Ảo Thuật Văn Chương

CHƯƠNG 9



Thiếu tướng Runenco không ưa đại tá Gordeev, vì khi tiếp xúc với ông này, ông ta cảm thấy không thoải mái. Runenco rất khâm phục đại tá Gordeev về khả năng công tác, nhưng mỗi khi thấy ông già năm mươi nhăm tuổi, thấp và to ngang, dáng người chắc nịch này bước vào phòng giấy của mình, viên thiếu tướng bỗng nhiên cảm thấy như mình thành một thí sinh trước mặt giám khảo. Mà trả lời câu hỏi của giám kliảo là thứ từ nhỏ Runenco đã ghét nhất trên đời.
Đại tá Gordeev thỉnh thoảng lại đem đến cho viên thiếu tướng một sự bất ngờ, đôi khi là bất ngờ thú vị, chẳng hạn khám phá ra nhanh đến kỳ lạ một vụ trọng án, nhưng nhiều khi là bất ngờ không thú vị chút nào, chẳng hạn hôm nay mặc dù bản thân đại tá Gordeev không hề biết như thế.
Sáng nay, diễn ra cuộc họp báo tại Sở Cảnh sát thành phố Moxcva, dưới sự chủ tọa của đại tá Gordeev Giám đốc Sở, và có mặt thiếu tướng Runenco. Trong cuộc họp báo, xảy ra một chuyện khiến sau đó nổ ra cuộc đốp chát hết sức gay gắt giữa thiếu tướng Runenco và đại tá Gordeev. Viên thiếu tướng yêu cầu đại tá báo cáo, tại sao có chuyện như thế và nói chung như thế nghĩa là sao.
– Ông Gordeev, – Tướng Runenco cố lấy giọng khẽ khàng, nhã nhặn hỏi – tại sao tôi không được biết gì về vụ những đứa trẻ trai Do Thái kia?
Trên khuôn mặt viên đại tá hiện rõ một nỗi đau, tuy nhiên ông điềm tĩnh một cách đáng khâm phục.
– Bởi chính tôi cũng không biết gì hết. – Đại tá đáp, mắt nhìn thẳng vào viên tướng.
– Vậy mà tôi đã hy vọng ông tường trình đầy đủ – Viên tướng đã bắt đầu không ghìm được cơn giận dữ – Hẳn ông đã thấy, chẳng hay ho gì khi trong cuộc họp các nhà báo chất vấn Sở Cảnh sát thành phố về những sự việc mà Bộ Nội vụ không hề biết. Người ta có cảm giác Bộ Nội vụ không nắm được tình hình, không biết những gì đang xảy ra trong thành phố thủ đô của chúng ta.
– Tôi không hiểu thiếu tướng định nói gì? Trong hoạt động của chúng tôi làm gì có vụ những đứa trẻ trai Do Thái. – Đại tá Gordeev kiên quyết bác bỏ.
– Không có? – Viên tướng gầm lên – Ông bảo không có? Vậy gã Trercaxov mà người của sở đang điều tra là cái gì? Vụ lớn đến mức các ông điều cả cán bộ dưới quận lên hỗ trợ. Ông còn định giấu tôi đến bao giờ?
– Trercaxov là gã đồng tính, bị tình nghi phạm những tội ác kinh tởm về mặt tình dục. Sao có chuyện những đứa trẻ Do Thái ở đây? Thưa thiếu tướng, ông đã nghe những thông tin sai lệch.
– Thế những tội ác ghê tởm mà gã Trercaxov kia gây ra về mặt tình dục cho những đứa trẻ trai Do Thái thì là cái gì? Ông định bỏ qua mặt đó hay sao? Tôi không hiếu được ông đấy, ông Gordeev! Tại sao ông cố đánh lạc hướng tôi như vậy?
– Xin lỗi thiếu tướng, chưa có một bằng chứng nào là Trercaxov liên quan đến những đứa trẻ Do Thái. Gã bị tình nghi, tôi nhấn mạnh, tình nghi, là đã bắt cóc và giết em Oleg Butenco. Nhưng em là người Nga. Tôi chưa hiểu tại sao người ta lại bảo em đó là Do Thái.
– Chà, hay đấy, ông chưa hiểu. Theo lời một nhà báo có mặt trong cuộc họp vừa rồi thì gã Trercaxov tình nghi đã giết không chỉ Oleg Butenco, mà cả chín đứa trẻ trai. Đúng, Butenco là người Nga, nhưng tám đứa trẻ kia là Do Thái. Ông muốn im lặng chứ gì? Muốn thu thập đủ chứng cứ? Vậy ông cho tôi biết, nói cho cùng thì chuyện gì đã xảy ra? Tại sao một vụ nghiêm trọng như vậy mà ông giấu Bộ Nội vụ? Tại sao cho đến nay vụ án vẫn chưa được chính thức khởi tố? Sao ông dám tự tiện như thế?
Bao nóng giận trong lòng được xì ra hết, viên thiếu tướng đã bình tĩnh lại. Ông ta tức giận là đương nhiên, bởi trong cuộc họp báo cũng như trong phòng giấy Giám đốc Sở, ông ta chỉ là một người không biết gì hết, không biết cả cấp dưới của ông đang làm những gì. Nhưng do đã biết rõ đại tá Gordeev trong nhiều năm nay, viên thiếu tướng hiểu rằng, ở đây không phải chuyện ông đại tá vô kỷ luật hoặc làm chuyện khuất tất. Đại tá Gordeev là người không bao giờ giữ kín một vấn đề nào mà không có lý do vững chãi.
Đúng thế, đại tá Gordeev có lý do chính đáng, thiếu tướng Runenco thấy rõ như vậy, trong khi nghe viên đại tá chậm rãi kể. Theo các biểu hiện, thì gã đồng tính Trercaxov chỉ quan tâm đến hình dạng khi bắt cóc những đứa trẻ, còn chuyện chúng có phải Do Thái hay không, chỉ là ngẫu nhiên. Thí dụ một người đàn ông nào đó thích cưỡng hiếp các cô gái đẹp kiểu Turkmenia, thì không có nghĩa y gây tội ác với phụ nữ dân tộc Turkmenia. Trường hợp này cũng vậy. Tuy nhiên đây chỉ là một mặt của vấn đề, còn mặt khác nghiêm trọng hơn. Bây giờ vụ án này đã loang ra, tất nhiên Bộ Nội vụ phải có phản ứng.
– Tại sao ông chưa cho bắt gã Trercaxov? – Viên thiếu tướng hỏi, khi đại tá Gordeev kể xong.
– Chúng tôi cần tìm ra địa điểm gã nhốt những đứa trẻ trai kia. Chưa tìm ra được địa điểm ấy, chúng tôi chỉ có thể kết án gã về tội ăn trộm.
– Thì ra các điều tra viên của chúng ta đã quên cách hỏi cung bị can rồi hay sao? Họ không còn biết cách tiến hành khai thác nữa chứ gì? – Viên thiếu tướng cười chua chát – Hay ông định đợi đến lúc gã sắp sửa bắt cóc một đứa trẻ nữa, thì mới túm quả tang gã chứ gì? Đỡ phải mất công hỏi cung, vừa khó khăn vừa vất vả. Nhưng ông phải hiểu, ngày mai sẽ diễn ra chuyện gì? Sáng mai tất cả báo chí đều đưa tin trong thành phố Moxcva đang có một bọn chuyên săn lùng trẻ con Do Thái, vậy mà các cơ quan công an chỉ ngồi thúc thủ, im lặng nhìn cơn ác mộng kia. Đấy là ngày mai. Còn ngày kia, ông biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Ông không biết chứ gì? Vậy tôi nói để ông biết. Ngày kia sẽ xuất hiện một kẻ láu lỉnh, vu đây là bàn tay của những người cộng sản, bằng cách nhắc lại những cuộc đàn áp người Do Thái dưới thời Stalin và chính sách bài Do Thái dưới thời Brejnev. Các đảng viên cộng sản, không hề liên quan đến vụ này, sẽ làm ầm lên, đòi chính phủ phải giải thích chuyện này. Họ sẽ quả quyết rằng tất cả những chuyện đó chỉ là mưu đồ các đối thủ của họ trong cuộc chạy đua trước bầu cử. Cuộc bầu cử đang đến chân rồi, sẽ nổ ra một vụ bê bối lớn, lạy Chúa tôi! Và các ông sẽ không thể giải thích được tại sao các ông chưa bắt gã Trercaxov, mà vẫn để gã ung dung ngoài vòng tự do. Ông Gordeev, xin ông đừng thử thách lòng kiên nhẫn của tôi nữa. Sau đây một tiếng, trong khi chưa nổ ra tất cả những chuyện phức tạp kia, ông phải báo cáo cho tôi biết là đã bắt gã Trercaxov. Ông hiểu tôi nói gì rồi chứ?
– Tôi hiểu – Đại tá Gordeev lạnh nhạt nói – Nhưng tôi đề nghị thiếu tướng cho phép tôi được tự ý quyết định, lúc nào bắt gã có lợi nhất. Tôi cho rằng hiện nay còn quá sớm. Nếu thiếu tướng cho tôi biết tên vị nhà báo nắm quá nhiều thông tin kia, để tôi kiểm tra lại thì tốt quá. Tôi sẽ giải thích cho vị ấy hiểu tại sao chưa nên đưa những tin tức này ra công khai.
– Nhưng trong cuộc họp báo hôm nay tất cả đều là nhà báo! – Thiếu tướng Runenco lại quát – Tuy chỉ một nhà báo hỏi, nhưng tất cả đều nghe thấy! Sao? Ông định bịt miệng họ chăng? Tóm lại, ông Gordeev, không còn gì phải bàn nữa. Sau đây một tiếng đồng hồ, gã Trercaxov phải bị bắt. Đấy là mệnh lệnh.
– Đồng chí thiếu tướng, tôi vẫn kiên quyết giữ lập trường của tôi – Đại tá Gordeev xẵng giọng nói – Thiếu tướng phải hiểu rằng, vấn đề hiện nay là số phận những đứa trẻ đang bị nhốt kia, những đứa còn sống và chúng tôi đang cố tìm. Đây không phải sự trái tính hoặc ngoan cố, mà là sự quan tâm lành mạnh của một con người bình thường đến số phận những người vô tội khác. Rất có thể những đứa thiếu niên kia đang đau ốm, đang cần cứu chữa, và nếu gã Trercaxov không đích thân dẫn chúng ta đến đó, chúng ta sẽ phải tìm rất lâu, và khi tìm thấy, tôi e đã quá muộn.
– Nhưng theo tôi hiểu thì lúc này chính ông cũng chưa dám chắc là gã có giữ đứa trẻ nào kia mà? Vì ông chưa có bằng chứng nào về chuyện đó.
– Đúng thế, tôi chưa có. – Đại tá Gordeev thừa nhận.
– Hiện tôi mới chỉ nghi như thế thôi. Cho đến phút này, dựa vào tin báo của gia đình các nạn nhân thì có khả năng gã Trercaxov đang giữ bốn đứa. Nhưng chúng tôi chưa biết chúng còn trong tay gã hay đã bị thủ tiêu. Hiện chúng tôi đang rất khẩn trương thu thập tư liệu xung quanh việc chúng mất tích. Nếu chúng tôi có đủ bằng chứng rằng bốn đứa trẻ kia không còn trong tay gã Trercaxov, tôi sẽ quyết định bắt gã ngay. Chúng tôi đang nghĩ xem tìm bằng chứng tội ác của gã ở đâu và theo cách nào. Nhưng tôi phải biết chắc rằng việc bắt gã không gây tổn hại cho một đứa nào trong số thiếu niên kia.
– Thôi được – Viên tướng nói khẽ, ngón tay gõ xuống bàn vẻ trầm ngâm – Thôi, cũng được, ông đã thuyết phục được tôi. Sáng mai báo chí mới ra. Chí ít chúng ta cũng có thể đợi cho đến ngày kia. Nếu sáng mai báo chí chưa dưa tin gì, có nghĩa họ có thể đợi thêm một ngày nữa. Ông chú ý chuẩn bị sẵn, để khi có lệnh là bắt gã Trercaxov được ngay. Sáng mai, ông cử một người theo dõi lúc báo chí xuất hiện trên các quầy. Chỉ cần báo chí hở ra một tín hiệu nhỏ, ông phải cho bắt ngay gã Trercaxov. Ông hãy tin vào kinh nghiệm của tôi. Chỉ cần báo ra một tiếng rưỡi đồng hồ là lập tức một loạt cơ quan sẽ gọi điện chất vấn tôi. Lúc đó tôi có thể trả lời rằng tên Trercaxov đã bị bắt. Xong! Ông Gordeev, tôi không thể làm gì hơn cho ông. Nếu không vì kính trọng trình độ nghiệp vụ của ông, tôi đã không nhượng bộ như vừa rồi. Vậy là ta thông nhất chứ?
– Đúng thế, thưa thiếu tướng! – Đại tá Gordeev giập gót chân, quay người theo kiểu điều lệnh, đi ra phía cửa.
– Đại tá Gordeev! – Tướng Runenco gọi giật lại.
Đại tá lại quay gót chân theo kiểu điều lệnh, hướng về phía viên tướng, lập nghiêm:
– Có tôi, thưa thiếu tướng?
– Ông trình diễn tính kiên quyết của ông ở đây chẳng để làm gì, nên trình diễn ở nhà, dưới bếp của ông thì hơn. Thôi, ông đi.
Đại tá Gordeev khép cửa lại rất khẽ, vậy mà viên tướng tưởng như ông ta đóng sầm cửa lại với mình.
Lúc Naxtia ngồi trước mặt đại tá Gordeev, chị thấy ông ta mặt đỏ tía lên vì giận dữ.
– Trong chúng ta có đứa nào bép xép không biết? Tôi biết không phải chỗ tôi, và tôi hy vọng cũng không phải chỗ cô. Vậy là đứa nào? Trong bộ phận nào?
– Tôi xin loại trừ Corotcov và Colia – Naxtia đáp ngay – Tôi tin hai anh ấy như tin bản thân tôi.
– Nếu vậy thì đứa nào? Xvalov chăng?
– Có vẻ thế – Naxtia gật đầu – Ngoài ra không thể là ai khác.
– Thằng ngu! – Đại tá Gordeev hít một hơi, giận dữ nói – Nhưng thằng cha không hài lòng về chuyện gì? Nếu có thì cứ nói ra, cứ đưa ý kiến, cứ cãi, có sao đâu? Nhưng sao nó lại có thể làm như thế? Thôi, chuyện véo tai nó ta tạm gác lại đã. Bây giờ cô chạy ngay đến Vụ báo chí, lấy danh sách các nhà báo có mặt trong cuộc họp báo hôm nay, dò hỏi cho bằng được nhà báo nào đã đưa ra câu hỏi về Trercaxov. Chúng ta sẽ cố thuyết phục anh ta, nếu có thể được.
Nhưng tất nhiên cuối cùng là không được. Số đại diện các phương tiện truyền thông có mặt trong cuộc họp báo rất đông, không thể triệu tập họ và thuyết phục họ được. Chưa kể quá nửa số phóng viên đó không có mặt tại tòa soạn, thậm chí gọi điện liên lạc với họ cũng không nổi.
– Gay đấy – Đại tá Gordeev nói – Rất gay ấy chứ! Bản thân chúng ta có lỗi là đã quá tin vào thằng cha Xvalov. May mà tướng Runenco chưa nhắc đến vô tuyến truyền hình, ông chỉ nói đến các báo sẽ ra ngày mai. Mà trên vô tuyến truyền hình thường xuyên có chương trình công an. Các phóng sự về hoạt động của cảnh sát được họ truyền đi trên đủ các kênh. Cho nên ta đành chờ thôi, cô Naxtia ạ, xem ngày hôm nay có chuyện gì thêm. Khổ một điều là tất cả các báo chí lại chuyên săn lùng tin tức giật gân! Chỉ cần trưng ra một dòng chữ lớn, hé lộ một điều bí mật nào đó, thế là báo bán chạy như tôm tươi. Ngoài ra họ không cần thứ gì khác. Có lẽ đành phải bắt thằng cha Trercaxov chiều nay thôi. Lúc nào tôi ra lệnh. Còn bây giờ cô chạy đi, ba chân bốn cẳng vào, tìm cho được nhà báo nào có vẻ biết nhiều thông tin nhất về vụ của chúng ta. Rất có thể thằng cha Xvalov đã kể cho vị đó nhiều thông tin lắm. Chỉ cần ông ta không nói ra là được. Cô hiểu chứ?
Chí ít thì Naxtia cũng gặp may trong việc này. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, chị đã tìm ra được nhà báo kia. Ông ta là Lipartia, phóng viên một tờ báo hàng ngày nổi tiếng. Ông ta đang ngồi bình thản trong tòa soạn, chuẩn bị bài vở cho số báo ngày mai. Lipartia không hề tỏ ra thông cảm chút nào với người nữ thanh tra cảnh sát. Thậm chí ông ta còn có thái độ phản kháng và ngạo mạn đối với Naxtia.
– Xin ông vui lòng cho biết do đâu ông biết về vụ Trercaxov. – Naxtia nói, nhưng trên mặt Lipartia hiện lên rõ ràng thái độ là ông ta sẽ không nói điều chị yêu cầu.
– Tôi đoán rằng, nếu tôi hỏi bà lấy đâu ra những thông tin về tội phạm, hẳn bà cũng sẽ không trả lời chúng tôi chứ gì?
Naxtia hiểu được thôi. Mỗi người một chức trách, chị có chức trách của chị, ông ta có chức trách của ông ta. Và trong trường hợp này, hai lợi ích không trùng hợp với nhau. Lipartia ngồi trước mặt Naxtia với dáng vô cùng lịch sự và vô cùng ngạo mạn. Cặp mắt đen to lạnh lùng nhìn người nữ thanh tra, cặp mắt như trong tranh của họa sĩ Pirosmani. Lipartia rất đẹp trai và có vẻ biết rõ điều đó. Dù sao thì một phụ nữ ăn mặc xoàng xĩnh đến tòa soạn không thể gây một ấn tượng nào khác cho ông ta, ngoài nỗi bực dọc bị quấy rầy giữa lúc đang làm việc.
– Thưa ông, đúng là giấu kín một điều đã rõ ràng là chuyện vô ích. Xvalov đã kể ông nghe về vụ kia, bất chấp quy định tuyệt đối cấm để lộ ra những biện pháp điều tra và bình luận với bất cứ ai. Anh ta đã vi phạm kỷ luật công tác và sẽ nhận sự trừng phạt. Nhưng tôi đề nghị ông nghe tôi nói, bởi chúng tôi có những cơ sở vững chắc để chưa đưa vụ Trercaxov ra công khai. Ông là nhà báo, chắc chắn ông hiểu rằng, gây ra dư luận ầm ĩ một cách không có cơ sở về đề tài Do Thái sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào.
– Tôi không cho là không có cơ sở. Chuyện mấy đứa trẻ Do Thái kia bị chết đã đủ làm cơ sở. Bà không thấy như vậy sao?
– Không – Naxtia đáp dứt khoát – Tôi không thấy thế. Nếu xem con số thống kê, ông sẽ thấy không chỉ trẻ nhỏ Do Thái bị giết, mà trẻ nhỏ của tất cả mọi sắc tộc. Tất cả, không chừa một sắc tộc nào. Vậy mà tại sao hàng chục trẻ thuộc các sắc tộc Tretrnia, Acmenia, Tatar hoặc Lezgia chết lại không được các ông nói đến? Mà người Do Thái lại được các ông quan tâm? Họ khác gì các dân tộc khác? Hay số kiếp họ là phải chết vào tay bọn tội phạm? Hay vì đề tài Do Thái là một trong những đề tài nhạy cảm nhất khiến báo chí thích lao vào?
– Bà trách cứ chúng tôi vô ích. Và bà đừng thổi phồng. Vấn đề không chỉ là trẻ Do Thái bị chết do bàn tay bọn tội phạm, mà ở đây là về một tên điên loạn tàn bạo, thích giết chúng. Nếu tôi biết tên Trercaxov bắt cóc, hãm hiếp và giết trẻ con Tatar hoặc Lezgia, tôi cũng sẽ phản ứng đúng như thế.
– Tôi không tin. Các ông không hề nói đến trẻ Tatar hoặc Nga, bởi không đem lại lợi lộc gì cho các ông. Đối vổi các ông, điều đem lại lợi lộc là trẻ Do Thái. Có thể khai thác chuyện về chúng để viết những bài tường thuật sôi sục, lời lẽ to tát. Ông đừng cho tôi là con ngốc, thưa ông Lipartia. Làm những việc thiếu suy nghĩ chín chắn, ông sẽ đẩy chúng tôi đến chỗ phải bắt tên tội phạm ngay trong ngày hôm nay, trong khi chúng tôi mới có rất ít bằng chứng chống lại hắn. Ngày mai trên báo chí sẽ xuất hiện những bài báo giúp cho Trercaxov hiểu rằng chúng tôi đang săn lùng gã. Chỉ xin ông nghĩ về một điểm thôi, là gã đang nhốt mấy đứa thiếu niên kia tại một nơi nào đó. Nếu gã vào nhà giam, ai sẽ nuôi chúng? Hiện chúng tôi chưa biết chúng bị nhốt ở đâu, chính vì vậy mà chúng tôi còn để gã Trercaxov ngoài vòng tự do, hy vọng gã sẽ dẫn chúng tôi đến địa điểm kia. Nếu có chuyện gì xảy ra với bọn trẻ chúng tôi sẽ đau lòng biết chừng nào, thưa ông Lipartia. Và tôi nghĩ lương tâm ông cũng như lương tâm Xvalov cũng phải chịu nỗi dằn vặt ấy.
– Giới cảnh sát các vị chuyên đổ lỗi cho người khác – Lipartia cười khẩy – Còn chuyện trong tám tháng qua, tên Trercaxov đã giết một loạt thiếu niên mà không bị ngăn chặn thì lỗi tại ai? Cũng lỗi của tôi chắc? Bộ máy cảnh sát quang vinh của chúng ta suốt tám tháng qua làm công việc gì? Tại sao không đi tìm hắn? Tại sao để hắn giết tới chín đứa trẻ?
– Thưa ông Lipartia, có thể đặt ra một câu hỏi khác với ông được không?
– Mời bà.
– Ông tốt nghiệp phổ thông trung học năm nào?
– Chuyện ấy liên quan gì ở đây? – Lipartia ngạc nhiên.
– Xin ông cứ trả lời câu tôi hỏi, nếu không phiền gì.
– Năm bảy mươi tư.
– Rồi sau đó, ông nhập ngũ hay học đại học?
– Đại học. Tôi chưa hiểu bà hỏi những câu đó làm gì?
– Chính tôi cũng không hiểu – Naxtia cười – Có lẽ vì tôi đoán khi ngồi ghế trường trung học, ông là đoàn viên Thanh niên Cộng sản hăng hái, và lên đại học ông còn tham gia Ban chấp hành nhà trường nữa. Tôi đoán không lầm chứ?
– Có thể… Bà đoán đúng. Tại sao bà đoán được?
– Vì tôi nghe cách lập luận của ông. Ông không muốn nghe lý lẽ của người khác, ông chỉ một mực bảo vệ lý lẽ của ông. Cho nên ông không dùng cách tranh luận, mà dùng cách phát lên những câu chữ to tát. Cách này hoàn toàn khác cách tranh luận để tìm ra sự thật, nhưng có lợi là bịt được miệng đối phương rất nhanh. Đó là thủ pháp của loại cán bộ Đoàn thể cổ hủ. “Anh không thể tham gia lao động ngày thứ Bảy vì con anh ốm và không có ai trông nó chứ gì? Nhưng anh biết không, bên Triều Tiên, trẻ nhỏ còn chết đói ấy chứ!” Đại loại là như thế. Ông tha lỗi là tôi đã làm mất thời giờ của ông. Chúc ông mọi sự tốt lành.
Ra ngoài đường, Naxtia ân hận là đã nói hơi mạnh. Lẽ ra ta chẳng nên đánh vào lòng tự ái của ông ta, một nhà báo. Sau đây, hẳn ông ta sẽ viết một bài, trong đó lên án giới cảnh sát thô lỗ, nhất là nữ cảnh sát. Thôi được, cho ông ta nói.
Chiều hôm đó, gã Trercaxov bị giải đến Sở Cảnh sát thành phố Moxcva. Việc bắt gã rất dễ dàng, không vấp trở ngại nào. Một là vì được chuẩn bị kỹ càng. Hai là vì gã không hề chống cự, và nhà hắn không có vũ khí. Được tin ấy, Naxtia bỗng cảm thấy sự thất bại đã trước mắt. Tuy cảm giác chỉ mơ hồ nhưng làm chị rất buồn. Khi một tên tội phạm tình nghi phạm những tội tầy đình mà lại cho cảnh sát bắt dễ dàng như vậy thì đúng là một dấu hiệu không hay ho gì.
Hai điều tra viên Corotcov và Colia thẩm vấn gã. Naxtia ngồi trong phòng làm việc của chị chờ kết quả. Đại tá Gordeev cũng chưa về nhà mặc dù đã hơn chín giờ tối. Họ gọi điện cho nhân viên mang những thứ thu được trong căn hộ của gã Trercaxov.
– Các băng hình vẫn nằm nguyên tại chỗ. Hai gói thuốc lá tẩm chất marihuana, một ít cocain. Ngoài ra không có gì nữa.
– Còn metedrin? – Naxtia cảnh giác hỏi.
– Không có. Chỉ có marihuana và cocain thôi. À, còn có cuốn nhật ký trong đó ghi chép đủ các chuyện tình ái.
Thế là tạm được rồi, Naxtia thầm nghĩ. Nếu trong nhật ký của gã có ghi mọi thứ thì rất có thể có cả cái địa chỉ chết tiệt kia.
Hai điều tra viên vất vả với gã Trercaxov đã hai tiếng đồng hồ, nhưng chưa khai thác được gì thêm. Vụ ăn trộm băng hình gã Trercaxov thú nhận ngay, nhưng sau đấy gã không chịu nhận thêm tội gì nữa.
Mười giờ, đại tá Gordeev bước vào phòng làm việc của Naxtia. vẻ mặt mệt mỏi và bối rối, ông nói:
– Cô về nhà đi, Naxtia. Muộn lắm rồi. Sáng mai cô sẽ biết kết quả. Tuy nhiên tôi linh cảm thấy gã sẽ không chịu khai gì thêm. Ta nên đưa gã vào phòng tạm giam cho gã ngủ. Chúng ta cũng nghỉ thôi. Sáng mai tỉnh táo ta làm việc tiếp. Những ngày qua, chính vì quá mệt mà chúng ta không đẩy công việc lên được.
– Họ sắp đem đến đây cuốn nhật ký của gã – Naxtia phản đối – Hẳn trong đó có nhiều chi tiết chúng ta đang cần. Tôi muốn xem cuốn nhật ký đó.
– Mai cô xem. Cần biết kiên nhẫn chờ đợi. Cô nên tập thói quen đó. Thôi, sửa soạn mà về đi. Nhớ gọi điện cho Alecxei đem xe ra đón cô ngoài ga xe điện ngầm.
– Không cần đâu, thưa đại tá. Tôi tự đi lấy được, không sao đâu.
– Cô về đến ga “Selcovxcaia” thì đã mười hai giờ đêm. Cô gọi điện ngay bây giờ đi cho tôi nhìn thấy. Cô đừng bắt tôi phải lo lắng thêm chuyện này nữa. Lỡ cô bị chúng cướp hoặc giết thì sao? Tất nhiên tôi chỉ lo chuyện ấy cho cô thôi. Nào, gọi đi.
Naxtia thở dài, đành nhấc máy.
Đêm đó Naxtia không ngủ được. Gần sáu giờ sáng, chị hiểu rằng nằm trên giường thêm nữa chẳng ích gì. Naxtia nói chung không quen kiểu này. Thông thường sáng ra chị ngủ say sưa và dậy một cách khó khăn.
Naxtia khẽ ra khỏi giường, cô không làm chồng thức giấc, tắm, uống cà phê rồi mặc quần áo. Nhưng Alecxei vẫn thức dậy.
– Em đi đâu mà sớm thế? – Anh ngạc nhiên hỏi, giọng ngái ngủ, rồi thò tay ra khỏi chăn, với đồng hồ báo thức.
– Em phải đi. Chưa biết kết quả, em chưa thể làm gì được. Chiều qua bọn em bắt giữ tên tội phạm đã bắt cóc những đứa trẻ. Em muốn biết gã khai những gì.
– Anh hiểu – Alecxei gật đầu – Hôm qua trên vô tuyến truyền hình có đưa tin gì đại loại về vụ đó. Nói chung, họ rất phẫn nộ thấy cho đến giờ tên tội phạm chưa bị bắt. Em có thể kiện vô tuyến truyền hình tội vu khống và bắt họ bồi thường một khoản đấy.
– Nếu em có quyền thì không phải chỉ bắt họ bồi thường mà em còn bắn chết họ nữa ấy – Naxtia uất giận nói – Họ làm hỏng hết mọi việc. Tại sao họ không ưa cảnh sát nhỉ? Chuyện vu khống cảnh sát là lười biếng, trình độ kém. Nhưng thôi, em phải đi đây.
Thông thường, khi Naxtia đi làm, các toa xe điện ngầm đều chật cứng. Bao năm nay, chị quen lách giữa đám đông hành khách, chịu xô đẩy tứ phía, nhưng hầu như không để ý đến chuyện đó. Nhưng hôm nay chị đi rất sớm, các toa vắng tanh, thậm chí có thể nằm xuống đọc sách báo được. Naxtia chọn chỗ góc toa, giở tờ báo chị vừa mua trong quầy dưới ga xe điện ngầm. Đúng như chị dự đoán. Các báo đưa tin chỉ khác nhau về mức độ giọng văn kêu gọi độc giả quan tâm đến vấn đề Do Thái. Và tất cả các bài đều nhắc đến tên gã Trercaxov. Thật là lạ, sao báo chí không sợ đưa tin sai lệch? Họ túm lấy những tin tức chưa được thẩm tra, không cần biết từ đâu ra, rồi đưa lên mặt báo. Họ hoàn toàn không thèm nghĩ xem những tin tức ấy đúng hay sai. Mà không phải chỉ sai, còn vu khống, lăng mạ. Mà tội này có ghi trong bộ luật hình sự. Chà, giả sử nữ thanh tra Naxtia Camenxcaia đã lầm, con người tên là Mikhail Trercaxov không có liên quan gì đến cái chết của những đứa trẻ kia. Cảnh sát sẽ phải xin lỗi anh ta và chỉ phạt anh ta về tội ăn trộm băng hình. Rồi đây anh ta sẽ kiện các nhà báo về tội dám khẳng định trên báo chí rằng anh ta là tên điên loạn tàn bạo, đã giết những đứa trẻ vô tội kia. Vì trên báo chí nêu rõ tên anh ta mà lại. Khi đó sẽ ra sao? Chị thấy ý tưởng này là mới lạ. Ngồi trong trại cải tạo, Trercaxov rỗi rãi, bèn viết hết đơn này đến đơn khác kiện về tội vu khống anh ta, và đòi bồi thường danh dự. Còn đám nhà báo thì vấy tội lên đầu Xvalov, bảo cậu ta là đại diện cơ quan công an cho nên báo chí tin vào cậu ta. Nghe cậu ta nói ra thì họ mới viết chứ. Tại sao họ còn phải hồ nghi nữa? Chà, trong tình huống như thế, không biết thằng cha Xvalov sẽ đối phó thế nào? Có thể hắn bảo rằng hắn chỉ nói đùa cho vui. Hoặc hắn chối băng. Hoặc hắn đổ lỗi cho đại tá Gordeev và nữ thanh tra Naxtia, vì hai người này khẳng định với hắn, rằng thủ phạm là Trercaxov…
May mà tất cả những thứ đó chỉ là mộng tưởng. Gã Trercaxov sẽ không kiện ai hết. Gã sẽ không buộc tội các nhà báo. Họ viết sự thật. Gã đúng là tên giết người. Đúng gã đã giết chín đứa trẻ trai kia. Mà biết đâu, có thể không phải chỉ chín đứa, mà nhiều hơn nữa.
Naxtia Camenxcaia vào ngành công an ngay sau khi tốt nghiệp khoa luật trường Đại học Tổng hợp. Năm đó chị hai mươi hai tuổi. Tính đến ngày hôm nay, nghĩa là chỉ còn tháng rưỡi nữa Naxtia tròn ba mươi sáu, thì thâm niên trong ngành cảnh sát chưa cao và kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Trong những năm qua, có đủ mọi thứ, sai lầm và thất bại, cũng có những thất vọng cay đắng nhưng cũng có những thành công, tất nhiên. Nhưng trường hợp như vụ Trercaxov này, Naxtia chưa gặp bao giờ. Không thiếu gì một trường hợp, bắt xong một tội phạm, qua thẩm vấn lại lòi ra nhiều chi tiết khác, và vụ án chuyển sang một hình dạng khác hẳn. Nhưng một vụ như thế này..
Trong suốt ngần ấy năm công tác, chưa lần nào Naxtia rơi vào tình huống, sau khi bắt một đối tượng tình nghi, sự thật lại hoàn toàn không phải như thế. Tất nhiên diễn biến hiện ra trong việc phán đoán của chị không bao giờ hoàn toàn trùng hợp với diễn biến trong thực tế. Bao giờ cũng có những khác hiệt, đôi khi khá lớn. Nhưng chưa bao giờ như lần này.
Sau khi thú nhận tội ăn trộm băng hình, gã Trercaxov rất lâu không chịu nhận tội gì khác. Naxtia đến sở từ sáng sớm, vậy mà Corotcov đã lại tiếp tục thẩm vấn gã rồi. Cho đến kho ảng mười một giờ trưa, cuộc thẩm vấn vẫn giậm chân tại chỗ. Quả là đáng ngạc nhiên đối với một bị can chưa hề có kinh nghiệm tiếp xúc với cơ quan công an và chưa được tôi luyện qua những cuộc thẩm vấn kéo dài. Trercaxov không hề xấu hổ về cách sinh hoạt tình dục của gã, và gã một mực yêu cầu không buộc phải nói thêm về chuyện đó. May mà điều khoản trong bộ luật hình sự về tình dục đồng giới đã được huỷ bỏ, và gã nói không hề cưỡng ép ai.
– Anh có nhận ra khuôn mặt này không?
Corotcov đặt trước mặt gã tấm ảnh một thiếu niên da nâu, mắt đen được trích từ một khuôn hình phim rồi phóng to theo lối cận cảnh.
– Có – Trercaxov điềm tĩnh đáp – Đây là một diễn viên Italia, tôi rất thích diễn viên này. Ông đã biết rằng tôi ăn trộm toàn những băng hình có phim anh này đóng vai.
– Còn khuôn mặt này anh cũng biết chứ?
Vừa nói, Corotcov vừa đặt trước mặt gã tấm ảnh của em thiếu niên Oleg Butenco. Gã Trercaxov hít một hơi rất sâu rồi mặt gã dần dần đỏ ửng. Gã hơi lùi lại một chút, bàn tay bấu chặt đầu gối.
– Tôi biết trước mà. Đây là một trường hợp không may.
– Anh nói rõ hơn đi, nếu không thấy ngại. – Corotcov nhã nhặn nói, chuẩn bị nghe khúc đầu của lời khai man.
– Cậu Oleg này sa đọa từ trong xương tủy. Khi lần đầu gặp và quen tôi, cậu ta đã từng buôn bán ma túy. Và bản thân cậu ta cũng dùng ma tuý. Cậu ta đến ở nhà tôi, nhất định không chịu về với gia đình, thậm chí không chịu ra khỏi nhà tôi, sợ tình cờ gặp phải người quen. Cậu ta không biết gia đình đã báo cảnh sát và người ta đang tìm cậu. Oleg ở nhà tôi khoảng ba tháng thì một hôm đi làm về, tôi thấy cậu ta đã chết. Cậu ta thử các loại ma tuý, trộn lẫn vào nhau, và chết vì dùng quá liều. Tôi còn làm gì được nữa? Tôi không thể giải thích với ai việc cậu tạ tự nguyện đến nhà tôi ở, và đã chung sống hạnh phúc với tôi trong liền ba tháng! Khi tôi hiểu ra là không thể cứu được, tôi đem xác cậu ta ra bỏ ngoài ngoại thành.
– Anh vui lòng cho biết, Oleg kiếm ở đâu ra ma tuý? Anh mua cho cậu ta phải không?
– Không đâu, ông nói gì lạ vậy? Oleg chích nhiều lăm, tôi đâu đủ tiền mua cho cậu ta? Số ma túy Oleg dùng là do cậu ta tự mang đến. Chính tôi cũng không hiểu cậu ta làm thế nào tích cóp được ngần ấy ma túy. Tôi nghi Oleg đã lấy của bọn buôn bán ma túy một số lượng lớn rồi trốn biệt trong nhà tôi. Nhưng đấy chỉ là tôi đoán, còn Oleg không chịu kể gì với tôi.
– Lúc chết, Oleg đã dùng hết số ma túy mang đến, hay còn để lại một phần?
– Loại ma túy mạnh và đắt tiền thì Oleg đã dùng hết.
– Loại nhẹ và rẻ thì còn?
– Loại nhẹ và rẻ thật ra không đáng gọi là ma túy. Cậu ta chỉ để lại hai bao thuốc lá tẩm marihuana, là thứ cậu ta đem theo nhưng chưa dùng, kêu nhẹ quá. Cậu ta bảo thứ đó chỉ dành cho những người mới nghiện. Cả một ít cocain. Oleg có rất nhiều cocain. Chắc ông đoán được tại sao rồi.
– Tại sao? – Corotcov hỏi.
– Người ta chích cocain là khi muốn hưởng cảm giác tình dục thật mạnh. Khách của Oleg trước kia đều là những người coi làm tình là lạc thú hết sức quan trọng. Hoặc chỉ đơn giản là những người thích cảm giác mạnh nói chung. Tình dục trở thành một ngành kinh doanh, và Oleg từ lâu đã lăn lộn trong ngành kinh doanh ấy.
– Anh là người đầu tiên làm tình với cậu ta?
– Ông nói gì lạ vậy? – Thậm chí nói câu ấy, Trercaxov còn cười – Oleg kiếm ăn bằng nghề mại dâm đồng tính từ năm mười hai tuổi. Tôi đã nói rằng cậu ta sa đọa từ trong xương tủy.
– Được rồi, ta tiếp tục. Anh kiếm metedrin ở đâu?
– Xin lỗi, tôi chưa hiểu.
Trercaxev hơi nghiêng đầu, nhìn Corotcov, có vẻ chưa hiểu.
– Tôi hỏi anh kiếm metedrin ở đâu? Bởi anh bảo khi chết, Oleg chỉ để lại hai bao thuốc lá tẩm marihuana, và một ít cocain.
– Tôi không có thứ đó. Điều này tôi không hiểu. Quả là Oleg có chích metedrin, nhưng sau khi chết cậu ta không để lại chút nào.
– Anh chắc chắn trong nhà anh không có metedrin chứ?
– Chắc chắn. Nhưng cũng có thể Oleg giấu ở chỗ nào đó trong nhà tôi… Các ông tìm thấy à? Quả thật tôi không biết – Gã Trercaxov gân mặt nói – Tôi thề là hoàn toàn không biết.
Khốn nỗi khi khám nhà, cảnh sát không tìm thấy metedrin, mà Oleg chết lại là do chích thứ ma túy này. Cả Oleg Butenco lẫn tám cậu trai kia đều chết do chích metedriri.
– Ta tiếp tục – Corotcov nói – Cậu thứ hai sau Oleg là ai?
– Ông định nói là tôi cặp bồ đồng tính với ai ấy à?
– Tạm cho là như thế – Corotcov gật đầu – Cậu thứ hai cũng ở nhà anh chứ?
– Không. Sau khi Oleg chết, tôi không cho ai ở nhà tôi nữa.
– Thế trước khi Oleg chết?
– Sao lại thế được?
Gã lại dướn cằm lên hỏi, vẻ chưa hiểu.
– Vì có thể cùng một thời gian với Oleg, còn có một cậu trai khác. Thậm chí không chỉ một.
– Ông điên à? Nếu ông cho rằng ý thích về tình dục của tôi có quái đản đi nữa thì ông cũng không có quyền lăng mạ tôi và coi tôi như chủ nhà chứa. Tôi rất gắn bó với Oleg. Tôi rất yêu cậu ấy, nói để ông hiểu, nếu ông có thể hiểu được. Chính vì thế, sau khi Oleg chết, tôi không đưa cậu trai nào về nhà nữa.
Corotcov cho gã nghỉ, ăn trưa ngay trong phòng tạm giam, rồi sang phòng làm việc của Naxtia. Chị đang đọc cuốn nhật ký của Trercaxov, càng đọc càng hoang mang.
– Thế nào? – Corotcov hào hứng hỏi và thoải mái đỡ tách cà phê đang uống dở trên tay Naxtia, đưa lên miệng nốc một hơi hết nửa tách – Cô có thu thập được chi tiết nào thêm để tôi sử dụng trong cuộc thẩm vấn buổi chiều không?
– Corotcov ạ, tôi thấy khó hiểu quá – Naxtia bối rối đáp – Ngoài vụ ăn trộm, gã còn nhận thêm tội gì nữa không?
– Mới thú nhận về thằng bé thứ nhất, Oleg Butenco. Gã quả quyết rằng đấy là trường hợp không may. Rằng Oleg tự chích quá liều và chết. Và nói chung thằng bé đến ở nhà gã là tự nguyện, nó lẩn trốn bọn buôn ma túy vì đã lấy cắp của chúng một số lượng lớn. Còn trong nhật ký, cô đọc có phát hiện được gì không?
– Anh nghe tôi đọc nhé.
Tôi mê cậu ta. Cậu ta là sự kết hợp kỳ lạ giữa hình dáng xinh đẹp, thứ làm tôi mê mẩn, với một thói sa đọa đến mức không thể tưởng tượng nổi. Nhìn làn da nâu tinh khiết của cậu ta, cặp mắt to rực sáng, hàng lông mày dài cong, làn tóc dầy quăn, tôi muốn trào nước mắt vì yêu mến. Cái mủi thẳng, đôi môi tuyệt đẹp, cái cằm tròn trĩnh tạo cho cậu ta một sắc đẹp thiên thần, lộ ra một niềm đam mê tình dục tự nhiên, chưa bị văn minh làm biến dạng. Một nhan sắc như thế khiến tôi không dám đụng đến. Nhưng cậu ta lại có một vẻ thèm khát kích động tôi, một sự thèm khát rất con trẻ, giống như khi chúng nhìn một cái kẹo. Cậu ta say mê làm tình, bởi lúc đó cậu ta được hưởng khoái cảm. Tôi may mắn biết bao được gặp và kết thân với cậu ta! Không một người đàn bà nào có sắc đẹp như thế, khao khát tình dục như thế, mà vẫn giữ được một chất tinh khiết như cậu ta. Hắn phải có một điều bí mật vĩnh hằng, khiến đàn ông giữ được tinh khiết, trong khi đàn bà nhanh chóng bị vấy bẩn. Đàn bà bẩn ngay từ khi còn nhỏ tuổi…
Đúng là một mối tình cao cả.
– Còn với những đứa trẻ khác? Cũng là tình yêu?
– Những đứa khác thì không. Đấy là điều lạ. Cuốn nhật ký này được bắt đầu viết từ rất lâu, có nhiều đoạn rất riêng tư, thầm kín, qua đó có thể thấy quá trình phát, triển tâm lý của gã Trercaxov này. Gã có người tình đồng giới cả trước lẫn sau Oleg Butenco. Nhưng không về người tình nào gã viết những lời tha thiết như về Oleg. Vì vậy, tôi chợt nghĩ, tại sao gã chỉ viết về cậu ta, mà hầu như không viết gì về những đứa trẻ khác? Oleg Butenco khác những đứa trẻ kia ở chỗ nào?
– Có thể ở mức độ sa đọa chăng? – Corotcov đưa ra ý kiến – Oleg chết là do tự cậu ta thật, không ai đầu độc cậu ta, và trong tình huống này, gã Trercaxov không thấy có điều gì nguy hiểm đối với gã. Còn những cậu trai khác chết do gã giết, cho nên gã không ghi chép gì về chúng.
– Tuy nhiên tôi vẫn thấy khó hiểu – Naxtia gần như tuyệt vọng đấm mạnh xuống cuốn nhật ký – Nếu gã Trercaxov này thật sự yêu Oleg, yêu đến mức sùng bái, tại sao gã còn cần đến những đứa con trai khác? Để làm gì? Cho đến lúc Oleg chết, gã đã quan hệ tình dục với ba đứa con trai như thế. Tôi không hiểu được!
– Naxtia! Chính cô nhận định gã Trercaxov là tên điên loạn. Có thể hắn có một logic khác với logic của chúng ta, tôi và cô.
– Không đâu, Corotcov – Naxtia nói rất khẽ – Gã không phải kẻ điên loạn, gã chỉ là một kẻ vô đạo đức. Đúng như thế, bởi gã để cho Oleg sống chung với gã. Rồi khi biết gia đình cậu ta báo cảnh sát và đi tìm cậu ta gã vẫn mặc kệ. Bố mẹ Oleg phát điên phát rồ, già sọm đi vậy mà gã Trercaxov vẫn giấu kín Oleg trong nhà gã, giúp cậu ta tránh được sự truy lùng của cảnh sát và bọn buôn bán ma túy, chỉ vì rốn Oleg tròn trĩnh hơn những đứa trẻ khác. Xem chừng gã Trercasov vô cùng đau khổ, bởi gã mê hình dạng của Oleg đến mức gã ăn trộm những băng hình kia. Nhưng gã không điên loạn. Tôi đã đọc rất kỹ nhật ký của gã, trong đó không hề có lời nào đụng đến tội ác, không chỗ nào lộ ra một cách tư duy bệnh hoạn.
– Còn vụ ăn cắp? Đấy không phải một biểu hiện của tư duy điên loạn hay sao?
– Hình như ngược lại thì phải. Đúng là gã không thể mua nổi tất cả mười bốn băng hình kia, vì quá đắt. Gã kiếm tiền đâu được nhiều, cho dù gã phải làm cả ngoài giờ, buổi tối, ngày nghỉ. Người đàn ông hôm trước chẳng nói với cậu và tôi là gì? “Misa không từ chối ai bao giờ, nửa đêm gọi, anh ta cũng dậy để làm giúp”. Gã Trercaxov kiếm tiền nhưng theo cách hợp pháp. Gã cần tiền để thỏa mãn những mối quan hệ tình dục đồng giới của gã. Quần áo, quà tặng, kể cả trả tiền cho những người phục vụ gã. Còn lại rất ít tiền để gã sinh sống. Chúng ta thấy căn hộ của gã, đồ đạc tồi tàn, tủ áo thảm hại. Gã không đủ sức mua những băng hình kia. Nhưng gã lại thèm được ngắm người diễn viên Italia trong đó. Cậu hiểu chưa? Gã quá si mê. Có thể đấy là kiểu con trai duy nhất gã thích, gợi cho gã hứng tình. Corotcov, tôi hồ nghi quá. Càng suy nghĩ tôi càng có cảm giác không phải gã.
– Không phải sao?
– Gã không phải thủ phạm những vụ bắt cóc thiếu niên kia.
– Vậy thủ phạm là ai?
– Làm sao tôi biết được? – Naxtia nhún vai – Một kẻ nào khác. Trong này mọi thứ đều không giống như tôi vẫn hình dung.
– Cô tin chắc như thế?
– Chưa chắc lắm. Tôi chưa tin chắc vào điều gì, và tội chưa hiểu ra sao cả. Các chi tiết không ăn khớp nhau.
– Cô bỏ cái ý nghĩ ấy đi, Naxtia – Corotcov nói dứt khoát – Gã Trercaxov đang khai man. Chúng ta sẽ làm cho gã phải khai thật. Tôi và Colia sẽ làm cho bằng được. Rồi cô xem.
– Cầu Chúa phù hộ cho như thế. Nhưng tôi có linh cảm là chúng ta đã đoán sai.
– Cô bỏ ngay cái ý nghĩ ấy đi – Corotcov khuyên – Cô có gì cho tôi ăn một chút thì hơn là bàn chuyện này. Tôi đang đói meo.
– Bánh quy nhé?
– Tốt quá rồi. Cô lấy nhiều nhiều một chút. Và làm ơn pha cho tôi ít cà phê.
Naxtia cắm phích đun nước và lấy trong tủ ra một hộp tròn to bánh quy. Chị rất thèm cách suy nghĩ lạc quan của Corotcov, nhưng hoảng sợ thấy ngay rằng niềm lạc quan của anh ta chính là dựa vào nhận định của chị. Xưa nay Corotcov mang định kiến, cho rằng Naxtia không bao giờ lầm. Tuy Naxtia cũng nhiều lúc nhận định sai, giống như mọi người khác, nhưng không hiểu sao, Corotcov vẫn luôn tin vào cách suy nghĩ, phán đoán của người nữ thủ trưởng phòng trọng án. Anh ta quên những lần Naxtia nhận định sai, nhưng lại rất nhớ những lần chị nhận định đúng và đã thành công. Nếu Naxtia Camenxcaia đã nhận định Trercaxov là tên điên loạn thì dứt khoát là đúng như thế. Còn gã chưa thú nhận chỉ là vấn đề thời gian. Cứ vặn thì cuối cùng gã sẽ phải phun ra hết, không còn chạy đi đường nào. Bây giờ thấy Naxtia hồ nghi, Corotcov lại cho đấy là sự nghiêng ngả rất bình thường. Trercaxov đích thị là thủ phạm. Điều này chỉ cần chứng minh nữa thôi.
– Anh biết tôi nghĩ thế nào không? – Naxtia đăm chiêu nói, lúc đưa Coroteov tách cà phê nóng – Nếu quả thật kẻ bắt cóc mấy đứa trẻ kia không phải Trercaxov, thì ta lại tận dụng luôn điều này. Một khi đám nhà báo làm cái trò đê tiện kia, gây sức ép buộc chúng ta phải bắt gã, thì kẻ thủ phạm đích thực kia hẳn sẽ nghĩ rằng chúng ta đã yên chí Trercaxov là thủ phạm. Rất có thể hắn thôi không đề phòng, và sẽ phạm một sơ suất nào đó.
– Cô suy nghĩ khôn ngoan đấy – Corotcov tán thành – Nhân nói về đám nhà báo. Cô đã nói gì với thằng cha Xvalov chưa?
– Chưa. Nhưng anh hỏi để làm gì?
– Còn làm gì nữa? Bắt nó phải cắt nghĩa tại sao nó cung cấp tin tức cho Lipartia. Phải chỉnh bộ óc nó, đồng thời chặt hai chân nó.
– Không cần, Corotcov – Naxtia cười chua chát – Vô ích. Chẳng khác gì nói với tên giết người rằng giết người là xấu. Anh tưởng tên giết người không biết rằng làm thế là tốt hay xấu hẳn? Hắn thừa biết. Cũng như Xvalov thừa biết hắn kể ra điều bí mật nội bộ là đê tiện. Nhưng hắn vẫn làm, bởi hắn thấy làm thế có lợi cho hắn. Còn nếu chúng ta dạy luân lý cho hắn thì chỉ vô ích. Mất thời gian và công sức vào đấy làm gì? Dù sao Xvalov cũng không làm việc trong tổ chúng ta nữa. Mục đích của hắn không phải là làm việc với chúng ta, cho nên ta có tuyên bố ầm ĩ là loại hắn ra, hắn cũng chẳng lấy thế làm buồn.
– Nhưng tại sao hắn làm như thế? Cô biết chứ?
– Tôi không biết nhưng tôi đoán được. Làm việc với chúng ta, hắn thấy bị vướng chân. Anh không thấy xe của hắn sang trọng như thế nào à? Anh đã thấy hắn nói chuyện bằng điện thoại di động hàng tiếng đồng hồ và về những chuyện gì rồi chứ? Xvalov đang cần làm thêm để kiếm tiền, hắn thiết gì việc phá án này nọ. Vậy mà chúng ta lại bắt hắn làm suốt đêm ngày, cả ngày nghỉ. Thế là hắn đẩy nhanh tốc độ, cho chúng ta tụt hậu. Hắn đã tính chán chê cách đối phó. Thứ nhất, hắn sẽ chối phăng. Còn nếu Lipartia phản thùng, tố cáo hắn thì hắn sẽ nước mắt đầm đìa nói rằng hắn uống quá nhiều rượu, nên nói lăng nhăng những gì chính hắn cũng không nhớ. Xin các đồng chí cứ thi hành kỷ luật. Tôi hứa lần sau sẽ không phạm khuyết điểm như thế nữa. Chúng ta làm gì được hắn nào? cảnh cáo? Đuổi khỏi vị trí hiện nay? Chuyển sang công tác khác? Hắn càng thích. Hắn làm gì cũng được, miễn là có thời giờ rảnh rỗi để làm ngoài, kiếm thêm. Thế đấy.
– Dù sao hắn cũng là thằng đê tiện. – Corotcov nói.
– Tất nhiên rồi. – Naxtia thở dài nói.
Sau khi bắt Trercaxov, việc thu thập thông tin về gã được tiến hành khẩn trương hơn nhiều, bởi bây giờ không còn phải sợ gã biết nữa. Càng nhiều thông tin thu được, Naxtia càng thấy “không phải gã”. Cuối ngày thứ ba, khi phải quyết định vấn đề có nên giam thêm gã hay nên thả, thì nhận định của Naxtia đã hiển nhiên.
Vụ án Trercaxov được giao cho dự thẩm Olsanxki. Trong khi Corotcov rất khó từ bỏ ý nghĩ rằng Trercaxov là thủ phạm, thì sau khi nghiên cứu các dữ liệu, ông dự thẩm lại thấy rõ rằng Trercaxov không liên quan đến vụ bắt cóc số trẻ trai kia. Mặc dù đánh giá khá cao Naxtia Camenxcaia, ông dự thẩm không nghĩ như Corotcov, rằng chị không thể phạm sai lầm.
– Có thể cô nhận định quá mức chăng, Naxtia Camenxcaia? – Viên dự thẩm hỏi, lúc Naxtia đến Viện Kiểm sát – Có thể không hề có vụ những đứa trẻ Do Thái, mà chỉ có những vụ tách riêng, mỗi đứa trẻ là một vụ riêng rẽ. Có thể như thế không?
– Anh nói vừa đúng mà vừa không đúng. Quả là không có vụ “những đứa trẻ trai Do Thái”, điều này tôi hoàn toàn tán thành. Nhưng những đứa trẻ trai này bị mất tích và bị chết thì rõ ràng đều do một bàn tay. Điều này không còn phải hồ nghi. Trong vụ này còn có một điều gì đó chúng tôi chưa hiểu và chưa biết. Và tôi e chính điều chúng ta chưa biết đó mới chính là chìa khóa của vụ án. Xin anh ngó thử – Naxtia đặt lên bàn, trước mặt viên dự thẩm chín tấm ảnh của chín cậu thiếu niên bị giết, và bên cạnh đó là tấm hình của người diễn viên Italia – Trercaxov đã thú nhận việc gã ăn trộm băng hình và vụ gã dính với Oleg Butenco. Khuôn mặt và thân hình của người diễn viên Italia giống hệt Oleg Butencoi. Ngoài ra, chúng tôi còn biết mối tình kéo dài giữa gã Trercaxov với một nam giới có hình dạng đúng như thế này. Ta có thể kết luận gã thích loại con trai có hình dạng giống như vậy. Điều này cũng lại không thể hồ nghi. Đó không phải chỉ là ý thích, mà là cả một mối cảm tình, một niềm si mê mang tính điên loạn. Anh có thể tin rằng, cũng trong lúc đó, trong một thành phố nào đó, xuất hiện một người đàn ông tình dục đồng giới, thích một cách bệnh hoạn một kiểu con trai giống hệt những đứa trẻ này không? Còn một bằng chứng nữa, là cả Oleg Butenco lẫn số trẻ da nâu mắt đen kia, chết vì chích quá liều cùng một chất ma túy. Anh có thể tin vào chuyện đó được không?
– Tôi có thể tin – Viên dự thẩm Olsanxki nói – Tôi, giống như thanh tra Brao trong truyện hình sự của Chexterton. Chắc cô còn nhớ, có người hỏi ông ta bằng cách nào đoán ra được thủ phạm đã dùng cách thức nào tiến hành vụ án. Brao trả lời rằng, muốn thế phải tự đặt mình vào hoàn cảnh của tên tội phạm, thử suy nghĩ và xúc cảm như hắn. Nói cách khác, phải tạm thời “biến thành” kẻ tội phạm, cũng suy nghĩ độc ác và vô đạo đức như hắn. Liệu một linh mục vốn là người được coi là khuôn mẫu về đạo đức, nhân hậu và trong sạch có thể làm một việc xấu xa, tội lỗi đến như vậy không? Vậy mà linh mục Brao trả lời rằng: có thể. Linh mục vẫn có thể làm một việc như thế. Tôi cũng vậy. Thậm chí tôi có thể làm một việc tưởng như không thể làm. Tôi chưa thấy ở đây bằng chứng nào khiến tôi có thể đồng ý bắt y. Chưa đủ bằng chứng. Nếu cô muốn, tôi có thể đề nghị Viện Kiểm sát ký lệnh giam giữ y về tội ăn trộm. Ít nhất thì y cũng đã thú nhận tội này. Nhưng tôi không dám bảo đảm là bên Kiểm sát chấp thuận. Chưa có đủ cơ sở để giam giữ y. Tội của y không nặng lắm, y đã thành khẩn thú nhận, số của mất trộm đã được thu hồi và ta có thể trả lại cho chủ cũ. Muốn ký lệnh bắt giam, cần phải nói dối kiểm sát viên rất nhiều thứ, và phải thuyết phục ông ta rất lâu. Làm như thế là tự hạ mình, mà tôi thì rất không muốn tự hạ mình.
– Vậy ta làm thế nào bây giờ, anh Olsanxki. Nhưng ta không thể thả gã ra. Lỡ gã có tội thật thì thả như thế rất nguy hiểm, vì nếu thủ phạm là kẻ khác thì hắn sẽ cảnh giác. Hiện nay tên thủ phạm tạm gọi là “giấu mặt” kia đã biết chúng ta nghi cho Trercaxov, nên hắn đang yên tâm. Hắn rất muốn chúng ta tin rằng Trercaxov là thủ phạm, bởi vậy hắn không cần phòng bị gì nữa. Điều này rất quan trọng.
– Tại sao?
– Bởi vì trong khi Trercaxov còn nằm trong nhà giam, thì tên tội phạm đích thực không dám bắt cóc ai, giết ai. Nếu Trercaxov được tha ra, có nghĩa chúng ta biết là đã bắt lầm. Tên thủ phạm đích thực sẽ cảnh giác hơn, nhưng hắn lại không cần phải ngừng các vụ bắt cóc.
– Sao lại thế, Naxtia?
– Vì trong khi gã Trercaxov đang bị giam, nếu xảy ra một vụ bắt cóc kiểu đó nữa, chúng ta sẽ biết thủ phạm không phải Trercaxov, sẽ thả gã ra. Chúng ta chuyển hướng điều tra và tên tội phạm đích thực kia rất có nguy cơ bị bại lộ. Cho nên trong khi Trercaxov còn nằm trong nhà giam, chúng ta có thể yên tâm là sẽ chưa có một vụ bắt cóc thiếu niên kiểu kia xảy ra. Tên tội phạm đích thực sẽ chỉ giữ kín những đứa thiếu niên hắn đã bắt cóc, chứ không bắt cóc thêm đứa nào nữa để nhốt vào hậu cung của hắn.
– Tôi hiểu – Dự thẩm Olsanxki đăm chiêu gật đầu – Tôi hiểu ý của cô, Naxtia ạ.
– Đấy là chưa kể, nếu chúng ta thả Trercaxov, báo chí lại vớ được món ăn ngon để có dịp làm ầm lên vu cho chúng ta là bất lực: một tên điên loạn tàn bạo chứng cứ đã rõ ràng như thế mà cơ quan cảnh sát không có biện pháp bắt gã thú nhận. Bởi các nhà báo, ba trăm phần trăm tin rằng thủ phạm những vụ bắt cóc kia chính là Trercaxov. Báo chí sẽ tha hồ bêu riếu chúng ta, trong khi chúng ta lại chưa thể công bố chính thức rằng Trercaxov không phải thủ phạm.
– Nhưng làm sao báo chí biết được? Cô sẽ nói ra chăng?
– Không phải tôi mà là Trercaxov. Được thả ra, gã sẽ lập tức đến tất cả các tòa soạn rêu rao ầm lên là gã bị bắt oan, và đòi các báo đưa tin về gã phải xin lỗi đã đưa tin sai, dám vu cho gã là thủ phạm vụ bắt cóc thiếu niên kia. Phải nói rằng gã nói thế là đúng.
– Tôi hiểu.
Dự thẩm Olsanxki đứng phắt dậy, mở tủ lấy áo mưa. Đã bao nhiêu năm nay, Naxtia vẫn lấy làm lạ, một người đàn ông đẹp trai như Olsanxki mà tại sao không bao giờ chịu ăn mặc cho hẳn hoi, thậm chí đến cái kính đeo mắt cũng quá xấu xí. May mà thời gian gần đây ông ta chịu thay cái kính khác, khá hơn một chút, trông còn đỡ giống ông già kế toán hưu trí nghèo khổ trong một bộ phim chị đã xem.
– Cô đi với tôi. Tôi sẽ trực tiếp thẩm vấn gã – Olsanxki vừa nói vừa cài khuy áo mưa – Phải làm rõ chuyện này kẻo đầu óc tôi không còn nghĩ được chuyện gì khác.
Hai người đến Sở Cảnh sát thành phố Moxcva. Naxtia định nhường phòng làm việc của chị cho dự thẩm Olsanxki và vào làm việc trong phòng máy tính, nhưng viên dự thẩm không chịu.
– Gã phản ứng với cô chứ không phải với tôi – Ông nghiêm nghị nói – Tôi sẽ không nhận lỗi thay cô đâu. Cô cũng phải ngồi lại đây.
Gã Trercaxov trông mệt mỏi và đau khổ, nhưng gã vẫn giữ thái độ bình thản. Tuy rất ghét gã, nhưng Naxtia vẫn phần nào thán phục gã. Rõ ràng con người này đã phải chịu bao nỗi nhục nhã do khuynh hướng tình dục của gã khác với quan niệm chính thống trong xã hội. Do đấy gã đã tự rèn được một thái độ điềm tĩnh, tự trọng trong mọi trường hợp.
– Ông Trercaxov – Dự thẩm Olsanxki bắt đầu nói – Tính đến tối nay là ông bị tạm giam đã bảy mươi hai tiếng đồng hồ, cũng là lúc tôi phải quyết định, giam giữ ông hay trả tự do cho ông. Bởi vậy, tôi cần hỏi ông một số điều và nghe ông trả lời.
– Tôi bị kết vào tội gì? – Đột nhiên Trercaxov hỏi – Tội ăn trộm hoặc còn tội nào khác?
– Hiện nay mới chỉ là tội ăn trộm – Dự thẩm Olsanxki dè dặt đáp – Nhưng có một số vấn đề ông cần biết.
– Những vấn đề gì?
– Ông bị tình nghi phạm một loạt tội nặng.
– Lạy Chúa, tôi đã trình bày hết cả rồi…
– Đúng thế, tôi biết. Trách nhiệm của ông trong việc giúp Oleg Butenco trốn gia đình và tội sử dụng chất ma tuý. Tuy nhiên về mặt luật pháp hai tội đó có thể được châm chước. Oleg là trẻ vị thành niên, nên khó có thể buộc ông vào tội nuôi cậu ta. Nhưng hôm nay chúng ta nói đến chuyện khác. Sau khi Oleg Butenco mất tích, còn tám thiếu niên khác cũng bị mất tích giống hệt trường hợp Oleg. Ông phải hiểu rằng chúng tôi có cơ sở để nghi ông dính líu đến những vụ ấy. Hơn nữa, tôi phải xin lỗi ông trước, giám định y khoa cho thấy những đứa trẻ bị chết kia đã tiến hành những hoạt động tình dục đồng giới rất mãnh liệt. Do đấy chúng tôi cần tìm hiểu vấn đề của Oleg Butenco và của tám đứa trẻ kia. Có một mối liên quan là Oleg và tám đứa trẻ bất hạnh kia đều có chung hình dạng kiểu ông thích. Cũng là kiểu hình dạng của em trai vợ cũ của ông, của người diễn viên Italia trong những băng hình ông ăn trộm.
– Tôi không thấy có mối liên quan nào. – Trercaxov điềm tĩnh bác bỏ.
Naxtia quan sát gã Trercaxov, nhận thấy gã không có vẻ sợ sệt khi bị viên dự thẩm hỏi đến những chuyện ấy. Gã chỉ chăm chú nghe và cố hiểu, nhưng không hiểu được. Quả là gã không hiểu.
– Ông thấy không có mối liên quan nào?
– Không. – Gã Trercaxov khẳng định.
– Nếu vậy, ông hãy xem những tấm ảnh này.
– Ai đấy?
– Ông nhìn kỹ vào.
Trercaxov nhấc từng tấm ảnh lên, xem rất chăm chú, rồi trả lại cho viên dự thẩm. Không một cơ bắp nào trên mặt gã nhúc nhích.
– Ông cố tình lựa những tấm ảnh này phải không? Vì những đứa trẻ này rất giống nhau, như anh em ruột. Vậy chúng là những ai?
– Đấy chính là ảnh tám đứa trẻ tôi vừa nói đến. Chúng chết đều do chích quá liều chất metedrin, trước đó đều đã mất tích một thời gian dài, thậm chí đã được cơ quan cảnh sát kiếm tìm theo yêu cầu của gia đình chúng. Tất cả tám đứa đều giống hệt Oleg Butenco. Ông có thể cắt nghĩa tại sao được không?
– Chịu. Tôi không cắt nghĩa được – Trercaxov nói dứt khoát – Nhưng tôi hiểu ông dự thẩm định nói gì rồi. Quả là tôi thích kiểu con trai có hình dạng như thế này. Thậm chí có thể nói, tôi chỉ thích duy nhất loại con trai có hình dạng như thế. Loại khác tôi không thích. Các nhân viên cảnh sát đã thu thập thông tin về tôi và biết trong mấy năm qua tôi quan hệ với những ai. Rất ít người có hình dạng đúng như vậy, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì. Ông nên hiểu rằng con người ta gặp nhau, chung sống với nhau có khi trong một thời gian dài, nhưng không cứ phải có hình dạng mà mình thích, trong khi mình chỉ thật sự rung động khi gặp được đúng loại đó. Khi đó con người ta làm những trò bậy bạ, đôi khi rất nguy hiểm. Vậy là các ông nghi tôi bắt cóc tám đứa trẻ kia và giết chúng?
– Hiện nay trong chúng tôi còn có hai nhận định khác nhau – Dự thẩm Olsanxki cười – Một số nghi cho ông, một số khác cho rằng không phải ông. Cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi và chúng tôi đang gấp rút tìm thêm thông tin để có thể đi đến kết luận.
– Riêng ý kiến ông thì thế nào, thưa ông dự thẩm?
– Tôi chưa có ý kiến, vì chưa đủ thông tin. Trong trường hợp này tôi là người đứng giữa phân xử hai nhóm ý kiến đối lập nhau. Tôi còn phải nghe thêm lập luận và chứng cứ của mỗi bên rồi mới có thể có kết luận, vẫn còn thời gian, vì đến hai mươi hai giờ không không, thời hạn bảy mươi hai giờ cho phép tạm giam mới chấm dứt. Bây giờ mới là, – Ông ta xem đồng hồ – mười bảy giờ ba mươi. Tôi còn được hai tiếng rưỡi nữa để quyết định.
Naxtia lắng nghe viên dự thẩm thẩm vấn, vừa cảm phục vừa biết ơn. Olsanxki không nói cụ thể ai, mà chỉ nói chung chung “hai ý kiến khác nhau”, đồng thời vẫn giữ thái độ khách quan, thực sự cầu thị.
– Tôi không phạm tội ấy. Tôi có thể làm gì để chứng minh? Các ông cần những dữ liệu gì để tin rằng tôi vô tội?
– Ông có thể giúp chúng tôi. Bây giờ tôi đề nghị ông hãy nghe cho kỹ và bình tĩnh, ông Trercaxov. Nếu thấy tôi nói câu nào, chữ nào xúc phạm ông, đề nghị ông đừng vội giận dữ, mà chịu khó theo dõi dòng suy nghĩ của tôi. Ông tạm gạt cảm xúc cá nhân sang một bên. Được không?
– Được, thưa ông dự thẩm.
– Mỗi người chúng ta có một “sự thật” của mình. Ông cũng vậy, tôi cũng vậy và cả bà Naxtia Camenxcaia đây cũng vậy. Ông biết chính xác ông có tội hay không có tội. Có nghĩa ông biết “sự thật” của ông, và rất có thể ông ngạc nhiên thấy tại sao sự thật rõ ràng đến như thế mà mọi người không nhìn ra. Nhưng đấy là chuyện bình thường. Và ông phải chấp nhận tình trạng đó. Ông không thể bắt mọi người phải tin lời ông nói. Bởi biết đâu ông nói dối? Ngay khi thuê băng, ông cũng đã khai man tên họ đấy thôi. Mà đấy chỉ là một việc nhỏ. Còn việc trọng đại thì càng khó tin ông được. Cho nên ông không nên uất giận khi bị chúng tôi nghi ngờ. Khám phá vụ án là trách nhiệm của chúng tôi, và trong quá trình điều tra chúng tôi phải thu thập mọi thông tin liên quan, rồi thẩm tra, đối chiếu. Và không hiếm trường hợp chúng tôi nghi oan. Có trường hợp tòa đã xử rồi, mà khi thấy kết tội lầm, vẫn phải xử lại kia mà. Tuy nhiên chúng tôi cố gắng chính xác đến mức tối đa, cố không để ai bị kết tội oan, và mỗi khi phạm sai lầm, chúng tôi rất khổ tâm. Sau đây hai tiếng rưỡi đồng hồ, tôi phải quyết định vấn đề, giam giữ ông hay thả ông ra. Tôi nói thành thật, là cho đến giờ, chưa có đủ chứng cứ kết luận ông là thủ phạm vụ đó. Tuy chưa có chứng cứ trực tiếp, nhưng có chứng cứ gián tiếp.
– Sao chưa đủ chứng cứ mà các ông đã bắt tôi?
– Chúng tôi bắt ông về tội ăn trộm. Và trong ba ngày qua, đã có đủ bằng chứng kẻ lấy trộm băng hình chính là ông, và ông cũng đã thú nhận. Ông sẽ bị đưa ra tòa về tội ấy. Nếu hôm nay chúng tôi thả ông ra, cũng chỉ là tạm thời, cho đến ngày xét xử. Nhưng nếu muốn giam giữ ông, chúng tôi phải thấy được rằng ông đáng bị tình nghi trong vụ bắt cóc và giết thiếu niên kia. Nếu chúng tôi chưa thu thập đủ chứng cứ kết tội ông, thì chúng tôi cũng phải thấy có nhiều khả năng ông là thủ phạm.
– Tôi đã nói rồi, tôi không phải thủ phạm.
– Tôi nghe thấy rồi. Bây giờ ông hãy nghe cho kỹ lời tôi nói. Ông bảo ông không có tội, nhưng tôi căn cứ vào đâu mà tin ông được? Ông đã biết rồi đấy, báo chí đưa tin ông bị tình nghi liên quan đến vụ bắt cóc và giết những thiếu niên kia. Chính vì vậy mà chúng tôi buộc phải bắt ông, chứ thật ra chúng tôi chưa muốn bắt, vì chưa đủ bằng chứng. Nguyên nhân là do một thông tin lạc vào tay nhà báo, thế là họ làm ầm lên trên trang báo, trên vô tuyến truyền hình, buộc chúng tôi phải bắt ông. Nhưng chúng tôi bắt ông về tội ăn trộm băng hình, có nghĩa – không phải hoàn toàn không có cơ sở. Bây giờ ông hãy nghe cho thật kỹ. Nếu ông không phải thủ phạm vụ giết người kia, và chúng tôi thả ông ra, tên thủ phạm đích thực sẽ hoảng sợ và hủy mọi dấu vết. Còn nếu ông bị giam thì hắn yên trí rằng cảnh sát không quan tâm đến hắn nữa. Đấy là điều tôi muốn nói với ông.
– Nghĩa là chưa nên thả tôi?
– Đúng thế.
– Nhưng sao báo chí lại biết về tôi? Ai cho họ biết?
– Lỗi tại tôi. – Naxtia đã hiểu dự thẩm Olsanxki giữ chị ở đây để đóng vai kịch nào rồi. Mà phải thôi, chị cũng có phần lỗi trong việc rò rỉ tin tức.
– Bà cho họ biết?
– Không phải tôi, mà là một nhân viên của tôi. Tuy nhiên tôi phải nhận một phần trách nhiệm.
– Và bây giờ các vị yêu cầu tôi ở lại nhà giam? Không. Không đời nào!
– Tôi đề nghị với ông một phương án khác. Ông không phải quay lại nhà giam, nhưng cũng chưa về nhà. Chúng tôi sẽ cách ly ông ở một chỗ.
– Nếu tôi không đồng ý thì sao?
– Thì rất đáng tiếc. Vì nếu thấy ông được thả ra, tên thủ phạm đích thực kia sẽ tiếp tục gây tội ác, hoặc hắn sẽ cao chạy xa bay, khi đó chúng tôi sẽ rất khó hy vọng tìm được hắn. Ông có muốn như thế không?
– Còn nếu tôi chịu ở lại đây?
– Thì ông không phải nằm trong nhà giam, nhưng ông vẫn được tính thời gian trừ vào thời hạn giam giữ do tòa phán quyết sau này, khi đó trên thực tế chẳng còn mấy. Hay ông muốn sau khi tòa tuyên án, thi hành đầy đủ bản án, và nằm trong trại giam một thời gian dài? Vì sau đây, tiếng là giam nhưng chỉ là cách ly, vẫn để ông sống tương đối thoải mái. Tùy ông chọn.
– Ông dồn tôi vào chân tường đấy, thưa ông dự thẩm. Ông biết tôi không phải thủ phạm, và thế là ông ép tôi…
– Tôi không ép, mà để ông tự chọn một trong hai phương án ấy.
Suy nghĩ một lát, cuối cùng gã Trercaxov đồng ý phương án “cách ly tự nguyện”, chỉ đòi một điều kiện là sau khi kết thúc vụ án, cơ quan công an công bố công khai là gã vô tội, và không nói với ai về vụ gã ăn trộm.
Kết quả là Trercaxov bị giải về nhà tạm giam để ngồi đó cho đến đúng mười hai giờ đêm.
Khi gã Trercaxov bị giải đi, và cửa phòng làm việc của Naxtia khép lại, viên dự thẩm cởi khuy áo vét. Sơ-mi của ông ướt đẫm mồ hôi.
– Tôi với cô đi chọn cái nghề khốn khổ này. Thẩm vấn bị can một tiếng đồng hồ vất vả bằng dỡ cả một va-gông hàng. Cô thấy sao, Naxtia Camenxcaia?
– Vừa rồi, tôi thấy anh quá giỏi.
– Thôi đi, bây giờ không phải lúc để tâng bốc nhau. Vậy là tôi phải đưa ra những lý lẽ nặng cân để Viện Kiểm sát chịu ký lệnh giam giữ Trercaxov.
Dự thẩm Olsanxki đã hoàn thành công việc một cách xuất sắc, ông bình thản chào Naxtia rồi ra về. Còn lại một mình, Naxtia hít mạnh một hơi thật sâu. Vậy là thủ phạm không phải Trercaxov. Cuộc điều tra coi như phải làm lại từ đầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.