Bà Đại Sứ

7. Say mê học



Suốt ngày này sang ngày khác, Helen mê mải học các từ mới. Cô bé ghi nhận rất nhanh. Những ngón tay cô Ann không ngừng chạy trong lòng bàn tay Helen, ghép vần, ghép vần mãi. Khi Helen đã khá quen với các danh từ, cũng là lúc một nhiệm vụ mới được đặt ra. Helen chưa biết ghép câu. Cần bắt đầu làm việc đó.

Ann Sullivan nói chuyện với bà Keller.

– Helenồi chúng ta còn nhỏ, chúng ta học như thế nào nhỉ? Bằng cách nghe những người khác ư? Đúng là như thế rồi. Helen cũng sẽ học bằng cách ấy, em sẽ nghe trong bàn tay lời những ngón tay nói.

Bà Keller cũng đồng ý như vậy. Bây giờ bà luôn tán thành những điều cô Ann nói.

– Nhưng cô có nghĩ như thế thì sẽ rất lâu không? – bà rụt rè.

– Có lẽ là sẽ nhanh hơn chúng ta tưởng đấy – Ann sôi nổi trả lời – Helen rất thông minh, nhanh nhạy mà. Lúc đầu, em sẽ không hiểu các từ mới ta viết ra trên tay, nhưng em sẽ nhận ra các từ em đã biết, chúng sẽ giúp em liên kết cả câu và tôi tin rằng thậm chí ngay bây giờ em đã cảm thấy sự cần thiết của việc đặt câu, dù rất mơ hồ. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự kiện thể hiện trí thông mình đặc biệt của cô bé rồi đấy. Ngay ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu nhé.

Cho đến thời điểm đó, Helen chỉ mới biết đến các danh từ, tên các đồ vật, tên mọi người trong nhà, tên những con vật nhỏ em thường chơi cùng… Trước khi có thể đặt câu, em phải học dùng các động từ: là, chạy, đi, tới, đến… và các giới từ nữa: trong, trên, tại, từ…

Cô giáo đưa cho em những mảnh bìa, trên đó có in nổi các từ mà em đã biết: hộp, bàn, Helen, tủ.

Helen lướt các ngón tay lên mấy mảnh bìa. Mỗi lần em sờ xong một từ, Ann lại đánh vần các từ đó vào lòng bàn tay em. Cô bé hiểu rất nhanh. Những vết gồ ghề cộm lên dưới mấy đầu ngón tay cũng dành để thể hiện tên thứ mà cô An đang ghép vần trên tay em. Mỗi một nhóm các vết ấy lại thể hiện một tên khác nhau.

Sau khi đã học nói, giờ đây Helen đang học đọc.

Cô bé thích lắm. Trò chơi mới này rất cuốn hút Helen. Chốc chốc em lại giật giật tay cô Ann ý bảo “chơi nữa đi”.

Cô Ann liền đưa cho Helen mấy mảnh bìa có các vệt nổi mà Helen không hiểu được: “Ở” và “TRÊN”. Cô Ann không cố tìm cách giải thích cho Helen mà lại bày ra một trò chơi mới.

Cô đặt một chiếc hộp lên mặt bàn. Sau đó, cô đặt từ HỘP lên chiếc hộp, đính từ BÀN vào cái bàn. Giữa hai mảnh bìa ấy, cô gắn từ Ở và TRÊN.

Cô cho Helen dò tay lên tất cả những vật đó. Helen hơi phân vân khi sờ thấy các từ Ở và TRÊN, nhưng lại phấn khởi khi nhận ra các từ HỘP và BÀN.

Trò “những từ không biết” thật còn hay hơn cả những trò chơi thú vị trước đây. Đúng như Ann dự đoán, Helen hiểu rất nhanh cách xây dựng câu. Trí tuệ em phát triển hoàn toàn bình thường, thậm chí còn thông mình đặc biệt so với lứa tuổi. Em không dễ hài lòng với cách giao tiếp rời rạc, không có sự liên hệ nào giữa từ này với từ khác. Đòi hỏi về cú pháp đến với em như một điều dĩ nhiên.

– Cô bé ham học quá! – Cô Ann sung sướng nói với bà Keller – Bà đến mà xem Helen đã làm gì này.

Ann dẫn bà Keller vào phòng Helen: cô bé đang đứng trong tủ tường, cánh tủ mở rộng. Trên váy mình, cô bé gài tấm bìa HELEN. Dưới đất, bên cạnh chân mình, cô bé rải các chữ Ở, TRONG và TỦ!

– Helen làm tất cả một mình đấy! – Ann Sullivan đầy tự hào – Đây là lần đầu tiên cô bé viết!

Chưa hết tháng Tư, Helen đã tạo được khá nhiều câu, tuy không phải luôn luôn hoàn hảo, nhưng chúng luôn “muốn nói một điều gì đó”. Cô bé tập sửa các câu đó nhờ sự giúp đỡ của cô Ann.

Vừa học đặt câu bằng các mảnh bìa, Helen vừa tiếp tục học đọc. Cô Ann vẫn dùng phương pháp như đã từng dạy Helen nói và hiểu bằng chữ tay; Helen được học cách nhận biết tổng thể chứ không học riêng từng chữ cái.

Ann Sullivan đã nhờ người gửi từ Boston vài cuốn sách nhỏ in nổi. tập sách gồm những câu chuyện nhỏ rất ngắn và rất đơn giản dành cho người mới tập đọc. Những ngón tay Helen lướt trên trang sách, em nhận ra các từ quen thuộc và những từ hơi giống với các từ đã biết, chúng giúp cô bé hiểu được sơ sơ nội dung các câu chuyện và giúp em làm quen với cú pháp. Dần dần, cô bé học thêm được những từ mới, những cụm từ thường dùng và những cách diễn tả …

Không bao giờ Helen bị ấn tượng rằng mình đanh phải học, đang phải làm việc. Các bài học là những trò chơi rất thú vị; không hề có những giờ phải học, mà chỉ có những khám phá liên tiếp. Có lẽ vì cô Ann Sullivan đã từng bị mù, đã từng chăm sóc những đứa trẻ mù nên cô có một khả năng miêu tả sinh động đáng ngạc nhiên. Cô biết cách kể cho Helen những khung cảnh của cuộc sống xung quanh và không bao giờ làm cô bé buồn chán do phải tập trung quá căng thẳng.

Ann Sullivan cố ý tạo ra những buổi học thật thoải mái. Với Helen, lúc học đọc cũng là lúc được cảm nhận hương thơm của nhựa thông và của cỏ lông chim. Ngồi dưới bóng mát của bụi hoa Tuylip dại, bên cạnh cô giáo, Helen lướt ngón tay khéo léo, nhẹ nhàng trên những dòng chữ nổi. Đâu rồi cô bé hung hăng, dữ dằn thuở trước?

Trang trại của gia đình Keller sinh sống nằm ở ngoại ô Tuscumbia. Cô Ann thường dắt Helen dạo chơi trên những cánh đồng gần đó, nơi các bác nông dân đang cày cuốc, gieo trồng. Cô cho Helen ấp tay lên những luống đất vừa được cày xới, ấm nóng dưới nắng mặt trời. Một hôm, cô cho Helen một nắm hạt giống và dạy em cách gieo hạt xuống đất. Vài tuần sau, cô cầm tay Helen, cho em chạm tay vào những chồi non bé xíu đầu tiên đã nảy lên từ những hạt giống ấy.

Mùa xuân này là mùa xuân đầu tiên của Helen. Có rất nhiều những chú ngựa con, bê con, cừu con ra đời trong trang trại. một hôm, cô đặt vào tay Helen một chú lợn con mũm mĩm, nó ngọ nguậy trong tay em và đòi chui ra. Helen cười thành tiếng và cố ôm nó thật chặt! Em thích thú vuốt lớp lông dày và mịn màng của chú lợn con. Cô Ann đặt tay Helen lên cổ họng chú lợn con để em cảm thấy những rung động nơi cuống họng, chú lợn đang kêu eng éc chói tai. Đó là “bài học đầu tiên về âm thanh”, nhưng Helen, thậm chí cả cô Ann đều không biết ràng bài học ấy sau này sẽ còn được tiếp nối bởi nhiều điều kỳ diệu khác. Helen có hàng ngàn thứ phải học đang chờ.

Các bài học về khoa học tự nhiên là hấp dẫn và thú vị nhất. hai cô trò học trong vườn, trong tàu ngựa, chuồng bò, sân nuôi gà,… Helen đã sung sướng lặng người khi cô giáo cho em chạm vào một quả trứng, đúng lúc chú gà con mổ một cú đầu tiên trong đời để chui ra khỏi vỏ!

Helen cũng rất vui khi cô Ann dạy em trèo cây. Ban đầu, Ann thận trọng đỡ từng tay, rồi từng chân cô bé, lần lần từ cành này sang cành khác. Cô bé Helen giờ có một niềm tin tuyệt đối vào cô giáo, em hăng hái làm theo những hướng dẫn của cô Ann, không hề sợ bị ngã. Em trèo càng lúc càng nhanh và càng ngày càng lên cao một cách rất khéo léo, lên mãi tít lên cái cây mà cô bé thích nhất – cây anh đào dại. Helen ngồi ở đó với cô giáo hàng giờ, vắt vẻo trên cành cây cao, những ngón tay chăm chỉ chạy ngang những trang sách giáo sư Michael Anagnos gửi tới từ Boston.

Một buổi sáng, trời rất nóng, sau khi đi dạo về, cô Ann và Helen trèo lên cây. Thật tuyệt, ngồi dưới bóng của những tám cây to, mát mẻ hơn rất nhiều. Cô Ann gợi ý ăn trưa ở trên cây. Giờ, Helen đã hiểu được hết tất cả những gì mà cô Ann đánh vần trên tay em. Em chẳng hề lo ngại khi cô Ann bảo “Chờ cô chút nhé! Cô sẽ mang đồ ăn lại.”

Để Helen ngồi thu lu trên chạc cây như một con sóc nhỏ, cô Ann đi vào nhà để kiếm mấy chiếc bánh mỳ cho cuộc picnic.

Hóa ra cô phải vắng mặt lâu hơn mình tưởng. Bác đầu bếp da đen cứ nhất định muốn cô mang đi hai phần bánh ga tô bác làm đã gần chín. Và trong lúc chờ, bác lúi húi sắp vào chiếc giỏ mây một “bữa trưa của một ông vua”. Vậy mà cô Ann chỉ định lấy bánh mỳ và giăm bông rồi đi ngay.

Helen cảm thấy rất rõ thời tiết đang thay đổi. Em đoán bầu trời đang bị mây che phủ, vì em không cảm thấy cái ấm nóng của nắng nữa, sự ấm nóng đó với em biểu hiện cho “ánh sáng”. Mùi đất ẩm đang lan trong không khí khiến em đoán trời sắp mưa. Không một dấu hiệu nào báo trước về cơn bão bị Helen bỏ qua! Cô bé bắt đầu thấy khủng hoảng tinh thần. Em đang chỉ có một mình! Em hoàn toàn chỉ có một mình, em đã bị bỏ rơi!

Xung quanh Helen luôn là im lặng tuyệt đối, nhưng em cảm thấy rõ sắp xảy ra chuyện gì đó.

Một trận cuồng phong bất ngờ ào đến, thổi rạp những tán cây, rồi kéo chúng ngả nghiêng về mọi hướng. Cô bé run lên vì sợ và cố hết sức bíu chặt vào cành cây to mà em đang ngồi trên đó. Các nhánh cây nhỏ gãy răng rắc, từng đám lá bị bứt khỏi cành, theo gió bay rào rào sượt qua má cô bé.

Một tiếng sấm nổ vang nơi chân trời. Helen không nghe thấy tiếng sấm, nhưng em hoàn toàn cảm nhận được: những rung chuyển bất thường mạnh ghê gớm làm Helen càng hoảng hốt hơn. Đúng vào lúc những hạt mưa lớn bắt đầu rơi, Helen được một bàn tay vội vàng túm chặt lấy và em mừng rỡ khô tả nhận ra: bàn tay của cô giáo. Cô bé nhào vào vòng tay Ann: em đã được cứu thoát, nhưng nỗi sợ khủng khiếp trong em vẫn gần như nguyên vẹn.

Nhiều ngày sau cơn bão, chuyện trèo cây không còn được bàn đến nữa. Helen quay bước sang hướng khác khi tới gần cây anh đào; còn cô Ann dù rất buồn nhưng không muốn ép cô bé, vì cô thấy rõ cô trò nhỏ vẫn chưa hoàn toàn bình tĩnh trở lại.

Một buổi sáng, từ lúc sớm, Helen một mình ra vườn. Một mùi thơm tuyệt diệu lan tỏa khắp không gian. Thận trọng, em đi chầm chậm về phía cuối khu vườn, vì em nhận ra đó là hương hoa Mimoza mọc gần hàng rào. Cái cây ở đây rồi, đúng vậy, tắm trong ánh nắng mặt trời, những cành có hoa rủ gần sát đất.

Helen dừng bên gốc cây, một thoáng ngần ngại, rồi vẫn rờ rẫm, em dè dặt đặt chắc chắn một chân lên chạc cây chia thân thành ba nhánh chính; em bắt đầu leo dần, leo dần lên cao, từng cành, từng cành… Những cành cây này thật to, vỏ cây thật sần sùi, Helen trèo lên khá khó khăn, thậm chí còn sướt sát cả tay. Dù vậy em vẫn tiếp tục, em có cảm giác như mình đang thực hiện một hành động anh hùng, nó làm trào dâng trong em một niềm tự hào khó tả.

Quả đúng như vậy, một hành động anh hùng! Helen đã ngồi trên cành cây cao, giữa hương hoa Mimoza, có một chút ấn tượng mình giống như những kỵ sĩ dũng cảm trong những cuộc phiêu lưu em từng được đọc.

“Vậy là xong!” – em tự nhủ, lòng đầy kiêu hãnh, em đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ ai đó đã đóng chắc chắn vào thân cây ở trên cao, nó nằm đó khá lâu rồi. “Mình đã làm được, không khó khăn mấy… Từ bây giờ, mình sẽ không bao giờ sợ nữa và mình sẽ làm được tất cả!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.