Bà Bovary

Chương 14



Thoạt tiên, hắn không biết làm thế nào để đền bù cho ông Homais tất cả những thứ thuốc lấy ở bên cửa hiệu của ông ta; và, mặc dù hắn có thể, nhân danh là một thầy thuốc, không phải trả tiền; hắn vẫn ngượng ngùng vì món nợ này. Rồi bây giờ chị nấu bếp đảm đương việc nội trợ, tiền chi tiêu trong nhà trở nên đáng sợ; hóa đơn tới tấp đến nhà; đám người cung cấp hàng cằn nhằn, nhất là Lheureux làm rầy hắn. Thực tế, giữa lúc bệnh tật Emma trầm trọng, tay này, lợi dụng cơ hội đó thêm thắt vào hóa đơn, đã vội vã đem lại chiếc măng tô, túi đựng hành lý, hai cái hòm chứ không phải một và nhiều vật khác nữa; Charles nói hoài là hắn không cần đến những thứ ấy nhưng tay lái buôn cứ vênh váo đáp lại rằng bà nhà đã không đặt mua những thứ hàng đó thì y sẽ không lấy hàng về; vả chăng, như thế sẽ làm phật ý bà nhà trong lúc đang an dưỡng; ông nhà nên suy nghĩ; tóm lại, y quyết định đi kiện hắn chứ không chịu bỏ các quyền lợi của mình và mang hàng của mình đi. Charles, sau đó, sai mang tất cả các thứ đến tận cửa hàng y trả lại y; Félicité quên; hắn thì có nhiều mối lo khác, hắn không nghĩ tới chuyện ấy nữa; Lheureux lại tấn công và, hết đe dọa lại năn nỉ, y mưu mô thế nào mà Bovary cuối cùng đành phải ký một phiếu nợ trong sáu tháng. Nhưng vừa ký xong, Bovary lại nảy ra một ý táo bạo là vay Lheureux một ngàn quan. Thế là hắn lúng túng, hỏi có cách nào có ngay được số tiền đó và hắn nói thêm rằng hạn trả sẽ là một năm, còn lãi suất thì tùy ý. Lheureux chạy về cửa hàng, mang tiền đến và đọc cho hắn viết một phiếu khác, qua đó Bovary ghi phải trả theo lệnh của y, ngày mồng một tháng Chín năm tới, số tiền một ngàn bảy trăm quan cộng với số một trăm tám mươi quan đã ký nhận thành tròn một ngàn hai trăm năm mươi quan. Như thế, y đã cho vay lãi sáu phân, thêm một phần tư tiền hoa hồng, và những thứ hàng giao đã đem lãi cho y ít ra cũng được chẵn một phần ba tiền vốn, nghĩa là trong mười hai tháng, y được một trăm ba mươi quan tiền lãi; y hy vọng công việc sẽ không ngừng ở đó, người ta sẽ không thể thanh toán được các phiếu, người ta sẽ gia hạn, và số tiền nhỏ mọn của y được nuôi dưỡng tại nhà viên thầy thuốc như tại một nơi an dưỡng, một ngày kia, sẽ trở lại với y mập mạp lên rất ghê và lớn đến mức làm nứt cả bao đựng.

Vả lại, mọi việc đối với y, đều đạt kết quả. Y lãnh thầu cung cấp rượu táo cho bệnh viện Neufchâtel. Ông Guillaumin hứa cho y có cổ phần trong những mỏ than bùn ở Grumesnil, và y mơ ước thành lập một hãng vận tải mới bằng xe ngựa giữa Argueil và Rouen, hãng này chẳng bao lâu sẽ làm phá sản những chiếc xe chở hàng bốn bánh của quán Sư Tử Vàng, và vì chạy nhanh hơn, giá hạ hơn, chở được nhiều hành lý hơn, hãng mới do đó sẽ làm cho y nắm trong tay tất cả nền thương mại của Yonville.

Charles tự hỏi nhiều lần bằng cách nào, năm sau, có thể trả được ngần ấy tiền; và hắn tìm tòi, tưởng tượng ra những mưu kế, như cầu cứu đến ông thân sinh ra hắn hay là bán chác cái gì. Nhưng ông thân sinh ra hắn sẽ làm thinh, và hắn, hắn chẳng có gì mà bán chác. Thế là hắn phát hiện ra bao điều lúng túng đến nỗi hắn vội vã gạt ra ngoài ý thức một vấn đề suy nghĩ khó chịu như vậy. Hắn tự trách mình vì đó mà hắn quên mất Emma; dường như, mọi tâm sự của hắn đều thuộc về người phụ nữ ấy, không nghĩ liên tục đến nàng tức là lấy trộm của nàng cái gì.

Mùa đông lạnh dữ. Thời kỳ dưỡng bệnh của bà chủ thì dài. Khi đẹp trời, người ta đặt nàng ngồi trong một chiếc ghế bành rồi đẩy đến bên cửa sổ trông ra quảng trường, vì bây giờ nàng ghét vườn, và cửa chớp về phía ấy lại luôn luôn đóng kín. Nàng muốn đem bán con ngựa đi; cái gì trước đây nàng mến thì bây giờ nàng chẳng ưa. Tất cả mọi ý nghĩ của nàng dường như giới hạn trong sự chăm sóc bản thân nàng. Nàng ăn uống nhỏ nhẻ ở ngay trong giường, nàng dùng chuông để gọi người hầu gái hỏi han về việc sắc thuốc cho nàng hoặc nói chuyện với nàng. Trong lúc ấy, tuyết trên mái lều chợ rọi vào buồng nàng một ánh hồi quang trắng im lìm; rồi mưa đổ xuống. Và Emma hằng ngày đợi chờ, với một nỗi buồn lo, sự trở lại nhất định của những việc nhỏ nhất tuy không liên quan gì đến nàng. Cái việc đáng kể hơn là, chiều tối, chiếc xe Con én đến. Mụ chủ quán liền la thét và những tiếng khác đáp lại, còn Hippolyte tìm các hòm trên nóc xe, ngọn đèn lồng của gã ta thấp thoáng như một ngôi sao trong bóng đêm. Đến trưa, Charles về nhà; sau đó hắn lại đi; rồi nàng húp một bát nước canh, và vào khoảng năm giờ chiều, lúc trời sẩm tối, trẻ con đi học về lê guốc trên hè, đứa nào đứa nấy lần lượt lấy thước kẻ đập vào các mái hiên.

Cũng chính giờ này, ông Bournisien đến thăm nàng. Ông ta hỏi về sức khỏe của nàng, đem tin tức lại cho nàng, và khuyến khích nàng theo đạo trong cuộc trò chuyện đông dài, nhỏ nhẻ, vồn vã không phải không hứng thú. Chỉ việc trông thấy chiếc áo chùng của ông ta, nàng cũng phấn khởi.

Một hôm vào lúc căn bệnh trầm trọng nhất, nàng tưởng mình sắp chết, nàng xin được rửa tội; và lần theo việc người ta sửa soạn buồng nàng để làm lễ, xếp dọn cái tủ nhỏ đầy thuốc ngọt thành bàn thờ và Félicité rắc hoa thược dược lên mặt đất, Emma cảm thấy có cái gì mạnh mẽ chạy qua người nàng, giải thoát cho nàng mọi nỗi đau đớn, mọi tri giác, mọi tìm cảm. Xác thịt nàng nhẹ nhàng đi, không còn cảm nghĩ gì; một cuộc sông khác bắt đầu; dường như con người nàng lên với Chúa Trời, sắp tan biến trong tình yêu ấy như hương đốt tản thành hơi. Người ta rẩy nước thánh vào khăn trải giường; vị linh mục rút từ bình đựng thánh thể ra một cái bánh thánh trắng; và thế là nàng vừa lịm đi vì niềm vui sướng thần tiên, nàng vừa chìa cặp môi ra nhận thánh thể của Đức Cứu Thế đang xuất hiện. Những diềm che khoang giường của nàng căng phồng một cách mềm mại quanh nàng như những làn mây, và những ánh sáng của hai ngọn nến thắp trên tủ ngăn, đối với nàng, dường như ánh hào quang rực rỡ. Nàng liền ngả đầu xuống, tưởng nghe thấy trong không trung tiếng thiên cầm véo von và tưởng trông thấy trong bầu trời màu thanh thiên, trên một chiếc ngai vàng, giữa các vị thần thánh cầm lá lọ xanh, Đức Chúa Trời rực rỡ, oai nghiêm ra hiệu cho những thiên thần cánh lửa xuống hạ giới lấy tay nâng bổng nàng lên.

Cái ảo ảnh sáng ngời ấy ở lại trong ký ức nàng như cái gì đẹp đẽ nhất mà người ta có thể ước mơ tới, đến nỗi bây giờ nàng cố nắm lại cái cảm giác ấy, nó tuy nhiên vẫn còn, nhưng còn một cách kém độc nhất với một tình trạng dịu dàng sâu sắc như thế. Tâm hồn nàng, mang nặng tính kiêu kỳ, nay mới được an nghỉ trong đức khiêm nhượng Cơ đốc giáo; và, thưởng thức cái thú thấy mình nhỏ yếu, Emma ngắm xem trong bản thân mình sự hủy diệt của nghị lực nhường chỗ cho sự xâm nhập của những hảo ý của Chúa. Thế là thay cho niềm vui sướng vì những hạnh phúc lớn lao hơn, một tình yêu khác đứng trên tất cả các tình yêu khác, một tình yêu liên tục và vô tận tăng lên mãi! Nàng thoáng thấy, giữa những ảo tưởng của hy vọng, một trạng thái thuần khiết chờn vờn bên trên mặt đất, hòa lẫn với bầu trời, mà nàng ước nguyện thấy mình trong đó. Nàng muốn trở thành một thánh nữ. Nàng mua tràng hạt, nàng đeo bùa; nàng mong được có trong buồng nàng, trên đầu giường nàng nằm, một hộp đựng thánh tích khảm ngọc bích, để nàng hôn nó mỗi tối.

Viên linh mục lấy làm ngạc nhiên về những xu hướng đó tuy ông ta thấy cái tín ngưỡng của Emma có thể, vì quá say sưa, rốt cuộc tiến sát tới dị đoan và thậm chí ngông cuồng nữa. Nhưng chẳng hiểu sâu những chuyện này lắm, một khi nó vượt qua chừng mực nào đó, ông ta lập tức viết thư cho ông Boulard, người bán sách của đức giám mục, gửi tới ông cuốn sách nào đặc sắc dành cho một người rất mẫn tuệ thuộc nữ giới. Tay bán sách, cũng bàng quan như khi y gửi đồng hồ và đồ sắt cho dân mọi, đã gói ghém lộn xộn tất cả những gì đang thịnh hành trong nghề buôn bán sách tôn giáo. Đó là những cuốn sách giáo khoa nhỏ theo kiểu vấn đáp, những cuốn sách trào phúng bằng một giọng kiêu ngạo kiểu ông de Maistre và những loại tiểu thuyết bìa cứng màu hồng với lối văn ngọt ngào, sản xuất bởi những ông thầy dòng hát rong hay bởi những nữ văn sĩ hối hận. Có những cuốn Hãy nghĩ cho kỹ; Người thượng lưu dưới chân Marie của ông de…, được thưởng nhiều huy chương; Những sai lầm của Voltaire, dùng cho những bạn trẻ, v.v…

Bà Bovary chưa có đủ đầu óc minh mẫn để chăm chú hẳn hoi đến bất cứ cái gì; vả lại, nàng đọc những sách ấy vội vàng quá. Nàng bực dọc với những cái bắt buộc của sự thờ cúng; sự kiêu căng của những bài bút chiếm ráo riết đả kích những người nàng chẳng hề quen biết; và những truyện thế tục nâng lên ý nghĩa tôn giáo đối với nàng, dường như đã viết trong tình trạng không hiểu cuộc đời đến nỗi chúng làm nàng vô tình xa dần những chân lý nàng đang chờ đợi được chứng minh. Tuy nhiên nàng vẫn kiên trì đọc, và khi cuốn sách từ trên tay rơi xuống, nàng tưởng mình đang mang một mối u sầu Cơ đốc giáo tinh tế nhất mà một tâm hồn thanh cao có thể lĩnh hội được.

Còn cái kỷ niệm về Rodolphe, nảng đã đưa nó xuống tận đáy lòng mình; và nó vẫn ở đây, trang nghiêm hơn và im lìm hơn là một cái xác vua ướp dưới hầm sâu. Một làn hương thơm thoát ra từ mối tình yêu lớn ướp thơm đó, vượt qua mọi thứ làm cho bầu không khí tinh khiết thắm tình nhân ấy trong đó nàng đang muốn sống. Khi nàng quỳ trên chiếc ghế cầu kinh kiểu cổ của nàng, nàng thưa với Chúa vẫn bằng những lời ngọt ngào mà xưa kia nàng đã tỉ tê với tình nhân, trong những lúc đôi gian phu dâm phụ bộc lộ nỗi lòng. Đó là để gây một niềm tin; nhưng không một niềm hoan lạc nào từ trên trời rơi xuống cả, thế là nàng lại đứng lên, tay chân mỏi mệt, mơ hồ cảm thấy một sự lừa dối lớn lao. Việc tìm tòi ấy, nàng thầm nghĩ, chỉ là một cái hay thêm; và, trong sự kiêu hãnh về lòng sùng đạo của mình, nàng đã tự ví với mình những bậc mệnh phụ thuở trước, mà nàng hằng mơ ước niềm vinh quang trên bức chân dung của de la Vallière, họ kéo lê một cách trang trọng những cái đuôi áo dài diêm dúa của mình, mai danh ẩn tích vào những chốn cô tịch để ở đây, trào tuôn dưới chân Chúa tất cả những giọt lệ của một trái tim đã bị cuộc đời làm tổn thương.

Thế là, nàng lao vào những công việc từ thiện quá đáng. Nàng khâu áo cho dân nghèo; nàng cung cấp củi cho những phụ nữ ở cữ; và Charles, một hôm, về nhà thấy trong bếp có ba thằng vô loại ngồi bàn húp cháo. Nàng cho đem về nhà đứa con gái của nàng, mà chồng nàng, suốt thời gian nàng ốm, đã đem gửi ở nhà vú em. Nàng muốn dạy con đọc. Dù Berthe khóc hoài, nàng cũng không bực tức. Đó là một sự quyết tâm cam chịu, một lòng khoan dung phổ biến. Ngôn ngữ nàng về bất cứ chuyện gì cũng đầy thành ngữ lý tưởng. Nàng hỏi con:

– Cơn đau bụng của con đã qua chưa, thiên thần của mẹ?

Bà Bovary mẹ không tìm thấy được gì để chê trách có lẽ trừ cái tật bỏ việc vá víu lại các khăn lau cho bà để đan áo chẽn cho trẻ mồ côi. Nhưng, mệt mỏi về những chuyện cãi lộn trong gia đình, bà cụ thích sống cảnh yên tĩnh ở đây, thậm chí bà còn ở đến tận sau lễ Phục sinh để tránh những lời châm chọc của ông Bovary bố, không ngày thứ sáu kỳ lễ thánh nào, chẳng quên đặt cho con mình món dồi lợn.

Ngoài sự ở chung với bà mẹ chồng, (bà cụ, bằng sự phán xét đúng mực và cung cách nghiêm chỉnh, đã làm cho nàng vững lòng hơn một chút), nàng gần như ngày nào cũng có bạn bè khác. Đó là bà Langlois, bà Caron, bà Dubreuil, bà Tuvache và, bà Homais tốt bụng, đều đặn từ hai giờ đến năm giờ, bà này chẳng bao giờ chịu tin chút nào vào những điều người ta đổ lên đầu bà hàng xóm. Các đứa trẻ nhà Homais cũng sang thăm nàng; Justin đi với chúng. Gã ta lên buồng với chúng, và đứng ngây người bên cửa, chẳng nói chẳng rằng. Lắm khi bà Bovary, không quan tâm gì đến điều đó, đi rửa mặt. Thoạt tiên, nàng lắc đầu bằng một động tác đột ngột để rút cái lược của nàng ra; và, khi gã ta thấy lần đầu tiên cả mớ tóc ấy xòa xuống tận bắp chân làm tung những chiếc vòng cuốn màu đen ra, thì gã ta, một đứa trẻ đáng thương, như đột ngột bước vào trong cái gì lạ lùng và mới mẻ mà sự huy hoàng khiến gã ta sợ hãi.

Emma, hiển nhiên, không nhận thấy những sự vồn vã âm thầm của gã ta, cũng như những sự e lệ của gã ta! Nàng có ngờ đâu rằng tình yêu, biến khỏi đời nàng, lại hồi hộp ở kia, gần nàng, dưới cái sơ mi vải thô ấy trong trái tim người vị thành niên ấy mở rộng đón những xạ hương tỏa ra từ sắc đẹp của nàng. Vả chăng, bây giờ nàng bao trùm một tính bàng quan lên tất cả mọi sự, nàng có những lời rất âu yếm và những cái nhìn rất ngạo mạn, những phong cách rất đa dạng, đến nỗi người ta chẳng còn phân biệt được lòng vị kỷ với mối từ tâm, cũng như sự đồi bại với đức hạnh nữa. Một buổi tối chẳng hạn, nàng nổi nóng với chị hầu gái vì chị ta xin phép nàng đi chơi, chị ta vừa ấp úng nói vừa viện cớ, rồi bất thần nàng hỏi:

– Vậy em yêu gã ta ư?

Và, chẳng đợi Félicité trả lời lúc chị ta đang đỏ mặt, nàng rầu rĩ nói thêm:

– Thôi, chạy đến đó đi! Vui nhé!

Đầu xuân, nàng cho đảo lộn cái vườn từ đầu này đến đầu kia, mặc dầu Bovary có ý kiến; tuy nhiên hắn sung sướng được thấy nàng sau cùng biểu lộ một ý muốn nào đó. Nàng càng bình phục, càng bày tỏ điều đó rõ hơn. Trước hết, nàng kiếm cách đuổi chị Rolet, người vú em, trong thời kỳ nàng dưỡng bệnh, đã quen thói đến sục sạo vào nhà bếp với hai đứa con của mình và một gã trọ trong nhà vú háu ăn hơn một kẻ ăn thịt người. Rồi nàng rủ gia đình Homais, thoái thác lần lượt các cuộc đến thăm khác và thậm chí không siêng đi lại nhà thờ như trước, điều này được sự nhiệt liệt tán thành của tay dược sĩ, y thân mật nói với nàng:

– Bà trước đây hơi sa vào bẫy của ông thầy tu đấy!

Ông Bournisien, như xưa, ngày nào cũng bất thần đến, sau giờ giảng đạo xong, ông ta thích đứng ở bên ngoài hóng không khí giữa lùm cây; ông ta gọi cái vòm cây như thế. Giờ đó Charles về. Họ thấy bức; người ta mang rượu táo ngọt ra, và họ uống với nhau, mừng bà hoàn toàn hồi phục.

Binet, ở kia, tức là thấp hơn một chút, giáp tường của nền cao, đang câu tôm. Bovary mời ông ta giải khát! và ông ta rất thạo mở nút bình.

Ông ta vừa nói vừa đi quanh với một cái nhìn thỏa mãn đến tận cùng phong cảnh:

– Phải cầm cái chai thẳng trên bàn như thế này và sau khi dây đã cắt, bẩy cái nút chui lên từng nhát khe khẽ, từ từ, từ từ, cũng như người ta mở chai nước Seltz tại các hàng ăn.

Nhưng rượu táo, trong khi ông ta chứng minh, cứ vọt bắn lên giữa mặt họ, thế là ông thầy tu, với lối cười ồm ồm, không lần nào quên được câu bông lơn này:

– Cái tốt của rượu đập vào mắt đấy!

Ông ta quả là người hiền, và một hôm, ông ta chẳng thấy chướng vì tay dược sĩ khuyên Charles, để giải trí cho bà, dẫn bà đến rạp hát ở Rouen xem danh ca Lagardy hát giọng cao. Homais, ngạc nhiên về sự im lặng ấy, muốn biết ý kiến ông ta, và tu sĩ tuyên bố rằng cha coi âm nhạc không nguy hiểm cho phong tục bằng văn học.

Nhưng tay dược sĩ bênh vực văn chương. Kịch, ông đưa ra, dùng để đả phá các thành kiến, và, dưới cái dạng mua vui, lại dạy đức hạnh.

– Castingat ridendo mores (vui cười mà sửa chữa phong tục), ông Bournisien ạ! Như thế ông hãy coi phần nhiều những bi kịch của Voltaire thường khôn khéo xen kẽ những tư tưởng triết học đối với nhân dân, quả là một trường học luân lý và ngoại giao!

– Tôi, – Binet nói, – tôi đã xem trước kia một vở tên là Thằng nhãi ở Paris, trong đó người ta chú ý đến tính cách một viên tướng già thực là rõ nét! Lão ta la mắng một công tử đã dụ dỗ một cô công nhân, chị ta cuối cùng…

– Hẳn thế! – Homais nói tiếp – Có văn nghệ xấu cũng như có dược phẩm tồi; nhưng lên án một loạt cái nghệ thuật quan trọng hơn cả này thì tôi cho là một sai lầm nặng nề, một ý kiến cổ hủ, đáng có trong những thời ghê tởm mà người ta giam giữ Galilée.

– Tôi biết rõ, – viên linh mục biện bác, – dù có những tác phẩm tốt, những tác gia tốt; nhưng chỉ nói đến những người trai gái khác nhau, túm tụm trong một căn phòng mê hồn, trang hoàng lộng lẫy, với những cách hóa trang ngoại đạo ấy, phấn sáp ấy, đèn đuốc ấy, những giọng nói ủy mị ấy, tất cả những cái đó cuối cùng phải đẻ ra cái tinh thần phóng túng nào đó và tạo nên cho mình những tư tưởng vô lương, những cám dỗ ô trọc. Ít ra, đấy là ý kiến của tất cả các cha bề trên. Sau hết, (ông ta đột ngột vừa lấy một giọng huyền bí vừa nói thêm, trong khi ông ta vê trên ngón tay cái một dúm thuốc lá), nếu nhà thờ đã kết án các kịch hát, nhà thờ có lý; ta phải phục tòng những quyết định của nhà thờ.

– Tại sao, – tay dược sĩ hỏi, – nhà thờ lại trục xuất những kịch sĩ? Vì xưa kia, họ công nhiên góp sức vào các lễ thờ. Vâng, người ta đóng kịch, người ta biểu diễn giữa đám đồng ca, những loại kịch hề gọi là thánh sử kịch, trong đó các quy tắc về lễ nghi thường bị xúc phạm.

Người thầy tu đành thốt ra một tiếng rên rỉ và dược sĩ lại nói tiếp: 

– Thì cũng như trong Kinh thánh, có…, ông biết không… nhiều chi tiết… hay ho, nhiều điều… quả là…, vui nhộn!

Và thấy ông Bournisien có một cử chỉ tức bực, Homais lại nói:

– A! Ông sẽ công nhận đó không phải là một cuốn sách nên đặt vào tay một thanh niên, và tôi sẽ bực bội về Athalie…

– Nhưng đó là những người Tin lành, chứ không phải chúng tôi, – ông kia nổi nóng thốt lên, – họ khuyên đọc Kinh thánh chứ!

– Mặc! – Homais nói – Tôi lấy làm lạ, rằng tận ngày nay, trong một thời đại ánh sáng, người ta còn ương gàn cấm đoán một sự giải trí vô hại về mặt tinh thần, có tác dụng giáo dục và thậm chí có khi còn bổ ích nữa, phải không bác sĩ?

– Hẳn rồi, – viên thầy thuốc uể oải đáp lại, hoặc là vì cũng có những ý kiến như thế nhưng hắn không muốn làm mất lòng ai, hoặc là vì hắn chẳng có ý kiến gì?

Cuộc đấu khẩu hình như chấm đứt, khi tay dược sĩ xét thấy cần phải đánh một đòn cuối cùng nữa.

– Tôi có biết một vài cha ăn mặc như thường dân để đi xem các vũ nữ nhảy.

– Thôi! – Viên linh mục la lên.

– Ôi! Tôi có biết những cha ấy!

Và tách rời từng tiếng một, Homais nhắc lại:

– Tôi-có-biết-những-cha-ấy.

– Này! Thế thì họ có lỗi. – Bournisien nói (ông ta nhẫn nhục để nghe tất cả).

– Úi chà! Các cha ấy còn làm lắm cái sai khác! – Tay dược sĩ thốt to lên.

– Ông!… – Viên linh mục đáp (mắt ông ta trợn lên dữ tợn đến nỗi tay dược sĩ đâm chùn).

– Tôi chỉ muốn nói, – y dịu giọng, – sự khoan dung là cách chữa chắc chắn nhất để lôi cuốn con người vào tôn giáo.

– Đúng! Đúng! – Người thầy tu nhượng bộ (ông ta lại ngồi xuống ghế).

Nhưng ông ta chỉ ngồi rốn lại có hai phút. Rồi, khi ông ta vừa đi khỏi, Homais nói với người thầy thuốc:

– Đó mới gọi là một cuộc đấu khẩu! Tôi đã xoay ông ta nên thân, ông thấy đấy…! Nói tóm lại, ông hãy tin ở tôi, ông cứ dẫn bà đi xem hát, dù trong đời ông, có phải một lần làm nổi khùng một trong bọn quạ đen ấy! Ví ai có thể thay thế tôi được, tôi sẽ đích thân cùng đi với ông bà. Ông hãy nhanh lên! Lagardy sẽ chỉ biểu diễn có một lần; bên nước Anh đã mượn anh ta với số lương bổng rất hậu. Anh ta, như người ta nói, là một người khôn khéo! Anh ta lăn trên đống vàng! Anh ta mang theo ba ả tình nhân và một tay nấu bếp! Tất cả những nghệ sĩ lớn ấy ăn tiêu thả cửa; họ phải sống một cuộc sống phóng túng, nó kích thích phần nào trí tưởng tượng của họ. Nhưng họ sẽ chết ở bệnh viện, vì lúc còn trẻ, họ đã không hề có ý nghĩ tiết kiệm. Thôi, chúc ông ăn uống ngon miệng; đến mai chúng ta sẽ lại gặp nhau.

Cái ý đi xem kịch ấy nảy mầm nhanh chóng trong đầu óc Bovary bởi vì hắn ngỏ chuyện ngay với vợ; nàng thoạt tiên từ chối, kêu mệt, thấy phiền hà và phí tổn; nhưng, điều khác thường là Charles không chịu nhượng bộ do hắn xét thấy cuộc giải trí này nhất định có lợi nhiều cho nàng. Hắn không thấy có điều gì trở ngại trong đó mẹ hắn đã gửi cho vợ chồng hắn ba trăm quan hắn tưởng không còn trông mong nữa, những món nợ vặt thường ngày chẳng đáng kể, và hạn trả nợ cho Lheureux còn rất lâu đến nỗi hắn không cần nghĩ tới bây giờ. Vả lại, hắn tưởng rằng trong chuyện này nàng giữ gìn ý tứ, Charles càng cố nài; thành ra cuối cùng, bị ám ảnh mãi, nàng đành nhận lời. Thế là, hôm sau, vào lúc tám giờ, họ phấn khởi ngồi trong xe Con én.

Tay dược sĩ tuy chẳng có gì giữ lại ở Yonville, nhưng cứ tưởng mình buộc không được nhích khỏi nơi đây, thở dài lúc thấy họ đi.

– Thôi chúc ông bà thượng lộ bình an! – Y nói với họ – Ông bà thật là hai con người sung sướng!

Rồi y nói với Emma (hôm nay nàng vận một chiếc áo dài lụa thanh thiên bốn nẹp):

– Tôi thấy bà đẹp như một thần ái tình! Bà sẽ nổi danh ở Rouen đấy.

Xe đỗ ở khách sạn Chữ Thập Đỏ, trên quảng trường Beauvoisine. Đó là một trong những quán ăn như thường thấy ở các khu ngoại ô tỉnh lỵ, với những tàu ngựa lớn và những phòng ngủ nhỏ. Người ta thấy ở giữa sân những con gà mái mổ thóc dưới những chiếc xe độc mã đầy bùn của những người đi chào hàng; – đó là những nơi trú ẩn cũ kỹ mà chu đáo, có bao lơn bằng gỗ mọt kêu răng rắc trước gió vào những đêm đông luôn luôn đông khách, rất ồn ào và đầy thức ăn với những chiếc bàn đen nhầy nhụa nước chè hay cà phê pha rượu, các mặt kính dày, màu vàng ố vì ruồi, các khăn ăn còn hoen vết rượu vàng xanh; và, những quán cơm đó vẫn sặc mùi nông thôn, giống như những gã lực điền khoác áo quần trưởng giả, có một quầy cà phê nhìn ra mặt phố, và có vườn rau đi về phía đồng quê. Charles lập tức chạy đi chạy về, hắn lẫn lộn khán đài riêng sát sân khấu với hàng bao lơn ở hai bên, lẫn lộn tầng dưới với buồng lô, hắn yêu cầu giải thích mà không hiểu, hắn bị đẩy đi hỏi từ người kiểm soát vé đến ông giám đốc, hắn trở về quán ăn rồi quay lại phòng giấy, và cứ thế bao nhiêu lần sải bước khắp thành phố từ nhà hát đến đại lộ.

Bà vợ sắm cho mình một chiếc mũ, đôi găng, một bó hoa. Ông chồng rất sợ bỏ mất cảnh đầu; và không kịp húp bát canh, họ có mặt trước cửa rạp vẫn còn đóng kín.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.