Bà Đại Sứ

16. Ước mơ thành hiện thực



Kết quả thi đã cổ vũ cho quyết tâm của Helen. Helen cứ ngỡ đường vào Radcliffe sẽ chẳng còn trở ngại nào nữa. Song mọi chuyện không thuận lợi như em nghĩ.

Giáo viên trường Radcliffe kịch liệt phản đối việc nhận Helen vào trường đại học. Tin này khiến cô Ann và Helen rất bất ngờ và thất vọng. Các giáo viên cho rằng không thể nào tin được rằng một cô gái mù, câm điếc, ngọng nghịu lại có khả năng theo nổi các bài giảng trình độ cao. Họ gợi ý cho phép Helen tham dự một vài giờ giảng, những kiến thức cơ bản, giản đơn, như một học viên tự do. Và dĩ nhiên, điều quan trọng nhất cần nói là em không được cấp bằng tốt nghiệp.

Cái tin trường Radcliffe không chịu nhận Helen đã lan đi nhanh chóng và gây xôn xao dư luận. Ngay lập tức hai trường đại học, một ở Cornell, một ở Chicago đã mời Helen ghi tên học. Helen rất cám ơn họ, nhưng em đã từ chối.

– Nếu em đến Cornell hay Chicago – Helen giải thích với cô Ann – hẳn người ta sẽ giành ưu tiên mà giảm bớt các khó khăn trong học tập cho em. Em không muốn thế. Trường Radcliffe mới chính là nơi em muốn vào học. Và em sẽ vào học!

Nhiều tuần trôi qua, Helen và cô Ann vẫn chờ ở Trang Trại Đỏ, vẫn luôn hi vọng Ban Giám hiệu trường sẽ thay đổi quyết định. Chẳng có tin tức gì cả! Cuối cùng Helen ngồi vào máy đánh chữ và viết một bức thư cho ông hiệu trưởng. Kết thúc thư em viết:

– …”Em biết có rất nhiều khó khăn to lớn chờ đợi em trên con đường học đại học, nhưng một người lính chân chính sẽ không bao giờ chấp nhận đã thất bại trước khi bước vào cuộc chiến…”

Hẳn không trường đại học nào muốn từ chối một sinh viên có ý chí và lòng quyết tâm như thế. Helen được chấp nhận vào Radcliffe, với điều kiện em phải vượt qua chướng ngại mới.

Người ta yêu cầu Helen cần dự cuộc sát hạch thứ hai với lý do rất có thể ông Gilman đã “gánh bớt” phần lớn công việc cho Helen trong đợt thi đầu tiên. Một ông Viming nào đó, giáo viên mới của Viện Perkins mà Helen và cả cô Ann tuyệt nhiên không quen biết, được giao nhiệm vụ sao lại các câu hỏi sang chữ Braille.

Mảng ngôn ngữ, tất cả diễn ra tốt đẹp. Giờ khó khăn trong Hình học và Đại số. Ký tự Braille Anh, Mỹ đã rất quen thuộc với Helen.Nhưng phần toán các biểu tượng trong ba hệ giáo trình này lại rất khác nhau. Từ trước đến giờ, Helen chỉ dùng ký tự toán học Braille Anh.

Hai ngày trước kỳ thi, ông Viming gửi cho Helen một bản sao đề thi cũ của trường Harvard. Thật là một thảm họa! Những khái niệm dùng theo kiểu Mỹ! Helen đề nghị ông Viming giải thích các ký hiệu đó. Ông Viming lập ngay một bảng đối chiếu các ký tự toán học Braille Anh và Mỹ. Helen dũng cảm bắt tay vào học.

Đêm trước kỳ thi, Helen tội nghiệp vẫn lẫn lộn giữa móc vuông ( [ ) và móc nhọn ( { ); Helen cứ trằn trọc trên giường không tài nào ngủ được.

Thầy Kieth và cô Ann Sullivan rất lo âu. Họ dẫn Helen tới rất sớm trước giờ thi để hỏi thày Viming thêm một số chi tiết cho chính xác.

Helen đã quen đọc đầu bài Hình học bằng hình nổi hoặc được giải thích bằng chữ tay. Khi dùng ký hiệu Braille trong hình học, tất cả bỗng như rối tung, em không thể xác định được rõ ràng trong trí những gì mình sờ được.

Môn đại số còn tồi tệ hơn. Những ký hiệu Helen vừa học cứ nhảy múa trong đầu. Vậy mà em không thể đọc lại những đã viết gì. Thường ngày em hay làm toán bằng chữ Braille hoặc tư duy rồi chỉ ghi lại những bước làm chính. Thầy Keith chưa tập kỹ cho Helen sự sắp xếp các ký tự toán học trên máy chữ. Những điều kiện cực “tiện nghi” trong kì thi với thầy Gilman tốt bụng đã quá xa vời!

Tuy vậy, Helen vẫn thành công vẻ vang. Điểm toán hơi yếu một chút song các điểm số tuyệt vời, môn tiếng Anh, môn văn học cổ điển và ngôn ngữ xã hội đương đại, đã thừa đủ để bù lại. Ban Giám hiệu trường quyết định dành cho Helen một năm dự bị. Trong thời gian đó, Helen sẽ củng cố thêm môn toán của mình với sự trợ giúp của thầy Keith.

Tháng Mười một năm 1900 Helen vào đại học.

Vài ngày sau khai giảng, các sinh viên năm thứ nhất họp nhau lại để bầu ban cán sự. Vô cùng bất ngờ, Helen lại trúng với số phiếu tuyệt đối làm Phó Trưởng khóa và được vinh dự thay mặt toàn thể sinh viên năm thứ nhất phát biểu.

– Em cứ tưởng phần lớn các bạn ở trường chẳng biết gì đến sự tồn tại của em – Helen tâm sự cùng cô Ann.

Với Helen điều đó thực sự khiến em ngạc nhiên. Mặc dù rất nhiều bài báo đăng bài về Helen Keller – một cô gái mù câm điếc với ước mơ vào trường đại học. Cũng như ngày trước, cô Ann rất hiếm khi nói chuyện các bài báo này với Helen, và rất tự nhiên khi được biết về chúng Helen cũng không coi đó quan trọng lắm.

Cô Ann và Helen tìm được một ngôi nhà rất dễ thương gần Cambridge, hai cô trò sống ở đó cùng một chị giúp việc người Ailen, tên là Bridget. Các bạn học cả Helen đều rất quý mến cô Ann. Ở bên cô người ta luôn thấy lạc quan, yêu đời và cô lại luôn có nhiều ý tưởng cho các trò chơi vui nhôn. Những khi không quá bận, cô Ann và Helen lại mời bè bạn đế uống trà. Họ ngồi quây quần trong phòng khách ấm cúng cùng kể cho nhau nghe những chuyện ngộ nghĩnh ở trường.

Các cuộc hội họp vui vẻ như vậy chỉ khoảng một tuần có khi nửa tháng mới có một lần. Chương trình học bây giờ còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn hồi học trường Cambridge. Helen đọc không biết bao nhiêu trang sách chữ Braille, những ngón tay chạy trên các dòng chấm, vội vàng gấp gáp. Helen cố tìm trong các thư viện được nhiều cuốn sách học in bằng chữ Braille; kể cả các quyển sách tương tự hoặc có liên quan. Helen rất muốn đỡ bớt phần nặng nhọc cho cô Ann, bởi cô luôn ngồi đọc rồi dịch những cuốn sách Helen cần bằng cách này hay cách khác nếu không có sẵn bản in Braille. Khối lượng ấy rõ ràng không nhỏ. Họ làm việc rất muộn, ban đêm khi những người bạn đã tạm biệt ra về từ lâu, họ vẫn còn miệt mài bên bàn làm việc. Cô Ann gần như gí sát mắt mình vào trang sách và tay thoăn thoắt ghép vần trong lòng bàn tay Helen.

Bây giờ Helen đã biết mắt cô Ann đang dần dần kém đi. Sau thời gian giúp Helen luyện thi, mắt cô Ann càng yếu trầm trọng. và chắc chắn trong tương lai sẽ còn tệ hơn. Sách, sách, ngày càng nhiều sách phải đọc. Bởi càng đi vào chuyên sâu sách chữ Braille càng hiếm. Đã nhiều lúc Helen có ý định sẽ bỏ học giữa chừng khi nghĩ rằng mình còn bao nhiêu cuốn sách buộc phải đọc bằng đôi mắt đã quá sức của cô Ann tội nghiệp.

– Em không nghĩ là cô cần đọc lại đoạn này sao? – cô Ann hỏi Helen – cô có cảm giác em chưa hiểu hết.

– Ô, em có hiểu chứ! – Helen vội vàng quả quyết, song thực ra em chẳng hiểu gì cả. Helen đang đuối dần so với các bạn.

Helen cứ hoài công thuyết phục cô Ann tới chỗ bác sỹ nhãn khoa khám lại. Cô Ann biết rất rõ những gì đang chờ đợi mình, cứ chần chừ khất lần mãi.

– Cô sợ điều người ta sẽ nói với cô à? – Helen hỏi.

– Không, dĩ nhiên là không rồi – cô Ann khẽ tát yêu Helen. Đừng ngốc thế cô bé!

Một hôm, cô Ann phải dừng lại giữa chừng một câu khá lâu. Cô thấy như sương mù dày đặc trước mặt. Cuối cùng, cô quyết định đến gặp bác sỹ nhãn khoa. Helen đi cùng cô.

– Mỗi ngày cô đọc cho Helen bao nhiêu giờ? – Bác sỹ hỏi.

Khi cô Ann thú nhận rằng có nhiều hôm cô đọc tới năm tiếng liên tục thì bác sỹ gần như phát hoảng.

– Đó là một sự điên rồ, cô hiểu không? – bác sỹ la lên – cô phải dừng lại hoàn toàn, ít nhất là trong vài tháng liền nếu cô còn muốn cứu lấy chút thị lực còn sót lại.

– Ông bác sỹ nói gì? – Vừa rời khỏi phòng khám, Helen sốt sắng hỏi.

Ông ấy bảo trong nhiều ngày tới, cô phải để mắt nghỉ ngơi chút ít – cô Ann trả lời đơn giản.

Helen biết rõ cô Ann không nói tất cả sự thật cho mình, và tình hình hẳn rất nghiêm trọng. Em biết điều đó từ hôm cô Ann đột ngột dừng giữa câu. Kể từ lúc ấy, mỗi lần cô Ann đọc sách cho em, Helen luôn cảm thấy mình là một kẻ phạm tội.

Helen rất lo âu và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc rời trường đại học. May mắn thay cho cô Ann đã tìm được một cô gái biết dùng thạo bảng chữ tay, cô ấy tình nguyện thay thế cô Ann một thời gian.

Được giải phóng khỏi nỗi ưu phiền trĩu nặng trong lòng, Helen lấy lại niềm đam mê học tập. Em thích nhất môn tiếng Anh và tất cả các bài giảng có liên quan đến văn học Anh, Mỹ. Helen có một thầy giáo rất tuyệt, thầy Charles Copeland.

Mấy tháng học đầu tiên, bài luận Helen viết chỉ loàng xoàng. Thầy Charles Copeland hiểu ngay vấn đề lỗi là do Helen đã cố viết “như mọi người”. Có nghĩa là em luôn muốn đề cập đến những cái em không biết, ví dụ như màu sắc, âm thanh, những điều em không có khả năng cảm nhận cụ thể được. Sau một thời gian cân nhắc, thầy Copeland quyết định nói chuyện thẳng thắn với Helen. Cô Ann cũng có mặt để làm thông ngôn viên và để Helen hiểu được đúng những lời khuyên chân thành của thầy Copeland.

– Sao em không thử viết những vấn đề em biết? – ông gợi ý cho Helen. Em hãy nhớ lại tất cả mọi điều đã đến với em, hãy viết chính những gì em đã cảm nhận từ cuộc sống quanh mình.
Đừng cố bắt chước những cái em đọc trong sách vở.

Helen đã làm đúng như lời thầy. Giáo sư Copeland rất hài lòng về kết quả đạt được. Ông đã đưa bài luận ấy cho nhiều bạn bè cùng xem. Buổi sáng nọ, biên tập việ một tờ báo phụ nữ có tên “Tòa báo của Quý bà” đã tới Cambridge gặp Helen và cô Ann Sullivan.

– Tôi đã được may mắn đọc các bài luận của cô Keller – anh ta nói – và chúng tôi rất mong muốn được các vị đồng ý cho công bố trên các số báo của chúng tôi.

Số tiền nhuận bút họ nêu ra khiến Helen phải sửng sốt.

Ít lâu sau, một nhà xuất bản ở New York đề nghị được tập hợp thành một cuốn sách các bài đã đăng trên báo của Helen Keller. Song ông ta e rằng tập sách sẽ hơi mỏng nên ông muốn được Helen bổ sung thêm một vài bài chưa được công bố; và để ấn phẩm sớm đến tay bạn đọc, Helen phải bắt tay ngay vào việc.

Helen và cô Ann đã hồ hởi nhận lời ngay mà không tính đến khối lượng bài vở khổng lồ hàng ngày. Kỷ niệm buồn về “Ông vua Sương giá” đã dần phai nhạt một cách tốt đẹp. Nhưng vấn đề bây giờ là thời gian thức khuya làm bài tập mỗi ngày sẽ kéo dài thêm mất tiếng nữa. Họ lập tức nhận ra công việc này thực sự quá tầm tay. Làm sao đây? Họ đã hứa với nhà xuất bản. Helen đã vui xiết bao với ý nghĩ sẽ có một tập sách riêng, những tác phẩm của chính mình.

Helen quả là một cô gái may mắn, bởi em luôn có những người bạn rất tốt xung quanh. Một trong số bạn ấy đã giới thiệu họ với John Macy –giảng viên trẻ trường Harvard. Từ lâu John Macy rất quan tâm tới trường hợp của Helen. Anh học bảng chữ tay cấp tốc trong một vài ngày, rồi giúp Helen nhanh chóng hoàn thành tất cả tác phẩm. Cuốn sách mang tên “Chuyện đời tôi”. Helen kể về thời thơ ấu của mình; kể những gì cô Ann đã làm để đưa em ra khỏi bóng tối; kể em đã từ “một linh hồn chết trong một cơ thể sống” trở thành cô bé hạnh phúc ra sao; kể về cuộc sống ngây ngất bởi bao điều học được, bởi những bạn bè bao bọc quanh mình, một cuộc sống mà Helen không bao giờ hiểu được ý nghĩa của từ “buồn chán”.

“Chuyện đời tôi” xuất bản khi Helen đang học năm thứ ba trường Radcliffe. Cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và dĩ nhiên cũng được dịch sang chữ Braille. Hàng ngàn người trên thế giới đã đọc cuốn sách ấy và người ta có thể tìm thấy nó trong hầu hết các thư viện ở các trường học trên nước Mỹ.

Helen chỉ còn một năm nữa là kết thúc khóa học. Bây giờ em có những hai người giúp đỡ. Vậy là thỉnh thoảng cô Ann yêu quý của em có thể yên tâm nghỉ ngơi, điều mà cô xứng đáng được hưởng từ lâu. Mọi việc có vẻ thuận lợi hơn nhiều.

Một ngày đẹp trời tháng Sáu năm 1904 – Helen đã hai mươi tư tuổi – chín mươi sáu cô gái trong trang phục cử nhân trường Radcliffe, rạng rỡ nhận chứng chỉ tốt nghiệp. Rời Radcliffe là trường liên kết với trường Harvard nên bằng tốt nghiệp mang chữ ký của hiệu trưởng trường Harvard.

Trong số các sinh viên kết thúc khóa học năm đó, có một người mà ai cũng phải chú ý nhìn. Cô ấy cao, dáng vẻ cứng cỏi, tự tin, cô nhận bằng “cum laude”, có nghĩa là đạt mức tốt. Cô Ann Sullivan rất tự hào, nhưng vẫn có đôi chút tiếc rẻ. Cô đã hy vọng Helen đạt mức “summa cum laude”, tức là rất tốt. Cô cho rằng đó là lỗi tại cô, nếu không, Helen hoàn toàn có thể đạt được.

Nhiều bài viết về Helen lập tức lại có mặt trên các báo. Đây là lần đầu tiên, một người tàn tật đến vậy đã tự hào giơ cao tấm bằng tốt nghiệp một trường đại học rất danh tiếng.

Có một bài báo nói tới “người phụ nữ nhỏ nhắn, bận đồ đen” ngồi bên cạnh Helen Keller.

Người phụ nữ đó là Ann Sullivan.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.