Bà Bovary

Chương 1



Gustave Flaubert là nhà văn bắc cầu giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển Pháp nửa đầu thế kỷ XIX với Stendhal, Balzac, và chủ nghĩa hiện thực phê phán hiện đại Pháp kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với Anatole France, Romain Rolland, Roger Martin du Gard…

Ông sinh năm 1821 tại Rouen, là con một thầy thuốc ngoại khoa có danh vọng của thành phố. Thuở bé sống trong khung cảnh của một nhà thương, theo học trung học ở tỉnh nhà, đến năm 1840 thì ông lên Paris theo học luật và sống ở đó đến năm 1846. Ông sớm có xu hướng về văn học cho nên ở Paris ông kết giao nhiều với giới văn học. Sau khi cha ông mất và tiếp theo là một cô em gái chết, bản thân ông lại bị bệnh thần kinh, vì vậy, theo yêu cầu của mẹ, ông về ở ấp riêng Croisset gần Rouen. Gần suốt đời ông sống ở đó, theo đuổi sự nghiệp văn chương, gặp gỡ các nhà văn nổi tiếng đương thời như Émile Zila, Goncourt, ThéoPhile Gautier, Guy de Maupassant,… và cả nhà văn Nga nổi tiếng Turgenev. Chỉ thỉnh thoảng ông mới vắng Crosset, hoặc đi Paris, hoặc đi du lịch, như hai lần ông sang Algérie (Bắc Phi) để lấy tài liệu viết tiểu thuyết. Năm 1880, ông mất tại Croisset.

Cả sự nghiệp sáng tác của Flaubert, cũng như thế giới quan của ông, mang dấu ấn sâu sắc của một thời kì lịch sử đặc biệt ở Pháp và ở châu Âu nói chung: ở Pháp là thời kì nền Quân chủ tháng bảy với Louis Philipe, ông vua của bọn con buôn, và nhất là, sau cuộc Cách mạng 1848, là bóng sương mù của nền Đế chính thứ hai tối phản động; ở châu Âu nói chung là thời kì sau Cách mạng 1848 mà Lenin đã xác định trong bài báo nổi tiếng Để kỉ niệm Herzen (1912), thời kỳ mà “tinh thần cách mạng của phái dân chủ tư sản đã suy vong, trong khi đó tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa chưa tới lúc già dặn”. Cuộc Cách mạng 1848 thất bại làm chín muồi sự khủng hoảng của xã hội tư sản, đó là sự kiện quan trọng nhất nó quyết định những nét đặc trưng trong thế giới quan của Flaubert được phản ánh đầy đủ vào sự nghiệp sáng tác của ông.

* * *

Flaubert bắt đầu công việc từ những năm 40 của thế kỷ XIX, lúc ông còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng thời kì trưởng thành và phong phú của ông bắt đầu từ những năm 50 trở đi. Nhất là những năm 50 và 60, là lúc thắng thế của nền đệ nhị Đế chính với tay hoàng đế phiêu lưu Napoléon III, mà tất cả tính chất đê hèn của nó đã bị Flaubert bóc trần trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

Năm 1849, Flaubert đọc bản thảo đầu của tác phẩm tượng trưng Sự cám dỗ của Thánh Antoine (La tentation de Saint-Antoine) cho các bạn nghe, họ không che giấu sự thất vọng của họ và khuyên ông từ bỏ những đề tài cao siêu để hướng về cuộc sống hiện tại. Một người bạn mách với ông một đề tài rút ra từ một chuyện thời sự là vụ ngoại tình và tự tử của vợ một viên thầy thuốc, Flaubert nghe lời và viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Bà Bovary (Madame Bovary), xuất bản năm 1856. Cuốn tiểu thuyết nói lên sự phản kháng của cá nhân chống lại những quy tắc xã hội và đạo đức của thế giới tư sản chật hẹp và giả dối, đồng thời vạch ra sự tan vỡ của những ảo tưởng thơ mộng lãng mạn mà cá nhân khao khát hạnh phúc đặt vào cái thực tại tư sản tầm thường và hèn kém.

Sau tiểu thuyết Bà Bovary, Flaubert chuyển sang một đề tài lịch sử với cuốn tiểu thuyết Salammbô (1862). Giá trị của cuốn tiểu thuyết lịch sử này không phải chỉ ở những chi tiết lịch sử phong phú của nó mà chủ yếu là ở chỗ tác giả đã ý thức được trong lòng xã hội cổ đại Carthage mâu thuẫn và cuộc đấu tranh giữa những lực lượng xã hội khác nhau. Tác phẩm cũng đồng thời vạch ra tấn bi kịch của tình yêu chân thật, như một giấc mộng đẹp, bị chà đạp bởi những lực lượng tàn bạo, dã man.

Sau Salammbô, Flaubert lại quay trở lại một đề tài hiện đại với cuốn tiểu thuyết Giáo dục tình cảm (L’ Education sentimentate -1869). Kế tục truyền thống tiểu thuyết của Stendhal, tác phẩm kể lại tiểu sử bi đát của một thanh niên trong xã hội tư bản, mà kì thực đó là số phận chung của cả một thế hệ thanh niên thời kì 1840-1870 mà bao nhiêu chí khí đều tiêu tan đến trở thành vô nghệ và cô dụng trong cuộc sống tư bản mốc meo, hèn kém; đồng thời, cũng như tiểu thuyết Bà Bovary, nó nói lên rằng tình yêu đẹp đẽ, chân thật chỉ có trong ước mơ, không thể có được trong cái thực tại xã hội tầm thường, màu xám đó.

Ngoài ba cuốn tiểu thuyết lớn trên đây còn đáng chú ý tác phẩm Sự cám dỗ của Thánh Antonie mà Flaubert viết lại và xuất bản năm 1874, một thi phẩm triết lý bằng văn xuôi sặc mùi hoài nghi chủ nghĩa và bi quan chủ nghĩa; tập Ba truyện ngắn (Trios contes – 1877) trong đó truyện Một tấm lòng chất phác (Un cœur simple) viết theo phong cách của Bà Bovary và hai truyện kia viết theo phong cách của Salammô; cuối cùng là tiểu thuyết bỏ dở Bouvard và Pécuchet (Bouvard et Pecuchet) xuất bản năm 1881, nói lên sự bế tắc của nền văn minh và khoa học tư sản… Sau hết, cũng phải kể đến tập thư từ đồ sộ trong đó tất cả quan điểm nghệ thuật của Flaubert được bộc lộ rõ ràng.

* * *

Rõ ràng là Gustave Flaubert đã tiếp tục truyền thống tố cáo không thương xót xã hội tư sản của các nhà hiện thực phê phán nửa đầu thế kỉ XIX như Stendhal, Balzac. Nhưng đồng thời, ở ông cũng có những đặc điểm khác với các nhà văn trên do thời đại lịch sử quyết định, đó là đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán cổ điển bắt đầu đi vào bước suy thoái của nó.

Trước hết, do chỗ giai cấp tư sản, sau cuộc Cách mạng 1848 và trong thời kỳ Đế chính thứ hai, đã mất hết khả năng cách mạng của nó để trở thành một giai cấp hoàn toàn phản động, Gustave Flaubert đã đạt tới mức tố cáo xã hội tư sản triệt để hơn, cao hơn cả những nhà văn hiện thực trước ông. Trong tác phẩm của ông, vắng bóng hoàn toàn bất cứ một ảo tưởng nào đối với đời sống thực tại. Chủ đề chủ yếu trong các tác phẩm của Flaubert là sự tan vỡ đau đớn của những mộng đẹp, như của Emma (Bà Bovary), hay của Frédéric Moreau (Giáo dục tình cảm), thậm chí cả trong tiểu thuyết lịch sử như mối tình giữa Salammbô và Matho (Salammbô). Nhưng, khác với tiểu thuyết lãng mạn, và cũng chống lại chủ nghĩa lãng mạn, Flaubert vạch trần cái tầm thường ngay trong bản thân những ước mơ, những mộng đẹp lãng mạn. Thái độ của Flaubert hoàn toàn không khoan nhượng đối với bất cứ mưu toan nào định phủ một tấm màn lãng mạn lên trên cái thực tế nghiêm khắc của hiện thực xã hội. Ở tiểu thuyết của Flaubert không những nhân vật anh hùng mang những dục vọng mãnh liệt kiểu Rastignac (Tấn trò đời) hay Julien Sorel (Đỏ và đen), mà là những con người bình thường, hay nói đúng hơn, tầm thường, kiểu Bà Bovary hay như Frédéric Moreau sống luẩn quẩn, vô dụng, đớn hèn trong ánh ngày mờ xám của xã hội tư sản. Và Flaubert đi tới phủ nhận cả nền văn minh tư sản, ông chỉ ra cái nghèo nàn, bế tắc và sự xuống dốc của mọi lực lượng trí tuệ, sự sa đoạ về nhân cách trong các giới trí thức tư sản mà điển hình là tay dược sĩ Homais (Bà Bovary). Thậm chí, Frédéric Moreau và bạn là Deslairiers (Giáo dục tình cảm), sau cả cuộc đời dài, khi cùng nhau nhìn lại quá khứ, đã kết luận rằng, chung qui chỉ có cái buổi nào, lúc là học trò trung học, họ rủ nhau vào nhà chứa, là tốt đẹp hơn cả trong cuộc đời của họ!

Nhưng, cũng chính ở điều trên đây mà nổi bật một điểm khác trong sáng tác của Flaubert, đó là chủ nghĩa bi quan và chủ nghĩa hoài nghi của ông. Khác với Stendhal và Balzac còn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVIII, Flaubert không còn tin tưởng ở lý trí con người nữa: lý trí, theo ông, hoàn toàn bất lực. Trong tiểu thuyết Bouvard và Pécuchet ông đi tới kết luận rằng mọi ý nguyện của con người để đạt đến nhận thức là nực cười và vô hiệu; và trong thi phẩm bằng văn xuôi Sự cám dỗ của Thánh Antoine, ông muốn hoà mình với thế giới vật chất, thế giới động vật cấp dưới. Ông khước từ lý trí vì lý trí làm cho con người đau khổ, bắt họ nghi ngờ hết thảy. Flaubert tuyên bố thế giới sẽ sụp đổ, và chẳng cò gì ngăn trở nó được! Như vậy cái âm vang bi thảm trong tiểu thuyết của Flaubert không chỉ do chỗ nó mô tả thực tại đen tối trước mắt mà còn ở chỗ nó thiếu hẳn một viễn ảnh về xã hội tương lai. Flaubert vạch trần cái tầm thường của những mơ mộng lãng mạn tư sản nhưng ông không tìm thấy trong thực tại một cái gì khả dĩ đối lập với những mơ mộng đó, ông không tìm ra ở đâu một yếu tố tích cực nào để bù đắp vào lỗ hổng, và cũng ở điểm này ông khác với Stendhal và Balzac, tuy ở hai nhà văn này viễn ảnh về tương lai không hoàn toàn là đúng đắn. Sở dĩ như vậy, một mặt là vì Flaubert đã nâng cái thối nát của thực tại tư sản lên thành cái tuyệt đối, ông không xem nó theo một quan điểm lịch sử mà lại coi nó như một hiện tương vĩnh viễn và phổ biến cho cả loài người. Ông kêu lên một cách thất vọng: “Ở đâu tìm thấy cái kiêu hãnh cho con người, lòng tin ở sự sáng tạo của họ, sự khâm phục trước cái đẹp? Phải chăng tất cả đều tan bỡ, phải chăng ở tất cả mọi lồng ngực đầy sự bẩn thỉu phổ biến, ở đó người ta bơi ngập đến tận cổ?” và ông kết luận “Cái bóng khổng lồ của gã tư sản đã che lấp cả thế giới”. Mặt khác, khi cự tuyệt giai cấp tư sản, Flaubert cự tuyệt cả nhân dân, ông coi sự phản ứng với xã hội tư sản chỉ là sự phản ứng bên trong, đóng khung lòng người mà khả năng còn nhiều. ông không biết đến đấu tranh của quần chúng, ông miệt thị phong trào cách mạng của giai cấp vô sản, như khi ông mô tả cuộc Cách mạng 1848 trong tiểu thuyết Giáo dục tình cảm.

Tư tưởng bi quan của Gustave Flaubert ảnh hưởng sâu sắc tới quan điểm mỹ học của ông. Vì quan sát thế giới tư sản và đi tới kết luận chẳng có gì đẹp trong đời sống thực tại, Flaubert vô hình chung đi tới một thứ quan niệm “nghệ thuật thuần tuý”, nghệ thuật phi xã hội gần với quan điểm của phái Thi sơn (Parnasse) đương thời. Theo ông, chỉ còn một địa hạt duy nhất trong cái đẹp, tuy chỉ cục bộ, có thể thực hiện được, đó là nghệ thuật, vì “trong tất cả mọi ảo tưởng, nó ít ảo tưởng nhất”. Nhưng cái đẹp tách khỏi cuộc sống thực tại chỉ có thể là cái gì trừu tượng, đứng lên trên cuộc sống. Từ đó, Flaubert đi tời khẩu hiệu “tháp ngà” của nghệ sĩ. Ông kêu gọi nghệ sĩ rút vào đó: “Chúng ta hãy đóng cửa lại, hãy leo lên càng cao càng hay, tới tháp ngà của chúng ta, đến bậc cuối cùng, gần với trời; ở đó đôi khi lạnh, nhưng chẳng phải là sự đau khổ, trái lại anh trông thấy ánh rực rỡ của sao và chẳng nghe thấy tiếng những kẻ ngu xuẩn”.

Song, mặc dầu thế, sẽ sai lầm nếu chúng ta xếp Gustave Flaubert vào hàng ngũ của phái Thi sơn hay của các trường phái suy đồi bắt đầu xuất hiện ở thời kì này. Mặc dầu thế, Flaubert vẫn thuộc cái dòng hiện thực chủ nghã chân chính nửa đầu thế kỷ XIX với những yếu tố mới như trên đã nói. Không thể quên rằng chủ nghĩa bi quan thất vọng của Flaubert là tất yếu khi mà bản thân giai cấp tư sản đã hết vai trò cách mạng và trở thành lực lượng cản trở, kìm hãm sự phát triển của xã hội, mà bản thân Flaubert lại không tin vào khả năng cách mạng của quần chúng, của giai cấp vô sản. Và cũng không nên quên rằng những quan điểm nghệ thuật của Flaubert, hay, nói đúng hơn, những lời tuyên bố về nghệ thuật của ông trước hết là xuất phát từ sự phản kháng, lòng căm thù sâu sắc của ông với cái xã hội tư sản đê hèn và trắng trợn. Lòng căm thù đó là một chất men gây sự sống ở ông. “Nếu ở tôi mất sự căm thù đó” – ông viết, – “thì tôi trở thành con rối mà người ta giật dây”. Mà cũng chính sự căm thù đó đã khiến những sáng tác của Flaubert trở thành những mẫu mực xuất sắc của một nền nghệ thuật chân thực. Và, trên thực tế sáng tác, con người chủ trương leo lên “tháp ngà” ấy vẫn bị cuộc sống thực tại kéo xuống. Flaubert vẫn đứng vững trên mảnh đất của thực tại mà ông quan sát tỉ mỉ hơn ai hết, và ông không nghĩ rằng khi ông đả kích vào những mộng đẹp tư sản, khi ông vạch trần thực tại tư sản xấu xa, thì chính là ông đã mở đường cho con người vươn tới cái đẹp chân chính tham gia vào việc hằng khao khát, ước mơ.

Chính vì không nhận ra một nhân tố tích cực nào nảy sinh ngay trong lòng thực tại xã hội tư sản, cho nên Flaubert rất quan tâm đến hình thức, và ông có yêu cầu rất cao về hình thức. Ông nói: “Tôi yêu hình thức trên hết, chỉ duy có hình thức là đẹp và chẳng có gì lớn hơn”. Và Maxim Gorky đã liệt Gustave Flaubert vào “hàng những bậc thầy vĩ đại về hình thức”. Thật vậy, không có một trang bản thảo nào của mình mà Flaubert không sửa chữa ít ra vài ba lần, thậm chí có những trang được ông sửa đi sửa lại đến mươi, mười hai lần. Cho nên tiểu thuyết của Flaubert là những mẫu mực về hình thức như những viên ngọc được gọt giũa, trau chuốt tỉ mỉ, ở đó nghệ sĩ tìm sự gọn ghẽ và súc tích, tính trong sáng và lô gích, ở đó ông tìm cái sắc nét kết hợp với cái âm điệu để đi tới một cái hoà âm bên trong. Tiêu biểu là hai truyện ngắn Hérodias và Thánh Julien I’Hospitalier trong tập Ba truyện ngắn, mà nhà văn Tuegenev đã dịch sang tiếng Nga ngay sau khi các truyện đó được xuất bản…

Một mặt khác, Flaubert, do chỗ ông quan tâm đến giá trị nội tại của nghệ thuật và đặt nghệ thuật lên cao hơn cái chủ quan cá nhân của nghệ sĩ, và cũng do ông chịu ảnh hưởng của những tiến bộ về phương pháp khoa học đương thời trong đó có y học là nghề của cha ông, cho nên Flaubert yêu cầu hoàn toàn khách quan trong nghệ thuật. Khách quan trước hết có nghĩa là phải dựa vào tài liệu thực tế, vào sự kiện khách quan, cho nên Flaubert rất khắt khe về việc sưu tầm tài liệu, hoặc những chi tiết thực tế quan sát trong đời sống hoặc những tư liệu khác nghiên cứu và tích luỹ đầy đủ để viết về những vấn đề chạm đến chuyên môn trong tác phẩm của ông. Chẳng hạn, để viết tiểu thuyết Salammbô, Flaubert đã đích thân đến tham quan hai lần những tàn tích của thành Carthage cổ đại ở Bắc Phi. Ông muốn áp dụng phương pháp khoa học vào công việc sáng tác văn học. Và ông cũng hiểu khách quan còn có nghĩa là gạt bỏ cá nhân nghệ sĩ ra ngoài tác phẩm văn học. Flaubert thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Chẳng có gì kém cỏi hơn là đưa vào nghệ thuật tình cảm cá nhân”. Theo ông, nhà nghệ sĩ lý tưởng là biết làm sao cho những người sau nghĩ rằng ông ta không tồn tại, và ông lấy những nhà văn lớn của thế giới ra làm ví dụ: “Có ai biết” – ông nói – “Shakespeare như thế nào không? Ông ta buồn hay vui? Cũng chẳng ai biết được Michelangelo như thế nào? Không bao giờ họ đặt cá nhân mình vào tác phẩm của họ”. Maxim Gorky đã gọi Flaubert là “nhà pháp sư của ngôn ngữ, cũng khách quan như mặt trời gay gắt rọi sáng cả vào đám bùn nhơ ngoài phố lẫn mớ đăng ten sang trọng”.

Song, vấn đề chẳng nên tuyệt đối hoá, và nhất là chẳng nên xem nghệ thuật Flaubert hoàn toàn giống như cái nghệ thuật khách quan lạnh lùng trong hình thức của phái Thi sơn. Phải xem thấy trong hình thức mẫu mực của tiểu thuyết Flaubert có chứa đựng cả mối thâm thù sâu sắc, niềm phẫn nộ tày trời của nhà văn đối với trật tự tư sản, và rõ ràng là bản thân Flaubert với những tư tưởng và tình cảm của ông đã được phản ánh đầy đủ vào tác phẩm của ông dù nó lẩn đi khéo léo thế nào. Cho nên, lại chính Flaubert đã từng nói: “Bà Bovary, chính là tôi!” cũng như không ai lạ rằng cuộc đời của Flaubert cùng với mối tình của ông đối với bà Schlésinger đã được phản ánh một phần không nhỏ trong tiểu thuyết Giáo dục tình cảm kể tiểu sử của chàng thanh niên Frédéric Moreau với mối tình của anh ta với bà Arnoux.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.