Bà Bovary

Chương 11



Gần đây tay dược sĩ đã đọc được lời tán dương một phương pháp mới chữa chân khoèo và, vì là người có khuynh hướng tiến bộ, y nảy ra cái ý xuất phát từ lòng yêu quê hương muốn rằng Yonville, để theo kịp đà chung, cần phải làm những cuộc phẫu thuật chữa bệnh đó.

– Vì rằng, – y nói với Emma, – có mất gì? Bà hãy xem xét (thế là y đếm trên đầu ngón tay những lợi ích của việc làm) kết quả hầu như chắc chắn, bệnh nhân khỏi bệnh và đẹp ra, phẫu thuật viên nhanh chóng nổi tiếng: Sao chồng bà, chẳng hạn, lại không muốn chữa khỏi gã Hippolyte đáng thương ở quán Sư Tử Vàng? Bà hãy nhớ kỹ là gã sẽ chẳng khỏi kể chuyện được cứu chữa với tất cả các hành khách, và rồi (Homais hạ thấp giọng và nhìn quanh mình) ai cấm tôi gửi đăng báo về một bài nhỏ về chuyện ấy? Này! Trời ơi! Một bài báo mà lưu hành…, người ta nói đến nó…, cái đó rốt cuộc sẽ lan truyền! Rồi ai biết? Ai biết?

Quả thật, Bovary có thể thành công; chẳng có gì khẳng định với Emma rằng hắn không khéo tay, và nàng sẽ hể hả xiết bao là đã khuyến khích hắn làm một công việc từ đó tiếng tăm của hắn và tài sản của hăn sẽ được tăng lên! Nàng chỉ mong được dựa vào cái gì vững chắc hơn là tình yêu.

Charles, được tay dược sĩ và nàng khuyên nhủ, đã xiêu lòng. Từ Rouen hắn đặt gửi về cuốn sách của bác sĩ Duval, và tối nào cũng vậy, hai tay ôm đầu hắn cặm cụi đọc.

Trong khi hắn nghiên cứu các chứng bệnh về chân (hay, nói rõ hơn, các kiểu gập chân, hoặc gập xuống dưới, hoặc gập vào trong hoặc gập ra ngoài), với các chứng bệnh khác (như bệnh xương vẹo xuống dưới và bệnh xương trồi lên trên), Homais, bằng mọi lý lẽ, khuyến khích gã hầu quán để làm phẫu thuật.

– Có lẽ cậu sẽ cảm thấy đau tí chút; đấy là một mũi tiêm thường, như một vết chích nhỏ, không bằng cắt bỏ hai chân. Hippolyte vừa nghĩ ngợi vừa đưa cặp mắt ngốc nghếch.

– Vả lại, – tay dược sĩ lại nói, – cái đó chẳng can chi đến tôi! Đó là vì cậu! Hoàn toàn vì lòng nhân đạo! Tôi muốn thấy cậu, anh bạn ạ, thoát khỏi được cái tật đi lặc lè đến là xấu, cái tật lúc lắc vùng ngang lưng trở ngại lớn đến việc hành nghề của anh, dù cậu nói thế nào thì nói.

Homais liền diễn tả cho gã kia thấy sau đó gã sẽ khỏe mạnh hơn và nhẹ nhàng hơn, và hơn nữa, y còn nói ý cho gã kia hiểu gã ta sẽ có tư thế hơn để làm đẹp lòng phụ nữ. Thế là anh hầu ngựa mắc cỡ đâm ra mỉm cười một cách ngây ngô. Và Homais lại khích động lòng tự kiêu của gã ta.

– Cậu chẳng phải là một người đàn ông ư? Nếu cậu phải nhập ngũ, phải đi chiến đấu dưới cờ, thì sẽ ra thế nào?… Ôi! Hippolyte!

Và Homais vừa bỏ đi vừa tuyên bố không hiểu nổi cái thói cứng đầu cứng cổ ấy, cái thói mù quáng thoái thác những lợi ích của khoa học.

Anh hầu ngựa khốn khổ xiêu lòng là vì dường như có một cuộc thông mưu. Binet, không bao giờ xen vào công việc của người khác, mụ Lefrancois, Artémise, hàng xóm láng giềng và cả ông thị trưởng nữa, ông Tuvache ấy, tất cả mọi người đều khuyên bảo gã ta, mắng nhiếc gã ta, xỉ vả gã ta, nhưng, tựu trung, điều làm gã ta quyết định là việc đó chẳng tốn phí gì cho gã ta. Thậm chí Bovary gánh vác cả việc cung cấp máy cho phẫu thuật. Emma đã có sáng kiến về hành động hào hiệp ấy; và Charles ưng thuận, hắn thầm nói trong đáy lòng hắn, vợ hắn là một thiên thần.

Được tay dược sĩ góp ý, và làm đi làm lại ba lần, hắn thuê thợ mộc, có thợ khóa giúp sửa, đóng một thứ hộp nặng khoảng tám cân, trong đó sắt, gỗ, tôn, da, đinh ốc, êcu được sử dụng không tiếc.

Nhưng, muốn biết nên cắt đường gân nào của Hippolyte, trước hết phải nắm được gã ta bị khoèo chân loại nào.

Gã ta có một bàn chân làm thành với ống chân một đường hầu như thẳng, thế mà nó cũng chẳng ngăn được bàn chân quay vào trong, đến nỗi tật đó là tật khoèo chân xuống dưới đất, tật khoèo chân vào trong hay là tật khoèo chân nhẹ vào trong mạnh xuống dưới. Nhưng với bàn chân khoèo vòng trong ấy, quả là rộng như một bàn chân ngựa, da sần sùi, đường gân khô, ngón to tướng, móng đen như những cái đinh của chiếc móng ngựa bằng sắt, người khoèo chân, từ sáng đến tối, chạy nhanh như một con hươu. Người ta thấy gã luôn luôn ở quảng trường, nhảy nhót quay các xe bò, tung về phía trước cái chân không đều của gã ta. Thậm chí gã ta dường như mạnh bằng chân tật hơn bằng chân thường. Vì dùng đến nhiều, chân tật như đã nhiễm được những đức tính kiên trì và nghị lực, khi người ta giao cho gã ta một vật nặng, gã ta thuận đứng thẳng mình lên trên chân tật.

Vì đây là tật khoèo xuống dưới, nên được tính phải cắt gân gót chân, sau đâu đấy mới động đến gân ống chân phía trước để trị tật khoèo vào trong: người thầy thuốc không dám cùng một lúc làm liền cả hai cuộc phẫu thuật, thậm chí hắn đã run rồi, hắn sợ đụng phải vùng hệ trọng nào mà hắn không biết.

Cả Ambroise Paré[13] áp dụng lần đầu tiên, từ Celse[14], sau một khoảng cách mười lăm thế kỷ, việc thắt trực tiếp một động mạch; cả Dupuytren[3][15]sắp mổ một cái ung qua một lớp dày não bộ; cả Gensoul khi cắt bỏ lần đầu tiên một bộ phận xương hàm trên, chắc cũng không thấy trái tim quá hồi hộp, bàn tay quá run rẩy, tinh thần căng thẳng như Bovary khi hắn lại gần Hippolyte, con dao nhỏ cắt gân cầm giữa các ngón tay. Và, như trong các bệnh viện, người ta thấy ở bên cạnh, trên một cái bàn, một đống vải xơ, dây vuốt sáp, nhiều băng, một đống băng, tất cả các loại băng có ở nhà tay dược sĩ. Chính ông Homais đã chuẩn bị mọi thứ như vậy từ sáng, vừa là để lòe đám đông vừa là để lừa chính mình. Charles chọc vào da; người ta nghe thấy một tiếng lắc rắc khô khan. Đường gân đã bị cắt, cuộc phẫu thuật kết thúc, Hippolyte không khỏi ngạc nhiên; gã ta cúi xuống hai bàn tay Bovary hôn lấy hôn để.

[13] Ambroise Paré, Dupuytren: hai bác sĩ ngoại khoa người Pháp nổi tiếng vào những năm 1517-1590 và 1777-1835.

[14] Celse: thầy thuốc La Mã nổi tiếng trước Công nguyên.

[15] Ambroise Paré, Dupuytren: hai bác sĩ ngoại khoa người Pháp nổi tiếng vào những năm 1517-1590 và 1777-1835.

– Nào, bình tĩnh lại, – tay dược sĩ nói, – sau này anh sẽ tỏ lòng biết ơn ân nhân của anh!

Rồi y xuống kể kết quả cho năm, sáu người tò mò đứng ở ngoài sân, họ tưởng rằng Hippolyte sắp trở ra bằng những bước chân ngay ngắn. Rồi Charles, sau khi đã cột bệnh nhân vào cái máy phát động lực, trở về nhà. Emma, rất lo sợ, đang đứng đợi hắn ở cửa. Nàng nhảy lên bám vào cổ hắn; vợ chồng ngồi vào bàn ăn; hắn ăn nhiều, thậm chí hắn còn muốn tráng miệng bằng một tách cà phê, là thói bạo ăn bạo uống mà hắn chỉ tự cho phép mình lạm dụng vào ngày chủ nhật khi có khách.

Buổi hôm đó thật là tuyệt, cơ man trò chuyện, đầy rẫy ước mơ chung. Học nói về tài sản của nhau sau này, về những sự cải thiện sẽ thực hiện trong gia đình; hắn thấy uy tín của hắn lan rộng, hạnh phúc hắn tăng lên, vợ hắn yêu hắn mãi mãi; nàng thấy mình sung sướng được sống êm dịu trong một tình cảm mới, lành mạnh hơn, tốt hơn, nghĩa là cảm thấy chút tình âu yếm đối với người chồng tội nghiệp yêu nàng tha thiết. Có một lúc nào đó, nàng chợt mơ tưởng đến Rodolphe nhưng nàng đưa đôi mắt nàng về phía Charles; thậm chí nàng ngạc nhiên nhận thấy hắn cũng chẳng xấu trai.

Họ đang nằm trên giường thì ông Homais, mặc dầu chị nấu bếp không đồng ý, cứ đột nhập vào buồng họ, tay cầm một tờ giấy còn tươi nét bút. Đó là bài quảng cáo y định gửi đến từ báo Ngọn đèn Rouen. Y mang bài ấy đến cho họ xem.

– Ông cứ đọc đi, – Bovary nói.

Homais đọc:

– “Mặc dầu những thành kiến còn bao trùm một phần bộ mặt châu Âu như một mạng lưới, ánh sáng tuy nhiên bắt đầu lọt vào nông thôn chúng ta. Vì vậy, thứ ba vừa rồi, cái thị trấn Yonville nhỏ bé của chúng tôi đã chứng kiến một cuộc thí nghiệm về phẫu thuật đồng thời là một hành động của lòng bác ái cao cả. Bovary, một trong những người thầy thuốc xuất chúng của chúng tôi…”

– Ôi! Quá đáng! Quá đáng! – Charles, nghẹn ngào, nói.

– Không đâu, không phải thế đâu! Sao vậy!… “Đã mổ một cái chân khoèo…”. Tôi không dùng thuật ngữ khoa học, vì rằng, ông biết, trong một tờ báo…, có lẽ không phải tất cả mọi người đều hiểu, cần phải để cho quần chúng…

– Thực thế, – Bovary nói. – Ông đọc tiếp đi.

– Tôi đọc lại, – tay dược sĩ nói. – “Ông Bovary, một trong những người thầy thuốc xuất chúng của chúng tôi, đã mổ một cái chân khoèo cho anh Hippolyte Tautain, bồi ngựa từ hai mươi lăm năm nay ở quán Sư Tử Vàng của bà Lefrancois trên quảng trường duyệt binh. Tính chất mới mẻ của việc làm và sự chú ý đến bệnh nhân đã thu hút dân chúng quá đông đến nỗi cửa vào quán tắt nghẽn thực sự. Vả lại, cuộc phẫu thuật đã được tiến hành như có phép lạ và khó khăn mới thấy vài giọt máu trên da như để nói rằng đường gân ương ngạnh cuối cùng vừa phải thua những cố gắng của kỹ thuật. Có điều lạ lùng là (chúng tôi mắt trông thấy mới khẳng định) bệnh nhân không tỏ ra chút nào đau đớn. Tình trạng sức khỏe của anh ta đến nay không có gì đáng lo ngại. Mọi sự khiến người ta tin việc dưỡng bệnh sẽ ngắn ngủi thôi, và thậm chí biết đâu đấy, ở ngày hội làng ngày nay, chúng ta lại chẳng thấy anh Hippolyte hiền lành của chúng ta có mặt trong những cuộc khiêu vũ có chuốc rượu, giữa một đám đồng ca gồm những người vui nhộn, và do đó qua sự cao hứng và lối nhảy đập hai chân của mình, chứng tỏ trước mắt mọi người, anh ta đã hoàn toàn bình phục? Vẻ vang thay cho những nhà bác học hào hiệp! Vẻ vang thay cho những bộ óc không biết mệt mỏi đã thức nhiều đêm trắng để cải thiện hay để cứu giúp giống nòi! Vinh quang! Ba lần vinh quang! Phải chăng là lúc la lên rằng người mù sẽ sáng mắt, người điếc sẽ sáng tai và người khoèo sẽ lành chân? Thế là cái gì mà sự cuồng tín xưa kia hứa hẹn cho tín đồ của nó, thì khoa học bây giờ thực hiện cho tất cả mọi người! Chúng tôi sẽ báo cho các bạn đọc biết các giai đoạn liên tiếp của cuộc chữa bệnh đáng chú ý này.”

Việc đó không ngăn cấm, năm ngày sau, mụ Lefrancois hớt hơ hớt hải chạy đến kêu lên:

– Cấp cứu! Anh ta đang hấp hối… tôi cuống lên rồi!

Charles chạy bổ đến quán Sư Tử Vàng, và tay dược sĩ, thấy hắn, đầu không mũ, chạy qua quảng trường thì cũng bỏ cửa hiệu. Bản thân y cũng thở hổn hển, mặt mũi đỏ gay, lo lắng, hỏi tất cả những người leo lên cầu thang:

– Anh chàng chân khoèo đáng chú ý của chúng ta làm sao vậy?

Anh khoèo đang quằn quại trong những cơn đau dữ dội đến nỗi cái hộp máy phát động cùm chân anh ta cứ đập vào tường như phá.

Giữ gìn cẩn thận lắm để khỏi ảnh hưởng đến vị trí của chân, người ta bỏ cái máy ra, và người ta thấy một cảnh tượng ghê gớm. Cái chân không còn ra hình thù gì nữa vì sưng tấy đến mức da thịt gần như nứt ra, và nó đầy những vết bầm máu gây ra bởi cái máy kỳ khôi kia. Hippolyte đã từng kêu đau vì nó nhưng chẳng ai để ý; bây giờ phải thừa nhận rằng anh ta đã phần nào có lý và người ta tháo ra cho anh ta vài tiếng đồng hồ. Nhưng chỗ sưng vừa mới dịu xuống chút ít thì hai nhà bác học đã xét thấy cần đặt lại cái chân đau vào máy, và siết chặt hơn, để làm cho mau đi đến kết quả. Rốt cuộc, sau đó ba hôm, vì Hippolyte chẳng chịu được nữa, họ, một lần nữa, lại tháo máy ra và hết sức ngạc nhiên về hậu quả họ trông thấy. Chứng phù tím bầm đã lan trên cẳng chân với những mụn nước phồng lên từ chỗ này đến chỗ khác, ở đó một chất nước đen rỉ ra. Cái đó ra chiều đáng ngại: Hippolyte bắt đầu buồn nản, và mụ Lefrancois đặt gã ta vào trong một cái phòng nhỏ, gần nhà bếp, để ít ra gã ta khuây khỏa phần nào.

Nhưng tay thu thuế, ngày nào cũng ăn cơm ở đấy, kêu ca một cách cay đắng về tình trạng phải ngồi gần một người như thế.

Người ta liền chuyển Hippolyte vào phòng bi-a.

Gã ta nằm đó, rên rỉ dưới những chiếc khăn thô, mặt mũi xanh xao, râu cằm dài ra, mắt hõm, và thỉnh thoảng lại xoay cái đầu đẫm mồ hôi trên chiếc gối bẩn mà ruồi sa vào. Bà Bovary đến thăm gã ta. Bà mang giẻ đến cho gã ta để đổ thuốc, và an ủi gã ta, khuyến khích gã ta. Vả lại gã ta chẳng thiếu bạn, nhất là những ngày phiên chợ, khi những người nông dân, chơi bi-a quanh anh ta, hút thuốc, uống rượu, ca hát.

– Thế nào, cậu có khỏe không? – Họ vừa đập vai hắn vừa nói. – À! Xem chừng cậu chẳng được vừa lòng. Nhưng lỗi tại cậu. Đáng lẽ phải làm cái này, làm cái kia.

Và người ta kể cho gã nghe chuyện những người đã chữa khỏi bệnh bằng những thứ thuốc khác với thuốc của gã ta ; rồi ra chiều an ủi, họ nói thêm:

– Chỉ vì cậu chú ý đến sức khẻo của cậu quá! Cậu dậy đi nào! Cậu lười chảy thây như một ông vua ấy! À! Thôi, không sao, bợm già ạ! Cậu chẳng thơm tho đâu!

Chứng hoại thư, quả vậy, càng ngày càng tăng. Bản thân Bovary cũng phát ốm lên vì chuyện đó. Mỗi giờ, mỗi lúc, hắn lại đến. Hippolyte, nhìn hắn với cặp mắt đầy kinh hoàng, vừa nức nở vừa nói líu nhíu:

– Bao giờ thì tôi khỏi?… Ôi! Ông cứu tôi với! Tôi khổ quá! Tôi khổ quá!

Thế là người thầy thuốc bỏ đi, bao giờ cũng dặn hắn phải nhịn ăn.

– Đừng nghe ông ta, con ạ, – mụ Lefrancois nói, – các ông ấy đã hành tội con khá đủ rồi! Còn lại làm người con yếu đi nữa. Này, nuốt đi!

Rồi mụ đưa cho gã ta nào là canh ngon, nào là đùi cừu, nào là thịt mỡ, và lắm khi vài ly rượu mạnh, mà gã ta chẳng có can đảm đưa lên miệng.

Linh mục Bournisien, được tin bệnh tình gã ta nguy kịch, xin vào thăm gã ta, ông ta thoạt tiên vừa tỏ lòng ái ngại về cái đau của bệnh nhân, vừa tuyên bố bệnh nhân cần phải lấy đó làm mừng vì đó là ý Chúa, và cần phải lợi dụng mau dịp này để ăn năn trở lại với Chúa. Bằng một giọng cha con, ông ta nói:

– Vì con đã hơi sao nhãng bổn phận của con; người ta rất ít thấy con đi lễ, đã bao nhiêu năm nay con không tới gần bàn thờ Chúa! Cha hiểu công việc của con, cơn lốc thế gian, đã khiến con không chú ý đến việc tự cứu con, Nhưng bây giờ là lúc con phải nghĩ đến. Tuy nhiên con đừng thất vọng; Cha đã từng biết có nhiều kẻ phạm tội nặng, gần đến lúc ra mắt Chúa Trời (con chưa đến mức ấy đâu! Cha biết lắm), đã cầu xin Chúa Trời rủ lòng từ bi và họ chắc chắn đã chết đi trong những điều kiện tốt lành hơn cả. Chúng ta hãy hy vọng rằng, cũng như họ, con sẽ cho chúng ta những gương tốt như thế, để cảnh giới, ai vậy đã ngăn cấm con sớm tối cầu một lần kinh “Con lạy Người, đức thánh Marie, đầy lòng dung thứ”, và một lần kinh “Cha chúng con trên Thượng giới”. Phải, con làm thế! Vì Cha, để làm ơn cho Cha. Làm thế có mất gì?… Con có hứa với Cha không?

Con người đang ở trong một tình trạng khốn nạn hứa. Linh mục, những ngày sau, lại đến. Ông ta nói chuyện với mụ chủ quán và thậm chí còn kể cả những chuyện vặt xen lẫn những lời giễu cợt, những lối nói nước đôi mà Hippolyte không hiểu. Rồi, hễ tình thế cho phép, ông ta liền trở lại chuyện tôn giáo, với bộ mặt nghiêm chỉnh.

Lòng nhiệt thành của ông ta dường như thành công; vì chẳng bao lâu anh khoèo tỏ ý muốn đi hành hương ở Bon-Secours, nếu anh ta khỏi: về điều này, ông Bournisien trả lời là ông không thấy gì trở ngại; hai lần cẩn thận giữ gìn vẫn hơn là một. Người ta chẳng mất gì.

Tay dược sĩ bất bình với cái mà hắn gọi là những thủ đoạn của cha cố; những cái ấy, y chắc chắn chúng sẽ làm hại việc dưỡng bệnh của Hippolyte, và y nhắc đi nhắc lại với mụ Lefrancois:

– Để cậu ta yên! Để cậu ta yên! Bà làm rối loạn tinh thần cậu ta bởi mê tín của bà.

Nhưng người đàn bà tốt bụng chẳng muốn nghe y nữa. Y là nguyên nhân mọi sự. Vì tính ương ngạnh của mụ, mụ treo ngay ở đầu giường bệnh nhân một bình nước thánh đầy ắp, với một cành hoành dương.

Nhưng tôn giáo, không hơn gì khoa mổ xẻ, xem ra chẳng cứu được anh ta, và tình trạng thối rữa bất trị kia vẫn lan mãi từ chân lên bụng. Người ta đã hoài công thay đổi thuốc uống và thuốc đắp; các bắp thịt, cứ mỗi ngày mỗi teo đi, và cuối cùng Charles đáp lại bằng một cái gật đầu đồng tình khi mụ Lefrancois hỏi hắn xem đến nước này mụ có nên mời ông Canivet, một danh y ở Neufchâtel, đến chữa không.

Là bác sĩ y khoa, tuổi năm mươi, có địa vị, vững tin ở mình, người đồng nghiệp này không ngần ngại cười khinh khỉnh khi ông ta phát hiện ra cái cẳng chân bị chứng hoại thư tới tận đầu gối. Rồi, sau khi đã tuyên bố dứt khoát là phải cưa cái chân ấy đi, ông ta sang nhà tay dược sĩ phỉ báng những tên dốt nát như con lừa đã có thể đẩy một người khốn khổ vào tình trạng như thế. Ông ta vừa nắm khuya áo rơ-đanh-gôt của ông Homais mà lắc vừa hò hét trong cửa hàng dược phẩm.

– Đấy là những phát minh của Paris! Đấy là những ý kiến quỷ quái của quý ngài ở Thủ đô! Đấy cũng như tật lé mắt, thuốc mê và phép nghiền nát sỏi thận, một đống quái gở mà chính phủ đáng lẽ phải cấm! Nhưng người ta làm ra vẻ thông thạo, rồi người ta nhồi nhét cho các anh những thứ thuốc mà chẳng bận tâm đến hậu quả. Chúng tôi chẳng tài được như thế, bọn bác sĩ chúng tôi ấy; chúng tôi chẳng phải là những nhà bác học, những chàng công tử bột, những con người đàn điếm; chúng tôi là những người thực tiễn, những người chữa bệnh, và chúng tôi không tưởng tượng việc làm phẫu thuật cho một ai đang khỏe mạnh như vậy! Nắn lại những cái chân khoèo! Người ta lại có thể làm thẳng những cái chân khoèo ư? Đó khác nào như người ta lại muốn đổi anh còng thành anh ngay, chẳng hạn!

Nghe thuyết thế, Homais lấy làm khó chịu và che dấu nỗi bực dọc của mình bằng một nụ cười nịnh thần; hắn cần đối xử tử tế với ông Canivet vì các đơn thuốc của ông ta đôi khi đến tận Yonville; bởi thế cho nên y không bênh vực Bovary, thậm chí cũng chẳng bày tỏ một nhận xét gì, và hứa từ bỏ cái tôn chỉ của mình, hy sinh cái danh dự của mình cho những mối lợi buôn bán chắc chắn của y hơn.

Việc bác sĩ Canivet cưa đùi bệnh nhân ấy là một sự kiện trọng đại trong làng! Tất cả dân chúng, hôm đó, đều dậy sớm, và cái Phố Lớn, mặc dầu đông người, vẫn có cái gì ảm đạm như ở đây có một cuộc tử hình. Ở cửa hàng thực phẩm, người ta tranh luận về bệnh tật của Hippolyte, các cửa hàng chẳng bán được cái gì cả, và bà Tuvache, vợ ông thị trưởng, không rời khỏi cửa sổ vì sốt ruột đón xem nhà phẫu thuật đến.

Ông ta tới bằng chiếc xe độc mã hai bánh mà ông ta tự điều khiển. Nhưng, vì cái lò xo bên phải đã lâu ngày bị quỵ xuống dưới sức nặng của thân hình béo tốt của ông ta, chiếc xe thành ra đi hơi nghiêng về một bên, và người ta thấy trên cái đệm bên kia, bên cạnh ông, một cái hộp rộng, phủ da cừu đỏ, có ba móc gài bằng đồng sáng chói một cách đẹp đẽ.

Như một cơn lốc bác sĩ vào cổng quán Sư Tử Vàng, bác sĩ kêu rất to và ra lệnh tháo ngựa, rồi đi vào chuồng ngựa xem nó có ăn nhiều lúa mạch không; vì, đến nhà bệnh nhân của mình, bao giờ ông ta cũng lưu tâm trước tiên tới con ngựa cái và chiếc xe của ông ta đã. Do đó, người ta thậm chí đã nói: “À! Ông Canivet, đó là một con người độc đáo!” Và người ta còn quý ông ta hơn vì cái tính thẳng thừng không gì lay chuyển nổi ấy. Dù vũ trụ có tan tành đến người cuối cùng, ông ta cũng chẳng từ bỏ mảy may cái thói quen của ông ta.

Homais tới.

– Tôi trông cậy vào ông, – bác sĩ nói. – Chúng ta đã sẵn sàng chưa! Nào đi!

Nhưng tay dược sĩ, mặt đỏ lên, thú thực rằng y dễ xúc cảm nên không tham dự được một cuộc phẫu thuật như thế.

– Khi người ta chỉ là người đứng xem, – y nói, – thì trí tưởng tượng của mình, ông biết đấy, dễ bị đâm ra lo lắng! Vả lại hệ thần kinh của tôi tệ đến nổi…

– À thôi! – Canivet ngắt lời, – Trái lại tôi thấy dường như ông dễ mắc chứng trúng phong. Vả lại, tôi chẳng lạ gì điều đó; vì, các ông ạ, các ngài dược sĩ, lúc nào cũng chúi mũi vào bếp núc của các ông, cái đó cuối cùng làm thay đổi tính tình các ông. Ông nhìn tôi đây này: ngày nào tôi cũng dậy từ bốn giờ, tôi cạo râu bằng nước lạnh (tôi không thấy lạnh bao giờ) và tôi không vận đồ nỉ, tôi chẳng bị sổ mũi tí nào, bộ ngực tôi vững! Tôi sống khi thế này, lúc thế khác, như nhà hiền triết, gặp gì ăn nấy. Cho nên tôi không yếu ớt như các ông, và mổ một con chiên của Chúa hay mổ con gà con vịt nào bắt được đầu tiên thì, đối với tôi, cũng hoàn toàn như nhau thôi. Sau đó, các ông sẽ nói, thói quen… thói quen!…

Thế là, không chú ý gì tới Hippolyte nằm lo sợ toát mồ hôi trong chăn, các ông này mở một cuộc đàm thoại, trong đó tay dược sĩ so sánh sự bình tĩnh của một nhà phẫu thuật với sự bình tĩnh của một võ tướng; và cách đối chiếu ấy là Canivet rất khoái, ông ta giảng giải ầm ĩ về những yêu cầu của nghệ thuật của ông ta. Ông ta coi nó như một nhiệm vụ linh thiêng, mặc dầu các tay dược sĩ miệt thị nó. Cuối cùng, trở lại bệnh nhân, ông ta xem xét những băng gạc do Homais mang đến, vẫn những thứ đã sử dụng khi chữa cái chân khoèo, và ông ta hỏi lấy một người để giữ hộ ông ta cái chân. Người ta cho đi tìm Lestiboudois, và ông Canivet sau khi đã xắn tay áo xong, sang phòng bi-a, còn tay dược sĩ thì đứng lại với Artémise và mụ chủ quán, cả hai người này mặt mũi tái xanh hơn cả chiếc tạp dề của họ, tai vểnh lên về phía cửa phòng.

Bovary, trong khi ấy, không dám bước ra khỏi nhà. Hắn ở nhà dưới, trong phòng, ngồi bên lò sưởi không đốt lửa, cằm gục trên ngực, hai tay bắt vào nhau, mắt đăm đăm. Thật là tai vạ! Hắn nghĩ, thật là chán ngán! Hắn đã hết sức cẩn trọng cơ mà. Số mệnh đã xen vào. Không hề gì! Nếu sau này, Hippolyte mà chết đi thì có lẽ chính hắn đã giết anh ta. Thế rồi hắn nói năng ra sao trong những cuộc thăm bệnh khi người ta hỏi hắn? Tuy nhiên, có lẽ hắn đã nhầm lẫn ở chỗ nào chăng? Hắn tìm tòi mà chẳng thấy. Nhưng những nhà phẫu thuật nổi tiếng nhất cũng có thể lầm chứ. Đó là điều mà người ta chẳng muốn tin bao giờ, trái lại, người ta sẽ cười, sẽ nói xấu! Tin đó rồi sẽ đồn lan đến tận Forges! Đến tận Neufchâtel! Đến tận Rouen! Đến khắp mọi nơi! Biết đâu lại chẳng có những bạn đồng nghiệp sẽ viết bài đả kích hắn? Rồi bút chiến sẽ xảy ra, sẽ phải trả lời trên các báo… Thậm chí, Hippolyte cũng có thể ra tòa kiện mình. Hắn thấy mình mất danh dự, khánh kiệt, nguy biến! Và trí tưởng tượng của hắn, bị vô số các giả thuyết giày vò, đang bập bềnh giữa chúng như một chiếc thuyền rỗng bị cuốn trôi ra biển và lăn trên sóng.

Emma, ở trước mặt hắn, nhìn hắn; nàng chẳng san sẻ nỗi khổ nhục của hắn, nàng lại cảm thấy nỗi khổ nhục khác: khổ nhục là nàng đã tưởng tượng ra rằng con người thế ấy còn có chút gì đáng giá, như thể đã nhiều phen rồi, nàng vẫn chưa đủ nhận ra hết nỗi kém cỏi của hắn.

Charles đi đi lại lại trong buồng, tiếng bốt lắc rắc trên sàn nhà.

– Ngồi xuống đi. – nàng nói, – anh làm tôi khó chịu!

Hắn lại ngồi xuống.

Vậy thì nàng đã làm thế nào (nàng thông minh là thế!) để còn lầm lẫn phen nữa? Vả lại, do chứng điên thảm hại nào mà nàng tự hủy hoại cuộc đời mình bằng những hy sinh liên tục như thế? Nàng nhớ lại tất cả những bản năng ưa xa hoa của nàng, tất cả những nhịn nhục của tâm hồn nàng, những hèn kém của cuộc hôn nhân, của việc nội trợ, những ước mơ của nàng đã rơi xuống bùn nhơ như những con chim én bị thương, tất cả những gì nàng đã khao khát, tất cả những gì nàng đã thoái thác, tất cả những gì nàng đáng lẽ ra có thể có được! Thế thì vì sao? Vì sao?

Giữa cảnh làng bốn bề tịch mịch, một tiếng kêu xé tai xuyên qua bầu không khí. Bovary tái mặt đến ngất. Nàng chau mày bằng một cử chỉ nóng nảy, rồi lại tiếp tục nghĩ ngợi. Tuy nhiên, cái đó là vì hắn, vì người ấy, vì cái con người chẳng hiểu gì hết, chẳng cảm thấy gì hết ấy! Bởi vì hắn ở kia, rất bình thản, và thậm chí chẳng hề ngờ rằng cái tên tuổi nực cười của hắn từ nay sẽ vấy bẩn nàng cũng như hắn. Nàng đã cố gắng để yêu hắn, và nàng đã khóc lóc hối hận vì đã xiêu lòng trước người khác.

– Nhưng có lẽ là một cái chân khoèo ra ngoài. – Bovary đang suy nghĩ, thốt ra đột ngột.

Lời nói bất ngờ vào tư duy nàng như một viên đạn chì rơi xuống một đĩa bạc, Emma giật mình ngửng đầu lên đoán điều Charles muốn nói; và hai người lặng lẽ nhìn nhau, hầu như ngỡ ngàng vì thấy nhau, vì trong ý thức họ, họ đang rất đỗi xa nhau. Charles vừa ngắm nàng bằng con mắt đục ngầu của một người say rượu, vừa ngây người lắng nghe những tiếng thét cuối cùng của kẻ bị cưa chân nối tiếp nhau thành những tiếng ngân kéo dài lê thê, đứt đoạn vì những tiếng rít y như tiếng rú xa xa của một con vật nào bị người ta chọc tiết. Emma cắn đôi môi nhợt nhạt, rồi mân mê giữa các ngón tay một mẩu san hô mà mình đã đánh gẫy, nàng rọi vào Charles tia mắt rực chói như hai mũi tên lửa sắp bắn ra. Bây giờ, tất cả mọi thứ ở hắn đều làm nàng bực mình, mặt hắn, quần áo hắn, cái điều mà hắn không nói ra, con người hắn nghĩa là cuộc sống của hắn. Nàng hối hận như đã phạm một tội ác, về cái đức hạnh quá khứ của nàng, và phần còn lại của nó đã sụp đổ vì những phẫn nộ của lòng kiêu căng. Nàng khoan khoái trong tất cả những điều mai mỉa xấu xa của việc ngoại tình thắng lợi. Nàng lại nhớ đến tình nhân với sức lôi cuốn mãnh liệt; nàng thả tâm hồn vào đấy, bị lôi cuốn tới hình ảnh ấy bởi một nhiệt tình mới mẻ; và Charles cũng tách rời khỏi cuộc đời nàng, tách rời mãi mãi, và bị hủy diệt như hắn sắp chết và hắn đang hấp hối dưới mắt nàng.

Có tiếng ai đi ngoài vỉa hè. Charles trông ra; và qua chiếc mành buông xuống anh thấy bên dãy chợ, giữa ánh nắng, bác sĩ Canivet đang lấy khăn quàng cổ lau trán. Đứng sau ông ta, Homais cầm trong tay một chiếc hộp to mà đỏ, và cả hai người đi về phía cửa hàng dược phẩm.

Bấy giờ, vì yêu thương đột ngột và vì chán nản, Charles vừa quay về phía vợ vừa nói:

– Ôm hôn anh đi, em yêu!

– Để tôi yên! – Nàng đỏ mặt tía tai nói.

– Em làm sao thế? Em làm sao thế? – Hắn nhắc đi nhắc lại – Bình tĩnh lại nào! Vui vẻ lên nào! Em biết rằng anh yêu em!… Em lại đây!

– Thôi! – Nàng thốt lên một cách kinh khủng.

Rồi, lao mình ra khỏi phòng, Emma đóng sập cửa mạnh đến nỗi cái phong vũ biểu bật ra khỏi tường rơi xuống đất vỡ tan.

Charles gieo mình trong chiếc ghế bành, kinh ngạc, hắn nghĩ xem vì sao nàng lại thế, hắn mường tượng đến một bệnh thần kinh, hắn khóc lóc và hắn cảm thấy mơ hồ có cái gì tai vạ và bí hiểm luẩn quẩn quanh mình.

Ngay buổi tối hôm đó, khi Rodolphe bước vào tới vườn, y đã thấy người tình của mình đợi mình ở dưới thềm, trên bậc đầu tiên. Họ ôm chặt lấy nhau, và tất cả bao nỗi hờn giận của họ tan đi như một đám tuyết dưới sức nóng của cái hôn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.