Bà Đại Sứ

5. N-ư-ớ-c



Ngày hôm đó bắt đầu thật tệ. Đó là ngày mồng năm tháng tư, một tháng hai ngày sau khi cô Ann Sullivan đến gia đình Keller.

Theo yêu cầu của ông đại úy Keller, người chỉ nhất nhất muốn thấy con ở gần mình, Ann và Helen đã rời căn nhà nhỏ trở về. Cô Ann đã chấp thuận vui vẻ, vì giờ cô có khá đủ uy tín với đứa trẻ rồi và cô có thể dễ dàng khiến Helen vâng lời. Khi cô Ann cấm Helen làm điều này hay điều kia, hay yêu cầu em ngồi ngay ngắn ở bàn ăn, cô bé không còn chạy đến tìm sự bảo vệ sau váy mẹ nữa. Ông bà Keller kinh ngạc vì những kết quả mà Helen đạt được, đã ngày càng thêm gần gũi và quý trọng Ann; song họ vẫn giữ những định kiến không như cô mong muốn.

Ann nhắc họ nên học trước bảng chữ tay. Bà Keller bắt tay vào học rất nhanh nhưng ngài đại úy thì chẳng có chút cố gắng nào.

– Để làm gì? – Ông nhắc lại, buồn bã.

– Sớm hay muôn, ngài sẽ cần đến nó – Ann Sullivan trả lời – và có lẽ sẽ sớm hơn ngài nghĩ … Helen sẽ biết ý nghĩa của các từ, em sẽ nhận ra được mối liên hệ giữa các từ với các sự vật. Rồi ngài sẽ có thể nói chuyện với cô bé, ngài có hiểu không? Ngài có thể giao tiếp với Helen, hỏi Helen và Helen sẽ trả lời ngài.

Đại úy Keller lắc đầu e ngại. Ông không muốn ảo tưởng vào một hi vọng, mà theo ý ông, hoàn toàn điên rồ. Việc con gái ông ngoan và lành tính hơn như vậy là tốt lắm rồi.

Rõ ràng Helen ngoan hiền hơn nhiều so với trước đây. Mọi người đều có chung nhận xét ấy. Nó không còn nổi cáu nữa, đúng hơn là rất hiếm khi, và cơn giận giữ cũng không kéo dài lâu. Nó có quá nhiều cái hay để làm, hơn là việc lăn ra đất tru tréo. Bây giờ nó rất bận rộn, nó bị gây tò mò không ngừng, luôn muốn chú tâm vào những trò chơi, những công việc nho nhỏ mà cô Ann đã chuẩn bị cho nó. Nó không còn bị những cơn khủng hoảng, âu lo biến nó thành đứa trẻ hung dữ nữa.

Nhưng sáng hôm đó nó thấy thật khó chịu, cáu bẳn, bực bội. Bỗng nhiên không có gì khiến nó vui nữa: trò chơi với các đồ vật, những ngón tay ngọ nguậy, tất cả đều như trêu tức nó.

“Mình biết tất cả những cái này rồi mà” – Nó tự bảo – “Tại sao cứ chơi đi chơi lại một trò chơi như thế?”

Suốt buổi sáng, Người Lạ đánh vần mãi hai chữ trong lòng bàn tay Helen: n-ư-ớ-c và c-h-é-n. Cô đánh vần từ c-h-é-n rồi đặt cái chén vào lòng bàn tay Helen. Sau đó, cô rót nước vào chén, nhúng ngón tay Helen vào, và cô đợi, hi vọng rằng Helen sẽ có phản ứng, đánh vần chữ n-ư-ớ-c lên tay cô.

Helen không hiểu điều cô Ann chờ đợi ở nó, nó trung thành lặp lại những động tác của Người Lạ, nó viết đi viết lại không biết mệt mỏi từ chén. Nó nhận ra ngay đó không phải điều cô Ann mong muốn.

“Nhưng thế thì cô muốn gì?” – nó băn khoăn tự hỏi – “Cô biết mình không hiểu mà… nếu mình biết, mình sẽ làm mà”.

Helen bắt đầu căng thẳng.

“Hôm nay không nên tiếp tục nữa” – Ann tự bảo, khi nhìn thấy Helen sắp sửa đập cái chén – Chúng ta nghỉ một lát. Này, em cầm lấy…

Cô đưa cho Helen con búp bê mà em rất thích, đấy là con búp bê mà cô đã cho Helen hôm đầu tiên đến đây. Món quà này do các em bé mù ở Viện Perkins muốn dành tặng Helen. Tất cả những đứa trẻ đó đều rất yêu quý cô giáo Ann. Vì vậy chúng tỏ ra buồn rầu khi biết cô Ann sẽ rời khỏi trường. Nhưng cô Ann đã giả thích cho lũ trẻ rằng cô đi để chăm sóc cho một bé gái, cô bé đó cần cô hơn tất cả các em. Những đứa trẻ rất xúc động, đã quyết định tặng cho cô bé ấy một con búp bê và chính Laura Brigman, người phụ nữ cũng bị mù, câm, điếc như Helen đã sắm sửa trang phục cho nó. Tất nhiên, Helen chẳng biết tí gì về chuyện ấy. Nhưng cô bé thích con búp bê mới lắm, em thường chơi với nó suốt, khi thì đặt con búp bê mới ngồi cạnh con búp bê vải cũ, khi thì ru nó ngủ trên chiếc giường nhỏ mà người ta đóng cho Helen để thay chiếc nôi đã dành cho em bé.

Rõ ràng Helen rất thông minh, những ngón tay của Helen nhận ra đôi mắt của búp bê mới. Búp bê cũ (nói đúng ra chỉ là một cái túi vải bông được tạo hình đôi chút) không còn mắt nữa; Helen đã mang nó và hai hạt cườm đến đưa cho cô Ann, cô hiểu ngay Helen muốn cô đính hai hạt cườm lên khuôn mặt búp bê vải để làm cho nó đôi mắt.

Nhìn Helen trở lại hiền lành và vui vẻ giữa đám đồ chơi, cô Ann muốn thử thêm lần nữa, cô đưa cho Helen cái tách rỗng, và đánh vần bằng ngón tay: c-h-é-n, rồi cô rót nước vào tách và đánh vần: n-ư-ớ-c. Helen nổi cáu vì bị làm phiền, và nhất là vì bất lực vì không hiểu được trò chơi cô Ann cứ ngoan cố bắt nó chơi là gì. Helen túm lấy con búp bê, quăng xuống đất. Cái đầu con búp bê vỡ tan tành.

Khi sờ thấy những mảnh vỡ cô Ann vừa gom lại đưa nó vứt vào thùng giấy, Helen lặng đi. Nó không lăn ra đất, không đạp chân đạp tay. Nó co mình nằm trong ghế bành, không khóc, không gầm gừ, nhưng dáng vẻ nó biểu lộ một điều rất rõ ràng: tôi chẳng làm được gì tốt hết, để cho tôi yên.

Làm thế nào để cho cô bé khuây khỏa bây giờ? May thay, cô Ann biết một cách hay tuyệt. Cô đưa cho Helen một chiếc mũ rơm rộng vành. Helen nhỏm ngay dậy. Mũ, có nghĩa là vườn, là mặt trời, là dạo chơi, là biết bao điều thú vị!

Có điều, Helen không biết rằng bài học vẫn chưa chấm dứt. Người Lạ vừa nảy ra một ý: cô mang theo cái tách và dắt Helen hướng về giếng nước cuối vườn.

Helen rất thích vườn. Nó thích mùi của cây kim ngân, mùi của những cây hoa hồng leo bò dọc theo ngôi nhà. Nó thích sờ những chiếc lá dày và gai sần của hàng rào hoàng dương. Nó cảm thấy trên cánh tay, trên bàn tay cái nóng ấm của mặt trời và nó nhận ra những rung động trong không khí từ những con ong bay vo vo, những con chim ruồi bay vù vù xung quanh. Không có gì khiến nó lo sợ, tất cả đều thật tuyệt.

Lúc này hẳn người làm vườn đang kéo nước bên bờ giếng. Ann dẫn Helen đến chỗ ông, và lại một lần nữa đặt cái chén “đáng ghét” vào tay em, rồi nghiêng gàu cho nước chảy xuống.

Ý nghĩ đầu tiên đến với Helen là tức giận, là ném cái chén đi, nhưng nó vốn rất thích cảm giác mát mẻ bao trùm chung quanh bờ giếng này, nó mê cái mát lạnh của nước. Nó thường chơi với nước, nghe nước chảy dịu dàng qua các kẽ ngón tay.

Cô Ann cầm bàn tay Helen và đánh vần lên đó từ n-ư-ớ-c, ban đầu chậm, thật chậm, rồi nhanh dần.

Đột nhiên Helen buông rơi cái chén. Nó đứng bất động, cứng đờ người, tưởng như ngừng thở. NÓ BIẾT RỒI! Nó đã hiểu, cuối cùng nó đã hiểu! Một cái gì đó xuất hiện mơ hồ, rồi rất rõ ràng, bỗng chợt đến, một ý nghĩ mới lạ bắt đầu quay quay trong trí: “N-ư-ớ-c! N-ư-ớ-c! Cái thứ tuyệt vời mát lạnh, cái người bạn thân thuộc ấy, đó là n-ư-ớ-c đó sao?”

Helen vội cầm tay Người Lạ. Những ngón tay run run đánh vần: n-ư-ớ-c. Vừa viết xong, Helen thấy ngay đôi tay Người lạ ôm lấy đôi vai nó – một lời khen ngợi. Nó đã đúng, đúng rồi!

Đây chính là lần đầu tiên trong đời Helen Keller nói với người khác. Suốt cuộc đời em sẽ ghi nhớ giây phút kì diệu này, từ giây phút ấy, ngôn ngữ sẽ không còn là điều bí mật đối với em nữa.

Đôi mắt Người Lạ ướt đầm, cô bật kêu lên:

– Helen, em đã hiểu! Em đã hiểu rồi!

Helen không thể nghe thấy điều đó. Nhưng em biết rằng em vừa nắm bắt được một phát kiến vĩ đại khác thường. Nếu những kí hiệu mà em vừa làm chỉ nước thì tất cả những kí hiệu khác em vẫn thường chơi với Người Lạ mang nghĩa gì?

Em thụp xuống, bốc một nắm đất đưa cho Người Lạ. Lúc ấy, Helen sao có thể hỏi được một câu đầy đủ: “Nói cho em biết cái này gọi là gì?” Nhưng cô Ann lập tức trả lời ngay: “Đ-ấ-t”, cô in từng chữ cái vào lòng bàn tay Helen.

Cô Ann làm đi làm lại nhiều lần. Helen không bỏ sót một động tác nào, và đến lượt em bắt chước: “đ-ấ-t”, “đ-ấ-t”. Bây giờ “đất” đã được đi vào, đã được khắc sâu trong trí nhớ của em. Em sẽ không bao giờ quên nó nữa.

Em cần phải biết, cần phải biết tất cả! Không được để mất một phút nào! Nhanh lên! Phấn chấn và vui mừng khô xiết, Helen bổ từ chỗ này sang chỗ khác, nắm tất cả những gì có thể chạm phải. Và những ngón tay của Người Lạ không ngừng nói cho cô bé: c-à-n-h, g-i-ế-n-g, c-â-y n-h-o. Helen cắm đầu chạy, và em va vào chân chị hầu gái đang bế em bé ra vườn chơi. Em bé mà Helen đã từng rất ghét, giờ đây Helen ngày càng bớt ghét nó hơn, từ khi cô Ann đến và giáo dục em. Nhưng đối với Helen, Mildred vẫn không có tên. Đó vẫn là nó, là một vật, một kẻ đối địch…Helen sờ thấy ngay đứa bé, cô bé chạy về phía Ann. “Đấy là cái gì? Cô trả lời nhanh đi”. “E-m b-é”… Helen nhận ra rồi, Ann đánh vần các chữ này suốt. Bây giờ từ đó đã mang một ý nghĩa: nó, cái vật ấy, là “e-m b-é”. Tất cả đều gắn với một vật nào đó, tất cả đều muốn nói một cái gì đó.

Đột nhiên Helen dừng phắt lại, có vẻ đang suy nghĩ lung lắm. Rồi em hổn hển nắm lấy tay Người Lạ, giật giật.

– Thế cô, cô là gì? – bàn tay ấy đang hỏi

Ann hiểu rõ câu hỏi mà cô trò nhỏ sốt ruột muốn biết, cô đánh vần:

– C-ô g-i-á-o.

Chậm, rất chậm, rồi nhanh dần, và đến lượt Helen viết lại: c-ô g-i-á-o.

Vậy là từ bây giờ sẽ chấm dứt. Không còn Người Lạ nữa, không còn sự căm thù, không còn chút ngờ vực nào của Helen đối với Ann nữa. Thực ra những điều đó cũng đã dần tan biến, nhưng vẫn còn đôi chút băn khoăn nào đó nơi sâu thẳm trái tim cô bé. Giờ đây, trong ánh chớp sáng vừa lóe lên, Helen đã hiểu: cô Ann đang mang đến cho em tất cả nhận biết về thế giới quanh em, nhờ có cô mà những cánh cửa nhà tù đang giam hàm em sẽ bị phá tung.

C-Ô G-I-Á-O! Đấy là cái từ quan trọng nhất, cái từ mở khóa cho tất cả. Đấy là từ đẹp nhất, vậy mà cô Ann Sullivan chưa bao giờ viết cho em.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.