Bà Bovary

Chương 7



Hôm sau, nàng thản nhiên khi trạng sư Hareng, mõ tòa, cùng với hai nhân chứng, đến nhà nàng để lập biên bản tịch biên gia sản.

Họ bắt đầu từ phòng làm việc của Bovary và không ghi chiếc sọ não tướng học được coi là đồ nghề; nhưng ở trong bếp, họ đếm từng loạt đĩa, nồi, ghế, đèn, và ở trong buồng ngủ của nàng, họ đếm tất cả các đồ vặt vãnh để trên giá. Họ xem xét những chiếc áo dài, những bộ quần áo lót, gian buồng rửa mặt; và cuộc sống của nàng đến tận những xó xỉnh thầm kín nhất, như một xác chết mà người ta mổ để khám nghiệm, đã được phơi bày trọn vẹn trước mắt ba người đàn ông ấy.

Trạng sư Hareng, mặc một chiếc áo đen mỏng có khuy cài, đeo ca vát trắng, chốc chốc lại nhắc:

– Bà cho phép, thưa bà? Bà cho phép?

Lắm lúc, ông ta thốt lên:

– Xinh quá!… Đẹp quá!

Rồi ông ta lại viết, chấm ngòi bút vào lọ mực bằng sừng mà ông ta cầm bên tay trái.

Khi họ đã làm xong các phòng ở, họ leo lên gác thượng.

Nàng để ở đó một bàn giấy nhỏ trong đựng những bức thư của Rodolphe. Phải mở cái bàn giấy ấy.

– A! Thư từ! – Trạng sư Hareng nói với một nụ cười kín đáo. – Nhưng, bà cho phép! Vì tôi phải xem trong hộp đó có đựng gì khác không.

Và ông ta lật nghiêng các tờ giấy một cách nhẹ nhàng như để cho những đồng tiền giấu ở đó rơi ra. Thế là nàng nổi giận khi thấy cái bàn tay thô kệch kia, với những ngón đỏ và mềm như những con sên, đặt trên những trang thư đã làm trái tim nàng hồi hộp.

Cuối cùng họ ra đi! Félicité trở về. Nàng đã cho chị ta đứng rình để đánh lạc hướng Bovary; và nàng cùng Félicité sốt sắng dọn dẹp ngay tầng gác thượng cho người canh đồ tịch biên, người này hứa sẽ ngồi yên ở đó.

Nàng thấy Charles, buổi tối hôm ấy, có vẻ đăm chiêu. Emma dò xét hắn bằng cái nhìn đầy lo sợ, tưởng như thấy trong những nếp nhăn trên mặt hắn những lời tô cáo. Rồi, khi nàng đưa mắt nhìn lên chiếc lò sưởi được lót bằng những cái giá Trung Quốc che hơi nóng, nhìn lên những bức rèm cửa rộng lớn, nhìn lên những chiếc ghế bành, nhìn lên cuối cùng tất cả những gì đã làm dịu cuộc đời cay đắng của nàng, thì nàng chợt thấy hối hận, hay đúng hơn là một nỗi luyến tiếc mênh mông kích thích dục vọng, chứ không thủ tiêu dục vọng, Charles điềm tĩnh nhóm lửa lại, đặt hai chân lên giá để củi.

Có một lúc người canh đồ tịch biên, chắc hẳn chán nản ở trong cái nơi trú ẩn của mình, khẽ động đậy.

– Có ai đi trên kia? – Charles hỏi.

– Không! – Nàng đáp, đấy là gió lay cái cửa trổ trên mái để ngỏ.

Hôm sau là ngày chủ nhật. Nàng đi Rouen nhằm gặp tất cả những người chủ nhà băng mà nàng biết tên. Họ đều về quê hoặc đi xa. Nàng không nản, và nàng đều hỏi vay tiền những người nàng gặp được, nàng quả quyết là nàng cần đến tiền, nàng sẽ trả. Vài người cười nhạo nàng; tất cả đều từ chối.

Lúc hai giờ, nàng chạy đến Léon, gõ cửa nhà y. Không ai ra mở. Mãi sau y mới xuất hiện.

– Ai dẫn em đến đây?

– Việc đó làm phiền anh à?

– Không…, nhưng…

Và y thú thật rằng chủ nhà không thích người trọ tiếp “đàn bà”.

– Em có điều muốn nói với anh, – nàng nói lại.

Y liền với chiếc chìa khóa. Nàng ngăn y lại.

– Ồ! Không, đến đằng kia, chỗ của chúng ta. Và họ đi đến buồng họ, ở khách sạn Boulogne.

Khi tới nơi, nàng uống một cốc nước to. Mặt mũi nàng rất nhợt nhạt. Nàng bảo y:

– Léon, anh giúp em một việc.

Và, lắc người y bằng hai bàn tay nắm chặt, nàng nói thêm:

– Anh nghe đây, em cần tám ngàn quan!

– Em điên đây à!

– Chưa đâu!

Và nàng lập tức kể lại chuyện tịch biên gia sản, nàng trình bày cho y rõ tình cảnh nguy nan của nàng, Charles không biết gì cả; bà mẹ chồng thì ghét nàng, bố Rouault lại chẳng làm gì được, nhưng y, Léon, y hãy chạy mọi nơi để kiếm ra số tiền cần thiết ấy…

– Em muốn thế nào…?

– Anh hèn nhát làm sao! – Nàng thốt lên.

Thế là y nói năng một cách ngu xuẩn:

– Em tự thêu dệt tai họa. Có lẽ với một ngàn ê quy, thằng cha ấy sẽ dịu đi.

Càng là một lý do để thử chạy chọt; không thể không kiếm ra được ba ngàn quan, vả chăng, Léon có thể ký phiếu nợ thay nàng.

– Đi! Thử xem! Phải thế! Chạy đi!… Ờ! Cố lên! Cố lên! Em sẽ rất yêu anh!

Y ra đi, một tiếng đồng hồ sau, y trở về và nghiêm trang nói:

– Anh đã đến nhà ba người… vô ích!

Rồi hai người ngồi đối diện nhau ở hai bên lò sưởi, bất động và câm lặng. Emma vừa nhún vai vừa dậm chân. Y nghe thấy tiếng nàng thì thầm:

– Nếu em ở địa vị anh thì em, em sẽ kiếm ra được số tiền ấy lắm!

– Ở đâu vậy?

– Ở phòng làm việc của anh!

Và nàng nhìn y.

Một ý nghĩ liều lĩnh và đen tối thoát ra từ cặp mắt nảy lửa của nàng, và hàng mi khép lại một cách dâm dật và khuyến khích đến nỗi chàng trai cảm thấy mình mềm yếu đi dưới cái ý nghĩ thâm trầm của người đàn bà ấy đang thúc đẩy y phạm một tội ác. Lúc bấy giờ y sợ hãi, và để tránh mọi điều diễn giải, y vừa vỗ trán vừa kêu lên:

– Morel chắc sẽ về đêm nay! Cậu ta sẽ không từ chối anh đâu, anh hy vọng (đó là một trong những người bạn thân của y, con một nhà buôn giàu sụ), và (y nói thêm) anh sẽ mang cho em cái ấy ngày mai.

Emma không tỏ vẻ hoan nghênh cái hy vọng ấy một cách vui sướng như y tưởng. Nàng nghi y đã nói dối ư? Y đỏ mặt nói tiếp:

– Tuy nhiên, nếu đến ba giờ em không thấy anh, thì đừng đợi anh nữa, em thân yêu. Anh phải đi đây, tha lỗi cho anh. Tạm biệt!

Y nắm tay nàng, nhưng y thấy nó hoàn toàn không còn sinh khí. Emma không còn một cảm giác nào cả.

Bốn giờ điểm; và nàng đứng dậy để trở về Yonville như một người máy làm theo sự thúc đẩy của thói quen.

Trời đẹp; đó là một trong những ngày tháng Ba trong sáng và oi bức; mặt trời rực rỡ trên một bầu trời hoàn toàn trắng xóa. Nhiều người dân Rouen, ăn mặc đẹp đẽ, dạo chơi với một vẻ sung sướng. Nàng tới quảng trường Parvis. Sau buổi kinh vãn khóa, người trong đi ra; đám đông ùa ra từ ba cửa lớn như một dòng sông lớn chảy qua ba nhịp cầu, và, viên giám sát giáo đường đứng giữa bất động hơn cả một tảng đá.

Lúc bấy giờ, nàng nhớ lại cái ngày mà, rất lo lắng và đầy hy vọng, nàng bước vào cái gian lớn ở giữa nhà thờ trải dài ra trước mặt nàng, không sâu bằng mối tình yêu của nàng; và nàng cứ tiếp tục vừa đi vừa khóc dưới tấm khăn trùm đầu, choáng váng, chệnh choạng, gần ngã.

– Tránh! – Một tiếng thét từ một chiếc cổng lớn đang mở vang lên. Nàng dừng lại để cho một con ngựa đen vượt qua, vừa đi vừa dậm chân trước trong đôi càng xe độc mã do một người phong nhã vận áo lông chồn điều khiển. Ai vậy? Nàng biết người đó… Chiếc xe lao đi và mất hút.

Thì chính là ông ta, vị tử tước! Nàng quay ngoắt đi; đường phố vắng tanh. Và nàng quá đau đớn, quá buồn phiền đến nỗi nàng phải dựa vào một bức tường để khỏi ngã.

Rồi nàng nghĩ nàng đã nhầm, vả chăng, nàng chẳng biết gì về cái đó cả. Tất cả, bên trong lẫn bên ngoài bản thân nàng ruồng bỏ nàng. Nàng tự cảm thấy mình cùng đường lạc lối, lăn đi hú họa trong những vực thẳm khôn tả; và khi đến quán Chữ Thập Đỏ, nàng gần như vui mừng thấy ông Homais tốt bụng đang trông cho người ta xếp lên chiếc xe Con én một cái hộp lớn đầy dược liệu; ông ta cầm ở tay, trong một chiếc khăn quàng cổ, sáu tấm bánh cho bà vợ ông ta.

Bà Homais rất thích những chiếc bánh nhỏ và chắc ấy nặn theo hình khăn quấn đầu mà người ta ăn với bơ mặn trong dịp tuần chay: di tích cuối cùng của thức ăn Gôtich có lẽ có từ thuở Thập tự quân mà xưa kia những người dân Normands lực lưỡng nhét đầy bụng, tưởng chừng nhìn thấy trên bàn, dưới ánh đuốc vàng, những đầu giặc Sarrasins để ăn nghiến ngấu, giữa khoảng những bình rượu quế và những đống thịt đồ sộ. Vợ tay dược sĩ nhai bánh rau ráu một cách hùng dũng như họ, mặc dầu bộ răng bà ta đáng ghét; cho nên, tất cả những lần ông Homais đi lên tỉnh, ông ta không quên mang bánh ấy về cho bà, bánh bao giờ cũng lấy ở nhà làm bánh lớn ở phố Massacre.

– Rất sung sướng được gặp bà! – Ông ta vừa nói vừa đưa tay đỡ Emma lên chiếc xe Con én.

Rồi ông ta treo bánh vào dải chiếc túi lưới, và ngồi, đầu trần, đôi tay khoanh lại, trong một dáng điệu trầm tư kiểu Napoléon.

Nhưng khi người mù, như thường lệ, hiện ra ở chân dốc, ông ta thốt lên:

– Tôi không hiểu sao nhà chức trách lại vẫn dung túng những lối làm ăn có tội này? Người ta lẽ ra phải bắt giữ những kẻ khốn khổ này, buộc họ làm công việc gì mới được! Sự tiến bộ, tôi lấy danh dự mà nói, đi chậm như rùa! Chúng ta đang còn lặn ngụp giữa cảnh man rợ!

Gã mù giơ chiếc mũ ra, mũ rập rờn ở bờ cửa xe như chỗ lùng thùng của tấm giấy phủ tường bị tuột đinh.

– Đây là, – tay dược sĩ nói, – một trạng thái của bệnh tràng nhạc. – Và, tuy rằng ông ta biết kẻ khốn khó ấy, ông ta lại làm như mới trông thấy gã lần đầu tiên, xì xào những tiếng giác mạc, giác mạc mờ đục, bạch mạc, sắc mặt rồi hỏi gã bằng một giọng nhân từ:

– Này anh bạn, anh bị cái tật ghê sợ này từ lâu chưa? Đáng lẽ say sưa ở tiệm rượu, anh nên sống theo một chế độ thì tốt hơn.

Ông ta khuyên gã ta nên uống vang ngon, bia ngon, nên ăn thịt quay ngon. Gã mù vẫn hát; vả chăng, gã ta có vẻ hầu như ngốc nghếch. Cuối cùng, ông Homais mở ví ra.

– Này, đây là một xu, anh trả lại tôi hai đồng xèng; và đừng quên những lời tôi dặn, anh sẽ thấy dễ chịu.

Hivert dám cả tiếng tỏ ra phần nào hoài nghi về hiệu lực của những lời dặn ấy. Nhưng tay dược sĩ, cam đoan rằng ông sẽ chữa được gã kia khỏi bằng thứ thuốc mỡ do ông ta chế ra, và ông ta cho gã ta biết địa chỉ của ông ta:

– Ông Homais, gần khu chợ, được khá nhiều người biết.

– Này! – Hivert nói – Thay tiền công ấy, cậu làm trò cho chúng tôi xem đi.

Gã mù khuỵu chân xuống, và vừa nghiêng ngả cái đầu vừa đảo tròn đôi mắt xanh nhạt và thè lưỡi, gã ta lấy hai tay xoa bụng, thốt ra một tiếng sủa ồm ồm như một con chó đói. Emma kinh tởm, ném qua vai gã một đồng năm quan. Đó là tất cả tài sản của nàng. Nàng tưởng ném tiền đi như thế là cao thượng.

Chiếc xe đã đi. Ông Homais bỗng nhiên ngả người ra ngoài khung cửa thét lên:

– Đừng dùng chất bột và chất sữa! Mặc áo len và hơ chỗ đau vào khói hạt đỗ tùng!

Cảnh tượng những vật quen thuộc dần dần diễn qua mắt Emma làm nàng quên đi nỗi đau khổ hiện tại. Một cái mệt mỏi không chịu được đè nặng người nàng, và nàng trở nên ngây dại…, chán nản, hầu như không có sinh lực, lúc về đến nhà.

“Đến đâu hay đến đó!” Nàng tự nhủ.

Mà rồi, ai biết được? Từ lúc này qua lúc khác, sao lại chẳng có thể xảy ra một sự kiện gì phi thường? Thậm chí có thể chết.

Vào hồi chín giờ sáng, nàng bị đánh thức dậy bởi tiếng nói ồn ào tại quảng trường. Người ta tụ tập xung quanh khu chợ để đọc một tờ áp phích lớn dán vào một cái cột, và nàng thấy Justin leo lên một cái trụ xé tờ áp phích. Nhưng vừa lúc ấy, tay tuần phiên tóm lấy cổ tay gã ta. Ông Homais ra khỏi cửa hàng, và mụ Lefrançois, giữa dám đông, có vẻ đang bàn tán.

– Thưa bà! Thưa bà! – Félicité vừa kêu lên vừa bước vào nhà – Thực là một điều ghê gớm!

Và cô gái đáng thương, xúc động, giơ ra cho nàng một tờ giấy vàng mà cô ta vừa bóc ở cửa ra. Emma đọc rất nhanh, thấy tất cả đồ đạc của nàng bị đem ra phát mại.

Thế là hai người nhìn nhau im lặng. Họ, cô ở và bà chủ, chẳng có điều gì giấu giếm nhau. Cuối cùng, Félicité thở dài:

– Nếu con là bà, thưa bà, con sẽ đến nhà ông Guillaumin.

– Em tin thế à?

Và câu hỏi ấy có nghĩa:

– Em biết nhà ấy qua người hầu, thế thì chủ nhà ấy, đôi khi có nói đến ta không?

– Vâng bà đi đi, được việc đấy.

Nàng mặc quần áo vào, vận chiếc áo dài đen và đội chiếc mũ có hạt huyền; và để cho người ta khỏi trông thấy nàng (vẫn còn rất đông người trên quảng trường), nàng đi ra phía ngoài làng qua con đường nhỏ bên bờ nước.

Nàng thở hồng hộc đến trước hàng rào sắt nhà viên quản lý văn khế; bầu trời tối đen và tuyết rơi lất phất.

Nghe tiếng chuông Théodore, mặc gilê đỏ xuất hiện trên thềm; gã ta ra mở cửa cho nàng hầu như thân mật, tựa hồ mở cho một người quen, và đưa nàng vào phòng ăn

Một chiếc lò sưởi rộng bằng sứ đang kêu vo vo dưới một cây xương rồng choán đầy cái hõm tường, và trong những chiếc khung gỗ đen, trên nền giấy gỗ sồi phủ tường, có tranh Esméralda của Steuben, với tranh Putiphar của Schopin. Bàn ăn đã dọn sẵn, hai chiếc đèn cồn bằng bạc, quả nắm cửa bằng pha lê, sàn nhà và đồ đạc tất cả đều bóng loáng, rất sạch, kiểu Anh; cửa kính được trang hoàng, ở mỗi góc, bằng thủy tinh màu.

“Đây là một phòng ăn mà ta cần phải có một như thế”, Emma thầm nghĩ.

Viên quản lý văn khế bước vào, một tay giữ khít vào người chiếc áo dài mặc trong nhà có thêu cành lá, một tay nhấc ra rồi lại đặt vội lên đầu cái mũ vải bằng nhung màu hạt dẻ để lệch một cách hợm đời về bên phải, ở đó ba chòm tóc cuộn màu hung bắt nguồn từ phía sau, vòng quanh cái sọ hói của ông ta, xõa ngọn xuống.

Sau khi đã mời khách ngồi, ông ta vừa ăn vừa khẩn khoản xin lỗi khách vì thất lễ.

– Thưa ông, – nàng nói, – tôi xin ông…

– Gì thế, thưa bà? – Tôi nghe.

Nàng liền trình bày với ông ta cảnh ngộ của nàng.

Trạng sư Guillaumin đã biết nàng vì ông đã kết giao bí mật với tay lái buôn vải mà ông ta hằng lấy từ nơi y vốn cho vay nợ để có đồ thế như thiên hạ vẫn yêu cầu ông ta cho ký kết.

Vậy, ông ta đã biết (và biết rõ hơn cả nàng) câu chuyện dài dòng về những tấm phiếu nợ ấy, thoạt tiên nhỏ nhặt thôi, lấy những tên linh tinh làm người chịu trách nhiệm, cách nhau qua những kỳ hạn dài và đổi mới liên tục cho đến cái ngày mà thu thập tất cả các cự tuyệt chứng thư, tay lái buôn vải đã nhờ bạn là Vinçart đứng tên riêng để làm những cuộc truy tố cần thiết vì y không muốn mang tiếng tàn ác với những người đồng hương.

Nàng xen vào chuyện kể những lời phản kháng Lheureux, những lời mà viên quản lý văn khế chốc chốc đáp lại bằng một ngôn ngữ vô nghĩa. Ăn món sườn và uống nước chè, ông ta hạ cằm vào chiếc ca vát màu thiên thanh gài hai chiếc ghim kim cương nối liền nhau bằng một sợi dây chuyền vàng, và ông ta cười nụ bằng một nụ cười lạ lùng, một cách hời hợt và khả nghi. Nhưng, thấy chân nàng ẩm ướt, ông ta nói:

– Mời bà ngồi gần bên lò sưởi… cao hơn nữa…, vào thành sứ ấy.

Nàng sợ làm bẩn sứ. Viên quản lý văn khế lại nói bằng một giọng trai lơ:

– Những vật đẹp không làm bẩn gì cả.

Thế là nàng cố làm ông ta xúc động, và bản thân nàng cũng xúc động, nàng đi đến chỗ kể cho ông ta nghe cả cảnh eo hẹp trong gia đình, những mối bất hòa và những nhu cầu của nàng. Ông ta hiểu cái đó: một người đàn bà xinh đẹp mà! Và không ngừng ăn, ông ta quay hẳn về phía nàng, gần đến nỗi đầu gối ông ta sát vào đôi giày cao cổ của nàng mà để dựa vào lò sưởi đang vừa bốc hơi vừa cong lại.

Nhưng, khi nàng hỏi ông ta nghìn đồng tiền vàng, ông ta bậm môi lại, rồi tuyên bố rất lấy làm khổ tâm là trước đây đã không được quản lý gia sản của nàng, vì có trăm cách rất thuận tiện, ngay cả đối với một người đàn bà, để làm cho tiền của mình sinh lợi. Người ta có thể, như trong những mỏ than bùn ở de Grumesnil hoặc ở vùng đất đai miền Havre, liều làm một cách hầu như chắc chắn, những cuộc đầu cơ rất lợi; và ông ta để cho nàng tự giày vò mình khi nghĩ đến những món tiền kếch sù mà lẽ ra nàng nhất định kiếm được. Ông ta lại nói:

– Vì lẽ gì mà bà chẳng đến nhà tôi?

– Tôi cũng chẳng biết nữa, – nàng đáp.

– Tại sao, hử? Vậy ra tôi làm bà sợ lắm à? Chính tôi trái lại, mới phải than phiền. Chúng ta có được quen biết nhau mấy đâu! Tuy nhiên tôi rất tận tụy với bà; tôi mong rằng bà không nghi ngờ gì nữa.

Ông ta giơ tay ra nắm lấy tay nàng, hăm hăm hở hở hôn nó, rồi giữ nó trên đầu gối mình; và ông ta vừa nhẹ nhàng đùa giỡn với những ngón tay nàng, vừa kể cho nàng nghe nghìn điều êm dịu.

Giọng nói nhạt nhẽo của ông ta rủ rỉ như một dòng suối đang chảy; một tia sáng vọt từ hai con ngươi ông ta ra qua cặp kính lóng lánh và hai bàn tay ông ta tiến vào ống tay áo Emma để xoa nắn cánh tay nàng. Nàng cảm thấy một hơi thở hổn hển phả vào má nàng. Cái gã đàn ông này làm nàng khó chịu một cách kinh khủng.

Nàng đứng phắt dậy và nói với ông ta:

– Thưa ông, tôi đang đợi!

– Đợi gì cơ? – Viên quản lý văn khế đột nhiên tái mặt nói.

– Đợi số tiền ấy.

– Nhưng…

Rồi, ngả theo cái thèm muổn đột khởi quá mạnh, ông ta nói;

– Ồ, vâng!…

Ông ta lết đầu gối đến bên nàng, không đếm xỉa tới chiếc áo choàng mặc trong phòng của mình.

– Tôi van bà hãy ở lại! Tôi yêu bà!

Ông ôm ngang thắt lưng nàng, mặt bà Bovary nhanh chóng bừng đỏ. Nàng vừa lùi lại với một dáng điệu dữ dội vừa thét lên:

– Thưa ông: Ông đã lợi dụng một cách vô liêm sỉ cảnh ngộ khốn đốn của tôi! Tôi đáng ái ngại nhưng chẳng bán mình!

Và nàng đi ra.

Viên quản lý văn khế rất đỗi kinh ngạc, mắt đăm đăm nhìn vào đôi giày vải thêu đẹp của mình. Đó là một tặng phẩm của người yêu. Nó cuối cùng đã an ủi ông ta. Vả lại, ông ta nghĩ rằng một hành động liều lĩnh như thế sẽ lôi kéo ông ta đi quá xa.

“Đồ khốn nạn! Đồ đểu giả! Thật là đê tiện!” Nàng thầm nói khi nàng rảo bước trốn đi dưới hàng cây hoàn diệp liễu bên đường. Mối thất vọng vì việc làm không kết quả càng làm tăng cơn tức giận về cái tiết tháo của nàng bị xúc phạm; nàng tưởng như ông Trời ráo riết hành hạ nàng, và do đó nàng nâng cao lòng kiêu hãnh của nàng đến thế mà cũng coi khinh người khác đến thế. Có một cái gì hiếu chiến lôi cuốn nàng. Nàng những muốn nện bọn đàn ông, nhổ vào mặt chúng, nghiền nát hết chúng; và nàng tiếp tục đi nhanh về phía trước, tái nhợt, run rẩy, điên dại, nàng đưa đôi mắt đẫm lệ lùng sục chân trời trống rỗng, và nàng dường như khoái chí với mối căm hờn đang làm nàng nghẹt thở.

Khi nàng trông thấy ngôi nhà của mình, nàng bỗng tê tái. Nàng không thể tiến lên được nữa nhưng nàng vẫn phải tiến; vả lại, trốn đi đâu?

Félicité đợi nàng ở cửa.

– Được chứ ạ?

– Không ăn thua! – Emma nói.

Và trong mười lăm phút, cả hai đều xét đến từng con người khác nhau ở Yonville có thể sẵn sàng cứu giúp nàng. Nhưng, mỗi lần Félicité gọi tên ai, Emma lại đáp:

– Có thể thế được ư! Họ chẳng muốn đâu!

– Mà ông nhà lại sắp về!

– Ta biết rõ điều đó… Thôi để ta ngồi một mình.

Nàng đã thử mọi cách. Nhưng bây giờ, chẳng còn làm gì được nữa; và khi nào Charles về, nàng sẽ bảo hắn:

“Anh rút lui đi. Chiếc thảm mà anh vừa bước lên đó không phải của chúng ta nữa. Ở nhà anh, anh không còn có lấy một đồ đạc, một chiếc ghim, một cọng rơm, và chính em đã làm anh khuynh gia bại sản, con người đáng thương ạ!”

Thế là hắn sẽ òa lên khóc, nức nở to, và hắn sẽ khóc nhiều, rồi cuối cùng, khi cơn kinh ngạc đã qua đi, hắn sẽ tha thứ. Nàng vừa nghiến răng vừa lẩm bẩm:

“Phải, hắn sẽ tha thứ cho ta, hắn dù có bạc triệu biếu ta, cũng chưa đủ để ta tha thứ cho cái việc hắn đã quen biết ta… Không khi nào! Không khi nào!”

Cái ý nghĩ Bovary ở cái thế hơn nàng khiến nàng tức bực. Rồi, dù nàng thú thực hay không thú thực, chốc nữa, lát nữa, mai đây, hắn cũng sẽ biết cái tai họa; vậy là phải chờ đợi cái cảnh khủng khiếp ấy và phải chịu ép mình dưới tấm lòng đại lượng của hắn. Nàng muốn trở lại nhà Lheureux: ích gì? Viết thư cho bố: muộn quá rồi! Và có lẽ bây giờ nàng hối rằng đã không nhượng bộ người kia thì vừa lúc đó nàng nghe thấy tiếng chân ngựa ngoài lối đi. Chính là hắn, hắn mở cửa hàng rào, hắn trắng nhợt hơn cả bức tượng bằng thạch cao. Nhảy xổ ra cầu thang, nàng thoát vội qua lối quảng trường; và vợ tay thị trưởng đang trò chuyện trước mặt nhà thờ với Lestiboudois trông thấy nàng vào nhà tay thu thuế.

Bà ta chạy đi nói sự việc đó với bà Caron. Hai bà này leo lên gác thượng và, nấp sau quần áo phơi trên các sào, đứng ở một chỗ thuận tiện để nhìn được khắp trong phòng nhà Binet.

Ông ta, một mình trong gác xép, đang lấy gỗ làm giả một thứ đồ ngà khó tả, gồm có hình lưỡi liềm, hình cầu, lồng cái nọ vào cái kia tất cả thẳng như một kỳ đài nhọn kiểu Ai Cập mà chẳng dùng để làm gì cả; và ông ta đang bắt đầu làm bộ phận cuối cùng, ông ta sắp đạt mục đích!

Trong cái xưởng tranh tối tranh sáng, làn bụi nâu bay lên từ chiếc dụng cụ của ông ta như một chùm tia lửa dưới móng sắt của một con ngựa đang phi: hai chiếc bánh xe quay kêu vo ve; Binet mỉm cười, cái cằm hạ xuống, lỗ mũi mở ra, và cuối cùng hình như say sưa trong một niềm vui sướng trọn vẹn chắc hẳn chỉ thuộc về những công việc tầm thường làm vui trí tuệ bằng những cái khó khăn dễ dàng và thỏa mãn nó bằng một thành tựu mà ngoài nó ra không có gì để ước mơ.

– À! Chị ta kia kìa! – Bà Tuvache nói.

Nhưng, vì cái máy tiện, hai bà không thể nghe dược nàng nói gì.

Rốt cuộc họ tưởng như nghe thấy tiếng quan, và bà Tuvache thì thào:

– Chị ta van xin ông ấy được nộp thuế chậm.

– Dáng chừng thế! – Bà kia đáp.

Họ trông nàng hết đi dọc lại đi ngang, xem xét những vòng treo khăn mặt, những cây đèn nến, những núm tay vịn cầu thang ở gần các bức tường, còn Binet thì vuốt râu cằm đắc chí.

– Chị ta đến đặt làm cái gì chăng? – Bà Tuvache nói

– Nhưng ông ta có bán gì đâu! – Bà hàng xóm biện bác.

Tay thu thuế có vẻ lắng nghe, mắt thao láo, như thể ông ta không hiểu. Nàng tiếp tục nói bằng một vẻ dịu dàng, van nài. Nàng tiến lại gần; ngực nàng phập phồng, hai người không nói nửa.

– Có phải chị ta gạ gẫm ông ta không? – Bà Tuvache nói.

Binet đỏ mặt tía tai. Nàng cầm tay ông ta.

– A! Quá lắm!

Và chắc hẳn nàng đề xuất với ông ta một điều gì khả ố; vì tay thu thuế – tuy nhiên, ông ta là người can đảm, đã từng chiến đấu ở Bautzen và ở Lutzen, tham dự chiến tranh Pháp quốc, và thậm chí đã được đề nghị tặng thưởng huân chương – bất thần, như trông thấy một con rắn, vừa lùi rất xa vừa thét lên:

-Thưa bà! Bà nghĩ đến điều đó ư?…

– Người ta phải lấy roi quật hạng đàn bà ấy! – Bà Tuvache nói.

– Chị ta đâu rồi? – Bà Caron hỏi.

Vì nàng đã biến mất khi các bà nói vậy; rồi thấy nàng đi dọc Phố Lớn, và rẽ sang tay phải như để đến nghĩa địa, các bà miên man phỏng đoán.

Khi đi tới nhà người vú, nàng nói:

– Bà mẹ Rolet, tôi chết ngạt mất! Cởi cho tôi đôi dây giày.

Nàng ngã xuống giường; nàng khóc nức nở. Mụ Rolet lấy một cái váy ngắn đắp cho nàng và đứng ngay bên cạnh nàng. Rồi, vì nàng không trả lời, mụ đi ra lấy chiếc guồng quay và bắt đầu kéo sợi lanh.

– Ồ! Có im đi không! – Nàng lẩm bẩm, tưởng như nghe thấy tiếng máy tiện của Binet.

“Ai làm bà ta bực mình?” Người vú em thầm hỏi. “Tại sao bà ta lại đến đây?”

Nàng đã chạy lại đấy vì bị thúc đẩy bởi một mối kinh hãi xua đuổi nàng ra khỏi nhà nàng.

Nàng ngắm những bức tường tróc ra từng mảng, hai thanh củi cháy dở chụm vào nhau bốc khói, và một con nhện chân dài đang đi ở phía trên đầu nàng trong cái khe chiếc xà nhỏ. Cuối cùng, nàng tập hợp các ý nghĩ của nàng. Nàng nhớ lại… Một ngày, cùng với Léon… Ôi! Xa quá rồi… Mặt trời lấp lánh trên con sông và những bông hoa bút thảo tỏa hương… Thế là bị lôi cuốn trong những hồi ức, như trong một dòng thác đang sôi sục, nàng chẳng bao lâu nhớ lại được ngày hôm qua.

– Mấy giờ rồi? – Nàng hỏi.

Mụ Rolet đi ra, giơ các ngón tay của bàn tay phải về phía bầu trời sáng hơn cả rồi thong thả bước vào nói:

– Ba giờ đến nơi rồi.

– À! cảm ơn! cảm ơn!

Vì y sắp đến. Chắc chắn như thế! Có lẽ y đã kiếm được tiền. Nhưng có lẽ y đến đằng ấy, không ngờ nàng lại ở đây; và nàng sai người vú em chạy đến nhà nàng để đưa y về đây.

– Quàng lên!

– Thưa bà quý mến, tôi đi đây! Tôi đi đây!

Lúc này, nàng ngạc nhiên là đã không nghĩ đến y trước hết; hôm qua, y đã hứa, y sẽ không sai lời; và nàng đã thấy mình ở nhà Lheureux rồi, bày lên bàn giấy của tay ấy ba tờ giấy bạc. Rồi phải bịa ra một chuyện để giải thích mọi sự cho Bovary. Chuyện gì nào?

Tuy nhiên, người vú em đi lâu quá mà không trở về. Nhưng, vì không có đồng hồ trong căn nhà tranh, Emma sợ mình có lẽ đã phóng đại độ dài của thời gian. Nàng liền bước một đi dạo quanh vườn, nàng đi vào con đường nhỏ, dọc theo hàng rào, rồi đùng đùng quay trở lại, hy vọng mụ vú đã về bằng con đường khác. Cuối cùng, mỏi mệt vì chờ đợi, lòng đầy ngờ vực đã bị khước từ, nàng không còn biết mình ở đây đã từ một thế kỷ hay mới trong một phút, nàng ngồi vào một xó nhà và nhắm mắt lại, bịt chặt hai tai. Bức rào cọt kẹt: nàng nhảy xổ ra; nàng chưa kịp nói, thì mụ Rolet đã bảo:

– Không có ai ở nhà bà cả!

– Thế nào?

– Ô! Không có ai; mà ông nhà thì đang khóc. Ông gọi bà. Người ta đi tìm bà.

Emma không đáp gì. Nàng vừa thở hổn hển vừa đảo mắt nhìn quanh, còn người đàn bà quê mùa, kinh sợ về bộ mặt nàng đã lùi lại theo bản năng, vì tưởng nàng điên. Đột nhiên, nàng vỗ tay lên trán, thét lên một tiếng, vì cái ký ức về Rodolphe như một tia chớp lớn trong đêm tối mò đã đi qua tâm hồn nàng. Y tốt thế, ý nhị thế, hào hiệp thế! Và vả lại, nếu y do dự không giúp nàng việc ấy, nàng sẽ biết buộc y bằng cách gợi lại trong chớp mắt mối tình của hai người đã tan vỡ. Nàng liền đi đến la Huchette, không thấy mình sẽ dấn thân vào điều vừa mới đây đã làm mình hết sức phẫn nộ, và cũng chẳng chút nào ngờ vực đến việc bán mình đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.