Bà Bovary

Chương 3



Hôm sau, ngủ dậy, nàng thoáng thấy viên luật sư tập sự ở dưới đường phố. Nàng còn mặc áo choàng. Anh ta ngước mắt lên chào nàng. Nàng vội gật đầu và khép của sổ lại.

Léon suốt ngày đợi sáu giờ chiều tới cho nhanh. Nhưng, vào quán cơm, chàng chỉ thấy có ông Binet ngồi bàn.

Bữa cơm tối hôm trước đối với chàng là một sự kiện quan trọng; cho tới lúc ấy, chưa bao giờ anh ta được nói chuyện hai giờ liền với một bà. Làm thế nào anh ta giãi bày được với bà ta, bằng một ngôn ngữ như vậy, bao nhiêu chuyện mà trước đó có lẽ anh ta chẳng nói hay đến thế? Anh ta vốn nhút nhát và giữ thái độ dè dặt phần do cả thẹn, phần do kín đáo? Ở Yonville, người ta thấy anh ta có một thái độ đúng đắn. Anh ta lắng tai nghe những người đứng tuổi bàn luận và không tỏ ra nóng nảy trong vấn đề chính trị, điều đáng chú ý đối với một thanh niên. Mà anh ta lại có nhiều tài năng biết vẽ tranh bằng thuốc màu, biết đọc thông nốt nhạc ở khóa son, và thích quan tâm đến văn nghệ sau bữa cơm chiều khi không đánh bài. Ông Homais nể anh ta vì anh ta có học thức; bà Homais mến anh ta vì anh ta niềm nở, anh ta thường theo lũ trẻ nhà Homais ra vườn chơi, lũ trẻ này luôn luôn nhem nhuốc rất khó bảo và tính tình có phần lạnh nhạt như mẹ chúng. Để chăm sóc chúng, ngoài người vú, còn có Justin, học sinh ngành dược, là anh em họ xa của ông Homais, được nuôi làm phúc trong nhà và đồng thời được dùng làm người hầu.

Tay dược sĩ tỏ ra là người hàng xóm tốt nhất. Y mách bảo bà Bovary biết tình hình về các người cung cấp hàng quen, cố ý cho gọi người bán rượu táo đến, tự mình nếm thử rượu và trông coi trong hầm sao cho thùng rượu được đặt cẩn thận; y còn chỉ dẫn cả cách làm thế nào để kiếm được bơ dự trữ rẻ tiền, và điều đình xong xuôi với Lestibouđois, người giữ đồ thánh, ngoài công việc nhà thờ và tang lễ, còn chăm sóc các khu vườn chính ở Yonville tính theo giờ hoặc tính theo năm tùy sở thích của từng người.

Không phải chỉ nguyên nhu cầu chăm lo đến người khác đã thúc đẩy tay dược sĩ đi tới chỗ ân cần quá tử tế đến thế, mà dưới đó, còn có cả một kế hoạch.

Y đã vi phạm luật ngày 19 tháng Sáu năm XI (theo lịch cộng hòa), điều một, cấm mọi kẻ thiếu bằng cấp làm nghề chữa bệnh, cho nên, do những sự tố giác nặc danh, Homais đã bị đòi đến phòng riêng của ông chưởng lý hoàng gia ở Rouen. Viên quan tòa vận áo thụng, đeo tấm da chồn trên vai và đội mũ quan tòa trên đầu, đứng tiếp y. Lúc ấy là buổi sáng, trước phiên tòa, người ta nghe thấy ngoài hành lang tiếng bốt cứng của sen đầm đi qua đi lại, và như có tiếng động xa xa của những ổ khóa lớn đang đóng lại. Đôi tai của tay dược sĩ ù lên tưởng chừng y sắp gục xuống vì trúng phong; y thoáng thấy đáy ngực tối dưới đất, vợ con y đang khóc, hiệu thuốc bị bán đi, các bình đựng thuốc tiêu tán; và y buộc phải vào một quán cà phê uống một cốc rượu với nước suối Seltz để lấy lại tinh thần.

Dần dần, vụ cảnh cáo đó phai mờ đi trong ký ức của y, và y lại tiếp tục như xưa, chẩn bệnh một cách vô hại trong gian nhà sau cửa hàng. Nhưng viên thị trưởng có ác cảm với y, những bạn đồng nghiệp của y ghen ghét y, cho nên y phải e mọi sự. Gắn bó với ông Bovary bằng những cử chỉ lịch sự là để chiếm được lòng biết ơn của ông ấy và bịt miệng ông ấy khi ông ấy nhận thấy điều gì. Do đó, sáng nào cũng vậy, Homais mang nhật báo đến cho ông Bovary, và lắm khi, vào buổi chiều, y lại rời hiệu thuốc của y một lát để sang nhà người thầy thuốc nói chuyện.

Charles buồn: khách chữa bệnh chẳng đến. Hắn ngồi hàng giờ đằng đẵng không nói, vào ngủ trong phòng làm việc hoặc xem vợ khâu. Để giải trí, hắn tự làm công việc trong nhà như một lao công, và thậm chí hắn lại còn thử sơn buồng kho bằng ít thuốc màu mà thợ sơn đã để lại. Nhưng chuyện tiền nong khiến hắn bận tâm. Hắn đã tiêu pha rất nhiều trong việc sửa nhà ở Tostes, trong việc may sắm cho bà vợ và trong việc dọn nhà, đến nỗi cả món hồi môn, hơn ba nghìn êquy, đã hết nhẵn trong hai năm. Rồi, bao tài sản bị hư hại hoặc mất mát trong việc chuyên chở từ Tostes đến Yonville, chưa kể bức tượng linh mục bằng thạch cao, do xe bò bị xóc quá mạnh, đã rơi xuống đất vỡ tan thành muôn nghìn mảnh trên đường phố ở Quincampoix!

Một mối lo âu tốt lành hơn làm cho hắn khuây khỏa đó là việc vợ hắn có mang. Càng gần tới kỳ sinh đẻ, hắn càng quý mến nàng hơn. Đó là một sự ràng buộc khác về máu thịt đang được thiết lập, và nó như cái ý thức liên tục của một sự kết hợp phức tạp hơn. Khi từ xa, hắn nhìn thấy dáng đi uể oải của nàng và thân hình nàng không có áo nịt xoay chuyển ẻo lả trên hông; khi ngồi đối diện nhau, hắn ngắm nàng thỏa thích và nàng, trong chiếc ghế bành, ra chiều mệt nhọc, bấy giờ hắn không cầm nổi được niềm vui sướng nữa. Hắn đứng đậy ôm hôn nàng, lấy tay xoa mặt nàng, gọi nàng là bà mẹ trẻ, muốn nàng nhảy múa và, nửa cười nửa khóc, hắn thốt ra đủ lời bông đùa mơn trớn nảy ra trong óc hắn. Cái ý niệm sinh con đẻ cái làm cho hắn khoái chí. Hiện nay, hắn chẳng còn thiếu gì. Hắn hiểu trọn vẹn cuộc sống con người và hắn tham gia vào đó một cách vững vàng và thanh thản.

Emma, thoạt tiên, cảm thấy rất ngạc nhiên rồi sau đó nàng muốn đẻ cho xong để biết thế nào là làm người mẹ. Nhưng vì không thể tiêu pha được như ý muốn, không thể có được một chiếc nôi treo với diềm lụa hồng và mũ trùm thêu, nàng tủi cực, bỏ cả chuyện sắm sẵn tã lót cho con và nàng đặt thẳng một lần cho một cô thợ trong làng làm những thứ đó chẳng cần lựa chọn, chẳng cần bàn tính gì cả. Do đó, nàng không thấy vui với những cuộc sửa soạn, trong đó tình thắm thiết của những người mẹ đang được khêu dậy, và tình nàng thương con, ngay lúc ban đầu, có lẽ đã giảm bớt đi phần nào.

Tuy nhiên, vì Charles bữa ăn nào cũng nói tới đứa trẻ, nên chẳng bao lâu nàng nghĩ tới nó một cách liên tục hơn.

Nàng mong ước một đứa con trai; nó khỏe mạnh, nó có bộ tóc nâu và tên nó sẽ là Georges; cái ý muốn đẻ con thì phải là con trai dường như là mối hy vọng được đền bù về mọi nỗi bất lực của nàng xưa kia. Người đàn ông, ít ra, còn được tự do; anh ta có thể trải qua mọi dục vọng và đi khắp mọi xứ sở, vượt khỏi mọi trở ngại, nếm đủ mọi niềm vui xa xôi nhất. Nhưng người đàn bà thì luôn luôn bị ngăn trở. Vừa thụ động vừa nhu nhược, chị ta phải đồng thời đối phó lại cái mềm yếu của xác thịt và cái lệ thuộc vào luật pháp. Ý chí của chị ta, như tấm mạng buộc vào mũ bằng sợi dây nhỏ vật vờ trước gió luôn luôn có một thèm muốn nào đó lôi cuốn, một điều lễ nghi nào đó giữ lại.

Nàng đẻ vào một ngày chủ nhật, khoảng sáu giờ, lúc mặt trời mọc.

– Con gái! – Charles nói.

Nàng quay đầu đi và chết ngất.

Vừa lúc đó, bà Homais chạy tới ôm nàng, cả mụ Lefrancois ở quán Sư Tử Vàng. Tay dược sĩ, ra vẻ con người kín đáo chỉ ngỏ với nàng vài lời tạm chúc, qua cánh cửa hé mở. Y muốn xem đứa bé và y thấy hình thù nó cân xứng.

Trong thời kỳ an dưỡng, nàng để tâm nhiều đến việc đặt tên cho con gái. Thoạt tiên, nàng soát lại tất cả các tên đều có vần cuối theo tiếng Ý như Clara, Louisa, Amanđa, Atala; nàng khá ưa cái tên Galsuinde, hơn nữa là Yseult hay Léocadie. Charles thì muốn lấy tên mẹ đặt cho con; Emma không nghe. Họ xem lịch từ đầu đến cuốỉ và hỏi cả ý kiến người ngoài.

Tay dược sĩ nói.

– Ông Léon, người mà hôm nọ tôi có hỏi chuyện này, ngạc nhiên rằng ông bà lại không chọn cái tên Madeleine, một cái tên bây giờ rất thịnh hành.

Nhưng bà Bovary mẹ phản đối cái tên người đàn bà phạm tội đối với tôn giáo ấy. Còn Homais, ông thích nhất những tên nhắc nhở đến một vĩ nhân, một sự kiện vẻ vang hoặc một quan niệm cao cả, và chính ông đã đặt tên cho bốn con ông theo cách ấy. Như Napoléon tiêu biểu cho vinh quang và Franklin tiêu biểu cho tự do; Irma, có lẽ, là một sự nhượng bộ cho chủ nghĩa lãng mạn; nhưng Athalie là một sự tôn sùng kiệt tác bất hủ nhất của nền sân khấu Pháp. Vì rằng niềm tin của y về triết học không ngăn cản lòng ngưỡng mộ của y về nghệ thuật, tư tưởng trong y chẳng bóp nghẹt con người nhạy cảm; ông biết xác định những chỗ khác nhau, phần nào là tưởng tượng và phần nào là cuồng tín. Ở vở bi kịch ấy, chẳng hạn, y chê trách ý tứ nhưng y hâm mộ văn phong; y không ưa khái niệm nhưng y tán thành chi tiết, và y phẫn nộ với các nhân vật nhưng y phấn khởi về ngôn ngữ của họ. Khi y đọc những đoạn văn hay y hoan hỉ; nhưng, khi y nghĩ rằng bọn giáo sĩ lợi dụng những đoạn văn này cho cái cửa hàng của chúng, y đâm buồn nản, và trong tình trạng lúng túng về những tình cảm lộn xộn này, y những muốn đồng thời được tán thưởng Racine bằng cả hai tay và được tranh luận với tác giả khoảng mười lăm phút.

Cuối cùng, Emma nhớ lại lúc ở trong lâu đài Vaubyessard nàng có nghe thấy bà hầu tước gọi một thiếu phụ là Berthe; thế là cái tên đó được kén từ đây, và, vì ông lão Rouault không đến được, hai vợ chồng nàng mời Homais làm cha đỡ đầu. Y đã đưa sang mọi sản phẩm trong cửa hàng của mình làm tặng phẩm, như sáu hộp táo, cả một bình bột ăn Ả Rập, ba ống cao thục quy thảo và, hơn nữa, sáu thỏi đường phèn mà y đã tìm thấy trong một ngăn tủ đục vào tường. Buổi tối hôm làm lễ, có một bữa tiệc; ông linh mục có mặt; mọi người phấn khởi và hoạt bát. Homais, lúc uống rượu mùi, ngâm bài Chúa của dân lành, Léon hát một câu hát đò đưa và bà Bovary mẹ, mẹ đỡ đầu của đứa bé, hát một bài tình ca thời Đế chế, sau đấy, ông Bovary bố đòi đem đứa trẻ xuống rồi giội một cốc rượu sâm banh từ trên cao xuống đầu nó để rửa tội cho nó. Cái trò nhạo báng lễ thánh đầu tiên ấy làm cho linh mục Boumisien tức giận; lão Bovary trích dẫn một lời trong cuốn Chiến tranh giữa các thánh để đáp lại, ông linh mục muốn bỏ ra về, các bà van xin; Homais đứng giữa hòa giải, thế là người ta giữ được tu sĩ ngồi lại bình tĩnh nhắp nốt chén cà phê của ông uống dở đặt trong đĩa.

Ông Bovary bố còn ở lại Yonville một tháng, làm choáng mắt dân thị trấn bằng cái mũ trùm của cảnh sát, có lon bạc oai vệ mà buổi sáng lão đội để ra nơi công cộng hút thuốc tẩu. Vốn quen uống rượu mạnh, lão thường sai người hầu gái đến quán Sư Tử Vàng, mua cho lão một chai ghi vào sổ của con trai mình và lão đã dùng tất cả nước hoa dự trữ của con dâu để xức thơm khăn quàng cổ của mình.

Con dâu sống bên lão không cảm thấy chán. Lão đã đi đây đi đó nhiều: Lão nói về Berlin, về Vienne, về Strasbourg, về thời lão làm sĩ quan, về các tình nhân của lão, về những bữa tiệc mà lão đã dự, rồi lão tỏ ra niềm nở, và đôi khi, hoặc ở cầu thang gác hoặc ở ngoài vườn, lão thậm chí còn vừa túm lấy thân hình nàng vừa kêu lên:

– Charles, hãy coi chừng mày đấy!

Thế là bà Bovary mẹ đâm sợ hãi cho hạnh phúc của con trai, và e rằng chồng bà, lâu ngày, có ảnh hưởng trái đạo đức đến tư tưởng của người đàn bà trẻ, bà vội thúc chồng về. Có lẽ bà còn có những mối lo lắng nghiêm trọng nữa. Ông Bovary bố là người chẳng kiêng nể gì cả.

Một hôm, Emma bỗng thấy cần phải đi thăm con gái nhỏ gửi nuôi vú tại nhà vợ người thợ mộc, và, chẳng tra lịch xem sáu tuần của Thánh Mẫu còn thế nào, nàng đã đi đến nhà Rolet ở đầu làng, ngay chân dốc, giữa khoảng đường cái lớn và đồng cỏ.

Bấy giờ là giữa trưa. Các nhà đều đóng kín cửa và các mái đá đen, loang loáng dưới ánh sáng chói chang của nền trời xanh lam, dường như làm lóe lên những tia lửa ở đầu hồi. Một làn gió oi bức thổi. Emma cảm thấy mình yếu ớt trong bước đi; sỏi trên hè làm nàng đau chân; nàng lưỡng lự nên quay về hay ghé vào chỗ nào ngồi.

Vừa lúc ấy, Léon từ một cửa nhà gần đấy bước ra, tay ôm một tập hồ sơ. Anh ta đến chào nàng và đứng vào chỗ bóng râm trước cửa hàng của Lheureux, dưới cái lều vải xám nhô ra.

Bà Bovary nói bà đi thăm con, nhưng bà ta đã bắt đầu mệt.

– Nếu…, – Léon đáp, nhưng chẳng dám tiếp lời.

– Ông có mắc việc gì ở đâu không? – Nàng hỏi.

Và, theo lời đáp của viên luật sư tập sự, nàng bèn yêu cầu anh ta cùng đi với nàng. Ngay từ tối hôm ấy, cả Yonville biết chuyện này, và bà Tuvache, vợ viên thị trưởng, nói rõ trước người đầy tớ gái của bà rằng Bà Bovary đã tự làm tổn hại đến danh dự của mình.

Muốn đến nhà vú em, đi hết dãy phố là phải rẽ sang hên trái, hướng về phía nghĩa địa, rồi men theo con đường hẹp có thủy lạp trồng bên, giữa khoảng những ngôi nhà nhỏ và những mảnh sân trước. Những cây này đang ra hoa, kể cả những cây huyền sâm, dã tường vi, tầm ma và mâm xôi nhẹ nhàng vươn lên từ những bụi rậm. Qua lỗ hàng rào người ta thoáng thấy, trong những túp lều, một con lợn nào đó trên đống phân, hoặc những con bò cái buộc cổ đang cọ sừng vào thân cây. cả hai người đi thong thả bên nhau, nàng dựa vào Léon, và anh ta kìm bước lựa theo độ chân của nàng; trước mặt họ một đàn ruồi vừa bay chấp cha chấp chới vừa kêu vo vo trong không khí nóng.

Họ nhận ra nhà người vú có cây bồ đào già rợp bóng. Ngôi nhà thấp và lợp ngói nâu có một bó hành treo ngoài, dưới cửa sổ giáp mái kho thóc. Những bó củi nhỏ, dựng đứng vào hàng rào gai, vây quanh một luống rau diếp, vài gốc cải hương và những cây đậu Hòa Lan có hoa leo trên những cành cắm. Nước bẩn chảy loang trên cỏ và chung quanh. Nhiều bộ quần áo cũ khó phân biệt tốt xấu, những đôi bít tất dài bằng sợi đan, một chiếc áo cộc vải hoa đỏ và một chiếc chăn vải to dày căng dài trên hàng rào. Nghe tiếng cửa rào đóng, người vú ra, một tay bế đứa trẻ đang bú, một tay dắt một thằng bé ốm yếu đáng thương mặt đầy mụn nhọt; thằng bé này là con trai một người làm mũ ở Rouen; bố mẹ nó, quá bận vì buôn bán, phải để nó lại ở nông thôn. Người vú nói:

– Mời bà vào, con gái bà đang ngủ ở kia.

Gian buồng ở tầng dưới, gian duy nhất của ngôi nhà, có một chiếc giường rộng không màn, kê tít trong cùng, ngay giáp tường, còn thùng nhồi bột làm bánh đặt bên cửa sổ, có một ô cửa kính và bằng mảnh giấy màu lơ cắt hình mặt trời. Trong góc, đằng sau cửa ra vào, những đôi giày ống có đinh sáng loáng được xếp dưới tấm đá giặt quần áo, gần một chai đầy dầu có một chiếc lông chim ở cổ; một quyển kinh Mathieu Laensberg nằm kềnh trên lò sưởi bụi bặm, giữa những viên đá lửa, những mẩu nến và những miếng bùi nhùi. Sau hết, cái thứ vô đụng cuối cùng trong gian phòng này là bức tranh thần Danh vọng đang thổi kèn chắc là cắt ra từ một tờ quảng cáo nào đó của một hãng buôn nước hoa nào đó, được đóng vào tường bằng sáu chiếc đinh đóng guốc.

Con của Emma ngủ ở đó, đặt trong một cái nôi bằng mây. Nàng ẵm cả nó lẫn chiếc chăn quấn nó, và nàng vừa rung rinh vừa ru nhẹ.

Léon đi đi lại lại ở trong buồng; anh ta xem như là lạ khi thấy người phụ nữ kiều diễm vận chiếc áo dài Nam Kinh ấy ở ngay giữa cảnh nghèo khổ này. Bà Bovary đỏ mặt lên; anh ta bèn quay đi, tưởng rằng đôi mắt mình có lẽ đã có vẻ gì khiếm nhã. Rồi bà Bovary lại đặt con nằm xuống vì nó vừa trớ ra cổ áo. Người vú vội đến chùi đi và quả quyết rằng không còn vết gì cả.

Mụ ta nói:

– Cháu trớ ra tôi nhiều lần như thế đây, tôi cứ phải cọ rửa cho cháu luôn tay! Vậy giá được bà vui lòng bảo bác hàng xén Camus để cho tôi ít xà phòng khi tôi cần đến nhỉ? Như thế tiện cho bà hơn, và tôi khỏi phải làm phiền bà.

Emma nói:

– Được, được! Thôi, chào bà Rolet.

Và nàng vừa bước ra vừa chùi chân trên ngưỡng cửa. Người vú theo nàng ra đến tận đầu sân, kể lể về nỗi khổ đêm hôm phải dậy:

– Vì thế mà có đôi khi tôi mệt lả đến nỗi ngồi trên ghế mà ngủ mất; do đó, ít ra bà cũng nên cho tôi hằng tháng ít cà phê xay nhỏ để sáng sáng tôi uống với sữa.

Sau khi đã phải nghe những lời cám ơn của mụ, bà Bovary ra về, nhưng nàng vừa đi theo con đường nhỏ được một quãng thì bỗng tiếng guốc làm nàng quay đầu lại; đó là người vú.

– Gì thế?

Mụ nông dân liền kéo riêng nàng ra sau một cây du thụ rồi nói với nàng về chuyện chồng mụ, với nghề nghiệp của y và sáu quan một năm, mà ông đại úy…

– Bà hãy nói hết ý mình thật nhanh lên, – Emma bảo.

– Thế này bà ạ! – Người vú nói tiếp, cứ mỗi lời là mỗi tiếng thở dài. – Tôi sợ nhà tôi sinh buồn phiền khi thấy tôi uống cà phê một mình, bà biết đây, đàn ông họ…

Emma nhắc lại:

– Thì bà sẽ có cà phê mà, tôi sẽ đãi bà!… Bà làm tôi khó chịu!

– Rõ khổ! Thưa bà quý mến, tôi đã làm phiền bà, chả là nhà tôi, do bị thương, cứ thấy co rút dữ dội ở ngực. Nhà tôi còn nói rượu táo làm cho anh ta yếu đi.

– Thì bà nói nhanh hơn, bà Rolet!

Người vú vừa cúi chào vừa nói tiếp:

– Vậy thì, nếu xin bà nhiều quá mà vẫn không phải là ngoài mức độ… (Mụ lại vái chào một lần nữa) bao giờ bà cho cũng được (mắt mụ tỏ ý van xin), một bình rượu mạnh (cuối cùng mụ nói) để tôi bóp chân cho con gái bà vì chân cháu cứ mềm như bún ấy.

Thoát khỏi người vú, Emma lại khoác tay Léon. Nàng bước nhanh trong giây phút, rồi nàng đi chậm lại và nàng nhìn về phía trước, bắt gặp cái vai người thanh niên khoác chiếc áo rơ-đanh-gôt cổ bằng nhung đen. Tóc anh ta màu đỏ hung, xõa xuống áo, bằng phẳng và chải mượt. Nàng nhận thấy móng tay anh ta để dài hơn những người để móng tay dài ở Yonville. Giữ gìn móng tay là một trong những công việc lớn của viên luật sư tập sự; và để làm chuyện ấy, anh ta giữ một con dao nhíp riêng biệt trong hộp bút của mình.

Hai người men theo bờ sông để trở về Yonville. Vào mùa hè, bờ sông mở rộng hơn làm lộ cả chân tường vườn tược có vài bậc thang đi xuống sông. Trước mắt, dòng nước chảy lặng lẽ, nhanh và lạnh; những ngọn cỏ cao và mảnh cùng ngã cong xuống, tùy theo chiều nước xô, rồi tỏa rộng ra trong làn nước trong vắt như những mớ tóc xanh buông thả. Đôi khi, ở đầu ngọn cói, hay trên tàu lá sen, một côn trùng, chân nhỏ li ti, đang bò hoặc đang đậu. Mặt trời, bằng một tia nắng, xuyên xuống những tăm nước nhỏ xanh lơ kế tiếp nhau tan vỡ; những cây liễu già, trụi cành, soi xuống nước của vỏ xám của chúng; phía bên kia, khắp xung quanh, đồng cỏ dường như hoang vắng. Lúc đó đang là giờ ăn ở các trang trại và người đàn bà trẻ cùng người bạn đường của mình chỉ nghe thấy nhịp bước chân họ đi trên mặt đất của một con đường nhỏ hẹp, những lời nói họ nói với nhau và tiếng lướt của chiếc áo dài của Emma sột soạt quanh nàng. Những bức tường được giắt mảnh chai trên chỏm, bao bọc mảnh vườn nóng như vách kính của một nhà gương. Trong khe gạch, những cây đinh hương đã mọc lên, và do cánh dù mở rộng, bà Bovary, khi đi qua, đã làm cho ít hoa tàn trút nhị vàng xuống hoặc là một cành kim ngân, bút thảo lòng thòng ra ngoài, vướng vào tua dù, đã bị kéo lê thê một quãng trên lụa dù.

Họ nói chuyện về một đoàn nhảy múa Tây Ban Nha mà người ta đang đợi chẳng bao lâu nữa sẽ biểu diễn ở nhà hát Rouen.

– Ông sẽ đi xem chứ? – Nàng hỏi.

– Nếu tôi có thể đi được – Anh ta đáp.

Như vậy, họ không có chuyện gì khác để nói với nhau ư? Mắt họ, tuy nhiên chứa đầy một câu chuyện hệ trọng hơn; và, trong khi họ cố tìm ra những lời nói bình thường, họ cảm thấy nỗi thẫn thờ cùng tràn ngập trong lòng họ; nó như một tiếng thì thầm của tâm hồn, sâu xa, liên tục; nó át cả tiếng nói ra. Đột ngột ngỡ ngàng trước cái êm ái mới mẻ ấy, họ không nghĩ đến việc kể nó ra cho nhau nghe hoặc khám phá ra nguyên nhân của nó. Những nguồn hạnh phúc tương lai, tựa hồ những bờ biển vùng nhiệt đới, tỏa ra, trên khoảng mênh mông trước chúng, những vẻ dịu mềm lúc sơ sinh như một làn gió nhẹ thơm, và người ta khuây đi trong niềm vui sướng ngây ngất đó, thậm chí chẳng băn khoăn gì tới cái chân trời mà mắt không nhìn thấy.

Mặt đất, ở một chỗ nào lún xuống bởi bước chân gia súc. Phải đi trên những hòn đá to màu xanh lục, cách quãng trong bùn, nhiều lần nàng phải ngừng bước một phút để tìm chỗ đặt giày, và, lảo đảo trên hòn đá lung lay, khuỷu tay giơ cao, thân hình xiêu đổ, mắt ngơ ngác, nàng liền cười lên, sợ ngã vào những vũng nước.

Khi họ đã tới trước vườn nhà, bà Bovary đẩy cửa rào nhỏ, vừa chạy vừa leo lên các bậc rồi biến mất.

Léon trở về phòng làm việc. Ông chủ đi vắng; anh ta liếc mắt nhìn các hồ sơ, rồi gọt cho mình một ngọn bút lông, cuối cùng cầm mũ và bỏ đi.

Anh ta đi trên đồng cỏ, lên đỉnh dốc Argueil, tới cửa rừng, anh ta nằm xuống đất, dưới những cây tùng nhìn bầu trời qua kẽ ngón tay và thầm nói:

– Ta chán biết chừng nào! Ta chán biết chừng nào!

Anh ta tự thấy mình đáng phàn nàn khi phải sống trong làng này, coi Homais là bạn và coi ông Guillaumin là thầy… Ông này mắc hết công kia việc nọ, mang cặp kính gọng vàng và có bộ râu quai nón đỏ tỏa trên ca vát trắng nhưng chẳng hiểu gì về những cái tế nhị của tinh thần, tuy làm ra bộ điệu cứng cỏi kiểu người Anh, đã lòe được viên luật sư tập sự trong thời gian đầu. Còn vợ tay dược sĩ, đó là người vợ ngoan nhất xứ Normandie, hiền như một con cừu, âu yếm con, quý trọng cha mẹ, thương anh em họ hàng, thấy người khác đau khổ thì khóc, bỏ qua mọi việc trong nhà và ghét lối ăn diện; nhưng cử chỉ quá chậm chạp, nói năng quá buồn tẻ, vẻ người quá tầm thường, ý kiến trao đổi quá nông cạn đến nỗi là, mặc dầu chị ta ba mươi tuổi, mặc dầu anh ta hai mươi tuổi, họ ngủ trong hai gian buồng, nhưng cửa liền cửa, và họ, hàng ngày, trò chuyện với nhau, anh ta vẫn chẳng bao giờ nghĩ rằng chị ta lại có thể là một người đàn bà dành cho một người nào, và chị ta, về giới tính, đã có cái gì khác chiếc áo dài phụ nữ.

Rồi còn gì nữa? Binet, vài nhà buôn, hai ba chủ quán rượu, ông linh mục, và sau hết, ông Tuvache thị trưởng, với hai con trai ông, những người giàu sụ, lỗ mãng, đần độn, tự tay cấy lấy ruộng, chè chén no say ở xó nhà; hơn nữa lại sùng đạo và có một lối xã giao hoàn toàn làm người ta khó chịu.

Nhưng trên cái nền chung của tất cả những bộ mặt người ấy, dung mạo Emma nổi bật lên riêng biệt, tuy nhiên lại xa xôi hơn vì anh ta cảm thấy giữa nàng và anh ta như có những vực thẳm mơ hồ.

Hồi đầu, anh ta đã đến nhà nàng nhiều lần với dược sĩ. Charles đã không tỏ ra ham tiếp anh ta lắm. Thế là Léon chẳng biết làm thế nào giữa mối lo sợ mình lỗ mãng và lòng mong muốn một sự thân tình mà anh ta coi hầu như không thể có được.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.