Bà Đại Sứ

9. Kiểu chữ viết khác



Học viết bằng bút chì không dễ. Helen phải rất siêng năng. Dạo này, nét viết đã có vẻ đều đặn, mềm mại hơn; không còn lằn sâu xuống và thậm chí làm rách cả giấy nữa. Bàn tay cô bé không còn quá co quắp như những ngày đầu cầm bút. Cô bé tò mò bây giờ lại có một vấn đề mới để quan tâm.

Em phát hiện ra thỉnh thoảng cô Ann viết những bức thư không dùng bút. “Những bức thư này” khiến Helen thắc mắc. Em muốn biết tất cả mọi thứ, muốn làm tất cả mọi điều cô Ann làm.

Một sáng, em thấy cô Ann đang dùng một cái dùi nhỏ chọc các lỗ trên một mảnh kim loại mỏng.

Helen chưa biết cách đặt câu hỏi cho những điều mình quan tâm. Bây giờ đang là tháng 6, tức là cô Ann mới tới đây hơn ba tháng. Nhưng khi Helen nắm lấy tay cô Ann, cũng như bao lần khác, cô Ann hiểu ngay:

– Cô đang làm gì đấy? – bàn tay nóng nảy ấy đang nói. Ann đặt cái dùi xuống và viết vào tay Helen:

– Đợi cô một lát, cô sẽ chỉ cho em.

Helen chờ, im lặng và ngoan ngoãn, như những khi em biết rằng cô Ann đang sắp dạy em một điều mới. Cô giáo còn dùi thêm vài lỗ nữa, rồi rút các tờ giấy dày ra, đặt sang bên và đưa cho Helen mảnh kim loại.

Dụng cụ này được làm từ hai thanh kim loại dẹt, có dạng gần như chiếc thước kẻ nhỏ thường thấy trong cặp các cô cậu học sinh. Hai thanh đó gắn với nhau ở một cạnh nhờ một bản lề. Thanh bên trên có những lỗ nhỏ và thanh phía dưới có những chấm nổi tương ứng.

Cô Ann cầm lại miếng kim loại. Cô gài vào đó một tờ giấy dày, gập hai thanh kim loại lại với nhau như kiểu người ta làm khuôn bánh kẹp, rồi đưa cả cho Helen.

– Cầm lấy nào – Cô nói với em – bây giờ em chơi với nó nhé. Cô đặt chiếc dùi vào tay em và dạy em cách dùi lỗ.

Helen bắt đầu đục xuống tờ giấy với vẻ rất nghiêm túc. Em không biết vì sao lại làm như vậy, nhưng em vẫn đầy tin tưởng. Những trò chơi cô An dạy em đã mở ra cho em biết bao cánh cửa, cho em biết bao điều mới lạ! Cái thời của nhà tù tối tăm lặng ngắt đã rất xa rồi!

Khi Helen đã dùi được rất nhiều hàng lỗ, cô Ann mở cái khuôn và lấy tờ giấy ra. Cô lật úp tờ giấy xuống và cho Helen sờ các chấm nổi. Khi xuyên qua các lỗ, mũi dùi đã ấn giấy xuống các chỗ lõm và in lên giấy những chấm nổi như vậy.

Hay thật đấy, Helen thích mê. Em không ngừng ấn dùi lên tờ giấy rồi lại rút giấy ra để sờ lên những dấu nổi vừa làm được.

Bây giờ em muốn biết nhiều hơn về nó. Bàn tay đặt trên nắm tay cô Ann hỏi:

– Cái này để làm gì?

– Đây là một cách viết khác – Cô Ann trả lời.

Helen rất thắc mắc. Em hiểu rất rõ thế nào là viết và em rất tự hào vì mình cũng đã có thể viết được. Sao người ta có thể viết bằng cách đục lỗ nhỉ? Viết, đó là vạch các chữ cơ mà.

“Nhiều thứ buồn cười thật” – Helen tự nhủ.

Hầu hết những gì cô Ann dạy em, ban đầu đều kỳ quặc, khiến em ngỡ ngàng, lúng túng. Dần dần, nó cuốn hút em, khiến em thích thú, thậm chí say mê. Vậy, cứ tiếp tục đục tờ giấy này đi và kiên nhẫn chờ xem điều mới mẻ tiếp theo là gì.

Helen làm việc cho đến khi không còn chỗ nào trên tờ giấy dùi được lỗ nữa. Em khua tay để đưa cho cô Ann “bài tập” của mình, nhưng cô đi đâu mất rồi. Cô bé đi xuống vườn và bắt gặp mẹ cùng cô giáo đang ngồi trên ghế xích đu, tay phe phẩy quạt, trời nóng quá.

Helen đưa cho cô Ann tờ giấy, những ngón tay vội vã:

– Thư! Thư!

– Tôi không nghĩ Helen lại biết đó là tôi đang viết thư! – cô Ann reo lên sung sướng – Tôi phải mau mau dạy cho em viết và đọc bằng chữ Braille thôi. Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải chờ đến khi cô bé dùng thạo cây bút chì đã.

Cô Ann đợi đến cuối tháng 7. Cô bắt đầu dạy cho Helen dùng cách viết của người mù, được một người Pháp, Louis Braille phát minh ra năm 1830 và ông đã dùng tên mình đặt cho cách viết này.

Chữ Braille chỉ dùng các chấm nổi, in trên giấy dày, để người mù có thể đọc dễ dàng bằng các đầu ngón tay. Mỗi một nhóm các chấm thể hiện một chữ cái.

– Một chấm là chữ “a”, cũng như cái chữ “a” mà em viết bằng bút chì ấy – cô Ann giải thích cho Helen – hai chấm là chữ “b”…

Helen hiểu ngay và học rất nhanh bảng chữ Braille. Em rất hồ hởi khi cô Ann đưa cho một cuốn sách in bằng chữ Braille. Theo em, việc đọc chữ Braille dễ hơn nhiều so với việc phải lần tay theo các chữ cái nổi có hình dạng đầy đủ thông thường

– Bây giờ mình học viết chữ Braille nhé – cô Ann nói – cái bảng nhỏ mà em hay chơi đó là “thước Braille”, còn cái em dùng để đục các lỗ gọi là “bút dùi”.

Cô Ann chờ cho Helen gài một tờ giấy vào thước Braille, em làm rất khéo, bởi qua mấy tuần em đã quen làm việc này rồi. Sau đó Helen cầm bút dùi và bắt đầu dùi lỗ theo hướng từ trái sang phải như em vẫn viết bằng bút chì trước đây.

Cô Ann khẽ lắc đầu thở dài. Lại có một khó khăn lớn hơn đang chờ cô giải quyết. Cô nghĩ ngợi hồi lâu, trong khi Helen say sưa với cách viết mới dễ dàng hơn đối với em. Cô Ann dừng tay Helen, đưa cho em một tờ giấy mỏng và một cây bút chì. Cô cầm tay em viết chữ “bát”, và ấn ngòi bút thật mạnh (khác hẳn với cách viết cô vẫn dạy em viết từ trước đến nay).

Khi quay ngược tờ giấy lại, Helen có thể sờ thấy các chữ cái ấy, như trong những cuốn truyện in nổi của em, nhưng đây là mặt trái nên em sờ thấy chữ “tàb”.

Cô Ann cũng đục từ “bát” bằng chữ Braille lên giấy dày cho Helen, từ trái sang phải; sau khi rút tờ giấy ra rồi úp xuống, lập tức lại hiện ra các chữ cái ngược như khi viết bằng bút chì.

Một lần nữa, cô Ann gài giấy vào thước Braille, cầm tay Helen, cho em đục chữ “bát” từ phải qua trái, chứ không phải từ trái qua phải như cách dùng bút chì. Rồi cô bỏ thước ra khỏi tờ giấy, lật giấy lại, từ “bát” đã hiện ra theo đúng trật tự.

Helen ngồi lặng đi hồi lâu, rõ ràng em đang rất cố gắng để suy nghĩ, để tập trung các thông tin, rồi em cầm lấy dùi và đục các từ khác, lần này thì từ phải qua trái.

Em lấy nhanh tờ giấy ra khỏi kẹp. Những từ dưới ngón tay em bây giờ xếp rất thẳng hàng, hiện ra bằng dạng các dấu chấm, thật rõ ràng và dễ đọc. Cô Ann vỗ nhẹ lên vai em như khen ngợi, còn Helen bật cười sung sướng, em lại vừa biết thêm một điều mới lạ.

Cô Ann cầm tay em bảo:

– Đúng rồi! Em hiểu mau lắm! Bây giờ em chỉ cần tập thật nhiều để viết được thật nhanh.

Helen phát hiện ra viết bằng chữ Braille hay hơn viết chữ bút chì rất nhiều, bởi nó không chỉ dễ viết mà khi lật mặt giấy em có thể đọc lại những gì mình đã viết. Em muốn viết tất cả các thư đều bằng chữ Braille, đơn giản và thật thú vị.

Cô Ann ngần ngại trước khi giải thích cho em tại sao không thể viết mọi bức thư bằng chữ Braille. Liệu Helen có biết rằng những người xung quanh em đang nhìn bằng những đôi mắt của họ không? Không một thái độ nào của cô bé trả lời được cho Ann Sullivan. Rất lâu sau này, khi Helen đã biết giải thích các điều em nghĩ, em kể rằng em vẫn còn giữ một chút ký ức mơ hồ về quãng đời “trước”, khi chưa bị trận ốm tàn tệ quật ngã, chút ký ức mơ hồ về ánh sáng và màu sắc. Nhưng lúc đó, những kỷ niệm ấy bị vùi sâu trong vô thức. Helen không biết những người khác không giống như em.

Cuối cùng, cô Ann dịu dàng cầm tay Helen và giải thích với em:

– Không phải tất cả mọi người đều biết đọc chữ Braille như em đâu, cô bé ạ. Phần lớn họ chỉ biết viết bằng bút chì trên giấy thông thường thôi. Nên ta vẫn phải tiếp tục tập viết bằng bút chì, để có thể viết thư cho tất cả những người mình muốn. Vì họ, em cần phải tiếp tục tập luyện đấy.

Helen rất hài lòng. Ann Sullivan cũng vậy, điều cô mong muốn hơn cả là Helen có được niềm vui sống và đến một lúc nào đó em hiểu được giá trị những quà tặng phi thường mà em có. Bị tật nguyền do bệnh hiểm nghèo, nhưng em được sở hữu một trí tuệ tuyệt vời, hơn hẳn phần lớn những người em đã và sẽ gặp trong tương lai. Bây giờ, Ann Sullivan hoàn toàn có thể khẳng định cô trò nhỏ Helen có “khả năng thiên tài” thực sự. Nhưng bởi Ann quá khiêm nhường, quá giản dị và quá say mê với công việc để có thể nghĩ về riêng mình, nên cô chưa bao giờ nhận ra rằng nếu không có cô thì khả năng thiên tài ấy chẳng được ai biết đến, kể cả Helen.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.