Bà Đại Sứ

15. “Em sẽ vào trường Harvard”



Mùa thu tới, Helen hân hoan cùng cô Ann trở lại trường học. Em chẳng thể ngờ một nỗi thất vọng trầm trọng đang chờ em ở Boston.

Chuyện bắt đầu từ mùa hè năm ấy. Helen quyết định sẽ phấn đấu trở thành một nhà văn lớn; và cô bé đã sáng tác một truyện ngắn, đặt tên là “Lá mùa thu”. Ngay khi truyện ngắn vừa hoàn thành, Helen đã đọc cho cô Ann Sullivan. Cô bé rất phấn chấn, rất tự hào và càng bối rối hơn mỗi lần cô Ann dịu dàng nhắc em dừng lại để sửa một lỗi phát âm cho em.

Đến bữa tối, cả gia đình đều được đọc “Lá mùa thu” và ai cũng nhất trí cho rằng đây quả là một tác phẩm hàng đầu. Một người bạn đang có mặt ở đó, không giấu nổi ngạc nhiên đã buột miệng hỏi phải chăng Helen đã đọc câu chuyện này trong quyển sách nào.

– Sao lại nghĩ thế? – vừa được cô Ann dịch lại, Helen đã trả lời ngay bằng giọng ngọng nghịu – Đây là truyện ngắn em viết tặng giáo sư Anagnos mà!

Helen chép lại cẩn thận truyện để gửi cho bác sỹ Anagnos nhân dịp sinh nhật ông. Theo góp ý của bà Keller cái tên “Lá mùa thu” được thay bằng “Ông vua Sương giá”. Helen trịnh trọng nhờ cô Ann đi cùng em ra bưu điện để tự tay em gửi bưu phẩm tuyệt vời ấy.

Ông Anagnos rất sung sướng về món quà và lại thêm một lần thán phục tài năng của Helen. Ông gửi cho em một bức thư cám ơn với những lời ngợi khen xúc động. Và ông đã đăng “Ông vua Sương giá” trên chuyên san của Viện Perkins.

Không lâu sau, ngày khai giảng đã tới. Như mọi năm, cô Ann và Helen trở lại Boston. Đó là lúc thảm kịch bùng nổ.

Một bạn đọc chuyên san của Viện Perkins đã nhận thấy rõ ràng “Ông vua Sương giá” gây cho anh ta cảm giác như đã đọc ở đâu đó. Anh ta cố tìm kiếm, rồi tìm ra, một truyên ngắn do Margaret Canby viết, xuất bản rất lâu trước khi Helen ra đời, trong cuốn “Birdie và các bạn”. Câu chuyện có tên “Những cô tiên Sương giá”. Hai truyện đó giống nhau đến độ không thể coi đó như một sự tình cờ.

Giải thích làm sao đây? Chắc hẳn ai đó đã kể cho Helen truyện của Margaret Canby. Nhưng ai?

Cô Ann Sullivan? Và cô cứ để đứa trẻ làm một kẻ đạo văn?

Cô Ann Sullivan rất băn khoăn lo lắng. Cô nhớ tuyệt đối chưa từng kể cho Helen “Những cô tiên Sương giá”. Thậm chí chính cô cũng chưa hề biết có câu chuyện này. Điều khiến cô bối rối hơn cả là nỗi đau buồn của Helen. Khi cô giải thích cho cô bé rằng em không phải là tác giả thật sự của truyện ngắn đáng yêu ấy – tác phẩm mà em rất đỗi tự hào, và rằng thậm chí người ta đang ngờ em “copy” nó, một việc làm rất đáng xấu hổ; Helen đã òa khóc.

Dù không muốn, cô Ann vẫn buộc phải báo trước cho Helen điều đó. Cả Viện Perkins đang sôi lên sùng sục. Giáo sư Anagnos cũng muốn mọi sự phải rõ ràng, không có sự nghi ngại lẫn nhau.

Chính ông đã hỏi chuyện Helen, với cách giao tiếp bằng tay, dĩ nhiên rồi. Ông đã mau chóng tin chắc rằng Helen rất trung thực, trong sáng và nhiệt tâm khi muốn dành món quà tặng đó cho ông nhân dịp sinh nhật.

Vậy giải thích như thế nào về sự giống nhau đáng ngờ của hai truyện ngắn ấy?

Bác sỹ Bell cũng là một người rất yêu quý Helen, ông lo ngại chuyện này sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm tư cô bé. Ông đã đích thân trợ giúp cô Ann Sullivan tiến hành một cuộc điều tra thật sự. Sau thời gian tìm kiếm khá lâu và bền bỉ, Ann đã khám phá ra, một trong những người bạn của gia đình Keller, bà Hopkins, có cuốn sách do Margaret Canby viết.

Cách đây hơn ba năm, bà Hopkins đã đón Helen đến chơi trong kỳ nghỉ hè. Cô Ann phải đi Boston trước một vài ngày, chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của Helen đến Viện Perkins. Chỉ có một mình bà với Helen, bà Hopkins đã kể rất nhiều chuyện để cô bé khỏi buồn khi vắng cô Ann. Bà học được việc sử dụng bảng chữ cái tay một cách hoàn hảo.

Bà chắc mình đã đọc truyện của Canby cho Helen, nhưng giờ, đó chỉ là những ký ức mơ hồ. Ba năm trôi qua rồi còn gì!

Cô bé Helen tội nghiệp mới bắt đầu giao tiếp với mọi người chưa lâu, em kinh ngạc trước những gì khám phá được, tất cả đều thú vị mới mẻ. Em đã lưu lại rất sâu trong trí câu chuyện tuyệt diệu về “Những cô tiên Sương giá”; rồi em đã quên nó đi, hay ít ra em tưởng như đã quên, và rất tự nhiên, không một giây nghĩ rằng mình đang “bắt chước” tác phẩm của người khác, em đã xây dựng “Lá mùa thu” với tất cả niềm say mê, chăm chút.

Khi biết Helen được nghe kể “Những cô tiên Sương giá” từ 3 năm trước, giáo sư Anagnos nói rằng chẳng nên buồn giân Helen chút nào nữa. Ba năm qua, Helen đã học quá nhiều thứ, đã có biết bao nỗ lực. Ba năm lao động miệt mài ấy phải bằng hai, thậm chí bằng ba lần bình thường. Nếu sự “bắt chước”đó là có thì em cũng hoàn toàn không chủ tâm.

Helen vui quá, phấn khởi quá bởi cuối cùng sau một thời gian lâu đến vậy, cái cảm giác nặng nề khủng khiếp đã chấm dứt. Cô Ann cũng không khó khăn lắm để xua tan mọi suy tư của Helen. Trong những ngày ở Boston, cô đưa Helen đến trường Wellesley thăm mấy người bạn, đó mà một trường đại học nổi tiếng dành riêng cho nữ sinh, đóng ở ngoại vi thành phố.

Helen có vẻ ngạc nhiên khi biết trường Wellesley chỉ tiếp nhận các cô gái. Hai cô trò cùng nhau đi dạo quanh sân cỏ rộng, Cô Ann Sullivan tả cho Helen những tòa nhà khác nhau trong trường, những khu ký túc xá cho sinh viên và giảng viên, những giảng đường lớn dành cho các giờ lên lớp và những nữ sinh đang ôm cặp sách, từng nhóm, từng nhóm khoác tay nhau bước lên bậc cấp.

Buổi tối, trong bữa ăn, Helen làm mọi người bất ngờ khi thông báo:

– Một ngày nào đó, em sẽ vào học trường đại học, nhưng em sẽ vào trường Harvard cơ!

Tất cả những ai sinh sống ở Boston đều biết về Đại học Harvard của thành phố Cambrige kề bên. Người dân Boston cũng tự hào về Harvard như trường của chính họ vậy.

Nột người hỏi Helen sao không muốn vào trường Wellesley. Cô Ann chuyển câu hỏi cho Helen, cô bé trả lời:

– Vì ở đó chỉ toàn con gái!

Cả bàn ăn cười ồ và chẳng ai coi lời tuyên bố của cô bé là nghiêm túc. Dù sao đi nữa cũng chẳng thể nghĩ đến việc gửi Helen vào một trường dại học, một trường bất kỳ nào, cùng với những khuyết tật như vậy.

Trong chuyến tàu đưa Helen và cô Ann về thành phố, cô Ann cầm tay em dịu dàng hỏi:

– Từ đâu mà em có ý nghĩ sẽ vào trường Harvard? Trường đó dành cho các cậu con trai và chỉ nhận các cậu con trai thôi. Có một trường nữa, liên kết với đại học Harvard, trường Radcliffe. Những nữ sinh đến đấy học cũng theo một chương trình giống hệt ở Harvard và có cùng những thầy cô giáo như các cậu con trai bên Harvard.

– Vậy, em sẽ học ở đó – Helen hồ hởi nói.

Cô Ann Sullivan vỗ nhẹ lên vai em. Cử chỉ thân mật đó ý bảo: “Em làm cô vui đấy, nhưng đừng cường điệu quá!” Cô thay đổi chủ đề trò chuyện, và trong lòng thầm nghĩ: “Cô bé mới 11 tuổi.

Khi đến tuổi vào đại học, em sẽ quên ngay tất cả. Nhưng điều mình phải làm ngay bây giờ là tìm cho cô bé một trường để em có thể học lên cao hơn.”

Không dễ, thậm chí là rất khó khi muốn tìm được một trường phù hợp với Helen. Cô Ann Sullivan đã phải mất gần 3 năm trời mày mò, thăm hỏi. Cuối cùng, cô đã quyết định: trường Wright – Humanson, một trường đặc biệt dành cho trẻ em câm điếc ở New York.

– Học sinh ở trường đó câm điếc nhưng vẫn sáng mắt – cô Ann nói với bà Keller – tuy vậy, tôi tin rằng Helen sẽ có khả năng theo học được. Những giáo viên ở đây sẽ giúp em nâng cao trình độ ngữ âm và người ta đã chấp nhận tôi tham dự giờ học cùng cô bé, để tôi có thể chuyển tải lại bài giảng qua bàn tay.

Năm Helen vào học trường Wright – Humanson, New York, cô bé 14 tuổi.

Đúng như cô Ann đã nói, Helen rất thành công trong quá trình học. Cô Reamy, giáo viên tiếng Đức, đặc biệt quan tâm đến Helen, cô lại biết dùng bảng chữ tay nên đã giúp em đạt được những tiến bộ nhanh chóng. Sau gần một năm, Helen đã có thể đọc khá thành thạo các tác phẩm tiếng Đức. Giáo viên tiếng Pháp, cô Olivier không biết giao tiếp bằng tay, Helen phải đọc trên mội cô giáo, vì vậy việc học khó khăn hơn nhiều. Song, cũng đến một ngày Helen hào hứng khoe với cô Ann rằng đọc một phần nguyên bản hài kịch của Molier thật là hay.

Riêng về ngữ âm, Helen tiến bộ rất ít. Mặc dù các giáo viên trường Wright – Humanson được đào tạo đặc biệt để dạy nói và hiểu lời nói qua nhìn miệng, nhưng Helen chỉ nhìn thấy bằng tay vì vậy em học nói khó khăn hơn các bạn học sinh khác. Các bạn đó tuy không nghe thấy song lại quan sát được rõ nét mặt và cử động môi của thầy cô.

Với môn toán, dù đã có phần chăm chỉ hơn, nhưng Helen vẫn không ham thích lắm. Em chỉ thường ước đoán các giải pháp cho các bài toán chứ không chú tâm trình bày cách làm cặn kẽ, thuyết phục. Ngược lại, Helen rất say mê môn địa lý, khoa học tự nhiên: lịch sử hình thành những dòng sông, những dãy núi, các lớp vỏ trái đất, những luồng gió, những loại đám mây khác nhau… Tất cả điều đó đều “cất tiếng nói”. Các buổi chơi cùng cô Ann trong sân ga cũ ở Tuscumbia vẫn còn lưu giữ trong Helen nhiều kỷ niệm. Một chuyện ai cũng thấy rõ là cô bé không nhìn, không nghe được nhưng vẫn rất yêu thiên nhiên và đặc biệt nhạy cảm với thời tiết quanh mình. Em cảm thấy trước những cơn giông và có thể nhận ra những rung động ở hầu hết các sự vật dường như bất động.

Hai năm ở New York, cô Ann dẫn Helen đi thăm thú nhiều nơi; và ngày nào họ cũng tới Công viên Trung tâm, một công viên nổi tiếng với người New York. Helen rất thích nơi này, bởi em thấy ở đây tất cả những gì em yêu: hương thơm của các loài hoa, sự mềm mại của những chồi non, cái mát rượi của những cánh hồng. Vào mùa xuân, hai cô trò tham gia những chuyến du ngoạn xa hơn, với đông bạn bè hơn và cả những chuyến du thuyền…

Gần hết 2 năm, cô Ann quyết định nói chuyện thẳng thắn với Helen về vấn đề trường đại học. Không như cô Ann từng nghĩ, Helen không hề quên, mà hễ có vấn đề gì hơi liên qua là em lại nhắc câu: “Em sẽ vào Harvard”.

Ann Sullivan suy nghĩ rất lâu về chuyện ấy. Cô vẫn luôn cho rằng phải xử sự với Helen như với bất kì một đứa trẻ bình thường nào khác. Cô ghét là một kẻ gây u ám, rầu rĩ; cô không muốn bất cứ điều gì trên thế giới này làm nhụt chí Helen, cô bé mà Ann thật sự khâm phục và luôn cổ vũ cho lòng yêu cuộc sống và ham hiểu biết của cô bé. Nhưng, nhất định phải làm cho Helen hiểu rằng chuyện một cô gái mù, câm, điếc vào trường đại học là gần như không thể.

Cô chậm rãi viết vào tay Helen:

– Trước tiên, em cần xác định rõ với mình sẽ không có một ưu đãi riêng nào dành cho em ở trường đại học. Em cần phải học theo những chương trình như tất cả các sinh viên khác, dù em không giống họ, em bị mù, câm điếc. Chính vì vậy, em sẽ học nặng hơn các bạn rất nhiều, có thể là gấp hai, gấp ba hoặc hơn thế nữa…

Helen rút tay lại với động tác sốt ruột.

– Em có thể làm việc gấp hai, gấp ba – em nói – em không thiếu niềm tin, thiếu nỗ lực đâu! Cô Ann lại nhẹ nhàng cầm tay Helen:

– Cô biết, em ngoan. Nhưng em cần biết hết những khó khăn đang chờ mình, đó là những khó khăn em chưa từng gặp. Tất cả mọi sinh viên trong trường đều có thể nghe và nhìn thấy bình thường. Cô biết các bạn đang học cùng em không bị mù, nhưng các bạn cũng không nghe được nên chương trình học cũng có phần phù hợp với em. Bây giờ nếu họ vừa nghe lại vừa nhìn đượcthì em sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều vì vừa phải thích nghi với chương trình học khác vừa phải đạt được trình độ cao như mọi người.

– Vậy sao ngay từ bây giờ cô không cho em học với các bạn đó luôn – Helen nói, vẫn không hề lay chuyển.

Cô Ann lại từ tốn giải thích:

– Còn một chuyện rất quan trọng là vào được trường Radcliffe vô cùng khó ngay cả với những học sinh bình thường, kỳ thi đòi hỏi trình độ rất cao. Hơn nữa, không ai dám chắc họ sẽ chấp nhận cho em thi.

– Dù sao cũng phải thử chứ – cô bé bướng bỉnh.

Helen không có nhiều khái niệm về giá trị của tiền; dù em biết người ta dùng tiền để mua bán, một thứ rẻ thì phải mua bằng ít tiền hơn thứ đắt; nhưng chuyện tiền không đặt thành vấn đề em phải nghĩ đến thường xuyên. Em tuyệt đối chẳng nghĩ tới nếu vào đại học sẽ phải tốn một khoản tiền rất lớn. Nhưng cô Ann thì có.

Cha Helen không giàu. Người ta gọi ông là “đại úy” bởi ông từng tham gia nội chiến hai miền Nam, Bắc Mỹ, ông thuộc phe miền Nam – Những người bảo thủ. Nhưng nghề của ông là viết báo. Ông là chủ bút một tuần báo nhỏ ở Alabama và chưa bao giờ ông kiếm được quá nhiều tiền. Thậm chí từ nhiều năm nay ông cũng không còn trả lương cho cô Ann nữa. Chính cô Ann Sullivan đã “đòi hỏi” như vậy, với lý do là cô rất yêu quý và gắn bó với Helen nên tự nguyện dành cho cô bé sự phục vụ tận tâm.

Tất cả điều đó Helen mãi sau này mới được biết. Em cũng không biết rằng nhờ lòng hào hiệp của một người bạn lớn em mới có thể theo học trường Wright – Humanson.

Ở New York, Helen lại có thêm rất nhiều những người bạn. Một số rất giàu có, một số chỉ phong lưu, một số rất giản dị… đa số đều là những người nổi tiếng. Trong đó có cả nhà văn lớn Mark Twain, tác giả của những tác phẩm mà Helen rất thích, nhất là “Tom Sawyer” và “Huck Finn”. Khi biết chuyện cô bé Helen rất mong muốn được học đại học, nhưng ông bà Keller không có đủ điều kiện để chu cấp cho em, Mark Twain nói: “Chúng ta phải làm cái gì chứ!” Thế là tất cả những người bạn New York thống nhất sẽ cùng gom góp đủ số tiền cần thiết.

Ai cũng biết rằng ngay cả ngày nay học phí ở trường Harvard cũng cao hơn nhiều so với các trường đại học khác, dù việc học đại học đã trở nên khá phổ biến với rất nhiều trường và ngành nghề khác nhau.

Vấn đề tiền nong coi như được giải quyết xong. Còn kỳ thi Helen phải trải qua thì thế nào?

Những bài thi tuyển vào trường Radcliffe cũng là những bài thi của trường Harvard, tức là rất khó. Cô Ann cho rằng Helen cần được luyện thi trong một trường danh tiếng. Và rõ ràng không có một trường dành cho trẻ khuyết tật nào có được trình độ cao như vậy, bởi việc học với đa số các em có rất nhiều bất lợi. Trước Helen, chưa một học viên nào tật nguyền giống em vượt qua được kỳ thi tuyển vào Radcliffe, thậm chí cả đợt chọn vào trường luyện thi.

Cô Ann lại nói chuyện với những người bạn gần gũi. Chuyện tài chính không cần phải bàn, cứ nên chọn cho cô bé một trường tốt nhất. Nhưng một số băn khoăn liệu Helen có theo kịp các bạn học sinh hoàn toàn bình thường để tiếp nhận một lượng kiến thức mới rất đồ sộ hay không.

– Nhưng Helen cũng sẽ khó khăn như vậy và hơn khi vào đại học – cô Ann nói – nếu đặt em ngay trong hoàn cảnh này thì cũng thế thôi. Chúng ta sẽ biết em thật sự có khả năng hay không.

Sau khi đích thân đi thăm nhiều nơi, cô Ann quyết định chon trường nữ sinh Cambridge, là trường chuyên chuẩn bị cho học sinh thi vào Radcliffe, lại nằm ngay cạnh trường đại học và rất gần Boston.

Một sáng tháng mười năm 1896, những học sinh trong giờ học tiếng Đức của cô Frau Grote khi ngạc không giấu nổi tò mò chăm chú nhìn một cô gái mảnh mai bước vào – Helen bây giờ đã 16 tuổi – mái tóc màu hạt dẻ uốn búp lớn buông xuống vai.

Một phụ nữ trẻ, xinh đẹp, ăn vận nhã nhặn đi bên, chốc chốc lại khẽ chạm nhẹ vào cánh tay cô gái như để chỉ lối.

Nhưng có vẻ cô gái cũng không cần sự giúp đỡ ấy, bởi cô bước rất tự nhiên không bị đụng hay nhầm đường. Và mặc dù cô gái có đôi mắt to đẹp xanh biếc mà nước biển song hình như cô định hướng bằng một sự trợ giúp nào khác rất đặc biệt. Vì nếu quan sát kỹ sẽ thấy chỉ luôn nhìn trân trối về đằng trước, không đảo và cũng hầu như không chớp bao giờ.

Đó chính là lần đầu tiên Helen cùng cô Ann tham gia một giờ học trong ngôi trường mà duy nhất có Helen là học sinh khuyết tật.

Các nữ sinh trong trường đều đã biết chuyện Helen, họ đều rất xúc động và khâm phục.

– Bạn Helen chỉ có một cách để theo dõi được các bài giảng, đó là phải cần có một người nói lại tất cả, dù ít hay nhiều, qua bàn tay bạn – ông Gilman, hiệu trưởng giải thích cho các học trò. Vì vậy, cô giáo riêng của bạn, cô Ann Sullivan sẽ đến lớp học cùng bạn ấy. Các em sẽ thấy cô Ann luôn luôn cầm tay Helen, ấy là lúc cô đang ghép vần các từ cho bạn hiểu, bằng bảng chữ tay. Cô Ann nhìn và nghe thay cho bạn Helen.

Ông Gilman cũng kể chuyện Helen đã tập nói thành công như thế nào.

– Bạn Helen sẽ tham gia xây dựng bài như tất cả các em – ông Gilman nói. Ban đầu giọng nói của bạn có thể rất khó hiểu. Nhưng các em sẽ làm quen dần và thấy rất đơn giản. Tôi tin các em sẽ nhanh chóng hiểu và thân thiết với nhau.

Dĩ nhiên, các giáo viên là những người đầu tiên được biết về trường hợp đặc biệt mà họ đã tiếp nhận. Chẳng ai trong số họ từng có kinh nghiệm giảng dạy cho học sinh khuyết tật, song họ đều vui vẻ sẵn lòng. Ngay sau khi Helen đến trường, ông hiệu trưởng Gilman và bà Frau Grote, giáo viên tiếng Đức đã tập cách dùng tay nói chuyện. Chỉ có điều là bà Frau Grote không rành chính tả tiếng Anh lắm, vậy là thỉnh thoảng trong giờ cả cô và trò lại được một trận cười sảng khoái, bởi cô giáo Frau Grote cứ ra sức giải thích còn Helen càng lúc càng rối tung vì những lỗi không chủ ý của cô.

Helen học tiếng Đức rất giỏi. Tiếng Pháp tuy không bằng nhưng cũng tương đối khá, em còn học qua 6 tháng tiếng Latin nữa. Năm đầu tiên ở trường Nữ sinh Cambridge, Helen cũng học cả lịch sử nước Anh, văn học Anh, toán học,… như các bạn khác. Cho đến lúc đó, Helen chưa từng theo một giáo trình phổ thông chính quy nào, nhưng các giáo viên đều thực sự thán phục những gì Ann Sullivan đã dạy cho Helen. Đặc biệt là môn tiếng Anh, Helen học trội hơn hẳn.

Đa số học sinh trường Cambridge trọ học ở những ngôi nhà nhỏ ngay gần trường. Ngôi nhà của cô Ann và Helen lớn hơn một chút, sống cùng họ còn có một vài bạn gái nữa. Đây vốn là nhà ông William Dean Howells, một văn sĩ nổi tiếng mà Helen đã được gặp ở New York.

Các bạn gái cùng lớp đều yêu mến Helen, họ cố mang đến cho Helen một cuộc sống thật thoải mái, mặc dù ban đầu chẳng ai trong số họ nói chuyện được với Helen. Một vài cô bạn đã đặt ngay quyết tâm học bảng chữ tay. Tinh thần rất hăng hái nhưng thực hành thì chẳng đơn giản chút nào. Họ cứ lúng ta lúng túng. Và kết quả là Helen thường xuyên phải tự đoán các cô bạn đáng mến muốn gì vì họ nhầm liên tục. Helen có thể tham gia hầu hết các trò chơi cùng bạn bè, bởi từ nhỏ cô Ann đã dạy em chạy nhảy, leo trèo mà không hề sợ hãi. Em, cô Ann và các bạn còn tổ chức những buổi dã ngoại lớn.

Song, những bài học ngốn của họ gần hết thời gian. Ann Sullivan đã không nhầm khi báo trước rằng Helen sẽ phải làm việc gấp nhiều lần người khác.

Có hàng đống bài tập phải làm và với Helen và cô Ann thực sự là một công việc khổng lồ. Có biết bao nhiêu sách cần đọc, vậy mà tìm mãi mới được vài cuốn in bằng chữ Braille. Cô Ann luôn lo lắng tự hỏi đôi mắt vốn kém của cô, thời gian gần đây ngày càng yếu đi, còn có thể giúp cô tiếp tục công việc nặng nhọc này bao lâu nữa. Cô không nói chuyện này với ai và cô vẫn đọc, đọc, để có thể truyền đạt cho Helen tất cả những gì em cần.

Các giáo viên phần nào đã quen với cách phát âm của Helen. Ở lớp, em đã có thể tham gia ý kiến như mọi học sinh khác. Ở nhà, em làm bài tập bằng máy chữ.

Cả năm đầu tiên, Helen học rất xuất sắc. Năm thứ hai, bảng điểm đã bớt phần rực rỡ. Cô Ann không thể chuyển tải hết những cuốn sách toán học sang chữ Braille. Helen học toán đuối dần và bắt đầu chậm so với các bạn. Cuối cùng, người ta quyết định phải cho em nghỉ một thời gian và giới thiệu với em một người phụ đạo, thầy giáo trẻ Merton S. Keith.

Helen rất thất vọng vì phải rời trường. may mắn thay gia đình Chamberlin – những người bạn tốt bụng đã đề nghị hai cô trò đến ngay Trang Trại Đỏ. Sống ở đó chẳng mấy chốc Helen sẽ quên hết buồn phiền. Cô Ann và Helen đã chẳng từng có biết bao kỳ nghỉ vui vẻ ở đây sao? Trang Trại Đỏ lại rất gần Boston, và nhờ vậy thầy Keith có thể dễ dàng đi lại bằng xe điện.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy Keith, Helen mau chóng bù lại được những kiến thức hổng. Thầy Keith còn giúp em nắm vững các khái niệm cơ bản để em có thể dễ dàng tiếp thu những bài học sắp tới.

Một năm rưỡi đã trôi qua, giờ Helen đã sẵn sàng vượt qua cửa ải quan trọng: kỳ thi tuyển vào Radcliffe.

Kỳ thi kéo dài trong nhiều ngày. Có tất cả 16 giờ thi. Mười hai giờ cho các bài thi kiến thức cơ bản và 4 giờ cho bài thi chuyên sâu. Đề bài được chuyển thẳng bằng một phương thức đặc biệt từ trường Harvard sang trường Radcliffe. Mỗi thí sinh có một số báo danh riêng. Helen mang số 233. Tuy nhiên, Helen chẳng thể giữ được sự “vô danh” vì em phải làm bài bằng máy chữ.

Ann Sullivan không được phép vào phòng thi cùng Helen. Chính ông hiệu trưởng trường Cambridge, đích thân ông Gilman đã ngồi bên cạnh Helen. Ông đánh vần từng câu hỏi vào tay Helen. Helen nhắc lại rành rọt để đảm bảo là em đã hiểu đúng. Rồi em gõ câu hỏi và trả lời bằng máy chữ. Nếu muốn đọc lại em phải nhờ ông Gilman xem những gì em đã làm trên giấy, đánh vần vào tay cho em, sau đó em sẽ sửa lại khi thấy cần thiết.

Lần lượt từng bài thi, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Latin, toán,… đều diễn ra theo cách đó. Qua bao nhiêu ngày học tập, thi cử căng thẳng, giờ Helen mới thấy thật mệt mỏi. Lòng đầy lo âu, em cùng cô Ann trở về Trang Trại Đỏ. Thấp thỏm chờ mong. Ít lâu sau, một tin tốt lành đã tới: Helen thi đạt tất cả các môn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.