasvin.

– Tôi không bao giờ tự đặt ra câu hỏi ấy, chị Anna Arcadievna ạ. Tất cả gia sản của tôi là ở đây, giờ thì tôi giàu, – anh ta vừa nói vừa chỉ vào túi; – nhưng tối nay, đến câu lạc bộ, có khi trở ra lại không còn một đồng xu. Đối thủ của tôi chỉ ao ước lột cả đến áo sơ mi của tôi, và tôi cũng thế. Chúng tôi đấu nhau và thú vui là ở đấy.

– Nhưng ngộ anh lấy vợ, thì vợ anh sẽ nghĩ thế nào? – Yasvin bật cười.

– Chính vì vậy mà tôi sẽ không bao giờ lấy vợ và chưa hề có ý định ấy.

– Thế còn Henxingfor? – Vronxki bắt chuyện và liếc nhìn Anna đang mỉm cười. Khi mắt họ gặp nhau, mặt Anna bỗng lạnh lùng và kiêu kì như muốn nói: “Tôi không quên đâu. Chưa có gì thay đổi cả”.

– Vậy ra anh chưa yêu ai bao giờ? – nàng hỏi Yasvin.

– Ôi! Lạy Chúa tôi! Đã bao nhiêu lần rồi! Nhưng chị nên hiểu cho: một số người có thể ngồi vào chiếu bạc và đứng dậy kịp thời để khỏi lỡ cuộc hẹn hò. Tôi ấy à, nếu tôi có dành thời gian cho ái tình, thì là với điều kiện không đến chiếu bạc chậm giờ. Xưa nay tôi vẫn cứ thu xếp cho được như vậy.

– Không, tôi không muốn nói thế, tôi muốn nói tình yêu chân chính kia, – nàng muốn hỏi anh ta về Henxingfor, nhưng không chịu nhắc lại câu Vronxki đã nói.

Voitov tới, anh ta đến mua ngựa; Anna bèn đứng dậy và ra khỏi phòng.

Trước khi đi, Vronxki ghé qua phòng nàng. Nàng định làm như đang tìm một vật gì trên bàn, nhưng lại hổ thẹn vì phải giả vờ, nên lạnh lùng nhìn thẳng vào mặt chàng.

– Anh cần gì? – nàng hỏi bằng tiếng Pháp.

– Anh tìm giấy chứng chỉ về gốc gác con Gămbetta vừa bán, – chàng nói bằng một giọng còn rõ nghĩa hơn cả lời: “Tôi không có thời giờ để phân trần và cái đó cũng không ích lợi gì”. “Mình không làm gì đáng trách, chàng nghĩ. Nếu cô ta muốn tự trừng phạt thì mặc kệ cô ta. Thế nhưng, khi bước ra, chàng tưởng như nàng vừa nói gì và bỗng nhiên lòng chàng se lại thương cảm.

– Có chuyện gì vậy, Anna? – chàng hỏi.

– Không có gì hết, – nàng bình thản trả lời. “Thôi được, mặc kệ”, chàng nghĩ bụng, trở lại lạnh lùng. Chàng quay gót đi ra. Khi bước ra, chàng thoáng thấy mặt Anna trong gương: nàng tái đi và môi run lên. Chàng muốn đứng lại an ủi nàng một câu nhưng đôi chân đã đưa chàng ra khỏi phòng, trước lúc tìm ra được câu cần nói. Cả ngày hôm đó, chàng vắng nhà và đêm khuya trở về thì chị hầu phòng cho biết Anna Arcadievna nhức đầu và yêu cầu đừng ai quấy rầy.

26

Chưa bao giờ vì một cuộc cãi lộn mà họ dỗi nhau đến trọn một ngày. Đây là lần đầu tiên. Và còn nghiêm trọng hơn cả cãi nhau nữa. Đây là lời thú nhận hiển nhiên về một sự hờ hững hoàn toàn. Có thể nào lại nhìn nhau như chàng đã nhìn nàng khi vào phòng tìm tờ giấy nọ? Có thể nào lại nhìn nàng, thấy trái tim nàng tan nát vì thất vọng và đi qua với bộ mặt bình thản và dửng dưng ấy? Không những chàng hờ hững mà còn căm ghét nàng, – chàng đã yêu người khác, điều đó thật rõ ràng. Nhớ lại những lời tồi tệ chàng thốt ra, Anna còn tưởng tượng thêm những lời mà rõ ràng chàng định nói nhưng chưa thốt ra và sự giận dữ của nàng mỗi lúc một tăng. “Tôi không giữ cô đâu, chàng có thể nói như vậy. Cô đi đâu tùy ý. Hẳn cô không chịu li dị là để trở lại với chồng. Nếu cô cần tiền thì tôi sẽ cho. Cô cần bao nhiêu?”. Nàng cứ tưởng tượng chàng đang nói tất cả lời lẽ có thể thốt ra từ miệng một người đàn ông thô bỉ, và không thể tha thứ cho những lời đó y như chàng đã nói ra thật sự vậy. “Nhưng mới hôm qua, chàng còn thề là yêu mình cơ mà, và chàng xưa nay vốn là người thẳng thắn và trung thực. Mình đã chẳng thất vọng vô nghĩa lí bao nhiêu lần đó sao?”, sau đó nàng lại tự nhủ như vậy. Trừ cuộc đến thăm bà Uynxơn mất hai tiếng đồng hồ, cả ngày Anna cứ tự hỏi thế đã là hết hẳn chưa hay còn hi vọng dàn hòa, có cần phải ra đi ngay hay nên gặp lại chàng lần nữa. Nàng đợi chàng đến tận chiều; khi vào phòng riêng, nàng dặn người nhà nói lại với chàng mình nhức đầu. “Nếu chàng cứ vào, tức là chàng còn yêu mình, nàng thầm nghĩ. Nếu không thì có nghĩa là hết cả rồi, và mình sẽ biết phải làm nốt những gì!” Đến đêm, nàng nghe thấy tiếng xe chàng dừng bánh, tiếng chuông, tiếng chân bước và tiếng chàng nói với cô hầu phòng. Chàng tin ngay lời người nhà, không tìm hiểu thêm gì nữa và về phòng riêng. Thế là hết cả rồi. Và cái chết hiện ra lồ lộ như phương tiện duy nhất để làm sống lại trong Vronxki tình yêu đối với nàng, để trừng phạt chàng và để giành phần thắng trong trận giao tranh với chàng, do thần ác nhập vào nàng gây ra. Giờ đây, nàng dửng dưng với mọi thứ; đi hay không đi Vozdvijenxcoie, được hay không được li dị với chồng, mọi chuyện ấy từ nay đều vô ích. Nàng chỉ còn theo đuổi một mục đích duy nhất: trừng phạt chàng. Khi rót liều thuốc phiện như thường lệ, nàng nghĩ chỉ cần uống hết cả lọ là có thể chết được và thấy điều đó giản dị, dễ dàng đến nỗi nàng bỗng thích thú mường tượng thấy chàng vô cùng đau khổ, hối hận và thương nhớ hình bóng nàng khi sự thể đã quá muộn. Nàng nằm thẳng trên giường, mắt mở trừng trừng, ngắm mãi trong ánh sáng lờ mờ của ngọn nến sắp tàn những đường cong của gờ tường trên trần nhà bị bóng tấm bình phong làm tối sầm một góc, rồi nàng hình dung ra rõ ràng những điều chàng cảm thấy khi nàng đã chết và chỉ còn là kỉ niệm. “Làm sao mình lại nỡ nói với nàng những lời độc ác đến thế? Chàng sẽ nhắc lại thế. Làm sao mình lại nỡ bước ra khỏi phòng mà chẳng nói gì với nàng? Giờ đây, nàng không còn nữa. Nàng bỏ ta mãi mãi mà đi. Nàng ở phía bên kia…” Đột nhiên, bóng tấm bình phong rung rinh, lấn hết cả gờ tường, cả trần nhà; rồi những bóng khác ở phía kia ùa đến nhập vào: lát sau, chúng trở lui rồi lại xô về phía trước mỗi lúc một nhanh thêm, tan ra thành những làn sóng run rẩy, và căn phòng chìm trong bóng tối. “Chết!” – nàng thầm nghĩ. Rồi nàng hoảng sợ đến nỗi hồi lâu không hiểu nổi mình đang ở đâu và tay nàng run đến nỗi không tìm ra được bao diêm để thắp cây nến khác thay cho cây nến vừa cháy hết. “Không, bất cứ cái gì cũng còn hơn là chết! Ta yêu chàng. Chàng yêu ta. Những chuyện như thế này trước đây đã từng xảy ra rồi. Nó sẽ qua đi”, nàng nói và cảm thấy những giọt nước mắt vui sướng chảy trên gò má. Muốn khỏi sợ, nàng bước nhanh sang phòng Vronxki. Chàng đang ngủ say. Nàng lại gần, giơ ngọn nến lên soi mặt chàng, ngắm rất lâu. Giờ đây nhìn chàng ngủ, nàng thấy yêu chàng đến nỗi không cầm được nước mắt thương cảm; nhưng nàng biết rằng nếu thức giấc, chàng sẽ nhìn nàng bằng con mắt lạnh lùng, tự cho mình là phải, và trước khi bộc lộ tình yêu, nàng phải vạch rõ chàng có lỗi. Nàng trở về phòng, không đánh thức chàng dậy và sau khi uống liều thuốc phiện thứ hai, đến gần sáng, nàng ngủ thiếp đi; suốt trong giấc ngủ nặng nề và thảng thốt ấy, không một phút nào nàng mất ý thức về mình. Sáng ra, một cơn ác mộng kinh khủng từng đến với nàng nhiều lần trước khi dan díu với Vronxki, lại hiện ra và đánh thức nàng dậy. Một lão già nhỏ bé râu ria xồm xoàm đang cúi xuống làm gì một miếng sắt, miệng làu bàu bằng tiếng Pháp những lời vô nghĩa; cũng như tất cả mọi lần, cơn ác mộng ấy trở lại, nàng cảm thấy (đây chính là điều kinh khủng nhất) lão bé nhỏ kia không hề chú ý đến mình mà cứ tiếp tục công việc ghê sợ ấy trên mình nàng. Nàng tỉnh dậy, mồ hôi lạnh toát khắp người.

Nàng ngồi dậy và nhớ lại ngày hôm trước như qua một màn sương mù.

“Chúng ta đã cãi nhau, chuyện đó xảy ra nhiều lần rồi. Mình nói bị nhức đầu và chàng không vào phòng mình. Ngày mai chúng ta lên đường; mình gặp chàng và chuẩn bị đồ lề”, nàng nghĩ thầm. Và, biết chàng đang ở phòng làm việc, nàng bèn tới đó. Qua phòng khách, nàng nghe tiếng xe đỗ lại trước cửa, và nhìn qua cửa sổ, thấy một cỗ xe ngựa; ở cửa xe, một thiếu nữ đội mũ màu hoa cà đang cúi xuống sai bảo tên hầu. Có tiếng nói chuyện trong phòng chờ rồi tiếng người lên gác và Anna nghe thấy tiếng chân Vronxki chạy vội xuống cầu thang. Chàng bước ra thềm, đầu trần, và lại gần xe ngựa.

Thiếu nữ đội mũ hoa cà đưa cho chàng một cái gói, Vronxki mỉm cười nói với cô một câu gì đó. Xe đi, chàng hấp tấp lên cầu thang.

Đám sương mù bao phủ tâm hồn Anna bỗng tan đi. Những cảm giác ngày hôm trước lại càng vò xé trái tim nàng đau đớn hơn. Nàng không hiểu nổi làm sao mình có thể hạ mình đến mức chịu sống dưới cùng một mái nhà với Vronxki cả một ngày trời được. Nàng vào phòng làm việc của chàng để nói rõ quyết định của mình.

– Quận chúa Xorokina và con gái bà vừa tạt qua đưa cho anh số tiền và giấy tờ của mẹ. Hôm qua, anh chưa lấy được những thứ đó. Còn em thế nào, bớt nhức đầu chưa? – chàng bình tĩnh nói, không muốn nhận ra hoặc hiểu đến vẻ bi thảm và trang trọng trên mặt nàng. Nàng nhìn chàng chằm chằm, không nói năng, cứ đứng sững giữa phòng. Chàng liếc nhìn nàng, cau mày một lúc và đọc tiếp thư. Nàng quay đi và chậm rãi bước ra cửa. Kể ra chàng vẫn có thể gọi lại, nhưng nàng sắp ra khỏi mà chàng vẫn tiếp tục lặng im: chỉ nghe tiếng chàng lật trang giấy.

– À, như thế là ngày mai chúng ta lên đường, quyết định chắc chắn rồi chứ? – chàng nói khi nàng sắp bước qua ngưỡng cửa.

– Ai đi, chứ tôi không đi, – nàng quay lại nói.

– Anna, thật không thể sống như thế này được…

– Anh đi, chứ tôi không đi, – nàng nhắc lại.

– Thế này thì không sao chịu nổi!

– Anh… anh sẽ phải hối hận về việc này! – nàng nói và bước ra hẳn. Hoảng sợ vì vẻ tuyệt vọng bộc lộ qua những lời đó, chàng vụt đứng dậy, định chạy theo, nhưng lại đổi ý kiến, ngồi xuống và cau mày, quai hàm bóp lại. Lời dọa nạt mà chàng cho là vô lối đó càng khiến chàng khó chịu. “Mình đã thử hết cách rồi, chỉ còn cách không để ý tới nữa”, chàng thầm nghĩ, và sửa soạn đi. Chàng phải lên phố rồi tạt qua nhà mẹ để bà kí giấy ủy nhiệm lĩnh tiền. Nàng nghe thấy tiếng chân chàng trong phòng làm việc và phòng ăn. Đến phòng khách, chàng dừng lại. Nhưng chàng không quay vào tìm nàng, chỉ sai người nhà chuyển ngựa cho Voitov trong lúc chàng đi vắng. Rồi nàng nghe thấy tiếng xe ngựa đi ra và tiếng mở cửa. Chàng bước ra rồi lại trở vào phòng chờ, và có ai chạy hộc tốc lên cầu thang. Đó là gã hầu phòng quay lên lấy đôi găng tay chàng bỏ quên. Nàng chạy ra cửa sổ. Chàng cầm lấy găng và vỗ vào lưng xà ích, nói câu gì với hắn. Rồi, cũng chả buồn ngước mắt nhìn lên cửa sổ, chàng ngồi tụt vào trong xe ngựa với cái dáng quen thuộc, chân bắt tréo, và khuất vào góc phố trong khi xỏ tay vào găng…

27

“Chàng đi rồi! Thế là hết!”, đứng bên cửa sổ Anna tự nhủ; và như để đáp lại câu hỏi đó, nỗi lo sợ đêm qua khi nến tắt cùng sự khủng khiếp của cơn ác mộng bỗng hòa làm một khiến tim nàng lạnh toát khiếp đảm.

– Không, không thể được! – nàng kêu lên và chạy qua phòng, quả quyết giật chuông. Nàng sợ đứng một mình đến nỗi không kịp đợi đầy tớ đến, đã chạy đi gặp hắn.

– Anh hỏi xem bá tước đi đâu, – nàng nói. Hắn trả lời – bá tước xuống chuồng nuôi ngựa.

– Ông dặn tôi thưa lại, nếu bà muốn ra phố thì xe ngựa sắp quay về ngay đấy ạ.

– Được, anh đợi đấy. Để tôi viết vài chữ. Anh đưa Mikhain mang tới chuồng ngựa. Nhanh chừng nào hay chừng nấy.

Nàng ngồi xuống viết. “Em có lỗi. Anh về ngay, chúng ta cần phân giải với nhau. Vì lòng kính Chúa, anh hãy quay về, em sợ lắm.”

Nàng dán thư và đưa cho đầy tớ. Sợ phải ngồi một mình, nàng bèn sang phòng trẻ khi gã hầu phòng đi rồi.

“Làm sao thế này, không phải nó rồi, mình không nhận ra nó nữa ư? Cặp mắt xanh, nụ cười rụt rè đáng yêu của nó đâu?”. Đó là ý nghĩ đầu tiên khi nàng trông thấy một con bé hồng hào, bụ bẫm với những búp tóc đen, thay vì Xerioja mà trong lúc tâm thần hoảng loạn, nàng đinh ninh sẽ gặp trong phòng trẻ. Em bé ngồi trước bàn đang cầm một cái nút chai, vừa bướng bỉnh đập lên mặt bàn, vừa đưa cặp mắt đen nháy, ngơ ngác nhìn mẹ. Sau khi trả lời chị vú nuôi người Anh là mình vẫn khỏe và ngày mai sẽ về nông thôn, Anna ngồi xuống cạnh con gái và búng cho cái nút chai quay tít trước mặt nó. Nhưng tiếng cười giòn tan và cái nhíu mày của đứa bé giống Vronxki lạ lùng, đến nỗi nàng vội đứng ngay dậy và chạy trốn, cố nén cho khỏi bật khóc. “Có thật là hết cả rồi không? Không, không thể được, nàng nghĩ thầm. Chàng sẽ về. Nhưng chàng sẽ cắt nghĩa với mình thế nào đây về nụ cười, vẻ hoạt bát của chàng sau khi nói chuyện với cô ta? Dù chàng không cắt nghĩa đi nữa, mình vẫn tin chàng như thường. Nếu không, mình chỉ còn một cách giải quyết… Mà mình thì không muốn thế!”. Nàng nhìn lên đồng hồ treo. Mười hai phút đã trôi qua. “Giờ đây, chàng đã nhận được thư của mình, chàng sắp quay về. Năm phút nữa, chàng sẽ ở đây, không lâu đâu… Ngộ nhỡ chàng không về thì sao? Không, không thể như thế được. Không nên để chàng nhìn thấy cặp mắt mình đỏ. Mình đi rửa mặt đây. Mình chải đầu chưa nhỉ?”, nàng tự hỏi. Nàng không nhớ ra được nữa. Nàng đưa tay lên sờ đầu. “Ừ, mình chải đầu rồi, nhưng chải lúc nào, mình hoàn toàn không nhớ nữa”. Thậm chí nàng không tin cả tay mình và ra đứng trước gương xem có đúng là mình đã chải đầu rồi không. Nàng đã chải đầu và không nhớ chải lúc nào. “Ai thế kia? Nàng tự hỏi khi trông thấy trong gương một khuôn mặt đỏ ửng với đôi mắt long lanh một cách kì lạ đang nhìn nàng đầy vẻ hốt hoảng. À ra mình”, nàng chợt hiểu và sau khi ngắm kĩ mình từ đầu đến chân, nàng bỗng như cảm thấy trên người mình những cái hôn của Vronxki và rùng mình. Rồi nàng đưa một tay lên môi hôn.

“Mình điên rồi hay sao thế này?”, và nàng sang phòng ngủ, ở đó Annuska đang thu xếp đồ đạc.

– Annuska! – nàng đứng sững trước mặt cô hầu phòng và nhìn cô ta, không biết nói gì nữa.

– Bữa trước cô định đi thăm bà Daria Alecxandrovna cơ mà? – cô hầu như hiểu nàng, nhắc vậy.

– À phải, đúng thế. Tôi sẽ đến đó.

“Mười lăm phút đi, mười lăm phút về. Chàng đang trên đường về, chàng sắp tới đây bây giờ. Nàng rút đồng hồ ra xem giờ. Nhưng làm sao chàng có thể đi như vậy và bỏ mặc mình trong tình cảnh này? Làm thế nào chàng có thể sống mà không dàn hòa với mình?”. Nàng lại gần cửa sổ và nhìn ra phố. Đáng lẽ chàng phải về rồi. Có lẽ nàng nhầm chăng? Nàng bèn tính lại từng phút từ lúc chàng ra đi. Giữa lúc nàng so lại giờ với đồng hồ treo lớn, thì xe đến đỗ ngoài cửa. Nàng nhìn qua cửa sổ và nhận ra chiếc xe của Vronxki. Nhưng không thấy ai lên cầu thang và có tiếng người nói ở dưới. Đó là gã đày tớ nàng vừa sai đi, đã ngồi xe trở về. Nàng bèn ra gặp.

– Cháu không tìm thấy bá tước… Bá tước đi ra ga Nijni Novgorot rồi.

– Cái gì đây? Thế là… – nàng hỏi Mikhain, một gã trai trẻ tươi vui, má đỏ hồng, khi gã đưa trả lại nàng bức thư. “À, ừ nhỉ, chàng chưa nhận được thư”, nàng nhớ ra.

– Anh cầm thư này đến ngay làng của bá tước phu nhânVronxkaia, biết không? Và lấy ngay thư trả lời về đây cho tôi, – nàng nói.

“Còn mình, mình sẽ làm gì đây? Nàng nghĩ. Phải, mình đến nhà Doli, đúng thế, nếu không thì phát điên lên mất. Nhưng mình còn có cách đánh điện tín.” Nàng bèn thảo một bức điện:

“Em rất cần nói chuyện với anh, anh về ngay càng sớm càng hay.”

Sau khi gửi bức điện, nàng đi mặc quần áo. Đội mũ lên đầu rồi, nàng còn đưa mắt nhìn Annuska, cô hầu phòng điềm đạm dạo này bắt đầu béo ra. Đôi mắt nhỏ màu xám và âu yếm của cô ta lộ đầy vẻ thương xót.

– Annuska, em thân mến, ta phải làm gì đây? – Anna khóc nức nở và rũ rượi buông mình xuống ghế bành.

– Tại sao cô lại tự giày vò mình đến thế, thưa cô Anna Arcadievna? Đó là việc thường xảy ra thôi. Mời cô đi chơi, rồi sẽ nguôi đi, – cô hầu phòng nói.

– Ừ, phải, – Anna định thần lại và đứng lên. – Nếu có bức điện nào tới trong lúc tôi đi vắng, thì cho chuyển đến nhà Daria Alecxandrovna cho tôi… Hay là thôi, tôi sẽ về ngay đấy. – “Phải, không nên nghĩ ngợi, mà phải làm cái gì đây, phải đi, nhất là ra khỏi cái nhà này”, nàng thầm nhủ và sợ hãi nghe thấy tiếng đập bồn chồn của trái tim mình. Nàng vội vàng đi ra và bước lên xe.

– Thưa bà, đi đâu ạ? – Piot’r hỏi trước khi ngồi xuống ghế.

– Đến phố Znamenca, nhà ông Oblonxki.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.