Bà Bovary

Chương 6



Trong những chuyến đi thăm nàng, Léon thường ăn bữa chiều tại nhà tay dược sĩ và tưởng mình buộc phải mời lại ông ta vì lịch thiệp.

– Rất vui lòng! – Ông Homais đáp – Vả lại, tôi cần phải luyện lại tinh thần một chút vì tôi đã trở thành ngu độn ở đây. Chúng ta sẽ đi xem hát, ăn hiệu, chúng ta sẽ đú đởn.

– Ôi chà! Mình ơi! – Bà Homais thì thầm một cách âu yếm vì bà khiếp sợ về những nguy hiểm mơ hồ mà chồng bà sắp sửa dấn thân vào.

– Này, sao? Mình thấy sức khỏe của tôi chưa suy lắm khi tôi sống giữa những hơi dược liệu bốc liên tục ư! Thế đấy, vả chăng tính nết đàn bà: họ ghen với khoa học, rồi lại phản đối không muốn người ta đi tìm thú tiêu khiển chính đáng nhất. Không hề chi, cứ tin ở tôi; một ngày kia, tôi sa vào Rouen và chúng ta sẽ cùng nhau cho đồng tiền nhảy nhót.

Tay dược sĩ trước kia, chẳng dùng cách nói như thế; nhưng bây giờ ông ta đâm nghiện cái kiêu vui nhộn lối thủ đô Paris mà ông ta thấy ý vị hơn cả, và như bà Bovary hàng xóm, ông tò mò hỏi viên luật sư tập sự về phong tục nơi kinh kỳ, thậm chí ông ta nói cả tiếng lóng để lòe… những người thị dân, nào là turne, bazar, chicard, chicandard, Breda-street, nào là Je me la casse thay cho: tôi đi đây.

Thế là, một ngày thứ năm, Emma ngạc nhiên gặp thấy trong nhà bếp quán Sư Tử Vàng ông Homais mặc quần áo du lịch, nghĩa là ông ta khoác một chiếc áo măng tô cũ chưa thấy ông ta mặc bao giờ, một tay xách một chiếc va li, một tay cầm cái túi độn bông để ở chân cửa hiệu ông ta. Ông ta không cho ai biết ý định của mình, sợ làm công chúng lo lắng vì sự vắng mặt của mình.

Cái ý nghĩ được thăm lại những nơi ông ta đã sống thời trẻ tuổi chắc hẳn làm ông ta nức lòng, vì suốt dọc đường ông ta đã nhảy vội từ trên xe xuống để đi lùng Léon; và viên luật sư, mặc dầu hết sức khước từ, vẫn bị ông Homais lôi đến tiệm cà phê lớn Normandie; tới đó ông ta đàng hoàng bước vào, không bỏ mũ ra, cho rằng để đầu trần tại một nơi công cộng là rất quê mùa.

Emma đợi Léon bốn mươi lăm phút. Cuối cùng nàng chạy đến phòng làm việc của y, và miên man trong mọi điều phỏng đoán, buộc y là vô tâm và tự trách mình là nhu nhược, nàng sống cả buổi chiều áp trán vào cửa kính.

Léon và Homais đến hai giờ vẫn còn ngồi trước mặt nhau, ngay ở bàn ăn. Căn phòng lớn đã hết khách; cái ống lò sưởi hình cây cọ xoe trên trần nhà quét vôi trắng chùm lửa vàng của nó; và gần họ, đằng sau tấm kính, giữa nắng, một vòi nước nhỏ reo trong một cái bể bằng kính hoa, trong đó giữa cái xoong và măng tây, có ba con tôm hùm cứng đờ nằm duỗi dài đến tận những con chim cun cút đặt nằm thành chồng bên thành bể.

Homais khoan khoái. Tuy ông ta ham xa hoa hơn là ăn ngon, chất rượu vang Pomard, lúc ây, đã kích thích năng khiếu của ông ta một chút, và khi món trứng tráng ướp rượu rum hiện ra, ông ta trình bày những học thuyết vô luân về đàn bà. Cái quyến rũ ông ta hơn mọi thứ là cái sang cái đẹp. Ông ta sùng bái một cách ăn mặc thanh lịch trong một gian phòng thật đầy đủ tiện nghi, còn về những cái đẹp của cơ thể, ông ta không ghét miếng ngon.

Léon ngắm nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường một cách thất vọng. Tay dược sĩ vẫn uống, ăn, nói.

– Chắc ở Rouen, – ông ta đột ngột nói, – anh nhịn khan lắm đấy nhỉ. Vả lại, những người tình của anh cũng chẳng xa.

Và, y đỏ mặt, ông ta nói tiếp:

– Thôi, nói thật đi nào. Anh không chối là ở Yonville…?

Chàng trai ấp úng.

– Ở nhà bà Bovary, anh không ve vãn chút nào ư…?

– Thế ve vãn ai?

– Cô hầu gái!

Ông ta không nói đùa; nhưng Léon, vì quá tự mãn, đã mất khôn ngoan nên y không thể kiềm chế mình được, đã la lên. Vả lại, y chỉ ưa những người đàn bà có mái tóc nâu.

– Tôi đồng ý với anh, – tay dược sĩ nói – những người đàn bà có mái tóc nâu là những người đàn bà rất đa dâm.

Và, ghé vào tai bạn, ông ta chỉ dẫn những triệu chứng để nhận ra một người đàn bà đa dâm. Ông ta còn lao cả vào một cuộc nghị luận ra ngoài vấn đề nhân chủng học: gái Đức thì âu sầu, gái Pháp thì phóng đãng, gái Ý thì đa tình.

– Thế còn phụ nữ da đen? – Viên luật sư tập sự hỏi.

– Đó là một sở thích của nghệ sĩ, – Homais nói. – Bồi! Hai lưng chén!

– Chúng ta đi chứ? – Sốt ruột, Léon cuối cùng nói.

– Yes[27].

[27] Yes (tiếng Anh): có nghĩa là vâng, ừ, có.

Nhưng ông ta muốn trước khi ra đi, gặp chủ quán và nói mấy lời khen ngợi.

Bây giờ, chàng trai, để đi một mình, nói là có việc.

– À! Tôi đi hộ vệ anh! – Homais nói.

Và ông ta vừa xuôi xuống các phố với y, vừa nói về bà vợ của ông ta, về các con ông ta, về tương lai của chúng và về cửa hàng được phẩm của ông ta, rồi ồng ta thuật lại xưa kia nó lụn bại thế nào và ngày nay ông ta đã đưa nó lên mức hoàn thiện ra sao.

Đến trước khách sạn Boulogne, Léon đột ngột bỏ ông, lên cầu thang, và thấy người tình của mình đang ở trong tình trạng rất xúc động.

Nghe đến tên tay được sĩ, nàng nổi giận. Tuy nhiên, y viện ra nhiều lý do vững vàng; chẳng phải là lỗi ở y, nàng không biết ông Homais hay sao? Nàng lại có thể tin rằng y thích gần ông ta hơn ư? Nhưng nàng quay ngoắt đi; y giữ nàng lại; và quỳ sụp xuống, y dang hai cánh tay ra ôm lấy người nàng, trong một tư thế ẻo lả đầy vẻ dâm ô và van lơn.

Nàng đứng thẳng, nàng nhìn y một cách nửa nghiêm chỉnh và hầu như ghê sợ bằng cặp mắt nảy lửa. Rồi từng giọt lệ tuôn trào, những hàng mi hồng hạ xuống, nàng buông thõng hai tay, và Léon nắm lấy đưa lên miệng vừa lúc một người bồi vào báo với ông có người đang hỏi ông.

– Anh trở lại ngay chứ? – Nàng hỏi.

– Ừ.

– Nhưng bao giờ? 

– Một lát thôi.

– Đó là một thủ đoạn, – tay dược sĩ nói khi thấy Léon. – Tôi đã muốn cắt đứt cuộc viếng thăm này, nó ra chiều trái ý anh. Chúng ta đi đến nhà Bridoux; uống một Cốc garuyx[28] đi.

[28] Garuyx (garus): một thứ rượu bổ pha với quế, gừng và đậu khấu.

Léon thề rằng y phải trở lại phòng làm việc. Thế là tay dược sĩ nói bông đùa về chuyện các giấy tờ, thủ tục tố tụng.

– Anh hãy để Cujas và Barthole[29] đấy một chút đã chết ai nào! Ai ngăn được anh? Anh hãy mạnh dạn lên! Chúng ta đi đến nhà Bridoux; anh sẽ thấy con chó của gã. Thực là hiếm có!

[29] Cujas: nhà luật học Pháp (thế kỷ XVI); Barthole: nhà luật học Ý (thế kỷ XIV).

Và, vì viên luật sư tập sự vẫn cưỡng lại, ông ta nói tiếp:

– Tôi cũng cùng đến đó với anh. Tôi sẽ đọc báo để đợi anh hoặc tôi sẽ xem vội vàng một quyển Pháp điển.

Léon, choáng váng bởi cơn giận của Emma, bởi những lời nói huyên thiên của ông Homais và có lẽ bởi cả bữa ăn sáng nặng nề, đâm lưỡng lự và dường như bị sức quyến rũ của tay dược sĩ, ông ta đang nhắc đi nhắc lại:

– Chúng ta đi đến nhà Bridoux! Cách đây hai bước, ở phố Malpalu.

Lúc bấy giờ, vì đớn hèn, vì ngu xuẩn, vì cái tình cảm không tốt lôi kéo người ta đến những hành động khả ố nhất, y đã để Homais dẫn y đến nhà Bridoux! Và họ tìm thấy Bridoux ở trong một cái sân nhỏ đang trông coi ba người hầu trai hổn hà hổn hển quay bánh xe to của một chiếc máy chế nước Seltz. Homais chỉ bảo họ; ông ta ôm hôn Bridoux; họ uống garuyx. Hai mươi lần Léon bỏ đi; nhưng ông ta giơ tay ngăn chặn y lại mà nói:

– Lát nữa! Tôi sẽ đi. Chúng ta sẽ đến tòa báo Ngọn đèn Rouen thăm các ông ấy. Tôi sẽ giới thiệu anh với Thomassin.

Nhưng y đánh tháo được và chạy một mạch tới khách sạn. Emma không còn ở đây nữa.

Nàng vừa ra đi, tức bực. Bây giờ nàng căm ghét y. Nàng cho việc lỗi hẹn đó là một sự lăng nhục nàng, và nàng còn tìm nhiều lý do khác để xa lìa y: Y thiếu dũng khí, hèn yếu, tầm thường, nhu nhược hơn một người đàn bà, vả lại y keo kiệt và nhút nhát.

Rồi lúc nguôi đi, cuối cùng nàng nhận ra nàng chắc hẳn đã vu oan cho y. Nhưng việc bới xấu người mình yêu bao giờ cũng đẩy mình xa họ một chút. Không nên đụng đến các tượng thánh: chất vàng mạ của ngôi tượng sẽ dính vào tay.

Họ đến lúc thường hay nói đến những chuyện không liên quan tới tình yêu của họ hơn; và trong những bức thư Emma gửi đến cho y, toàn chuyện hoa, thơ, trăng và sao, phương sách thơ ngây của một tình yêu suy yếu cố gắng làm cho nồng nàn lên bằng một viện trợ bên ngoài. Nàng luôn luôn trông mong, vào chuyến đi sau, một niềm hạnh phúc sâu xa; rồi nàng tự thú nàng chẳng cảm thấy gì phi thường. Nỗi thất vọng ấy mau chóng bị xóa nhòa dưới một niềm hy vọng mới, và Emma trở lại với y rạo rực hơn, háo hức hơn. Nàng cởi quần áo ra một cách thô bạo, giật bỏ cái dải mỏng mảnh của chiếc áo nịt rít quanh hông nàng như con rắn nước trườn đi. Nàng đi trên đầu ngón chân để trần để nhìn xem một lần nữa cửa đã đóng kỹ chưa, rồi chỉ bằng một động tác nàng đã để tụt tất cả quần áo xuống; và xanh nhợt, không nói, nghiêm trang nàng sà vào ngực y, với một cái rùng mình kéo đài.

Tuy nhiên, trên cái trán lã chã mồ hôi lạnh kia, trên cặp môi líu ríu kia, trong đôi mắt lơ láo kia, trong vòng tay ôm thật chặt kia, có cái gì là cùng cực, là mơ hồ và ảm đạm, Léon tưởng như nó luồn vào giữa họ một cách tinh vi để ngăn cách họ.

Y không dám hỏi nàng; nhưng nhận ra nàng có kinh nghiệm đến thế, y như thầm chắc nàng ắt đã trải qua đủ mọi những thử thách của đau khổ và sướng vui. Cái gì trước kia làm y hứng thú, bây giờ làm y có phần hoảng sợ. Vả lại, y bực tức về cái nhân cách của y càng ngày càng bị nàng chi phối mạnh mẽ. Y giận Emma vì sự đắc thắng thường xuyên ấy. Thậm chí, y còn cố gắng không âu yếm nàng nữa; rồi, nghe tiếng giày của nàng răng rắc, y cảm thấy y hèn yếu tựa như những người say rượu trông thấy rượu mùi mạnh.

Thực ra, nàng không quên dành cho y mọi sự chăm sóc ân cần, từ việc tìm kiếm các món ăn đến cách trang sức quần áo. Từ Yonville, nàng mang trên bộ ngực những bông hoa hồng mà nàng ném vào mặt y, tỏ vẻ lo lắng tới sức khỏe của y, khuyên y điều này điều khác trong cách cư xử, và để giữ y hơn nữa với niềm hy vọng Trời có lẽ cũng lưu ý tới, nàng đeo vào cổ y một chiếc thẻ bài Thánh Mẫu. Như một người mẹ đức hạnh, nàng hỏi về bạn bè của y. Nàng nói với y:

– Đừng thăm hỏi họ, đừng đi đâu cả, chỉ nghĩ đến hai ta thôi; anh hãy yêu em!

Nàng những muốn có thể giám sát cuộc sống của y và nàng nảy ra ý nghĩ cho người theo y ngoài phố. Gần khách sạn, bao giờ cũng có một loại du đãng bám khách qua lại và bọn này chẳng từ chối đâu… Nhưng lòng tự kiêu của nàng không chịu.

– Ừ! Kệ xác, cho anh ấy lừa ta, cần gì! Ta có hám đâu!

Một hôm hai người tạm biệt nhau sớm, và nàng qua đại lộ trở về có một mình, nàng nhìn thấy những bức tường tu viện của nàng; thế là nàng ngồi xuống một cái ghế dài dưới bóng những cây du thụ. Cái thời ấy bình thản xiết bao! Nàng thèm khát biết mấy những tình cảm yêu dương khôn tả mà nàng cố hình dung theo sách.

Những tháng đầu của cuộc hôn nhân, những lúc cưỡi ngựa dạo chơi trong rừng, tay tử tước nhảy valse và Lagardy ca hát, tất cả lại diễu qua mắt nàng… và Léon đột ngột hiện ra, cũng xa xăm như những người khác.

“Tuy nhiên mình yêu y!” Nàng tự nhủ.

Chẳng can chi! Nàng không được sung sướng, chưa bao giờ được sung sướng cả. Do đâu mà cuộc đời nàng không được đầy đủ như vậy, những cái nàng dựa vào lại mục nát đến thế?… Nhưng, nếu có ở đâu đây một con người khỏe và đẹp, một bản chất dũng cảm, đầy nhiệt tình lẫn tao nhã, một trái tim thi sĩ dưới một hình thức thiên thần, đàn thất huyền căng dây đồng tấu lên trời những bản nhạc bi ai, thì tại sao, tình cờ, nàng chẳng tìm thấy con người ấy? Ôi! Không thể có được! Vả chăng, chẳng có cái gì đáng để tìm kiếm; mọi cái đều giả dối! Mỗi nụ cười che giấu một cái ngáp chán chường, mỗi niềm vui che giấu một lời nguyền rủa, mỗi lạc thú che giấu một sự chán nản, và những chiếc hôn say sưa nhất cũng chỉ để lại trên môi mình cái thèm muốn một khoái lạc cao hơn không thực hiện được.

Một tiếng loảng xoảng của kim loại kéo dài trong không trung và bốn tiếng chuông của tu viện vang lên. Bốn giờ! Thế mà nàng thấy như nàng ngồi đó, trên chiếc ghế dài đó, từ thuở nào. Nhưng vô vàn dục vọng có thể dồn đến trong một phút như một đám đông có thể tập trung trong một khoảng nhỏ.

Emma sống hoàn toàn mê mệt với những dục vọng của nàng. Hơn cả một bà đại công tước, nàng không lo lắng gì về tiền nong.

Tuy nhiên, một lần, có một người đàn ông vẻ yếu ớt, mặt đỏ và đầu hói, bước vào nhà hàng, tuyên bố là được ông Vinçart ở Rouen cử đến. Người này tháo ghim của cái túi ngang của chiếc áo rơ-đanh-gôt xanh dài của mình cắm lên tay áo và lễ phép chìa ra một tờ giấy.

Đây là phiếu nợ bảy trăm quan trả theo hạn kỳ do nàng ký, mà Lheureux đã sang tên cho Vinçart mặc dầu nàng hết sức phản dối.

Nàng cho người hầu gái chạy sang nhà Lheureux. Y không đến.

Bấy giờ, người lạ mặt, vẫn đứng, đưa cặp mắt ẩn dưới hàng lông mày rậm màu hung tò mò nhìn hết bên phải đến bên trái hỏi nàng một cách ngây thơ:

– Trả lời ông Vinçart thế nào?

– Này! – Emma đáp – Ông nói với ông ấy… rằng tôi không có… Để đến tuần sau… Ông ấy hay đợi đến tuần sau.

Thế là con người hiền lành đó bỏ đi thẳng không nói một lời. Nhưng, hôm sau, vào buổi trưa, nàng nhận được một chứng thư cự tuyệt; thế là vừa trông thấy tờ giấy dán tem, trên đó một hàng chữ lớn trải ra trước mặt nhiều lần: “Trạng sư Hareng, mõ tòa ở Buchy “, nàng sợ hãi đến nỗi nàng chạy hộc tốc đến nhà tay buôn vải. Nàng thấy y đang buộc một gói hàng ở ngay cửa hàng.

– Tôi đây! – Y nói – Tôi xin hầu bà.

Lheureux vẫn không bỏ công việc. Y được một cô gái chừng mười ba tuổi, lưng hơi có bướu, giúp sức. Y dùng cô ta vừa làm người trông nom cửa hàng vừa làm người nấu bếp.

Rồi, nện đôi giày guốc chan chát xuống sàn cửa hàng, y leo trước đưa bà lên tầng gác thứ nhất và vào một buồng hẹp, trong có một chiếc bàn giấy lớn bằng gỗ thông trên đặt vài quyển sổ được chặn ngang bằng thanh sắt có khóa. Sát tường, dưới những tấm vải in hoa, người ta thoáng thấy một két sắt, khuôn khổ to đến mức phải chứa đựng cái gì khác hơn là giấy tờ và tiền bạc. Lheureux, thực ra, cầm đồ cho vay, và chính trong két đó hắn đã để cái dây chuyền bằng vàng của bà Bovary, với đôi hoa tai của lão Tellier đáng thương buộc phải bán đi để mua ở Quincampoix một cửa hàng tạp hóa sơ sài, ở đó lão chết mòn vì bệnh viêm niêm mạc, giữa những cây đèn nến không vàng bằng mặt lão.

Lheureux vừa ngồi xuống ghế bành lớn độn rơm vừa nói:

– Có chuyện gì lạ?

– Ông xem đây.

Và nàng đưa cho y tờ giấy.

– Này! Tôi làm gì được?

Thế là nàng nổi khùng, nhắc lại lời y hứa không cho lưu hành những phiếu nàng nợ; y thừa nhận điều đó.

– Nhưng chính bản thân tôi bị bó buộc làm như thế khi dao kề cổ tôi.

– Thế bây giờ sự tình sẽ ra sao? – Nàng hỏi.

– Ồ! Đơn giản lắm: một bản án của tòa, rồi đến tịch biên… chẳng làm gì được nữa!

Emma phải kìm mình để khỏi đánh y. Nàng dịu dàng hỏi y xem có cách nào làm yên lòng ông Vinçart.

– Ối chà, vâng! Làm yên lòng Vinçart; bà không biết ông ta đấy; ông ta hung dữ hơn một người Ả Rập[30].

[30] Một định kiến về người Ả Rập do bọn tư sản và phong kiến châu Âu tung ra.

Tuy nhiên ông Lheureux cũng phải xen vào:

– Bà nghe đây! Dường như từ xưa đến nay, tôi đã khá tốt với bà.

Vả, mở một quyển sổ ra, y nói:

– Bà xem đây này!

Rồi, đưa ngón tay đi ngược lên trang giấy, y nói tiếp:

– Chúng ta xem nào… chúng ta xem nào… Ngày 3 tháng Tám, hai trăm quan… Vào 17 tháng Sáu, một trăm năm mươi… 23 tháng Ba, bốn mươi sáu… Trong tháng Tư…

Y ngừng lại như sợ làm điều gì dại dột.

– Và tôi chưa nói đến những phiếu nợ do ông nhà đã ký, một phiếu bảy trăm quan, một phiếu ba trăm! Còn những số tiền nhỏ mà bà lấy trước đem tính lại, thì không kể hết được, người ta cứ lúng túng trong việc đó. Tôi không xen vào nữa!

Nàng khóc, thậm chí nàng gọi y là “ông Lheureux phúc đức của tôi”. Nhưng y vẫn cứ đổ lỗi cho cái “tay ranh ma Vinçart”. Vả chăng y không có một xu, bây giờ chẳng ai trả tiền y cả, y đành khoanh tay chịu cho người ta bóc lột y, một chủ hiệu quèn như y không thể ứng trước được.

Emma làm thinh; và Lheureux nhấm ngòi bút, chắc hẳn lo ngại về sự im lặng của nàng, rồi y lại nói:

– Ít ra, nếu một ngày nào đó tôi thu được vài món tiền… tôi sẽ có thể…

– Vả lại, ngay khi khoản tiền còn thiếu ở Barneville…

– Thế nào?

Và, được biết Langlois chưa trả gì cả, y tỏ ra rất ngạc nhiên. Rồi, bằng một giọng ngọt xớt, y nói:

– Thôi chúng ta thỏa thuận với nhau, bà bảo sao?

– Ờ! Tùy ý ông!

Bây giờ, y nhắm mắt lại để suy nghĩ, y viết ra vài con số và, sau khi tuyên bố rằng y sẽ vất vả nhiều, việc thì hóc búa mà y lại phải tốn khá nhiều công của, y đọc cho viết bốn phiếu nợ, mỗi cái hai trăm năm mươi quan, hạn trả cách nhau một tháng.

– Cốt là Vinçart chịu nghe tôi! Vả lại, đã thỏa thuận rồi, tôi không lừng khừng đâu, tôi tròn như quả táo.

Sau đó, y lơ đãng chỉ cho nàng nhiều mặt hàng mới, nhưng không có mặt hàng nào, theo ý y, xứng đáng với bà.

– Khi tôi nghĩ rằng đây là một chiếc áo dài bảy xu một mét, và được chứng thực là bền màu! Vậy mà họ tin đây! Không ai kể cho họ bây giờ nó thực sự ra sao, bà biết đấy – y muốn, qua cách thú nhận thái độ xỏ xiên của y đối với những người khác, y thuyết phục nàng hoàn toàn về lòng thành thực của y.

Rồi y lại gọi nàng lại để chỉ cho nàng hơn ba mét đăng ten bằng chỉ tơ mà y vừa tìm ra mới rồi trong một ngăn hàng đã bán.

– Đẹp không nào! – Lheureux nói – Bây giờ, người ta dùng nó nhiều để phủ đầu ghế bành, đó là kiểu đang thịnh hành.

Và nhanh hơn một tay làm trò ảo thuật, y bọc chỗ đăng ten đó băng giấy lam rồi đặt gói hàng vào tay Emma.

– Ít ra tôi phải biết…?

– À! Sau này sẽ hay, – y vừa đáp vừa quay gót đi.

Ngay buổi tối hôm ấy, nàng giục Bovary viết thư cho mẹ để bà cụ gửi thực nhanh cho họ tất cả khoản tiền còn thiếu của gia tài. Bà mẹ chồng trả lời là chẳng còn gì nữa: việc thanh toán đã kết thúc, và họ còn lại, ngoài Barneville, sáu trăm livrơ thực lợi mà bà sẽ trả cho họ đúng mức.

Nàng liền gửi đơn thanh toán đến hai ba con bệnh, rồi chẳng bao lâu, nàng sử dụng rộng rãi cách ấy có kết quả. Bao giờ, nàng cũng thêm vào phần tái bút: “Xin đừng nói gì với chồng tôi, ông biết nhà tôi tự hào biết chừng nào… xin ông miễn thứ… Hầu ông…”. Có vài bức thư kêu ca; nàng ngăn chặn lại.

Để có tiền, nàng xoay ra bán những găng cũ, những mũ cũ, đồ sắt cũ; và nàng mà cả một cách tham lam, – máu gái quê của nàng thúc đẩy nàng kiếm lời. Rồi, trong những cuộc ra tỉnh, nàng sẽ buôn đồ vặt, mà ông Lheureux chẳng có những thứ đó, chắc hắn sẽ lấy lại của nàng. Nàng sắm cho nàng những bộ lông đà điểu, đồ sứ Trung Hoa và tủ dựng cốc chén; nàng vay tiền Félicité, mụ Lefrançois, mụ chủ quán Chữ Thập Đỏ, nàng vay tất cả mọi ngươi, bất cứ ở đâu. Với số tiền cuối cùng nàng nhận được từ Barneville, nàng trả hai phiếu nợ, còn một ngàn năm trăm quan kia, nàng tiêu hết. Nàng lại vay nợ, và cứ thế mãi!

Lắm lúc, thực ra, nàng có tính toán, nhưng nàng khám phá ra những điều quá quắt đến nỗi nàng không thể tin được. Nàng liền tính lại, chẳng mấy lúc nàng rối cả óc lên, nàng ngừng phắt mọi thứ tại đó và không nghĩ đến nữa.

Cảnh nhà bây giờ thật buồn! Người ta thấy từ trong đi ra những người cung cấp hàng với vẻ mặt hầm hầm. Khăn mùi soa vứt bừa bãi trên bếp lò; và con bé Berthe đi bít tất thủng, khiến bà Homais bất bình. Nếu Charles liều đưa ra một lời nhận xét e dè, thì nàng thô bạo trả lời rằng đó không phải lỗi ở nàng!

Tại sao lại nóng nảy như vậy? Hắn giải thích tất cả bằng cái bệnh thần kinh cũ của nàng; và tự trách mình đã coi tình trạng suy nhược của nàng là thói xấu, hắn tự đổ cho mình là ích kỷ, hắn muốn chạy đến ôm hôn nàng.

– Ồ! Không, – hắn thầm nghĩ, – mình mà đến sẽ làm vợ mình khó chịu!

Thế là hắn ngồi nguyên.

Sau bữa ăn chiều, hắn đi dạo một mình trong vườn; hắn ôm con bé Berthe vào lòng, và mở tờ báo Y học ra, thử dạy nó tập đọc. Đứa trẻ chưa học bao giờ, chẳng mấy lúc giương đôi mắt buồn rầu và kêu khóc. Hắn liền dỗ nó; hắn đi lấy nước vào bình tưới để nó làm những con sông trên cát, hoặc bẻ gãy những cánh thủy lạp để nó trồng cây trong những luống đất men vườn, việc do phần nào làm hỏng khu vườn hoàn toàn chứa đầy cỏ dại; người ta đang nợ Lestiboudois bao ngày công! Rồi đứa bé thấy lạnh và hỏi mẹ.

– Con gọi người hầu gái ấy, – Charles nói. – Con ơi, con biết rõ mẹ con không muốn ai quấy rầy mình cả.

Mùa thu bắt đầu và lá cây đã rụng – cách đây hai năm, khi nàng ốm – Vậy bao giờ tất cả chuyện này chấm dứt?… Và hắn tiếp tục đi, hai tay sau lưng.

Nàng ở buồng nàng. Không ai lên đó cả. Nàng ở đó suốt ngày, như ngây như dại, chẳng mặc gì mấy, và thỉnh thoảng, lại đốt thứ hương tỏi kích thích thường dùng trong chốn thanh lâu mà nàng đã mua ở Rouen trong cửa hàng của một người Angiêri. Ban đêm, để khỏi có bên cạnh mình cái người đàn ông nằm duỗi dài ra ngủ đó, cuối cùng nàng đã tống được hắn xuống tầng gác thứ hai bằng những cái nhăn nhó của nàng; và nàng đọc đến sáng những sách quá quắt trong đó những bức tranh hành lạc với những tư thế ghê gớm. Thường khi bị hoảng sợ, nàng thốt lên một tiếng kêu. Charles chạy tới.

– Ôi! Anh đi đi! – Nàng bảo.

Hay có những lần khác, bị hun nóng mạnh hơn bởi ngọn lửa dục, mà cuộc ngoại tình khêu lên, hổn hển, kích động, dâm dật, nàng mở cửa sổ ra, hít không khí lạnh, xõa trước gió mớ tóc quá nặng, và nhìn các ngôi sao, ao ước những mối tình vương giả. Nàng nghĩ đến y, đến chàng Léon. Bây giờ nàng có thể đánh đổi tất cả để lấy độc một trong những cuộc hẹn hò làm cho nàng thỏa mãn kia.

Đó là những ngày dạ hội của nàng. Nàng muốn những ngày ấy rực rỡ! Và khi y không thể một mình trả mọi phí tổn, nàng đóng góp một cách rộng rãi, mà điều này hầu như lần nào cũng xảy ra. Y cô làm cho nàng hiểu hai người ở nơi khác cũng được thoải mái như thế, trong một khách sạn nào đó rẻ tiền hơn; nhưng nàng tìm lý do phản đối.

Một hôm, nàng rút từ trong túi ra sáu chiếc thìa nhỏ bằng bạc mạ vàng (đó là quà mừng cưới của lão Rouault), nhờ y mang hộ nàng đến ngay nhà cầm đồ; vã Léon nghe lời tuy rằng công việc ấy làm y khó chịu. Y sợ hãi đến thanh danh của y.

Rồi, khi nghĩ tới chuyện đó, y thấy người tình của y có những hành động lạ lùng, và có lẽ người ta muốn y xa rời nàng không phải là sai.

Thực tế, có một người nào đó đã gửi cho mẹ y một bức thư nặc danh dài để báo cho bà ta biết rằng y đang sống phóng đãng với một người đàn bà có chồng; thế là bà già hiền lành mường tượng thấy con ngoáo ộp muôn thuở của các gia đình, nghĩa là con người độc địa mơ hồ, con yêu phụ, con quái vật tàng ẩn trong đáy sâu của tình yêu, liền viết ngay thư cho trạng sư Dubocage, người phụ trách y, ông ta thực hoàn hảo trong việc này. Ông ta giữ y suốt bốn nhăm phút nhằm cảnh tỉnh y, báo trước cho y cái vực thẳm. Cuộc dan díu như vậy sau này sẽ làm hại đến việc lập nghiệp của y. Ông ta khẩn khoản yêu cầu y cắt đứt, và nếu y chẳng chịu hy sinh cho lợi ích của bản thân y, thì ít ra y cũng nên làm như vậy vì ông ta, Dubocage?

Léon cuối cùng đã thề không gặp lại Emma nữa; và rồi y tự trách y không giữ lời hứa khi y xét tất cả những gì mà người đàn bà ấy có thể gây cho y bao phiền phức, bao lời ra tiếng vào, chưa kể những lời bông đùa các bạn y tuôn ra lúc buổi sáng quanh lò sưởi, vả lại, y sắp trở thành người thư ký thứ nhất; đây là lúc phải đứng đắn. Cho nên y bỏ thổi sáo, bỏ những tình cảm quá đáng, bỏ những tưởng tượng hão huyền – vì mọi anh tư sản, trong cái hăng hái của tuổi trẻ, dù chỉ một ngày, một phút cũng tưởng chừng mình có khả năng mang những mối nhiệt tình rộng lớn làm được những sự việc cao cả. Kẻ chơi bời tầm thường nhất đã ước mơ những nữ chúa; mỗi viên quản lý văn khế mang trong mình tàn dư của một thi nhân.

Bây giờ y buồn nản khi Emma bất thần khóc nức nở trên ngực y; và trái tim y, như những người chỉ chịu đựng được một liều lượng âm nhạc nào đó, đã dịu đi vì hờ hững trước tiếng ồn ào của một tình yêu mà y không còn phân biệt được những cái tế nhị của nó nữa.

Họ biết nhau quá rồi, nên không còn cảm thấy tình trạng kinh ngạc về sự chiếm hữu tình yêu làm tăng gấp trăm lần niềm vui sướng của nó. Nàng cũng chán ngấy y như y mệt mỏi vì nàng. Emma lại thấy trong ngoại tình mọi điều vô vị của hôn nhân.

Nhưng làm thế nào để có thể rũ đi được? Rồi nàng hoài công cảm thấy nhục về sự thấp hèn của một niềm hạnh phúc như vậy, nàng vẫn cứ bám lấy nó vì thói quen hay vì đồi bại; và mỗi ngày, nàng lại lao sâu vào đó hơn, làm khô cạn mọi hạnh phúc chỉ vì muốn nó lớn qúa. Nàng buộc tội Léon vì những điều nàng hy vọng đã không toại được ý nàng, tựa hồ như y đã phản nàng; và thậm chí nàng còn mong chờ một tai họa đưa đến sự đoạn tuyệt giữa hai người vì lẽ nàng không còn can đảm tự mình quyết định.

Nàng không vì thế mà ngừng viết cho y những bức thư tình, do cái ý niệm mà một người phụ nữ phải luôn viết thư cho người yêu của mình.

Nhưng khi viết, nàng cảm thấy một người đàn ông khác, một bóng ma tạo nên bởi những ký ức nồng nhiệt nhất của nàng, bởi những cuốn sách độc bản hay nhất của nàng, bởi những thèm khát mạnh mẽ nhất của nàng. Và sau cùng, nó trở thành chân thực hết sức, dễ gần gũi đến nỗi nàng hồi hộp, bàng hoàng, tuy nhiên không thể tưởng tượng được ra nó một cách rõ nét, vì nó biến đi như một thiên thần, dưới cơ man đức tính của nó. Nó ở cái miền xanh lam có những thang lụa đu đưa bên những bao lơn, trong hương ngát của những bông hoa, dưới ánh trăng. Nàng cảm thấy nó gần nàng, nó sắp đến và nâng bổng toàn thân nàng lên trong một cái hôn. Sau đó nàng ngã sấp xuống, đau đớn vì những mối hăm hở của thứ tình yêu mơ hồ đó làm nàng mệt nhọc hơn là những cuộc dâm loạn.

Bây giờ nàng cảm thấy liên tục đau khắp mình mẩy. Thậm chí lắm khi Emma còn nhận được những trát của tòa án, thứ giấy dán tem mà nàng chỉ liếc qua. Nàng muốn đừng sống nữa, hoặc ngủ liên miên.

Ngày hội giữa tuần chay, nàng không về Yonville; buổi tối nàng đi dự khiêu vũ hóa trang. Nàng vận một chiếc quần nhung và đi đôi bít tất đỏ, đeo một bộ tóc giả buộc ngược và chụp một cái mũ ống trên tai. Nàng nhảy suốt đêm, theo tiếng kèn trombon cuồng loạn; người ta quây xung quanh nàng; và sáng ra, nàng thấy nàng ở hàng cột vây quanh rạp hát giữa năm sáu người bạn của Léon đeo mặt nạ cải trang thành những cô gái dỡ hàng hay những tay thủy thủ rủ nhau đi ăn.

Những tiệm cà phê quanh đấy đã đầy khách. Họ trông thấy trên cảng có một quán ăn vào loại tầm thường nhất, người chủ mở cho họ vào một căn buồng nhỏ ở tầng gác thứ tư.

Mấy anh đàn ông thì thào trong một góc, hẳn là họ bàn việc chi tiền. Họ gồm có một tên luật sư tập sự, hai sinh viên Y khoa và một thư ký hãng buôn: Ôi! Cuộc giao du! Còn mấy chị đàn bà, Emma nhận thấy, qua giọng nói của họ chắc họ hầu hết thuộc hàng hạ lưu. Thế là nàng sợ, nàng lùi ghế lại và nhìn xuống đất.

Người ta bắt đầu ăn. Nàng không ăn; trán nàng hầm hập, mí mắt nàng ran ran và da nàng lạnh toát. Nàng cảm thấy trong đầu nàng cái sàn nhảy vẫn còn nảy lên dưới hàng ngàn bàn chân đang nhảy theo nhịp điệu. Rồi, mùi rượu pha chế và khói thuốc xì gà làm nàng choáng váng. Nàng ngất đi; người ta khiêng nàng trước cửa sổ.

Ngày bắt đầu rạng, một vết lớn màu đỏ ối lan rộng trong nền trời nhợt nhạt ở phía Sainte-Catherine. Mặt sông bàng bạc gạn lên trước gió; không một ai trên cầu, những chiếc đèn lồng kính ở đường đã tắt.

Vào khoảng ấy, nàng hồi tỉnh lại và chợt nhớ đến Berthe đang ngủ ở xa kia, trong buồng người hầu gái. Nhưng một chiếc xe bò đầy những thanh sắt dài đi qua làm các tường nhà dội lên một thứ tiếng loảng xoảng chói tai.

Nàng đột ngột lẩn tránh đi, trút bỏ bộ quần áo, báo với Léon nàng phải về, và cuối cùng ở lại một mình tại khách sạn Boulogne. Mọi thứ, và ngay cả bản thân nàng nữa, đều làm cho nàng khó chịu. Nàng những muốn thoát đi như một con chim, được tươi trẻ lại ở nơi nào đấy, xa lắm, trong những khoảng không tinh khiết.

Nàng đi ra, qua đại lộ quảng trường Cauchoise và khu ngoại ô, đến tận một phố quang đãng ở cao hơn các vườn tược. Nàng đi nhanh, gió lộng làm nàng bình tĩnh lại: và dần dần những bộ mặt của đám đông, những chiếc măt nạ, những điệu nhạc đối vũ, những cây đèn nhiều ngọn, bữa ăn đêm, những người đàn bà ấy, tất cả đều biến mất như sương mù bị cuốn đi. Rồi trở lại quán Chữ Thập Đỏ, nàng lao mình xuống giường, trong căn buồng nhỏ tầng gác thứ hai, ở đó có những ảnh của tháp Nesle. Đến bốn giờ chiều, Hivert đánh thức nàng dậy.

Nàng vừa về đến nhà, Félicité đã chỉ cho nàng đằng sau chiếc đồng hồ treo tường, một tờ giấy xám. Nàng đọc:

“Căn cứ vào tờ sao bản án, chấp hành lời tuyên án…”.

Án nào? Hôm trước, quả thật người ta đã đưa đến đây một tờ giấy khác mà nàng không biết; cho nên nàng kinh ngạc về những chữ: “Chiểu theo nhà vua, pháp luật và công lý, ra lệnh cho bà Bovary…”.

Thế là bỏ qua nhiều dòng, nàng thấy: “Hạn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ” – Gì vậy? “Phải trả số tiền tổng cộng tám ngàn quan”. Và thậm chí, ở bên dưới còn ghi: “Bà sẽ bị buộc phải trả số tiền ấy bằng mọi đường pháp luật, và đặc biệt bằng sự thi hành bản án tịch biên các đồ đạc và vật dụng của bà”.

Làm thế nào bây giờ?… Hạn trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ! Ngày mai! Lheureux, nàng thầm nghĩ, y còn muốn làm nàng sợ nữa; vì nàng đoán ra ngay tất cả các thủ đoạn của y, mục đích những sự dễ dãi của y. Điều làm nàng vững tâm là món tiền đưa ra quá đáng.

Tuy nhiên, cứ mua chịu mãi, vay mượn mãi, ký phiếu nợ mãi rồi tái hẹn trả mãi, tiền ghi trong phiếu nợ tăng lên theo kỳ hạn mới, nàng rút cục đã chuẩn bị cho Lheureux một cái vốn mà y nóng lòng sốt ruột đợi chờ để đầu cơ.

Nàng đến nhà y bằng một vẻ ung dung.

– Ông biết điều gì xảy ra đến với tôi rồi chứ? Chắc đó là một trò đùa!

– Không.

– Vì sao lại thế?

Y thong thả quay đi và vừa khoanh tay lại vừa nói với nàng:

– Bà trẻ của tôi ơi, bà nghĩ rằng cho đến cái ngày tận cùng thế giới, tôi vẫn làm người cung cấp hàng và người chủ ngân hàng không công của bà sao? Tôi phải thu vào những số tiền đã bỏ ra chứ, chúng ta hãy công bằng!

Nàng phản đối y về món nợ.

– Ôi! Mặc! Tòa án đã công nhận nó! Đã có bản án! Người ta đã thông báo cho bà! Vả lại, không phải tôi, mà là Vinçart.

– Thế ông không thể…?

– Ồ! Chẳng làm gì được.

– Nhưng mà…, tuy nhiên…, chúng ta hãy bàn xem.

Rồi nàng nói chuyện huyên thuyên; nàng không biết gì cả… đây là một điều kỳ dị…

– Lỗi tại ai! – Lheureux vừa hỏi vừa mỉa mai chào nàng. – Trong khi tôi, tôi làm ăn đầu tắt mặt tối như một thằng mọi, thì bà ôn lại thời son trẻ.

– À! Đừng có dạy đời!

– Cái đó không bao giờ có hại, – y đáp.

Nàng khiếp nhược, nàng van nài y; và thậm chí nàng còn đặt đôi bàn tay xinh đẹp trắng muốt và thon dài của nàng lên đầu gối tay lái buôn.

– Bà để tôi yên nào! Người ta sẽ bảo là bà muốn quyến rũ tôi!

– Ông là một kẻ khốn nạn! – Nàng la lên.

– Ối! Ối! Bà đối xử với tôi như thế đấy! – Y vừa nói vừa cười.

– Tôi sẽ làm cho người ta biết ông là con người thế nào. Tôi sẽ bảo chồng tôi…

– Này! Tôi, tôi sẽ chỉ cho chồng bà một cái gì!

Và Lheureux rút ở két sắt ra tờ giấy biên nhận một ngàn tám trăm quan mà nàng đã đưa cho y khi Vinçart chiết khấu. Y nói thêm:

– Bà có tin rằng chồng bà không hiểu cái lối xoáy vặt của bà ư? Tội nghiệp cho con người đáng quý trọng ấy!

Nàng sụp xuống, đau hơn bị chùy nện. Y vừa đi đi lại lại từ cửa sổ đến bàn giấy vừa nhắc nàng:

– À! Tôi sẽ cho ông ta biết rõ… tôi sẽ cho ông ta biết rõ… – Rồi y đến gần nàng, y ngọt ngào nói:

– Điều đó không vui vẻ gì, tôi biết; nhưng sau đó, không ai chết cả, và vì lẽ bà cũng chỉ còn cách ấy để trả tiền tôi thôi…

– Nhưng tôi lấy tiền ở đâu ra? – Emma vừa vặn cánh tay vừa nói.

– Ối chà! Khi người ta có nhiều bạn như bà!

Và y nhìn bà một cách quá sắc sảo và quá dữ tợn đến nỗi nàng ớn đến tận ruột gan.

– Tôi hứa với ông, – nàng nói, – tôi sẽ ký…

– Tôi ngán chữ ký của bà lắm rồi!

– Tôi sẽ lại bán…

– Thôi đi! – Y vừa nhún vai vừa nói – Bà chẳng còn gì hết. – Rồi y kêu qua lỗ cửa nhìn xuống cửa hàng:

– Annette! Đừng quên ba mảnh vải thừa của số 14.

Người hầu gái xuất hiện; Emma hiểu ra, liền hỏi “phải mất bao nhiêu tiền để ngăn lại mọi sự truy tố”.

– Chậm quá rồi!

– Nhưng nếu tôi mang đến cho ông mấy nghìn quan, một phần tư số tiền, một phần ba, gần hết?

– Ồ! Không, vô ích!

Y khẽ đẩy nàng ra cầu thang.

– Tôi xin ông, ông Lheureux ạ, vài ngày nữa thôi.

Nàng khóc nức nở.

– Thôi mà! Khóc với lóc!

– Ông làm tôi tuyệt vọng!

– Ngay thế cũng kệ bà! – Y vừa nói vừa đóng cửa lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.