Bà Bovary

Chương 6



Một buổi chiều, ngồi bên thành cửa sổ mở, vào lúc vừa nhìn Lestiboudois, người bõ nhà thờ, đang chặt cành cây hoàng dương, nàng bỗng nghe thấy tiếng chuông báo giờ đọc kinh.

Bây giờ đang đầu tháng Tư, cây ngọc trâm đang nở hoa; một làn gió ấm thổi cuồn cuộn trên những luống đất đã cày, và các vườn tược cũng như các cô gái dường như đang điểm trang để đón các cuộc vui hè. Qua những gióng vòm cây và ngoài đó, khắp xung quanh, người ta trông thấy trong cánh đồng cỏ con sông vẽ trên nền cỏ những đường uốn khúc đây đó. Sương chiều lan tràn qua các cây bạch dương trụi lá, xóa mờ hình dáng chúng bằng một màu tím, nhạt và trong hơn một thứ vải mỏng tinh vướng trên cành. Đằng xa, đàn gia súc đang đi, người ta chẳng nghe thấy tiếng chúng bước lẫn tiếng chúng kêu; và trong không trung, tiếp tục vang lên, vang mãi tiếng chuông thánh thót êm đềm.

Tiếng chuông rền làm cho tư tưởng người thiếu phụ lạc vào những ký ức xa xưa lúc còn thanh xuân và lưu trú trong nhà tu. Nàng nhớ lại trên bàn thờ những cây đèn nến to, cao vượt những lọ đầy hoa và chiếc khám thờ có cột nhỏ. Nàng những muốn còn được hòa mình, như thuở ấy, trong các dàng dài những khăn trùm đầu trắng, lác đác điểm đen bởi những chiếc mũ hình nón cứng nhắc của các bà phước cúi mình trên chiếc ghế đọc kinh; ngày chủ nhật, ở cuộc lễ misa, khi nàng ngẩng đầu lên, nàng bắt gặp nét mặt hiền hậu của Đức Bà Đồng Trinh, giữa những vòng khói hương màu lam nhạt bay lên. Thế là lòng nàng bỗng xúc động; nàng cảm thấy mình mềm yếu và bơ vơ như chiếc lông chim quay cuồng trong bão táp; rồi tự mình chẳng biết mình làm gì, nàng bước đến nhà thờ, sẵn sàng chịu bất kỳ sự thụ lễ nào, miễn là nàng uốn được cả tâm hồn vào đó và toàn bộ cuộc sống được tiêu tan trong đó.

Trên quảng trường, nàng gặp Lestiboudois từ nhà thờ trở vì; vì để khỏi hao ngày công, y thích bỏ dở việc làm, để rồi lại tiếp tục, thành ra y kéo chuông cầu kinh tùy theo sự tiện lợi riêng của y. Vả chăng, chuông kéo sớm báo trước cho các con trẻ giờ giảng đạo đã điểm.

Đã có vài đứa đến trước rồi đang đánh bi trên đá lát nghĩa địa. Mấy đứa khác, cưỡi lên tường, vừa tung chân, vừa lấy giày guốc hủy hoại những cây gai to mọc giữa khoảng đất nhỏ được rào kín và những ngôi mộ cuối cùng. Chỉ duy có chỗ này là xanh, còn toàn là đá, và thường xuyên phủ dày một làn bụi mịn, mặc dầu người giữ kho đồ thánh của nhà thờ vẫn quét.

Những đứa trẻ đi giày vải chạy ở đó như chạy trên sàn nhà làm riêng cho chúng, và người ta thấy tiếng nói lanh lảnh của chúng qua tiếng chuông ngân. Tiếng chuông ấy nhỏ dần cùng với những chấn động của chiếc dây thừng to từ tháp chuông cao rủ xuống quét lê một đầu trên mặt đất. Chim nhạn vừa bay qua, kêu khẽ, rạch không khí bằng đôi cánh mỏng, rồi lại vội trở về tổ vàng của chúng dưới ngói mái hiên. Cuối nhà thờ, một ngọn đèn đang đốt, nghĩa là một ngọn bấc đèn nhỏ thả trong một cái cốc treo. Ánh sáng của nó, từ xa nhìn lại, như một vết trắng mờ rung rinh trên đầu. Một tia nắng dài xuyên qua gian giữa giáo đường làm cho các gian bên và các góc càng tối hơn.

– Cha xứ đâu? – Bà Bovary hỏi một thằng bé đang nghịch lắc cái cửa xoay trong cái lỗ chân quay quá lỏng.

– Cha sắp đến, – Đức trẻ đáp.

Quả nhiên, cánh cửa nhà cha xứ rít lên, linh mục Bournisien hiện ra; lũ trẻ hỗn độn, chạy trốn vào trong nhà thờ.

– Những thằng ranh con ấy! – Người tu sĩ lẩm bẩm – Vẫn chúng nó! – Rồi ông ta nhặt một cuốn giáo lý rách bươm mà chân ông ta vừa đá phải, ông ta nói:

– Ngữ này chẳng còn kính nể gì cả!

Nhưng thoạt nhìn thấy bà Bovary, ông ta nói:

– Bà miễn thứ cho tôi, tôi đã không nhận ra bà.

Ông ta nhét cuốn giáo lý vào túi rồi đứng lại, tiếp tục lúc lắc giữa hai ngón tay cái chìa khóa nặng của kho đồ thánh.

Ánh nắng chiều tà rọi vào giữa mặt ông ta làm mờ lần vải len bóng của chiếc áo thầy tu của ông ta, bóng nhoáng ở khuỷu tay rách xơ ở phần dưới. Những vết mỡ và vết thuốc lá chạy trên chiếc ngực rộng của ông linh mục theo đường khuy nhỏ, và những vết đó càng ngày càng nhiều khi rời xa miếng vải đeo trước ngực, dưới đó ẩn rất nhiều nếp nhăn của làn da đỏ của ông ta lấm tấm những vết vàng mà những sợi cứng của bộ râu cằm hoa râm che khuất. Ông ta vừa ăn xong, ông ta thở phì phò.

– Sức khỏe của bà thế nào? – Ông ta nói tiếp.

– Kém ạ, – Emma đáp – tôi khó chịu.

– Này! Tôi cũng vậy, – ông linh mục lại nói. – Những cơn nóng bức đầu tiên này làm bà mệt nhoài ra một cách lạ lùng phải không ạ? Nhưng bà tính sao! Chúng ta sinh ra là để chịu khổ như thánh Paul đã nói. Nhưng ông Bovary, ông ấy nghĩ thế nào về chuyện này?

– Ông ấy! – Nàng đáp với một dáng điệu khinh miệt.

– Sao! – Ông linh mục sửng sốt nói. – Ông ấy không cho bà dùng thuốc gì à?

– Ôi! – Emma đáp – Thuốc thang của trần thế chẳng phải là loại thuốc cần cho tôi.

Nhưng ông linh mục chốc chốc lại nhìn vào nhà thờ, trong đó tất cả lũ trẻ đang quỳ gối hích nhau bằng vai rồi ngã chồng lên nhau…

– Tôi muốn được biết…, – nàng lại nói.

– Đợi đấy, đợi đấy, Riboudet ạ, – ông linh mục giận dữ quát lên, – tao bạt tai mày bây giờ, thằng mất dạy!

Rồi quay về phía Emma:

– Nó là con trai anh thợ mộc Boudet, cha mẹ nó sống phong lưu và để mặc cho nó làm theo sở thích. Tuy nhiên, nó học nhanh, nếu nó muốn, vì nó rất thông minh. Còn tôi, đôi khi để đùa, tôi gọi nó là Riboudet (như con đường, bờ biển phải qua để đến Maromme), và thậm chí tôi gọi: Riboudet của tôi. Ha! Ha! Mont-Riboudet[8]! Hôm nọ, tôi kể chuyện này với đức cha, đức cha đã cười… đức cha đã hạ cố cười. Thế ông Bovary, ông ấy có khỏe mạnh không?

[8] Lối nói đồng âm dị nghĩa. Mon Riboudet: Riboudet của tôi ; và Mont-Riboudet: núi Riboudet.

Nàng hình như không nghe thấy. Ông ta lại nói tiếp:

– Ông nhà ta luôn bận lắm, thì phải? Vì ông nhà ta và tôi, chúng tôi chắc chắn là hai người có nhiều việc hơn cả trong giáo khu. Nhưng ông nhà ta, ông ấy là người chữa bệnh phần xác, còn tôi – ông linh mục nói thêm với một cái cười thô lỗ – tôi là người chữa bệnh phần hồn!

Nàng chòng chọc nhìn tu sĩ bằng cặp mắt van xin:

– Vâng, – nàng nói, – cha làm khuây mọi nỗi đau khổ.

– Ôi! Bà đừng nói điều ấy với tôi, bà Bovary! Ngay sáng nay, tôi phải đi đến Bas-Diauville vì một con bò cái bị sưng phù lên; họ cho là tại số. Tất cả bò cái của họ, tôi không hiểu sao… Nhưng, xin lỗi bà! Longuermarre và Boudet! Đồ ranh! Chúng bay có thôi không nào!

Rồi, ông ta nhảy xổ vào trong nhà thờ.

Lũ trẻ con, lúc bấy giờ, đang chen nhau quanh một cái giá sách lớn, trèo lên ghế đẩu của người hát lễ, mở sách kinh ra; và những đứa khác thì rón rén đi liều đến tận phòng xưng tội. Nhưng ông linh mục, bất thình lình, tát chúng như mưa. Nắm chúng bằng cổ áo, ông ta nhấc bổng chúng lên khỏi mặt đất rồi đặt chúng quỳ một cách mạnh mẽ trên gạch lát chỗ hát kinh như muốn chôn chân chúng vào đấy.

Khi trở lại gần Emma, ông ta vừa nói vừa giở chiếc mù soa to bằng vải trúc bâu in hoa mà ông ta cắn một góc vào răng:

– Nào, chúng ta tiếp tục. Dân cày thực đáng than phiền!

– Còn những người khác nữa, – nàng đáp.

– Hẳn rồi! Dân thợ thành thị, chẳng hạn.

– Không phải họ…

– Bà tha lỗi cho tôi! Tôi đã biết ở đó có những bà mẹ gia đình đáng thương, những người đàn bà đức hạnh, tôi nói chắc với bà như thế, quả là những bậc thánh, họ thiếu cả bánh mì ăn.

– Nhưng những phụ nữ, – Emma tiếp lời (và khóe mép nàng nhăn lại khi nói) – những phụ nữ, thưa ông linh mục, có bánh mà chẳng có…

– Chẳng có gì sưởi lúc mùa đông, – ông linh mục nói.

– Ô! Thì đã sao?

– Thế này! Thì đã sao ư? Đối với tôi, tôi thấy hình như khi người ta được ấm áp, được no bụng thì… vì, cuối cùng…

– Trời ơi! Trời ơi! – Nàng thở dài.

– Bà khó ở ư? – Ông ta vừa hỏi vừa tiến lại, vẻ lo lắng. Chắn chắn là do tiêu hóa không ổn. Bà Bovary ạ, bà phải về nhà uống nước chè hoặc một cốc nước mát với đường, bà sẽ khỏe ra.

– Sao vậy?

Và nàng có vẻ như người vừa tỉnh mộng

– Là vì bà vừa đưa tay lên trán. Tôi tưởng bà bị choáng.

Rồi ông linh mục thay đổi ý kiến:

– Mà bà định hỏi tôi điều gì phải không? Điều gì vậy? Tôi không biết nữa.

– Tôi ấy ư? Chẳng có gì cả… chẳng có gì cả…, – Emma nhắc đi nhắc lại.

Nàng đưa cặp mắt nhìn quanh nàng rồi thong thả hướng chúng về phía ông già mặc áo thầy tu. Cả hai người quan sát nhau, mặt đối mặt, không nói. Cuối cùng ông linh mục lên tiếng:

– Thế thì, bà Bovary, bà miễn lỗi cho. Nhưng bổn phận trước hết, bà biết đó; tôi phải làm cho xong việc lũ trẻ của tôi. Những cuộc lễ rửa tội đầu tiên sắp tới rồi đấy. Chúng tôi sẽ còn gặp điều bất ngờ, tôi sợ thế! Cho nên bắt đầu từ lễ Thăng thiên, tôi sẽ thẳng cánh giữ chúng ở lại mỗi thứ tư thêm một giờ. Những đứa trẻ đáng thương này! Hướng dẫn chúng vào con đường của Chúa không bao giờ là quá sớm như chính Chúa đã khuyên răn ta qua miệng người con trai linh thiêng của Chúa… Chúc bà mạnh khỏe; xin gửi lời kính thăm ông nhà ta.

Và ông linh mục vào trong nhà thờ, thụp xuống lễ ngay từ cửa.

Emma thấy ông ta mất hút giữa hai hàng ghế dài, chân bước nặng nề, đầu hơi nghiêng xuống vai, hai bàn tay hé mở chìa ra ngoài.

Rồi nàng quay phắt người trên đôi gót như bức tượng xoay trên một cái trụ và lên đường về nhà nhưng tiếng nói oang oang của ông linh mục, giọng nói trong trẻo của lũ trẻ vẫn còn vẳng tới tai nàng, tiếp tục vang lên ở phía sau nàng:

– Con có là con chiên không?

– Có, con là con chiên.

– Thế nào là một con chiên?

– Đó là một người đã được rửa tội…, rửa tội…, rửa tội…

Nàng vừa leo lên bậc cầu thang vừa vịn lan can rồi ngồi phịch xuống chiếc ghế bành khi vào tới buồng.

Ánh sáng hơi trắng của những khung cửa kính chập chờn một cách êm dịu. Đồ đạc dường như càng trở nên bất động tại chỗ và mất đi trong bóng tối như trong một đại dương u ám. Lửa trong lò sưởi đã tắt, chiếc đồng hồ quả lắc vẫn đánh và Emma sửng sốt một cách mơ hồ trước sự yên tĩnh ấy của mọi vật, khi chính bên trong con người nàng có bao nhiêu sự đảo lộn. Nhưng, giữa cửa sổ và bàn khâu, con bé Berthe ở đó đang chập choạng trên đôi giày cao cổ bằng sợi đan, cố đi lại gần mẹ để nắm lấy đầu dải buộc tạp dề của mẹ.

– Để mẹ yên! – Người mẹ vừa nói vừa lấy tay gạt con ra.

Con bé liền sán lại gần đầu gối mẹ hơn nữa; rồi tựa tay vào đó, nó ngước cặp mắt to xanh của nó lên nhìn mẹ trong khi một dòng nước dãi trong chảy từ môi nó xuống nền lụa tạp dề.

– Để mẹ yên! – Người thiếu phụ, hết sức bực dọc, nhắc lại.

Nét mặt nàng khiến đứa bé hoảng sợ, kêu thét lên.

– Này, để mẹ yên nào! – Nàng vừa nói vừa lấy khuỷu tay đẩy con ra.

Con bé Berthe ngã xuống chân tủ ngăn, đập mặt vào cái móc bằng đồng; má nó, bị toạc chảy máu. Bà Bovary lao tới nâng nó dậy, giật đứt dây chuông, lấy hết hơi sức hét gọi người hầu gái, và nàng sắp nguyền rủa mình thì Charles hiện ra. Lúc ấy đã đến giờ ăn chiều, Charles về.

– Anh trông kia kìa, anh bạn thân thiết ạ, – Emma nói với hắn bằng một giọng bình tĩnh – con bé đang chơi thì ngã xuống đất bị thương đấy.

Charles bảo nàng cứ yên tâm, trường hợp này không chút nguy hiểm, rồi hắn đi kiếm thuốc cao dán.

Bà Bovary không xuống phòng ăn; nàng muốn ở lại một mình trông con. Vào lúc đó nàng ngắm con ngủ, cái điều nàng lo ngại tan dần, và nàng tự thấy mình khá ngốc và khá hiền, ban nãy chỉ có một việc nhỏ nhặt như thế mà cũng cuống cả lên. Quả thật Berthe không nức nở nữa. Bây giờ, hơi thở của con bé không còn nâng chiếc chăn bông lên. Những giọt nước mắt to tướng đọng ở khóe mắt hé mở để lộ giữa những hàng mi hai đồng tử xanh nhợt, sâu hút; lá thuốc cao dán trên má, kéo chếch làn da căng thẳng.

– Thật là một điều kỳ lạ, – Emma thầm nghĩ, – con bé này mới xấu làm sao!

Vào lúc mười một giờ đêm, khi Charles ở hiệu thuốc trở về (anh đến đó, sau bữa cơm tối, trả lại thuốc cao còn thừa), anh thấy vợ đứng gần cái nôi.

– Anh đã bảo em là không hề gì cả, – hắn vừa nói vừa hôn trán vợ; – tội nghiệp em yêu, em đừng lo lắng, khéo em lại đâm ốm mất thôi!

Hắn đã ở lại lâu bên nhà tay dược sĩ. Tuy ở đó hắn không tỏ ra bị xúc động lắm, ông Homais vẫn cứ cố gắng làm cho hắn vững tâm, lấy lại tinh thần. Thế là họ nói chuyện về mọi điều nguy hiểm đe dọa trẻ em và tính khinh suất của kẻ hầu người hạ. Bà Homais đã từng biết về cái đó, vì bà hãy còn mang trên ngực vết tích của hòn than hồng mà chị nấu bếp, xưa kia đã để rơi vào chiếc áo phủ ngoài của bà thuở bà còn bé. Cho nên hai cụ thân sinh phúc đức của bà đã có lắm cách đề phòng. Dao không bao giờ được mài sắc, sàn nhà các phòng không bao giờ được đánh xi. Cửa sổ phải có chấn song sắt và khung lò sưởi phải có rào chắn khỏe. Lũ con của ông bà Homais, tuy không bị kiềm chế, nhưng làm gì cũng phải có người trông coi ở đằng sau; chúng sổ mũi một chút là ông bố đã tống thuốc bổ cho chúng, và đến tận lúc hơn bốn tuổi, chúng vẫn luôn luôn phải đội những mũ vải dày cộm bông. Đó thật ra là thói tẩn mẩn của bà Homais; chồng bà trong thâm tâm phiền muộn về chuyện này, vì sợ một lối áp chế như thế có thể có hậu quả tới cơ quan trí tuệ, và y đã thốt ra với bà ta:

– Vậy thì mình định biến chúng thành dân mọi Caraibes hay Botocudos à?

Charles đã nhiều lần toan ngắt câu chuyện.

– Tôi có điều muốn nói với ông, – hắn nói thầm vào tai viên luật sư tập sự bắt đầu đi vượt lên trước mặt hắn lúc ở thang gác.

“Ông ta ngờ điều gì chăng?” Léon thầm hỏi. Tim anh ta đập mạnh và anh ta miên man đoán phỏng.

Cuối cùng, Charles, sau khi đã đóng cửa lại, nhờ Léon đích thân xem hộ ở Rouen chụp một tấm ảnh đẹp theo phép chụp bóng của bản bạc là bao nhiêu; đó là một món quà tình cảm bất ngờ mà hắn dành cho vợ bức chân dung của hắn mặc áo lễ, một sự lưu ý tế nhị. Nhưng hắn muốn biết trước sự thể thế nào đã; Léon không ngần ngại về những cuộc vận động ấy, vì gần như tuần nào anh ta cũng ra tỉnh.

Lên tỉnh nhằm mục đích gì? Homais ngờ trong đó có chuyện trai gái, chuyện dan díu bí mật với bọn gái điếm. Nhưng y nhầm; Léon không theo đuổi một cuộc yêu đương chốc lát nào cả. Hơn bao giờ hết, anh ta buồn, và mụ Lefrancois thấy rõ điều đó qua số lượng thức ăn mà bây giờ anh ta để lại trên đĩa. Muốn biết rõ hơn, mụ hỏi tay thu thuế. Binet, bằng một giọng xấc láo, trả lời là ông ta không ăn lương của Sở mật thám.

Song, anh bạn của ông ta xem ra có vẻ kỳ lắm vì thường thường Léon ngả người trên ghế vừa dang hai tay ra vừa phàn nàn bâng quơ về cuộc sống.

– Đó là vì anh chẳng chịu giải trí chút ít đấy thôi, – tay thu thuế nói.

– Giải trí cách nào?

– Tôi mà như anh thì tôi sẽ sắm một máy tiện!

– Nhưng tôi không biết tiện, – viên luật sư tập sự trả lời.

– Ờ! Quả vậy! – Ông kia vừa xoa cằm, vừa đáp bằng một vẻ khinh người lẫn tự mãn.

Léon chán nản vì yêu mà không kết quả; rồi anh ta bắt đầu cảm thấy nỗi buồn sinh ra bởi cuộc sống lặp đi lặp lại khi chẳng có một niềm hứng thú nào chi phối nó và chẳng có một niềm hy vọng nào nâng đỡ nó. Anh ta quá chán ghét thị trấn Yonville và những người dân Yonville đến nỗi cứ trông thấy một số người, một số nhà cửa là anh ta đã bực mình không chịu được; và tay dược sĩ, hiền lành là thế đã trở thành kẻ mà anh ta hoàn toàn không chịu nổi. Tuy nhiên cái viễn cảnh của một tình thế mới làm anh ta sợ hãi cũng như quyến rũ anh ta.

Mối lo ngại ấy đổi nhanh thành sự sốt ruột, và thành phố Paris ở nơi xa, lúc bấy giờ, rung lên cho anh ta tiếng kèn của những cuộc khiêu vũ hóa trang với nụ cười của những gã trai lơ. Sao anh ta lại không đi? Vì anh ta phải kết thúc khóa luật ở đó; Ai ngăn cản anh? Thế là anh ta bắt đầu sắm sửa ngấm ngầm; anh ta xếp đặt trước các công việc của mình. Trong đầu óc, anh ta bài trí sẵn một gian phòng. Anh ta sẽ sống ở đó một cuộc sống nghệ sĩ! Anh ta sẽ học đàn ghita ở đó! Anh ta sẽ có một chiếc áo dài mặc nhà, một chiếc mũ nồi kiểu Basque, đôi giày vải bằng nhung xanh! Và thậm chí anh ta đã ngắm nghía hai thanh gươm bắt chéo với một chiếc sọ người và cây đàn ghita treo bên trên lò sưởi.

Cái khó là bà mẹ anh ta có đồng ý hay không; tuy nhiên chẳng có gì có vẻ hợp lý hơn. Ngay cả ông thầy đỡ đầu anh ta cũng khuyên anh ta tìm một phòng khác nơi anh có thể phát triển được tài năng hơn. Thế là tính một nước trung độ, Léon tìm một ghế luật sư tập sự phụ ở Rouen mà chẳng ra; sau cùng anh ta viết cho mẹ một bức thư dài đầy chi tiết, trong thư anh trình bày những lý do phải đến Paris ở ngay. Bà mẹ bằng lòng.

Anh ta chẳng vội. Ngày nào cũng vậy, suốt một tháng trời, Hivert chuyên chở hộ anh từ Yonville đến Rouen, từ Rouen đến Yonville nào hòm, nào va li, nào gói; và khi Léon đã cho dựng lại tủ quần áo, nhồi lại ba chiếc ghế bành, mua trữ một số khăn quàng, nói tóm lại, trù liệu đầy đủ hơn cả việc trù liệu cho một cuộc du lịch vòng quanh thế giới, anh ta hoãn hết tuần này sang tuần khác cho đến khi anh nhận được bức thư thứ hai của mẹ anh ta giục anh ta đi ngay, vì anh ta muốn dự kỳ thi trước vụ nghỉ hè.

Đến lúc ôm hôn từ biệt, bà Homais khóc; Justin nức nở; ông Homais, ra dáng người có nghị lực, che giấu nỗi xúc động của mình. Y muốn tự mình mang cái áo khoác của bạn đến tận cửa rào nhà viên quản lý văn khế, ông này tiễn đưa Léon đi Rouen bằng xe của ông ta. Léon còn vừa đủ thời giờ đến chào từ biệt ông Bovary.

Khi anh ta lên đến đầu thang gác, anh ta dừng lại vì anh ta cảm thấy hết hơi. Lúc anh ta bước vào, bà Bovary vùng đứng dậy.

– Lại vẫn là tôi! – Léon nói.

– Tôi đã biết chắc thế!

Nàng cắn môi, và một luồng máu chạy dưới làn da nàng nhuộm làn da này đỏ hồng từ chân tóc đến tận mép chiếc khăn choàng cổ của nàng. Nàng vẫn đứng tựa vai vào ván lát tường.

– Thế ra ông nhà không có đây ư? – Anh ta hỏi tiếp.

– Nhà tôi đi vắng.

Nàng nhắc lại:

– Nhà tôi đi vắng.

Liền đó là một sự im lặng. Họ nhìn nhau; và ý nghĩ của họ, hòa chung trong một nỗi buồn khổ, quyện chặt vào nhau đôi lồng ngực phập phồng.

– Tôi muốn được hôn cháu Berthe. – Léon nói.

Emma bước xuống mấy bực thang và nàng nói Félicité.

Anh ta vội đưa mắt nhìn thoáng qua những bức tường, những chiếc giá kê, cái lò sưởi quanh anh ta như để thâm nhập tất cả, mang theo tất cả.

Nhưng nàng lại trở vào, và người hầu gái dẫn Berthe đến, đứa bé đang rung rung ở đầu một sợi dây một cái cối xay gió chúc đầu xuống đất.

Léon hôn nhiều lần vào cổ đứa bé.

– Từ biệt bé thương! Từ biệt bé quý, từ biệt!

Rồi anh ta trao trả đứa bé cho mẹ nó.

– Dẫn nó đi! – Người mẹ bảo.

Họ còn lại hai người với nhau.

Bà Bovary đứng quay lưng lại, mặt áp vào một ô cửa kính; Léon cầm mũ cát két ở tay rồi đập nhẹ mũ dọc đùi.

– Trời sắp mưa, – Emma nói.

– Tôi có áo tơi, – anh ta đáp.

– À!

Nàng quay mặt đi, cằm cúi xuống, và trán đưa về phía trước. Ánh sáng lướt qua trên đó như lướt trên đá hoa, lướt đến tận đường cong lông mày mà người ta chẳng thể biết được Emma nhìn gì ở phía chân trời và nàng nghĩ gì trong đáy lòng nàng.

– Thôi, vĩnh biệt! – Anh ta thở dài.

Nàng ngửng đầu lên đột ngột:

– Vâng, vĩnh biệt… ông đi đi!

Họ tiến lại gần nhau: anh ta giơ tay, nàng ngập ngừng.

– Theo kiểu Anh vậy, nàng vừa nói vừa bỏ thõng tay mình và cố gắng cười.

Léon cảm thấy tay nàng giữa ngón tay mình, và dường như chính cái thể chất của cả con người anh ta dồn xuống lòng bàn tay ướt át kia.

Rồi anh ta mở bàn tay ra; mắt họ còn gặp nhau, và anh đi mất.

Đến khu chợ, anh ta ngừng lại, và ẩn sau một cái cột, để ngắm lại một lần cuối ngôi nhà trắng ấy với bốn bức mành xanh của nó. Anh ta tưởng chừng nhìn thấy có bóng người sau cửa sổ trong buồng nhưng bức rèm như tự động tuột ra khỏi cái móc, lay động từ từ những nếp chéo dài, đùng một cái tỏa rộng ra, thế là người anh ta thẳng đuỗn và bất động hơn cả một bức tượng bằng thạch cao. Léon liền bỏ chạy.

Từ xa anh ta nhìn thấy, trên đường cái chiếc xe độc mã của người thầy đỡ đầu và, ở bên cạnh, có một người ngực đeo miếng vải đang giữ ngựa. Homais và ông Guillaumin đang trò chuyện với nhau. Họ đợi anh ta.

– Ôm hôn tôi đi, – tay dược sĩ nói, nước mắt vòng quanh. – Áo choàng của anh kia, anh bạn tốt của tôi phải cẩn thận kẻo rét đấy! Hãy chăm sóc bản thân, giữ gìn sức khỏe nhé!

– Thôi. Léon, lên xe đi! – Viên quản lý văn khế nói.

Homais nghiêng mình trên chiếc chắn bùn và, giọng nói ngắt quãng vì nức nở, buông ra mấy tiếng buồn rầu này:

– Chúc anh lên đường bình yên!

– Chào ông, – ông Guillaumin đáp. – Buông nhau ra, cả hai người!

Họ đi và Homais quay về.

* * *

Bà Bovary đã mở cửa sổ trông ra vườn. Và nàng nhìn đám mây.

Mây tụ lại ở hướng tây, phía Rouen, rồi cuồn cuộn trôi nhanh. Những tia nắng mặt trời phía sau chiếu qua như những mũi tên vàng của một giá binh khí treo lơ lửng, bầu trời quang còn lại mảng màu trắng của đồ sứ. Nhưng một luồng gió mạnh làm ngả những cây bạch dương, và đột ngột trời đổ mưa; mưa rơi lộp độp trên những tàu lá xanh. Rồi mặt trời lại xuất hiện, gà mái cục te cục tác, chim sẻ vỗ cánh trong những bụi cây ẩm ướt, và những vũng nước trên cát chảy đi cuốn theo những cánh hoa màu hồng của cây xiêm gai.

“Ôi! Chắc là anh ta đã ở xa rồi!” Nàng nghĩ.

Ông Homais, như thường lệ, đến vào lúc sáu giờ rưỡi, giữa bữa cơm chiều.

– Này! – Y vừa nói vừa ngồi xuống, – hồi nãy chúng tôi đã tiễn chàng trẻ tuổi của chúng ta lên xe.

– Chừng thế! – Người thầy thuốc đáp.

Rồi, xoay mình trên ghế, hắn nói tiếp:

– Thế bên ông có gì lạ không?

– Chả có gì lạ. Chỉ có nhà tôi lúc chiều hơi xúc động. Ông biết đấy, đàn bà, động một tí là bối rối! Nhất là nhà tôi! Mà ai bực mình về chuyện đó là sai vì hệ thần kinh của họ mềm yếu hơn hệ thần kinh của chúng ta nhiều.

– Cái anh chàng Léon tội nghiệp ấy! – Charles nói – Anh ta sẽ sống ở Paris ra sao!… Liệu anh ta có quen được với nơi đó không?

Bà Bovary thở dài.

– Thôi đi! – Tay dược sĩ tặc lưỡi nói. – Những cuộc vui chơi thanh nhã ở nhà chủ quán! Những cuộc khiêu vũ hóa trang! Rượu sâm banh! Tất cả những chuyện đó sẽ tới, tôi cam đoan với ông.

– Tôi không tin là anh ta tự rước bận vào người, – ông Bovary phản đối.

– Tôi cũng thế! – Ông Homais đáp lại mạnh mẽ, mặc dầu anh ta cũng phải làm theo kẻ khác để khỏi bị coi là một thầy tu. – Ông phải biết cuộc sống của những tay chơi bời ấy cùng với các đào hát ở xóm La-tinh – Vả lại, sinh viên ở Paris rất được coi trọng. Họ mà có chút ít tài hoa là người ta tiếp nhận họ vào các chỗ hội hè tốt nhất, và thậm chí cả những bà mệnh phụ khu phố Saint-Germain đã phải lòng họ; do đó, về sau, họ có cơ hội cưới vợ rất khá giả.

– Nhưng, – người thầy thuốc nói, – tôi sợ cho anh ta là… ở đó…

– Ông nói đúng, – tay dược sĩ ngắt lời, – đấy là cái mặt trái của sự đời! Và ở đó người ta buộc không ngừng để tay lên túi tiền của mình, như ông ở trong một công viên, tôi thí dụ thế! Một người nào đó xuất hiện, ăn mặc chỉnh tề, đeo cả huy chương nữa, mà người ta cho là một nhà ngoại giao; anh ta lại gần, chào hỏi ông; ông bắt chuyện; anh ta len lỏi gây cảm tình, biếu ông điếu thuốc lá, hoặc nhặt giúp ông cái mũ. Rồi hai người gắn bó với nhau hơn; anh ta dẫn ông tới tiệm cà phê, mời ông về thăm nhà nghỉ mát của anh ta ở nông thôn, buộc ông giữa hai chầu rượu làm quen với đủ mọi người và ba phần tư thời gian chỉ là để đánh cắp túi tiền của ông hoặc lôi cuốn ông vào những hành động nguy hiểm.

– Quả vậy, – Charles đáp; – nhưng tôi nghĩ trước hết đến những bệnh tật, bệnh sốt thương hàn chẳng hạn, nó đánh vào những sinh viên ở các tỉnh nhỏ.

Emma rùng mình.

– Do sự thay đổi chế độ ăn uống, – tay dược sĩ tiếp, – và do sự hỗn loạn bắt nguồn từ nền kinh tế chung. Và rồi nước ăn ở Paris, ông thấy không! Các món ăn ở hàng quán, tất cả các thực phẩm đầy gia vị ấy, cuối cùng, làm nóng máu ông lên và, người ta muốn nói gì thì nói, cũng chẳng bằng được món thịt hầm ngon lành. Phần tôi, tôi bao giờ cũng thích các món ăn gia đình, nó ngon lành hơn! Bởi vậy, khi tôi học dược ở Rouen, tôi đã ở trọ trong một ký túc xá; tôi cùng ăn với các giáo sư.

Thế rồi ông ta liên tục trình bày các ý kiến chung và các cảm tình riêng của mình cho đến tận lúc Justin đến tìm ông ta về làm món trứng đường cần phải làm.

– Không lúc nào yên thân! – Ông ta thốt lên. – Bao giờ cũng như cầm tù! Tôi không thể ra khỏi nhà được một phút! Cứ như con ngựa cày phải đổ mồ hôi sôi nước mắt! Thật là cực khổ!

Rồi, khi ra tới cửa, ông ta còn nói:

– À, ông có biết tin gì không?

– Tin gì cơ?

Ông Homais, vừa cau mày vừa lấy vẻ mặt rất đỗi nghiêm trang đáp:

– Rất có thể hội nghị nông nghiệp của quận Seine họ sẽ họp năm nay ở Yonville-l’Abbaye. Ít ra cũng đã có tin đồn như vậy. Sáng nay, báo ra hàng ngày đã đả động đến. Chuyện này, đối với quận ta, là quan trọng bực nhất đấy! Nhưng ta sẽ nói chuyện sau. Tôi trông thấy rõ, xin cảm ơn ông; Justin có mang đèn theo rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.