Bà Bovary

Chương 7



Cũng có lúc nàng nghĩ rằng đây lại chính là những ngày đẹp nhất trong đời nàng, đây là thời kỳ trăng mật như người ta nói. Để được hưởng cái thú êm đềm của thời kỳ này, chắc chắn là phải đi tới những miền mang cái tên thật kêu, ở đó những ngày sau lễ cưới có những thú an nhàn êm dịu hơn! Trong xe trạm, sau bức rèm tơ lam, vợ chồng thủng thỉnh đi lên những con đường dốc, tai nghe người xà ích hát, tiếng hát vọng trong núi cùng với tiếng chuông của đàn dê và tiếng thác đổ ào ào. Khi mặt trời tà, hai người hít thở hương vị hoa chanh trên bờ vịnh; rồi tối đến, trên sân gác biệt thự, chỉ có đôi lứa ngồi, tay nắm tay, vừa ngắm sao trên trời vừa bàn tính chuyện mai sau. Đối với nàng, dường như có một số nơi nào trên trái đất sản sinh ra hạnh phúc, chẳng khác gì một thứ cây quen mọc ở chốn này, hễ đem trồng ở chốn khác, thì cằn cỗi đi. Sao nàng lại chẳng thể tì tay trên bao lơn một biệt thự ở Thuỵ Sĩ hoặc giấu nỗi buồn trong một trang trại ở xứ Ê-cốt, cùng với một người chồng mặc áo nhung đen vạt dài, đi ủng mềm, đội mũ nhọn và đeo tay áo giả!

Có lẽ nàng cũng mong được tâm sự với ai về những điều này. Nhưng làm thế nào nói lên được một nỗi phiền khó hiểu đổi dạng như những đám mây dày, xoay chiều như cơn gió thổi? Vậy là nàng không nói lên lời, không có cơ hội, không dám bạo gan.

Tuy nhiên, nếu Charles đã muốn như vậy, nếu Charles nghi ngờ điều đó, nếu cặp mắt của Charles, chỉ một lần thôi, nhìn thấu được tư tưởng của nàng thì nàng tưởng chừng sẽ phải thổ lộ hết nỗi lòng của nàng như những trái chín từ giàn cây rụng xuống khi người ta đưa tay hái. Nhưng cuộc sống ngày càng gắn bó hai người với nhau, thì sự chia lìa ngấm ngầm trong đôi lứa ngày càng phát sinh khiến nàng kém ràng buộc với hắn hơn.

Chuyện trò với Charles thì tẻ nhạt như vỉa hè ngoài phố, và toàn những ý kiến của thiên hạ cứ diễu qua đấy, trong bộ quần áo thông thường của họ, chẳng gợi được cảm xúc nào, vui cười hay mơ mộng. Hắn bảo, khi hắn ở Rouen, hắn chẳng bao giờ tò mò đến rạp hát để xem các diễn viên từ Paris về. Hắn chẳng biết bơi, chẳng biết múa kiếm, chẳng biết bắn súng. Có một hôm, hắn không cắt nghĩa nổi cho nàng một thuật ngữ về khoa cưỡi ngựa mà nàng đã đọc thấy trong một cuốn tiểu thuyết.

Phải chăng một người đàn ông, trái lại, cái gì cũng phải biết, bất kỳ hoạt động nào cũng phải thạo, phải chăng hắn phải biết vỡ lòng cho hắn về cuồng nhiệt của tình yêu, về tế nhị của cuộc sống, về mọi cái bí mật ở đời? Nhưng hắn, hắn chẳng dạy gì cả, chẳng biết gì cả, chẳng mong ước gì cả. Hắn tưởng nàng sung sướng nhưng nàng lại giận hắn về cái lối bằng chân như vại ấy, về sự đần độn bình thản ấy, về chính ngay niềm hạnh phúc mà nàng đem lại cho hắn nữa.

Thỉnh thoảng nàng vẽ; thế là Charles lấy làm thích thú được đứng thẳng ngay tại chỗ để nhìn nàng cặm cụi trên tấm bìa, nheo mắt nhìn kỹ bức vẽ, hoặc vê tròn những viên ruột bánh mì trên ngón tay cái. Còn khi đánh đàn piano, nàng càng đưa nhanh ngón tay bao nhiêu, hắn càng thán phục bấy nhiêu. Nàng gõ phím đàn một cách vững vàng; đôi tay nàng không ngừng lướt trên toàn bộ mặt đàn. Chiếc piano cũ kỹ mà dây đàn đã săn lại, được nàng đụng tới, vang dội những âm thanh đến tận đầu làng nếu cửa sổ để ngỏ. Thường thường người thư ký của viên mõ tòa, đầu không mũ, chân đi giày vải, khi có việc đi qua đường cái, đều đứng lại nghe.

Mặt khác, Emma điều khiển việc nhà. Nàng gửi cho bệnh nhân bản kê tiền thăm bệnh bằng những bức thư viết khéo, không ra vẻ hoá đơn tính tiền. Chủ nhật, khi vợ chồng có khách hàng xóm sang ăn cơm, nàng kiếm cách thết một món ăn hấp dẫn, khéo bày mận thành hình tháp trên lá nho, đặt lộn ngược những bình mứt trên mặt đĩa, và thậm chí còn nói đến chuyện mua nước thơm để súc miệng sau bữa cơm chính. Do tất cả những cái đó, Emma Bovary càng được trọng vọng.

Charles rốt cuộc phải tự trọng hơn vì có một người vợ như thế. Hắn kiêu hãnh chỉ cho người ta xem ở trong phòng hắn hai bức phác hoạ nhỏ do nàng vẽ bằng bút chì mà hắn lồng trong hai chiếc khung rất to treo bằng những sợi dây dài màu xanh ve trên bức tường phủ giấy. Ở nhà thờ ra, người ta thấy hắn đứng ở cửa lớn, chân đi giày vải thêu rất đẹp.

Hắn thường về nhà muộn, vào lúc mười giờ, đôi khi mười hai giờ đêm. Thế là hắn đòi ăn, nhưng vì người hầu gái đã đi ngủ rồi thành chính bản thân Emma phải phục vụ hắn. Hắn cởi chiếc rơ-đanh-gôt để ngồi ăn cho thoải mái, Hắn lần lượt kể lại hắn đã gặp những ai, đã qua những làng nào, đã kê những đơn thuốc gì, rồi vui lòng đắc ý, hắn ăn nốt món thịt bò hầm với hành, gọt bỏ phần ngoài miếng phó mát, gặm quả táo, uống cạn bình nước, rồi vào giường nằm ngửa và ngáy o o.

Vì xưa nay hắn vốn quen dùng mũ trùm bằng sợi để ngủ, chiếc khăn quàng không giữ được mái đầu, nên sáng dậy, tóc hắn xoà lung tung xuống mặt, và, vì dải buộc gối ban đêm tuột mất, bông gối đã bám trắng cả tóc hắn. Hắn toàn đi loại bốt cứng có hai bến dây từ cổ chân kéo xuống mắt cá, còn mũi thì cứ thẳng đuỗn ra như có bàn chân gỗ lồng bên trong. Hắn bảo ở quê mà đi giày loại đó thì khá là tiện lợi.

Mẹ hắn tán đồng cái tính tằn tiện này; vì bà ta lại đến thăm hắn như xưa mỗi khi ở nhà bà ta có chuyện xô xát mạnh; song bà Bovary mẹ xem chừng có thành kiến với con dâu. Bà ta nhận thấy nàng thuộc lớp người sống quá cao đối với hoàn cảnh gia đình mình; củi, đường và nến được sử dụng quá nhanh như ở nhà một nhà quan, và số lượng than hồng cháy trong bếp đủ để nấu hai mươi lăm món ăn! Bà ta sắp xếp quần áo lót của con dâu vào tủ và dạy con dâu cách kiểm soát người hàng thịt khi họ mang thịt đến. Emma tiếp thu những bài học ấy; bà Bovary mẹ càng dạy không tiếc lời; thế rồi những tiếng con ơi và mẹ ạ được trao đi đổi lại suốt ngày, sau đó những cặp môi rung chuyển, người nào người nấy thốt ra những lời ngọt xớt bằng một giọng run lên vì tức giận.

Vào cái thuở mụ goá Dubuc (nàng dâu cũ), bà già còn thấy mình được ưa chuộng, nhưng nay bà coi tình yêu của Charles đối với Emma như một sự rời bỏ tình yêu của người con đối với mẹ, như một sự xâm phạm vào cái gì thuộc quyền sở hữu của bà; và bà buồn rầu, bà lặng lẽ quan sát cái hạnh phúc của con trai như một người bị phá sản ngắm nhìn qua khung cửa kính những kẻ đang ngồi ăn trong ngôi nhà cũ của mình. Bà nhắc con trai nhớ lại, những kỷ niệm xa xưa, những nỗi khổ cực và những hy sinh của bà, rồi bà đem so sánh nỗi niềm ấy với bao sơ suất của Emma, bà kết luận Charles thực chẳng biết điều chút nào khi hắn yêu quý Emma một cách quá đáng như thế.

Charles chẳng biết đáp lại sao; hắn kính trọng mẹ và hắn cũng yêu vợ vô cùng; hắn coi nhận xét của mẹ là tuyệt đối đúng, song hắn cũng thấy vợ hắn không có gì có thể chê trách được. Khi bà Bovary mẹ đi rồi, hắn mới e dè thử đưa ra, đúng nguyên lời mẹ, một hai điều nhận xét nhẹ nhàng nhất mà hắn đã nghe mẹ nói ra; Emma, chỉ bằng một lời nói, đã chứng minh cho hắn biết là hắn nhầm và bảo hắn nên trở lại công việc của hắn.

Tuy nhiên, theo những cái lý thuyết mà nàng tin là hay, nàng muốn tự tạo cho mình tình yêu. Dưới ánh trăng trong vườn, nàng đọc tất cả những vầng thơ tình tứ thuộc lòng, nàng vừa thở dài vừa ca hát cho hắn nghe những điệu nhạc chậm và buồn; rút cục, nàng vẫn thấy mình bình thản như trước, còn Charles vẫn chẳng say mê gì hơn, xúc động gì hơn.

Vả lại, khi nàng đã chút ít đánh đá lửa vào trái tim mình như thế mà nàng chẳng làm bật ra được một tia nóng, nàng không thể hiểu được cái gì mà nàng không cảm thấy, cũng như nàng không thể tin được vào những cái gì chẳng biểu hiện ra bằng những hình thức ước lệ, nàng dễ dàng xác nhận tình yêu của Charles chẳng có gì lạ thường. Những cuộc thổ lộ tâm tình của hắn đã hoá ra đều đặn; hắn hôn nàng vào giờ nhất định. Đó là một thói quen giữa những thói quen thôi, nó tựa như món ăn tráng miệng đã tính trước sau bữa cơm tẻ nhạt.

Một tay cảnh vệ đất săn bắn, được người thầy thuốc chữa cho khỏi bệnh sưng phổi, đã đem đến biếu bà vợ ông ta một con chó săn cái giống Ý; nàng dắt chó đi chơi vì đôi khi nàng cũng ra ngoài để được sống biệt tịch trong chốc lát và để khỏi thấy mãi trước mắt mình cái vườn muôn thuở với con đường lầm bụi.

Nàng đi đến tận khu trồng dẻ gai ở Banneville, gần cái nhà chòi bỏ hoang làm thành góc tường về phía đồng ruộng. Trong hố chôn giữa đám cỏ, có những cây lau dài, lá sắc.

Thoạt tiên, nàng nhìn khắp xung quanh để xem có gì thay đổi từ lần cuối cùng nàng đến đây. Nàng thấy y nguyên ở những chỗ cũ những cây hoa lồng đèn và những cây đinh hương, những khóm gai vây quanh những hàng sỏi lớn và những mảnh rêu chạy dài trên ba cửa sổ luôn đóng kính, cánh mọt ruỗng dần trên những thanh sắt gỉ. Tư tưởng của nàng ban đầu chưa có đích, cứ lông bông vơ vẩn, khác nào con chó săn của nàng, nó cứ chạy vòng quanh trên cánh đồng, kêu ăng ẳng sau những con bướm vàng, vừa đuổi bắt những con chuột chũi, vừa cắn nhấm những bông hoa mào gà mọc trên bờ ruộng lúa mì. Rồi ý nghĩ của nàng dần dần định hướng, và, ngồi trên bãi cỏ xanh, lấy đầu chiếc dù khe khẽ bới cỏ, Emma tự hỏi đi hỏi lại: “Trời ơi, tại sao ta lại đi lấy chồng?”

Nàng tự hỏi không biết có cách nào, do những sự sắp đặt tình cờ khác, để nàng lại có thể gặp được một người đàn ông khác; rồi nàng thử tưởng tượng xem những sự việc không xảy ra đó có thể là những sự việc nào, cuộc sống khác đó và người chồng mà nàng không biết đó ra sao. Mà ai chăng nữa quả thật cũng chẳng giống cái gì kia. Hắn có thể đẹp trai, tài trí, tao nhã, hấp dẫn, chắc chắn giống như những anh chàng mà các cô bạn học cũ của nàng ở nhà tu đã lấy làm chồng. Các bạn ấy bây giờ đang làm gì? Ở thành thị với cảnh phố xá nhộn nhịp, rạp hát huyên náo và các nơi khiêu vũ rực sáng, các bạn ấy sống cuộc đời trong đó trái tim như mở hội, giác quan khoan khoái, còn nàng, nàng sống cuộc đời lạnh lẽo như một căn gác xép mà cửa trổ trên mái nhà hướng về phương Bắc, và nỗi buồn, một nỗi buồn lặng lẽ, cứ âm thầm toả ra khắp các ngõ ngách của lòng nàng. Nàng nhớ lại những ngày phát phần thưởng, nàng trèo lên bục để lĩnh giải nhỏ của mình. Với mái tóc tết bím, tấm áo dài trắng, và đôi giày hở cổ, nàng có một phong thái dễ thương, thành ra, khi nàng trở về chỗ, các ông lớn đã nghiêng mình khen ngợi; sân trường đầy xe ngựa bốn bánh, người ta thò đầu ra cửa xe để từ biệt nàng, thầy dạy nhạc cầm hộp đan đi qua cũng chào nàng. Đã xa lắm rồi tất cả những cái đó! Đã xa lắm rồi!

Nàng gọi con chó Djali, đặt nó giữa hai đầu gối, lấy tay vuốt cái đầu dài nhỏ nhắn của nó và bảo nó:

– Nào, hôn bà chủ mày đi, mày chẳng có nỗi buồn gì.

Rồi, ngắm bộ mặt rầu rĩ của con vật cao thon đang uể oải ngáp dài, nàng cảm động, nàng so sánh con vật với bản thân mình, nàng nói thật to với nó như nói với một kẻ nào đó đang đau khổ mà người ta an ủi.

Thỉnh thoàng có những luồng gió từ biển thổi vào, lan tràn trên khắp cao nguyên xứ Caux, đưa xa tới tận đồng ruộng một khí mát mằn mặn. Những cây cối tận đồng ruộng một khí mát mằn mặn. Những cây cối rạp xuống mặt đất rít lên và những tàu lá dẻ gai xào xạc trong một cơn rung mình mau lẹ, còn các ngọn cây cao luôn luôn nghiêng ngả tiếp tục rì rầm, Emma siết chặt chiếc khăn quàng vào vai rồi đứng dậy.

Trên đại lộ, một ánh sáng xanh xanh, từ lá cây toả xuống, chiếu vào đám rong rêu khẽ lay động dưới bước chân đi. Mặt trời đang lặn; bầu trời đỏ giữa khoảng cách của cành cây, và những thân cây giống nhau, trồng thẳng hàng, tưởng như một dãy cột dài màu nâu sẫm nổi bật trên một nền vàng óng. Nàng thấy rờn tợn, nàng gọi con chó Djali và rảo bước trở về Tostes bằng con đường lớn, nàng ngồi phịch xuống chiếc ghế bành, và suốt buổi tối chẳng nói nửa lời.

Nhưng, vào cuối tháng Chín, một chuyện bất thường xen vào cuộc đời nàng; nàng được mời đến nhà hầu tước Andervilliers tại hạt Vaubyessard.

Làm quốc vụ khanh dưới thời Trùng hưng, hầu tước giờ đây đang tìm cách trở lại đời sống chính trị, ông ta đã chuẩn bị từ lâu việc ứng cử vào hạ nghị viện. Mùa đông, ông ta đã nhiều lần phát chẩn củi bó, và, tại Hội đồng hàng tỉnh, ông ta bao giờ cũng hăng hái yêu sách việc xây dựng đường sá cho hạt ông. Hồi thời tiết oi bức, ông ta bị một cái nhọt ở miệng, được Charles chích kịp thời, nên ông ta đã khỏi bệnh một cách may mắn lạ kỳ. Người quản lý, được phái đến Tostes để trả tiền chữa bệnh buổi tối về, đã kể chuyện anh ta trông thấy trong mảnh vườn con nhà người thầy thuốc những trái anh đào kỳ diệu. Và ở Vaubyessard, anh đào khó mọc. Ông hầu tước bèn xin Bovary vài cành để giâm, ông ta tự thấy mình có nhiệm vụ đích thân đến cám ơn Bovary. Gặp Emma, ông ta thấy nàng có một thân hình xinh đẹp và cách chào hỏi không ra vẻ quê mùa đến nỗi ở lâu đài hầu tước người ta không nghĩ rằng mời cặp vợ chồng trẻ kia đến nhà là một sự quá hạ cố nữa và, mặt khác cũng chẳng phải là một điều khờ dại.

Thế là một ngày thứ tư, vào lúc ba giờ chiều, ông bà Bovary lên chiếc xe ngựa của mình đi đến Vaubyessard với một cái hòm to tướng buộc chằng sau xe và một đựng mũ đặt trước mình. Charles, hơn nữa, còn có một hộp bằng giấy bìa đặt giữa hai bắp chân.

Hai vợ chồng đến nơi vào lúc trời sẩm tối, khi người ta bắt đầu thắp đèn lồng trong vười để lấy ánh sáng cho các xe đi vào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.