Bà Bovary

Chương 2



Emma xuống xe trước tiên, rồi đến Félicité, ông Lheureux và một người vú em. Người ta phải đánh thức Charles ngủ say trong một góc xe ngay từ lúc tối trời.

Homais tự giới thiệu, y tỏ lòng tôn kính bà, tỏ tình giao hảo với ông, y nói y rất sung sướng được giúp hai người chút việc và, bằng một vẻ thân mật, y nói tiếp rằng y đã dám tự tiện đến cùng dự bữa ăn vì vợ y đi vắng.

Bà Bovary khi vào tới bếp, thì bước lại gần lò sưởi. Bằng hai đầu ngón tay, nàng nhón chiếc áo dài từ ngang tầm đầu gối, và sau khi chiếc áo đó đã được kéo lên tới mắt cá chân, nàng hơ trước ngọn lửa, ngay bên trên cái đùi cừu đang quay trong lò, đôi chân nàng đi giày có cổ màu đen… Ánh lửa soi sáng vào toàn thân nàng; rọi qua lần vai áo và lỗ chân lông đều đặn trên làn da trắng của nàng và thậm chí vào cả đôi mí mắt của nàng chốc chốc lại nhấp nháy. Một màu đỏ rực rỡ chạy trên người nàng theo luồng gió thổi lọt vào từ ngoài cánh cửa hé mở.

Từ phía bên kia lò sưởi, một chàng trai trẻ tóc vàng hoe nhìn nàng, lặng lẽ.

Vì ngại sống ở Yonville, ông Léon Dupuis, luật sư tập sự tại văn phòng của ngài Guillaumin, ông Léon Dupuis (chính ông ta là người khách quen thứ hai của quán Sư Tử Vàng), thường lui giờ ăn lại, mong gặp khách trọ nào tới quán này để cùng mình chuyện trò buổi tối. Vào những ngày giải quyết xong hết công việc, vì chẳng còn biết làm gì nữa, anh ta đành phải đến ăn đúng giờ và đành phải chịu đựng một cuộc mặt đối mặt với Binet suốt từ món xúp đến món phó mát. Cho nên anh ta vui mừng nhận lời đề nghị của mụ chủ quán là ngồi ăn cùng với những vị khách mới tới, thế là người ta chuyển sang phòng lớn trong đó mụ Lefrancois, để ra vẻ long trọng, đã bảo bày bốn bộ đồ ăn.

Homais xin phép được đội nguyên chiếc mũ trùm Hy Lạp trên đầu vì sợ sổ mũi.

Rồi, quay sang phía bà khách ngồi bên, y nói: 

– Thưa bà, chắc hắn bà hơi mệt? Ngồi xe Con én của chúng tôi thì bị xóc dữ lắm!

Emma đáp:

– Đúng đấy; nhưng tôi thường vẫn thích thú sự xáo trộn, tôi ưa thay đổi chỗ.

Viên luật sư tập sự thở dài:

– Sống đóng đinh mãi ở một nơi là một điều đáng buồn biết mấy!

Charles nói:

– Nếu ông như tôi buộc phải luôn luôn cưỡi ngựa thì…

Léon tiếp lời, mặt quay về phía bà Bovary:

– Nhưng đối với tôi, dường như chẳng còn gì thú vị hơn.

Anh ta nói thêm:

– Khi người ta có thể đi ngựa như vậy.

Tay dược sĩ phát biểu:

– Vả lại, làm nghề thầy thuốc ở địa phương chúng tôi chẳng vất vả lắm vì tình trạng đường sá cho phép dùng xe độc mã có mui, và, nói chung, người ta thù lao khá hậu, nông dân sống phong lưu. Ở đây, về phương diện y học, ngoài những trường hợp thông thường như sưng ruột, viêm phổi, đau mật,…, thỉnh thoảng vài cơn sốt cách nhật vào mùa gặt hái, song, nhìn toàn bộ, ít bệnh trầm trọng, chẳng có gì đặc biệt phải ghi, nếu không kể nhiều trường hợp mắc bệnh tràng nhạc do điều kiện vệ sinh nhà ở tồi tệ của nông dân. Ôi! Ông sẽ gặp lắm thành kiến phải đả phá, ông Bovary ạ, lắm thói hủ lậu ương gàn mà hàng ngày những cố gắng về khoa học của ông sẽ vấp phải vì người ta còn cầu cứu đến lễ cửu nhật, đến lộc thánh, đến cha cố, hơn là tự nhiên đến nhà thầy thuốc hay nhà dược sĩ. Tuy nhiên, khí hậu ở đây, thực ra, không phải là xấu, và chúng ta thậm chí còn tính ra ở trong xã có đến vài cụ già chín mươi tuổi. Hàn thử biểu (tôi đã quan sát) về mùa đông xuống tới bốn độ và, trong mùa oi bức, lên tới hai mươi lăm, ba mươi độ bách phân là cùng, như thế thành tối đa hai mươi bốn độ nhiệt kế Réaumur hay, nói khác đi, năm mươi tư độ Fahrenheit (cách đo lường Anh), không hơn – và, quả vậy, một mặt, chúng ta được rừng Argueil che gió bắc, mặt khác được dốc Saint-Jean che gió tây, nhưng cái hơi nóng do hơi nước bốc từ sông và do có nhiều súc vật trong đồng cỏ, chúng thải ra, như ông biết đấy, nhiều chất amôniác, tức là chất nitơ, chất hyđrô và chất ôxy (không, nitơ và hyđrô thôi) và do hút hết vào mình chất mùn của đất, hỗn hợp tất cả các thứ hơi bốc ra khác nhau đó, tập hợp chúng thành một làn hơi, nói như vậy cũng được, rồi tự nó kết hợp với làn sóng điện truyền trong khí quyển khi có điện, như ở những xứ nhiệt đới, dần dà có thể phát sinh ra những chướng khí hại đến sức khỏe – cái hơi nóng đó, theo tôi, được điều hòa chính từ phía nó tới, hay đúng hơn, từ phía có thể tới, tức là từ phía nam, gió đông nam, những cơn gió này, khi qua sông Seine, lại tự nó mát đi, đôi khi thổi tới chúng tôi cùng một lúc, như những làn gió nhẹ ở nước Nga!

– Ít ra ông cũng đi dạo vài chỗ quanh vùng chứ? – Bà Bovary tiếp lời chàng trai.

– Chà! ít lắm, – anh ta đáp. – Có một nơi người ta gọi là đồng cỏ, trên đỉnh dốc, ở ven rừng. Đôi khi, ngày chủ nhật, tôi đến đây, rồi tôi ở lại đây với quyển sách mang theo mà ngắm cảnh chiều tà.

– Tôi chẳng thấy gì tuyệt như những cảnh chiều tà, – bà Bovary nói, – nhưng nhất là ở bờ biển.

– Ôi! Tôi yêu quý biển cả. – Léon lên tiếng.

– Phải chăng đối với ông, bà Bovary tiếp lời, ông tưởng rằng trí tuệ vùng vẫy tự do hơn trên cái khoảng vô tận đó mà sự thưởng ngoạn nâng cao tâm hồn ông lên và làm nảy sinh những quan niệm về vô biên, về lý tưởng?

– Về phong cảnh núi non cũng thế, – Léon đáp. Tôi có một người anh em họ đi du lịch ở Thụy Sĩ năm ngoái nói với tôi rằng người ta không thể hình dung được cái nên thơ của đầm hồ, cái vẻ đẹp của thác nước, cái sức gây cảm xúc phi thường của tảng băng. Người ta thấy những cây thông to lớn không ngờ chắn ngang qua dòng nước lũ, những túp lều cheo leo trên vực thẳm, và, toàn bộ thung lũng dưới chân anh hàng nghìn mét, khi làn mây hé mở. Những cảnh tượng ấy làm cho con người hứng khởi, dẫn con người đến chỗ cầu nguyện, đến chỗ mê mẩn! Cho nên tôi chẳng ngạc nhiên nữa về nhạc sĩ danh tiếng kia, để kích thích hơn trí tưởng tượng của mình, đã có thói quen đánh đàn pianô trước một phong cảnh trang nghiêm nào đó.

– Ông chơi nhạc à? – Nàng hỏi.

– Không ạ, nhưng tôi thích nhạc lắm, – chàng đáp.

Homais vừa ngắt lời vừa cúi xuống đĩa ăn:

– Ồ! Bà đừng nghe ông ấy, bà Bovary ạ, ông ấy hoàn toàn khiêm tốn đấy thôi. Thế nào, ông bạn thân mến! Hôm nọ, trong phòng ông, ông chả hát hay đến tuyệt diệu bài Thiên thần hộ mệnh là gì. Tôi từ phòng thí nghiệm nghe ông hát; ông làm bài hát nổi lên như một diễn viên.

Thực thế, Léon ở nhà tay dược sĩ trong một căn buồng nhỏ trên tầng gác hai. Chàng đỏ mặt lên vì lời khen của ông chủ nhà lúc đó đã quay về phía người thầy thuốc, đang lần lượt kể cho người thầy thuốc biết những người dân quan trọng ở Yonville. Y kể những chuyện vặt, chỉ dẫn mọi điều. Người ta chẳng biết tài sản của viên quản lý văn khế đúng là bao, và gia đình Tuvache rất làm bộ làm tịch.

Emma lại lên tiếng:

– Thế ông thích loại nhạc nào hơn cả?

– Ô! Nhạc Đức, thứ nhạc làm cho người ta mơ mộng

– Ông có biết nhạc Ý không?

– Chưa ạ! Nhưng năm tới tôi sẽ gặp nhạc sĩ Ý khi tôi lên ở Paris để hoàn thành việc học luật của tôi.

Tay dược sĩ nói:

– Đúng như tôi đã được hân hạnh bày tỏ với ông nhà về chuyện anh Yanoda tội nghiệp ấy trốn đi; nhờ những cái điên dại của anh ta, ông bà bỗng được hưởng một trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhất ở Yonville, cái điều thuận tiện chủ yếu của nó đối với một thầy thuốc là một cái cổng mở ra trên con đường hai bên có trồng cây khiến khách ra vào được kín đáo. Vả lại, nhà lại có đủ thứ dễ chịu cho một gia đình: chỗ giặt quần áo, nhà bếp có ngăn dọn đồ ăn, phòng khách gia đình, nơi chứa hoa quả, v.v… Quả là một gã phóng túng! Gã đã thuê dựng cho gã, ở đầu vườn, bên bờ nước, một vòm cây chủ ý để mùa hè ngồi dưới đó uống bia, và nếu bà nhà thích làm vườn, thì bà sẽ có thể…

Charles ngắt lời:

– Nhà tôi không làm vườn đâu; bà ấy thích ngồi ở trong buồng đọc sách hơn mặc dầu người ta vẫn khuyên bà ấy làm.

– Thì cũng như tôi, – Léon đáp – mà thực ra, còn gì tốt hơn là buổi tối, được ngồi bên lò lửa với cuốn sách, trong khi gió đập vào ô kính cửa và ngọn đèn cháy sáng?…

– Có phải thế không? – Nàng vừa nói vừa giương cặp mắt đen to nhìn chòng chọc anh chàng.

– Người ta chẳng nghĩ đến điều gì cả, – anh ta nói tiếp, – thời giờ trôi qua. Ngồi im một chỗ, người ta lãng du trong những xứ sở tưởng như thấy trước mắt, và tư tưởng người ta xoắn xuýt với hư cấu, nô giỡn trong những chi tiết hoặc chạy theo hình thái của những việc tình cờ xảy ra, nó hòa hợp với các nhân vật; dường như chính người ta đang hồi hộp dưới trang phục của họ.

– Thực thế! Thực thế! – Nàng nói.

Léon lại tiếp:

– Có khi nào bà thỉnh thoảng bắt gặp trong một cuốn sách một ý tưởng mơ hồ mà người ta đã có, một hình ảnh phai mờ nào đó từ xa xôi trở lại, và nó như giãi bày đầy đủ tình cảm tinh tế nhất của bà không?

– Tôi đã từng thấy thế, – nàng đáp.

– Cho nên, – anh ta nói, – tôi thích các thi sĩ hơn cả. Tôi thấy thơ êm dịu hơn văn xuôi, và nó dễ làm người ta khóc nhiều hơn.

Emma đáp lại:

– Nhưng thơ đọc mãi cũng nản; và bây giờ, trái lại, tôi mê những truyện tiếp diễn thẳng một mạch mà đọc tên là thấy hãi hùng. Tôi ghét những nhân vật tầm thường và những tình cảm ôn hòa như thường có trong đời sống.

Viên luật sư tập sự nhận xét:

– Quả vậy, những tác phẩm ấy không làm xúc động lòng người, tôi tưởng nó xa rời cái mục đích thật sự của nghệ thuật. Giữa những mối thất vọng của đời sống, khoan khoái xiết bao khi có thể bằng tư duy nhớ tới những tính cách cao thượng, những tình cảm trong trắng và những bức tranh hạnh phúc. Còn tôi, sống ở đây, xa cái xã hội thượng lưu thì đó là cách tiêu khiển độc nhất của tôi nhưng Yonville có ít phương tiện quá!

– Chắc cũng như ở Tostes đấy, – Emma tiếp lời, – cho nên tôi luôn luôn vẫn phải thuê sách dài hạn ở một phòng đọc sách.

Vừa nghe thấy mấy tiếng cuối, tay được sĩ liền nói:

– Nếu tôi được cái hân hạnh đưa sách đến hầu bà thì chính tôi có một tủ sách gồm các tác giả hay nhất: Voltaire, Rousseau, Delille, Walter Scott, tập Tiếng vang của mục tiểu phẩm, v.v…, và ngoài sách ra, tôi còn nhận được nhiều tạp chí khác nhau, trong đó, hàng ngày, có tờ Ngọn đèn Rouen, vì tôi may mắn được làm thông tin viên cho báo ấy ở các địa hạt Buchy, Forges, Neufchâtel, Yonville và các miền lân cận.

Khách vẫn ngồi ăn từ hai tiếng rưỡi đồng hồ vì cô đầy tớ Artémise, uể oải kéo lê trên nền gạch đôi giày vải cũ gập gót mang liên tiếp hết đĩa này đến đĩa khác, quên mọi thứ, chẳng hiểu gì cả và luôn luôn để hé mở cửa phòng bi-a làm cho đầu then dập vào tường.

Trong khi nói chuyện, Léon đã đặt chân lên trên một gióng ngang của chiếc ghế bà Bovary ngồi mà không biết. Nàng đeo một chiếc ca vát nhỏ bằng lụa màu xanh lơ, nó giữ ngay ngắn cái cổ áo bằng vải lanh mịn là cuốn như cổ áo xếp và, tùy theo cái đầu nghiêng ngả, phần dưới khuôn mặt nàng khuất vào hoặc lộ ra ngoài cổ áo đó một cách dịu dàng. Cứ như thế, họ ngồi bên nhau, trong khi Charles và tay dược sĩ trò chuyện, đi vào một cuộc đàm thoại mơ hồ mà những câu nói ngẫu nhiên thường đưa đến cái trung tâm cố định của mối cảm tình chung. Nào buổi kịch ở Paris, nào nhan đề tiểu thuyết, nào nhạc điệu khiêu vũ mới, và cái xã hội mà họ không biết, Tostes là nơi nàng đã sống, Yonville là chốn họ đang ở, họ nhận xét mọi thứ, họ nói đến mọi thứ cho tới lúc bữa ăn kết thúc.

Khi cà phê đã pha xong, Félicité đi dọn buồng ngủ nơi nhà mới, và chẳng bao lâu khách ăn đứng dậy ra về. Mụ Lefrancois ngủ bên đống tro, còn gã coi chuồng ngựa, đèn lồng tay cầm đợi ông bà Bovary để dẫn họ về nhà. Bộ tóc gã đỏ có vướng những cuộng rơm và chân gã đi khập khiễng về phía trái. Khi gã giơ tay cầm lấy cái ô của ông linh mục thì mọi người bước ra đi.

Thị trấn đã ngủ. Những cột chống mái chợ toa xuống thành những bóng to dài. Mặt đất xám xịt như trong một đêm hè.

Nhưng nhà người thầy thuốc ở cách quán cơm có năm mươi bước, cho nên chẳng mấy lúc mọi người đã phải chào nhau ngay, và đoàn người phân tán.

Emma, ngay từ lúc vào phòng đã cảm thấy hơi lạnh của thạch cao thấm vào vai như một miếng vải ẩm. Tường nhà mới nguyên, và những bậc thang gỗ kêu răng rắc. Trong buồng ngủ, ở tầng gác thứ nhất, một làn ánh sáng nhạt trắng lọt qua các cửa sổ không rèm che. Người ta thoáng thấy những ngọn cây và xa hơn nữa, cánh đồng cỏ, nửa chìm trong sương mù đang bốc hơi, dưới ánh trăng theo dòng sông. Giữa căn buồng, bừa bãi những ngăn kéo tủ, những chai, những gióng sắt để treo màn, những cọc thép vàng với những nệm để trên ghế và những chậu để trên sàn, hai người khuân đồ đạc đến đã quăng bừa vào đó.

Đây là lần thứ tư mà nàng ngủ ở một nơi xa lạ: Lần thứ nhất là ngày nàng vào nhà tu, lần thứ hai là khi nàng đến Tostes, lần thứ ba là lúc nàng tới Vaubyessard, lần thứ tư là lần này; và mỗi lần đó tồn tại trong cuộc đời nàng như một ngày lễ khánh thành một giai đoạn mới. Nàng không tin rằng mọi sự việc lại có thể diễn ra y như cũ ở những chốn khác nhau, nên phần đời sống qua rồi đã xấu thì hẳn phần đời sống còn lại sẽ phải khá hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.