Anna Karenina (Tập 2)

Phần 8 – Chương 04



12

Levin bước từng bước dài trên đường, không chỉ chú ý tới những tư tưởng còn rối như tơ vò của mình, mà chính là tập trung vào một tâm từ trạng trước từ tới nay chàng chưa hề trải qua.

Lời nói của gã mugich tác động đến chàng theo kiểu một tia điện: nó đột nhiên biến hóa và kết hợp thành một khối tất cả mớ tư tưởng rời rạc, linh tinh và bất lực vẫn không ngừng ám ảnh chàng. Khi chàng nói chuyện phát canh ruộng đất, những tư tưởng này nằm sẵn trong óc mà chàng chưa biết.

Chàng cảm thấy trong tâm hồn có một cái gì mới mẻ và vui sướng dò dẫm yếu tố mới đó, nhưng vẫn chưa biết đó là gì.

“Không sống vì những dục vọng của mình mà sống vì Chúa. Vì Chúa nào? Còn có lời nào khó lọt tai hơn câu anh ta nói nữa? Không nên sống vì những dục vọng cá nhân: nói cách khác, không nên sống vì những cái ta đã hiểu, vì những cái đang hấp dẫn ta, vì những cái ta thèm muốn mà nên sống vì một cái gì đó không hiểu nổi, vì một đức Chúa không ai quan niệm và xác định được. Vậy mà sao? Mình đã chẳng hiểu được lời nói khó nghe của Fedor đấy sao? Mình có nghi ngờ sự xác đáng của lời nói đó không? Mình có thấy lời nói đó là ngu xuẩn, mơ hồ, sai trái không? “Không, mình hiểu lời nói đó, đúng như anh ta đã hiểu, mình hoàn toàn hiểu và còn hiểu rõ hơn bất cứ điều gì khác: mình chưa từng bao giờ nghi ngờ những lời đó. Và mình không phải là trường hợp duy nhất: đó là điều duy nhất mỗi người đều hoàn toàn hiểu rõ, điều duy nhất không ai nghi ngờ bao giờ. “Fedor nói Kirilov sống vì cái bụng anh ta. Thật dễ hiểu và hợp lí. Là con người có lí trí, ta không thể sống cho cái gì khác ngoài cái bụng. Thế mà ngay sau đó, cũng lại anh chàng Fedor đó nói sống vì cái bụng là không tốt, người ta phải sống vì chân lí, vì Chúa, và anh ta chỉ nói nửa lời mình đã hiểu! Cả mình lẫn hàng triệu con người sống trước đây hàng thế kỉ và hiện đang sống, những nông dân, những kẻ nghèo nàn về trí tuệ cũng như những nhà hiền triết từng suy nghĩ và viết sách để nhắc lại cùng một sự việc bằng cái ngôn ngữ tối mò của họ, tất cả chúng ta đều đồng ý về điểm đó và chỉ về điểm đó thôi: về mục đích cuộc sống và điều thiện. Mình chỉ có chung với những người khác một nhận thức minh bạch, vững vàng, không thể nghi ngờ, và nhận thức đó không thể xác định bằng lí trí được: nó đứng ngoài lí trí, không dựa trên nguyên lí nào và cũng không thể có kết quả nào kèm theo cả. “Nếu điều thiện có một nguyên nhân nào đó, nó thôi không còn là điều thiện nữa; nếu nó có một kết quả là sự đền bồi, nó cũng không phải là điều thiện. Cho nên điều thiện đứng ngoài mọi tương quan, từ nguyên nhân đến kết quả.

“Điều đó mình đã biết và tất cả chúng ta đều biết.

“Thế mà mình lại chờ đợi những phép thần kì, mình cứ phàn nàn không được thấy những phép thần kì đủ sức thuyết phục mình! Một phép thần kì vật chất có lẽ sẽ quyến rũ ta. Và đây, phép thần kì duy nhất có thể có và hằng có; nó bao bọc khắp phía, thế mà mình không nhận ra!

“Liệu còn phép thần kì nào to lớn hơn nữa không?

“Phải chăng mình đã tìm ra lời giải đáp? Những đau khổ của mình sắp chấm dứt rồi chăng?”, Levin thầm nghĩ, chân bước trên con đường lấm cát bụi, chẳng còn biết gì là nóng nực và mệt mỏi, chìm đắm trong cái cảm giác là những đau khổ dai dẳng của mình đang dịu dần. Cảm giác đó làm lòng chàng tràn ngập một niềm vui lớn đến nỗi không dám tin là thật. Chàng bồi hồi xúc động; không đủ sức đi xa hơn nữa, chàng rẽ vào một khu rừng và ngồi xuống đám cỏ cao dưới bóng một khóm cây hoàn diệp liễu. Chàng bỏ mũ ra cho vầng trán đẫm mồ hồi thoáng mát và chống khuỷu tay nằm dài trên đám cỏ rậm ứ nhựa. “Phải, mình cần làm sáng tỏ mọi ý nghĩ, cần hiểu cho ra nhẽ”, chàng thầm nghĩ, mắt đăm đăm nhìn đám cỏ tươi, theo dõi cử động của một con bọ rầy nhỏ xanh xanh đang leo dọc một nhánh cỏ may và bị đọt lá chặn lại trong khi leo lên. “Mình đã khám phá ra điều gì? Chàng tự hỏi và gạt đọt lá chặn lối con bọ rầy rồi uốn cong một ngọn cỏ khác cho nó bò lên. Cái gì đã mang lại cho mình niềm vui sướng như thế này? Mình đã khám phá được điều gì?

“Xưa kia, mình nói trong cơ thể mình cũng như trong cơ thể cái cây này, con bọ rầy này (kìa, nó lại không muốn leo lên ngọn cỏ mình vít xuống cho, nó dang cánh và bay đi rồi), đang hoàn thành một sự giao lưu vật chất theo những định luật vật lí, hóa học và sinh lí. Và trong tất cả chúng ta, kể cả những cây hoàn diệp liễu, những đám mây và những đám tinh vân, đều diễn ra một quá trình tiến hoá. Tiến hóa xuất phát từ đâu? Để đi tới đâu? Tiến hóa không ngừng và đấu tranh… Tưởng như tiến hóa và đấu tranh có thể tiếp diễn vô cùng tận! Và mình từng ngạc nhiên là, mặc dầu trí tuệ đã cố gắng tột cùng theo hướng đó, mình vẫn không khám phá ra ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa những xung động và khát vọng của mình. Hiện giờ, mình nói đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa những xung động và khát vọng của mình. Hiện giờ, mình nói đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống: sống vì Chúa, vì linh hồn mình. Và mặc dầu ý nghĩa đó rất rõ ràng, nó vẫn bí hiểm, thần kì. Tất cả những gì tồn tại đều như vậy. “Mình chẳng phát hiện được gì hết. Mình chỉ phát hiện ra điều mình đã biết. Mình đã hiểu được sức mạnh trước đây từng cho mình cuộc sống và hiện nay vẫn còn cho mình cuộc sống. Mình đã thoát khỏi lừa lọc, mình đã nhận ra người chủ của mình”. Và chàng gợi lại một cách tóm tắt tất cả quá trình tư tưởng của mình trong hai năm qua: từ ngày ý nghĩ về cái chết nhập vào đầu khi ở cạnh người anh yêu quý mắc bệnh không thể chữa khỏi. Sau lần đầu tiên hiểu rõ, như mọi người khác, là trước mặt chỉ có đau khổ, cái chết cùng sự quên lãng vĩnh viễn, chàng đã khẳng định: không thể sống như vậy và phải, hoặc là tự giải đáp vấn đề cuộc sống sao cho nó không còn xuất hiện như sự giễu cợt cay độc của hồn ma nào đó, hoặc là tự sát quách đi. Nhưng, cả hai việc đó chàng đều không làm: chàng vẫn tiếp tục sống, suy nghĩ và cảm giác, hơn nữa, còn lấy vợ, trải qua nhiều hoan lạc và khi nào không suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống thì chàng đều sung sướng. Thế nghĩa là thế nào? Thế nghĩa là chàng sống đúng nhưng nghĩ sai. Chàng sống (một cách không tự giác) theo những chân lí tinh thần đã bú theo cùng với sữa mẹ, còn khi suy nghĩ thì không những chàng phủ nhận mà còn thận trọng lảng tránh những chân lí đó.

Hiện giờ, chàng thấy rõ sở dĩ mình sống nổi, đó chỉ là nhờ vào tín ngưỡng đã được dạy dỗ.

“Mình sẽ trở thành người thế nào và sẽ sống ra sao nếu không thấm nhuần tín ngưỡng đó, nếu không hiểu là phải sống vì Chúa, chứ không phải vì dục vọng? Hẳn mình sẽ ăn cắp, lừa dối, giết người. Mình sẽ hoàn toàn không biết đến tất cả những gì tạo nên nguồn vui chính của cuộc đời”. Và mặc dầu hết sức cố gắng tưởng tượng, chàng vẫn không hình dung nổi mình sẽ thành con-người-thú-vật như thế nào nếu không hiểu vì sao mà sống. “Mình đi tìm một câu giải đáp cho vấn đề đang bận tâm. Và sự suy nghĩ không thể đem đến lời giải đáp, vì giữa suy nghĩ và vấn đề này lại không có chung một thước đo. Chính bản thân cuộc đời đã đem lại cho mình lời giải đáp do chỗ mình hiểu thế nào là cái thiện và thế nào là cái ác. Và hiểu biết đó không phải tự mình kiếm ra, nó được ban cho mình cũng như cho tất cả những người khác, nói là được ban cho vì mình không tài nào tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào. “Thử hỏi mình có thể tìm thấy nó ở đâu? Có phải lí trí đã chứng minh cho mình thấy phải yêu thương đồng loại chứ không nên áp bức họ? Người ta đã nói cho mình biết điều đó từ thời thơ ấu, và mình vui sướng tin theo vì người ta đã diễn đạt hộ mình điều có sẵn trong tâm hồn. Nhưng ai vạch cho ta thấy rõ điều đó? Không phải lí trí. Lí trí vạch cho ta thấy cuộc cạnh tranh sinh tồn và cái quy luật đòi hỏi phải áp bức tất cả những ai cản trở sự thỏa mãn dục vọng của ta. Cái đó là suy diễn của lí trí. Lí trí không dạy ta yêu thương đồng loại vì làm thế là điên rồ.”

“Phải, đó là kiêu ngạo”, chàng thầm nhủ, quay người nằm sấp bụng xuống và thử lấy hai nhánh cỏ thắt nút lại, thận trọng không để đứt. “Không những chỉ là sự kiêu ngạo của trí tuệ mà còn là sự ngu xuẩn của trí tuệ. Và nhất là… sự dối trá của trí tuệ, không còn chữ nào khác nữa. Sự lừa lọc của trí tuệ, đúng thế”, chàng nhắc lại.

13

Và Levin nhớ tới một cảnh tượng gần đây giữa Doli và lũ con. Bọn trẻ được thả lỏng một mình đã chơi nghịch, đem bỏ phúc bồn tử vào chén, đốt nến đun lên và bơm sữa vào mồm nhau. Bà mẹ bắt được quả tang đã mắng chúng trước mặt Levin và giảng giải một thôi, nào những cái mà chúng phá hủy đó, người lớn phải tốn bao công sức mới có được, nào là vì chúng mà người ta phải vất vả, nào là đánh vỡ chén thì sẽ không có gì ăn và chết đói. Levin ngạc nhiên vì vẻ hoài nghi, buồn bực và thản nhiên của lũ trẻ khi nghe mẹ nói. Chúng chỉ bực tức vì nỗi buộc phải chấm dứt trò chơi thích thú như vậy, và không tin câu nào trong những điều Doli dạy bảo. Vì không hình dung nổi toàn bộ của cải được hưởng thụ, chúng không thể hiểu nổi những cái chúng phá hủy chính là những cái nuôi sống chúng. “Tất nhiên là thế, chúng nghĩ vậy, việc đó không có gì hay ho và quan trọng vì xưa nay vẫn thế và sau này lại cứ thế. Và bao giờ cũng vẫn là cái trò lặp đi lặp lại. Bọn ta cần làm những việc khác hơn là nghĩ về cái có sẵn: bọn ta muốn phát minh một cái gì mói mẻ và của riêng ta. Thí dụ: đổ phúc bồn tử vào chén rồi đốt nến đun lên và bơm sữa vào mồm nhau. Như thế mới thật thú vị và mới mẻ, và cũng không kém gì uống bằng chén.”

“Chúng ta đã chẳng làm giống như vậy, chính mình đã chẳng làm giống như vậy khi tìm hiểu ý nghĩa những lực lượng tự nhiên và ý nghĩa cuộc sống con người đó sao?”, Levin tiếp tục suy nghĩ. “Và những lí luận triết học dẫn dắt con người qua con đường tư tưởng kì quái hết sức phi tự nhiên đối với anh ta, để đi tới nhận thức những điều anh ta biết từ lâu và biết một cách chắc chắn đến nỗi thậm chí không có cái đó, anh ta sẽ không sống nổi, những lí luận triết học đó đã chẳng làm giống như vậy sao? Trong sự phát triển lí luận của mỗi triết gia, há chẳng rành rành là ông ta biết trước mục đích chủ yếu của cuộc sống đích xác không hơn không kém gã mugich Fedor và dùng con đường lập lờ nước đôi của trí tuệ rốt cuộc cũng chỉ để quay về điều ai nấy đều đã biết? “Thử để mặc lũ trẻ kiếm ăn lấy, làm ra bát đĩa, vắt bò sữa, v.v… liệu chúng có tiếp tục nghịch ngợm nữa không? Không, chúng sẽ chết đói. Bây giờ thử để mặc chúng ta với những dục vọng và tư tưởng của chúng ta, không có khái niệm gì về một đức Chúa duy nhất và sáng thế, hoặc không có kiến thức gì về điều thiện và điều ác tinh thần xem…

“Không có những quan niệm đó, cứ thử xây dựng bất kì cái gì xem có được không nào!

“Chúng ta chỉ biết phá huỷ, vì ta đã no nê về tinh thần. Nhất là bọn trẻ con!

“Do đâu mình có được nhận thức tốt đẹp như của người nông dân kia, mà chỉ có nó mới đem lại cho mình sự yên tĩnh về tâm hồn? Mình đã vớ được nó ở đâu vậy?” “Được giáo dưỡng theo đạo Chúa, là một tín đồ suốt đời tràn đầy của cải tinh thần do đạo Cơ đốc ban cho, no nê và sống nhờ vào những của cải đó, như một đứa trẻ vô ý thức, mình đang phá huỷ, hoặc, đúng hơn, đang tìm cách phá hủy cái mà mình nhờ vào để sống. Và chỉ trong những giờ phút nghiêm trọng của cuộc đời như những đứa trẻ khi đói rét, mình mới quay về với Người, và khác nào những đứa trẻ bị mẹ mắng vì nghịch bậy, mình mới thấy những mưu toan kiểu con cưng của mình là chẳng đáng kể gì. “Điều mình biết, không phải nhờ lí trí mà biết được. Cái đó do Chúa ban cho, vạch cho mình thấy. Mình biết điều đó là nhờ trái tim, nhờ lòng tin vào lời răn dạy chủ yếu của Giáo hội. “Giáo hội? Giáo hội!”, Levin nhắc lại, xoay mình và tì lên khuỷu tay, đăm đăm nhìn đàn gia súc đang đi xuống dòng sông đằng xa. “Liệu mình có thể tin được tất cả những điều Giáo hội răn dạy không?”, chàng thầm nghĩ để tự thẩm tra và điểm lại tất cả những gì có thể phá mất niềm thanh thản hiện nay. Chàng chủ tâm dừng lại ở những giáo lí thường làm chàng hoang mang và tức tối hơn hết. “Sự sáng thế? Nhưng mình sẽ cắt nghĩa sự sinh tồn thế nào đây? Bằng bản thân sự sinh tồn ư? Không bằng cái gì cả à?… Ma quỷ và tội lỗi? Vậy mình sẽ cắt nghĩa điều ác như thế nào?… Sự cứu thế?…

“Mình chẳng biết gì hết, chẳng biết gì hết, và chỉ biết được những điều đã được truyền đạt cho mình cũng như mọi người khác thôi.”

Giờ đây, chàng có cảm tưởng không giáo lí nào của Giáo hội có thể làm tổn thương điều chủ yếu: lòng tin ở Chúa, ở điều thiện như là mục tiêu duy nhất của con người. Mỗi giáo lí của Giáo hội đều ngụ ý rằng ta phải phục vụ chân lí hơn là phục vụ những dục vọng của mình. Và mỗi giáo lí đó không những không làm tổn hại đến quy tắc sống này mà còn góp phần thực hiện phép thần kì to lớn nhất vẫn thường xuyên hoàn thành trên trái đất: cái phép thần kì giúp cho hàng triệu con người đủ các nguồn gốc: bậc hiền triết và kẻ thiển trí, trẻ con và ông già, cho mọi người, từ gã nông dân đến Lvov, Kitti, từ kẻ hành khất đến Nga hoàng, cùng hiểu biết chân lí chung và tạo nên cuộc sống linh hồn – cái duy nhất đáng vì nó mà sống và đáng để ta coi trọng. Giờ đây chàng nằm ngửa nhìn lên bầu trời thăm thẳm và quang mây. “Mình biết rõ đó là khoảng không gian vô tận, mình vẫn hoàn toàn có lí khi chỉ thấy một vòm xanh lơ, kiên cố, có lí hơn rất nhiều so với khi gắng nhìn thấy xa hơn”. Levin bèn ngừng suy nghĩ, lắng nghe những tiếng nói thần bí trong nội tâm đang trao đổi về một điều gì vừa vui vẻ vừa pha chút ưu tư. “Đó là lòng tín ngưỡng chăng?”, chàng thầm nghĩ, không dám tin vào hạnh phúc của mình. “Lạy Chúa tôi, xin cám ơn Người!”, chàng vừa thầm thì nói, vừa nén những tiếng nức nở dâng lên chẹn ngang cổ họng và lấy hai tay lau đôi mắt đẫm lệ.

14

Levin nhìn về phía trước mặt thấy đàn gia súc ở xa, rồi đến cỗ xe thắng con Hắc mã đang đi lại. Tới gần đàn gia súc, gã xà ích nói gì với gã chăn cừu; lát sau, chàng nghe thấy không xa chỗ mình, tiếng bánh xe lăn và tiếng ngựa hí, nhưng chàng đang triền miên suy nghĩ đến nỗi không buồn tự hỏi xem gã xà ích đến tìm mình có việc gì.

Mãi tới khi gã xà ích lên tiếng gọi cách chàng có mấy bước, chàng mới như sực tỉnh.

– Bà sai tôi đến tìm ông. Ông anh ông cùng một vị khách khác vừa về tới đây. – Levin trèo lên xe và cầm dây cương. Hồi lâu, chàng vẫn chưa trấn tĩnh lại được. Chàng như vừa bừng tỉnh sau một cơn mơ. Chàng nhìn con ngựa béo tốt, cổ và ức đầy bọt mồ hôi ở chỗ dây cương cọ xát, nhìn gã xà ích Ivan ngồi cạnh và sực nhớ ra: chàng đang chờ ông anh tới và Kitti hẳn lo lắng vì chàng đi lâu quá. Chàng cố đoán xem vị khách cùng đi với ông anh là ai. Giờ đây, chàng hình dung anh trai cũng như vợ và cả vị khách chưa biết tên kia khác hẳn trước. Chàng có cảm tưởng từ nay về sau những quan hệ của chàng với mọi người cũng sẽ thay đổi rất nhiều. “Giờ đây, khoảng cách thường ngăn chia mình với ông anh sẽ biến mất. Chúng ta sẽ không tranh luận nữa; mình sẽ không cãi cọ với Kitti, cả với vị khách bất kể ông ta là ai: mình sẽ niềm nở và tốt với đầy tớ, trước hết với gã Ivan này… Tất cả sẽ thay đổi”. Levin vừa ghìm cương con tuấn mã thở phì phì đang nôn nóng muốn phi nhanh, vừa quay lại nhìn Ivan ngồi cạnh mình; anh ta không biết dùng đôi bàn tay rỗi rãi vào việc gì, bèn ghì chặt vào người chiếc áo ngoài căng gió. Levin tìm cớ để gợi chuyện. Chàng định bảo là anh ta buộc dây đai đỡ càng xe chặt quá, nhưng câu đó giống như một lời trách mắng, nên chàng tìm một đầu đề khác thân mật hơn. Chàng không nghĩ ra được điều gì.

– Ông nên đi tránh sang phải, có cái gốc cây kia kìa, – gã xà ích nói và kéo gò một bên cương để chỉnh hướng xe chạy.

– Anh cứ mặc tôi nào, đừng có dạy khôn, – Levin nói, rất khó chịu thấy gã xà ích nhúng tay vào. Chàng lại cảm thấy bực dọc y như trước kia khi người ta dây vào việc của mình. Chàng lập tức buồn rầu nhận ra mình đã lầm to khi dự đoán rằng tâm thế mới sẽ làm thay đổi tức khắc các phản ứng trước thực tại.

Còn cách nhà chừng một phần tư dặm, Levin thấy Grisa và Tania chạy lại đón.

– Chú Coxtia ơi! Mẹ cháu cùng ông và bác Xergei Ivanovitr với một ông khách nữa, đang đến đấy, – chúng nói và trèo lên xe.

– Ông đó là ai?

– Ông ấy khiếp lắm! Ông ấy cứ vung tay như thế này này, – Tania vừa trèo vào xe, vừa làm điệu bắt chước Catavaxov.

– Ông ấy già hay trẻ? – Levin hỏi, bật cười khi thấy điệu bộ Tania làm chàng nhớ tới một người nào đó. “Miễn là không phải một người khó chịu”, chàng thầm nghĩ. Khi rẽ ở chỗ ngoặt và trông thấy đám người đang đi ngược lại,

Levin nhận ra Catavaxov, đầu đội mũ rơm. Ông ta bước đi, hai cánh tay vung vẩy hệt như cách Tania đã mách.

Catavaxov rất thích nói chuyện triết học. Ông nhìn nhận triết học theo con mắt nhà tự nhiên học, nghĩa là theo con mắt một người chưa bao giờ bận tâm về triết học và hồi gần đây, khi ở Moxcva, Levin đã tranh luận nhiều với ông ta.

Điều đầu tiên chàng nhớ tới khi nhận ra ông bạn là một cuộc nói chuyện trong đó rõ ràng Catavaxov cho là mình thắng.

“Thôi được, mình sẽ không nông nổi phát biểu ý kiến bạt mạng nữa”, Levin tự nhủ. Sau khi xuống xe chào khách, Levin hỏi xem vợ mình đâu.

– Dì ấy bế Mitia ra Kôlốc (đó là tên khu rừng ở cạnh nhà). Dì ấy muốn đặt cháu ngủ ngoài đó. Ở trong nhà nóng quá, – Doli nói. Levin thường ngăn vợ không nên bế con vào rừng, cho thế là nguy hiểm và tin đó làm chàng bực mình.

– Nó cứ bế con chạy hết chỗ này đến chỗ khác, – lão quận công mỉm cười nói. – Tôi đã khuyên nó thử đặt thằng bé trong hầm nước đá.

– Dì ấy định đến vườn nuôi ong. Dì ấy nghĩ chú ở đó. Chúng tôi cũng đang định tới đó, – Doli nói.

– Thế nào, chú dạo này ra sao? – Xergei Ivanovitr nói, chờ mọi người đi cách một quãng để tụt lại sau với em trai.

– Không có gì đặc biệt cả. Tôi vẫn trông nom trại ấp như thường thôi, – Levin trả lời. – Anh có ở lại đây lâu không? Chúng tôi chờ anh mãi.

– Chừng nửa tháng. Tôi còn bận nhiều việc ở Moxcva.

Nói tới đây, luồng mắt hai anh em gặp nhau và mặc dầu lúc này chàng hết sức mong muốn tạo quan hệ thân mật và nhất là tự nhiên với anh, Levin vẫn thấy gượng gạo khi nhìn ông. Chàng cụp mắt xuống và không biết nói gì thêm. Chàng điểm lại tất cả những đầu đề nói chuyện có thể làm Xergei Ivanovitr thích thú, muốn lái ông ra khỏi chuyện chiến tranh Xerbi cùng vấn đề Xlav mà ông vừa ám chỉ tới khi nói về công việc ở Moxcva, và chàng gợi sang chuyện cuốn sách của ông anh.

– Thế nào, họ có phê bình tác phẩm của anh không, – chàng hỏi. Xergei Ivanovitr mỉm cười nghĩ đến dụng ý của câu hỏi đó.

– Chẳng ai quan tâm đến nó cả, còn anh lại càng ít quan tâm hơn bất cứ ai, – ông nói. – Bà nhìn xem kìa, bà Daria Alecxandrovna, trời sắp mưa rồi, – ông nói thêm, lấy ô chỉ những đám mây trắng vừa xuất hiện trên những ngọn cây hoàn diệp liễu.

Những lời đó đủ để cho cái quan hệ lạnh nhạt tuy chưa đến mức đối địch mà Levin rất muốn tránh, lại phục hồi giữa hai anh em. Levin đi lên kịp Catavaxov.

– Anh đến chơi thật hay quá! – chàng nói.

– Tôi định đến chơi nhà anh từ lâu. Giờ chúng ta có thể tha hồ nói chuyện. Anh đọc Xpenxơ chưa?

– Tôi chưa đọc xong. Vả lại bây giờ tôi cũng không cần đọc nữa.

– Sao lại thế? Hay đấy. Vì sao?

– Vì cuối cùng, tôi đã đi đến chỗ tin chắc không thể tìm thấy ở ông ta hoặc những người như ông ta lời giải đáp cho vấn đề tôi đang quan tâm. Hiện nay…

Nhưng vẻ mặt vui tươi và bình thản của Catavaxov đột nhiên làm chàng sững lại. Chàng chẳng muốn để câu chuyện làm vẩn đục tâm trạng mình, và, nhớ tới quyết định vừa rồi, chàng liền ngừng bặt.

– Ta sẽ quay lại chuyện đó sau, – chàng nói thêm. – Nếu chúng ta định tới vườn nuôi ong thì phải đi theo đường hẻm này, – chàng nói với mọi người. Mọi người theo con đường hẻm chật hẹp tới một quãng rừng thưa cỏ mọc um tùm, một bên có hàng rào huyền sâm màu sắc rực rỡ xen lẫn những bụi trị diên thảo lá xanh sẫm. Dưới bóng râm mát của một khóm hoàn diệp liễu, Levin mời khách ngồi chờ trên một chiếc ghế dài và những ghế thô vốn dành cho khách sợ ong, còn chàng đi về phía vườn để lấy bánh mì, mật ong tươi và dưa chuột cho mọi người. Chàng cố cử động thật ít, lắng nghe tiếng vo ve của đàn ong bay đến gần mỗi lúc một đông hơn, và tới tận căn nhà gỗ nhỏ. Chàng vừa tới ngưỡng cửa thì một con ong bay đến mắc vào râu nhưng chàng nhẹ nhàng gỡ ra. Trong phòng mờ tối, chàng cầm lấy chiếc mặt nạ bằng dây thép treo ở tường, đeo vào, và hai tay đút túi, bước ra vườn đến chỗ những tổ ong đặt giữa một khoảng đất đã phát cỏ: những tổ cũ nhất (chàng biết lai lịch từng tổ) được đặt thành dãy đều đặn và buộc chặt vào cọc bằng dây vỏ cây và những tổ mới nhất, vừa gây trong năm, xếp dọc theo hàng rào. Ở cửa mỗi tổ là một đám bay lộn không ngừng hoa cả mắt: ong cái và ong đực bay là là tại chỗ trong khi ong thợ theo hành trình khứ hồi bay tới một cây bồ đề ra hoa rồi trở lại mang theo đầy nhị hoa. Các âm thanh hỗn tạp nhất vẳng tới tai: khi thì một cô ong thợ vụt qua, mải mê công việc, lúc lại một chàng ong đực nhàn rỗi bay vo ve, hoặc là ong gác tổ sẵn sàng lấy vòi châm kẻ thù định xâm phạm tài sản của chúng. Phía bên kia hàng rào, bác gác già đang giũa đai thùng, không trông thấy Levin, chàng không gọi bác mà dừng lại ở giữa vườn ong.

Chàng vui sướng có dịp đứng riêng một mình chốc lát và kiểm điểm bản thân: thực tiễn đã làm tư tưởng chàng sa sút.

Mới thoáng qua chốc lát, chàng đã có dịp nổi giận với Ivan, lạnh nhạt với anh và nông nổi bắt chuyện với Catavaxov.

“Có thể đó chỉ là một tâm trạng thoáng qua, sẽ mất đi ngay không để lại dấu vết gì chăng?”, chàng thầm nghĩ.

Nhưng đồng thời, ngay lúc đó, chàng thấy lại tâm trạng lúc trước và vui sướng cảm thấy một cái gì mới mẻ và quan trọng đã nảy sinh trong lòng. Thực tiễn chỉ tạm thời che phủ sự thanh thản vừa tìm thấy: nó vẫn nguyên vẹn trong thâm tâm chàng. Giống như đàn ong giờ đây đang bay lộn quanh mình, trong khi đe dọa và khiến chàng phải lưu ý, chúng đã làm chàng mất thoải mái về thể xác, buộc chàng thu mình né tránh, những mối lo lắng bủa vây lúc bước chân lên xe cũng đã làm chàng mất sự thanh thoát về tâm hồn, nhưng trạng thái đó chỉ kéo dài khi nào chàng bị mắc giữa những lo lắng đó. Cũng như thể lực vẫn nguyên vẹn mặc dầu có bầy ong, trí lực mà chàng vừa tự giác nhận thấy, vẫn không suy suyển.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.