Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 3



Naxtia nóng lòng chờ đến lúc Xoloviov vắng nhà. Hai ngày sau, khi Andrei vừa đẩy xe chở ông ra khỏi cửa để bắt đầu cuộc đi dạo, chị liền bước tới, bấm chuông tòa biệt thự số 12. Liền sau đó, có tiếng trẻ con hò hét, giọng vang như chuông. Cánh cửa mở ra, xuất hiện một em bé gái chừng lên tám, mặt mũi dây đầy thuốc vẽ.
– Bà muốn hỏi nhà cháu ạ? – Cô bé hỏi, lấy vẻ nghiêm nghị.
– Nhà cháu, đúng thế, nếu cháu cho cô vào. – Naxtia cười đáp.
Liền lúc đó Gienia Iakimov hiện ra sau lưng cô họa sĩ tí hon.
– Bà đấy ạ? – Anh ta sửng sốt – Bà muốn gặp tôi?
– Tôi định đến thăm ông Xoloviov, nhưng ông ấy không có nhà, tôi nghĩ có thể xin ngồi nhờ bên này trong khi chờ ông ấy về.
– Chắc cậu giúp việc đưa ông ấy đi dạo. – Người hàng xóm ria mép dài đoán.
Naxtia hiểu rằng câu nói đó là ý bảo chị đi tìm, và rất có thể anh chàng này sắp chỉ cho chị hướng đi tìm, bởi kiểu đi dạo như thế này không phải đi xa.
– Chắc thế – Naxtia tán thành – Nhưng chân tôi đau khủng khiếp. Đôi giầy mới mà. Hôm nay lẽ ra tôi không nên đi giầy thì phải. Tôi vào nhà được không?
– Tất nhiên rồi – Iakimov như sực nhớ – Mời bà vào.
Tòa biệt thự này lại bố trí theo kiểu khác hẳn. Gian bếp rộng hơn nhiều. Phần còn lại dưới tầng một chỉ dành cho phòng khách rất lớn, trong đó đang có ba đứa trẻ: cậu con trai Mitia mười hai tuổi, giống hệt bố, cô gái họa sĩ Lera và một đứa bé tóc dài, xoăn, lúc đến gần mới biết thì ra là con trai, tên là Fedia.
Mitia đang mê mải chiến đấu với một kẻ địch trên màn hình vi tính, còn Lera thì nằm trên sàn nhà đang theo cuốn dạy vẽ, cố vẽ một hình gì đó.
– Bà đừng giận, tôi đang bận chuẩn bị bữa ăn tối, nên không tiếp bà cho hẳn hoi được – Iakimov ngượng nghịu xin lỗi – Sau đây một tiếng tôi lại phải tắm cho lũ trẻ.
Naxtia bắt chuyện một cách hờ hững, làm như chỉ để giết thời gian. Những ai ở trong các tòa biệt thự này? Họ làm nghề gì? Họ phải thế nào mới có tiền tậu được tòa nhà đắt tiền này chứ? Xa các tuyến xe công cộng tất nhiên cũng bất tiện, nhưng ở đây ai cũng có ô-tô riêng, thậm chí có gia đình không chỉ một chiếc. Như gia đình Iakimov chẳng hạn, hai ô-tô, một vợ sử dụng, một cho chồng, để lỡ có việc gì đột xuất, thí dụ cần đưa một đứa con đến khám bác sĩ, hoặc mua một thứ gì đó dưới phố.
Naxtia nhẹ nhàng chuyển sang đề tài phong trào vận động tổ chức “Giám sát hàng xóm” mà một số nơi thực hiện để chống tội phạm.
– Có đấy – Iakimov đồng ý – Trong những nhà cao tầng nhiều căn hộ thì kiểu làm đó chưa chắc đã có kết quả, nhưng trong những khu nhà tư nhân riêng rẽ như thế này thì kiểu đó không khó áp dụng. Mọi người dễ dàng giám sát lẫn nhau. Hễ có người lạ đến khu vực này là lộ ra ngay. Nhất là ban ngày, lúc tất cả hầu như đi vắng, có người lạ đến đây là mọi người đều chú ý ngay.
Iakimov nói rằng rất ít khi anh ta thấy có người lạ đến đây, ít nhất thì cũng vào ban ngày. Ban đêm thì anh ta không thể nói chắc. Một là trời tối. Hai là, tuy khu nhà này cách xa trung tâm, nhưng khách của các gia đình vẫn thường đến, có khi họ đi cả một tốp. Không, anh ta không nhớ có người lạ nào lảng vảng trong khu nhà này mà không có mục đích rõ rệt. Naxtia viện lý do khiến chị quan tâm đến những chuyện đó vì doanh nghiệp của chị muốn vận động những người ở đây mua bảo hiểm nhà cửa và trộm cắp.
Đột nhiên Iakimov dỏng tai lắng nghe. Có tiếng gì lạ ngoài phòng khách, và không thấy tiếng chiến trận đùng đoàng trên máy vi tính nữa.
– Cô tha lỗi. – Iakimov nói rồi đi nhanh ra khỏi bếp.
Lát sau anh ta quay vào, nét mặt như nhận lỗi.
– Có chuyện gì thế? – Naxtia hỏi.
– Không có gì đặc biệt. Thằng Dmitri chuyển sang đánh cờ.
– Nhưng sao ông có vẻ lo lắng thế? Cháu đánh cơ thì sao? – Naxtia ngạc nhiên.
– Vào tuổi nó đánh cờ là quá sớm – Iakimov thản nhiên đáp – Tuổi nó là phải chơi những trò chơi phát triển khả năng chú ý, khả năng phản ứng nhanh, và khả năng phối hợp động tác của các ngón tay.
Naxtia đã định phản đối, bởi nếu đứa trẻ chơi cờ trên máy vi tính thì như thế có nghĩa nó đã phát triển tốt các khả năng kia, nhưng chị lại thôi. Nói cho cùng, chuyện ấy liên quan gì đến mình đâu? Iakimov là bố nó biết nên dạy con theo kiểu nào chứ. Mình chẳng nên can thiệp vào.
– Ông Iakimov, trình độ văn hóa của ông thế nào?
– Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, là kỹ sư xây dựng.
– Các con, ông định cho chúng học ngành gì?
– Còn tùy – Naxtia có cảm giác anh ta trả lời một cách miễn cưỡng – Hiện giờ tôi chưa thấy ở chúng năng khiếu gì đặc biệt. Con sãi ở chùa lại quét lá đa thôi.
– Ông nói thế nghĩa là sao? – Naxtia cười vang – Chưa bao giờ tôi nghe thấy câu ấy đấy. Tục ngữ à?
Iakimov cười, vẫn tiếp tục quấy thịt nghiền trong xoong.
Nhìn ra cửa sổ, Naxtia thấy Andrei hiện ra bên kia đường, đang đẩy chiếc xe trên có Xoloviov ngồi. Iakimov quay mặt vào trong nên không nhìn thấy họ, cho nên Naxtia nghĩ có thể coi như mình cũng không nhìn thấy, vẫn tiếp tục hỏi ông bố có ba đứa con về những người sống trong khu biệt thự này. Nhưng chị thấy không nên dấn thêm. Cái gì cũng chỉ vừa độ thì nên thôi.
– Xoloviov về kia rồi – Naxtia nói và đứng dậy – Cảm ơn ông, Iakimov, đã cho tôi ngồi nhờ.
Naxtia không đoán được, thấy chị đến Xoloviov có vui không, nhưng chị biết chắc chắn là Andrei thì rất khó chịu. Tất nhiên cậu ta không nói hoặc làm cử chỉ nào để lộ ra, nhưng Naxtia cảm giác thấy nỗi bực tức của y, giống như cô con dâu cảm nhận được nỗi khó chịu của mẹ chồng, mặc dù bà vẫn hết sức tỏ ra dịu dàng.
Sau lần gặp lại đầu tiên người tình xa xưa, Naxtia cố điều tra xem ông ta gặp phải nỗi bất hạnh trong hoàn cảnh nào, nhưng trong hai ngày qua chị chưa điều tra được. Tuy nhiên, rõ ràng chuyện đó không phải do kẻ nào thù ghét nào cố tình gây ra. Bởi trong mấy năm qua, mọi thông tin về các vụ giết người hoặc gây thương tích đều được ghi lại trong các báo cáo của thành phố Moxcva, và các báo cáo này đều được đem đến, đặt trên bàn giấy của chị, rồi sau đó đưa vào các biểu đồ, và cuối cùng là vào bộ nhớ của máy tính. Nếu trong các thông tin ấy có tên Xoloviov, hẳn Naxtia đã không bỏ qua, cho dù chị muốn quên ông ta đi. Kỷ niệm xưa trong ký ức Naxtia vẫn nguyên vẹn, và Xoloviov còn sống thì chị chưa thể quên ông ta. Nỗi đau ông ta gây cho chị ngày đó đã in dấu quá đậm trong ký ức chị. Vậy là hai chân ông ta bị hỏng chỉ là do một căn bệnh nào đó. Biết đâu chẳng một phần do cái chết của Xvetlana, vợ ông ta? Mà chị ta chết vì gì nhỉ? Theo Naxtia biết, thì hai vợ chồng Xoloviov cùng tuổi, có nghĩa chị ta chết lúc còn rất trẻ, chưa đến bốn mươi.
– Em hẹn đến đây hôm thứ Bảy kia mà? – Xoloviov hỏi – Bây giờ em không còn tính giữ đúng lời hứa nữa rồi, phải thế không, Naxtia?
– Em đã báo anh biết trước là em khác xưa rồi kia mà. Mà có lẽ khác theo hướng xấu đi. Hôm đó anh có mong em không?
– Có.
Xoloviov cười nụ cười trìu mến đến mức suýt làm Naxtia quên bẵng mọi thứ. Chị nói lảng:
– Cậu giúp việc của anh không chia sẻ với anh tình cảm đó thì phải? Hay cậu ta ghen?
– Sao nó lại phải ghen? – Xoloviov ngạc nhiên – Nó không phải con anh, thì việc gì khó chịu khi thấy bố ở góa mời phụ nữ đến nhà.
– Anh biết không, khi đàn ông làm công việc của phụ nữ, họ dễ suy nghĩ theo kiểu đàn bà. Cậu Andrei của anh làm công việc bà chủ trong ngôi nhà này: quét dọn, nấu ăn, chăm sóc anh, thế nhưng đột nhiên xuất hiện một phụ nữ… Chị ta đem rác rưởi từ ngoài phố vào, cản trở cậu ta làm việc, rồi cậu ta lại còn phải tiếp cà phê cho chị ta nữa chứ.
– Em nói linh tinh – Xoloviov gạt đi – Tốt nhất là em kể về em cho anh nghe. Những năm qua em sống ra sao, làm những công việc gì?
– Chẳng có gì đặc biệt. Em sống bình thường, vẫn làm một thứ công việc ấy, lúc nào rảnh thì dịch. Còn anh?
– Anh ấy à? – Xoloviov nhếch mép cười vẻ rất lạ – Anh đã sống những năm trái ý.
– Nghĩa là sao?
– Lẽ ra cuộc đời anh có thể khác hẳn thế này, nhưng cuối cùng vẫn y nguyên như cũ.
– Nguyên nhân?
– Anh gặp đủ thứ rắc rối. Hai lần định chuyển ra sinh sống ở nước ngoài, cả hai lần đều không thực hiện được. Dường như có một định mệnh nào đó treo trên đầu anh. Rút cuộc anh thành kẻ tàn tật, và bây giờ thì không còn có thể đi đâu ra khỏi nước Nga, thậm chí ra khỏi Moxcva.
– Nhưng sao anh lại không đi được? Cái gì đã cản trở anh?
– Cái gì à? – Xoloviov chua chát hỏi lại – Số phận. Cái cản trở anh là số phận. Đầu đuôi thế này: anh tính ly dị vợ, lấy một phụ nữ khác rồi cùng cô ta ra nước ngoài. Đúng lúc ấy thì Xvetlana chết. Anh không thể bỏ mặc thằng con trai ở lại đây một mình. Cô bạn kia vẫn cứ ra nước ngoài sinh sống đúng như kế hoạch, còn anh ở lại.
– Còn lần thứ hai?
– Lần thứ hai… thì chưa kịp đi, anh đã bị hỏng hai chân. Còn đi đâu trong tình trạng này được nữa?
Naxtia thấy rõ Xoloviov không muốn kể rõ tai nạn. Thôi được, chẳng sao, mình khắc tìm hiểu lấy. Nhưng có điều lạ, tại sao anh ta không muốn kể ra cho mình nghe? Theo Naxtia biết thì tính Xoloviov xưa nay ưa than vãn, thích kể tỉ mỉ về những nỗi bất hạnh của mình. Anh ta vốn là loại người luôn cần đến sự thông cảm, thương xót của người xung quanh. Nhưng đã mười hai năm rồi còn gì. Tính nết anh ta cũng phải thay đổi chứ. Thì bản thân mình cũng có còn như ngày trước nữa đâu?
– Em nói với chồng em thế nào lúc đến đây? – Đột nhiên Xoloviov chuyển sang đề tài khác.
– Em bịa ra một chuyện nào đó. Vấn đề ấy không khó. Chồng em biết em suốt ngày này sang ngày khác túi bụi công việc, cho nên không hề căn vặn gì vợ.
– Nghĩa là anh ta không có tính ghen?
– Hoàn toàn không. – Naxtia nói dối trắng trợn.
Tội nghiệp Alecxei! Tất nhiên anh ấy sẽ không nói thêm một lời nào về chuyện này, nhưng vẫn ôm mối đau khổ ngấm ngầm.
Naxtia ngồi ở nhà Xoloviov gần hai tiếng đồng hồ. Họ trò chuyện đủ thứ, cùng ăn tối, nhắc đến những người cùng quen biết. Thỉnh thoảng Naxtia bắt gặp cặp mắt nghi ngờ của Xoloviov nhìn mình, nhưng chị làm như không nhận thấy. Khi chia tay nhau, họ đã thành đôi bạn thân thiết.
 
*
 
Naxtia về đến nhà đã khá muộn và chị gọi điện ngay cho mẹ.
– Mẹ còn nhớ anh chàng nghiên cứu sinh Xoloviov không?
Giọng bà Nadejda đột nhiên lạnh lùng và căng thẳng. Bà cụ nhớ lại kỷ niệm xưa.
– Nhớ, nhưng giá con quên nó đi thì hơn. – Bà thận trọng đáp.
Naxtia bật cười:
– Do mẹ sinh con ra có trí nhớ tốt, chứ đâu phải tại con. Con không thể quên thứ gì hết.
– Nhưng sao bỗng nhiên con lại nhớ đến nó? – Bà Nadejda tiếp tục căn vặn.
– Trong công tác, con tình cờ chạm trán với anh ta. Thì ra chị vợ anh ta đã chết cách đây ít lâu, còn bản thân anh ta thì tàn tật, không đi được, phải ngồi xe đẩy. Mẹ có nghe được gì xung quanh chuyện đó không ạ?
– Không.
– Mẹ có thể hỏi dò hộ con được không ạ? Anh ta cùng ngành ngôn ngữ học với mẹ. Rất có thể một người nào đó, đồng nghiệp của mẹ, biết chi tiết hơn về chuyện hỏng chân của Xoloviov.
– Sao con không hỏi thẳng nó?
– Con có hỏi, nhưng anh ta lảng không chịu nói. Con cũng không nài. Nhưng mẹ thì…
– Thôi được – Bà Nadejda dịu lại – Để mẹ thử dò hỏi xem sao. Nó gây ra chuyện gì à, mà đụng đến công an?
– Mẹ thừa biết, loại Xoloviov thì gây chuyện gì được? Trước khi làm chuyện gì, anh ta đắn đo chán chê rồi mới làm ấy chứ. Con muốn biết nguyên nhân tàn tật của anh ta chỉ để liệu cách tiếp chuyện anh ta thôi. Kẻo lỡ con nói câu gì vô ý, anh ta nổi khùng thì hỏng hết việc.
– Mẹ lấy làm lạ sao con lại còn cần thứ gì nữa để tiếp chuyện nó đấy – Bà Nadejda khó chịu nói – Ngày xưa con trò chuyện với nó thoải mái lắm kia mà.
– Mẹ!
– Thôi, đừng cáu với mẹ. Mẹ sẽ dò hỏi cho con. Thế anh Alecxei có biết con tiếp xúc với Xoloviov không?
– Tất nhiên là biết.
– Lạy Chúa, sao tôi đẻ ra đứa con gái thế này nhỉ? – Bà Nadejda kêu lên – Chưa bao giờ con biết tế nhị cả. Con cho chồng biết làm gì để khổ nó?
– Con làm nhiệm vụ công tác chứ đâu phải con quay lại mối tình cũ. – Naxtia mệt mỏi đáp.
Naxtia rất yêu mẹ. Nhưng thời gian gần đây bà cụ không còn hiểu con gái nữa. Nhất là sau những năm bà sang công tác ở nước ngoài. Đối với bố dượng, Naxtia thấy thoải mái hơn nhiều, ông suốt đời làm trong ngành công an nên dễ thông cảm hơn với con riêng của vợ.
Tối hôm sau, bà Nadejda gọi điện đến nơi làm việc cho con gái, lúc Naxtia đang chuẩn bị về.
– Con ạ, câu chuyện thật khủng khiếp – Bà Nadejda xúc động kể – Thì ra vợ Xoloviov trên đường đến nhà nghỉ thì bị mất tích. Gần một tháng sau, người ta mới tìm thấy xác chị ta trong một khu rừng. Một thằng khốn nạn nào đã đập chiếc máy ảnh lên đầu chị ta. Đúng là không thể tưởng tượng được.
– Chuyện xảy ra ở đâu, mẹ?
– Mẹ không biết, hình như ở miền Trung Nga, chỉ biết gần sông Volga, điều này thì hoàn toàn chính xác.
– Thế còn hai chân anh ta thì bị gì ạ?
– Về chân nó thì điều mẹ nghe được rất khó hiểu. Không ai biết đích xác do bệnh gì mà nó bị cụt cả hai chân. Nó không kể ra với ai. Nhưng có một người kể rằng nó bị kẻ nào đó đánh rất tàn bạo.
– Người kể đó là ai ạ?
– Con không biết anh ta đâu.
– Nhưng con sẽ có cách để làm quen – Naxtia xẵng giọng nói – Mẹ nói đi, tên anh ta là gì?
– Artur Malisev. Chủ nhiệm khoa ở trường Đại học Ngoại ngữ. Con định gặp anh ta à?
– Tất nhiên rồi.
– Để làm gì?
– Con cần biết, mẹ ạ. Nếu như Xoloviov bị đánh đập tàn bạo, thì đó là thuộc phạm vi của ngành chúng con rồi. Trước hết cần xem cái ông Malisev kia do đâu mà biết chuyện đó.
– Nếu đấy không phải là sự thật thì việc anh Malisev kia nghe được ở đâu có gì quan trọng?
– Quan trọng lắm chứ, mẹ – Naxtia kiên nhẫn giải thích – Không có lời đồn đại nào, dù phi lý đến mấy, mà tự trên trời rơi xuống. Kẻ nào đầu tiên bịa ra câu chuyện tất phải nhằm một mục đích nào đó, người thứ hai truyền đi, rồi người thứ ba. Ngay cả trường hợp chuyện hoàn toàn bịa đặt, thì cũng có động cơ của người bịa ra nó. Cần phải tìm cho ra cái lõi của vấn đề, mẹ ạ.
– Mẹ mong rằng nếu chuyện Xoloviov bị đánh kia không có thật, thì anh Malisev cũng không bị lôi thôi gì chứ? – Bà Nadejda lo lắng hỏi.
– Mẹ yên tâm, anh ta sẽ không bị ai làm gì đâu, anh chàng Malisev quý mến của mẹ ấy. Tất nhiên là nếu anh ta không phải là người đầu tiên bịa ra cái chuyện ấy. Mẹ cho con số điện thoại của Malisev, hay con phải tự tìm lấy ạ?
Bà Nadejda thở dài ngao ngán, rồi mở sổ đọc địa chỉ và số máy. Naxtia đặt máy xuống, sắp sửa ra về, thậm chí đã lấy áo khoác trong tủ ra, thì Corotcov chạy xồng xộc vào.
– Naxtia này, có lẽ chúng ta lần ra rồi – Anh ta thở hồng hộc nói – Ôi, mệt quá! Suốt ngày hôm nay tôi chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Cô cho tôi một tách cà phê với, làm ơn làm phúc.
Corotcov ngồi phịch xuống ghế, duỗi hai chân cho thoải mái. Naxtia lặng lẽ lại treo áo vào tủ, rồi cắm bếp điện. Chị thầm nghĩ, phải một tiếng nữa mình mới về được.
Corotcov hồ hởi mở đầu.
– Bây giờ tôi xin kể. Cách đây đúng một tuần, một quầy bán băng hình bị mất trộm. Không còn lại dấu vết, nhưng khi kiểm lại hàng thì chủ quầy cho biết tên gian không lấy hết, thậm chí không lấy riêng một ngăn nào, mà hắn chỉ chọn lấy một số băng hình. Chủ quầy có kê ra danh sách các băng hình bị mất trộm, nhưng nghiên cứu bản danh sách đó thì không rút ra được ý thích của tên trộm. Không phải tất cả đều là băng hình sự, cũng không phải toàn băng truyện giật gân hoặc viễn tưởng hay khiêu dâm, mà là mỗi loại hắn lấy vài băng. Mười bốn băng hình tất cả. Có một cậu trong tổ điều tra cho rằng không cần xem tất cả những băng hình ấy, mà chỉ cần xem tiêu đề là đủ biết đặc điểm chung cho tất cả. Chúng tôi bèn tìm một máy vi tính có khả năng in các khuôn hình ra giấy, xem thử thì phát hiện ra một điều: trong tất cả những băng hình đó đều có chung một diễn viên tham gia đóng vai. Tất nhiên anh ta không phải diễn viên ngôi sao, mà chỉ là loại diễn viên đóng vai phụ, không có tên tuổi. Và trong mỗi bộ phim ấy, anh ta chỉ xuất hiện khoảng năm sáu phút. Nhưng hình dạng anh ta thì thành vấn đề!
– Đến phát điên lên mất thôi – Naxtia khẽ kêu lên – Hắn giống như đám thiếu niên kia chứ gì?
– Hệt – Corotcov quả quyết nói rồi nhấp một ngụm cà phê – Tôi đã đem so với ảnh những thiếu niên bị mất tích. Giống hệt. Nhất là với thằng bé Dima Butenco thì như hai giọt nước.
Dima Butenco là cậu thiếu niên bị mất tích đầu tiên. Tháng Chín 1995. Tháng Mười Hai thì tìm thấy xác cậu ta. Và thấy được thủ phạm rõ ràng là một thằng cha tình dục đồng giới. Nhưng tìm ra hắn là cả một công việc cực kỳ khó, bởi không có mối liên hệ nào giữa hắn với các cậu thiếu niên kia. Mà làm sao chứng minh được tội trạng của hắn, trừ phi bản thân hắn tự thú nhận.
Tuy nhiên trong vụ này đã có đôi chút ánh sáng. Một là những dấu vết hắn để lại trong quầy bán băng hình. Hai là, chắc chắn hắn phải có địa điểm nhốt những cậu thiếu niên kia trong khi chúng chưa chết. Ba là, một tia sáng rất nhỏ thôi, địa điểm ấy rất có thể nằm trong khu biệt thự “Mộng Mơ”.
Lúc đứng lắc lư trong toa xe điện ngầm, Naxtia phác thử phương án điều tra. Việc đầu tiên là bố trí canh gác quầy bán băng hình. Tại sao đêm hôm đó quầy này lại không có hình thức bảo vệ nào? Các quầy băng hình khác trong khu vực ấy đều không có hình thức báo động hay chỉ riêng quầy đó? Ai là người có thể biết ban đêm quầy đó không có thiết bị báo động? Vấn đề thứ hai: tại sao tên tội phạm lại ăn trộm đúng quầy đó, trên phố đó, mà không phải quầy khác, trên phố khác? Vì quầy đó không có thiết bị báo động hay vì tên tội phạm nhà ở gần đấy? Vấn đề thứ ba: tại sao tên tội phạm biết trong quầy đó có đúng những băng hình hắn cần đến? Vấn đề thứ tư: quầy đó có cho thuê băng hình không? Vì nếu cho thuê thì tên tội phạm đã từng thuê và biết rõ quầy đó có những băng hình hắn cần đến. Và nếu đã đến thuê nhiều lần thì rất có thể hắn đã nghe biết về cách bố trí canh phòng ban đêm ở đó. cần kiểm tra tất cả các điểm cho thuê băng hình, xem sổ lưu của họ, để xem kẻ nào hay thuê những băng bị mất trộm ấy. Chao ôi, bao nhiêu thứ phải làm, nhưng không thể không làm. Thứ năm: Tại sao hắn phải ăn trộm, trong khi hắn có thể mua một cách dễ dàng? Tốn tiền quá chăng? Nhưng giam giữ những đứa trẻ kia bao nhiêu ngày, lại tiêm chích cho chúng đâu phải ít tốn kém? Mà nếu không mua vì sợ tốn tiền thì hắn có thể thuê rồi đem thuê sao lại, rẻ hơn nhiều.
Naxtia cảm thấy kẻ ăn trộm băng hình với kẻ bắt cóc đám thiếu niên kia xem chừng không phải là một tên. Và chị thử gắn hai sự việc vào với nhau nhưng thấy không ăn khớp. Logic của kẻ điên loạn khác logic của người tâm thần lành lặn. Rất có thể tên tội phạm kia coi việc ăn trộm băng hình là chuyện quan trọng bậc nhất chăng?
Lúc Naxtia ra khỏi ga xe điện ngầm, trời đã tối. Sau một ngày căng thẳng đầu óc, chị muốn đi bộ một chút cho nhẹ đầu óc. Nhưng chợt nhớ chồng ở nhà chắc đang lo lắng, chị đành lên xe buýt. Hôm nay chị không lấy xe ô-tô của chồng và Alecxei biết chắc chị không đến nhà Xoloviov. Bởi đến đấy là dứt khoát phải đi bằng ô-tô. Dù sao Naxtia cũng không muốn để chồng phải lo lắng quá nhiều.
Xe buýt chạy qua bốn ga, thì Naxtia xuống, và chị đi theo một cặp nam nữ cũng đi theo hướng nhà chị. Chặng đường từ bến xe buýt đến nhà chị tồi tệ về đủ mọi phương diện: không có đèn đường, vắng tanh, lại mấp mô. Đôi nam nữ kia đã “đưa” được Naxtia về đến tận nhà. Họ đi tiếp, chắc tìm nơi vắng vẻ để được bên nhau yên tĩnh hơn.
Ra khỏi thang máy, đến trước cửa vào căn hộ của mình, Naxtia đột nhiên nhớ đến tòa biệt thự của Xoloviov. Nguyên gian tiền sảnh đã rộng thênh thang…
Chùm chìa khóa lọt đâu tận dưới đáy cái túi xách to đựng đầy các thứ lỉnh kỉnh, chị không sao lần ra đước. Chị đành bấm chuông. Naxtia rất ngạc nhiên, sao trong nhà im ắng thế. Hay Alecxei mải xem truyền hình không nghe thấy chuông reo. Chị ấn lần nữa. Vẫn không thấy gì. Đành phải tìm chìa khóa vậy.
Alecxei không có nhà. Naxtia sực nhớ là lúc nãy không thấy ô-tô của chồng dưới cổng. Lạ thật! Và không hiểu tại sao Naxtia bỗng thấy khó chịu. Chị cởi quần áo thật nhanh, mặc vào người tấm áo choàng ấm áp, rồi ngồi vào bàn bếp, lấy một đĩa to đầy salat cà chua và dưa chuột.
Naxtia yêu căn hộ của mình, ở đây, chị cảm thấy ấm cúng, thân tình, yên tĩnh. Quả thật căn hộ rất nhỏ, chỉ có một phòng, tiện nghi lại dùng chung, nhưng chị không cảm thấy chật chội. Naxtia cùng sống với Alecxei, nhưng cả hai đều thấy bình thường, dễ chịu. Tuy nhiên, sau khi đến khu biệt thự “Mộng Mơ”, Naxtia nhìn căn hộ của mình không còn như xưa nữa. Không phải vì trước kia Naxtia chưa nhìn thấy một ngôi nhà nào to lớn, sang trọng. Hoàn toàn không phải thế. Ngay ngôi nhà của Xasa, người em cùng cha khác mẹ với chị cũng giống như một lâu đài. Nhưng sau khi đến nhà Xasa về, Naxtia không cảm thấy căn hộ của hai vợ chồng chị trên phố s.elcovxcaia là chật chội, tồi tệ. Có lẽ vì chị coi Xasa là người thuộc tầng lớp khác với chị. Cậu ta là em chị, nhưng là nhà kinh doanh, chủ nhà băng, giàu có và tháo vát.
Nhưng Xoloviov thì lại thuộc tầng lớp của Naxtia. Anh ta có khả năng về ngoại ngữ và sống bằng thứ đó. Một trí thức bình thường. Không phải nhà kinh doanh. Không phải chủ doanh nghiệp. Chỉ là một dịch giả. Naxtia có thể làm công việc đúng như của anh ta, dịch tác phẩm cho các nhà xuất bản, nếu như chị không yêu nghề thanh tra cảnh sát, say mê khám phá các vụ án, lật mặt bọn tội phạm. Chính ý nghĩ rằng mình rất có thể sống sang trọng giàu có như Xoloviov làm chị bối rối.
“Tại sao mình phải sống nghèo khổ thế này? – Chị suy nghĩ miên man, trong lúc uể oải nhai món salat – Tại sao?” Thật ra theo quan niệm chung thì mình chưa phải là nghèo. Các bác sĩ, nhà giáo lương còn ít hơn mình nhiều, chưa nói đến những người hưu trí. Vậy tiền bạc chạy đi đâu? Lương của hai vợ chồng chị chỉ vừa đủ tiêu tằn tiện cho đến kỳ lương sau.
Dù Naxtia có tằn tiện đến mấy thì tiền chị dành dụm được cũng không bao giờ tậu nổi một tòa biệt thự như của Xoloviov. Tiền kiếm được của anh ta hẳn không phải loại thu nhập bình thường. Naxtia vẫn không sao hiểu nổi, một người biết ba ngoại ngữ, có thể sống trong tòa nhà sang trọng như vậy trong khi một người biết năm ngoại ngữ, lại đem lợi ích đến cho xã hội bằng một công việc nặng nhọc, bẩn thỉu, nhưng hết sức cần thiết như thế này lại buộc phải sống trong một căn hộ nhỏ xíu, tiện nghi chung với hộ khác. Naxtia không bao giờ nghi ngờ người tình xưa của chị không phải người lương thiện. Xoloviov không bao giờ ăn cắp, không bao giờ lừa đảo. Tiền của anh ta là đồng tiền trong sạch, kiếm ra bằng con đường lương thiện. Chắc chỉ do một sự không công bằng trong cách bố trí xã hội ngày hôm nay. Và cuộc điều tra sự không công bằng này chính là tìm cho ra sự khác biệt giữa Naxtia và Xoloviov, một sự khác biệt, nói cho đúng, lẽ ra không nên có.
Đột nhiên Naxtia nhận thấy mình thích thú khi nghĩ đến Xoloviov, và nghĩ đến ngày mai sẽ được gặp lại ông ta.
“Cô sai rồi, cô em ơi – Naxtia mệt mỏi tự nhủ – Nhiệm vụ của cô là làm việc chứ không phải băn khoăn về hưởng thụ, Hãy quẳng ra khỏi đầu óc cô những ý nghĩ vớ vẩn ấy đi. Cô không còn ở cái tuổi được phép phạm những sai lầm kiểu đó nữa. Chưa kể đây lai là lần thứ hai”.
Naxtia ăn nốt đĩa salat, đứng chừng mười lăm phút dưới vòi hoa sen nước nóng để thư giãn rồi lên giường nằm. Chị muốn gọi điện cho cha mẹ chồng tại khu Giucovxki, vì có thể Alecxei đến đấy. Nhưng vừa định quay số thì Naxtia dừng lại. Không nên. Nếu Alecxei biết, anh ấy lại nghĩ vợ kiểm tra mình, vả lại chắc gì Alecxei về đó? Và hai cụ cũng không biết con trai họ hiện ở đâu? Dù sao thì Naxtia chưa bao giờ có ý nghĩ “bắt quả tang” Alecxei. Hoàn toàn không phải vì chị tuyệt đối tin tưởng ở lòng chung thuỷ của chồng. Alecxei là một người đàn ông lành mạnh, bất cứ lúc nào cũng có thể được một phụ nữ xinh đẹp, thông minh, có sức quyến rũ về tình dục yêu mến, một phụ nữ không giống Naxtia. Trong khi Naxtia chỉ là một phụ nữ có phần khô khan và sinh hoạt tình dục rất kém. Theo định luật xác suất thì điều nói trên hoàn toàn có khả năng xảy ra, nhưng Naxtia chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tìm biết xem có chuyện đó hay không. Để làm gì? Trong ba mươi sáu năm sống trên cõi đời, chị quen biết Alecxei hai mươi năm. Hơn một nửa thời gian đã sống. Hai vợ chồng sẽ sống trọn đời với nhau, mãi mãi bên nhau, và dù trường hợp nào đi nữa, họ vẫn là hai người thân thiết với nhau nhất. Điều này đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn, không còn phải nghi hoặc gì nữa. Chưa kể bản thân Naxtia đâu phải đã hoàn toàn không có lỗi?
Tóm lại, mình sẽ không gọi điện cho cha mẹ anh ấy. Nhưng khi Naxtia sắp sửa tắt đèn thì chuông điện thoại reo.
– Naxtia đấy phải không? – Tiếng trong máy thiếu quả quyết.
Đấy là cụ Pavel Ivanovitr, cha của Xasa, và tất nhiên cũng là cha của Naxtia.
– Vâng, con đây ạ. – Naxtia đáp, cố giấu nỗi ngạc nhiên.
Cụ Pavel rất hiếm khi gọi điện cho con gái. Cụ ly hôn với mẹ của chị từ khi Naxtia còn nhỏ xíu, và chỉ liên hệ với con gái vào những dịp lễ lớn, mà cũng chỉ qua điện thoại. Thật ra, từ khi Naxtia thân với Xasa và vợ cậu ta là Đasa, thì hình như cụ Pavel gọi điện thường xuyên hơn cho con gái. Nhưng dù vậy, đối với Naxtia, cụ vẫn là người xa lạ, và chị không thấy có tình cảm nào với cụ, không quý cũng chẳng ghét. Trái lại Naxtia rất quý bố dượng, chồng sau của mẹ, và gọi cụ là “bố”.
– Naxtia, bố gọi điện cho con để con biết… – Cụ Pavel ngập ngừng – Em Đasa đang gặp chuyện bất hạnh, anh Alecxei của con đến đó giúp nó đấy.
– Đasa làm sao ạ? – Naxtia hốt hoảng.
– Là… chuyện… – Cụ Pavel lắp bắp, nhưng Naxtia đã hơi đoán ra.
Đasa đang có thai, tháng thứ tư rồi. Chắc xẩy thai.
– Chuyện gì đấy ạ?
– Bố không biết. Em Xasa gọi điện từ bệnh viện về cách đây chừng hai tiếng đồng hồ, kể rằng anh Alecxei chồng con đang đi tìm để mời một bác sĩ giỏi. Nó nhờ bố gọi điện báo con biết để con đừng lo. Con đừng giận chồng là đi vắng qua đêm, nhưng vì thằng Xasa hốt hoảng quá, rất lo cho vợ nó. Anh Alecxei đành phai ở đó với vợ chồng nó.
– Cảm ơn bố đã gọi điện báo cho con biết. – Naxtia đáp.
“Cảm ơn cụ đã gọi điện ngay tối nay chứ không phải để đến ngày mai”, Naxtia thầm nghĩ. Mình về nhà cách đây đã một tiếng đồng hồ. Nếu như là người khác thì có lẽ trong một tiếng đồng hồ vừa rồi mình đã phát điên lên rồi, tại sao Alecxei đi đâu mà không để lại mảnh giấy nào và cũng không gọi điện về? Còn bố, nếu bố chịu khó, cứ năm phút lại gọi điện cho con gái một lần, có phải con đã biết tin này từ lúc mới về và không phải lo lắng suốt từ bấy đến giờ không? Chắc cụ mải xem phim trên tivi. Cụ quá bình tĩnh trong khi mình thì lo đến phát rét lên được.
Đasa có chuyện không may… Chưa bao giờ bố chịu coi mình là con, con chẳng ghen đâu. Đasa đúng là một đứa xinh đẹp, có cặp mắt tuyệt đẹp, bản thân con cũng rất yêu nó, và con nghĩ không ai không yêu nó, nhưng dù sao con cũng là con gái của bố kia mà. Hay không phải? Hay con chỉ là con của người phụ nữ mà đã có một thời ngẫu nhiên là vợ của bố, và hai người cũng lại không sống với nhau lâu?
Nhưng nghĩ đến cụ làm gì, Naxtia xưa nay chẳng mấy quan tâm đến cụ. Điều chị lo lắng nhiều hơn là tình trạng của cô em dâu Đasa kia kìa. Đứa con trai đầu của nó chưa tròn một năm, mới sinh hồi tháng Sáu năm ngoái. Khi nghe tin Đasa lại có thai, Naxtia thầm không tán thành, sao mà đẻ cách nhau gần như vậy. Khốn nhưng Đasa rất thèm một đứa con gái. Cậu Xasa cũng rất mừng thấy vợ có thai. Nếu không giữ được cái thai thì tội nghiệp Đasa quá, mặc dù cô ta còn ít tuổi, mới hai mươi! Còn kịp sinh một chục đứa nữa, nếu cô ta muốn. Cái chính là làm sao lần xẩy thai này không để lại di chứng ảnh hưởng đến những lần có thai sau.
Nghĩa là chồng của chị hiện đang ở trong bệnh viện. Thế cũng phải. Tính Alecxei điềm tĩnh, nhiều lúc đến mức quá đáng, nhưng trong trường hợp này thì lại rất cần có người điềm tĩnh như vậy bên cạnh để trấn an cậu Xasa. Thêm nữa, trong số bạn bè của chồng mình lại có những bác sĩ loại siêu đẳng. Alecxei đã có thời giúp cho Trung tâm Khoa học của Viện Y học, lập trình cho việc chẩn đoán bằng máy vi tính, do đó quen rất nhiều chuyên gia tầm cỡ trong ngành y. Chắc anh ấy sẽ đưa một giáo sư hàng đầu đến khám cho Đasa. Naxtia hình dung ra lúc chồng mình nhận được điện thoại báo tin về bệnh tình Đasa, vội vã mặc quần áo đi ngay, không còn bụng dạ nghĩ được là phải để lại mảnh giấy cho vợ…
Đột nhiên Naxtia vùng dậy chạy ra nhấc máy điện thoại. Chị chưa kịp quay hết số của Xoloviov thì đã thoáng nghĩ: gọi cho anh ta để làm gì?
– Anh đang ngủ phải không? – Naxtia rụt rè hỏi khi nghe thấy giọng nói dịu dàng đầu dây bên kia.
– Chưa. Anh hay thức khuya.
– Công việc anh ra sao?
– Cảm ơn, tốt thôi. Em gọi điện để hỏi chuyện đó à?
– Thú thật là chính em cũng chẳng hiểu em gọi cho anh để làm gì. Hẳn là em rất muốn nói chuyện với anh, có vậy thôi.
– Thế là logic – Giọng Xoloviov có phần chua chát – Ngay trong vấn đề tế nhị này mà em vẫn hành động theo đúng logic. Còn em, vẫn bình thường chứ?
– Bình thường. Như mọi khi.
– Em đang ở nhà à?
– Tất nhiên. Vào giờ này em không ở nhà thì anh bảo em ở đâu?
– Thế còn chồng em? Em không sợ ông ấy nghe thấy em nói chuyện điện thoại với anh à?
– Em không sợ. Nếu sợ em đã chẳng gọi cho anh.
– Cũng lại rất logic – Xoloviov công nhận – Dù sao thì anh cũng rất vui thấy em gọi điện cho anh.
– Thật không?
– Thật.
Naxtia thấy trong giọng nói của Xoloviov có thứ mà giá như thời xưa hẳn đã làm chị chóng cả mặt.
– Con người rất mau quen với điều tốt lành – Xoloviov tiếp tục nói – Hôm kia em gọi điện cho anh. Hôm qua em đến với anh, và hôm nay anh bỗng cảm thấy dường như anh đang thiếu một thứ gì đó. Bây giờ em lại gọi điện cho anh, và anh chợt hiểu ra, thứ mình đang thấy thiếu là gì. Anh đã bắt đầu thấy nhớ em.
– Em cũng vậy – Naxtia cười – Mai em sẽ lại đến anh, nếu anh không bận.
– Mấy giờ?
– Khoảng tám giờ, được không?
– Được. Anh sẽ chờ em.
– Hôn anh – Naxtia trìu mến nói – Chúc anh ngủ ngon.
Hay lắm Xoloviov. Anh ta đã bắt đầu “nhớ” mình rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.