Bà Bovary

Chương 3



Một buổi sáng, lão Rouault mang đến trả Charles tiền chữa khỏi chân: bảy mươi lăm quan toàn bằng đồng bốn hào, và một con gà mái tây. Lão biết tin buồn của hắn và hết sức an ủi hắn:

– Tôi biết mà! – Lão vừa nói vừa vỗ vai hắn – Tôi cũng thế, tôi đã từng như ông! Khi nhà tôi tội nghiệp mất đi, tôi ra ngoài đồng để được sống một thân một mình, tôi vật mình dưới một gốc cây, tôi khóc lóc, tôi kêu gọi Chúa Trời, tôi nói bậy với Chúa, tôi muốn như những con chuột chũi mà tôi trông thấy chết trên cành cây, bụng nhung nhúc dòi bọ. Khi tôi nghĩ tới những kẻ khác, cùng lúc ấy, đang sống với người vợ ngoan bé bỏng mà họ ôm ấp trong tay, thì tôi đập gậy thình thịch xuống đất; tôi gần hoá điên, chẳng thiết gì ăn uống nữa! Ông không thể ngờ được là ngay chỉ nghĩ đến chuyện đến tiệm cà phê thôi cũng đủ phát chán, vậy mà, cứ dần dà ngày này qua ngày khác, xuân đến đông đi, rồi hè qua thu tới, việc đó lặng lẽ trôi, tôi muốn nói là việc đó tan biến, việc đó mất đi, việc đó lắng xuống, vì thể nào chẳng còn một cái gì vướng vít ở đáy lòng, như… một quả tạ ấy mà, một quả tạ ở ngực đây này! Nhưng số phận con người là thế, rầu rĩ héo hon cũng chẳng hơn gì, người khác chết đi, mình cũng muốn chết theo à… Ông Bovary ơi, ông cứ hoạt động lên; rồi mọi điều rồi sẽ qua thôi! Ông lại chơi đằng nhà tôi nhé; cháu nó thỉnh thoảng có nhắc ông đấy, ông có biết không, nó bảo như là ông đã quên nó rồi. Mùa xuân sắp tới, chúng tôi sẽ mời ông đi bắn thỏ rừng cho khuây khoả một chút.

Charles nghe theo lời khuyên. Hắn trở lại trang trại Bertaux. Hắn lại thấy mọi vật như trước, nghĩa là như cách đây năm tháng, lê đã ra hoa, còn lão Rouault, bây giờ đang đứng dậy được, đi đi lại lại làm cho trang trại thêm vui.

Lão tưởng mình có nhiệm vụ phải đối xử hết sức niềm nở với người thầy thuốc khi hắn đang ở trong cảnh đau buồn nên lão yêu cầu hắn đừng bỏ mũ ra, lão khẽ nói với hắn coi như hắn ốm yếu; lão lại còn làm ra vẻ giận dữ khi thấy người nhà không chuẩn bị thiết đãi hắn những món ăn gì nhè nhẹ hơn những món khác một chút, như kem trong bình nhỏ hoặc lê nấu chín. Lão kể chuyện, Charles bất giác cười; nhưng đột nhiên tưởng nhớ đến vợ, hắn lại sa sầm nét mặt. Người nhà mang cà phê ra; hắn lại quên đi.

Càng quen sống một mình, hắn càng ít nghĩ tới. Chẳng bao lâu, cái thú mới mẻ là được tự chủ đã làm cho cảnh cô đơn của hắn dễ chịu hơn. Bây giờ, hắn có thể thay đổi giờ ăn, đi về chẳng phải nói lý do, và khi mỏi mệt, có thể nằm dài, duỗi chân duỗi tay thênh thang khắp giường. Thế rồi, hắn tự nâng niu hắn, vỗ về hắn, và nghe theo những lời người ta an ủi hắn. Mặt khác, vợ hắn mất đi không tai hại gì đến nghề nghiệp của hắn, vì suốt một tháng ròng, người ta cứ nhắc đi nhắc lại: “Tội nghiệp! Chàng thanh niên ấy thực là khổ!”. Tên hắn đồn đại đi và khách khám bệnh tăng lên; rồi hắn tha hồ đến Bertaux. Hắn có một mối hy vọng không mục đích, một niềm vui sướng mơ hồ, hắn thấy diện mạo hắn dễ coi hơn khi hắn chải bộ râu quai nón trước gương.

Một hôm, hắn đến trang trại vào lúc ba giờ; mọi người đều ở ngoài đồng, hắn vào thẳng nhà bếp, nhưng thoạt tiên hắn chẳng thấy Emma đâu; liếp cửa buồng kín. Qua khe ván, mặt trời rọi xuống nên gạch những tia nắng dài và mảnh, gãy gập ở cạnh góc đồ đạc và rung rinh trên trần nhà.

Trên bàn, ruồi bò lên thành cốc đã dùng rồi và đập cánh vo vo khi sa xuống cặn rượu táo còn đọng ở đáy cốc. Ánh sáng từ ống lò sưởi chiếu xuống làm cho lớp bồ hóng có vẻ mịn màng và đống tro tàn thêm xanh. Giữa khoang cửa sổ và bếp lò, Emma đang khâu; nàng không quàng khăn, van trần lấm tấm mồ hôi.

Theo tập quán nông thôn, nàng mời hắn uống một thứ gì đó. Hắn chối từ, nàng cố nài, rồi vừa cười vừa mời hắn dùng với nàng một cốc rượu mùi.

Nàng ra tủ lấy chai rượu cam bì, với tay lấy hai chiếc cốc nhỏ, rót một cốc rất đầy, một cốc rất vơi, rồi sau khi chạm cốc, nàng đưa lên miệng. Vì cốc của nàng hầu như là cốc không, nàng phải ngả người để uống: đầu ngửa về phía sau, môi chìa ra phía trước, cổ vươn lên; nàng cười vì chẳng thấy mùi mẽ gì, nàng đưa đầu lưỡi qua đôi hàng răng xinh xắn liếm nhẽ đáy cốc.

Nàng lại ngồi xuống, cầm lấy đồ khâu, tiếp tục mạng một chiếc tất sợi trắng, nàng cúi mặt xuống để làm, nàng không nói một lời. Charles cũng thế. Gió lùa qua khe cửa khiến bụi bay vào nên gạch; hắn trông theo vệt bụi và hắn chỉ nghe thấy tiếng mạch đập trong đầu cùng tiếng gà mái đẻ cục tác xa xa. Để cho mát, Emma chốc chốc lấy lòng bàn tay áp vào má sau khi nàng đã làm nguội đi bằng cách nắm vào cái núm sắt của những chiếc giá lớn để củi trong lò sưởi.

Nàng phàn nàn, từ đầu mùa đến giờ, người cứ bị choáng váng; nàng hỏi đi tắm bể có lợi cho sức khoẻ của nàng không; nàng kể chuyện nhà tu. Charles nói về trường trung học, lời lẽ cứ thế mà nảy nở. Cả hai lên buồng Emma. Nàng đưa hắn xem những vở nhạc cũ của nàng, những cuốn sách nhỏ nàng được thưởng và những vòng lá gồi vinh dự, bỏ lâu ngày ở đáy tủ. Nàng còn nói đến mẹ, đến nghĩa địa, và chỉ cả cho hắn biết cái mảnh đất trong vườn mà nàng vẫn tới hái hoa, vào ngày thứ sáu đầu tháng, để mang hoa đặt trên mộ mẹ. Nhưng bác làm vườn trong trang trại chẳng hiểu gì cả; bác ta hầu hạ hai bố con tồi quá; nàng mong muốn lên tỉnh ở, dù chỉ ở mỗi mùa đông, vì suốt mùa hè, những ngày đẹp trời kéo dài có thể làm cho thôn quê càng buồn tẻ hơn nữa – tuỳ theo câu chuyện đổi thay, giọng nàng khi trong trẻo, khi the thé, hoặc, đột nhiên đượm vẻ sầu muộn, lên xuống uyển chuyển, và cuối cùng, gần như thì thầm, lúc nàng lại tự nói với nàng – khi nàng đau buồn, nàng khéo hàng mi lại nửa chừng, nàng mặc cho đầu óc phiêu diêu.

Buổi chiều, khi trở về, Charles lần lượt nhắc lại những lời nàng đã nói, hắn cố nhớ lại, hắn cố bổ sung, để nắm được cái khoảng đời nàng đã sống trong thời gian hắn chưa quen biết nàng. Nhưng không bao giờ hắn hình dung được nàng khác hình ảnh hắn gặp gỡ buổi đầu tiên, hoặc giống hình ảnh hắn vừa từ biệt. Rồi hắn tự hỏi nàng sẽ ra sao nếu nàng đi lấy chồng, mà lấy ai? Ôi! Lão Rouault giàu lắm, còn nàng… đẹp xiết bao! Hình ảnh Emma cứ hiện ra trước mắt hắn, và có tiếng gì đơn điệu như tiếng vo ve của con quay văng vẳng bên tai hắn: “Hay là anh lấy vợ đi! Hay là anh lấy vợ đi!”. Ban đêm hắn không ngủ được, cổ nghẹn lại, hắn thấy khát, hắn vùng dậy uống nước ở bình, rồi hắn ra mở cửa sổ; bầu trời đầy sao, một làn gió nóng thổi qua; xa xa chó sủa. Hắn quay mặt về phía Bertauz.

Nghĩ rằng dù sao cũng chẳng mất gì, Charles tự hẹn với mình là sẽ hỏi khi nào gặp dịp; nhưng mỗi lần gặp dịp, hắn lại ngậm miệng vì sợ nói năng sơ suất.

Lão Rouault chẳng phải không hài lòng nếu có người rước con gái lão đi, nó giúp lão được mấy tí việc nhà. Thâm tâm lão cũng chẳng trách gì nó, lão biết con gái mình thông minh, do đó nó chẳng hợp với nghề nông, một nghề không được trời phú vì chẳng thấy ai làm nghề này mà thành triệu phú cả. Chính lão, lão cũng chẳng làm giàu gì được , hàng năm lão còn thua thiệt nữa, vì tuy lão giỏi buôn bán, thích thú có nhiều mánh khoé trong nghề, thế mà bản thân việc cày cấy thuần tuý và việc quản lý trang trại chẳng hợp với lão chút nào. Lão chẳng chịu tằn tiện ăn tiêu cho tất cả cái gì cần thiết đến cuộc sống của lão như ăn ngon, sưởi ấm, ngủ yên. Lão thích rượu táo nặng, đùi cừu tươi, cà phê ngọt pha rượu đánh thật kỹ. Lão dùng cơm ở nhà bếp, một mình, trước ngọn lửa, món ăn dọn sẵn trên chiếc bàn con mang đến tận nơi như ở rạp hát.

Vì vậy, khi lão nhận thấy Charles đỏ mặt lúc gần con gái lão, như thế có nghĩa là một ngày nào đó hắn sẽ xin cưới con gái lão, lão nghiền ngẫm trước mọi sự việc. Lão thấy hắn quả có phần yếu đuối, và đó không phải là một chàng rể như lão hằng mong ước; nhưng người ta khen hắn đứng đắn, cần kiệm, uyên bác, và chắc chắn, hắn sẽ chẳng cò kè lắm về của hồi môn. Vả lại lão Rouault buộc sắp phải bán đi hai mươi hai mẫu đất thuộc tài sản của lão. Lão nợ rất nhiều, nào thợ nề, nào thợ đóng yên ngựa, đồng thời lão lại phải chữa trục máy ép nho. Lão bèn tự nhủ: “Nếu anh chàng hỏi con bé thì ta gả.”

Vào dịp lễ thánh Michel, Charles đến chơi ba hôm ở trang trại Bertaux. Ngày cuối cùng trôi qua như các ngày trước đó, từng khắc, từng khắc lùi dần. lão Rouault tiễn chân hắn; hai người bước trên con đường trũng, sắp từ biệt nhau; đây là lúc phải nói. Charles tự hẹn mình đến góc bờ rào, và, cuối cùng, khi đã qua chỗ đó, hắn lẩm bẩm:

– Ông Rouault ạ, tôi muốn thưa với ông một điều.

Hai người đứng lại. Charles im bặt.

– Thì ông cứ nói! Dễ thường tôi không biết cả rồi ư! – Lão Rouault vừa nói, vừa cười hiền hậu.

Charles ấp úng:

– Bố Rouault…, bố Rouault.

Lão chủ trang trại nói tiếp.

– Tôi, tôi không muốn gì hơn. Con bé hẳn đồng ý với tôi, tuy thế vẫn phải hỏi ý kiến nó. Anh cứ đi đi; còn tôi về qua nhà. Nếu nó thuận, anh nghe chưa, anh chẳng cần phải trở lại đông người, hơn nữa, chuyện đó làm nó quá cảm động. Nhưng, để anh khỏi sốt ruột, tôi sẽ làm hiệu, đầy liếp cho cửa sổ giáp vào tường; anh có thể đứng sau nhà, nghiêng mình qua hàng rào mà nhìn thấy được.

Thế là lão rời bước.

Charles buộc ngựa vào một cái cây. Hắn chạy vào đứng ở một ngõ hẻm, chờ đợi. Nửa giờ trôi qua; hắn theo dõi đồng hồ đến mười chín phút. Bỗng có tiếng đập vào tường, liếp che cửa đã đẩy sập, cái chốt còn rung động.

Hôm sau, mới chín giờ sáng, hắn đã ở trang trại. Lúc hắn bước vào, Emma thẹn đỏ mặt, cố cười một tí để giữ vẻ. Lão Rouault ôm hôn con rể tương lai. Chuyện lợi tức bàn tÍnh sau; vả lại, còn khối thời gian trước mắt, vì Charles có đoạn tang, thì lễ cưới mới tiến hành được, tức là khoảng mùa xuân năm tới.

Mùa đông trôi qua trong sự chờ đợi ấy. Cô Rouault chăm lo bộ đồ cưới. Một phần được đặt mua ở Rouen, một phần do nàng may lấy, áo sơ mi và mũ trùm đầu, theo những kiểu vẽ thời trang mà nàng mượn được. Mỗi lần Charles đến thăm trang trại là mỗi lần người ta bàn chuyện sửa soạn lễ cưới, người ta hỏi tiệc cưới nên đặt ở phòng nào, người ta liên tưởng đến bữa tiệc cần có bao nhiêu món và những món nào là những món đầu tiên.

Emma, trái lại, ước muốn được cưới vào nửa đêm, dưới ánh đèn cầy; nhưng lão Rouault chẳng hiểu tí gì về ý đó. Rút cục, sẽ có một tiệc cưới gồm bốn mươi ba người tham sự suốt mười sáu tiếng đồng hồ, tiệc cưới còn tiếp tục vào hôm sau và phần nào vào những ngày sau nữa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.